Hai cựu thù nhận được sự đối xử khác nhau từ chính quyền Obama
The Economist | 3.8.2013 |
Lê Thiên Hà dịch
Ngày 25.7 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã chào đón người đồng cấp Việt Nam, Trương Tấn Sang, tới thăm Nhà Trắng. Đây mới chỉ là chuyến thăm thứ hai của một người đứng đầu nhà nước Việt Nam kể từ khi hai quốc gia cựu thù này bình thường hoá quan hệ năm 1995. Cuộc gặp đã đưa mối quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới, đó là “quan hệ đối tác toàn diện”.
Hãy so sánh thứ tình cảm tràn trề đó với cách đối xử mà Hoa Kỳ vẫn dành cho nhà lãnh đạo của Campuchia, một đất nước cũng từng phải hứng chịu những cơn mưa bom khủng khiếp của Mỹ trong hai thập niên 1960 và 1970.
Khi ông Obama gặp Thủ tướng Campuchia Hunsen trong lần duy nhất ở Phnom Penh năm ngoái, những người phát ngôn của Mỹ đã tự chuốc lấy phiền toái khi nhấn mạnh rằng cuộc gặp đã diễn ra trong bầu không khí “căng thẳng”, bởi ông Obama lên lớp nặng nề ông Hun Sen về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Campuchia. Đường lối cứng rắn của Tổng thống Hoa Kỳ nhận được sự hậu thuẫn từ một cuộc vận động hành lang ồn ào của các chính khách Hoa Kỳ, những người đòi chính phủ cắt giảm viện trợ nếu các cuộc bầu cử ở Campuchia là không “đáng tin”. Một số người thậm chí còn muốn các tổ chức quốc tế đang tài trợ cho công cuộc tái thiết của Campuchia, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đưa ra lời đe doạ tương tự.
Liệu các nhà lãnh đạo Việt Nam có xứng đáng được ôm ấp trong khi các nhà lãnh đạo Campuchia lại bị giữ khoảng cách như vậy hay không? Về tiêu chí dân chủ và nhân quyền thì có lẽ là không.
Cuộc bầu cử mới đây ở Campuchia không phải là hoàn hảo, song phần lớn các nhà quan sát đều cho rằng nó đã diễn ra công khai và cạnh tranh hơn so với hai cuộc bầu cử trước (kết quả bầu cử đã chứng thực cho điều đó). Đảng CS cầm quyền ở Việt Nam lại không hề bận tâm đến chuyện bầu cử. Họ cũng không chấp nhận bất kỳ hình thức cạnh tranh chính trị nào. Đàn áp diễn ra khắp nơi. Theo tổ chức vận động cho nhân quyền Human Rights Watch, số vụ kết án các blogger và những người chỉ trích khác trong nửa đầu năm 2013 về những tội danh như “tuyên truyền chống phá nhà nước” đã vượt quá số vụ kết án tương tự của cả năm ngoái. Phong cách chuyên quyền của ông Hun Sen rõ ràng là lỗ mãng, song dường như nó đã giảm bớt đôi chút.
Ở Washington, một số ít nhà lập pháp Hoa Kỳ, với sự hậu thuẫn của cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn tiếng, đã than phiền về sự đối xử nhẹ nhàng với giới lãnh đạo hiện tại của Việt Nam. Song không còn ai khác tỏ ra là đang lắng nghe.
Lý do đằng sau sự đối xử phân biệt nằm ở thực tế là chính quyền Obama đã chọn Việt Nam làm một đồng minh trong chính sách an ninh “xoay trục” sang Châu Á của Mỹ. Đây là một quyền lực khu vực đáng kể, và quan trọng hơn, Việt Nam tỏ ra dũng mãnh một cách đáng khâm phục khi đối mặt với đối thủ mới của Hoa Kỳ là Trung Quốc trong các vụ tranh chấp biển đảo. Hoa Kỳ cũng muốn Việt Nam tham gia liên minh thương mại tự do mới của họ, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và dường như sẵn sàng bỏ qua nhiều thứ vì những mục tiêu địa chiến lược đó. Ngược lại, Campuchia là đồng minh chính của Trung Quốc trong khu vực và sẽ không sớm tham gia TPP. Chính trị thực dụng, từng một thời thịnh hành trong những năm 1970, nay đã trở lại.
Nguồn: The Washington Post / Defend the Defenders
No comments:
Post a Comment