Tuesday, August 8, 2017

Chuyện một ‘sư oan’ ở Tiền Giang

Lê Anh Hùng | Việt Nam Thời Báo 



Việc nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo là thực tế mà giờ đây không còn khiến mấy ai phải ngạc nhiên. Dù vậy, mức độ thâm hiểm của họ trong từng vụ việc cụ thể thì vẫn khiến không ít người phải bất ngờ. Câu chuyện về thầy Thích Đức Minh, trụ trì chùa Thiền Lâm ở Tiền Giang, mà chúng tôi trình bày dưới đây là một ví dụ như thế.
Chùa Thiền Lâm toạ lạc tại số 292 tỉnh lộ 868, Phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Trước khi viên tịch ngày 6/8/2007, thầy/cha của tu sỹ Thích Đức Minh là tu sỹ Lê Văn Giang đã làm di chúc giao cho người con trai kế nhiệm cai quản chùa. Đây là lối tu hành theo kiểu cổ truyền Phật giáo vốn phổ biến ở Miền Tây Nam Bộ.
Trước năm 1975, chùa Thiền Lâm là thành viên của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền, một trong nhiều tổ chức giáo hội Phật giáo ở Miền Nam thời bấy giờ. Từ năm 1981, chùa trở thành thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức chịu sự can thiệp sâu sắc của chính quyền.

Không như các ngôi chùa ở địa phương vốn chịu sự quản lý chặt chẽ của Ban Tôn giáo và Mặt trận Tổ quốc, mặc dù trước đây chính quyền và Giáo hội đã nhiều lần vận động, song tu sỹ Lê Văn Giang vẫn kiên quyết không hiến ngôi chùa của mình cho Giáo hội Phật giáo địa phương. Mục đích của nhà cầm quyền và Giáo hội Phật giáo Việt Nam là muốn kiểm soát hoàn toàn các ngôi chùa và tư tưởng của các nhà sư. Khi giáo hội toàn quyền sở hữu các ngôi chùa, họ có thể cách chức bất kỳ sư trụ trì nào mà họ thấy “chướng tai gai mắt” hoặc đơn giản là không vừa ý họ, hòng ép buộc tất cả các nhà sư phải tòng phục và chịu sự tấn phong, bổ nhiệm theo ý muốn của nhà cầm quyền.
Được kế thừa một di sản tinh thần và vật chất vốn là tâm huyết và mồ hôi xương máu của cha ông, của bổn đạo, bổn hội và bá tánh xa gần, đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình trước cộng đồng phật tử cũng như hiểu được ý đồ của chính quyền và giáo hội, tu sỹ Lê Văn Giang đã không chấp nhận yêu sách của họ. Vì thế, mặc dù đã thoả mãn đầy đủ các tiêu chí để trở thành hoà thượng và hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức tấn phong giáo phẩm Hoà thượng, nhưng tu sỹ Lê Văn Giang vẫn không nhận được vinh dự ấy khi còn sống (họ chỉ gọi ông là Hoà thượng sau khi ông đã tạ thế).
Năm 1998, tu sỹ Lê Văn Giang làm thủ tục kê khai toàn bộ khu đất chùa Thiền Lâm và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 4.895m2. Trước khi qua đời, ông đã chia đất cho 3 người con của mình, trong đó có tu sỹ Lê Văn Liêm Em (pháp danh Thích Đức Minh). Tuy nhiên, khi ông làm đơn xin tách và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho phạm vi ngôi chùa là 2.162m2 (sau khi trừ đi 3 phần cấp cho 3 người con) thì bị chính quyền địa phương phớt lờ, không xem xét giải quyết.
Mọi chuyện không dừng lại ở đó. Sau khi tu sỹ Lê Văn Giang viên tịch, chùa Thiền Lâm và sư trụ trì lại càng bị chính quyền và giáo hội Phật giáo địa phương o ép. Tu sỹ Thích Đức Minh cũng đã làm đơn đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Thiền Lâm nhưng chính quyền vẫn tiếp tục phớt lờ theo di chúc thừa kế, mà muốn cả 5 người con (2 người được thừa kế đất nông nghiệp và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) phải ra Toà án Nhân dân Cai Lậy để phân xử quyền thừa kế theo kiểu tranh chấp thừa kế.

Sư thầy Thích Đức Minh và tác giả
Thậm chí, ngày 15/11/2007, Ban Đại diện Phật giáo huyện Cai Lậy (nay là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thị xã Cai Lậy) còn làm tờ trình và kiến nghị gửi UBND, Ban Tôn giáo và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy, đề nghị Giáo hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang ra quyết định đưa thầy Thích Đức Minh ra khỏi tăng đoàn Ban Đại diện Phật giáo Cai Lậy. Thầy Đức Minh không hề hay biết gì về vụ việc và Giáo hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang cũng không ra quyết định hay thông báo nào. (Ban Trị sự Phật giáo Cai Lậy gửi văn bản này cho Công an Cai Lậy, và sau khi luật sư của ông vào Toà án Nhân dân Cai Lậy xin được một bản photo, ông mới biết là mình bị đưa ra khỏi tăng đoàn.)
Thất bại trong âm mưu kiểm soát chùa Thiền Lâm, chính quyền địa phương và Giáo hội Phật giáo Cai Lậy bèn kích động các thành viên trong gia đình thầy tranh chấp quyền thừa kế ngôi chùa, bất chấp thực tế chính thầy/cha của ông đã chỉ định ông, người xuất gia duy nhất trong gia đình, là “người kế thế nối ngôi để lo cho ngôi tam bảo Thiền Lâm”. Ngoài ra, họ còn gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thành viên gia đình ông, cụ thể là các hộ dân Lê Thu Thuỷ và Lê Bích Vân, đồng thời không cho xây dựng cơ sở kinh doanh.
Gần đây, có những hộ dân xâm phạm phần đất của chùa, quấy rối nhà chùa, khủng bố tinh thần sư trụ trì, đổ xương súc vật, nuôi chó thả rông, xâm phạm nơi tôn nghiêm, đậu xe cộ đủ loại trên vỉa hè, xả rác ngay phía trước cổng vào chùa, gây rất nhiều khó khăn, phiền não cho nhà sư trụ trì cùng phật tử và các đoàn khách muốn vào tham quan, cúng dường. Việc quấy rối này có rất nhiều người xung quanh chùa chứng kiến và có clip làm bằng chứng.

Gian ngoài ngôi chùa trống huơ, trống hoác vì không được phép xây dựng, sửa chữa.
Ảnh: Lê Anh Hùng
Đặc biệt, mặc dù hiện nay ngôi chùa đã bị dột nát, hư đổ nhiều chỗ, nhiều nơi nhưng thầy Thích Đức Minh vẫn không được phép xây mới hay sửa chữa, bởi họ không cấp phép cho ông, với lý do ngôi chùa chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (theo kiểu phải hiến đất, hiến chùa và tài sản nhà chùa cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam để Giáo hội Phật giáo Cai Lậy tấn phong sư trụ trì theo ý họ). Trong khi đó, với một ngôi chùa có tuổi đời trên 100 năm, lẽ ra Giáo hội Phật giáo cùng giới chức hữu trách địa phương phải xuống tận nơi tìm hiểu, cấp phép sửa chữa, thậm chí phải đối thoại với sư trụ trì, bởi ông mới là người duy nhất quản lý ngôi chùa.
Cựu Phó Thủ tướng cộng sản Đoàn Duy Thành từng thốt lên đầy chua chát: “Làm người là khó”. Dưới chế độ XHCN “dân chủ gấp triệu lần tư bản”, làm kẻ xuất gia truyền bá đạo lý cho đời như sư thầy Thích Đức Minh xem ra còn khó hơn bội phần.

No comments:

Post a Comment