Friday, August 16, 2013

Sinh viên ngày càng mất hứng thú với các văn bằng về chủ nghĩa Marx buộc chính phủ Việt Nam phải miễn học phí

AP | 15.8.2013 |
Người dịch: Lê Anh Hùng



Hà Nội, Việt Nam — Các lực lượng thị trường đang vận hành trái ngược với những gì mà người ta vẫn thuyết giảng về Marx, Lenin và Hồ Chí Minh tại các trường đại học ở Việt Nam, nơi chính phủ cộng sản đã phải viện đến phương sách miễn học phí hòng thu hút sinh viên.
Tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký một nghị định miễn học phí cho những sinh viên đồng ý theo đuổi khoá học 4 năm về chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà cách mạng lừng lẫy của đất nước, tại các trường đại học công lập.
Sinh viên vẫn đang tránh những văn bằng này bởi các nhà tuyển dụng không quan tâm đến chúng, Phạm Tấn Hà, trưởng bộ phận tuyển sinh và đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Quốc gia Tp HCM, cho biết. Văn bằng về những chuyên ngành như viễn thông, du lịch, quan hệ quốc tế và Tiếng Anh được ưa chuộng hơn bởi sinh viên tin là “họ sẽ có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao sau khi tốt nghiệp”, ông nói.
Những sinh viên nghiên cứu một số chuyên ngành y khoa nhất định như lao phổi và bệnh phong cũng được miễn học phí theo nghị định. Thông thường họ sẽ phải trả một mức học phí tương đương 400USD mỗi năm.
Hiện tại, tất cả các sinh viên Việt Namđều phải theo học ít nhất 3 môn về chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, song chỉ ít người quan tâm nhiều hơn yêu cầu tối thiểu đó.
Việt Nam nằm dưới sự cai trị của chế độ cộng sản song đã tiến hành những cải cách thị trường tự do trong những năm 1980. Những ngày này, quá khứ của đất nước thể hiện rõ ràng nhất qua khu vực doanh nghiệp nhà nước khổng lồ và kém hiệu quả, bộ máy đàn áp nhà nước, những bức tượng hay toà nhà thời Soviet đây đó và những liên minh còn lay lắt với các nước cánh tả khác.
Kiếm việc làm – chứ không phải những nét khang khác của một hệ tư tưởng chính trị và kinh tế đã bị ngờ vực và đối nghịch với thứ chủ nghĩa tư bản đang vận hành xuyên khắp các đô thị ở Việt Nam – mới là mối quan tâm hàng đầu của phần lớn giới trẻ Việt Nam cũng như gia đình họ.
Hơn 60% trong dân số 90 triệu người của Việt Nam ở dưới độ tuổi 30, một ưu thế dân số có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế cao ở các nước đang phát triển. Cạnh tranh để giành được những công việc với mức lương cao sau khi tốt nghiệp đang diễn ra khốc liệt trong số khoảng 500.000 sinh viên tốt nghiệp và tham gia thị trường việc làm mỗi năm.
Nhiều nhà tuyển dụng, trong đó có những công ty đa quốc gia trông chờ vào các công ty môi giới nhân sự hay các ngành dịch vụ, phàn nàn về chất lượng của những sinh viên tốt nghiệp mà các trường đại học Việt Nam đang tạo ra. Ở đây có nhiều trường đại học dân lập tồn tại song song với hệ thống trường công lập, song với những người có tiền, du học ở nước ngoài lại được coi là lựa chọn tốt nhất.
Dương Văn Quang, một sinh viên năm thứ nhất ở trường Đại học Dược Hà Nội, nói rằng những sinh viên muốn gia nhập bộ máy chính quyền, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, là những người có nhiều khả năng tìm kiếm một văn bằng về triết học Marx-Lenin nhất. Anh cảm thấy thật bất công khi họ được miễn học phí, bất kể là môn học gì.
Những người khác gặp nhau trong giờ ăn trưa ở thủ đô Hà Nội cũng không hào hứng với những môn học như thế.
“Việc nghiên cứu chủ nghĩa Marx-Lenin khá khô khan và nhiều sinh viên không thích điều đó”, Trần Thế Anh, một sinh viên năm thứ năm 23 tuổi, bày tỏ. “Số lượng sinh viên theo đuổi các khoá học này rất khiêm tốn vì nhiều người trong số họ tin là sau khi tốt nghiệp sẽ khó tìm việc làm.”
Phan Thị Trang, một sinh viên dược khác, thừa nhận là các môn học đó có thể sẽ thú vị nếu cô nghiên cứu nhiều hơn. Nhưng hiện cô đã thấy đủ với chúng.
“Đơn giản là chúng không thể vận dụng vào cuộc sống hàng ngày của tôi”, cô nói.

No comments:

Post a Comment