Lê Anh Hùng | VOA| 8.3.2017
Sau Tết Đinh Dậu 2017, Formosa Hà Tĩnh tiếp tục trở thành chủ đề nóng, thu hút sự chú ý của hàng chục triệu người Việt trong và ngoài nước, trong bối cảnh nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi nào nhằm loại trừ rốt ráo đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường này, cũng như đền bù thoả đáng cho những người dân trực tiếp chịu thiệt hại.
Ngày 14/2/2017, hơn một ngàn giáo dân thuộc Giáo xứ Song Ngọc, Giáo phận Vinh dự định kéo vào Kỳ Anh, Hà Tĩnh để nộp đơn khởi kiện Formosa. Trước sự đàn áp bạo liệt và hèn hạ của nhà cầm quyền, các giáo dân phải bỏ dở cuộc tuần hành/khiếu kiện tập thể giữa chừng. Mặc dù vậy, qua vụ việc này, người ta lại càng nhận ra một thực tế – đó là vai trò nổi bật của cộng đồng Công giáo trong cuộc cách mạng dân quyền và dân chủ đang diễn ra ở Việt Nam, đặc biệt là trong bầu không khí khá trầm lắng của các hội nhóm xã hội dân sự.
Lịch sử “tế nhị” của Công giáo ở Việt Nam
Lịch sử “tế nhị” của Công giáo ở Việt Nam
Công giáo có một lịch sử “tế nhị” ở Việt Nam, do bị cho là liên quan đến cuộc xâm lược Việt Nam của người Pháp năm 1858, nhất là qua bộ máy tuyên truyền của Đảng CSVN.
Công giáo là một quyền lực có nhiều ảnh hưởng trong xã hội. Vậy nên, ngay cả khi Marx không cho rằng “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” – lời kết án vốn châm ngòi cho các cuộc trấn áp tôn giáo ở các quốc gia cộng sản – Công giáo cũng không tránh khỏi xung đột với nhà cầm quyền Việt Nam, một chính thể độc tài toàn trị luôn tìm cách thâu tóm và kiểm soát mọi quyền lực trong xã hội. Điểm khác biệt đáng kể nhất ở đây là, trong khi Công giáo sử dụng sức mạnh tinh thần của mình để đem đến những điều tốt đẹp nhất cho giáo dân và xã hội thì cộng sản lại sử dụng sức mạnh bạo lực để áp đặt một chế độ phi nhân hòng gieo rắc tội ác cho chính dân tộc đã sinh thành và nuôi dưỡng họ.
Được khích động bởi lời phán xét của Marx, cộng với ý thức về mối đe doạ bị thách thức quyền lực toàn trị, từ hàng chục năm nay, nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên bức hại cộng đồng Công giáo Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là tước đoạt đất đai và tài sản của Giáo hội, trước phản ứng yếu ớt của những nạn nhân yếu thế.
Công giáo trong cuộc đấu tranh vì dân quyền và nhân quyền…
Thế cuộc xoay vần. Cuộc cách mạng Internet và cách mạng truyền thông xã hội diễn ra trong một thế giới mà ở đó quá trình hội nhập và toàn cầu hoá diễn ra ngày càng sâu sắc đã tiếp thêm nhiều sức mạnh cho cộng đồng Công giáo, khiến họ không chỉ dám đương đầu, mà còn trở thành lực lượng đối đầu mạnh mẽ và kiên quyết nhất trước nhà cầm quyền cộng sản. Không ở đâu trên đất nước này người ta có thể công khai lên án chính quyền trước một tập hợp quần chúng đông đảo như trong các nhà thờ Công giáo. Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn và Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội được coi là những “pháo đài” bất khả xâm phạm, không chỉ cho những người bất đồng chính kiến trong cộng đồng Công giáo mà còn là “điểm hẹn” lý tưởng cho những người đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền bên ngoài.
Tiếp nối truyền thống bất khuất trước bạo quyền của Giáo hội Công giáo, lại được dẫn dắt một cộng đồng giáo dân ngày càng ý thức rõ về dân quyền và nhân quyền, với sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trong nước và cộng đồng quốc tế – đó là lợi thế của giới chức Công giáo trong cuộc đấu tranh với chính quyền cộng sản. Nhược điểm của họ nằm ở chỗ: họ là những chức sắc tôn giáo, không phải là những chính trị gia hay những người đấu tranh chuyên nghiệp. Họ chỉ muốn các quyền tự do cơ bản của họ được tôn trọng, giáo dân được sống yên ổn trong một chế độ tự do, dân chủ. Sau khi cộng sản sụp đổ, một chính thể dân chủ ra đời, họ sẽ lại trở về với công việc hàng ngày là chăm sóc đời sống tinh thần cho giáo dân, thay vì sẵn sàng chấp chính, mưu cầu một sự nghiệp chính trị trong guồng máy chính quyền như nhiều nhà đấu tranh bình thường khác. Vì thế, trừ một số ngoại lệ như linh mục Nguyễn Văn Lý hay linh mục Phan Văn Lợi, nhìn chung các chức sắc Công giáo còn thiếu tinh thần đấu tranh quyết liệt, triệt để.
… và trước bước ngoặt của công cuộc dân chủ hoá đất nước
Trở lại với cuộc tuần hành khởi kiện Formosa của các giáo dân Song Ngọc. Cuối cùng, để bảo đảm an toàn cho giáo dân, tránh một cuộc đổ máu khả dĩ xẩy ra, Đức Cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, đã kêu gọi đồng bào lương giáo ngừng cuộc tuần hành khởi kiện tập đoàn Formosa.
Người ủng hộ quan điểm của Giám mục Nguyễn Thái Hợp thì cho rằng, khi chưa đủ sức để dịch chuyển một tảng đá mà vẫn cố sức đẩy thì nó có thể lăn trở lại và gây thương tích cho mình. Người không đồng tình với sự thoái lui đó lại cho rằng, trong cuộc đấu tranh với các chính thể độc tài, đổ máu là điều khó tránh khỏi. Trong khi các quyền tự do - dân chủ vẫn còn khá xa lạ với phần lớn dân chúng Việt Nam thì thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra đã đụng chạm đến quyền con người thiêng liêng nhất của dân chúng – đó là quyền được sống. Trước tình cảnh nồi cơm của mình bỗng dưng bị kẻ khác phũ phàng hất đi, những người cùng cảnh ngộ dễ dàng tìm được tiếng nói chung. Và việc họ đứng lên yêu cầu được xét xử công bằng trong vụ kiện đòi Formosa phải đền bù thoả đáng đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt của dư luận.
Trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho mình, những nạn nhân của Formosa nắm trong tay ba sức mạnh quan trọng nhất: lẽ phải, tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ của công luận. Sức mạnh đáng kể nhất của chính quyền là bạo lực, song đây lại chính là con dao hai lưỡi. Ở một mức độ nhất định, sự đàn áp của nhà cầm quyền có thể khuất phục được một tập hợp quần chúng chưa đủ quyết tâm, trong khi vẫn tránh được sự phản đối mạnh mẽ của công luận. Tuy nhiên, một khi hậu quả của sự đàn áp đó được tính bằng nhân mạng thì tình thế lại diễn ra rất khó lường, mà nhiều khả năng là theo chiều hướng bất lợi cho nhà cầm quyền: (i) họ sẽ vấp phải sự lên án gay gắt của công luận, đặc biệt là cộng đồng quốc tế; (ii) dân chúng bị kích động, bạo lực châm ngòi cho bạo lực và bạo loạn có thể diễn ra trên diện rộng, ngoài tầm kiểm soát của nhà cầm quyền; (iii) trước sự vô nhân đạo, phi nghĩa và phi pháp của hành động đàn áp dã man những nạn nhân vô tội, lực lượng đàn áp (công an, quân đội…) dễ chùn tay hoặc thậm chí là đi đến chỗ ủng hộ dân chúng.[i]
Sự đàn áp khốc liệt của bộ máy an ninh cộng sản là một trong những nguyên nhân khiến phong trào dân chủ thời gian qua có chiều hướng chững lại. Dù vậy, những người mang trong mình tinh thần đấu tranh thực sự thì khó bị khuất phục bởi bạo lực. Mục sư Nguyễn Trung Tôn, người bị an ninh cộng sản hành hung dã man tại Ba Đồn, Quảng Bình tối 27/2 vừa qua, tâm sự: “Mình biết con đường mình đi là vậy. Kẻ trước người sau ai rồi cũng phải gặp cho đến khi đất nước thực sự có tự do.”
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình thì nhận định: “Việc sử dụng bạo lực nhắm vào những người đấu tranh chứng tỏ nhà cầm quyền Việt Nam đã không còn chính nghĩa, bất lực hoàn toàn về mặt luật pháp và lý lẽ. Họ đã không thể khuất phục được những người đấu tranh dân chủ bằng phương pháp này. Mặc dù bị người dân phản đối, quốc tế lên án nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa từ bỏ việc sử dụng bạo lực. Nhưng chúng ta, những người đấu tranh và phản tỉnh cũng không phải e ngại và lo lắng quá về điều này. Bởi lẽ, trong quy trình tiến tới dân chủ của các chế độ độc tài, Việt Nam đang đi những bước cuối cùng của quy trình đó: Giết – Giam cầm (tù đày) – Đánh đập – Đối thoại.”
Cuộc cách mạng dân quyền và dân chủ ở Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quyết định. Không còn lựa chọn nào khác, những người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền, cũng như lớp lớp dân oan của chế độ cộng sản, bằng sức mạnh chính nghĩa của hình thức đấu tranh ôn hoà, bất bạo động, phải đứng lên đương đầu trực diện với bạo lực để giành lại quyền được làm người ngay trên chính quê hương mình, với tinh thần của những Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi hay Nguyễn Trung Tôn.
Và trong cuộc trường chinh vì tương lai dân tộc này, lịch sử dường như đã phó thác cho cộng đồng Công giáo Việt Nam một sứ mạng đặc biệt./.
_______
Ghi chú:
[i]Cần bàn thêm một chút về văn hoá Việt Nam. Tuy cùng ở Á Đông, nhưng xã hội Việt Nam lại không mang tính chất phong kiến nặng nề như các quốc gia gần gũi về văn hoá khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hay Myanmar. Xã hội Việt Nam truyền thống cởi mở hơn, dân chủ hơn so với các quốc gia đó. Một bằng chứng dễ nhận thấy là vị thế của người phụ nữ so với nam giới ở Việt Nam cao hơn các nước kia. Do vậy, mặc dù cùng sống trong chế độ độc tài, nhưng người dân Việt Nam chưa bao giờ phải chịu cảnh bị đàn áp đẫm máu như đã từng xẩy ra ở Trung Quốc và Myanmar, hay bị kìm kẹp đến mức nghẹt thở như ở Triều Tiên. (Cuộc cải cách ruộng đất 1953-1956 ở Việt Nam có thể được xem là cuộc tàn sát của số đông dân nghèo đối với thiểu số nhà giàu ở nông thôn, dưới sự giật dây của Đảng CSVN.) Vì thế, cần khẳng định ngay là những cuộc đàn áp với mức độ đẫm máu như ở Trung Quốc hay Myanmar trước đây không thể xẩy ra ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng truyền thông xã hội đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đang hội nhập sâu sắc vào một thế giới toàn cầu hoá và nỗi bức xúc trong dân chúng đã bị dồn nén đến cùng cực, rất dễ bùng nổ thành bạo loạn.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.
Đức phật và Chúa cơ bản là giống nhau.Nhưng đường đi của phật tử và đường đi của giáo dân đến với phật và chúa là khác nhau.Ngày nay chính quyền phân biệt đối xử rất rõ ràng đối với hai "đạo" này. Do tính chất của hai "đạo "nên giới thù địch đã tìm cách tha hóa . Đối với công giáo vì có tổ chức chặt chẽ và không muốn tham gia xã hội một cách dễ dãi nên chính trị không thể "xen" vào. Còn đạo phật có cách tu hành "tự giác" nên nhiều năm qua đã bị "phức tạp hóa". Thực tế ngày nay không ai biết trong số : nhà sư, chú tiểu... ai là sư thật, ai là xã hội đen, ai là an ninh cài cắm...Mặt khác chùa chiền là nơi làm tiền của nhiều thế lực khác nhau.Người tinh ý sẽ thấy nhiều đại tá, thượng tá về hưu vẫn lởn vởn quanh chùa để kiếm ăn, đây thực là thứ Sa Tăng giấu mặt. Do đó người dân không hiểu tại sao lại có sư gái gú, các sư thu tiền cho con cháu, dòng họ...Nên nhớ rằng dù người tu hành cách nay hàng ngàn năm hay bây giờ khi họ bước vào cửa chùa tự nguyện thì họ không màng đến tiền bạc, công danh hay việc trần thế./.
ReplyDeleteTrong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung, thực hiện chi trả đền bù, hỗ trợ nhân dân, định hướng việc làm, phát triển kinh tế thì thời gian gần đây, một số kẻ lợi dụng sự cố này để tung tin kích động nhân dân, tổ chức các hoạt động gây rối ANTT, phá hoại về kinh tế, chính trị. Mưu đồ của các đối tượng lợi dụng sự cố môi trường biển ngày càng lộ rõ…
ReplyDeleteĐi ngược lại với những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cực đoan đã câu kết, tuyên truyền kích động, chống phá, gây rối ANTT, phá hoại về kinh tế, xúi giục nhân dân phản đối, đi ngược lại quan điểm của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Các đối tượng lợi dụng sự cố môi trường để chống phá Đảng, Nhà nước, một âm mưu chính trị cần phải đấu tranh, lên án, nghiêm trị những đối tượng, tổ chức cầm đầu, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật
ReplyDeleteTheo số liệu thống kê, sau sự số môi trường biển đã xảy ra hàng chục vụ biểu tình, tụ tập đông người. Hoạt động tuần hành, biểu tình diễn ra có tổ chức. Từ việc hàng chục người kéo lên quốc lộ 1A mang theo gậy gộc, lưới, đá để gây rối, đến việc hàng nghìn người tụ tập trước cổng công ty Formosa hay vào trong trụ sở chính quyền huyện. Các loại khẩu hiệu phản đối công ty Formosa, các loại loa cầm tay, loa thùng chuẩn bị cho một cuộc tuần hành, biểu tình, gây rối đều được chuẩn bị từ trước.
ReplyDeleteKhi các cuộc tuần hành, biểu tình diễn ra thì tất cả các hoạt động ấy đều được tung lên mạng xã hội, mang tính kích động, cổ súy, bác bỏ những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục sự cố; bôi nhọ và hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương.
ReplyDeleteThực tế, các lực lượng chức năng đã đấu tranh với các đối tượng này, vạch trần âm mưu của tổ chức khủng bố Việt Tân triệt để sử dụng “những con rối” để kích động, tuyên truyền chống phá, đứng sau giật dây tổ chức các tuần hành biểu tình gây rối ANTT trong thời gian qua.
Một số đối tượng như Trương Minh Tam, Chu Mạnh Sơn, Bạch Hồng Quyền, Hoàng Đức Minh, Nguyễn Văn Hóa… đã nhận tiền từ các tổ chức phản động để chống phá, đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước. Trong đó, Nguyễn Văn Hóa là đối tượng đã bị cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh khởi tố và tạm giam. Việc các đối tượng này bị đấu tranh phát giác cho thấy hoạt động chống phá, gây rối trên địa bàn lộ rõ âm mưu chính trị của các thế lực thù địch, sử dụng những “con rối”, những “quân cờ” để hoạt động chống phá, kích động, lôi kéo nhân dân gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
ReplyDeleteĐối tượng chống đối từ tỉnh khác đến Hà Tĩnh hoạt động cho thấy có sự móc nối, câu kết của một số đối tượng phản động, cực đoan trên địa bàn Hà Tĩnh, tận dụng triệt để cơ hội chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chính quyền, phá hoại thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh đạo các cấp và lực lượng Công an. Bản chất chống phá, âm mưu của các thế lực thù địch từ sự cố môi trường biển ngày càng hiện rõ. Hơn bao giờ hết, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo luận điệu của đối tượng phản động cực đoan, tiếp tay cho các đối tượng chống phá, đi ngược lại quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
ReplyDeleteĐảng, Nhà nước luôn đồng hành, chia sẻ với nhân dân và nghiêm trị những tổ chức, cá nhân phản động, gây rối, bảo vệ thành quả cách mạng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vẫn biết rằng, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung đã để lại cho chúng ta một bài học đắt giá về công tác quản lý môi trường. Đảng và Nhà nước ta đã có thêm kinh nghiệm về việc nhìn nhận, đánh giá, giải quyết, xử lý những “điểm nóng” về môi trường, không ngừng nỗ lực tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi để vừa đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội mà vẫn bảo đảm giữ gìn, bảo vệ được môi trường trong lành.
ReplyDeleteVới thông điệp không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế cho thấy ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta đang chung sức, nỗ lực khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung. Những kết quả bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực, là minh chứng rõ ràng, nhất quán về con đường, mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Do vậy, hơn bao giờ hết, sức mạnh đồng sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là nền tảng vững chắc để đấu tranh với các thế lực thù địch, âm mưu chính trị của tổ chức phản động.
ReplyDeleteNgay sau khi có thông tin về sự cố, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại... Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật; xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.
ReplyDeleteBộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ, ngành liên quan, huy động hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong nước và một số nước: Mỹ, Đức, Nhật, Israel,… tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như phê-non, xy-a-nua,… kết hợp hy-đrô-xít sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc - Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
ReplyDeleteVới những chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KH-CN, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, ngành khác có liên quan đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan, Công ty Formosa Hà Tĩnh. Như các phương tiện thông tin đã đăng tải, ngày 28/6, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường nói trên đồng thời đã công khai xin lỗi Chính phủ và Nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng
ReplyDeleteThực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại bốn tỉnh nói trên, với tổng số tiền hơn 11.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD); khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo đảm xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh, để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra.
ReplyDeleteThực tế cho thấy, sự cố trên cần có thời gian để nghiên cứu kĩ càng, đảm bảo kết luận có cơ sở rõ ràng, khách quan như Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào tháng 5: Đã có nguyên nhân cá chết hàng loạt, nhưng chưa thể công bố vì vụ việc này không chỉ cần bằng chứng khoa học mà còn phải điều tra đầy đủ chứng cứ vi phạm pháp luật… Bộ trưởng cũng nói rõ:“Bất kỳ sơ suất nào trong xác định nguyên nhân cũng có thể dẫn đến sai lầm trong khắc phục hậu quả”.
ReplyDeleteVới trách nhiệm trước Nhân dân và đất nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan đã vào cuộc, sự cố môi trường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung từng bước được xử lý, ngư dân vùng bị thiệt hại được hỗ trợ để tái sản xuất, ổn định cuộc sống,… Vì thế, những chiêu trò cắt dán, gán ghép thông tin đã có phần “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, âm mưu kích động vẫn chưa dừng lại.
ReplyDelete