Xã luận | The Straits Times |
Lê Thiên Hà dịch
Những ngày này, Hoa Kỳ tìm thấy nhiều điểm tương đồng với Việt Nam tới mức tuần qua họ đã dành cho Chủ tịch Trương Tấn Sang một sự chào đón nồng ấm đặc biệt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Tổng thống Barack Obama cần tìm cách mở rộng mối quan hệ an ninh và kinh tế với một nước cựu thù. Cứ như lời của cựu thủ tướng Anh Lord Palmerston mà nói thì một quốc gia không có “kẻ thù vĩnh viễn” mà chỉ có “lợi ích vĩnh viễn”.
Để theo đuổi “lợi ích vĩnh viễn” của quốc gia, năm ngoái Obama đã quyết định triển khai chính sách xoay trục sang Châu Á trong một động thái động thái rõ ràng là nhằm kiềm chế một Trung Quốc đang tỏ ra quyết đoán. Việt Nam hoàn toàn phù hợp với vị thế một quốc gia đối trọng trong chiến lược này.
Những yếu tố địa chiến lược đó lý giải nhiều khía cạnh trong công cuộc hợp tác khẩn trương này: Cam kết ký kết hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và một mối quan hệ “đối tác toàn diện” nhằm thắt chặt mối quan hệ an ninh – một nhu cầu mà Việt Nam cũng tỏ ra sốt sắng trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Trường Sa.
Chủ tịch Trương Tấn Sang và TT Obama tại Nhà Trắng ngày 25.7.2013 |
Lợi ích kinh tế chung sẽ đưa hai nước xích lại gần nhau. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường lớn nhất cho các sản phẩm chế tạo của Việt Nam, vốn tìm thấy ít nhu cầu ở Trung Quốc, ngay giữa lúc hàng hoá Trung Quốc rẻ tiền tràn ngập thị trường Việt Nam, gây ra mức thâm hụt 16,4 tỷ USD vào năm ngoái. Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu dầu, cao su và than đá từ Việt Nam , quốc gia đang lo sợ là nó đang ngày càng lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc về về hoạt động mua bán và đầu tư như thế. Ngược lại, Việt Nam đạt mức thặng dư mậu dịch 15,6 tỷ USD với Mỹ vào năm ngoái.
Tuy nhiên, Việt Nam và Hoa Kỳ cần nhận ra giới hạn trong chiến lược đối trọng của họ. Hà Nội có thể không bao giờ hoàn toàn chắc chắn về vai trò mà Hoa Kỳ sẽ thực thi một khi bối cảnh địa chính trị thay đổi phù hợp với sự thay đổi của tình hình trong khu vực. Chẳng hạn, bất chấp giá trị đối trọng với Trung Quốc và Liên Xô, Việt Nam lại từng nhìn thấy nỗ lực chiến tranh của nó bị đe doạ khi hai cường quốc cộng sản khục khặc với nhau.
Ký ức chiến tranh dần biến mất, song Hoa Kỳ lại không thể đánh mất sự quan tâm đến một lợi ích khác trong số những lợi ích vĩnh viễn của họ, cho dù nó được theo đuổi bất cập đến đâu – nhân quyền. Một trở ngại thực sự đặt ra ở đây là thành tích nghèo nàn của Việt Nam – bỏ tù các nhà hoạt động chính trị đối lập, các blogger bất đồng chính kiến và các lãnh đạo tôn giáo; vấn đề lại càng xấu đi bởi nạn tham nhũng hoành hành.
Obama đã khéo léo nêu vấn đề này lên một cách công khai trong chuyến công du của người đứng đầu nhà nước Việt Nam : “Tất cả chúng ta phải tôn trọng những chủ đề như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp. Và chúng tôi đã có cuộc trao đổi rất thẳng thắn về cả những tiến bộ mà Việt Nam đang đạt được cũng như những thách thức còn tồn tại.” Tuy nhiên, mối quan ngại sâu sắc về sự đối xử tệ hại dành cho giới công nhân và những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam rõ ràng vẫn khiến nhiều nhóm ở Mỹ bận tâm và không thể bị bỏ qua. Một hiệp định TPP thiếu những cam kết mạnh mẽ về những chủ đề phi thương mại như thế có thể sẽ gặp phải khó khăn để được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn.
Nguồn: The Straits Times / Defend the Defenders
No comments:
Post a Comment