Lê Anh Hùng | VOA| 30.9.2015
Nguỵ Kinh Sinh là nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền nổi tiếng thế giới của Trung Quốc. Ông được ví là "Cha đẻ của nền dân chủ Trung quốc" hay "Nelson Mandela của Trung Quốc", và từng 7 lần được đề cử giải Nobel Hoà bình. Sau nhiều lần bị bắt và hai lần bị kết án, với tổng cộng thời gian ngồi tù 18 năm, ông bị nhà cầm quyền Bắc Kinh trục xuất sang Hoa Kỳ vào ngày 16.11.1997, như là kết quả của cuộc mặc cả giữa Chủ tịch TQ Giang Trạch Dân với Tổng thống Bill Clinton.
Ngày 23.11.2014, giữa lúc phong trào đấu tranh đòi quyền phổ thông đầu phiếu do giới sinh viên Hồng Kông phát động diễn ra mạnh mẽ, trong bối cảnh phải đương đầu với đủ trò đánh phá bẩn thỉu và thâm độc của chính quyền cộng sản, ông đã viết bài “The Nobleness and Shameless of Politics” (tạm dịch: “Sự cao quý và vô liêm sỷ của chính trị”).
Trong bài viết của mình, ông đã vạch trần những âm mưu quỷ quyệt của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm đánh phá phong trào “chiếm trung tâm” của giới trẻ Hồng Kông nói riêng và phong trào đấu tranh dân chủ ở Trung Quốc nói chung, như tung tin bịa đặt, cài người vào các tổ chức đối lập, thành lập tổ chức đấu tranh trá hình, mua chuộc giới truyền thông, v.v.
Trong bài viết của mình, ông đã vạch trần những âm mưu quỷ quyệt của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm đánh phá phong trào “chiếm trung tâm” của giới trẻ Hồng Kông nói riêng và phong trào đấu tranh dân chủ ở Trung Quốc nói chung, như tung tin bịa đặt, cài người vào các tổ chức đối lập, thành lập tổ chức đấu tranh trá hình, mua chuộc giới truyền thông, v.v.
Một khi đã hiểu bản chất cộng sản thì những chuyện đó không khiến người ta phải quá ngạc nhiên. Thông tin có lẽ khiến nhiều người phải kinh ngạc ở đây là khi ông cho biết: “Tôi còn nhớ một lần phát biểu tại Humboldt University ở Berlin, trường đại học nơi Karl Marx từng nghiên cứu. Một vị cựu lãnh đạo đối lập của Đông Đức nói với tôi: Khi ngài nói về sự can thiệp của gián điệp cộng sản, ngài đã không nhấn đủ mạnh vào tầm quan trọng của vấn đề. Sau khi Đông Đức và Tây Đức thống nhất, chúng tôi phát hiện từ hồ sơ lưu trữ là 2/3 số người trong các tổ chức của chúng tôi đã từng làm gián điệp hoặc chỉ điểm.”
…đến thực tế Việt Nam
An ninh cộng sản có rất nhiều thủ đoạn để buộc đối tượng mà chúng nhắm đến phải làm việc với chúng. Đầu tiên, chúng lập hồ sơ theo dõi đối tượng, tìm hiểu kỹ càng từ học vấn, tính cách, sở thích… cho đến hoàn cảnh gia đình của đối tượng.
Nếu đối tượng bản lĩnh không vững vàng, dễ sa ngã thì chúng sẽ tìm cách dụ dỗ, mua chuộc để làm việc cho chúng. Trường hợp không mua chuộc được, chúng sẽ tìm điểm yếu của đối tượng để khai thác. Điểm yếu đó có thể là việc làm ăn kinh doanh vi phạm pháp luật, quan hệ ngoài vợ chồng nhưng sợ vợ hoặc chồng biết, v.v. Một khi đã nắm được “thóp” của đối tượng, chúng sẽ lật bài ngửa và “mặc cả” với họ.
Khi không tìm ra được điểm yếu khả dĩ nào khiến đối tượng phải khuất phục, chúng có thể doạ bắt giam, khởi tố rồi dụ dỗ đối tượng “hợp tác” với chúng, kèm theo những điều kiện hậu hĩnh, nếu không muốn ngồi tù. Thậm chí, chúng có thể lợi dụng sự mất cảnh giác của đối tượng, sử dụng những nhà đấu tranh trá hình gần gũi với đối tượng để gài bẫy rồi khống chế đối tượng.
Theo cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Vũ Bình, một nhà đấu tranh dân chủ kỳ cựu và nghiên cứu khá sâu về sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Âu, trong giới đấu tranh có 3 loại làm việc cho an ninh cộng sản.
Loại thứ nhất là sỹ quan an ninh được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản rồi chui vào phong trào đấu tranh dưới một vỏ bọc nào đó. Loại này chiếm khoảng 10% số tay chân an ninh. Tỷ lệ này không cao, vì những kẻ đã trải qua trường lớp an ninh chính quy thường khó che dấu nhân thân.
Loại thứ hai vốn là đặc tình của an ninh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trước khi được an ninh đưa vào phong trào dân chủ. Loại này chiếm khoảng 15-20%.
Loại thứ ba, chiếm đến 70-75%, ban đầu là người đấu tranh thực sự, nhưng bản thân hay gia đình có vấn đề, bị an ninh khai thác, khống chế rồi đi đến chỗ “hợp tác” với chúng. Loại này chiếm tỷ lệ lớn bởi thành phần đa dạng của giới đấu tranh, trong đó rất nhiều người bắt nguồn từ bức xúc cá nhân trước thực trạng xã hội hay hoàn cảnh bản thân, hay đấu tranh cho quyền lợi bản thân và gia đình. Vì thế, lập trường và bản lĩnh của họ thường không vững vàng, dễ dao động. Loại này vừa đông vừa nguy hiểm, bởi trong số đó có cả những nhân vật đã “thành danh” trong làng tranh đấu nên ít ai ngờ tới.
Trong một bài viết mới đây – “Chiến dịch mới của an ninh?” – blogger Người Buôn Gió nhận định, số dư luận viên và an ninh trá hình hiện chiếm tới 10% lực lượng tranh đấu. Từ kinh nghiệm của bản thân, chúng tôi cho rằng đó là một nhận định chuẩn xác, ít nhất là bởi mức độ… khiêm tốn của nó. [i]
Bài học xương máu
Bài viết này không nhằm mục đích gieo rắc nghi ngờ hay gây hoang mang cho những người đấu tranh nói riêng và những ai quan tâm đến vận mệnh nước nhà nói chung. Đơn giản, đây là thực tế không thể tránh khỏi mà bất cứ ai dấn thân vào con đường gian nan đó cũng đều phải đối mặt. Vì thế, tốt hơn hết là tất cả mọi người đều cần biết để đề phòng, hầu tránh tổn thất cho bản thân cũng như cho phong trào.
Bài học từ sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hoà vẫn còn nguyên giá trị. Một trong những nguyên nhân quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, khiến nền dân chủ non trẻ ở miền Nam Việt Nam sụp đổ một cách bi thảm chính là do đội quân gián điệp hùng hậu của cộng sản, với những điệp viên sừng sỏ như Vũ Ngọc Nhạ hay Phạm Xuân Ẩn. Đội quân này hoạt động tinh vi và quỷ quyệt đến mức, sau khi cụm tình báo chiến lược A.22 bị phá vỡ, 42 gián điệp từ phủ tổng thống cho đến các cơ quan khác, trong đó có một “cố vấn” của tổng thống, bị bắt và bị toà kết án, ngay cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng không tin đó là sự thật mà cứ cho rằng vụ việc là do CIA dàn dựng.
Khi chính quyền chưa nằm trong tay mà lực lượng gián điệp của cộng sản còn lợi hại đến như thế thì thử hỏi, một khi đã nắm cả hệ thống chính trị, chúng còn tác oai tác quái đến đâu?
Bất luận thế nào, nếu không đề cao cảnh giác, người đấu tranh rất dễ sa vào những cái bẫy mà cộng sản luôn giăng sẵn, để rồi hoặc là bị nắm hết thông tin bí mật của bản thân và tổ chức, hoặc là tham gia vào tổ chức trá hình do an ninh dựng lên, hoặc thậm chí là bị khống chế rồi đi đến chỗ làm tay sai cho chúng. Kết cục đó không chỉ là thất bại đau đớn của bản thân người trong cuộc, mà còn ảnh hưởng lớn đến công cuộc chung của nước nhà.
______________
Ghi chú:
[i] Là người phải đương đầu với bao mưu mô bẩn thỉu của những bộ óc “quái kiệt” nhất suốt 10 năm qua nên tôi chẳng lạ gì đám tay sai của an ninh cộng sản.
Không chỉ chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân, chúng còn lén lút đâm sau lưng những người vẫn luôn dành cho chúng sự tin tưởng, tình thương yêu và tinh thần đồng đội cao cả.
Tôi nghĩ sau này, khi chế độ cộng sản buôn dân bán nước ở Việt Nam sụp đổ – một kết cục tất yếu và chắc chắn chỉ còn tính bằng năm – điều đầu tiên mà đám an ninh chính quy làm là sẽ phun ra tuốt tuồn tuột những “nhà dân chủ” hay “người đấu tranh” trá hình kia.
Vì sao ư? Vì một lẽ đơn giản là càng sẵn sàng tha thứ, tôn trọng, thậm chí kính trọng kẻ thù công khai, người ta lại càng căm phẫn, khinh bỉ thậm chí ghê tởm những kẻ phản bội hay đồng đội trá hình. Dĩ nhiên, những kẻ sai khiến chúng cũng chẳng coi chúng ra gì, và việc vạch mặt lũ tay sai sẽ giúp “đỡ đòn” cho quan thầy của chúng.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
nobel hòa bình sao, hề thế
ReplyDelete