Tuesday, August 4, 2015

Tạp chí Tuyên giáo xoá bài viết về kế hoạch xây thêm 58 tượng đài Hồ Chí Minh: Nhà chức trách cuống với dư luận?

Lê Anh Hùng



Dư luận trong và ngoài nước đang phẫn nộ trước thông tin Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La, một tỉnh nghèo ở biên giới phía Bắc, vừa ban hành Nghị quyết thông qua “Đề án Xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường tại Tp Sơn La”, với tổng mức đầu tư lên tới 1.400 tỷ VNĐ.
Thiên hạ lại càng tá hoả hơn khi biết rằng tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La chỉ là 1 trong số khoảng 58 tượng đài mà Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch đã lên kế hoạch sẽ xây dựng trên toàn quốc từ nay đến hết năm 2030, đưa tổng số tượng đài của người vỗ ngực tự xưng là “Cha già Dân tộc” lên con số 192 (hiện cả nước đã có 134 tượng đài Hồ Chí Minh các loại).
Điều đáng nói là người ta sẵn sàng vung tay chi những số tiền khổng lồ như trên để xây dựng tượng đài cho người mà họ ca ngợi là “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son / Mong manh áo vải hồn muôn trượng / Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” trong bối cảnh tại phần lớn các địa phương trong cả nước, người dân vẫn còn ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, hệ thống trường học tồi tàn…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La: "Tình trạng thiếu đói giáp hạt xuất hiện sớm từ tháng 1-2015 và cao điểm đến 5-3-2015 đói giáp hạt đã xảy ra ở 5 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Mộc Châu với 82.00 hộ và 36.031 nhân khẩu thiếu đói chiếm 3,13% tổng số hộ và 3,05% tổng số nhân khẩu toàn tỉnh"
Trước sự lên án mạnh mẽ của dư luận, nhà cầm quyền Việt Nam xem ra đã bắt đầu tìm cách đối phó. Bài “Xây mới thêm 58 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nay đến hết năm 2030” đăng trên trang mạng của Tạp chí Tuyên giáo từ ngày 23.4.2015, ngày hôm qua vẫn còn truy cập được, nhưng sáng nay đã biến mất một cách bí hiểm, hiện chỉ còn lưu trong bộ nhớ cache trên mạng.

Chúng tôi xin đăng lại bài viết đó dưới đây hầu giúp độc giả hình dung ra phần nào sự hoang phí đến mức rồ dại của cả bộ máy trong việc chi tiêu những đồng tiền thuế xương máu của nhân dân.
(TG) - Vừa qua, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi Hội thảo về “Tiêu chí, nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”.  Với đề xuất mới của Bộ VH – TT và DL thì từ nay đến hết năm 2030, các địa phương sẽ xây mới thêm khoảng 58 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước.
Theo số liệu thống kê hiện trên cả nước có 134 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh các loại. Trong đó, tại các khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị trên cả nước có 103 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (trong đó có 45 tượng “Bác Hồ với Bộ đội Biên phòng” được nhân bản từ một mẫu đặt ở khuôn viên 45 đơn vị bộ đội biên phòng trong cả nước). Tượng đài được xây dựng tại quảng trường, trung tâm hành chính, chính trị là 31 tượng. Ngoài ra vừa qua các tỉnh, thành phố đề xuất đưa vào quy hoạch xây dựng mới tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hết năm 2030 là 58 tượng đài.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc xây dựng quy hoạch tượng đài chưa được triển khai đồng bộ cùng với quy hoạch xây dưng của các địa phương trên toàn quốc. Một số tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng từ lâu, bằng chất liệu bê – tông, đến nay đã xuống cấp, một số không đạt yêu cầu về thẩm mỹ và kỹ thuật cần được thay thế hoặc thay bằng chất liệu khác phù hợp hơn.
Về xử lý kỹ thuật, trong khâu đúc kim loại chủ yếu bằng phương thức thủ công truyền thống đối với các công trình tượng đài lớn, nên một số tượng đài chưa đáp ứng được yêu cầu về nghệ thuật và kỹ thuật. Sau khi xây dựng xong, một số tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa phát huy được tác dụng do địa điểm dựng tượng không thích hợp và chưa có kế hoạch bảo quản, tu bổ thường xuyên, dẫn đến tình trạng xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của tượng đài. Nguyên nhân là do việc tính toán vị trí đặt tượng đài còn thiếu khoa học chưa phù hợp về địa điểm, không gian kiến trúc và không thuận lợi cho việc phát huy tác dụng, hiệu quả. Việc sáng tác, thi công, trong đó có cả phần xây dựng hạ tầng ở một số tượng đài còn chưa đồng bộ, chất lượng và hiệu quả nghệ thuật chưa cao, thể hiện sự hạn chế về tính chuyên nghiệp. Công tác đào đạo nhà điêu khắc, kiến trúc sư đầu ngành chuyên sâu về tượng đài nói chung, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng còn nhiều hạn chế. Còn ít công trình áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ cao vào công tác thi công, thể hiện, chuyển chất liệu đối với các tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn kinh phí dành cho xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là kinh phí công tác bảo quản, tu bổ, chỉnh trang trước kia chưa huy động được nguồn vốn xã hội hóa nên còn bị động, chưa nhất quán.
Theo đó, trong thời gian tới (dự kiến 12 tháng kể từ ngày Đề cương được phê duyệt) Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ xây dựng “Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”. Từ đó, xác định có tính chất tổng thể, gắn kết quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với quy hoạch kiến trúc – xây dựng của các địa phương trên toàn quốc. Tạo hành lang pháp lý, hoàn thiện công cụ quản lý Nhà nước cho các cơ quan quản lý, tránh hiện tượng xây dựng không đúng quy hoạch, không đảm bảo tính mỹ thuật và kỹ thuật công trình.
Theo họa sỹ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Dự kiến nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ căn cứ theo những tiêu chí sau: Những địa phương gắn với các sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam, ghi đậm dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với mốc lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước. Địa phương là quê hương, nơi Bác đã học tập, đến thăm và làm việc. Một số địa phương có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: “Xung quanh các vấn đề Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cần tập trung vào một số vấn đề như thực trạng các công trình tượng đài đã xây dựng đến năm 2014. Các tiêu chí, nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030. Yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng tốt các tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”.
Dự kiến từ nay cho đến hết năm 2030 trên cả nước sẽ có khoảng 192 tượng đài Bác Hồ đã và sẽ được hoàn thành được đặt tại nhiều địa phương khác nhau trong cả nước./.
Nhật Minh

4 comments:

  1. Vay tiền nóng để xây tượng đài ?

    ReplyDelete
  2. Xây nhiều tượng đài Bác là đi ngược với ý nguyện của Bác và làm cho dân chúng từ yêu Bác đi đến ghét Bác vô cùng. Vì tượng Bác chẳng giúp gì cho kẻ tham nhũng bớt tham nhũng, dân nghèo bớt nghèo thậm chí lại nghèo thêm, chẳng ai nhìn tượng Bác mà no bụng sáng cái đầu được!

    ReplyDelete
  3. Cứ cho xây thoải mái đi (mà ai ngăn được đây?), cho Dân ta bây giờ cứ khổ thoải mái đi (70 năm khổ rồi, khổ thêm có sao?)!
    100 năm nữa, thế hệ Dân ta chắc chắn sẽ sướng! hàng 100 tượng đài khi ấy sẽ như con gà mái đẻ trứng vàng, ngồi chơi làm du lịch, mà thu lại tiền thiên hạ chẳng sướng ư?

    ReplyDelete