Wednesday, September 30, 2015

Cài cắm và mua chuộc – thủ đoạn bẩn thỉu và nham hiểm của an ninh cộng sản

Lê Anh Hùng | VOA| 30.9.2015




Nguỵ Kinh Sinh
Từ chuyện Trung Quốc và Đông Đức…
Nguỵ Kinh Sinh là nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền nổi tiếng thế giới của Trung Quốc. Ông được ví là "Cha đẻ của nền dân chủ Trung quốc" hay "Nelson Mandela của Trung Quốc", và từng 7 lần được đề cử giải Nobel Hoà bình. Sau nhiều lần bị bắt và hai lần bị kết án, với tổng cộng thời gian ngồi tù 18 năm, ông bị nhà cầm quyền Bắc Kinh trục xuất sang Hoa Kỳ vào ngày 16.11.1997, như là kết quả của cuộc mặc cả giữa Chủ tịch TQ Giang Trạch Dân với Tổng thống Bill Clinton.
Ngày 23.11.2014, giữa lúc phong trào đấu tranh đòi quyền phổ thông đầu phiếu do giới sinh viên Hồng Kông phát động diễn ra mạnh mẽ, trong bối cảnh phải đương đầu với đủ trò đánh phá bẩn thỉu và thâm độc của chính quyền cộng sản, ông đã viết bài “The Nobleness and Shameless of Politics” (tạm dịch: “Sự cao quý và vô liêm sỷ của chính trị”).

Trong bài viết của mình, ông đã vạch trần những âm mưu quỷ quyệt của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm đánh phá phong trào “chiếm trung tâm” của giới trẻ Hồng Kông nói riêng và phong trào đấu tranh dân chủ ở Trung Quốc nói chung, như tung tin bịa đặt, cài người vào các tổ chức đối lập, thành lập tổ chức đấu tranh trá hình, mua chuộc giới truyền thông, v.v.
Một khi đã hiểu bản chất cộng sản thì những chuyện đó không khiến người ta phải quá ngạc nhiên. Thông tin có lẽ khiến nhiều người phải kinh ngạc ở đây là khi ông cho biết: “Tôi còn nhớ một lần phát biểu tại Humboldt University ở Berlin, trường đại học nơi Karl Marx từng nghiên cứu. Một vị cựu lãnh đạo đối lập của Đông Đức nói với tôi: Khi ngài nói về sự can thiệp của gián điệp cộng sản, ngài đã không nhấn đủ mạnh vào tầm quan trọng của vấn đề. Sau khi Đông Đức và Tây Đức thống nhất, chúng tôi phát hiện từ hồ sơ lưu trữ là 2/3 số người trong các tổ chức của chúng tôi đã từng làm gián điệp hoặc chỉ điểm.”
…đến thực tế Việt Nam
An ninh cộng sản có rất nhiều thủ đoạn để buộc đối tượng mà chúng nhắm đến phải làm việc với chúng. Đầu tiên, chúng lập hồ sơ theo dõi đối tượng, tìm hiểu kỹ càng từ học vấn, tính cách, sở thích… cho đến hoàn cảnh gia đình của đối tượng.
Nếu đối tượng bản lĩnh không vững vàng, dễ sa ngã thì chúng sẽ tìm cách dụ dỗ, mua chuộc để làm việc cho chúng. Trường hợp không mua chuộc được, chúng sẽ tìm điểm yếu của đối tượng để khai thác. Điểm yếu đó có thể là việc làm ăn kinh doanh vi phạm pháp luật, quan hệ ngoài vợ chồng nhưng sợ vợ hoặc chồng biết, v.v. Một khi đã nắm được “thóp” của đối tượng, chúng sẽ lật bài ngửa và “mặc cả” với họ.
Khi không tìm ra được điểm yếu khả dĩ nào khiến đối tượng phải khuất phục, chúng có thể doạ bắt giam, khởi tố rồi dụ dỗ đối tượng “hợp tác” với chúng, kèm theo những điều kiện hậu hĩnh, nếu không muốn ngồi tù. Thậm chí, chúng có thể lợi dụng sự mất cảnh giác của đối tượng, sử dụng những nhà đấu tranh trá hình gần gũi với đối tượng để gài bẫy rồi khống chế đối tượng.
Theo cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Vũ Bình, một nhà đấu tranh dân chủ kỳ cựu và nghiên cứu khá sâu về sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Âu, trong giới đấu tranh có 3 loại làm việc cho an ninh cộng sản.
Loại thứ nhất là sỹ quan an ninh được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản rồi chui vào phong trào đấu tranh dưới một vỏ bọc nào đó. Loại này chiếm khoảng 10% số tay chân an ninh. Tỷ lệ này không cao, vì những kẻ đã trải qua trường lớp an ninh chính quy thường khó che dấu nhân thân.
Loại thứ hai vốn là đặc tình của an ninh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trước khi được an ninh đưa vào phong trào dân chủ. Loại này chiếm khoảng 15-20%.
Loại thứ ba, chiếm đến 70-75%, ban đầu là người đấu tranh thực sự, nhưng bản thân hay gia đình có vấn đề, bị an ninh khai thác, khống chế rồi đi đến chỗ “hợp tác” với chúng. Loại này chiếm tỷ lệ lớn bởi thành phần đa dạng của giới đấu tranh, trong đó rất nhiều người bắt nguồn từ bức xúc cá nhân trước thực trạng xã hội hay hoàn cảnh bản thân, hay đấu tranh cho quyền lợi bản thân và gia đình. Vì thế, lập trường và bản lĩnh của họ thường không vững vàng, dễ dao động. Loại này vừa đông vừa nguy hiểm, bởi trong số đó có cả những nhân vật đã “thành danh” trong làng tranh đấu nên ít ai ngờ tới.
Trong một bài viết mới đây – “Chiến dịch mới của an ninh?” – blogger Người Buôn Gió nhận định, số dư luận viên và an ninh trá hình hiện chiếm tới 10% lực lượng tranh đấu. Từ kinh nghiệm của bản thân, chúng tôi cho rằng đó là một nhận định chuẩn xác, ít nhất là bởi mức độ… khiêm tốn của nó. [i]
Bài học xương máu
Bài viết này không nhằm mục đích gieo rắc nghi ngờ hay gây hoang mang cho những người đấu tranh nói riêng và những ai quan tâm đến vận mệnh nước nhà nói chung. Đơn giản, đây là thực tế không thể tránh khỏi mà bất cứ ai dấn thân vào con đường gian nan đó cũng đều phải đối mặt. Vì thế, tốt hơn hết là tất cả mọi người đều cần biết để đề phòng, hầu tránh tổn thất cho bản thân cũng như cho phong trào.
Bài học từ sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hoà vẫn còn nguyên giá trị. Một trong những nguyên nhân quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, khiến nền dân chủ non trẻ ở miền Nam Việt Nam sụp đổ một cách bi thảm chính là do đội quân gián điệp hùng hậu của cộng sản, với những điệp viên sừng sỏ như Vũ Ngọc Nhạ hay Phạm Xuân Ẩn. Đội quân này hoạt động tinh vi và quỷ quyệt đến mức, sau khi cụm tình báo chiến lược A.22 bị phá vỡ, 42 gián điệp từ phủ tổng thống cho đến các cơ quan khác, trong đó có một “cố vấn” của tổng thống, bị bắt và bị toà kết án, ngay cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng không tin đó là sự thật mà cứ cho rằng vụ việc là do CIA dàn dựng.
Khi chính quyền chưa nằm trong tay mà lực lượng gián điệp của cộng sản còn lợi hại đến như thế thì thử hỏi, một khi đã nắm cả hệ thống chính trị, chúng còn tác oai tác quái đến đâu?
Bất luận thế nào, nếu không đề cao cảnh giác, người đấu tranh rất dễ sa vào những cái bẫy mà cộng sản luôn giăng sẵn, để rồi hoặc là bị nắm hết thông tin bí mật của bản thân và tổ chức, hoặc là tham gia vào tổ chức trá hình do an ninh dựng lên, hoặc thậm chí là bị khống chế rồi đi đến chỗ làm tay sai cho chúng. Kết cục đó không chỉ là thất bại đau đớn của bản thân người trong cuộc, mà còn ảnh hưởng lớn đến công cuộc chung của nước nhà.
______________
Ghi chú:
[i] Là người phải đương đầu với bao mưu mô bẩn thỉu của những bộ óc “quái kiệt” nhất suốt 10 năm qua nên tôi chẳng lạ gì đám tay sai của an ninh cộng sản.
Không chỉ chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân, chúng còn lén lút đâm sau lưng những người vẫn luôn dành cho chúng sự tin tưởng, tình thương yêu và tinh thần đồng đội cao cả.
Tôi nghĩ sau này, khi chế độ cộng sản buôn dân bán nước ở Việt Nam sụp đổ – một kết cục tất yếu và chắc chắn chỉ còn tính bằng năm – điều đầu tiên mà đám an ninh chính quy làm là sẽ phun ra tuốt tuồn tuột những “nhà dân chủ” hay “người đấu tranh” trá hình kia.

Vì sao ư? Vì một lẽ đơn giản là càng sẵn sàng tha thứ, tôn trọng, thậm chí kính trọng kẻ thù công khai, người ta lại càng căm phẫn, khinh bỉ thậm chí ghê tởm những kẻ phản bội hay đồng đội trá hình. Dĩ nhiên, những kẻ sai khiến chúng cũng chẳng coi chúng ra gì, và việc vạch mặt lũ tay sai sẽ giúp “đỡ đòn” cho quan thầy của chúng.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Lê Anh Hùng

Lê Anh Hùng là một blogger tự do trẻ trong nước tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.


Nguồn: VOA

Monday, September 28, 2015

Thêm một “chiến công ngoạn mục” của PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải?

Lê Anh Hùng



Với sự tiếp tay vô cùng đắc lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải đã lập được vô số “chiến công” trong tiến trình hiện thực hoá âm mưu thôn tính Việt Nam của Trung Nam Hải.
Trên cương vị Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, đồng thời đứng đầu hàng loạt ban chỉ đạo quốc gia quán xuyến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, Hoàng Trung Hải là người đứng đằng sau hầu như tất cả các dự án tai tiếng liên quan đến yếu tố Trung Quốc suốt nhiều năm qua.

Ngoài việc ngày đêm ra sức “Hán hoá” nền kinh tế Việt Nam, ông ta còn đóng vai trò quyết định để Trung Quốc chiếm lĩnh hoặc kiểm soát được những vị trí vô cùng xung yếu về an ninh – quốc phòng ở Việt Nam như Vũng Áng (Hà Tĩnh), Vĩnh Tân (Bình Thuận), 264.000ha rừng đầu nguồn, khai thông các hướng tấn công cho đội quân xâm lược đến từ phương bắc bằng các tuyến cao tốc nối biên giới Việt-Trung với các trung tâm chính trị - kinh tế ở Bắc Bộ, v.v.
Mới đây, báo chí đã phanh phui ra việc chính ông ta là người đã ký quyết định phê duyệt dự án xây dựng toà nhà 8B Lê Trực vào năm 2013. Đây là công trình có chiều cao áp đảo so với các công trình kiến trúc xung quanh quảng trường Ba Đình, gần gấp 3 lần chiều cao Lăng Hồ Chí Minh (60m so với 21,6m) và chỉ cách "Lăng Bác" vỏn vẹn 400m. Chính vì vậy, từ toà nhà này có thể “giám sát” gần như mọi động tĩnh ở khu trung tâm đầu não Ba Đình.

Toà nhà 8B Lê Trực nhìn từ quảng trường Ba Đình

Toà nhà 8B Lê Trực và Lăng Hồ Chí Minh

Toà nhà 8B Lê Trực nhìn từ phía phố Trần Phú kéo dài. Công trình này thực
tế gồm 19 tầng chứ không phải 17 hay 18 tầng như báo chí nhà nước đưa tin.
Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, ngày 26.9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc công trình này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ gấp trong tháng 9.
Chúng ta hãy chờ xem ngài Thủ tướng khả kính, đối tượng của một vụ tố cáo đặc biệt nghiêm trọng suốt hơn 7 năm nay là đã bị Hoàng Trung Hải và Trung Nam Hải khống chế và thao túng, sẽ “kết luận” về vụ việc động trời này như thế nào.

Sunday, September 27, 2015

Bộ Công thương đã dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc?

Lê Anh Hùng | Việt Nam Thời Báo | 27.9.2015



Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn liên tục tăng với tốc độ chóng mặt kể từ năm 2001 đến nay. Theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê, năm 2001 giá trị nhập siêu mới chỉ là 190 triệu, nhưng đến năm 2014, con số đó đã lên tới 28,9 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu.


Kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các năm – Nguồn: VOA
Trong cuộc họp liên bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư ngày 25.9 mới đây, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết là dự kiến năm 2015, nhập siêu từ Trung Quốc là 35 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2014, đồng thời khẳng định mức này nằm trong dự báo. 
Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số chính thức của Tổng cục Thống kê thôi. Trên thực tế, mức độ nhập siêu còn lớn hơn rất nhiều, do tình trạng hàng hoá nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam ngày một tràn lan, ngoài tầm kiểm soát của các lực lượng chức năng ở Việt Nam.
Nguồn thông tin từ Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, năm 2014 Việt Nam xuất sang Trung Quốc 19,9 tỷ USD và nhập từ Trung Quốc 63,7 tỷ USD (báo VietNamNet ngày 5.5.2015).
Như vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc thì giá trị nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam năm 2014 là 43,8 tỷ USD và tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu lên đến mức khủng khiếp 43% (thay vì 29,5% như số liệu chính thức của Việt Nam). Tức là bình quân cứ 2 USD giá trị sản phẩm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam thì gần 1 USD giá trị sản phẩm, thường là kém chất lượng và độc hại, có nguồn gốc Trung Quốc, và đặc biệt tỷ lệ ấy vẫn đang tăng dần qua từng năm.
Với việc lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định mức tăng nhập siêu từ Trung Quốc năm 2015 hơn 21% là “nằm trong dự báo”, phải chăng Bộ Công thương đã sáng suốt dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc?

Tuesday, September 22, 2015

Vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn ‘quyết liệt’ ủng hộ Formosa Hà Tĩnh?

Lê Anh Hùng | VOA| 22.9.2015



Formosa Hà Tĩnh, do tập đoàn Formosa đầu tư tại Hà Tĩnh, một tỉnh nghèo nằm ở phía bắc miền Trung, là một dự án đầy tai tiếng và mờ ám, khiến dư luận hết sức bức xúc và bất an suốt mấy năm qua:
Một doanh nghiệp Trung Quốc[i]được giao một phần lãnh thổ lên tới 3.300ha (bằng 1,2 lần diện tích Macao), bao gồm cả cảng nước sâu Sơn Dương, ở dưới chân Đèo Ngang, một vị trí cực kỳ xung yếu về an ninh – quốc phòng; [ii]

Hai văn bản quyết định đưa đến sự ra đời của dự án này đều do Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải thay mặt Thủ tướng ký: Công văn số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2008 “đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh” và Công văn số 869/TTg-QHQT ngày 6/6/2008 “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”;
Formosa Plastic Group, chủ đầu tư dự án Formosa Hà Tĩnh, là một tập đoàn Đài Loan - Trung Quốc chưa hề có kinh nghiệm gì về sản xuất gang thép;
Formosa Hà Tĩnh là dự án đầu tư nước ngoài được cả chính phủ trung ương lẫn chính quyền địa phương dành cho sự ưu đãi “vô tiền khoáng hậu”:  thời hạn thuê đất là 70 năm, vượt quá 20 năm so với quy định của Luật Đất đai năm 2003; miễn tiền thuê đất trong thời hạn 15 năm và chỉ thu tiền thuê đất trong thời hạn 55 năm với giá rẻ mạt (80 đồng/m2/năm, giá thuê mặt nước là 10 triệu đồng/km2/năm); miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định; được Thủ tướng Chính phủ cho phép hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi cao nhất: chỉ 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án (thuế suất thuế TNDN năm 2008 là 28%), miễn bốn năm đầu và giảm 50% trong chín năm tiếp theo; được nâng giới hạn cấp tín dụng lên 4 lần vốn tự có (coi như là được kinh doanh bằng vốn của Việt Nam); (…);
Formosa Hà Tĩnh đã cho xây dựng những công trình đáng ngờ như hầm ngầm hay cả toà nhà đúc bằng bê tông cực kỳ kiên cố, không có lấy một viên gạch nào;
PTT Hoàng Trung Hải đã cho phép Formosa Hà Tĩnh hoàn tất các thủ tục theo quy định để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân thuê hoặc mua; còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì đồng ý cấp cho Hà Tĩnh gần 300 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để hỗ trợ dự án xây nhà ở cho công nhân, đặc biệt là hàng nghìn công nhân Trung Quốc, của BQL Khu kinh tế Vũng Áng.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về sự biệt đãi mà chính phủ Việt Nam dành cho Formosa Hà Tĩnh, một dự án như bao nhà máy khác của ngành công nghiệp thép vốn đang dư thừa công suất ở Việt Nam, tức là chỉ cán thép chứ không phải là luyện kim, khâu khó nhất trong ngành thép mà VN đang thiếu. Một khi Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động thì hàng loạt doanh nghiệp thép trong nước đứng trước nguy cơ bị khai tử vì phải cạnh tranh trên một sân chơi không bình đẳng.
Bất chấp phản ứng gay gắt của dư luận trên cả báo chí “lề đảng” lẫn “lề dân”, cả PTT Hoàng Trung Hải lẫn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều tiếp tục thể hiện sự ủng hộ trước sau như một của họ đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.
Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã kết luận rằng việc chính quyền Hà Tĩnh cho Formosa Hà Tĩnh thuê đất trong thời hạn 70 năm là trái quy định của pháp luật, song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn đồng ý bảo lưu, không xét lại việc chính quyền địa phương nâng thời hạn giấy phép từ 50 năm lên 70 năm một cách trái pháp luật.
Theo VTV, trong chuyến thăm Formosa Hà Tĩnh ngày 17.9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ đối với việc Tập đoàn này xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu có công suất tới 16 triệu tấn, với vốn đầu tư trên 12 tỷ USD tại Khu kinh tế Vũng Áng, cũng như tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa thành công”.

Thủ tướng Việt Nam dự lễ cắt băng khánh thành một tổ máy
đốt than của nhà máy nhiệt điện Formosa ngày 17.9
Chưa hết, cho dù bận trăm công ngàn việc “quốc gia đại sự” trên cương vị đứng đầu bộ máy hành pháp của một quốc gia 90 triệu dân, song dường như để thể hiện sự ủng hộ quyết liệt của mình, ngài Thủ tướng Việt Nam vẫn dành thời gian thân chinh tới dự lễ… khánh thành một tổ máy đốt than của Nhà máy Nhiệt điện Formosa, một “biểu tượng” cho tinh thần “độc lập - tự chủ” của “đặc khu Trung Quốc” mang tên Formosa Hà Tĩnh.
Với những gì nêu trên và đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ tham vọng bành trướng vốn đã kìm nén bấy lâu (như việc đưa giàn khoan HD981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không ngừng bồi đắp các đảo đá mà họ xâm chiếm của VN ở Trường Sa, biến chúng thành những căn cứ quân sự liên hoàn, v.v.), dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn “quyết liệt” ủng hộ một dự án đầy tai tiếng và mờ ám như Formosa Hà Tĩnh?

______________
Ghi chú:
[i] Chính phủ Việt Nam vẫn coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc. Ngoài ra, theo chuyên trang Steel First ngày 4.10.2013 thì cả 4 công ty con của Formsa Plastic Group tham gia góp vốn vào dự án Formosa Hà Tĩnh – Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics Corp, Formosa Chemicals & Fibre Corp và Formosa Petrochemical Corp – đều đã quyết định giảm cổ phần tại Formsa Hà Tĩnh từ 21.25% mỗi công ty xuống còn 14.75%. Trang mạng này còn đưa tin là một quan chức của Formosa Hà Tĩnh đã cho họ biết: “Mọi cán bộ công nhân viên của Formosa Hà Tĩnh đều bị cấm đưa ra bất kỳ bình luận nào với công chúng về việc chuyển nhượng cổ phần”. Họ đã và sẽ tiếp tục chuyển nhượng cho ai thì có Trời mới biết.
[ii] Vũng Áng nằm ngay dưới chân Đèo Ngang, nơi có địa hình vừa hiểm trở vừa gần như hẹp nhất Việt Nam, chỉ cần một lực lượng quân sự nhỏ là đủ sức chia cắt đất nước thành hai phần. Đặc biệt, cảng nước sâu Sơn Dương được coi là một trong 4 yếu huyệt của Việt Nam trên Biển Đông, cùng với Cam Ranh, Nam Du và Côn Đảo. Một khi có biến, với căn cứ quân sự trá hình của Trung Quốc ở Vũng Áng và căn cứ quân sự Tam Á trên đảo Hải Nam cách đấy không xa, Việt Nam dễ dàng bị chia cắt cả về đường bộ lẫn đường biển tại vị trí yết hầu này.
*Bài liên quan:

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Lê Anh Hùng

Lê Anh Hùng là một blogger tự do trẻ trong nước tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.



Nguồn: VOA

Washington Post: Không có cú hạ cánh mềm cho Chủ tịch Tập Cận Bình khi đến Mỹ

Todd C. Frankel | Washington Post | 21.9.2015
Lê Anh Hùng dịch


Chủ tịch Tập đang chờ gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ
Susan E. Rice tại Đại lễ đường Nhân dân tháng 8.2015
 Ảnh: Fred Dufour/AFP
SEATTLE — Seattle là thành phố vẫn dành cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc cú hạ cánh mềm khi bắt đầu các chuyến thăm Hoa Kỳ. Đó là lý do giải thích tại sao hàng chục năm qua họ dừng chân ở đây để bắt tay, thăm thú một nhà máy (thường là hãng Boeing) và thực hiện một cú nhấn nút thân thiện nào đó – thị trường xuất khẩu lớn nhất của bang Washington là Trung Quốc – trước khi rời đi để xử lý những vấn đề gai góc hơn.
Thứ Ba tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nối tiếp truyền thống khi máy bay của ông hạ cánh ở đây để bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ kéo dài 7 ngày, bao gồm buổi quốc yến trọng thể tại Nhà Trắng vào thứ Năm và bài phát biểu quan trọng tại trụ sở Liên Hợp Quốc sau đó.
Song cú hạ cánh lần này lại đang trông có vẻ không được êm thấm cho lắm.

Căng thẳng giữa hai quốc gia đang dâng cao, với những tranh cãi về tin tặc, hoạt động ăn cắp thông tin trên mạng và việc các doanh nghiệp Mỹ bị hạn chế tham gia thị trường Trung Quốc. Mấy tuần gần đây, chính quyền Obama đã bí mật bàn việc trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc vì hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ qua mạng Internet. Việc trừng phạt trước khi họ Tập đặt chân đến Mỹ hẳn sẽ ảnh hưởng xấu đến chuyến đi. Và mặc dù các biện pháp trừng phạt bị hoãn lại song ý định kia thì không.
Mối nghi ngờ còn phủ bóng lên cả những sự kiện bình thường, chẳng hạn như cuộc gặp cấp cao Trung-Mỹ để bàn về Internet được ấn định sẽ diễn ra trong chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Seattle, với những cáo buộc rằng giới chức Trung Quốc đã dùng sức mạnh để buộc các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ phải tham dự.
Một cuộc chào hỏi kém quan trọng hơn ở Seattle giữa Chủ tịch Trung Quốc với các quan chức dân cử của Mỹ đã đem lại một cơ hội công kích mới, sau khi bốn thành viên Đảng Cộng hoà của đoàn nghị sỹ quốc hội bang Washington bỏ cuộc gặp phi chính thức đó. Các đảng viên Đảng Cộng hoà đã chỉ trích Tổng thống Obama thậm chí chỉ vì ông tổ chức bữa tiệc dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.
“Rất nhiều trong số đó liên quan đến bầu không khí”, Addam Segal – thành viên kỳ cựu về Trung Quốc học tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Relations) – nhận định, đồng thời lưu ý mức độ gay gắt của ngôn từ đã tăng lên trong những tuần gần đây.
Ông nói, chuyến thăm Seattle “dường như đã cho thấy là đóng vai trò quan trọng hơn so với thường lệ”.
Hank Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính và hiện là chủ tịch Paulson Institute (Viện Paulson), nơi đang tổ chức cuộc hội thảo bàn tròn doanh nghiệp Mỹ-Trung tại Seattle, cho rằng mối quan hệ giữa hai nước là quan trọng nhất trên thế giới.
“Áp lực thực sự đang hiện hữu”, Paulson nói. “Song thực tế là chúng ta lại sắp đón chuyến thăm cấp nhà nước vào thời điểm căng thẳng gia tăng hiện nay, và đó là bằng chứng cho thấy hai bên đều nhận ra tầm quan trọng của mối quan hệ.”
Áp lực đã tăng lên trong bối cảnh Trung Quốc thể hiện một thái độ quyết đoán mới, từ kế hoạch xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông cho đến việc hacker Trung Quốc được cho là đã xâm nhập các hệ thống máy tính của Mỹ để đánh cắp thiết kế nhà máy điện hạt nhân và mã công cụ tìm kiếm.
Dù vậy, Trung Quốc cũng biết là các doanh nghiệp Hoa Kỳ thèm muốn thị trường khổng lồ của mình, ngay cả với những khó khăn kinh tế gần đây. Thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới nằm ở Trung Quốc. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc lên đến 200 triệu người và không ngừng gia tăng.
Người ta có thể nhận ra tầm quan trọng nổi bật của thị trường Trung Quốc qua số thành phần giam gia dự kiến tại cuộc hội thảo bàn tròn do Paulson Institute tổ chức: Tim Cook của Apple, Warrant Buffett của Berkshire Hathaway, Mary Barra của General Motors và Bob Iger của Disney. Họ sẽ tham dự cùng Jack Ma của Alibaba, Pony Ma của Tencent và Robin Li của Baidu, trong số nhiều người khác.
Phần lớn toan tính quốc tế đã hướng sự chú ý đến Diễn đàn Công nghiệp Internet Mỹ-Trung (U.S.-China Internet Industry Forum), một sự kiện thường là chán ngắt mà những năm trước chẳng mấy ai để ý. Năm ngoái, nó được tổ chức tại khách sạn Mandarin Hotel ở Washington, nơi hàng trăm nhân vật ít tiếng tăm từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu cùng một số tổ chức chính phủ đến kể chuyện công việc.
Sacha Meinrath – giám đốc viện chính sách công nghệ X-Lab, người đã tham dự diễn đàn vào năm ngoái – bình luận: “Ngoài một nhóm rất nhỏ ra thì chẳng ai biết nó là gì.”
Năm nay thì lại khác. Diễn đàn đã lùi thời điểm tổ chức từ tháng 12 như thường lệ, đồng thời chuyển sang Seattle để trùng với chuyến công du của Tập Cận Bình. James Mulvenon, phó chủ tịch phụ trách tình báo của Defense Group ở Vienna, cho biết rằng các hãng công nghệ hàng đầu được Lu Wei, ông trùm Internet của Trung Quốc, thông báo là họ cần cử những đại diện hàng đầu đến tham dự.
Mulvenon nói, ông đã nghe từ “nhiều hãng” vốn được khuyến cáo rằng họ sẽ đối mặt với sự giám sát khắt khe hơn của chính quyền nếu không nghe theo lời Lu Wei. Ông nhận xét, thông điệp đó thật khó mà nhầm lẫn: “Việc quý vị vắng mặt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của quý vị.”
“Đây là chuyện Lu Wei tìm cách nhấn mạnh với ban lãnh đạo Trung Quốc về quyền lực và vai trò lãnh đạo của ông ta”, Mulvenon nói.
Trung Quốc đã làm cho các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ gặp khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh. Google và Facebook bị bộ máy kiểm duyệt nhà nước ngăn chặn. Tháng Hai vừa qua, nhà chức trách Trung Quốc buộc Qualcomm phải trả 975 triệu USD cho cáo buộc công ty này đã tính phí cấp phép không công bằng. Microsoft đã đồng ý cung cấp bản cập nhật Windows 10 miễn phí cho tất cả những người sử dụng ở Trung Quốc, kể cả những đối tượng sử dụng phần mềm ăn cắp bản quyền.
Song Addam Segal, chuyên gia về chính sách Trung Quốc, lại cho rằng các hãng công nghệ Mỹ sẽ ngại phớt lờ Lu Wei.
“Sẽ rất xấu mặt cho Lu Wei nếu các hãng công nghệ không hiện diện”, ông nói.
Nhiều hãng công nghệ hoặc từ chối bình luận về diễn đàn, hoặc không trả lời câu hỏi.
Một số quan chức chính phủ Mỹ, kể cả từ Bộ Ngoại giao, cũng được chờ đợi là sẽ tham gia diễn đàn, vì trước kia họ đã tham dự.
Dù vậy, chuyến công du của Tập Cận Bình cũng hứa hẹn một số sự kiện thiếu kịch tính. Theo chương trình, ông sẽ đến thăm Lincohn High School (Trường PTTH Lincohn) ở Tacoma, bang Washington, ngôi trường mà ông đã ghé thăm năm 1993, khi còn là một quan chức cấp tỉnh. Ông sẽ thăm một nhà máy Boeing ở Everett, bang Washington, bởi Trung Quốc đang ngày càng trở nên quan trọng đối với tập đoàn hàng không của Mỹ.
Mặc dù khách hàng Trung Quốc hiện chiếm khoảng 25% đơn đặt hàng máy bay thương mại của Boeing, song Trung Quốc được dự báo là sẽ trở thành khách hàng lớn nhất của tập đoàn này trong 20 năm tới, Boeing cho biết.
Tập Cận Bình cũng sẽ có một bài phát biểu về chính sách vào tối thứ Ba ở Seattle.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc sẽ không dự bữa tối với Bill Gates tại lâu đài của ông ta, bất chấp vô số tin tức về sự kiện này, một số người gần gũi với vụ việc và yêu cầu được giấu tên cho biết.
Sau đó, Tập Cận Bình sẽ bay tới Washington vào thứ Năm, ngay khi một nhân vật danh tiếng khác rời khỏi thủ đô nước Mỹ. Giáo hoàng Francis dự kiến sẽ rời Washington để tới New York vào chiều thứ Năm.

TIME: Chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình không giải quyết được những bất đồng cơ bản

Hannah Beech | TIME | 21.9.2015
Lê Anh Hùng dịch
     
Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự lễ ký kết với Vua Jordan
Abdullah II tại Đại Lễ đường Nhân dân ngày 9.9.2015
(Ảnh: Lintao Zhang—Reuters)
Đồng thuận vẫn là giấc mơ xa vời – bất kể đó là giấc mơ Trung Hoa hay giấc mơ Mỹ
Tập Cận Bình từng đến Mỹ sáu lần, ngang dọc suốt từ Iowa cho đến California. Song chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới đây – bắt đầu từ ngày thứ Ba ở bang Washington, rồi tới thủ đô Washington trước khi kết thúc ở New York – mới đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông ta trên cương vị lãnh đạo Trung Quốc. Vị Chủ tịch 62 tuổi thuộc dòng dõi quý tộc đỏ Trung Quốc sẽ gặp các quan chức điều hành trong lĩnh vực công nghệ và hàng không vũ trụ ở bang Washington, bang xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất trong 50 bang của Mỹ; tham dự buổi quốc yến và màn chào mừng 21 phát đại bác ở thủ đô Washington; và phát biểu ra mắt tại Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 28.9.
Khi mường tượng ra cuộc gặp giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới vào đầu năm nay, người ta thấy Chủ tịch Tập đứng trên một tầm cao uy nghi. Kể từ khi đảm nhận vai trò lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc vào tháng 11.2012, người con trai của nhà cách mạng cộng sản Tập Trọng Huân đã củng cố được quyền lực nhanh hơn so với những người tiền nhiệm. Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình đã đem lại cho ông ta sự ủng hộ của công chúng – đồng thời ngẫu nhiên loại bỏ những đối thủ tiềm tàng. Và thông qua việc giương cao khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Hoa” – vốn tạo ra hình ảnh chế độ cộng sản là sự phát triển đỉnh cao của nền văn minh Trung Hoa vĩ đại và gắn kết quá trình hồi sinh của Trung Quốc với sự thịnh vượng cá nhân – Tập Cận Bình đã nỗ lực hầu đảm bảo cho sự trường tồn của đảng cầm quyền.
Tuy nhiên, mùa Hè vừa qua lại kém tốt lành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc. Thị trường chứng khoán của Trung Quốc, nơi các doanh nghiệp nhà nước tìm cách thổi phồng tài sản của mình, đã sa sút mạnh, bất chấp sự can thiệp của chính phủ. Nền kinh tế chững lại nhanh hơn so với dự kiến. Đội quân kỹ sư, cử nhân đông đảo không tìm được việc làm, trong khi người lao động chân tay lại đòi thêm tăng lương cho những công việc cực nhọc trong các nhà máy vốn từng đem lại sức mạnh cho nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của Trung Quốc. Mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức năm nay là 7%, song một số chuyên gia kinh tế lại không thể nhìn ra mục tiêu đó sẽ đạt được bằng cách nào nếu Bắc Kinh không làm trò với những con số. Tháng Bảy, một vụ nổ hoá chất ở thành phố cảng Thiên Tân đã cướp đi ít nhất 160 sinh mạng, đồng thời cho thấy mối quan hệ suy đồi giữa chính quyền và giới doanh nghiệp nguy hại cho người dân Trung Quốc như thế nào.
Áp lực trong nước đã đành, họ Tập còn phải đến Washington trong giai đoạn nhiều lo lắng. Tin tốt lành ở đây là hai quốc gia phát thải nhiều nhất trên thế giới dường như đã cam kết xử lý vấn đề biến đổi khí hậu. Dĩ nhiên, cứu rỗi trái đất là một khát vọng cao quý. Dù vậy, âm hưởng thiện chí vốn thường lan toả trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lại câm nín trong giai đoạn này. Danh mục bất đồng thì nhiều – nhiều hơn so với chuyến thăm cấp nhà nước của Hồ Cẩm Đào 4 năm trước. Washington đã bày tỏ thái độ thất vọng trước việc Trung Quốc tiến hành hoạt động do thám qua mạng nhằm vào chính phủ và các công ty Mỹ; trước những động thái quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi chính phủ 6 nước dính vào cuộc tranh chấp lãnh thổ; và trước một môi trường kinh doanh đang xấu đi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động ở Trung Quốc, điều thậm chí có thể còn tệ hại hơn bởi một đạo luật về an ninh quốc gia mới ban hành. Ấy là còn chưa xét đến những quan ngại về nhân quyền trước chiến dịch đàn áp mà họ Tập nhằm vào giới bất đồng chính kiến, một chiến dịch mà nhà cầm quyền Trung Quốc đã bỏ tù tất cả, từ các luật sư, nhà hoạt động nữ quyền cho đến các văn sỹ và nhân viên các tổ chức phi chính phủ.
Bắc Kinh cũng chẳng vui vẻ gì với Washington. Chính phủ Trung Quốc mệt mỏi khi cứ phải làm cái bao tập đấm cho một loạt ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà,  những người cho rằng Trung Quốc đã đánh cắp việc làm và gây bất ổn cho thị trường chứng khoán Mỹ. (Scott Walker khuyên Obama huỷ lời mời Tập Cận Bình, trong khi Donald Trump lại đề xuất cho Chủ tịch Trung Quốc ăn một suất hamburger McDonald thay vì dự quốc yến tại Nhà Trắng.)
Với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai và đông dân nhất trên thế giới, Trung Quốc chẳng ưa gì việc Hoa Kỳ thuyết giảng họ. Tuần trước, chẳng hạn, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen đã nêu quan ngại về năng lực của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong việc đối phó với tình trạng kinh tế phát triển chậm lại. Việc Hoa Kỳ khôi phục cam kết quân sự đối với khu vực Thái Bình Dương tạo cảm giác giống như sự kiềm toả, bất chấp những lời lẽ xoa dịu của chính quyền Obama. Để chống lại thứ mà Bắc Kinh coi là chủ nghĩa đế quốc về văn hoá của Mỹ, chính phủ của Tập Cận Bình, đặc biệt là Bộ trưởng Giáo dục, đã cảnh báo về những giá trị phương Tây nguy hại đang tiêm nhiễm tâm trí người Trung Quốc. Suy cho cùng, khoảng 300.000 sinh viên Trung Quốc đang nghiên cứu tại Mỹ; làm sao họ có thể tiếp tục trung thành nếu Bắc Kinh không chống lại các lực lượng ngoại quốc thù địch?
Dù vậy, bất chấp tất cả những khác biệt, sự tương đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mới là điều có thể gây ra nhiều tác hại nhất cho mối quan hệ song phương. Cả hai đều nghĩ mình là ngoại lệ, được miễn trừ theo cách nào đó khỏi những quy tắc địa chính trị toàn cầu mà những quốc gia khác phải chịu ràng buộc. Cả hai đều tin vào sự ưu việt của mô hình phát triển mà họ đang áp dụng. Cả hai đều tự coi mình như những lực lượng ý thức hệ tiến bộ trên thế giới.
“Một trong những lý do mà Hoa Kỳ và Trung Quốc nhận thấy khó đối phó với phía bên kia”, Rana Mitter – giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford – nhận xét, “là ở chỗ: họ là hai quốc gia duy nhất còn lại trên thế giới thi nhau kể cho chính họ và thế giới nghe những câu chuyện mang màu sắc tận thế lớn lao liên quan đến bản thân họ.” Rốt cuộc, giấc mơ Mỹ và giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình là những tầm nhìn loại trừ lẫn nhau. Đó là thực tế mà cả màn chào mừng 21 phát đại bác lẫn buổi quốc yến hoành tráng tới đây đều không thay đổi được.

Sunday, September 20, 2015

Trang TruongTanSang.net nhại bài viết của Lê Anh Hùng nhằm ý đồ gì?

Lê Anh Hùng



Ngày 14.9, trang VOA Tiếng Việt đăng bài “Ai đã ‘rước’ một công ty TQ trá hình vào cắm chốt những vị trí hiểm yếu ở Đà Nẵng?” của tôi. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả trong và ngoài nước và được nhiều trang mạng uy tín khác đăng lại, chẳng hạn như Bauxite Việt Nam, Việt Nam Thời Báo, Ba Sàm, Xuân Diện Hán Nôm, v.v.
Thời gian này một vụ việc khác liên quan đến yếu tố Trung Quốc cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là dự án “Trung tâm Thương mại – Văn phòng – Nhà ở, cho thuê” của tập đoàn Kinh Đô ở 67 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội: một toà nhà cao 19 tầng (tính cả phần tum đã được chủ đầu tư biến thành 1 tầng) chỉ cách Lăng Hồ Chí Minh chừng 400m, với chiều cao vượt trội so với các công trình kiến trúc xung quanh, đưa tất cả các cơ quan đầu não ở trung tâm chính trị Ba Đình vào trong tầm "giám sát" của nó.

Điều đáng nói là ở chỗ, đây là dự án mà cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu thi công đều là người Trung Quốc. Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên, là hai anh em ruột người Trung Quốc. Nhà thầu thực hiện dự án là Tập đoàn Xây dựng Quảng Châu, Trung Quốc.
Việc trang TruongTanSang.net đăng một số bài viết để cảnh báo về dự án mờ ám này thì không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là trang này lại đăng hai bài nhại theo bài “Ai đã ‘rước’ một công ty TQ trá hình vào cắm chốt những vị trí hiểm yếu ở Đà Nẵng?” của tôi.
Một đoạn văn trong bài viết của tôi trên VOA:
Tất cả các khâu của dự án, từ thiết kế, thi công, giám sát đều do nhà thầu Trung Quốc đảm trách. Người Việt Nam không được phép bén mảng vào trong khu vực thi công; ô tô của người Việt Nam chở vật liệu xây dựng cho công trình cũng phải dừng lại và đổ hàng ở cổng.
Đoạn y chang trong bài “Bóng ma Trung Quốc phủ trùm trung tâm chính trị Ba Đình?” trên TruongTanSang.net:
Tất cả các khâu của dự án, từ thiết kế, người lao động, thi công, giám sát đều do nhà thầu Trung Quốc đảm trách. Người Việt Nam không được phép bén mảng vào trong khu vực thi công; ô tô của người Việt Nam chở vật liệu xây dựng cho công trình cũng phải dừng lại và đổ hàng ở cổng…
Đoạn kết trong bài viết của tôi trên VOA:
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Ai là đã “rước” một Cty Trung Quốc trá hình và mờ ám vào cắm chốt những vị trí hiểm yếu ở Đà Nẵng? Quan trọng hơn, hiểm hoạ mang tên “Silver Shores” kia cần phải được ngăn chặn và loại trừ như thế nào?
Đoạn kết của bài “Bóng ma Trung Quốc phủ trùm trung tâm chính trị Ba Đình?” trên TruongTanSang.net:
…làm cho nhiều người dân đặt ra câu hỏi: Ai là đã “rước” một Tập đoàn Trung Quốc trá hình và mờ ám vào cắm chốt vị trí hiểm yếu ở Hà Nội? Quan trọng hơn, hiểm hoạ này cần phải được ngăn chặn như thế nào?
Tiêu đề của bài thứ hai “Ai đã rước Tập đoàn Trung Quốc vào cắm chốt vị trí hiểm yếu ở Ba Đình?” lại y chang như tiêu đề bài viết của tôi trên VOA.

TruongTanSang.net là một trong nhiều trang mạng mang tên các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam, và mặc dù nhà chức trách Việt Nam khẳng định đây là những trang mạo danh nhưng có lẽ hầu hết mọi người đều hiểu đằng sau những trang mạng đó là ai.
Điều này lại càng khiến người ta phải đặt câu hỏi: Trang TruongTanSang.net nhại bài viết của Lê Anh Hùng là nhằm ý đồ gì?

Friday, September 18, 2015

Washington Post: McCain hối thúc giới chức quốc phòng Hoa Kỳ đối mặt với Trung Quốc ở Biển Đông

Lê Anh Hùng dịch


Chiến dịch của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông thông qua hoạt động bồi đắp và quân sự hoá các hòn đảo chưa bao giờ được Hoa Kỳ chấp nhận.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, hải quân Mỹ vẫn tránh rủi ro đối đầu trực diện với Trung Quốc để chấm dứt hoạt động xây dựng đó.
Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện John McCain muốn khởi sự điều này.
Trong một cuộc điều trần hôm thứ Năm vừa qua, McCain đã quở trách giới chức hải quân, bởi 3 năm qua họ đã không điều tàu bè vào bên trong ranh giới 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa. Theo luật pháp quốc tế, phạm vi vùng biển chủ quyền tối đa của một hòn đảo là 12 hải lý tính từ hòn đảo đó.
“Nếu quý vị tôn trọng ranh giới 12 hải lý ấy thì đó chính là chủ quyền trên thực tế mà quý vị đã ngấm ngầm đồng ý”, McCain nói với Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear, người cố lập luận rằng Hoa Kỳ đã điều tàu bè đến các đảo này ở cự ly đủ gần. “Đối với tôi thì đó dường như là điều mà chúng ta phải làm.”
McCain đang cổ suý cho một chiến dịch về “tự do hàng hải” – về cơ bản là động thái nhằm đưa tàu thuyền vào trong ranh giới 12 hải lý của các đảo, hiện thực hoá giả định của Hoa Kỳ rằng trên thực tế đó là vùng biển quốc tế.
“Dấu hiệu tốt nhất thể hiện thái độ tôn trọng quyền tự do hàng hải là không thừa nhận trên thực tế ranh giới 12 hải lý, và cách tốt nhất để đảm bảo điều đó không được thừa nhận là đưa tàu của quý vị vào vùng biển quốc tế – rõ ràng là vậy, đây là những hòn đảo nhân tạo, và cứ việc đi qua thôi”, McCain nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị hiện nay, một động thái như thế lại có thể biến thành trò đối đầu trực diện trên biển, vốn đầy rủi ro.
Bình luận của McCain diễn ra trong giai đoạn bước ngoặt của quan hệ Mỹ-Trung, với việc Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ đến Washington ngày 25.9 tới đây trong chuyến thăm cấp nhà nước. Hoa Kỳ từ lâu đã ý thức được tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington từng trừng phạt Trung Quốc vì những chiến thuật gây hấn khác – chẳng hạn như những bước dò dẫm đầu tiên trong hoạt động tấn công mạng. Tuy nhiên, họ vẫn tránh bất kỳ động thái nào liên quan đến các hòn đảo mà, nếu leo thang, có thể biến thành một cuộc xung đột quân sự.
Dù vậy, những báo cáo gần đây lại cho thấy Trung Quốc đang xây dựng đường băng thứ ba ở Trường Sa, nghĩa là họ đã nuốt lời hứa ngừng những hoạt động xây dựng như thế. Những lời kêu gọi thách thức trực diện với hoạt động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc lại càng được thể vang lên.
Cho tàu thuyền đi qua ranh giới 12 hải lý và gần các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc hơn là một chiến lược mà giới chức quốc phòng Hoa Kỳ đã cân nhắc từ lâu. Mùa Hè vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã khẳng định Hoa Kỳ sẽ “cho phi cơ bay qua, cho tàu thuyền dong qua, cũng như cho tiến hành hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”. Đó là đường lối mà McCain đã nhắc lại trong cuộc điều trần hôm thứ Năm.
Cả Shear lẫn Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương, người cũng tham gia chứng thực trong cuộc điều trần về an ninh hàng hải ở Châu Á – Thái Bình Dương hôm thứ Năm, đều cùng nhất trí rằng vùng biển bao quanh các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc là lãnh hải quốc tế.  Và họ không tranh luận khi McCain bình luận rằng Hoa Kỳ dường như cảm thấy thoái mái khi chứng kiến đoàn tàu Trung Quốc xâm nhập ranh giới 12 hải lý của quần đảo Aleut vào cuối chuyến công cán của Tổng thống Obama ở đây hồi đầu tháng.
“Chúng ta đã không khẳng định quyền của mình một cách mạnh mẽ như họ”, McCain phàn nàn.
Trung Quốc đang tìm cách khẳng định sự kiểm soát hoàn toàn đối với Biển Đông, và các hòn đảo là một cách để họ vừa đưa ra yêu sách chủ quyền đối với nhiều vùng biển quốc tế hơn, vừa hình thành một mối đe doạ quân sự đáng sợ đối với những quốc gia nào dám tranh chấp. Gần đây, một phó đô đốc Trung Quốc thậm chí còn đưa ra lập luận rằng cái tên thuần tuý của vùng biển là bằng chứng cho thấy nó thuộc lãnh hải Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc ra thì ít nước chấp nhận luận cứ đó. Philippines đã khởi kiện Trung Quốc theo Công ước LHQ về Luật Biển, vốn quy định rõ ràng rằng “các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo” và “không có lãnh hải riêng”. Trung Quốc đã phê chuẩn công ước, còn Hoa Kỳ thì chưa.
Những điều McCain phàn nàn không phải là lạ lẫm gì. Ông từng lên tiếng trước kia, và đã giành được sự ủng hộ nhất định từ giới quân sự, trong đó có Harris.
“Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông – ND] không phải là của Trung Quốc cũng giống như Vịnh Mexico không phải là của Mexico vậy”, Harris phát biểu hôm thứ Năm. “Chúng ta phải thực hành quyền tự do hàng hải trên khắp khu vực.”
Dĩ nhiên, Hoa Kỳ không thể thể hiện thái độ quá thù địch đối với người khổng lồ Châu Á, nếu xét đến mối quan hệ phức tạp với cường quốc kinh tế này. Và Trung Quốc thì vẫn tỏ ra hữu ích với Hoa Kỳ ở những khía cạnh then chốt.
Trung Quốc từng góp sức vào sứ mạng loại trừ vũ khí hoá học khỏi Syria, vào hoạt động chống cướp biển ở Vùng Sừng Châu Phi, và là một đồng minh chủ chốt trong việc tìm cách ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên – cho dù ảnh hưởng của họ đối với Bắc Hàn đang suy giảm.
“Chúng ta cần khai triển các lựa chọn và hành động theo đó để đẩy lùi các mối đe doạ phi quy ước này, nếu không chúng sẽ tiếp diễn và lớn mạnh”, McCain nói.
Ông bổ sung thêm, kể từ khi Hoa Kỳ cho một chiếc tàu đi vào ranh giới 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo cách đây ba năm, Trung Quốc đã gia tăng yêu sách chủ quyền của họ – một cách đáng kể.

Nguồn: Việt Nam Thời Báo

Thursday, September 17, 2015

Một nhận định khách quan và chính xác về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Lê Anh Hùng



Là một người vẫn đang theo đuổi vụ tố cáo bè lũ cướp nước và bán nước Hoàng Trung Hải – Nguyễn Tấn Dũng – Nông Đức Mạnh kể từ năm 2008 đến nay, cũng như gần đây đã công khai vạch mặt những tên Lê Chiêu Thống hiện đại khác là Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang, nên hơn ai hết tôi biết rõ Nguyễn Tấn Dũng là người thế nào.
Tuy nhiên, trong cuộc trường chinh vô cùng gian nan và nguy hiểm để bảo vệ Công Lý, Sự Thật và tương lai đất nước, tôi lại quá ư đơn độc. Không một nhân sỹ, trí thức tên tuổi hay một "nhân vật của công chúng" nào đó lên tiếng về vụ việc, dù chỉ là yêu cầu nhà chức trách Việt Nam xử lý tôi về hành vi “vu khống”. Thậm chí, nhiều trí thức và một số trang mạng “lề dân” hễ có dịp là lại tung hê Nguyễn Tấn Dũng lên tận mây xanh.

Trước tình cảnh đó, tôi chỉ còn cách là vừa kiên trì theo đuổi vụ tố cáo, vừa cố gắng viết thật nhiều bài báo khách quan dựa trên những gì diễn ra trong thực tế để vạch trần bộ mặt thật của ông ta cũng như bè lũ cướp nước và bán nước kia, với hy vọng dần dần dư luận sẽ hiểu được những gì mà đất nước đang thực sự phải đối mặt.
Mới đây, trong lời đề dẫn cho bản dịch Tiếng Việt từ một bài báo trên tờ National Interest của Mỹ, blogger Đinh Ngọc Thu, người trên thực tế phụ trách blog Anh Ba Sàm từ mấy năm nay và cũng từng đặt không ít kỳ vọng vào Nguyễn Tấn Dũng, đã đưa ra nhận định chính xác về nhân vật mà nhiều người cho là “chống Trung Quốc” này:
Có lẽ chẳng hề có phe cải cách thân Mỹ hay phe bảo thủ thân Tàu nào hiện diện trong giới lãnh đạo VN như một số nhà phân tích tình hình chính trị VN đã từng nhận định (...), mà chỉ có phe tham nhũng bị Trung Quốc “nắm thóp” mà thôi.
Có lẽ do nhiều người quá kỳ vọng vào sự thay đổi sắp tới nên đã tin rằng có 2 phe như vậy hiện diện trong giới lãnh đạo cao cấp ở VN. Họ tin rằng “đồng chí X” là người đứng đầu phe cải cách thân Mỹ, nhưng nếu xâu chuỗi tất cả các diễn biến trong vài năm qua, có thể thấy chính anh X là người thân Tàu. Anh X là người đã đưa Tàu vào VN nhiều nhất từ trước tới nay, và cũng chính anh X đã tạo ra nền kinh tế VN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc.
Để che đậy bộ mặt thật của mình, anh X đã sử dụng bộ máy truyền thông bán chính thống, tạo dư luận rằng anh ta thuộc phe cải cách thân Mỹ, rằng anh ta sẽ thay đổi chính thể và lên làm tổng thống. Anh X đã sử dụng những dư luận viên cao cấp làm cò mồi, viết những bài nói về khả năng anh ta sẽ lên làm tổng thống, rồi anh ta sẽ thay đổi thể chế, sẽ giải tán ĐCS.
Có vẻ như một số trí thức do quá nôn nóng muốn nhìn thấy đất nước thay đổi, đã mắc bẫy của anh X khi ngấm ngầm ủng hộ anh ta lên làm tổng thống, mà không nghĩ tới khả năng sau khi X thu tóm quyền lực xong, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, X sẽ lộ bộ mặt thật là anh ta sẽ bám theo Tàu để giữ vững quyền lực.
Nguồn: Anh Ba Sàm
Không phải vô cớ mà đội ngũ dư luận viên trá hình của nhà cầm quyền luôn tìm cách khiến công chúng tin rằng trong chính trường Việt Nam tồn tại hai phe phái chủ yếu là phe “thân Tàu” và phe “thân Mỹ”, trong đó Nguyễn Tấn Dũng, người cầm đầu phe “thân Mỹ”, là nhân vật quyền lực nhất Việt Nam suốt nhiều năm qua.
Một mặt, điều đó khiến dân chúng không biết được thực hư bên trong bộ máy lãnh đạo chóp bu; mặt khác, quan trọng hơn, nhà cầm quyền muốn ru ngủ dân chúng, khiến họ yên trí, không quá lo lắng về tương lai đất nước, khi nghĩ rằng trong bộ máy có phe "thân Mỹ" và đặc biệt "phe ta” thậm chí còn mạnh hơn "phe Tàu”.
Ngoài ra, như nhận định của blogger Đinh Ngọc Thu ở trên, việc đội ngũ dư luận viên trá hình cố “tô vẽ” cho bộ mặt “thân Mỹ” của Nguyễn Tấn Dũng còn nhằm phục vụ cho mưu đồ cá nhân của ông ta. Những lời “cảnh báo” nhằm thẳng vào vị Thủ tướng “thân Mỹ” của Bắc Kinh cũng chính là vì mục đích ấy, bởi nó càng giúp ông ta “ghi điểm” trong mắt công chúng và giành được sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, những người trực tiếp bỏ phiếu cho ông ta./.
  • Bài liên quan:
  1. Chính phủ Việt Nam đang ‘dâng’ nền kinh tế nước nhà cho Trung Quốc? (VOA)
  2. Quyền lực và những trò đấu đá, đánh lừa dư luận ở Việt Nam hiện nay (blog Lê Anh Hùng)
  3. Trung Nam Hải đang toan tính gì với con bài Nguyễn Tấn Dũng? (VOA)
  4. Vì sao TQ cấm làm đường gần biên giới, còn VN lại mở toang cửa ngõ biên giới với TQ? (VOA)
  5. Thêm những bằng chứng thuyết phục về Việt gian bán nước Nguyễn Tấn Dũng (blog Lê Anh Hùng)
  6. Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm họa mất nước (VOA)
  7. Các bài viết khác tố cáo bè lũ cướp nước và bán nước của Lê Anh Hùng trên VOA

Khủng hoảng người tị nạn: Việt Nam xưa, Syria nay

 Lê Anh Hùng | Việt Nam Thời Báo | 17.9.2015



Cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Trung Đông và Châu Phi đang là chủ đề nóng hổi thu hút sự chú ý của cả thế giới. 
Nhiều quốc gia không chỉ đơn giản là bày tỏ quan ngại mà còn trực tiếp xắn tay nhảy vào cuộc để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này, đặc biệt là Mỹ và Đức.
Trang The Globalist của Mỹ vừa đưa ra những con số liên quan đến cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Syria hiện nay và ở Việt Nam trước kia, cũng như so sánh mức độ hào phóng của Mỹ và Đức trong việc tiếp nhận người tị nạn Syria. 
  1. Tổng thống Obama đã loan báo kế hoạch tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria vào năm tới.
  2. Để so sánh, Đức dự kiến chào đón 800.000 người tị nạn chỉ riêng trong năm nay.
  3. Nếu chính phủ Mỹ cũng hào phóng tương tự như người Đức trong khoản tiếp nhận và xét đến chênh lệch về quy mô dân số thì khoảng 3,2 triệu người tị nạn sẽ đến Mỹ mỗi năm.
  4. Điều đó cũng sẽ xẩy ra với khoảng 10.000 người – song chỉ là mỗi ngày trong một năm nhất định.
  5. Trong vòng hai thập niên sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam năm 1975, ba triệu người đã đào thoát khỏi chế độ cộng sản ở Việt Nam, Lào và Campuchia.
  6. Trong thời gian 18 tháng, từ tháng 1.1979, thế giới – dẫn đầu là Mỹ – đã tái định cư cho 450.000 người tị nạn đến từ 3 nước Đông Dương, kể cả các thuyền nhân.
  7. Đến cuối thập niên 1990, một triệu người đã bắt đầu cuộc sống mới ở Mỹ, trong đó 400.000 người là thuyền nhân. Một lượng lớn người tị nạn đã đến Pháp, Canada, Australia và các nước khác.
  8. Một dẫn chứng khác về dòng người tị nạn kéo đến nhanh diễn ra vào giai đoạn cuối năm 1989 đầu năm 1990 sau khi bức tường Berlin sụp đổ, khoảng 1.200 công dân Đông Đức đổ sang Tây Đức mỗi ngày.
  9. Theo Cao uỷ LHQ về người tị nạn (UNHCR), người tị nạn Syria chiếm 53% trong tổng số 400.000 người đổ bộ bất hợp pháp vào Châu Âu bằng đường biển cho đến thời điểm này của năm 2015.
  10. Hiện có khoảng 4 triệu người tị nạn Syria trên toàn thế giới. Trên 90% số đó mới chỉ vượt qua biên giới.
  11. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi trú ẩn của 1,9 triệu người tị nạn, Lebanon 1,1 triệu (bằng ¼ dân số nước này), và con số này ở Jordan là 630.000 người Syria.
          (Nguồn dữ liệu: UNHCR, Reuters, Handelsblatt)
Xem ra, cho dù Mỹ có bỏ rơi Việt Nam để bắt tay với Trung Cộng của Mao nhằm đối phó với Liên Xô đi nữa thì họ cũng đã làm rất tốt trong cuộc khủng hoảng người tị nạn Việt Nam năm xưa, ít nhất là so với những gì họ làm trong cuộc khủng hoảng ở Syria hiện nay.