Lê Anh Hùng dịch
Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự lễ ký kết với Vua Jordan Abdullah II tại Đại Lễ đường Nhân dân ngày 9.9.2015 (Ảnh: Lintao Zhang—Reuters) |
Tập Cận Bình từng đến Mỹ sáu lần, ngang dọc suốt từ Iowa cho đến California. Song chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới đây – bắt đầu từ ngày thứ Ba ở bang Washington, rồi tới thủ đô Washington trước khi kết thúc ở New York – mới đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông ta trên cương vị lãnh đạo Trung Quốc. Vị Chủ tịch 62 tuổi thuộc dòng dõi quý tộc đỏ Trung Quốc sẽ gặp các quan chức điều hành trong lĩnh vực công nghệ và hàng không vũ trụ ở bang Washington, bang xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất trong 50 bang của Mỹ; tham dự buổi quốc yến và màn chào mừng 21 phát đại bác ở thủ đô Washington; và phát biểu ra mắt tại Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 28.9.
Khi mường tượng ra cuộc gặp giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới vào đầu năm nay, người ta thấy Chủ tịch Tập đứng trên một tầm cao uy nghi. Kể từ khi đảm nhận vai trò lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc vào tháng 11.2012, người con trai của nhà cách mạng cộng sản Tập Trọng Huân đã củng cố được quyền lực nhanh hơn so với những người tiền nhiệm. Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình đã đem lại cho ông ta sự ủng hộ của công chúng – đồng thời ngẫu nhiên loại bỏ những đối thủ tiềm tàng. Và thông qua việc giương cao khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Hoa” – vốn tạo ra hình ảnh chế độ cộng sản là sự phát triển đỉnh cao của nền văn minh Trung Hoa vĩ đại và gắn kết quá trình hồi sinh của Trung Quốc với sự thịnh vượng cá nhân – Tập Cận Bình đã nỗ lực hầu đảm bảo cho sự trường tồn của đảng cầm quyền.Tuy nhiên, mùa Hè vừa qua lại kém tốt lành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc. Thị trường chứng khoán của Trung Quốc, nơi các doanh nghiệp nhà nước tìm cách thổi phồng tài sản của mình, đã sa sút mạnh, bất chấp sự can thiệp của chính phủ. Nền kinh tế chững lại nhanh hơn so với dự kiến. Đội quân kỹ sư, cử nhân đông đảo không tìm được việc làm, trong khi người lao động chân tay lại đòi thêm tăng lương cho những công việc cực nhọc trong các nhà máy vốn từng đem lại sức mạnh cho nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của Trung Quốc. Mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức năm nay là 7%, song một số chuyên gia kinh tế lại không thể nhìn ra mục tiêu đó sẽ đạt được bằng cách nào nếu Bắc Kinh không làm trò với những con số. Tháng Bảy, một vụ nổ hoá chất ở thành phố cảng Thiên Tân đã cướp đi ít nhất 160 sinh mạng, đồng thời cho thấy mối quan hệ suy đồi giữa chính quyền và giới doanh nghiệp nguy hại cho người dân Trung Quốc như thế nào.
Áp lực trong nước đã đành, họ Tập còn phải đến Washington trong giai đoạn nhiều lo lắng. Tin tốt lành ở đây là hai quốc gia phát thải nhiều nhất trên thế giới dường như đã cam kết xử lý vấn đề biến đổi khí hậu. Dĩ nhiên, cứu rỗi trái đất là một khát vọng cao quý. Dù vậy, âm hưởng thiện chí vốn thường lan toả trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lại câm nín trong giai đoạn này. Danh mục bất đồng thì nhiều – nhiều hơn so với chuyến thăm cấp nhà nước của Hồ Cẩm Đào 4 năm trước. Washington đã bày tỏ thái độ thất vọng trước việc Trung Quốc tiến hành hoạt động do thám qua mạng nhằm vào chính phủ và các công ty Mỹ; trước những động thái quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi chính phủ 6 nước dính vào cuộc tranh chấp lãnh thổ; và trước một môi trường kinh doanh đang xấu đi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động ở Trung Quốc, điều thậm chí có thể còn tệ hại hơn bởi một đạo luật về an ninh quốc gia mới ban hành. Ấy là còn chưa xét đến những quan ngại về nhân quyền trước chiến dịch đàn áp mà họ Tập nhằm vào giới bất đồng chính kiến, một chiến dịch mà nhà cầm quyền Trung Quốc đã bỏ tù tất cả, từ các luật sư, nhà hoạt động nữ quyền cho đến các văn sỹ và nhân viên các tổ chức phi chính phủ.
Bắc Kinh cũng chẳng vui vẻ gì với Washington. Chính phủ Trung Quốc mệt mỏi khi cứ phải làm cái bao tập đấm cho một loạt ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà, những người cho rằng Trung Quốc đã đánh cắp việc làm và gây bất ổn cho thị trường chứng khoán Mỹ. (Scott Walker khuyên Obama huỷ lời mời Tập Cận Bình, trong khi Donald Trump lại đề xuất cho Chủ tịch Trung Quốc ăn một suất hamburger McDonald thay vì dự quốc yến tại Nhà Trắng.)
Với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai và đông dân nhất trên thế giới, Trung Quốc chẳng ưa gì việc Hoa Kỳ thuyết giảng họ. Tuần trước, chẳng hạn, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen đã nêu quan ngại về năng lực của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong việc đối phó với tình trạng kinh tế phát triển chậm lại. Việc Hoa Kỳ khôi phục cam kết quân sự đối với khu vực Thái Bình Dương tạo cảm giác giống như sự kiềm toả, bất chấp những lời lẽ xoa dịu của chính quyền Obama. Để chống lại thứ mà Bắc Kinh coi là chủ nghĩa đế quốc về văn hoá của Mỹ, chính phủ của Tập Cận Bình, đặc biệt là Bộ trưởng Giáo dục, đã cảnh báo về những giá trị phương Tây nguy hại đang tiêm nhiễm tâm trí người Trung Quốc. Suy cho cùng, khoảng 300.000 sinh viên Trung Quốc đang nghiên cứu tại Mỹ; làm sao họ có thể tiếp tục trung thành nếu Bắc Kinh không chống lại các lực lượng ngoại quốc thù địch?
Dù vậy, bất chấp tất cả những khác biệt, sự tương đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mới là điều có thể gây ra nhiều tác hại nhất cho mối quan hệ song phương. Cả hai đều nghĩ mình là ngoại lệ, được miễn trừ theo cách nào đó khỏi những quy tắc địa chính trị toàn cầu mà những quốc gia khác phải chịu ràng buộc. Cả hai đều tin vào sự ưu việt của mô hình phát triển mà họ đang áp dụng. Cả hai đều tự coi mình như những lực lượng ý thức hệ tiến bộ trên thế giới.
“Một trong những lý do mà Hoa Kỳ và Trung Quốc nhận thấy khó đối phó với phía bên kia”, Rana Mitter – giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford – nhận xét, “là ở chỗ: họ là hai quốc gia duy nhất còn lại trên thế giới thi nhau kể cho chính họ và thế giới nghe những câu chuyện mang màu sắc tận thế lớn lao liên quan đến bản thân họ.” Rốt cuộc, giấc mơ Mỹ và giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình là những tầm nhìn loại trừ lẫn nhau. Đó là thực tế mà cả màn chào mừng 21 phát đại bác lẫn buổi quốc yến hoành tráng tới đây đều không thay đổi được.
Nguồn: Việt Nam Thời Báo
No comments:
Post a Comment