Tuesday, August 15, 2017

Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của một cựu phiên dịch thân cận

Lê Anh Hùng | VOA| 15.8.2017 



Đại tá Đoàn Sự
Hồ Chí Minh là một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giã từ trần thế, song hình ảnh của ông vẫn phủ bóng lên gần như mọi sinh hoạt chính trị quan trọng trên dải đất hình chữ S, đồng thời in đậm trong tâm trí hàng triệu người dân Việt. Chừng đó đủ cho thấy việc mô tả chân dung nhân vật lịch sử này nhạy cảm và dễ đụng chạm đến thế nào.
Tuy nhiên, khi thời gian càng lùi xa thì người ta càng có cơ hội để hình dung ra bức tranh nhân cách đầy đủ của ông từ những góc nhìn đa chiều. Dưới đây là hình ảnh cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh dưới con mắt một người từng là phiên dịch thân cận, qua cuộc trao đổi của tác giả với ông vào ngày 31/7 vừa qua.[i]

Đại tá Đoàn Sự nguyên là phiên dịch Tiếng Trung trong đại bản doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ. Năm 1955, khi đang dạy Tiếng Trung cho Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó Tổng tham mưu trưởng, ông được điều sang Trung Quốc để làm phiên dịch cho một nhóm cán bộ quân đội cao cấp đang học tại một trường quân sự ở Nam Kinh, do Thượng tướng Tống Nhiệm Cùng (cựu Phó Tổng Tư lệnh Chí nguyện quân tại Triều Tiên, về sau là Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương) làm hiệu trưởng. Khoá học gồm chừng 20 người, với những tên tuổi như Vương Thừa Vũ, Phùng Thế Tài, Hoàng Minh Thảo…
Vài tháng sau, Đại sứ Hoàng Văn Hoan đến thăm Hiệu trưởng Tống Nhiệm Cùng thì gặp người em trai của Đại tá Lê Trọng Nghĩa (tên thật là Đoàn Xuân Tín, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Quân báo, trợ tá thân cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Viên Đại sứ liền điều ông về Bắc Kinh tăng cường cho phòng quân sự của ĐSQ (lúc đó mới chỉ có 2 người và còn thiếu kinh nghiệm). Ông được giao nhiệm vụ làm bí thư thứ ba và trợ lý cho tuỳ viên quân sự ĐSQ, và ở đấy cho đến đầu năm 1960 mới về nước.
Lúc bấy giờ cả ĐSQ Việt Nam tại Bắc Kinh chỉ có 4 người thành thạo Tiếng Việt và Tiếng Trung (ông về ĐSQ một thời gian thì Đại sứ Hoàng Văn Hoan về nước, ông Nguyễn Khang sang thay): Phó Đại sứ Phạm Bình; một người Trung Quốc; ông Đặng Nghiêm Hoành, người về sau trở thành Đại sứ tại Trung Quốc từ 1989-1997; và ông Đoàn Sự. Ông Phạm Bình là Phó Đại sứ nên làm phiên dịch không tiện; ông người Trung Quốc cũng vậy; ông Đặng Nghiêm Hoành thì chưa phải đảng viên. Vì thế, ĐSQ quy định là những việc gì liên quan đến đảng (nhất là những chuyện cơ mật) thì ông Đoàn Sự được giao nhiệm vụ làm phiên dịch. Vậy nên mỗi khi ông HCM sang Trung Quốc thì ông Đoàn Sự lại đi theo.
“Đi theo nhưng thực ra mình có làm cái gì đâu. Ông Cụ nói thẳng chứ có cần gì… Ông Cụ cứ thoăn thoắt sang luôn…”
Nhiệm vụ chủ yếu của ông Đoàn Sự vì thế là để theo dõi xem các vị lãnh đạo trao đổi với nhau những gì, có gì quên không ghi lại hay không; và để nhắc nhở lãnh tụ trong trường hợp ông đang nói chuyện với nhiều người mà với vị thế nguyên thủ quốc gia, ông không nên nói Tiếng Trung.

Ông Đoàn Sự (hàng đầu bên phải) và Hồ Chí Minh tại Bắc Kinh năm 1957.
Ảnh do Đại tá Đoàn Sự cung cấp.
Bấy giờ Liên Xô tặng cho Việt Nam 1 chiếc máy bay IL-18 (họ còn tặng cho Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai mỗi người 1 chiếc). Do Việt Nam chưa có người lái cũng như chỗ chứa máy bay nên chiếc IL-18 này được gửi lại Bắc Kinh. Khi nào ông Hồ cần sang Trung Quốc thì viên phi công người Trung Quốc sẽ bay từ Bắc Kinh sang Hà Nội để đón ông. Ông Đoàn Sự vì thế cũng thường xuyên đi đi về về giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
“[…] Lần này… khoảng tháng Sáu, tháng Bảy gì đấy, Bác đi Liên Xô dự hội nghị 61 đảng về [Bắc Kinh]. Bác vào thăm ông Mao Trạch Đông. Ông ấy bảo: ‘Này, tôi trông anh sắc thái không được khoẻ. Ở lại đây nghỉ một thời gian. Anh về bây giờ công việc bận rồi ốm đấy.’ Cụ Hồ thì rất nể. Người khác mà nói [thế] là không được với Cụ đâu. Cụ nói thế này: ‘Vâng. Tôi xin chấp hành chỉ thị của Chủ tịch.’ Thế là ông ở lại…”
“Sống với ông Cụ thì thấy vinh dự, nhưng mà rất khó sống… vì ông Cụ khó tính lắm, chứ không phải dễ đâu. Cụ chỉ dễ tính với mấy bà phụ nữ thôi… muốn cái gì cho cái đó, rất là thân thiết…   Còn mấy ông con trai, nhất là mấy ông có tuổi đến, là Cụ mắng cho sa sả đấy…”
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Tư tưởng HCM là đa nguyên đa đảng. Lúc đầu, năm 1945, Cụ cho thành lập Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội. Ngoài ra còn có Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Năm đảng cơ mà…”
“Cụ bảo, lúc nào trong con người ta cũng có cái nhân và cái nghĩa, có cái thiện và cái ác. Có người cái thiện nhiều, cái ác ít. Nhưng người nào cũng có cả. Cho nên phải làm thế nào để giảm bớt cái ác, phát huy cái thiện của người ta. Đừng quan niệm rằng đã là kẻ thù là xấu…”
“Thực ra ban đầu Cụ về, Cụ rất muốn đi theo con đường quan hệ với Mỹ đấy… Tôi còn có tài liệu về việc Cụ gửi cành đào cho ông Ngô Đình Diệm. Chính Cụ rất muốn lợi dụng chuyện đó… Xẩy ra cuộc chiến tranh Việt - Pháp là Cụ đã hết sức nhân nhượng rồi, nhưng vì rằng tình thế lúc đó, cộng với các nước cộng sản đã muốn rằng đây là một chiến trường để thử thách. Do đó buộc ta phải nhảy vào chiến tranh. Trong chiến tranh, về sau này, khi trận Điện Biên Phủ xong rồi… chuyển sang thời kỳ đánh Mỹ. Quan điểm của Cụ về chuyện đó là khác. Cụ rất muốn để cuộc chiến tranh ấy cố gắng giữ ở mức độ nào đó để Mỹ không vào được. Nhưng mà các ông nhà ta cứ làm…”
“Khi thành lập nước, Cụ Hồ cho giải tán trường luật. Điều đó là không được, vì lúc đó Cụ quan niệm trường luật là theo luật pháp của đế quốc, cho nên Cụ giải tán. Chính ra là phải bảo vệ trường luật để sau này xây dựng hệ thống pháp luật.”
Ông Đoàn Sự vừa sang Quảng Châu từ ngày 30/5 - 9/6, thăm di tích trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Ông tìm ông Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, người từng viết một cuốn sách về bà Tăng Tuyết Minh, nhưng không gặp. Năm 1955, ông từng đến thăm bà Tăng Tuyết Minh. Lần này ông đến thì bà đã mất (từ năm 1991). Người ta nói là phần mộ của bà không có, vì khi mất, bà yêu cầu thiêu xác và thả tro xuống dòng sông Hồng.
“Cụ Hồ có bao nhiêu vợ thì tôi không lạ gì, nhưng trong số những người quan hệ với Cụ thì chỉ có bà Tăng Tuyết Minh là có làm lễ thành hôn rõ ràng…”
Khoảng năm 1955-1956, Hồ Chí Minh gặp Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Đông Đào Chú. Trong cuộc gặp đó, Đào Chú muốn đưa bà Tăng Tuyết Minh về với Hồ Chí Minh, nhưng ông Hồ từ chối, nói rằng với vị trí của mình lúc này mà có vợ là người nước ngoài thì sẽ mang tiếng. Ý kiến của Bộ Chính trị là không nên, mà chỉ yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ cho bà tồn tại thôi. Bà Tăng Tuyết Minh không lấy ai cả. Khi về hưu bà được hưởng trợ cấp đặc biệt. Năm 1955, ông Đoàn Sự đã cùng Đại sứ Hoàng Văn Hoan bí mật đến thăm bà. Lúc bấy giờ ông Hồ Chí Minh giao cho ĐSQ hàng năm đến thăm và tặng quà cho bà. Ông Hoàng Văn Hoan dặn ông là phải giữ bí mật về chuyến đi, không được nói cho ai biết. (Ông Hồ Chí Minh không gặp lại bà Tăng Tuyết Minh lần nào nữa.)
“… Tôi còn tìm hiểu và biết là Cụ Hồ còn nhiều đám lắm… Nguyễn Thị Minh Khai, kể cả với bà Tống Khánh Linh… Năm 1924 [?] cụ từng sang Vienna, cụ yêu cả bà Tống Khánh Linh đấy. Khi tôi đưa Cụ về Thượng Hải để thăm bà Tống Khánh Linh thì đi chiếc xe mui trần. Lúc bấy giờ bà Tống Khánh Linh là Phó Chủ tịch nước… Hôm đó tháng Sáu, tháng Bảy gì đó… Cụ Hồ ngồi bên cạnh bà Tống Khánh Linh… Giời nắng, ông cụ lấy cái mũ chụp lên đầu bà ấy… Khi về đến chỗ ở của bà Tống Khánh Linh, Cụ Hồ gọi Tống Khánh Linh là “Tống muội”… Bọn tôi mới thầm thì: “Gớm, sao mà đẹp đôi thế!”… Bác Hồ không kể [chuyện tình với bà Khánh Linh], nhưng qua những chuyện đó, rồi qua [việc] ông Vũ Kỳ kể lại những mối tình của Bác… Ông ấy [Vũ Kỳ] kể cả bà Tống Khánh Linh, ông ấy kể cả vợ của ông Hồ Tùng Mậu nữa cơ… vân vân… nhiều lắm… Tại vì thế này này, thời kỳ hoạt động cách mạng, các ông ấy cứ ghép nhau… Cũng như là bà Nguyễn Thị Minh Khai, có dạo sống với Cụ Hồ đấy chứ, mà đăng ký đi học là vợ chồng đấy chứ…”
“Thế nhưng những chuyện đó là bình thường thôi… ta bây giờ cứ xoay vào đó, rồi thì là khoét sâu nó… thực ra chẳng ra gì cả. Khi tôi ở Hàng Châu với Cụ, có hôm thứ Bảy rỗi rãi, tôi mới bảo bà Tống Minh Phương là hỏi xem người yêu của Cụ Hồ có những ai và ở đâu, vì anh Vũ Kỳ cứ bảo rằng ông ấy [HCM] có quyển sổ tay ghi tháng nào thì phải gửi thư cho bà Madam này, Madam kia… Mình mới gạ hỏi… Đang vui vẻ cười thế này. Bà Tống Minh Phương với Cụ Hồ bình thường rất là thân, cho nên bà mới bạo dạn bảo: ‘Bác ơi, Bác kể những mối tình của Bác cho chúng tôi nghe với nào.’ Thế là Cụ nghiêm mặt lại Cụ bảo: ‘Bây giờ có lẽ không còn chuyện gì để moi chuyện tôi nữa nên các cô các chú lại… Kể ra bây giờ thì chưa phải lúc. Nhưng mà thôi, hôm nay tôi cũng nói sơ cho cô chú… Tôi là người, chứ tôi không phải là ông thánh. Tôi có nhu cầu tất cả mọi thứ. Khi ra ngoài tôi ở đâu tôi cũng có người yêu cả. Mà người yêu không phải chỉ là [quan hệ] vớ vẩn, người yêu là phải sống với nhau như vợ chồng đấy. Nhưng mà tôi phải có nghị lực…’ Sau rồi Cụ mới chỉ vào mình…: ‘Khi tôi ở nước ngoài, tôi diện hơn các cô các chú nhiều lắm. Tôi không ăn mặc thế này đâu. Sau này về Trung Quốc rồi, tôi thấy mặc thế này nó tiện hơn. Nó phù hợp với Á Đông hơn…’.”
“Ông Cụ cũng có những cái hóm hỉnh lắm. Thí dụ như hôm tôi đưa Cụ đi đảo Hải Nam về, [chỉ tay lên tường] khi chụp cái ảnh này này. Khi lên bên Châu Giang ở Quảng Châu… [người ta] huy động dân Quảng Châu đông lắm, đứng ở bên sông hoan nghênh. Ô tô từ trên tàu chạy thẳng lên. Cụ ngồi trên xe vẫy tay. Về chỗ nghỉ rồi chúng tôi mới hỏi, ‘Tại sao dân hoan nghênh đông thế nhỉ?’ Cụ bảo, ‘Chú Sự xem tại sao?’ ‘Thưa Bác, vì Bác là bạn thân của ông Mao, bạn thân của ông Lưu Thiếu Kỳ, bạn thân của ông này ông khác... Chứ cháu ở Trung Quốc 8 năm nay rồi, cháu đi rất nhiều nơi rồi, nhưng mà cháu chưa thấy các nguyên thủ quốc gia các nước khác đến các tỉnh người ta hoan nghênh lắm, người ta bình thường thôi, chỉ mấy ông lãnh đạo gặp nhau thôi.’ Thế là Cụ cười, Cụ bảo, ‘Ờ, thế cũng có lý. Nhưng mà này, người ta hoan nghênh chúng ta là người giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, người ta không hoan nghênh chúng ta bởi chúng ta là cộng sản đâu.’ Lúc bấy giờ cách đây 60 năm nhé. Tôi mới thấy lạ quá. Tôi không dám hỏi gì. Tôi im. Sau tôi quay lại tôi hỏi ông Vũ Kỳ, ‘Quái nhỉ. Cụ Hồ 100% là cộng sản mà sao Cụ nói câu gở thế nhỉ?’ Ông Vũ Kỳ vuốt râu bảo, ‘Cái này phải suy nghĩ lâu dài. Ông cụ nói là có hàm ý sâu sắc lắm đấy.’
“60 năm sau, tôi nhớ lại chuyện này. Vừa rồi tôi sang [Trung Quốc] tôi đã đến bến Châu Giang, cái nơi mà tôi đón Cụ Hồ để tôi nhớ lại cái đó, là ngay từ đó Cụ Hồ đã có cái suy nghĩ như vậy. Do đó nên vừa rồi rất nhiều người viết rất nhiều chuyện về Cụ Hồ... thì có cái tôi công nhận [đúng].”
_____________
Ghi chú:
[i] Lưu ý, đây là góc nhìn của một người từng làm phiên dịch cho Hồ Chí Minh, từng có thời gian sống bên cạnh ông. Về phần mình, tôi đã có hai bài viết về nhân vật này: (i) “Cái giá của tự do là sự cảnh giác thường trực”, và (ii) “Các ông trùm gây tội ác với đồng loại như thế nào?

  • Đón xem phần II: “Hồ Chí Minh có phải là Hồ Tập Chương không?”

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Nguồn:VOA

28 comments:

  1. “Với dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh là sự kết tinh những gì tốt đẹp, ưu tú nhất của trí tuệ và tư tưởng, tình cảm và đạo đức, nhân cách và lối sống của con người và dân tộc Việt Nam. Người tiêu biểu cho cốt cách và bản lĩnh của dân tộc, cho bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Tinh hoa của dân tộc, lương tâm và khí phách của thời đại đã được thể hiện chân thực và cảm động, trong sáng và đẹp đẽ, cao thượng và bất khuất qua con người, cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. cần chú trọng nắm bắt cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh: Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập, tự do, hạnh phúc. Đây chính là giá trị nền móng phát triển bền vững, có khả năng giải quyết được những nhiệm vụ thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

      Delete
  2. Khi đã tìm thấy con đường cách mạng và nhận thức được chân lý của thời đại cách mạng nhờ giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với sự thức tỉnh và cổ vũ của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã dồn tất cả nỗ lực và tinh lực của đời mình để thực hiện đến cùng lý tưởng và mục tiêu cách mạng: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chủ đạo, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. cần chú trọng nắm bắt cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh: Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập, tự do, hạnh phúc. Đây chính là giá trị nền móng phát triển bền vững, có khả năng giải quyết được những nhiệm vụ thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

      Delete
  3. Trong quá trình đó, Người vừa học tập và nghiên cứu lý luận, vừa tham gia các phong trào đấu tranh chính trị của công nhân và lao động ở những nơi Người đi qua, đã trực tiếp lăn lộn và trải nghiệm suốt mấy thập kỷ trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Bằng con đường lao động, vô sản hóa, Người làm đủ mọi nghề, đi qua nhiều miền đất khác nhau, tham gia các sinh hoạt của công nhân, thợ thuyền, ở ngay sào huyệt của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân, Người có điều kiện quan sát trực tiếp tình cảnh sống của những người lao động dưới ách áp bức bóc lột tàn bạo của tư bản ở chính quốc đối với các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc.

    ReplyDelete
  4. Thực tiễn này đã giúp Người nhận rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản và thực dân, cũng như hình thành ở Người tình hữu ái giai cấp đối với những người cùng khổ. Cũng chính thực tiễn này đã cung cấp cho Người những căn cứ để xác minh một sự thật mà Người đã từng hoài nghi về “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” do giai cấp tư sản đưa ra. Người muốn hiểu rõ đằng sau những lời đẹp đẽ trong châm ngôn tư sản ấy, thực chất của nó là cái gì?

    ReplyDelete
  5. Mười năm đầu trong cuộc đi tìm chân lý tại chính quê hương của chủ nghĩa tư bản đã đem lại cho Người những thu hoạch lớn, những kết luận chính trị quan trọng, tác động sâu sắc đến tư tưởng, quan điểm, đường lối của Người. Đó là, ở đâu đâu đế quốc tư bản thực dân cũng dã man, tàn bạo, cũng đầy rẫy những quan hệ phi nhân tính; ở đâu đâu những người lao động nghèo khổ, bần cùng cũng là bạn bè, anh em, đồng chí của nhau, họ phải được tập hợp lại, chủ động đấu tranh, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

    ReplyDelete
  6. Trong quá trình tìm đường cứu nước cứu dân và định hình đường lối chính trị giải phóng, giành độc lập dân tộc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ hoạt động ở châu Âu, ở các nước phương Tây tư bản chủ nghĩa, mà Người còn hoạt động ở phương Đông, châu Á, tìm hiểu thực tiễn các phong trào đấu tranh ở Trung Quốc và Thái Lan. Những cứ liệu từ thực tiễn đó giúp cho Người so sánh, phân tích, tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong các kết cấu kinh tế - xã hội, các mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ở những khu vực địa chính trị tiêu biểu, nơi diễn ra những phân hóa và mâu thuẫn giai cấp, dân tộc rất khác nhau giữa phương Tây và phương Đông, giữa các nước tư bản châu Âu với các nước châu Á đang còn tồn tại rất nhiều tàn tích phong kiến và đang là đối tượng khai thác, nô dịch của chủ nghĩa thực dân.

    ReplyDelete
  7. Bước ngoặt lớn trong sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh là khi Người giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản. Chỉ có cuộc cách mạng này mới giải phóng được giai cấp vô sản, giải phóng các dân tộc bị áp bức khỏi ách thống trị của đế quốc, thực dân, mới thực hiện được độc lập tự do, hoà bình và hạnh phúc cho các dân tộc. Sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt đó là vào năm 1920, tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tours, Người đã cùng với những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân Pháp tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước tiến bộ, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trở thành người chiến sĩ xã hội chủ nghĩa

    ReplyDelete
  8. Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến nghiên cứu, khảo sát trực tiếp tại nước Nga Xô Viết của Lê-nin, thấy rõ sự sinh thành chủ nghĩa xã hội, nhất là những cải cách kinh tế với chính sách kinh tế mới (NEP) do Lê-nin khởi xướng làm hồi sinh nước Nga. Người có điều kiện nghiên cứu sâu hơn chủ nghĩa Lê-nin cũng như ảnh hưởng rộng lớn của Cách mạng Tháng Mười, mở ra thời đại mới - quá độ tới chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Những tư tưởng đó đã được Người nghiền ngẫm sâu sắc, đã củng cố và khẳng định niềm tin của Người về cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, lực lượng lãnh đạo cuộc cách mạng đó chỉ có thể là giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản.

    ReplyDelete
  9. Từ 1911 đến 1920 là một thập kỷ Người tìm đường và đã thấy con đường sẽ đi. Từ 1920-1924 và sau đó từ 1925-1927, khi Người viết các tác phẩm lý luận, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, nhất là Đường Kách mệnh (1927), đó là một giai đoạn lịch sử đặc biệt, hình thành về cơ bản lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Người. Đó cũng là thời gian mà Người chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời chính đảng cách mạng kiểu mới ở Việt Nam. Tư tưởng và phương pháp cách mạng sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc được thể hiện tập trung, cô đọng trong các văn kiện đầu tiên thành lập Đảng, do chính Người trực tiếp soạn thảo: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng, tháng 2/1930.

    ReplyDelete
  10. Các mốc thời gian và sự kiện sau đó phản ánh những hoạt động vô cùng phong phú, kiên định, tích cực sáng tạo, nhưng cũng đầy thử thách đối với Người. Chính thực tiễn lịch sử cách mạng đã là sự thẩm định khách quan, công tâm nhất đối với giá trị, sức sống, ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây thực sự là điểm nổi bật về sức sáng tạo vượt trước của Hồ Chí Minh, về bản lĩnh Hồ Chí Minh.

    ReplyDelete
  11. Hồ Chí Minh đã nhận thức sáng tạo về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Nghiên cứu các tác phẩm kinh điển, Người nhận thấy một trong những ưu điểm đặc sắc nhất của lý luận Mác - Lê-nin là phép biện chứng. Đó là phép biện chứng của phát triển xã hội, là khoa học và cách mạng của sự phát triển, xóa bỏ trật tự xã hội cũ bất công, tàn bạo và hướng tới xây dựng trật tự xã hội mới, dân chủ, công bằng và nhân đạo, xứng đáng nhất với con người - đó là chủ nghĩa cộng sản.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi cách mạng Việt Nam đang trong tình trạng bế tắc về đường lối, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường cứu dân, cứu nước và trở thành người Cộng sản. Sau gần 10 năm lưu lạc tìm tòi, đặt chân lên nhiều châu lục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại. Người đã dành cả cuộc đời của mình để thực hiện lý tưởng và mục tiêu cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

      Delete
  12. Người cũng đặc biệt đề cao học thuyết cách mạng của Lê-nin, cả trí tuệ khoa học, tính triệt để cách mạng lẫn đạo đức và nhân cách của người sáng lập ra học thuyết Đảng kiểu mới, lãnh đạo thành công cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử, biến chủ nghĩa xã hội từ một học thuyết lý luận thành hiện thực xã hội mới, một chế độ xã hội mới. Người nhận rõ chủ nghĩa Mác - Lê-nin là biểu hiện và kết tinh tinh hoa trí tuệ và tư tưởng của thời đại, của văn hoá nhân loại. Song, Người cũng đặt ra một vấn đề hết sức nghiêm túc về nhận thức khoa học: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”

    ReplyDelete
  13. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết tất cả các giai cấp trong dân tộc để tạo ra sức mạnh giải phóng. Trong khi tin tưởng chắc chắn rằng, lý luận của chủ nghĩa Mác là đúng đắn không chỉ ở phương Tây mà còn ở phương Đông, Người còn có dự báo đầy mẫn cảm rằng, chủ nghĩa cộng sản dễ áp dụng và cách mạng cộng sản chủ nghĩa dễ thành công hơn chính trong thực tiễn phương Đông, châu Á và Việt Nam. Một trong những cơ sở luận chứng cho giả thuyết đó là sức đoàn kết dân tộc, truyền thống cộng đồng đã tỏ ra rất gần gũi với bản chất của chủ nghĩa cộng sản.

    ReplyDelete
  14. Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người đặc biệt chú trọng yêu cầu sáng tạo, không máy móc rập khuôn, muốn vậy phải hiểu rõ đặc điểm, hoàn cảnh và những điều kiện lịch sử cụ thể. Người căn dặn chúng ta phải chú ý học tập kinh nghiệm của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em, nhưng không được sao chép mà phải có tinh thần độc lập tự chủ. Người nói rõ, ta và Liên Xô rất khác nhau về trình độ phát triển, về lịch sử và văn hoá. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm khác với Liên Xô vẫn là người mácxít.

    ReplyDelete
  15. Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn, người thầy của cách mạng Việt Nam, đã tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin trên tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, đã xây dựng cơ sở lý luận và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc cách mạng thành công. Đóng góp của người cho cách mạng Việt Nam là vô cùng to lớn.

    ReplyDelete
  16. Số người viết sách, viết báo, cả báo viết, cả báo mạng, để cố tình xuyên tạc Hồ Chí Minh cho đến nay không ít. Họ xuyên tạc đủ điều, “bôi đen” Hồ Chí Minh từ đời riêng đến cả các mối quan hệ công tác và cố ý khái quát cả các những hiện tượng nhất thời, không đúng với bản chất của sự việc.

    ReplyDelete
  17. Có khi họ cố tình đem Hồ Chí Minh đối lập với dân tộc Việt Nam. Có khi họ cho rằng, Hồ Chí Minh là đồ đệ của Quốc tế Cộng sản, của V.I.Lênin, của J.Xtalin nhưng núp dưới bóng của chủ nghĩa dân tộc. Họ lý giải hiện tượng lòng dân và ý dân Việt Nam yêu kính Hồ Chí Minh là do sùng bái cá nhân, v.v.

    ReplyDelete
  18. Một số người ở trong nước và nước ngoài không có tâm lành, không có đức dày cố tình gây nhiễu, xuyên tạc về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Tôi lấy thí dụ về một vài vấn đề sau đây để làm rõ điều này. Đó là việc Hồ Chí Minh có vợ có con hay không là câu chuyện bị gây nhiễu, bị xuyên tạc nhiều nhất.

    ReplyDelete
  19. Việc khẳng định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cũng đã đ­ược ghi nhận trong hai văn kiện nữa rất quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. do đó chúng muốn hạ bệ hình tượng Hồ Chí Minh

    ReplyDelete
  20. Trong nhiều “kênh” chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, muốn đưa Việt Nam đi theo con đường khác, không phải là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, các thế lực thù địch của cách mạng Việt Nam đã nhằm vào hai “kênh” chính yếu nhất: chống Đảng Cộng sản Việt Nam và chống Hồ Chí Minh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. “Kênh” thứ hai là chống vào nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam và đánh vào giá trị tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc, hay nói như nhiều người đã nói là “hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Hồ Chí Minh, đã trở thành giá trị văn hóa có tính bền vững của cả dân tộc Việt Nam

      Delete
  21. Làm sụp đổ thần tượng này, tức là làm đánh mất giá trị văn hóa và làm cho Việt Nam đi theo một con đường khác. Giá trị tinh thần Hồ Chí Minh với Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự phát triển của dân tộc trên con đường xã hội chủ nghĩa là một. Đánh vào Hồ Chí Minh cũng tức là đánh vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

    ReplyDelete
  22. Chĩa mũi dùi vào Hồ Chí Minh, hạ bệ “thần tượng” Hồ Chí Minh cũng là một biện pháp mà các thế lực xấu, thế lực phản động thường làm. Chính vì vậy, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin 4.0 hiện nay, những bài, những sách viết xuyên tạc về Hồ Chí Minh quá nhiều

    ReplyDelete
  23. bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, là những cuộc chiến đấu gian khổ, quyết liệt để bảo vệ sự phát triển của dân tộc, tức là bảo vệ và khẳng định, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa mà Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn và Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định lại ngay từ ngày đầu thành lập đầu năm 1930.

    ReplyDelete
  24. Mỗi năm, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, đất nước ta đều đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Phát triển hay là chết. Đó là khẩu hiệu của cả dân tộc Việt Nam. Những phần tử xấu không muốn cho dân tộc ta phát triển trên con đường của chủ nghĩa xã hội. Muốn phát triển nhanh và bền vững, phải dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, do đó, trở thành sự bảo vệ những nhân tố chủ đạo của sự phát triển.

    ReplyDelete