Tuesday, September 26, 2017

“Đồng Chí X” có bị tống vào ‘lò’?

Lê Anh Hùng | VOA| 26.9.2017


Đấu đá, tranh giành quyền lực là một trong những đặc trưng của các chế độ cộng sản, kể từ khi hình thái chính trị phi nhân này ra đời trên thế giới cách nay đúng một thế kỷ. Trên đấu trường khốc liệt đó, các đấu sỹ vốn là những bậc thầy về mưu mô, thủ đoạn thường dành cho đối thủ của mình những cú đòn triệt hạ như thể họ là kẻ thù không đội trời chung, ngay cả khi kẻ chiến bại đã bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Dậu đổ bìm leo
Ở Việt Nam, dù chưa từng nắm giữ ngôi vị lãnh đạo tối cao, nhưng nhờ đứng đầu bộ máy hành pháp và lại được phần lớn Ban Chấp hành Trung ương ủng hộ, nên Nguyễn Tấn Dũng cùng bộ sậu đã từng “làm mưa làm gió” trong suốt quãng thời gian 10 năm ngồi trên ghế Thủ tướng. Một thời gian dài ông ta thậm chí còn được coi là chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam. Dĩ nhiên, trong bối cảnh đó, việc ông ta “mua thù chuốc oán” với vô số “đồng chí” của mình là điều dễ hiểu.

Chính vì thế, sau khi “đồng chí X” bị loại khỏi chính trường một cách tức tưởi tại Đại hội XII Đảng CSVN, người ta vẫn ngóng chờ những cuộc “thanh toán” mà đối thủ của ông ta nhằm vào “nhóm lợi ích Nguyễn Tấn Dũng”.
Và sau khi những đệ tử thân tín của ông ta như cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bí thư Thành uỷ Tp HCM Đinh La Thăng bị xử lý và đặc biệt là sau khi ông trùm ngân hàng Trầm Bê (người từng được coi là “tay hòm chìa khoá” của “đồng chí X”) bị bắt, không ít người tin chắc việc ông ta bị sờ gáy chỉ còn là vấn đề thời gian.
Số phận của Nguyễn Tấn Dũng sẽ thế nào?
Đây là câu hỏi mà không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác, ít nhất là vì hai lý do sau.
Thứ nhất, trong chế độ cộng sản, chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Điều này xuất phát từ một thực tế đơn giản: Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực tối cao quyết định mọi vấn đề của đất nước –không chịu sự điều chỉnh của bất kỳ bộ luật nào. Thực thể quyền lực này có thể nhóm họp bất cứ lúc nào, ra bất cứ quyết định gì, về bất cứ vấn đề hệ trọng nào… mà không cần phải thông báo cho ai biết.   
Thứ hai, cộng sản là một chế độ dối trá, và bản chất đó không hề thay đổi kể từ khi hình thái chính trị này ra đời cho đến nay. Càng leo lên những nấc thang quyền lực trong hệ thống, các chính trị gia cộng sản càng cho thấy họ là những chuyên gia “nói một đàng, làm một nẻo”. Vậy nên, chỉ những ai quá ngây thơ thì mới dễ dàng tin vào những câu phát ngôn do những kẻ “ăn của dân không từ một thứ gì” phát ra.
Vì thế, ở đây chúng ta chỉ có thể đưa ra những lý do khiến Nguyễn Tấn Dũng bị tống vào “lò” cũng như những lý do giúp ông ta tiếp tục “làm người tử tế”.
Ba lý do giúp Nguyễn Tấn Dũng không bị xử lý
(i) Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng là “đồng minh chiến lược”
Trong bối cảnh chiếc ghế TBT của Nông Đức Mạnh bị lung lay dữ dội do dính vào vụ bê bối PMU 18 trước thềm Đại hội X Đảng CSVN (tháng 4/2006), bộ ba Nông Đức Mạnh - Nguyễn Tấn Dũng - Hoàng Trung Hải đã bắt tay nhau và hình thành nên một liên minh hùng mạnh để ngăn chặn Bí thư Thành uỷ Tp HCM Nguyễn Minh Triết trở thành TBT, bảo vệ “ngai vàng” cho Nông Đức Mạnh và bảo đảm chiếc ghế Thủ tướng cho Nguyễn Tấn Dũng. Theo kế hoạch của bộ ba này, tại Đại hội XI năm 2011, Nguyễn Tấn Dũng sẽ thâu tóm chiếc ghế “2 trong 1” Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, còn Hoàng Trung Hải sẽ trở thành Thủ tướng. Kế hoạch này đổ bể do từ ngày 21/4/2008, tôi đã tố cáo những tội ác khủng khiếp của liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh, với kết quả khiêm tốn là Nông Đức Mạnh bị gạt ra khỏi vòng quyền lực từ tháng 4/2009.
Ngay sau Đại hội X, Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành “quả đấm thép”, nhưng không phải là của lực lượng cấp tiến trong đảng nhằm vào cuồng vọng của Bắc Kinh như những kẻ ngây thơ lầm tưởng, mà là của Nông Đức Mạnh nhằm vào những người tích cực nhất trong việc phanh phui vụ PMU 18.
Trước Đại hội XI (tháng 1/2011), để chống lại một Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đang tràn đầy cơ hội tiếp quản chiếc ghế TBT của Nông Đức Mạnh hoặc ít nhất là thay thế vị trí Thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gia nhập liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh. Sau một nhiệm kỳ Thủ tướng đầy ê chề, điều hành nền kinh tế một cách kém cỏi, khiến lạm phát gần như luôn thường trực ở mức hai con số, nhưng trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp cuối cùng Quốc hội khoá XII, Nguyễn Tấn Dũng vẫn được tân TBT Nguyễn Phú Trọng hết lời ca ngợi: “Thủ tướng đã điều hành, quản lý đất nước năng động và quyết liệt” (!). (Liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh - Nguyễn Phú Trọng chính là lý do khiến vụ tố cáo đặc biệt nghiêm trọng của tôi đến nay vẫn chưa được nhà chức trách Việt Nam giải quyết đúng pháp luật, dù hơn 9 năm đã trôi qua.)
(ii) “Ý chỉ” của các ông chủ Trung Nam Hải
Trước Hội nghị Trung ương 6 khoá XI, Nguyễn Tấn Dũng tưởng như sắp bị kỷ luật đến nơi (do Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang thúc ép Nguyễn Phú Trọng ra tay). Tuy nhiên, sau cuộc gặp Tập Cận Bình tại Nam Ninh ngày 20/9/2012, tình thế của ông ta đã xoay chuyển, khiến Nguyễn Phú Trọng phải mếu máo đọc diễn văn bế mạc Hội nghị vào chiều ngày 15/10/2012.  
Lần này, số phận của “đồng chí X” có thể cũng sẽ như vậy. Đội ngũ dư luận viên của Hà Nội cùng hai tờ Nhân Dân Nhật Báo và Hoàn Cầu Thời Báo của Bắc Kinh đã dày công nhào nặn nên một hình tượng Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật chống Tàu số 1 Việt Nam. Chừng nào “hình tượng” đó vẫn còn hữu ích cho các ông chủ Trung Nam Hải, chừng đó ông ta vẫn còn được tiếp tục “làm người tử tế”.
(iii) “Thần thiêng nhờ bộ hạ”
Do mới rời khỏi chính trường nên Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn mối liên hệ với không ít tay chân trong bộ máy: Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (hai nhân vật được ông ta đưa vào Bộ Chính trị), Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành uỷ Tp HCM Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, v.v.
Ba lý do khiến Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị xử lý
1) Những người cộng sản vốn không có tình đồng chí, bởi đồng chí là danh từ cao đẹp dành cho những người cùng hướng đến một mục đích cao cả nào đó, trong khi chủ nghĩa xã hội từ lâu đã cho thấy là một quái thai của lịch sử. Sợi dây kết nối giữa các đảng viên cộng sản chỉ là mối quan hệ đồng đảng. Vì thế, việc Nguyễn Phú Trọng dẫm đạp lên “xác chết chính trị” của Nguyễn Tấn Dũng hầu đánh bóng tên tuổi, tạo “thế và lực” cho cá nhân và phe nhóm là điều hoàn toàn dễ hiểu.
2) Giống như trường hợp cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (nhân vật từng được coi là “tận trung với Tàu”), với các ông chủ Trung Nam Hải, Nguyễn Tấn Dũng giờ đây cũng chẳng khác gì quả chanh đã bị vắt kiệt. Do vậy, việc ông ta phải nối gót Vũ Huy Hoàng để giúp Nguyễn Phú Trọng “ghi điểm” trong mắt công chúng và Ban Chấp hành Trung ương là một khả năng thực tế.   
3) Nếu không tống được một “con hổ” nào đó vào “lò” thì chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng khó mà thuyết phục được dư luận, nhất là khi ông ta đang muốn tại vị đến hết nhiệm kỳ, thay vì nửa nhiệm kỳ như dự kiến ban đầu. “Con hổ” Trần Đại Quang thì e là khó nhằn, bởi ít nhiều nó vẫn còn nanh vuốt khó lường; xem ra chỉ còn “con hổ” Nguyễn Tấn Dũng là khả dĩ hơn cả.
Tóm lại, chỉ thời gian mới trả lời được câu hỏi liên quan đến số phận “đồng chí X”. Tuy nhiên, cho dù có bị các “đồng chí” của mình tống vào “lò” lần này hay không thì Nguyễn Tấn Dũng vẫn sẽ được sử sách “lưu danh” như là người lập được nhiều “chiến công” nhất cho Trung Quốc trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

  • Lê Anh Hùng
  • Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Nguồn: VOA

Monday, September 25, 2017

Vì sao Nguyễn Phú Trọng né đống ‘củi khô’ BOT?

Lê Anh Hùng | VOA| 25.9.2017



Hoàng Trung Hải và Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo
Hơn một tháng qua, công chúng Việt Nam hết xôn xao về dự án BOT đường tránh thị xã Cai Lậy lại đến bàn tán về các dự án BOT giao thông trên khắp Việt Nam.
Và càng ngày, khi sự thật về các dự án BOT càng được phanh phui, người ta càng nhận thấy sai phạm trong loại hình đầu tư công này không hề mang tính chất ngẫu nhiên, đơn lẻ. Ngược lại, chúng diễn ra một cách có hệ thống, từ trên xuống dưới.
Hầu như dự án BOT giao thông nào cũng có vấn đề, với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng: người dân bị tước quyền lựa chọn (nói cách khác là bị ép buộc sử dụng thứ hàng hoá đặc thù này) khi dự án không phải là tuyến đường mới; mặc dù là dự án đầu tư công nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư lại không thông qua thể thức đấu thầu công khai, mà lại được chỉ định thầu rất tuỳ tiện; thời hạn thu phí được xác định thiếu căn cứ, vượt quá xa thời gian hoàn vốn; các trạm thu phí đặt sai vị trí (quá gần nhau, hoặc theo kiểu “giăng lưới lùa xe”) và mức phí thì quá cao; tình trạng “tự tung tự tác” của các nhà đầu tư, còn vai trò quản lý nhà nước lại hết sức mờ nhạt, v.v.

“Đồng tiền liền khúc ruột.” Giống như bà con dân oan khi bị các thế lực mafia trong và ngoài bộ máy cấu kết với nhau cướp đoạt đất đai, vườn tược dưới vỏ bọc các dự án kinh tế, các tài xế qua trạm thu phí BOT Cai Lậy cũng đã bày tỏ thái độ phản kháng theo cách của mình. Họ sử dụng tiền mệnh giá thấp để trả phí, buộc chủ đầu tư phải liên tục xả trạm để giải toả giao thông, bởi việc kiểm đếm tiền lẻ mất nhiều thời gian làm giao thông bị ùn tắc kéo dài. Cuối cùng, từ ngày 15/8, Công ty TNHH BOT Cai Lậy đã phải rút toàn bộ nhân viên khỏi trạm thu phí, và đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại.
Thực ra, các tài xế qua trạm BOT Cai Lậy được “truyền cảm hứng” từ thắng lợi của người dân ở hai bên đầu cầu Bến Thuỷ 1 (Nghệ An – Hà Tĩnh). Mặc dù không đi trên đường BOT mà vẫn phải trả phí, họ đã kiên trì đấu tranh bằng cách căng băng-rôn phản đối, dùng tiền lẻ mua vé, v.v. Sau 4 tháng ròng rã như thế, đến ngày 11/4/2017, Bộ GT-VT đã quyết định giảm 100% phí cho cư dân hai đầu cầu qua trạm thu phí BOT Bến Thuỷ 1.
Thắng lợi của các tài xế qua trạm BOT Cai Lậy đã có tác dụng lan toả. Một mặt, chiến thuật sử dụng tiền mệnh giá thấp trả phí đã được giới tài xế sử dụng ở một số trạm thu phí BOT khác, như dự án BOT Biên Hoà, BOT quốc lộ 5 (Hưng Yên) hay BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh). Mặt khác, nhân sự kiện “Cai Lậy thất thủ”, hàng loạt sai phạm tại các dự án BOT giao thông trên khắp cả nước đã bị báo chí phanh phui, khiến dư luận càng bức xúc.
Thậm chí, trong buổi tọa đàm khoa học "Các dự án BOT – Chính sách và giải pháp" được tổ chức tại Hà Nội ngày 8/9 vừa qua, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, còn đề xuất: “Với những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ công bố về các dự án BOT và BT, có thể đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.”
Đề xuất của TS Nguyễn Sỹ Dũng không có gì là bất ngờ, bởi những sai phạm trong các dự án BOT và BT giao thông là quá rõ ràng, nghiêm trọng và đặc biệt là có hệ thống, còn nỗi bức xúc trong dư luận thì ngày càng dâng cao.
Điều khiến người ta phải ngạc nhiên ở đây là, mặc dù chiến dịch “đốt lò” do TBT Nguyễn Phú Trọng đang diễn ra đầy khí thế, với những tuyên bố hùng hồn của người “nhóm lò” (“Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”, v.v.), song chưa một quan chức nào dính líu đến sai phạm trong các dự án BOT/BT giao thông phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào, dù là nhẹ nhất, chứ đừng nói đến chuyện bị khởi tố.
Vì sao lại như vậy? Chẳng phải những quan chức ở Bộ GT-VT và các tỉnh thành liên quan không chỉ là thứ “củi” rất phù hợp với cái “lò” mà ngài Tổng Bí thư cùng bộ sậu đang hè nhau “đốt”, mà còn là “củi khô”, vốn rất dễ “bắt lửa” và “cháy” hay sao? Chẳng phải cựu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, người dính líu đến nhiều sai phạm ở các dự án BOT giao thông, đã bị cách chức Bí thư Thành uỷ Tp HCM, bị loại ra khỏi Bộ Chính trị và đang “ngồi chơi xơi nước” ở Ban Kinh tế Trung ương hay sao (tức không còn là thứ “củi tươi” đến mức không thể tống vào “lò” nữa)? Chẳng phải với 88 dự án BOT giao thông đang hoạt động trên khắp cả nước, vấn nạn này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người Việt, và việc mổ xẻ khối ung nhọt này do đó sẽ giúp lấy lại uy tín cho chính quyền hay sao?
Vậy lý do vì sao mà đến tận thời điểm này ngài TBT vẫn chưa hề hé răng lấy nửa lời về thảm nạn BOT giao thông?
Xin thưa, lý do không có gì quá khó hiểu: Tất cả các dự án BOT giao thông ở Việt Nam hiện nay đều thuộc  thẩm quyền quản lý nhà nước (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt việc lựa chọn nhà thầu, chỉ đạo việc thực hiện dự án) của (cựu) Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải. Chính ngài Bí thư Thành uỷ Hà Nội, trong thời gian ngồi trên chiếc ghế Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế từ năm 2007 đến 2016, mới là người có tiếng nói cuối cùng và chịu trách nhiệm cao nhất về các dự án BOT giao thông trên cả nước, chứ không phải là Bộ trưởng Giao thông - Vận tải.

Công văn số 404/TTg-KTN ngày 18/3/2013 của PTT Hoàng Trung Hải đồng ý chỉ định nhà đầu
tư dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, một dự án còn tai tiếng và nhơ nhuốc hơn cả BOT Cai Lậy.
Nguồn:
Báo Điện tử Chính phủ.
Mấu chốt vấn đề là, từ năm 2008 đến nay, ông Hoàng Trung Hải bị tố cáo những tội danh đặc biệt nghiêm trọng, và mặc dù 9 năm đã trôi qua nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết đúng pháp luật, mà lý do là vì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã bắt tay với Hoàng Trung Hải để được ngồi vào chiếc ghế Tổng Bí thư khoá XI rồi dần dần bị ông ta khống chế, thao túng.
Thế nên, giống như với Formosa Hà Tĩnh, toà nhà 8B Lê Trực hay hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc khác mà “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải là “tác giả”, Nguyễn Phú Trọng đã và sẽ tiếp tục im lặng với vấn nạn BOT giao thông. Xem ra đó mới là sứ mạng cao cả nhất của ngài TBT khả kính trong sự nghiệp chính trị đầy vinh quang của mình.

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA

Wednesday, September 20, 2017

Lee & Man Việt Nam: thất bại mang bản chất hệ thống

Lê Anh Hùng | VOA| 21.9.2017



Mấy ngày qua, một loạt tờ báo nhà nước đã loan tảithông tin về việc các hộ dân ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang khẩn thiết kêu cứu vì tình trạng ô nhiễm nặng nề do Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam gây ra.
Theo các nguồn tin, một hộ dân nằm cách nhà máy giấy Lee & Man khoảng 100 mét cho biết, thời gian gần đây, từ lúc chiều tối đến rạng sáng (6 giờ chiều đến 5 giờ sáng), phía bên nhà máy giấy lại xuất hiện 2-3 cột khói màu trắng đục, cao khoảng 5-10 mét, có mùi giống axít, rất khó chịu. Khi trời không gió, các cột khói bay thẳng lên bầu trời nên không ảnh hưởng đến người dân. Thế nhưng, mỗi khi có gió thổi theo hướng từ nhà máy qua khu dân cư, thì chỉ chừng 15-20 phút sau, làn da của bà con sinh sống gần nơi đây lại có cảm giác khô, căng như bị con gì châm chích.

Ngoài ra, một người dân khác ngụ ở ấp Phú Xuân thì phản ánh là gần đây, cứ vài ngày lại xuất hiện mùi hôi như mùi bồn cầu bùng lên từ khu vực gần các ống xả thải của nhà máy (bên bờ Sông Hậu).
Chưa hết, bên cạnh tình trạng mùi hôi là hiện tượng nước sông khu vực xung quanh nhà máy mà người dân bơm lên sử dụng,  khi qua đêm thì xuất hiện tình trạng “nhớt nhớt” ở bề mặt vật dụng tiếp xúc với nước.

Đây không phải là lần đầu dự án đầy tai tiếng này thu hút sự chú ý của dư luận vì những vi phạm môi trường do họ gây ra.
Tháng 12/2016, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho phép Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải dự án sản xuất giấy. Đến tháng 1/2017, việc vận hành thử nghiệm có tải của nhà máy tạm ngừng để thực hiện các yêu cầu theo kết luận thanh tra của Bộ TN-MT, trước khi vận hành thử nghiệm trở lại vào tháng 3/2017.
Tuy nhiên, khi nhà máy chỉ mới bắt đầu vận hành thử nghiệm trở lại, người dân sống gần nhà máy đã phải gửi đơn kêu cứu khắp nơi khi cuộc sống của họ bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nhà máy gây ra.
Thực ra, không phải đến lúc này, mà ngay từ năm 2007, khi dự án mới được UBND tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận đầu tư, đã xuất hiện nhiều tiếng nói phản đối Lee & Man Việt Nam, một dự án không chỉ bất hợp lý mà còn đầy mờ ám.
Đây là dự án của Tập đoàn Lee & Man Paper Manufacturing Limited đến từ Quảng Đông, Trung Quốc, với tổng mức đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất trên thế giới. Tổng diện tích của nhà máy là 82,8ha, nằm trong Cụm Công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm. Tổng thầu xây dựng nhà máy là Công ty Cổ phần Kỹ thuật Hải Thành đến từ Thượng Hải, Trung Quốc.
Từ năm 2007, nhiều nhà quản lý môi trường, doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thuỷ sản tại Hậu Giang đã bày tỏ thái độ hết sức lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường và nghi ngờ khả năng tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy giấy của Lee & Man.
Theo văn bản số 1311/CV-SDR ngày 6/6/2007 của Cục Lâm nghiệp thì trong “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang. Ngay cả Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 - tầm nhìn 2020, cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Về khả năng vùng nguyên liệu, Cục Lâm nghiệp khẳng định là “nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong khu vực chắc chắn chỉ đáp ứng được dưới 20% công suất nhà máy”.
Ngoài ra, Cục Lâm nghiệp còn tính toán là với công suất của nhà máy giấy, mỗi năm sẽ có đến 28.500 tấn xút được thải ra môi trường. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi nhà máy nằm ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn như vậy. Nếu chúng bị đổ ra Sông Hậu rồi ra biển thì nguồn lợi thủy sản ở sông và biển ở phía Nam sẽ bị huỷ hoại, đồng thời ảnh hưởng rất lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Chưa hết, 80% nguyên liệu nhập khẩu cũng ẩn chứa mối nguy hại tiềm tàng, bởi theo chủ đầu tư đó là giấy phế liệu; nghĩa là khu vực dự án sẽ trở thành nơi tiếp nhận phế thải của nước ngoài, nguy cơ ô nhiễm lại càng khó tránh khỏi.
Hậu Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung không phải là thị trường tiêu thụ của một nhà máy giấy có quy mô nằm trong tốp 5 thế giới. Nghĩa là, địa điểm dự án vừa không phải là vùng nguyên liệu lớn, vừa không phải là khu vực thị trường tiêu thụ chính, lại vừa đặc biệt nhạy cảm về môi trường (nghĩa là để đảm bảo được những yêu cầu ngặt nghèo về môi trường thì chi phí đầu tư sẽ rất cao, trong khi công nghệ của Lee & Man nói riêng và các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung lại bị xếp vào loại lạc hậu).
Vậy điều gì đã khiến các ông chủ đến từ Trung Quốc chọn một địa điểm ngay bên bờ Sông Hậu làm nơi đặt nhà máy, nếu không phải lý do đây là một vị trí đặc biệt lợi hại về quân sự: chiếm lĩnh được vị trí xung yếu này, Bắc Kinh sẽ kiểm soát được Sông Hậu, tuyến đường thuỷ huyết mạch nối liền Biển Đông đến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Nguy cơ này lại càng đặc biệt nguy hiểm bởi Trung Quốc đã và đang âm mưu biến Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, tức bên bờ Biển Đông) và Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu (thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang) thành những căn cứ quân sự trá hình. Ba căn cứ liên hoàn này sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát cả vùng biển phía nam Việt Nam lẫn Sông Hậu. Chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ này trong bài “Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam: một Formosa Hà Tĩnh mới ở đồng bằng sông Cửu Long?” trên VOA ngày 22/6/2016.
Đến tháng 6/2016, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vẫn tiếp tục lên tiếng thông qua bản kiến nghị khẩn cấp gửi Quốc hội và Chính phủ, đề nghị chỉ đạo kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam. Thậm chí đến ngày 6/8/2016, tờ Người Lao Động vẫn còn đăng bài “Sao không dừng Nhà máy Giấy Lee & Man?
Bất chấp mọi lời đề đạt, kiến nghị, cảnh báo, dù khẩn thiết đến đâu, nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam vẫn cứ ra đời và sắp sửa đi vào hoạt động, như thể không hề có chuyện gì xẩy ra cả với nó cả. Những gì đang diễn ra tại Hậu Giang cho thấy, nhà máy giấy đầy tai tiếng và mờ ám này đã thực sự trở thành một hiểm hoạ về quân sự, kinh tế và môi trường tại đồng bằng sông Cửu Long.
Suy cho cùng, giống như Formosa Hà Tĩnh hay hàng loạt thảm hoạ “made in China” khác trên khắp Việt Nam, thất bại mang tên Lee & Man Việt Nam hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên; ngược lại, nó là kết quả tất yếu của hệ thống hiện hành, một hệ thống bao gồm hai thành phần chủ yếu: những kẻ chủ tâm “rước giặc vào nhà” và những kẻ “ngậm miệng ăn tiền”, đồng loã với chúng.

  • Lê Anh Hùng
  • Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.
Nguồn: VOA

Tuesday, September 19, 2017

‘Đối thoại’ kiểu cộng sản: bắt cóc và cưỡng bức ‘đối thoại’

Lê Anh Hùng | VOA| 20.9.2017



Nhóm Nghiên cứu Thể chế là một nhóm tự nguyện, hình thành trên tinh thần nghiên cứu học thuật và tập trung vào nghiên cứu về thể chế dân chủ nhằm đưa ra dự án nghiên cứu của nhóm. Nhóm ra đời ngày 9/6/2017 tại Hà Nội và tôi là một trong bốn thành viên ban đầu.
Mặc dù chỉ thuần tuý vì mục đích học thuật, nhưng kể từ khi ra đời đến nay, nhóm Nghiên cứu Thể chế đã gặp phải sự sách nhiễu thường xuyên của nhà cầm quyền. Các thành viên đều lần lượt được cơ quan an ninh triệu tập để làm việc liên quan đến hoạt động của nhóm.
Hết triệu tập…
Ngày 25/8, cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội đã phát giấy triệu tập lần thứ nhất cho tôi, yêu cầu tôi đúng 8h30 ngày 28/8 phải có mặt tại 89 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để “làm việc liên quan đến hoạt động của nhóm ‘Nghiên cứu Thể chế’”.

Tôi đã từ chối chấp hành giấy triệu tập phi pháp nói trên, bởi theo mục b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự có quyền “Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”, nghĩa là chỉ khi ai đó liên quan đến một vụ án hình sự đã được khởi tố thì mới bị công an triệu tập để làm việc. Ngoài ra, khoản 1.1 Điều 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12/1/2006 của Bộ Công an còn quy định: “Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án được ký giấy triệu tập bị can tại ngoại để hỏi cung, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo kế hoạch đã được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án duyệt.”

Giấy triệu tập Lê Anh Hùng lần thứ hai. Ảnh: Lê Anh Hùng
Ngày 28/8, viên cảnh sát khu vực lại đến nhà trao cho tôi giấy triệu tập lần thứ hai của cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội, yêu cầu đúng 8h30 sáng ngày 29/8 tôi phải có mặt tại trụ sở cơ quan ANĐT Công an Hà Nội để “làm việc liên quan đến hoạt động của nhóm Nghiên cứu Thể chế”. Một lần nữa, tôi lại từ chối chấp hành giấy triệu tập phi pháp của Công an Hà Nội, với lý do nêu trên. Ngày 8/9, cơ quan ANĐT Công an Hà Nội lại phát giấy triệu tập tôi lần thứ ba, và tôi tiếp tục từ chối chấp hành.
…lại đến bắt cóc
Sáng 12/9, tầm 7h30, khi tôi vừa rời khỏi quán ăn sáng một đoạn thì bị khoảng chục nhân viên an ninh dưới sự chỉ huy của thiếu tá Nguyễn Thế Thanh áp sát. Họ chìa cho tôi xem giấy triệu tập lần thứ tư, nhưng tôi chưa kịp ngó qua thì đã bị cả toán cưỡng chế lên chiếc xe ô tô 7 chỗ đang chờ sẵn rồi áp giải tôi về trụ sở Công an Hà Nội. Đến nơi, khoảng hơn 8h, viên thiếu tá cùng một nhân viên an ninh dẫn tôi vào chính căn phòng tầng 1 mà ngày 10/5/2016, tôi đã bị bắt cóc và cưỡng chế đến để “làm việc” với họ về các bài viết đăng tải trên Internet.
Thiếu tá Nguyễn Thế Thanh yêu cầu tôi bỏ điện thoại ra. Tôi lấy điện thoại ra, tắt máy và để trên bàn làm việc; viên thiếu tá liền cầm lấy và để vào chiếc bàn nhỏ nằm trong góc phòng. Một nhân viên kỹ thuật mang máy quay phim vào đặt ở góc phòng và bật máy ghi hình.
Và lý lẽ “luật là tao”
Thiếu tá Nguyễn Thế Thanh nói: “Sau mấy lần phát giấy mà anh không đến làm việc. Hôm nay chúng tôi mời anh đến đây để làm việc về những nội dung liên quan đến hoạt động của nhóm Nghiên cứu Thể chế.” Tôi nói: “Đây không phải là ‘mời’. Đây là hành vi bắt cóc và cưỡng chế người trái pháp luật. Tôi phản đối việc các anh xâm phạm quyền tự do và quyền bất khả xâm phạm về thân thể của tôi, cũng như việc các anh quay phim ghi hình tôi.”
Tôi viện dẫn những căn cứ pháp lý ở phần trên để nêu lý do không chấp hành các giấy triệu tập của họ. Viên thiếu tá nói: “Giống như năm ngoái, khi anh từ chối làm việc với chúng tôi với lý do là anh không liên quan đến một vụ án nào đã được khởi tố nên không thể bị triệu tập. Chúng tôi đã nói là anh hiểu chưa đầy đủ về luật. Hôm nay tôi cho anh xem cái này.”
Anh ta đưa cho tôi tập Thông tư Liên tịch số06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC về việc “Hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & PTNT và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành ngày 2/8/2013, rồi chỉ cho tôi đến Điều 10 (“Nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên”) của bản thông tư. Mục b khoản 3 của Điều 10 ghi rõ là điều tra viên được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có quyền “triệu tập và lấy lời khai của những người có liên quan nhằm kiểm tra, xác minh nguồn tin”.
Tiếp theo, anh ta chìa cho tôi xem qua văn bản đầu tiên trong tập hồ sơ liên quan mà anh ta giữ khư khư trên tay. Đó là công văn số 1118/STTTT-TTĐT “Về bài viết trên mạng có nội dung vi phạm pháp luật” do Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội gửi Công an Hà Nội ngày 29/6/2017. Nội dung công văn đại khái là Sở TT-TT phát hiện thấy sự ra đời của một nhóm mang tên “Nghiên cứu Thể chế” với trang web tại địa chỉ http://nghiencuutheche.com (kèm theo thông tin và hình ảnh các thành viên), trong đó có những bài viết có nội dung “vi phạm pháp luật”. Tôi yêu cầu anh ta cho tôi xem kỹ công văn mà Sở TT-TT “tố giác” chúng tôi, nhưng anh ta từ chối.
Tức là, theo thiếu tá Nguyễn Thế Thanh, căn cứ vào Thông tư Liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC và công văn số 1118/STTTT-TTĐT, việc cơ quan ANĐT Công an Hà Nội phát giấy triệu tập tôi đến làm việc về hoạt động của nhóm Nghiên cứu Thể chế là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, tôi đã mạnh mẽ phản bác lại lập luận của anh ta. Thứ nhất, quyền triệu tập những đối tượng liên quan của điều tra viên đã được quy định tại mục b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 và được giải thích cụ thể hơn tại khoản 1.1 Điều 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12/1/2006 của Bộ Công an; mục b khoản 3 Điều 10 Thông tư Liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC không chỉ ra đời sau mà còn trái với các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11), vì thế nó mặc nhiên vô hiệu, không có giá trị pháp luật.
Thứ hai, ngay cả khi mục b khoản 3 Điều 10 của Thông tư Liên tịch kia là đúng pháp luật đi nữa thì khoản 1 Điều 9 của thông tư đó cũng đã quy định rõ: “Sau khi tiếp nhận thông tin liên quan đến tội phạm, cơ quan điều tra phải tiến hành phân loại, xác minh sơ bộ ban đầu.” Vì vậy, tôi yêu cầu anh ta chỉ cho tôi thấy việc chúng tôi thành lập nhóm Nghiên cứu Thể chế, cũng như nội dung các tài liệu đăng tải trên website của nhóm, vi phạm pháp luật hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở chỗ nào, theo điều nào của luật nào, mà cơ quan ANĐT đã dựa vào để “triệu tập” chúng tôi. Dĩ nhiên, anh ta không thể trả lời được câu hỏi đó.
Ngoài ra, trong buổi “làm việc”, tôi cũng nói rõ với thiếu tá Nguyễn Thế Thanh là tôi không còn niềm tin vào lực lượng công an nữa, bởi tôi là người đã tố cáo những tội ác khủng khiếp của một loạt lãnh đạo chóp bu suốt từ năm 2008 đến nay; mặc dù 9 năm đã trôi qua nhưng vụ tố cáo công khai, đúng pháp luật và đặc biệt nghiêm trọng của tôi vẫn chưa được nhà chức trách giải quyết đúng pháp luật; và trong khi người tố cáo lẽ ra phải được bảo vệ thì tôi lại thường xuyên bị sách nhiễu, khủng bố, trả thù với đủ mọi hình thức. Trước lập luận không thể bác bỏ được của tôi, anh ta đành chống chế là vụ tố cáo của tôi đang tạm gác lại (!).
Với những lý do nêu trên, tôi đã từ chối làm việc với cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội, không trả lời các câu hỏi khi họ lập biên bản làm việc, và không ký vào biên bản. Cuối cùng, đến gần 16h30, họ đưa tôi lên ô tô và áp giải về nhà.
Thật mỉa mai, việc Công an Hà Nội triệu tập các thành viên nhóm Nghiên cứu Thể chế, một nhóm thuần tuý học thuật, hay  bắt cóc và cưỡng chế tôi đến “làm việc” với họ lại diễn ra trong bối cảnh chỉ mới vài tháng trước, ông Võ Văn Thưởng, người đứng đầu bộ máy tuyên truyền của Đảng CSVN, còn trịnh trọng loan báo: “Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Không còn nghi ngờ gì, cách đối xử mà Công an Hà Nội dành cho nhóm Nghiên cứu Thể chế nói chung cũng như cá nhân tôi nói riêng đã cho thấy, đằng sau thông điệp “đối thoại” của nhà cầm quyền Việt Nam là lời cảnh báo: Hãy “đối thoại” với cộng sản theo cách họ muốn, nếu không muốn bị cưỡng bức “đối thoại” trước khi bị tống vào tù.

  • Lê Anh Hùng
  • Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA

Wednesday, September 13, 2017

Vì sao Võ Kim Cự lại được trọng dụng?

Lê Anh Hùng | VOA| 14.9.2017



Từ việc tội đồ được trao thêm chức vụ…
Võ Kim Cự là một trong những tội đồ đứng đằng sau thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung năm 2016.
Dưới áp lực của dư luận, ngày 21/4/2017 nhân vật đầy tai tiếng và nhơ nhuốc này đã bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức xoá bỏ tư cách ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định), trước khi buộc phải xin thôi nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết cho thôi nhiệm vụ ĐBQH khóa 14 vào ngày 15/5/2017) rồi bị Thủ tướng Chính phủ xoá tư cách nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 vào ngày 16/8/2017.

Với những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng mà báo chí đã phanh phui, những tưởng việc ông Võ Kim Cự bị cách nốt chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chỉ còn là vấn đề thủ tục, bởi đầu tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Nội vụ xem xét cách chức Chủ tịch Liên minh HTX của ông ta. Ấy vậy nhưng, ông ta không những không phải rời khỏi chiếc ghế quan trọng kia mà, đùng một cái, ngày 7/9 vừa qua, một loạt cơ quan truyền thông chính thống của Việt Nam còn loan tin là ông ta đã trở thành Phó ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Kinh tế Tập thể và Hợp tác xã (!).
…đến phản ứng của Hà Nội trước cuộc tập trận của Trung Quốc  
Ngày 1/9, báo Thanh Niên đưa tin “Trung Quốc tập trận rầm rộ ở Biển Đông”. Bài báo cho biết, website của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này tiến hành cuộc diễn tập quân sự từ ngày 29/8 đến 4/9 trên một vùng biển rộng tới 11.000km2 mà một phần nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thậm chí chỉ cách Đà Nẵng 75 hải lý. Ngoài ra, Trung Quốc còn thông báo tiến hành 3 cuộc tập trận bắn đạn thật từ ngày 31/8 đến 2/9 tại các khu vực nằm gần các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Hoàng Sa tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trước một sự kiện leo thang quân sự chưa từng có và gây chấn động dư luận như vậy, nhưng mãi đến ngày 5/9, tức sau khi Trung Quốc đã chấm dứt cuộc tập trận được một ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc. Phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam có mấy điểm đáng chú ý sau: (i) Lên tiếng muộn màng bằng một bản thông cáo báo chí, chứ không phải thông qua một cuộc họp báo chính thức (tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được thể hiện qua một bản thông cáo báo chí gửi đến các cơ quan truyền thông); và (ii) Mức độ phản ứng yếu ớt khác thường trước một sự kiện đặc biệt nghiêm trọng (chủ quyền quốc gia bị xâm phạm).
Theo thông lệ quốc tế, các phản ứng ngoại giao mà Việt Nam đưa ra luôn dựa trên cấp độ: lấy làm tiếc (như phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trước phát biểu ngày 2/8/2017 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh); quan ngại; phản đối; triệu đại sứ đến để trao công hàm phản đối, v.v. Việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam rõ ràng là đặc biệt nghiêm trọng; vậy nhưng phản ứng của Hà Nội lại chỉ dừng lại ở việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng “phản đối”, và thậm chí chỉ “mạnh mẽ phản đối”, chứ không phải “cực lực phản đối”.
Trước đó, trong thời gian Trung Quốc tập trận trên Vịnh Bắc Bộ (từ 1/8 - 23/8) thì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam im lặng. Khi Trung Quốc đang tập trận ở vùng biển Hoàng Sa và ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (cách bờ biển Đà Nẵng 75 hải lý) từ ngày 29/8 - 4/9 thì ngày 31/8, bà Thu Hằng bày tỏ thái độ “quan ngại” trước việc Trung Quốc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ! Và một ngày sau khi Trung Quốc tập trận xong ở Hoàng Sa và ngoài khơi Đà Nẵng, bà Thu Hằng mới mạnh dạn lên tiếng “mạnh mẽ phản đối”! Thậm chí, trong chương trình thời sự VTV 19h ngày 5/9, tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ được phát ở phút thứ 35, tức là gần cuối chương trình.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN chỉ được phát sóng ở phút thứ 35
chương trình thời sự VTV 19h ngày 5/9. Ảnh: Lê Anh Hùng
Xin dẫn ra đây một vài ví dụ để cho thấy phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện nay là khác xa so với trước kia:
1) Ngày 27/6/2012, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện ĐSQ Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mở thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam “cực lực phản đối” và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên.
2) Ngày 3/12/2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu Đại sứ Trung Quốc đến để trao công hàm phản đối việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ ngày 30/11/2012.
3) Sau khi Trung Quốc đưa dàn khoan HD981 vào trong vùng biển Việt Nam ngày 1/5/2014, Việt Nam đã liên tục đối thoại, giao thiệp với Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm phản đối Trung Quốc. Và trong cuộc họp báo ngày 15/5/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam cực lực phản đốiviệc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”
4) Chiều 16/6/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam “cực lực phản đối” việc Trung Quốc xây dựng trái phép ở Gạc Ma.
Và sự trỗi dậy của “thế và lực” Trung Quốc tại Việt Nam
Hai diễn biến khác thường trên đây có điểm gì chung?
Xin thưa, chúng cùng chia sẻ những điểm chung sau. Thứ nhất, chúng đều là những sự vụ mà TBT Nguyễn Phú Trọng là người có tiếng nói cuối cùng. Thứ hai, chúng thể hiện ảnh hưởng không thể chối cãi của “thế và lực” Trung Quốc tại Việt Nam (Formosa Hà Tĩnh tiếp tục là đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường “made in China” lơ lửng trên đầu dân tộc, mà ông Nguyễn Phú Trọng chính là người phải chịu trách nhiệm cao nhất). Và thứ ba, chúng diễn ra sau thời điểm Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, thủ lĩnh nhóm chống Tàu trong bộ máy kể từ khi Trương Tấn Sang quy thuận Bắc Kinh giữa năm 2013, biến mất đầy bí ẩn từ ngày 25/7/2017 trước khi “tái xuất” vào ngày 28/8/2017.
Và bộ dạng nhợt nhạt, mất hết phong độ và nhuệ khí của ông Trần Đại Quang khi “tái xuất” trước công chúng báo hiệu điều gì nếu không phải là một tương lai đầy u ám cho Việt Nam, khi phe nhóm đại diện cho “lợi ích Tàu” do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu không còn đối thủ nào đáng kể trên chính trường?


  • Lê Anh Hùng
  • Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Nguồn: VOA

Tuesday, September 12, 2017

VAT và cơ hội cho chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Lê Anh Hùng | VOA| 12.9.2017


Tăng thuế và lý lẽ của “dân chi phụ mẫu”
Tại cuộc họp báo chiều 15/8, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hai phương án: (i) tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019; và (ii) tăng theo lộ trình, lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021.
Lý do để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là mức thuế VAT 10% hiện tại tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. 
Theo lập luận của Bộ Tài chính thì số lượng quốc gia áp dụng thuế VAT ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, và 166 nước năm 2016. Song song với điều đó, xu thế tăng thuế suất VAT cũng diễn ra phổ biến. Từ năm 2009-2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Cụ thể thuế suất VAT trung bình tại EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 lên mức xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất VAT từ mức bình quân 18% năm 2000, lên khoảng 19% năm 2014, và hơn 19% vào năm 2016.

Và sự thật đằng sau
Mặc dù Bộ Tài chính không nói thẳng ra, nhưng ai cũng hiểu, nguyên nhân bức bách nhất khiến cơ quan chủ quản ngân khố quốc gia phải đề xuất tăng thuế chính là tình trạng thâm thủng ngân sách, thu không đủ bù chi, vốn đã kéo dài nhiều năm nay, trong bối cảnh nợ công đã lên đến mức báo động (theo một chuyên gia của Liên Hợp Quốc là 210% GDP tính đến hết năm 2016) và vẫn đang trên đà gia tăng.
Bất chấp việc một số quan chức trong bộ máy lên tiếng trấn an dư luận, cho rằng người nghèo không bị ảnh hưởng nhiều, hoặc thậm chí là không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế, đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính vẫn vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận, cả trên truyền thông “lề đảng” lẫn “lề dân”. Đơn giản, những lời giải thích của các quan chức kia hoặc là thiếu hiểu biết, hoặc là nguỵ biện. VAT là một loại thuế gián thu, không phân biệt người giàu hay người nghèo, nam phụ hay lão ấu, thế nên tất cả mọi người, bất kể giàu nghèo, đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với mức thu nhập thấp hơn, người nghèo chắc chắn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng hơn người giàu.
Ngoài ra, mức thuế suất VAT bình quân trên thế giới dao động với biên độ rất lớn, từ 0% (khoảng 27 nước không áp đặt thuế VAT) đến mức 5% như ở Đài Loan, Kuwait cho đến mức 25% (thậm chí 27%) như tại nhiều nước EU. Vì vậy có thể nói, cái gọi là “thông lệ quốc tế” về thuế suất VAT như lập luận của Bộ Tài chính đơn giản là không tồn tại. Bên cạnh đó, so với các nước trong khu vực (Đài Loan và Nhật Bản 5%; Thái Lan và Singapore 7%; Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào và Hàn Quốc 10%; Philippines 12%; Ấn Độ 12,5%; Trung Quốc 17%), thuế suất VAT 10% hiện nay của Việt Nam cũng nằm ở mức trung bình, chứ không hề thấp.
Đặc biệt, theo PGS.TS Trần Đình Thiên thì thu từ thuế và phí (không kể thu từ dầu thô) của Việt Nam hiện đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21,6% GDP, Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% còn Ấn Độ chỉ là 7,8%. “Như vậy, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết.
Tóm lại, những lời giải thích của các quan chức Bộ Tài chính đều là lấp liếm, nguỵ biện, không che dấu được bản chất của việc tăng thuế suất VAT lần này là tiếp tục bòn rút sức dân, những “ông/bà chủ” vốn đã còm cõi vì phải gánh chịu đủ loại thuế phí trên trời dưới đất. Với việc thuế suất VAT tăng lên 12%, gánh nặng thuế phí/GDP lại càng đè nặng lên đôi vai họ.
Cơ hội cho chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Tiếng nói của người dân ngày càng có ảnh hưởng đến công tác hoạch định chính sách của chính phủ. Đó là thực tế không cần phải bàn cãi. Lý do là vì dân chúng Việt Nam ngày càng bạo dạn hơn trong việc bày tỏ chính kiến, đặc biệt là những gì liên quan đến chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày, mà vụ BOT Cai Lậy vừa rồi là một minh chứng nóng hổi. Ngoài ra, bản thân chính phủ Việt Nam cũng đã phải trả nhiều học phí đắt giá khi bất chấp phản ứng của công luận, mà vụ Bauxite Tây Nguyên là một ví dụ điển hình.
Trước làn sóng phản ứng mạnh mẽ của dư luận, trong cuộc họp chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.”
Chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ, có thể nói, phần nào đã cho thấy sự lắng nghe phản ứng của dư luận, trước khi “chuyển hoá” thành chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, nếu tất cả chỉ dừng lại ở chừng đó không thôi thì chưa rõ ràng và chưa đủ.
Chưa rõ ràng là vì việc tăng thuế suất VAT trước hết ảnh hưởng đến người dân. VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ đơn giản là thu hộ cho nhà nước. VAT làm cho giá hàng hoá tăng lên, khiến sức mua của người tiêu dùng giảm đi, nhưng với những mặt hàng thiết yếu thì mức suy giảm gần như bằng không. Trong khi đó, chỉ đạo của Thủ tướng Phúc lại mới chỉ quan tâm đến doanh nghiệp, mà cũng không chỉ đích danh loại thuế đang khiến dư luận bất bình là VAT.
Chưa đủ là vì “chưa đề cập đến việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí” mới chỉ là một giải pháp tình thế trước áp lực của dư luận, mà chưa kèm theo những giải pháp căn cơ, rốt ráo nhằm giáp bớt áp lực ngân sách đang ngày một đè nặng lên hệ thống và quan trọng hơn là quyết tâm chính trị để hiện thực hoá chúng.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright: “Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, thì nguồn thu từ thuế VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình cao hơn hẳn là 21,3%, VAT cũng mới chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU.”  Khi thuế suất VAT tăng lên thì một mặt sức mua của người dân sẽ giảm; mặt khác, tình trạng trốn lậu thuế lại càng diễn ra phổ biến. Cả hai yếu tố đều ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Nghĩa là, việc tăng thuế suất VAT không đồng nghĩa với việc vai trò của sắc thuế này trong tổng thu ngân sách sẽ được cải thiện tương ứng.
Vì thế, để giải quyết một cách căn cơ tình trạng thâm thủng ngân sách và nợ công ngất ngưởng trong bối cảnh dư luận phản ứng gay gắt trước đề xuất tăng thuế suất VAT hiện nay, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần nhân cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ nghị trình cải cách kinh tế, mà trọng tâm và gai góc nhất là việc tinh gọn và lành mạnh hoá khu vực kinh tế nhà nước: (i) cổ phần hoá/tư nhân hoá DNNN: nhằm giải phóng nguồn lực trong khu vực kinh tế nhà nước, khu vực nắm giữ phần lớn nguồn lực quốc gia nhất nhưng hiệu quả lại thấp nhất; (ii) thị trường hoá/phi điều tiết hoá, đặc biệt là những lĩnh vực còn bị can thiệp nặng nề như điện lực, xăng dầu, v.v… và dịch vụ sự nghiệp công; (iii) tinh gọn bộ máy, cắt giảm biên chế; và (iv) cải cách đầu tư công (minh bạch, kiểm soát và thắt chặt đầu tư công; thực hiện nguyên tắc ngân sách cứng, chấm dứt hiện tượng “đội vốn”; đảm bảo nguyên tắc độc lập giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thực hiện đầu tư).

  • Lê Anh Hùng
  • Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Nguồn: VOA

Friday, September 8, 2017

Ông Trần Đại Quang đang đóng vai gì?

Lê Anh Hùng | VOA| 9.9.2017



Số phận ông Trần Đại Quang đã an bài?
Cuộc “tái xuất” bất ngờ
Sau đúng 1 tháng 3 ngày vắng bóng trên truyền thông, ông Trần Đại Quang đã xuất hiện trong một loạt sự kiện liên tiếp: tiếp Đại sứ Cuba và Chánh án Toàn án Tối cao Hàn Quốc ngày 28/8; tham dự Hội nghị Quân uỷ Trung ương và tiếp Đại sứ Slovakia và Đại sứ Áo ngày 29/8, v.v.
Sự vắng mặt suốt hơn 1 tháng của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đã khiến báo chí trong và ngoài nước tốn rất nhiều giấy mực, còn dân chúng thì bàn tán xôn xao và đưa ra vô số giả thuyết để lý giải cho sự kiện chưa từng có tiền lệ trên sân khấu chính trị “thời đại Hồ Chí Minh”. Cuộc “tái xuất” khiến nhiều người bất ngờ đến ngỡ ngàng của ông Trần Đại Quang đã giúp giải toả được một số “băn khoăn” mà dư luận từng nêu lên, chẳng hạn khả năng ông bị đầu độc rồi bị loại khỏi cuộc chơi, như trường hợp Nguyễn Bá Thanh năm 2015, đã không xẩy ra. Tuy nhiên, sự kiện này lại làm dấy lên những câu hỏi khác, bên cạnh những câu hỏi trước kia mà đến nay vẫn còn để ngỏ.  
Tựu trung, câu hỏi quan trọng nhất ở đây là: vị thế chính trị của ông Trần Đại Quang hiện nay là thế nào, hay chính xác hơn là ông ta đang sắm vai gì trên sân khấu chính trị Việt Nam?

Không còn làm chủ tình hình?
Trong thời gian ông Trần Đại Quang vắng mặt, tên ông vẫn xuất hiện trên truyền thông qua những sự vụ như Chủ tịch nước gửi điện mừng Quốc khánh Cộng hoà Trung Phi hay Quốc khánh Đại Hàn Dân Quốc, v.v. Điều này không khiến người ta phải thắc mắc nhiều, bởi đó đơn thuần là những nghi thức trong bang giao quốc tế, Chủ tịch nước không phải trực tiếp nhúng tay vào.
Sự xuất hiện khiến nhiều người quan tâm và bình luận nhất là việc ngày 20/8, một loạt cơ quan truyền thông nhà nước đã đăng bài "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới". Đây là chủ đề bàn tán khá rôm rả của cộng đồng mạng, mà chủ yếu là theo chiều hướng phê phán. Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn thậm chí còn bình luận: “Bài viết của ông Quang hoàn toàn không có lời nào của ‘ông Chủ tịch nước’. Mà chỉ thể hiện trí tuệ tầm thường của anh công an quèn.” Và vì thế mà ai cũng trù ông “chết phứt cho rồi”.
Đây là lý do khiến người ta tin rằng ngài Chủ tịch nước đã không còn làm chủ được cuộc chơi, dù chỉ là việc cho công bố một bài viết tử tế dưới tên mình ngay giữa lúc đang cần đến sự ủng hộ tinh thần của công chúng nhất. 
Thêm một “ông phỗng”?
Trong bài “Vụ Trịnh Xuân Thanh: Tương lai nào cho Trần Đại Quang” ngày 8/8/2017, chúng tôi đã đưa ra 4 kịch bản cho tương lai của đương kim Chủ tịch Việt Nam là: (i) Trước áp lực của Đức cũng như dư luận quốc tế, cộng với sự phản công của đối thủ, TBT Nguyễn Phú Trọng chấp nhận lùi bước, và những lời khai của Trịnh Xuân Thanh liên quan đến ông Trần Đại Quang sẽ bị xoá bỏ. Ông sẽ “thoát hiểm”, ung dung trở lại và “lợi hại hơn xưa”; (ii) Ông Trần Đại Quang đầu hàng Trung Quốc và phe phái thân Tàu trong bộ máy để được tiếp tục an vị trên chiếc ghế Chủ tịch nước và thậm chí vẫn còn cơ hội trở thành Tổng Bí thư nếu chấp nhận làm tay sai cho Bắc Kinh; (iii) Ông Trần Đại Quang bị xử lý trong nội bộ Bộ Chính trị, chấp nhận vai trò một “ông phỗng” và “ngồi chơi xơi nước” trên chiếc ghế Chủ tịch nước để “giữ bình”; và (iv) Ông Trần Đại Quang bị xử lý công khai và phải rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch nước.
Cuộc tái xuất của ông Trần Đại Quang khiến cho cả 4 kịch bản trên đều có khả năng xẩy ra, ít nhất là trên lý thuyết. Tuy nhiên, cho dù bao nhiêu giả thuyết đi nữa thì rốt cuộc cũng chỉ có một kịch bản diễn ra trên thực tế.
Bây giờ chúng ta sẽ thử phân tích xem khả năng nào là lớn nhất.
Kịch bản thứ nhất và thứ hai nêu trên chỉ xẩy ra khi vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc về Việt Nam kèm theo lời khai “nóng” của anh ta về vai trò của ông Trần Đại Quang chưa được đưa ra Bộ Chính trị. Song điều đáng tiếc là các diễn biến liên quan lại chỉ khiến người ta đi đến kết luận ngược lại.
Ngày 7/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra lệnh tạm giam Trịnh Xuân Thanh để “điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Động thái này diễn ra trong bối cảnh vụ Trịnh Xuân Thanh đang được dư luận quốc tế dõi theo sát sao, còn dư luận trong nước thì đang nóng ran nóng rẫy trước sự kiện chưa từng có đó. Theo “thông lệ” của nền “pháp quyền XHCN” ở Việt Nam, vụ việc phải được đưa ra Bộ Chính trị và quy trình tố tụng đối với Trịnh Xuân Thanh chỉ được khởi động sau khi tập thể Bộ Chính trị nhất trí. Điều này có nghĩa là ông Trần Đại Quang không còn cơ hội nào để lật ngược tình thế được nữa, ít nhất là bởi trong Bộ Chính trị không chỉ có ông ta mà còn không ít kẻ đang nhòm ngó chiếc ghế của TBT Nguyễn Phú Trọng, kể cả khi một ứng cử viên sáng giá là Đinh Thế Huynh đã bị loại khỏi cuộc đua, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chẳng hạn.
Việc ông Trần Đại Quang đột ngột biến mất suốt hơn một tháng trước khi “tái xuất” với một bộ dạng nhợt nhạt, mất hết thần sắc và phong độ là bằng chứng cho thấy TBT Nguyễn Phú Trọng cùng thuộc hạ đã ra “đòn độc” với đối thủ theo kiểu “đập phát chết luôn”. Cách duy nhất để làm điều đó là đưa ngay vụ Trịnh Xuân Thanh ra Bộ Chính trị khi anh ta vừa được áp giải về tới Việt Nam, khiến ông Trần Đại Quang không kịp trở tay và rơi vào tình thế “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”.
Như vậy, chỉ còn kịch bản thứ ba và thứ tư là có khả năng xẩy ra với ông Trần Đại Quang. Tuy nhiên, kịch bản thứ tư lại chỉ xẩy ra khi vụ Trịnh Xuân Thanh được đưa ra xét xử công khai và những sai phạm của ngài Chủ tịch nước được công bố trước bàn dân thiên hạ, một lựa chọn có thể dẫn đến những hệ luỵ khó lường đối với bộ mặt vốn đã nhem nhuốc của chế độ cũng như sự vận hành vốn đã chuệch choạc của hệ thống, trong khi nếu bị dồn vào đường cùng thì bất kỳ ai cũng trở nên nguy hiểm, nói gì đến một cựu Bộ trưởng Công an.
Tóm lại, kịch bản thứ ba là khả năng lớn hơn cả. Nghĩa là, số phận chính trị của ông Trần Đại Quang coi như đã an bài. Vụ Trịnh Xuân Thanh cùng lời khai liên quan đến ngài Chủ tịch nước đã được ra Bộ Chính trị; sau một thời gian chống cự trong bối cảnh bị quản thúc, ông ta đã đầu hàng để được sắm vai một “ông phỗng” trên chiếc ghế Chủ tịch nước hầu đảm bảo an toàn và “uy tín” cho mình, đồng thời “giữ bình” cho ngài TBT.[i]
_______
Ghi chú:
[i] Ở Việt Nam, việc một nhân vật chóp bu buộc phải sắm vai “ông phỗng” không phải bây giờ mới xẩy ra, mà đã từng có tiền lệ lịch sử.
Cuối thập niên 1960, Hồ Chí Minh từng bị Bộ Chính trị dưới sự khuynh loát của Lê Duẩn viện lý do sức khoẻ để gạt ra khỏi vòng quyền lực. Gần đây hơn, điều này cũng lặp lại với Nông Đức Mạnh, người đã bị gạt sang một bên từ tháng 4/2009 (tức gần 2 năm trước khi chính thức bàn giao chiếc ghế Tổng Bí thư cho Nguyễn Phú Trọng) do liên quan đến một vụ tố cáo đặc biệt nghiêm trọng.

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Nguồn: VOA