Tuesday, July 9, 2013

Trục xoay nửa vời

Greg Rushford
Người dịch: Lê Anh Hùng




TT Barack Obama chào đón Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và phu nhân dự bữa tiệc tối tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Waikiki, Hawaii ngày 12.11.2011
Bài viết này sẽ xem xét kỹ chính sách “xoay trục” sang Châu Á của Tổng thống Barack Obama.

Nhìn từ các thành phố thủ đô quan trọng của Châu Á – Tokyo và Bangkok, Manila và Hà Nội, Dacca và Phnom Penh, cũng như Jakarta – trục xoay này hiện trông giống kiểu trục xoay nửa vời nhiều hơn. Nửa đầu tiên liên quan đến các mối quan hệ an ninh của Mỹ với Châu Á. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – với Hạm đội 7 Hoa Kỳ, Lực lượng Không quân Số 5 và Lực lượng Hành quân Đặc biệt – vẫn đang duy trì hoà bình ở Thái Bình Dương suốt hơn nửa thế kỷ qua. Theo nghĩa đó, chẳng có gì là đặc biệt mới với trục xoay của Obama cả, có lẽ ngoại trừ vòng xoay. Dù vậy, cần ghi nhận việc Nhà Trắng ủng hộ các quan chức Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc, bởi họ vẫn đang quán xuyến các mối quan hệ ngoại giao và an ninh truyền thống của Mỹ.

Tuy nhiên, cũng chính Nhà Trắng đó lại thất bại trong việc kết nối chính sách thương mại của Mỹ với phần chính trị - quân sự của trục xoay. Kết quả tìm kiếm một chính sách thương mại nhất quán của Mỹ trong khu vực lại là một loạt chính sách nhất thời, thiếu gắn kết. Trong chừng mực tồn tại một mô thức chung ở đây thì nó lại liên quan đến tiêu chuẩn kép quen thuộc của Washington. Nhà Trắng đòi hỏi các đối tác thương mại của Mỹ phải huy động ý chí chính trị để mở cửa thị trường cho hàng hoá xuất khẩu của Mỹ. Nhưng khi nước khác yêu cầu nâng cao cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ thì một Washington với cái tai điếc âm điệu lại hầu như chẳng nghe thấy gì. Cho dù đây chắc chắn không phải là trò chơi do Obama phát minh ra thì cũng công bằng khi nói rằng dưới sự giám sát của ông, các đối tác thương mại của Mỹ không còn quan tâm nhiều đến việc phục tùng tuyệt đối siêu cường này nữa.

Đấy chắc chắn không phải là cái cách mà Nhà Trắng muốn người ta cảm nhận về chính sách Châu Á của mình. Trong bài phát biểu trước Hội Châu Á (Asia Society) tại New York ngày 11.3 vừa qua, cố vấn an ninh quốc gia của Obama, Tom Donilon, đã khẳng định rằng chính sách xoay trục – mà ông ta ưa gọi là một sự “tái cân bằng” – vẫn đang thúc đẩy các mối quan hệ an ninh và kinh tế tăng cường của Mỹ với Châu Á. Ngày tiếp theo ở Washington, Obama lặp lại lời khẳng định mà chính quyền của ông đã đưa ra rằng các cuộc đàm phán thương mại của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – trọng tâm chính sách thương mại của ông ở Châu Á – liên quan đến việc định nghĩa “những chuẩn mực cao” mới, chúng sẽ hiện đại hoá hoạt động thương mại quốc tế và “tạo ra hàng tỷ dollar trong hoạt động thương mại cùng hàng triệu việc làm” ở thế kỷ 21.

Song, như tua khảo sát quanh các thủ đô quan trọng ở Châu Á của chúng ta sẽ giúp minh hoạ, thứ ngôn ngữ hoa mỹ kia của Hoa Kỳ dường như lại chẳng ăn nhập gì với dữ liệu kinh tế trong thực tế. Hậu quả từ chính sách thương mại thiển cận của Mỹ, vốn là động cơ để các đối tác thương mại Châu Á loại Chú Sam sang một bên, đang trở nên rõ ràng.

Thái Lan, chẳng hạn, là một đồng minh an ninh lâu đời của Mỹ. Song Nhà Trắng lại chưa làm việc nghiêm túc để chào đón người Thái vào các cuộc đàm phán thương mại ưu đãi trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Với cấu trúc hiện thời thì một TPP thành công sẽ chuyển hướng các dòng chảy thương mại khỏi các quốc gia quan trọng ở Châu Á như Thái Lan.

Khi Obama gặp Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tại Bangkok ngày 18.11.2012, mối quan tâm mà Yingluck từng tuyên bố về việc tham gia các cuộc đàm phán TPP thậm chí còn không nằm trong nghị trình, nhà lãnh đạo Thái Lan đã nói với các phóng viên ở Bangkok như vậy. Ngày 19.11, trong một bản thông cáo báo chí chung với Yingluck, Obama nói rằng “chúng tôi sẽ làm việc với nhau khi Thái Lan bắt đầu đặt nền móng cho việc tham gia các hiệp định thương mại với tiêu chuẩn cao, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương”. Dịch từ ngôn ngữ ngoại giao lịch sự: điều đó sẽ không xẩy ra sớm.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan lại bị chia rẽ về triết lý tăng cường quan hệ thương mại với Mỹ bằng bất cứ giá nào. Người Thái đã ký kết hiệp định thương mại ưu đãi với Trung Quốc và New Zealand, đồng thời cũng đang làm việc để tự do hoá hoạt động thương mại khu vực trong phạm vi Asean.

Không có các cuộc đàm phán TPP nhiều ý nghĩa với người Mỹ, Yingluck thay vì thế đã quyết định thương thảo một hiệp định thương mại khác của Thái với một Liên minh Châu Âu đáng tin cậy hơn. Người Nhật cũng vậy.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thì đang hối thúc một Nhà Trắng lưỡng lự của Obama chấm dứt việc ngăn cản Nhật tham gia đàm phán TPP. Trong khi đó, Abe cũng đang nói chuyện với Trung Quốc và Hàn Quốc về việc thiết lập tam giác thương mại Seoul – Bắc Kinh – Tokyo.

Điểm dừng tiếp theo: Tokyo.

“Thuế nhập khẩu gà” nhằm vào Tokyo


Trên mặt trận an ninh, tin tốt lành là mối quan hệ Mỹ - Nhật vẫn bền chặt. Và bao giờ cũng vậy, tầm quan trọng của liên minh an ninh Mỹ - Nhật không nên bị đánh giá thấp. Cả hai nước đều không có liên minh quân sự nào quan trọng hơn thế. Liên minh Mỹ - Nhật đã được đánh dấu với nguồn năng lượng mới dưới thời Obama, do mối quan ngại của cả hai bên trước tình trạng tranh chấp căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về mấy hòn đảo nhỏ trên Biển Hoa Đông, nơi mặc dù không có người ở nhưng lại dồi dào nguồn cá và cũng nhiều tiềm năng như thế về dầu và khí. Cần ghi nhận Nhà Trắng của Obama đã hiểu ra tầm quan trọng đó.

Tuy nhiên, suốt hơn hai năm qua, Obama cùng phụ tá chính sách kinh tế quốc tế hàng đầu của mình, Mike Froman – người vẫn đang đóng vai trò chính trong việc hoạch định chính sách thương mại của Mỹ - lại hờ hững với sự tham gia của Nhật vào TPP. Người ta sẽ nghĩ rằng Nhà Trắng hẳn đã háo hức chào đón sự tham gia của người Nhật. Rốt cuộc, nếu thiếu Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới – TPP chỉ là một cuộc chơi nhỏ. Trong khi độc giả rồi sẽ được thấy nhiều bài báo đầy phấn khích, ra sức khuếch trương TPP như một hiệp định thương mại dạng “khủng”, thì điều đó lại khác xa sự thật.

Hoa Kỳ hiện đã có các hiệp định thương mại ưu đãi với Singapore, Australia, Chi Lê, Canada và Mexico. Nhà Trắng cũng chẳng háo hức gì với việc tự do hoá các hiệp định này trong các cuộc đàm phán TPP (chẳng hạn như mở cửa thị trường cho số lượng đường nhập khẩu tăng lên từ Australia, một chủ đề mà đến nay người Mỹ vẫn từ chối dù chỉ là thảo luận). Các đối tác đàm phán TPP còn lại là bốn nền kinh tế nhỏ, nếu chúng đáng tôn trọng: Brunei, Malaysia, Việt Nam và New Zealand. Bóng dáng của một hiệp định thương mại dạng “khủng” lại là thế này hay sao? Trung Quốc, Australia, New Zealand, Nhật Bản – tất cả đều đã có hoặc đang thảo luận về hiệp định thương mại ưu đãi với toàn khối ASEAN. 

Chúng ta sẽ xem xét một trong những nguyên nhân chính giải thích cho thái độ lưỡng lự của Nhà Trắng trong việc chào đón đồng minh Thái Bình Dương quan trọng nhất của Mỹ vào TPP. Điều này hoá ra lại chẳng liên quan gì đến cái gọi là những quy tắc thương mại tiên phong, chuẩn mực vàng, tuyệt hảo của thế kỷ 21 cả. Nó chỉ liên quan đến những hàng rào thuế quan kiểu cũ. Và một hàng rào thuế quan bảo hộ nói riêng sẽ minh hoạ cho trọng tâm của Nhà Trắng.

Hãy tìm hiểu hoạt động vận động hành lang của ngành công nghiệp ô tô Detroit. Ford, General Motors và Chrysler lo sợ rằng họ sẽ đánh mất thị phần nội địa vào tay người Nhật trong một thoả thuận TPP bãi bỏ mức thuế suất 25% đối với xe tải nhập khẩu. Bảo vệ hàng rào thuế quan đó – chủ yếu là với Nhật Bản, song cũng liên quan đến Thái Lan, nơi mà các nhà máy ô tô ngoại quốc đã nhảy vào – đã trở thành một ưu tiên hàng đầu của Nhà Trắng. 

Vấn đề nằm ở chỗ: chưa có bất kỳ một sự biện giải kinh tế nào cho mức thuế suất 25% mà người Mỹ áp đặt lên xe tải nhập khẩu. Mức thuế suất nhập khẩu đó ra đời từ cuối năm 1963 và là một quyết định được Tổng thống Lyndon Johnson đưa ra trong một cuộc tranh cãi thương mại không liên quan vào thời đó (khi mà Barack Obama còn là một chú bé chưa đầy 2 tuổi).

Tức giận trước việc người Châu Âu sẽ không mua đủ số gà của Mỹ, Johnson bèn trả đũa bằng cách áp đặt mức thuế suất nhập khẩu 25% lên xe tải – gấp 10 lần so với mức thuế suất 2,5% thông thường của Mỹ đối với ô tô. Cái gọi là “thuế nhập khẩu gà” nhằm mục đích trừng phạt các sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng lúc bấy giờ của Đức là xe van hippie (hippie-era van). Xin nhắc lại: cho đến nay, chưa có ai trong chính phủ Mỹ từng giả bộ rằng thuế nhập khẩu gà có bất kỳ nội dung kinh tế nào.

Hơn thế, thuế nhập khẩu xe tải mang màu sắc bảo hộ kia đã có “tác dụng” hàng thập niên qua tương tự như cái cách mà lệnh cấm vận thương mại của Mỹ chống Cuba đã thành công trong việc lật đổ anh em nhà Castro. Toyota và các nhà sản xuất ô tô khác của Nhật – vốn không phải là mối đe doạ cạnh tranh dưới thời Lyndon Johnson – đơn giản là lách khỏi thứ thuế đó bằng cách sản xuất xe tải ngay tại các bang của Mỹ như Texas, những nơi mà thuế nhập khẩu không thể áp dụng. Detroit và nghiệp đoàn United Autoworkers vẫn còn tức giận trước việc người Nhật đã tạo ra một phân khúc thị trường phi nghiệp đoàn (và được trả lương cao) trong ngành công nghiệp ô tô “Hoa Kỳ”. Obama nay đã trở thành vị tổng thống thứ tám của Mỹ sau Johnson bảo vệ thứ thuế nhập khẩu thiếu cơ sở kinh tế đó.

Nhưng chờ đấy, tình hình vẫn còn tệ hơn thế nữa. Chúng ta sẽ hướng sang Jakarta để tìm hiểu một ví dụ khác về cái cách mà chính sách công nghiệp ô tô thiển cận đã khiến Chú Sam phải đối mặt với rủi ro ngày càng bị gạt ra ngoài lề.

Indonesia: Tiếp tục cuộc hành trình mà không cần tới người Mỹ


Indonesia, nơi Obama đã sống vài năm thời thơ ấu, từng được cho là thu được nhiều lợi ích từ mối quan hệ thương mại tăng cường giữa Washington và Jakarta. Nay thì chẳng còn ai nói thế nữa. Obama không quan tâm đến việc kết nạp nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vào TPP. Người Indonesia – những người gần đây đã rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế – cũng không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ quan tâm nhiều đến những gì mà người Mỹ vẫn nghĩ. 

Kênh NewsAsia, một kênh tin tức truyền hình ở Singapore được theo dõi rộng rãi khắp khu vực (và cả ngoài khu vực, nhờ trang channelnewsasia.com), đưa tin ngày 17.3 vừa qua rằng Indonesia đã áp đặt mức thuế suất 40% lên ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên, Toyota, Nissan, Mitsubishi và Daihatsu lại “chiếm khoảng 95% thị trường ô tô Indonesia”, bản tin lưu ý. Không cần phải thắc mắc làm gì. Các sản phẩm ô tô nhập khẩu của Nhật, nhờ một hiệp định thương mại ưu đãi mà Nhật đã ký kết với Indonesia, được miễn thuế ở đây.

Một Liên minh Châu Âu với mối quan tâm chính đáng thì đang thương thảo với Indonesia về một thoả thuận thương mại ưu đãi nhằm “cho phép các công ty của Châu Âu cạnh tranh trên một sân chơi công bằng” ở đây, bản tin bổ sung thêm.

ASEAN cũng đương bận bịu với việc đàm phán các quy tắc thương mại mới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động buôn bán ô tô trên khắp Đông Nam Á.

Trong khi đó, Nhà Trắng của Obama, sau khi đã đặt cược hết các quả trứng đàm phán vào trong chiếc rổ TPP, lại bị gạt ra ngoài. Trung Quốc, nước đã ký kết thoả thuận thương mại ưu đãi với ASEAN – cũng như Australia và New Zealand – đang ở vào vị thế tốt để thắt chặt thêm mối quan hệ thương mại với Indonesia.

Điểm dừng tiếp theo: Manila – để xem những cơ hội nhỡ nhàng khác trong chính sách thương mại của Mỹ lại trở thành món quà hào phóng cho một người bạn cũ.

Con hổ Châu Á tiếp theo


Toạ lạc dọc theo các tuyến thương mại huyết mạch trên Thái Bình Dương, Philippines – với dân số đang tiến đến mốc 100 triệu, cộng đồng dân cư nói tiếng Anh lớn thứ ba trên thế giới – là đất nước rất dồi dào về khái niệm mà các nhà kinh tế học gọi là “nguồn vốn con người”. Vì vậy, mối quan hệ với Manila thường có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ tổng thống Mỹ nào, thậm chí cả khi thuộc địa cũ này của Mỹ không phải là một trong những đồng minh chiến lược lâu đời nhất của họ.

Điều đáng ghi nhận là Nhà Trắng dưới thời Obama đã khuyến khích Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao tăng cường các mối quan hệ chính trị - quân sự hiện hành với chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino III, người được bầu lên vào năm 2010. Những yêu sách mơ hồ của Trung Quốc đối với những khu vực trên Biển Đông mà rõ ràng là nằm trong lãnh hải của Philippines cũng nêu bật vai trò quan trọng kéo dài của mối quan hệ an ninh gần gũi Hoa Kỳ - Philippines. (Chắc chắn, tình trạng tê liệt chính sách không phải là chứng bệnh của mỗi nước Mỹ. Người ta vẫn thắc mắc là liệu ban lãnh đạo mới của Trung Quốc có nhận ra thực tế là những hành động khiêu khích trên biển vụng về của Bắc Kinh sẽ nhắc nhở bất kỳ chính phủ Philippines nào về tầm quan trọng của việc gắn bó mật thiết với người bạn truyền thống Hoa Kỳ hay không?)

Từng một thời là nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á, chỉ sau Nhật Bản, trong phần lớn nửa cuối thế kỷ 20, người Philippines – sa lầy trong nạn tham nhũng ác tính và với nền kinh tế hướng nội - đã tụt hậu một cách đáng chú ý phía sau các quốc gia láng giềng. Nhưng giờ đây Aquino đã đưa đất nước của ông trở lại quỹ đạo, phát động một chiến dịch trấn áp tham nhũng mà cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ John Forbes thán phục gọi là “thực sự chưa có tiền lệ về quy mô”.

(Forbes là tác giả chính của Arankada, một ấn bản của Liên hiệp Các phòng Thương mại Nước ngoài ở Philippines - Joint Foreign Chambers of the Philippines - www.arangkada.com. Arangkada, trong tiếng Tagalog có nghĩa là “chuyển động nhanh gấp đôi”, chứa đầy những bài mô tả kinh tế đáng tin cậy về những gì mà cựu “bệnh nhân” của Châu Á có thể làm để trở lại lành mạnh về kinh tế như trước.)

Quả thực, dưới sự lãnh đạo của Aquino, Philippines đã ra khỏi tình trạng cần chăm sóc đặc biệt.

Tốc độ tăng trưởng GDP năm ngoái của Philippines là 6,6% và dự đoán đạt 7% trong năm nay – cao nhất Đông Nam Á. Những chiếc cần cẩu xây dựng đan xen trên nền trời Manila. Khu vực ngay phía bắc Manila mà một thời là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở Clark Field và Subic Bay đang phát triển mạnh mẽ. Sân bay Quốc tế Clark – nơi mà chỉ vài năm trước chim đậu nhiều hơn máy bay – đã cất cánh, với lượng khách đến tăng vọt từ 50.000 năm 2004 lên 1,3 triệu vào năm ngoái. Hãng hàng không Asiana của Hàn Quốc, Air Asia của Malaysia, Dragonair của Hồng Kông… đang chuyên chở khách tới Philippines từ khắp Châu Á. Hãng Emirates sẽ mở đường bay hàng ngày từ Clark đến Dubai vào cuối năm nay. Đối với bất kỳ ai vẫn nhìn vào những lợi thế hữu ích vốn xẩy ra khi các dự án đầu tư nước ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Philippines được chào đón, đây là điều mà họ tìm kiếm.

Quả thực, các căn cứ quân sự trước kia của Mỹ đã trở thành hình mẫu về lợi ích của việc thu hút đầu tư nước ngoài. Yokohama Tires và Texas Instruments có những dự án đầu tư trên 1 tỷ USD ở Clark; Samsung cũng có một cơ sở sản xuất chất bán dẫn quan trọng ở đây. Tập đoàn Hanshin của Hàn Quốc có xưởng đóng tàu lớn thứ tư thế giới ở Vịnh Subic. Thời kỳ đỉnh cao trong chiến tranh lạnh, các căn cứ quân sự cũ của Mỹ thuê khoảng 40.000 người Philippines. Ngày nay, dưới sự quản lý của người Philippines, số việc làm ở hành lang Clark – Subic đã tăng vọt lên trên 4 lần – hơn 160.000. “Tôi không nghĩ là người Philippines từng có thời kỳ tốt đẹp hơn thế này” – đó là nhận xét của Dennis Wright, một cựu thuyền trưởng năng động trong lực lượng Hải quân Mỹ, người đang phát triển một khu công nghiệp trị giá 3 tỷ USD tại khu vực Clark Field trước kia cho một nhóm nhà đầu tư Kuwait.

Aquino, theo quy định của hiến pháp Philippines, có một nhiệm kỳ kéo dài 6 năm, kết thúc vào năm 2016. Các nhà cải cách nhấn mạnh, đây là thời điểm cần khẩn trương đưa vào càng nhiều cải cách càng tốt. Sau năm 2016, người kế nhiệm của Aquino rất có thể sẽ là một chính trị gia khác chủ yếu quan tâm đến chuyện kiếm chác.

Đây là nơi mà vai diễn trục xoay nửa vời bước vào sân khấu. Trong khi Nhà Trắng ủng hộ mối quan hệ an ninh tăng cường với Philippines, Washington lại chưa đầu tư nhiều tâm sức vào việc thắt chặt mối quan hệ thương mại.

Chính quyền Obama chưa chào đón Philippines vào các cuộc đàm phán TPP. Liên minh Châu Âu quan tâm đến việc thương thảo một thoả thuận thương mại ưu đãi với Philippines còn Nhà Trắng thì không. Washington hiện không có kế hoạch nào để kéo Manila vào cuộc một cách nghiêm túc nhằm thúc đẩy quá trình tự do hoá thương mại trước năm 2016, thời điểm mà cả Obama lẫn Aquino đều không còn tại nhiệm.

Người Philippines đã lưu ý đến điều này. Tháng Chín năm ngoái, phát biểu trước một cử toạ nhiều ảnh hưởng ở Washington do Hội Hoa Kỳ - Philippines (U.S.-Philippines Society) và tổ chức đầy uy tín Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) mời đến, Bộ trưởng Tài chính Cesar Purisima đã than vãn rằng người ta không muốn nước ông gia nhập TPP. Hiệp định thương mại đó, với cấu trúc hiện hành, bao gồm một số quốc gia Châu Á và phớt lờ số khác, sẽ làm méo mó các dòng chảy thương mại và vì thế “cản trở” mục đích đáng ca ngợi là thúc đẩy sự phát triển một nền thương mại đích thực, vị bộ trưởng giải thích. 

Trong khi đó, mỗi khi liên quan đến Philippines, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) lại luôn ở trong tư thế “thực thi” đầy đủ.

Ngày 28.3, cảnh sát thương mại của USTR sẽ chủ trì việc phân xử những đơn khiếu nại về các vụ lạm dụng quyền của người lao động giai đoạn 2001-2007 mà thủ phạm gây ra dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo – các vụ sát hại các nhà tổ chức công đoàn chẳng hạn. Mối đe doạ hàm ý ở đây là nếu Tổng thống Obama tự mình xác quyết rằng Aquino đã không làm việc đủ chăm chỉ để dọn sạch đống rác mà ông được thừa hưởng, Obama có thể chấm dứt ưu đãi miễn thuế dành cho Philippines theo chương trình GSP (Generalized System of Preferences: chương trình giảm thuế suất nhập khẩu cho những nước kém phát triển nhất trong số các nước thành viên WTO – ND).

Điều này dĩ nhiên là lố bịch. Rốt cuộc, Aquino đã đặt Arroyo – người chưa bao giờ đánh mất những ưu đãi GSP của mình khi bà điều hành Philippines – vào tình trạng bị quản thúc tại gia trong khi bà phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Bộ trưởng Lao động của Aquino, Rosalinda Baldoz, là người được tôn trọng rộng rãi vì đức tính chính trực và sự cống hiến của mình trong việc xử lý các vụ lạm dụng dưới thời Arroyo. Không một ai, ở USTR hay Diễn đàn Quốc tế về Quyền của Người lao động (International Labor Rights Forum), tổ chức nộp đơn khiếu nại, mong muốn hay chờ đợi Obama sẽ làm mất mặt Aquino. Philippines vẫn đang “tiến bộ” về vấn đề quyền của người lao động – đó là nhận xét của Jeff Johnson, người phụ trách văn phòng Manila của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). 

Tại sao USTR lại tổ chức một vụ phân xử mà xét về bản chất thì nó làm mất mặt một đồng minh quan trọng của Mỹ? Trong khi người ta chỉ chực đổ lỗi cho các quan chức, các cảnh sát thương mại về cơ bản lại đang hoàn thành nốt vai trò dự định của họ là giám sát việc “thực thi” mà Quốc hội uỷ thác trong đạo luật GSP. Những nước như Philippines đã đăng ký chương trình GSP thì phải phục tùng sự giám sát như thế từ Washington, bất chấp những điều khiến họ phải mất mặt. Đó là một trong những lý do chính giải thích tại sao Quốc hội Mỹ lại thích chương trình GSP – luôn có một sự hiểu ngầm rằng những ưu đãi kinh tế được ban tặng thì cũng có thể bị tước đi. Và chưa một vị tổng thống Mỹ nào từng phàn nàn rằng chương trình GSP hào phóng kia còn là một thứ đòn bẩy ngoại giao mà người ta có thể luôn sử dụng, nếu cần thiết phải kiểm soát các đồng minh.

Chương trình GSP không phải đặc biệt hào phóng với Philippines theo bất cứ cách thức nào. Xin chỉ dẫn ra đây một ví dụ: mặt hàng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Philippines không đủ điều kiện để được miễn thuế, vì nó “nhạy cảm” về mặt chính trị. Sự nhạy cảm ở đây liên quan đến Samoa, một lãnh thổ của Mỹ.

Chính sách chính thức của Mỹ từ lâu đã phân biệt đối xử với các nhà xuất khẩu cá ngừ Châu Á như Philippines, Thái Lan và Indonesia. Các nước xuất khẩu cá ngừ Châu Á phải đối mặt với hàng rào thuế quan bảo hộ của Mỹ lên tới 12%. Nhưng Samoa thuộc Mỹ, do là một lãnh thổ chính thức của Mỹ, lại có thể xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang đại lục Mỹ mà không phải chịu thuế. Nếu thiếu thuế quan bảo hộ, người Samoa không thể cạnh tranh nổi. (Để biết thêm chi tiết, xem: Charlie the Tuna’s Troubles in Pago Pago, ngày 12.7.2010, đã đăng trên www.rushfordreport.com).

Obama thừa hưởng biểu thuế suất nhập khẩu cá ngừ, vốn thiếu cơ sở kinh tế, từ người tiền nhiệm George W. Bush, người lại thừa hưởng nó từ những người tiền nhiệm của mình. Bush từng từ chối Gloria Arroyo thẳng thừng khi bà tìm cách dỡ bỏ thứ thuế kia. Chắc chắn là Obama rồi cũng sẽ gạt phăng vấn đề thuế suất nhập khẩu cá ngừ.

Tới Dacca, Phnom Penh và Hà Nội


Để nói về hàng rào thuế quan bất công của Mỹ mà các vị tổng thống Mỹ đã để lại cho người kế nhiệm mình, những người bảo vệ nó gần như tự động, chúng ta hãy hướng tới ba điểm dừng chân cuối cùng ở Châu Á, bắt đầu với Dacca.

Bangladesh cũng sẽ “lên thớt” trong buổi phân xử việc thực thi quy định của USTR vào ngày mai. Không như Philippines, Obama thực sự đang cân nhắc việc bãi bỏ những ưu đãi GSP dành cho Dacca. Và không có gì phải thắc mắc ở đây, nếu xét thành tích nghèo nàn của Bangladesh suốt bao năm qua trong việc trấn áp những hành vi vi phạm nhân quyền trong ngành dệt may. Bi kịch gần đây nhất xẩy ra chỉ trong tháng 11 vừa qua, khi ít nhất 112 công nhân may quần áo bị chết trong một vụ hoả hoạn nhà máy mà lẽ ra không bao giờ được phép xẩy ra.

Tuy nhiên, may mặc và giày dép lại không đủ điều kiện để được miễn thuế trong chương trình GSP, theo bất kỳ cách nào. (Quyết định đó ra đời từ thời Tổng thống Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, người thiết kế nên bản kế hoạch chính trị ban đầu về GSP trong thập niên 1970. Nixon và Kissinger phải đối mặt với một nhóm vận động hành lang trong ngành dệt may của Mỹ, với ảnh hưởng chính trị đáng kể lúc bấy giờ.) Giờ đây, dưới thời Obama, chủ nghĩa bảo hộ kiểu cũ vẫn tiếp tục vận động theo chế độ tự hành – mặc dù rất ít thứ quần áo và giày dép vẫn còn được sản xuất ở Mỹ và nhóm lobby dệt may nay đã teo tóp kia của Mỹ không còn đủ lá phiếu để đánh bại những đạo luật thương mại quan trọng.

Nhìn từ các nước đang phát triển với những người phụ nữ muốn thoát khỏi nghèo đói thì thuế suất nhập khẩu cao của Mỹ - nhìn chung xoay quanh mức 12%, nhưng có thể hơn gấp hai lần đối với một số mục – thật là độc ác. 

Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của Bangladesh sang Mỹ năm ngoái đạt 4,9 tỷ USD. Trong số đó, 4,4 tỷ USD là quần áo, và vì thế không đủ điều kiện theo chương trình GSP. Nói cách khác, 91% những gì Bangladesh bán sang Mỹ bị loại khỏi chương trình ưu đãi miễn thuế GSP, nhà phân tích thương mại ở Washington Edward Gresser lưu ý. “Đó không phải là một sự hào phóng đặc biệt”, ông nhận xét.

Gresser còn chỉ ra rằng, trong khi hàng rào thuế quan của Mỹ đánh mạnh vào quần áo và giày dép nhập khẩu từ các nước nghèo thì những sản phẩm cao cấp mà các nước giàu của Châu Âu bán sang Mỹ – máy bay, hàng điện tử, ô tô và tương tự (trừ xe tải) – lại chỉ phải chịu thuế suất thấp. Năm ngoái, chẳng hạn, Campuchia và Bangladesh xuất khẩu 7,6 tỷ USD hàng hoá sang Mỹ, chủ yếu là quần áo. Những sản phẩm xuất khẩu này phải chịu mức thuế suất tương ứng là 16,9% và 15%. Hải quan Mỹ thu được số thuế của Campuchia và Bangladesh lên đến 1,1 tỷ USD. Tổng giá trị hàng xuất khẩu của Đức sang Mỹ là 96 tỷ USD, và chỉ bị đánh thuế 1,4% - với số thuế vỏn vẹn 1,4 tỷ USD. Điều này quả là “bất công” đối với hai trong số những nước nghèo nhất trên thế giới, Gresser lập luận. Không có lời bình luận nào từ phía Nhà Trắng.

Liệu việc lấy đi của Bangladesh những lợi ích từ chương trình GSP có ý nghĩa gì với Obama hay không khi mà trên 90% giá trị hàng xuất khẩu của quốc gia đó lại không nằm trong GSP? Hãy đặt câu hỏi tương tự với người Campuchia.

Khi Bill Clinton còn là tổng thống, Campuchia đã đồng ý với đòi hỏi của các nghiệp đoàn lao động Mỹ là mở cửa các nhà máy bóc lột công nhân cho thanh tra lao động quốc tế. Điều đó đã có tác dụng. Hiện nay, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thông qua chương trình Better Factories Cambodia (Vì những nhà máy tốt hơn cho Campuchia - www.betterfactories.org) vẫn tiến hành hoạt động giám sát chặt chẽ và hữu hiệu đối với ngành dệt may ở đất nước này.

Tuy nhiên, mặc dù người Campuchia đã làm tất cả những gì có thể để đáp ứng đòi hỏi của AFL-CIO (American Federation of Labor and Congress of Industrial Organizations – một liên hiệp công đoàn ở Mỹ), cả Obama lẫn những người tiền nhiệm của ông kể từ thời Bill Clinton vẫn không sẵn lòng dành quy chế miễn thuế cho các sản phẩm quần áo và giày dép của Campuchia. Nhà Trắng của Obama – nay đang ở năm thứ năm của nhiệm kỳ - vẫn trước sau như một từ chối các câu hỏi về chủ đề này.

Đúng là Dacca phải đồng ý mở cửa các nhà máy bóc lột công nhân của họ cho lực lượng thanh sát của ILO. Nhưng từ quan điểm của Dacca, tại sao họ cần làm thế, bởi dù sao thì người Mỹ cũng sẽ chẳng đưa cho họ củ cà rốt kinh tế nào vì đã làm như thế cả.

Sẽ còn rất nhiều chuyện như thế, khi chúng ta kết thúc cuộc khảo sát ở Hà Nội.

Như với Philippines, chính quyền Obama cũng đang làm việc với các giới chức Việt Nam – những người có lý do chính đáng để lo ngại những động thái gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông – nhằm tăng cường mối quan hệ an ninh. Mặc dù Washington đã hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam vào các cuộc đàm phán thương mại TPP, các cuộc thương thảo này lại đang bế tắc. Đây là câu chuyện quen thuộc đối với những độc giả thường xuyên của chuyên san này (xem: Imperial Preferences, www.rushfordreport.com). Tóm lại, Nhà Trắng đã khiến các cuộc đàm phán TPP lâm vào bế tắc bằng cách từ chối đòi hỏi của Việt Nam là phía Mỹ phải mở cửa thị trường hơn nữa cho các mặt hàng may mặc và giày dép của Việt Nam, vốn đang phải chịu thuế suất nhập khẩu cao. (Động thái bảo hộ gần đây nhất mà Washington áp đặt lên Việt Nam: tăng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu cá da trơn của Việt Nam - gọi là cá basa hay cá tra trong Tiếng Việt - lên tới mức khủng khiếp 79%, cho mỗi kg. Các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Hà Nội rất tức giận, bởi họ có lý do để tin rằng các quan chức Bộ Thương mại Mỹ cố tình nặn ra những con số phức tạp kia để trừng phạt ngành thuỷ sản của Việt Nam – thật khó mà nói là lần đầu tiên.)

Nếu có một chỉ dấu về một tin tích cực nào thì đó là: những bộ phận hiểu biết hơn trong cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đang ngày càng bộc trực hơn về sự cần thiết đối với một chính sách thương mại hiệu quả hơn. 

Trước khi chấm dứt cuộc khảo sát và trở lại Washington, D.C., chúng tay hãy lưu ý một số phát hiện cơ bản của Rick Helfenbein và Harold McGraw III.

Helfenbein là phó chủ tịch Hiệp hội Quần áo và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA). “Đối với những ai trong số chúng ta tham gia vào hoạt động thương mại, và đối với những ai trong số chúng ta vẫn tin tưởng rằng một chính sách thương mại năng động là điều kiện thiết yếu cho sự tăng tiến của nền kinh tế Mỹ, bốn năm qua quả là đáng thất vọng”, ông viết gần đây trong một ấn phẩm nội bộ của AAFA. “Cả chính phủ Obama lẫn Quốc hội Hoa Kỳ đều đã chứng tỏ rằng đàm phán về chính sách thương mại chỉ đơn giản là một hình thức của lối nói hoa mỹ vô tác dụng và hay thay đổi, bất chấp sự tăng trưởng kinh tế tích cực bắt nguồn từ việc đạt được một chính sách thương mại năng động. Nó khiến người ta phải tự hỏi là cớ làm sao mà một nhóm quan chức dân cử xứng đáng đến thế lại có thể làm việc thật vất vả khi bàn về một trò chơi hữu ích, nhưng rồi lại thất bại khi bắt tay vào cuộc chơi.”

McGraw, một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất trên sân khấu thương mại, là chủ tịch Uỷ ban Khẩn cấp về Thương mại Hoa Kỳ (Emergency Committee for American Trade - ECAT). Tổng thống Obama “cần lãnh đạo bằng tấm gương”, McGraw viết trong mục ý kiến ngày 7.3 trên tờ Politico. “Việc hạn chế cơ hội tiếp cận thị trường một cách không công bằng đã phát đi một thông điệp rõ ràng tới các chính phủ khác rằng họ cũng có thể làm như vậy. Thuế nhập khẩu luỹ thoái (regressive) của Mỹ đánh vào quần áo và giày dép, những hạn chế thương mại nhằm vào đường sữa và các hàng rào khác rốt cuộc lại gây ra những chi phí đáng kể cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, điều này phải được xử lý”, nhà lãnh đạo ECAT bổ sung.

“Chúng ta không thể yêu cầu các nước khác mở cửa thị trường cho mình trong khi lại không chịu mở cửa thị trường đầy đủ cho họ.”

Trong khi đó, Obama có thể đang suy nghĩ nghiêm túc về điều trớ trêu là vì ông chưa kết nối phần kinh tế của trục xoay Châu Á với phần chính trị - quân sự nên các mối quan hệ kinh tế trên khắp khu vực có thể sẽ thu hẹp dưới thời của ông.

No comments:

Post a Comment