Todd C. Frankel | Washington Post | 21.9.2015
Lê Anh Hùng dịch
Chủ tịch Tập đang chờ gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan E. Rice tại Đại lễ đường Nhân dân tháng 8.2015 Ảnh: Fred Dufour/AFP |
Thứ Ba tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nối tiếp truyền thống khi máy bay của ông hạ cánh ở đây để bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ kéo dài 7 ngày, bao gồm buổi quốc yến trọng thể tại Nhà Trắng vào thứ Năm và bài phát biểu quan trọng tại trụ sở Liên Hợp Quốc sau đó.
Song cú hạ cánh lần này lại đang trông có vẻ không được êm thấm cho lắm.
Căng thẳng giữa hai quốc gia đang dâng cao, với những tranh cãi về tin tặc, hoạt động ăn cắp thông tin trên mạng và việc các doanh nghiệp Mỹ bị hạn chế tham gia thị trường Trung Quốc. Mấy tuần gần đây, chính quyền Obama đã bí mật bàn việc trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc vì hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ qua mạng Internet. Việc trừng phạt trước khi họ Tập đặt chân đến Mỹ hẳn sẽ ảnh hưởng xấu đến chuyến đi. Và mặc dù các biện pháp trừng phạt bị hoãn lại song ý định kia thì không.
Căng thẳng giữa hai quốc gia đang dâng cao, với những tranh cãi về tin tặc, hoạt động ăn cắp thông tin trên mạng và việc các doanh nghiệp Mỹ bị hạn chế tham gia thị trường Trung Quốc. Mấy tuần gần đây, chính quyền Obama đã bí mật bàn việc trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc vì hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ qua mạng Internet. Việc trừng phạt trước khi họ Tập đặt chân đến Mỹ hẳn sẽ ảnh hưởng xấu đến chuyến đi. Và mặc dù các biện pháp trừng phạt bị hoãn lại song ý định kia thì không.
Mối nghi ngờ còn phủ bóng lên cả những sự kiện bình thường, chẳng hạn như cuộc gặp cấp cao Trung-Mỹ để bàn về Internet được ấn định sẽ diễn ra trong chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Seattle, với những cáo buộc rằng giới chức Trung Quốc đã dùng sức mạnh để buộc các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ phải tham dự.
Một cuộc chào hỏi kém quan trọng hơn ở Seattle giữa Chủ tịch Trung Quốc với các quan chức dân cử của Mỹ đã đem lại một cơ hội công kích mới, sau khi bốn thành viên Đảng Cộng hoà của đoàn nghị sỹ quốc hội bang Washington bỏ cuộc gặp phi chính thức đó. Các đảng viên Đảng Cộng hoà đã chỉ trích Tổng thống Obama thậm chí chỉ vì ông tổ chức bữa tiệc dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.
“Rất nhiều trong số đó liên quan đến bầu không khí”, Addam Segal – thành viên kỳ cựu về Trung Quốc học tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Relations) – nhận định, đồng thời lưu ý mức độ gay gắt của ngôn từ đã tăng lên trong những tuần gần đây.
Ông nói, chuyến thăm Seattle “dường như đã cho thấy là đóng vai trò quan trọng hơn so với thường lệ”.
Hank Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính và hiện là chủ tịch Paulson Institute (Viện Paulson), nơi đang tổ chức cuộc hội thảo bàn tròn doanh nghiệp Mỹ-Trung tại Seattle, cho rằng mối quan hệ giữa hai nước là quan trọng nhất trên thế giới.
“Áp lực thực sự đang hiện hữu”, Paulson nói. “Song thực tế là chúng ta lại sắp đón chuyến thăm cấp nhà nước vào thời điểm căng thẳng gia tăng hiện nay, và đó là bằng chứng cho thấy hai bên đều nhận ra tầm quan trọng của mối quan hệ.”
Áp lực đã tăng lên trong bối cảnh Trung Quốc thể hiện một thái độ quyết đoán mới, từ kế hoạch xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông cho đến việc hacker Trung Quốc được cho là đã xâm nhập các hệ thống máy tính của Mỹ để đánh cắp thiết kế nhà máy điện hạt nhân và mã công cụ tìm kiếm.
Dù vậy, Trung Quốc cũng biết là các doanh nghiệp Hoa Kỳ thèm muốn thị trường khổng lồ của mình, ngay cả với những khó khăn kinh tế gần đây. Thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới nằm ở Trung Quốc. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc lên đến 200 triệu người và không ngừng gia tăng.
Người ta có thể nhận ra tầm quan trọng nổi bật của thị trường Trung Quốc qua số thành phần giam gia dự kiến tại cuộc hội thảo bàn tròn do Paulson Institute tổ chức: Tim Cook của Apple, Warrant Buffett của Berkshire Hathaway, Mary Barra của General Motors và Bob Iger của Disney. Họ sẽ tham dự cùng Jack Ma của Alibaba, Pony Ma của Tencent và Robin Li của Baidu, trong số nhiều người khác.
Phần lớn toan tính quốc tế đã hướng sự chú ý đến Diễn đàn Công nghiệp Internet Mỹ-Trung (U.S.-China Internet Industry Forum), một sự kiện thường là chán ngắt mà những năm trước chẳng mấy ai để ý. Năm ngoái, nó được tổ chức tại khách sạn Mandarin Hotel ở Washington, nơi hàng trăm nhân vật ít tiếng tăm từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu cùng một số tổ chức chính phủ đến kể chuyện công việc.
Sacha Meinrath – giám đốc viện chính sách công nghệ X-Lab, người đã tham dự diễn đàn vào năm ngoái – bình luận: “Ngoài một nhóm rất nhỏ ra thì chẳng ai biết nó là gì.”
Năm nay thì lại khác. Diễn đàn đã lùi thời điểm tổ chức từ tháng 12 như thường lệ, đồng thời chuyển sang Seattle để trùng với chuyến công du của Tập Cận Bình. James Mulvenon, phó chủ tịch phụ trách tình báo của Defense Group ở Vienna, cho biết rằng các hãng công nghệ hàng đầu được Lu Wei, ông trùm Internet của Trung Quốc, thông báo là họ cần cử những đại diện hàng đầu đến tham dự.
Mulvenon nói, ông đã nghe từ “nhiều hãng” vốn được khuyến cáo rằng họ sẽ đối mặt với sự giám sát khắt khe hơn của chính quyền nếu không nghe theo lời Lu Wei. Ông nhận xét, thông điệp đó thật khó mà nhầm lẫn: “Việc quý vị vắng mặt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của quý vị.”
“Đây là chuyện Lu Wei tìm cách nhấn mạnh với ban lãnh đạo Trung Quốc về quyền lực và vai trò lãnh đạo của ông ta”, Mulvenon nói.
Trung Quốc đã làm cho các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ gặp khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh. Google và Facebook bị bộ máy kiểm duyệt nhà nước ngăn chặn. Tháng Hai vừa qua, nhà chức trách Trung Quốc buộc Qualcomm phải trả 975 triệu USD cho cáo buộc công ty này đã tính phí cấp phép không công bằng. Microsoft đã đồng ý cung cấp bản cập nhật Windows 10 miễn phí cho tất cả những người sử dụng ở Trung Quốc, kể cả những đối tượng sử dụng phần mềm ăn cắp bản quyền.
Song Addam Segal, chuyên gia về chính sách Trung Quốc, lại cho rằng các hãng công nghệ Mỹ sẽ ngại phớt lờ Lu Wei.
“Sẽ rất xấu mặt cho Lu Wei nếu các hãng công nghệ không hiện diện”, ông nói.
Nhiều hãng công nghệ hoặc từ chối bình luận về diễn đàn, hoặc không trả lời câu hỏi.
Một số quan chức chính phủ Mỹ, kể cả từ Bộ Ngoại giao, cũng được chờ đợi là sẽ tham gia diễn đàn, vì trước kia họ đã tham dự.
Dù vậy, chuyến công du của Tập Cận Bình cũng hứa hẹn một số sự kiện thiếu kịch tính. Theo chương trình, ông sẽ đến thăm Lincohn High School (Trường PTTH Lincohn) ở Tacoma, bang Washington, ngôi trường mà ông đã ghé thăm năm 1993, khi còn là một quan chức cấp tỉnh. Ông sẽ thăm một nhà máy Boeing ở Everett, bang Washington, bởi Trung Quốc đang ngày càng trở nên quan trọng đối với tập đoàn hàng không của Mỹ.
Mặc dù khách hàng Trung Quốc hiện chiếm khoảng 25% đơn đặt hàng máy bay thương mại của Boeing, song Trung Quốc được dự báo là sẽ trở thành khách hàng lớn nhất của tập đoàn này trong 20 năm tới, Boeing cho biết.
Tập Cận Bình cũng sẽ có một bài phát biểu về chính sách vào tối thứ Ba ở Seattle.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc sẽ không dự bữa tối với Bill Gates tại lâu đài của ông ta, bất chấp vô số tin tức về sự kiện này, một số người gần gũi với vụ việc và yêu cầu được giấu tên cho biết.
Sau đó, Tập Cận Bình sẽ bay tới Washington vào thứ Năm, ngay khi một nhân vật danh tiếng khác rời khỏi thủ đô nước Mỹ. Giáo hoàng Francis dự kiến sẽ rời Washington để tới New York vào chiều thứ Năm.
Nguồn: Việt Nam Thời Báo
No comments:
Post a Comment