Wednesday, July 31, 2013

Việt Nam – Hoa Kỳ: Tất cả cùng lên tàu?

The Economist | 30.7.2013 |
Lê Anh Hùng dịch


Ảnh: Hubert Van Es qua Wikimedia Commons
Mãi đến tận năm 1995, tức là tròn hai thập niên sau khi những chiếc trực thăng biểu tượng của Hoa Kỳ hối hả cất cánh tháo chạy khỏi tầng thượng của một toà nhà chính phủ ngay giữa lúc Sài Gòn sụp đổ (hay được giải phóng), Việt Nam và Hoa Kỳ mới bình thường hoá quan hệ ngoại giao. Kể từ đó, việc xây đắp mối quan hệ giữa hai nước là một “quá trình đau đớn”, như lời của John Kerry, Ngoại trưởng Hoa Kỳ và là một cựu binh của bên thua cuộc.
Nhưng giờ đây, người Mỹ lại coi kẻ thù năm xưa của họ như một đồng minh chiến lược trong một khu vực rộng lớn hơn. Còn với Việt Nam, Hoa Kỳ lại là một thị trường sống còn dành cho các sản phẩm nông sản và quần áo xuất khẩu, đồng thời là một quốc gia đối trọng về ngoại giao trước một Trung Quốc đang trỗi dậy. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước hiện đạt gần 25 tỷ USD mỗi năm, với phần lớn giá trị hàng hoá chảy vào thị trường Mỹ. Việt Nam đã được đưa vào danh sách các quốc gia tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định tự do thương mại dự kiến sẽ bao gồm ít nhất 12 quốc gia ở Châu Á, Châu Đại Dương và Châu Mỹ.
Tuy nhiên, con đường đưa Việt Namđến với vị thế thành viên tiềm tàng của TPP cũng đầy những trở ngại tiềm tàng. Việt Namlo ngại hiệp định sẽ làm tổn thương ngành công nghiệp dệt may và cản trở các doanh nghiệp nhà nước với những cải cách không mong muốn. Và vì những năm gần đây, các quan chức Mỹ vẫn nhất quyết đòi phải thấy những bằng chứng về cải cách chính trị trước khi họ cho phép bất kỳ sự tiến triển nào trong hoạt động hợp tác kinh tế với Việt Nam, Obama có thể sẽ cảm thấy khó xử nếu Việt Nam ký TPP giữa lúc họ đang đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Và sự đàn áp chính trị đang được đẩy mạnh. Theo Human Rights Watch, một tổ chức vận động cho nhân quyền, số vụ các nhà bất đồng chính kiến bị kết án trong nửa đầu năm 2013, vì những tội như “tuyên truyền chống phá nhà nước” và “âm mưu lật đổ chính quyền”, đã vượt quá số vụ của cả năm 2012. Hà Nội vẫn đang giam giữ Lê Quốc Quân, một luật sư nhân quyền nổi tiếng, với cáo buộc trốn thuế. Một văn bản pháp luật mới đây (Nghị định 72/2013/NĐ-CP) đã áp đặt các biện pháp kiểm soát bổ sung lên bất kỳ ai sử dụng internet, thứ tiện ích đã trở thành một phương tiện truyền thông phổ biến để chỉ trích chính phủ. Và vào cuối tháng Bảy này, Nguyễn Văn Hải, một blogger đang bị giam giữ và từng được Tổng thống Barack Obama nêu tên trong một bài phát biểu, đã bước vào tuần tuyệt thực thứ năm để phản đối việc ông bị đối xử tồi tệ trong tù.
Tình hình có vẻ không mấy thuận lợi vào ngày 25.7, thời điểm Chủ tịch Trương Tấn Sang thực hiện chuyến viếng thăm thứ hai của một nguyên thủ Việt Nam tới Nhà Trắng kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ. Việc lựa chọn thời điểm để đưa ra lời mời của ông Obama có thể tạo cảm giác gần như ngớ ngẩn. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể hơn, Hoa Kỳ lại đang quay qua Việt Nam như một đối tác chủ chốt trong chính sách “xoay trục” sang Châu Á của nó. Vì những lý do khác nữa mà ông Obama đang háo hức với việc chốt lại TPP, “hòn đá tảng” kinh tế trong chính sách kinh tế mà chính phủ của ông dành cho toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Vì thế, tại Washington, ông Obama và ông Sang đã tuyên bố về “quan hệ đối tác toàn diện” với định nghĩa mơ hồ và bộc lộ ý định của họ là ký kết TPP trong năm nay. Cả hai vị nguyên thủ đều kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hoà bình, và ông Obama bổ sung mà không đi vào chi tiết là ông và ông Sang đã bàn thảo về cả những “tiến bộ” lẫn “thách thức” trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Trước thực tế lời mời của ông Obama từng nhen lên hy vọng về những đột phá trong TPP hay quan hệ đối tác chiến lược, Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) đánh giá ít nhiều đây là một quả pháo xịt. Hai nhà lãnh đạo dường như chưa nói gì đến chuyện liệu tới đây Hoa Kỳ có cân nhắc việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam hay không, chuyện hai bên lên kế hoạch giải quyết những thắc mắc của Việt Nam về TPP như thế nào, cũng như nhiều chủ đề khác nữa.
Mức độ hưởng lợi từ TPP của Việt Nam, nếu họ gia nhập, vẫn tiếp tục chưa rõ ràng cho đến khi những điểm tinh tế nhất của hiệp định được ấn định. Dù vậy, vì Việt Nam là thành viên triển vọng với trình độ phát triển thấp nhất của TPP nên việc nâng cao cơ hội tiếp cận các thị trường nước ngoài có thể sẽ đem lại những lợi ích đáng kể. Edmund Malesky (Đại học Duke, Hoa Kỳ) bổ sung thêm là những quy định về quản trị nhà nước mang tính ràng buộc của hiệp định sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cải cách ruộng đất đang diễn ra, đồng thời giảm bớt sự chi phối của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Sự phê chuẩn của Việt Namvẫn đang bị đặt dấu hỏi. Một điểm gây bế tắc ở đây là điều khoản đòi hỏi ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu sang Mỹ lên tới 7,6 tỷ USD mỗi năm, phải chấm dứt việc nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc và các quốc gia ngoài TPP khác. Điều này có thể dẫn tới việc sa thải nhân công và tệ hơn thế. Các nhóm lợi ích hùng mạnh thì cảnh giác với những điều khoản có thể hạn chế bớt quyền năng của các DNNN. Rốt cuộc, những trụ cột vốn thường bệ rạc và kém hiệu quả một cách tai hại trong nền kinh tế trì trệ của Việt Nam lại có nhiều bạn bè ở địa vị cao.
Chính phủ Việt Namcó lẽ sẽ cần phải phóng thích một vài tù nhân chính trị nổi tiếng trong những tháng tới đây để chứng tỏ là họ đã lắng nghe những lời phàn nàn của Hoa Kỳ về thành tích nhân quyền của mình (hay ít nhất là họ cũng không bị điếc trước những phàn nàn đó). Một người có khả năng được tại ngoại là ông Lê Quốc Quân, luật sư nhân quyền; phiên toà xét xử ông từng được ấn định vào ngày 9.7 nhưng rồi lại bị huỷ bỏ đột ngột, điều mà người ta cho là nhằm dọn đường cho sự xuất hiện của ông Sang ở Washington.

Việc phóng thích một vài nhà bất đồng chính kiến để tạo thuận lợi cho thoả thuận thương mại không phải là một sự thay đổi chính sách, điều mà những người chỉ trích kiên định của Việt Nam sẽ lưu ý. Việc đưa Việt Nam vào TPP có thể chọc tức một nhóm lớn tiếng trong Quốc hội Mỹ vốn đại diện cho các cộng đồng cử tri người Mỹ gốc Việt và vẫn ngờ vực động cơ của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Các nghiệp đoàn và các nhà vận động cho quyền của người lao động vốn phản đối điều kiện làm việc tại các nhà máy ở Việt Nam có thể gia nhập nhóm này. Rõ ràng là ông Obama nghĩ rằng việc ve vãn ông Sang phụng sự các mục tiêu chiến lược và kinh tế của Hoa Kỳ tốt hơn so với việc chỉ trích. Điều này không có nghĩa là nó sẽ dễ dàng.

No comments:

Post a Comment