RFA | 24.7.2013 |
Vũ Đức Khanh | Asia Sentinel | Lê Anh Hùng chuyển ngữ
Chủ tịch Trương Tấn Sang gặp gỡ các TNS thuộc Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ngày 24.7 tại |
Liệu chuyến công du của Chủ tịch Việt Nam tới Hoa Kỳ có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt-Mỹ?
Chuyến thăm Nhà Trắng của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang ngày 25/7/2013 mới chỉ là lần thứ hai một nhà lãnh đạo CS Việt Nam đặt chân đến Washington kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hoá quan hệ năm 1995, trước đó là chuyến thăm năm 2007 của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Mặc dù chuyến thăm này được ca ngợi là mang tính “lịch sử” nếu xét tới lịch sử chung của hai nước, người ta vẫn phải chờ xem di sản của nó là gì?
Khác xa với những hào nhoáng và lễ lạt vẫn thường bao quanh các chuyến thăm cấp nhà nước, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Sang tới Nhà Trắng sẽ diễn ra chóng vánh và tương đối tiết chế, nhưng chắc chắn những gì mà ông ta hy vọng đạt được với phía Mỹ là khó khăn.
Hai nhà lãnh đạo sẽ có nhiều chuyện để bàn thảo, từ việc tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự cho đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, khác xa với sự kỳ vọng về những thoả thuận mang tính đột phá, những gì mà người ta có thể hy vọng là sự khởi đầu của một chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ.
Thời thế đổi thay
Kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Triết tới Nhà Trắng năm 2007, nhiều thứ đã thay đổi ở Mỹ cũng như Việt Nam. Sáu năm trước, Việt Nam bước vào sân chơi WTO với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, và còn đang tỏa sáng trong số các nền kinh tế Đông Nam Á; trong khi đó thì ở Mỹ, cuộc suy thoái sắp đến là điều mà chưa ai nhìn thấy và chưa ai nghĩ tới.
Giờ đây, Việt Nam đang mạo hiểm đùa bỡn với thảm hoạ kinh tế, sau nhiều năm quản lý kinh tế yếu kém và nạn tham nhũng hoành hành, còn Hoa Kỳ thì vẫn tiếp tục quá trình hồi phục kinh tế kéo dài và chậm chạp.
Kể từ đấy, Hoa Kỳ đã chuyển hướng trọng tâm từ Trung Đông sang Châu Á–Thái Bình Dương theo chiến lược mới “tái cân bằng”, một phần là nhằm tìm kiếm các thị trường mới trong quá trình phục hồi kinh tế quốc nội, và theo đúng nghĩa, đã bắt đầu vun xới mối quan hệ với các đối tác trong khu vực. Không có gì đáng ngạc nhiên khi trục xoay này gặp phải sự hoài nghi của các quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh, những người cũng có mưu đồ riêng với khu vực.
Đối với Việt Nam, sự thay đổi của thời thế cũng đưa đến những thách thức mới, từ sự bất bình của dân chúng trước cách thức điều hành nền kinh tế và nỗ lực sửa đổi hiến pháp của chính phủ, cho đến sự quả quyết của Trung Quốc trên Biển Đông và ở Đông Nam Á. Mặc dù quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn tiến triển kể từ năm 1995, mối quan ngại của Hà Nội trước ý đồ của Trung Quốc trong khu vực lại góp phần thúc đẩy quá trình đó – hay đúng hơn là Việt Nam cần phải làm thế.
Trở ngại cho việc thắt chặt quan hệ
Bất chấp quan hệ giữa hai nước đã được bình thường hóa năm 1995, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì chính sách cấm vận trong việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Việc tháo bỏ lệnh cấm vận này tuỳ thuộc vào sự tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam, điều mà Việt Nam vẫn tiếp tục không đáp ứng được. Chính vấn đề Dân chủ và Nhân quyền đã và đang là một trở ngại cho việc thắt chặt quan hệ.
Trong lời phát biểu gần đây về cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường đã thừa nhận những khác biệt giữa hai nước. Bất chấp những khác biệt, ông hy vọng là cả hai nước sẽ bắt tay vào “mối quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng có lợi… và (đồng thời) tôn trọng thể chế chính trị của nhau”.
Chắc chắn là nếu Việt Nam dự định duy trì tình trạng như hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể bắt tay vào mối quan hệ hợp tác cùng có lợi. Tuy nhiên, nếu Việt Nam dự định tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và muốn Washington dỡ bỏ chính sách cấm vận vũ khí, Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa để tôn trọng và thừa nhận những quan ngại của Hoa Kỳ. Ở thời điểm này, Hoa Kỳ đang nắm tất cả các quân bài.
Mặc dù chính sách xoay trục sang Châu Á–Thái Bình Dương của Mỹ sẽ gặp nhiều thuận lợi nếu quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trở nên gần gũi hơn, song chính sách đó vẫn không tùy thuộc vào sự hợp tác tích cực của Việt Nam. Hoa Kỳ không hề thiếu đồng minh ở Châu Á–Thái Bình Dương, trong đó phải kể đến Australia ở phía Nam, Philippines và Nhật Bản ở phía Bắc; hay đối tác, chẳng hạn như Indonesia, Malaysia và Singapore.
Tăng cường quan hệ với Việt Nam sẽ giúp mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ; tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế lại phập phù ở chỗ nó chỉ tồn tại chừng nào người ta vẫn còn kiếm được cái gì. Để một mối quan hệ lâu bền, nó phải được thiết lập trên một nền móng vững chắc hơn: lòng tin và các giá trị chung.
Ai đó có thể tranh luận rằng Hoa Kỳ sẽ gặp tổn thất trong mối quan hệ tương lai với Việt Nam nếu Hoa Kỳ khẳng định đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền. Dĩ nhiên là đúng với nhãn quan "chính trị thực dụng", nhưng trong trường hợp này, Mỹ chỉ có thể tự hại chính mình nếu làm ngơ trước những thành tích nhân quyền tồi tệ của chính phủ Việt Nam chỉ vì quyền lợi ích kinh tế.
Những công dân Việt Nam mong muốn một xã hội tự do hơn và cởi mở hơn thật khó mà có cái nhìn thiện cảm với những nước đang giúp đỡ chính phủ hạn chế quyền của họ. Việc cho rằng Đảng CS mãi mãi nắm quyền lực sẽ là thiển cận.
Nếu Hoa Kỳ có ý định lãnh đạo thế giới tự do, họ phải hành động tương xứng. Hợp tác với một chế độ vẫn truy bức các bloggers và các nhà hoạt động dân chủ sẽ phát đi một tín hiệu sai.
Chủ tịch Sang đã đúng khi nhận xét rằng những khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là bình thường. Tuy nhiên, đây lại không phải là điều bình thường khi những khác biệt đó lại là sự vi phạm rõ ràng những quyền phổ quát đã được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng có bổn phận với luật pháp của nước họ, và sẽ làm cho bản hiến pháp và thiện chí của Hoa Kỳ mất uy tín ở nước ngoài một khi Hoa Kỳ tham gia vào những hoạt động xâm phạm các quyền mà hiến pháp Mỹ bảo vệ.
Một Việt Nam mới
Chuyến công du này có thể không đưa đến các hiệp định hay những tuyên ngôn đột phá từ Chủ tịch Sang và Tổng thống Obama; tuy nhiên, nó lại có thể đặt nền móng cho một chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ. Vì thế, hai nguyên thủ quốc gia cần tận dụng cuộc gặp này để thiết lập cơ hội cho các cuộc đối thoại trong tương lai, và rồi để đi đến đàm phán về những khác biệt.
Tự do và Dân chủ gắn liền với Thịnh vượng và Phát triển. Việt Nam khắc khoải quay trở về với thời kỳ hoàng kim, khi nó là một tín hiệu về sự phát triển kinh tế thịnh vượng ở Đông Nam Á, và việc thúc đẩy hoạt động giao thương với Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam phần nào trở lại với thời kỳ huy hoàng về kinh tế trong quá khứ; tuy nhiên, bất kỳ giả thuyết nào cho rằng mọi chuyện rồi sẽ lặp lại như cũ đều chẳng có giá trị gì.
Khi người dân Việt Nam trở nên sung túc và mức sống tăng lên, họ sẽ sớm đòi hỏi ngày càng nhiều cho đến khi chính phủ, trong tình trạng hiện hành, không thể tiếp tục đáp ứng. Việc các công dân Việt Nam tìm đến Internet để bày tỏ thái độ bất mãn về các nhà lãnh đạo và khát khao đa nguyên chính trị, quyền tư hữu đất đai hay những thứ tốt đẹp hơn chỉ là một phần của những vấn đề đó.
Cuộc gặp gỡ này có thể mở đường cho chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Obama vào cuối năm nay và thừa nhận Việt Nam là một đối tác chiến lược – tất cả những điều đó sẽ tuỳ thuộc vào việc liệu Hoa Kỳ và Việt Nam có thể xoá nhoà được những khác biệt hay không.
Những năm tới đây người ta sẽ được chứng kiến một Việt Nam thay đổi. Liệu lớp lãnh đạo hiện thời trong Đảng CS có nhận ra những thay đổi này là tất yếu và phải điều chỉnh để thích nghi hay không là điều còn phải chờ thời gian trả lời. Như với lẽ tự nhiên, nếu Đảng CS không thích nghi được, nó sẽ bị đào thải. Và thay vì tiếp sức cho một thể chế đã tới số, Hoa Kỳ nên chuẩn bị cho một Việt Nam mới.
(Vũ Đức Khanh là luật sư và giáo sư Luật bán thời gian tại Đại học Ottawa. Ông chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật quốc tế.)
Bản dịch Việt ngữ của blogger Lê Anh Hùng từ Hà Nội cung cấp.
Nguồn: RFA / Asia Sentinel
No comments:
Post a Comment