Monday, August 21, 2017

BOT Cai Lậy, ‘hoạ sỹ’ Hoàng Trung Hải và bức tranh giao thông VN

Lê Anh Hùng| VOA| 21.8.2017 


Từ dự án BOT đường tránh Cai Lậy…
Mấy hôm nay, dư luận Việt Nam đặc biệt xôn xao trước một sự kiện hy hữu mà giới truyền thông ví von là “Cai Lậy thất thủ”.
Để phản đối việc chủ đầu tư thu phí giao thông bất hợp lý trong dự án BOT “Đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 qua đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000” tại Tiền Giang, các tài xế đã sử dụng chiêu thức dùng những tờ tiền mệnh giá thấp để mua vé. Việc kiểm đếm tiền lẻ mất nhiều thời gian khiến giao thông bị ùn tắc kéo dài trên quốc lộ 1A. Kết quả là chỉ sau 15 ngày đi vào hoạt động, trạm thu phí BOT Cai Lậy đã phải 5 lần xả trạm do tình trạng ùn tắc kéo dài. Cuối cùng, rạng sáng ngày 15/8, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH BOT Cai Lậy đã phải rút toàn bộ nhân viên khỏi trạm thu phí.
Hai lý do khiến giới tài xế phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy là mức phí cao khác thường và đặc biệt là nó được đặt ngay trên quốc lộ 1, khiến những phương tiện không đi vào đường tránh cũng buộc phải trả phí. (Nhà chức trách và chủ đầu tư thì biện minh cho việc đặt trạm thu phí tại vị trí hiện nay là do trong dự án có hợp phần “tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000”.)
Ngày 16/8, Bộ GTVT đã họp với Công ty TNHH BOT Cai Lậy và UBND tỉnh Tiền Giang. Ba bên đã đi đến thống nhất giảm giá vé cho ô tô qua trạm từ loại 1 đến loại 5 cũng như miễn giảm cho một số đối tượng thuộc 4 xã lân cận. Mặc dù giá vé đã giảm nhưng thời hạn thu phí lại tăng lên và đặc biệt là lãnh đạo Bộ GTVT vẫn nhất quyết không thay đổi vị trí đặt trạm, nên vấn đề xem như vẫn chưa được giải quyết. Người dân, nhất là những tài xế thường xuyên đi qua trạm thu phí, lại tiếp tục kêu gọi nhau chuẩn bị khối lượng lớn tiền lẻ mệnh giá thấp để thanh toán khi qua trạm. Những bất ổn tại trạm thu phí BOT này xem ra sẽ còn kéo dài.
…đến các dự án BOT giao thông trên toàn quốc
Những tai tiếng của dự án BOT đường tránh Cai Lậy hoàn toàn không phải là một hiện tượng cá biệt. Ngược lại, đây là một dự án tiêu biểu cho những khuất tất đằng sau các dự án BOT giao thông tại Việt Nam nói chung.
Bài “BOT dày đặc, kinh tế không tụt hậu mới lạ” trên trang Một Thế Giới ngày 20/8/2017 cho biết, cả nước hiện có 88 trạm thu phí BOT, riêng trên quốc lộ 1A có 37 trạm, trung bình 62km/trạm, trong khi quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trạm là 70km. 
Các dự án này cùng chia sẻ những đặc điểm sau:
1)     Không phải là những tuyến đường mới. Hầu hết các dự án BOT giao thông đều là những dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường cũ. Vì thế, người dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải đi vào các tuyến đường mà trước kia họ vẫn thường đi và phải trả phí thay vì miễn phí như trước. Điều này đã đi ngược lại nguyên tắc của dự án BOT – đó là quyền lựa chọn sử dụng hay không sử dụng của người dân. 
2)     Không qua đấu thầu công khai. Mặc dù các dự án BOT là dự án công nhưng theo kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ, trong 78 dự án BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) và BT (Xây dựng – Chuyển giao) từ trước tới nay (từ năm 2011 đến nay là 58 dự án BOT và 4 dự án BT) thì Bộ GTVT không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu; 100% đều là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án.
3)     Thời hạn thu phí tuỳ tiện, vượt quá thời gian hoàn vốn. Trong 27 dự án BOT giao thông giai đoạn 2011-2016 được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán thì có đến 26 dự án phải điều chỉnh giảm thời gian thu phí hoàn vốn (từ 10 tháng đến 13 năm).
4)     Trạm thu phí đặt sai vị trí (quá gần nhau, hoặc theo kiểu “giăng lưới lùa xe”) và mức phí quá cao.
5)     Tình trạng “tự tung tự tác” của các nhà đầu tư. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành đã dùng từ “tự tung tự tác” để mô tả hoạt động của các nhà đầu tư BOT, và đồng tình với nhiều ý kiến về vai trò rất mờ nhạt của công tác quản lý nhà nước (gần như đứng ngoài phương án tài chính của các dự án, nhà đầu tư tự chọn thiết kế, tự thi công và tự khai doanh thu).
6)     Thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt và chỉ đạo dự án) của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT.

Tất cả các dự án BOT giao thông đều thuộc thẩm quyền chỉ đạo, phê duyệt
của PTT Hoàng Trung Hải. Ảnh: Cổng TTĐTCP
…và bức tranh giao thông Việt Nam
Không chỉ là người chịu trách nhiệm cao nhất về các dự án BOT giao thông, mà với tư cách Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành, trong đó có ngành giao thông, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT, ông Hoàng Trung Hải còn là “thợ vẽ” để lại dấu ấn đậm nét nhất trên bức tranh giao thông Việt Nam giai đoạn 2007-2016. Và dưới đây là những gam màu chủ đạo trên bức tranh nham nhở đó.
Chất lượng kém. Tình trạng công trình giao thông nhanh xuống cấp đã trở thành một hiện tượng phổ biến, và điều này đã gây ra nhiều phản ứng tiêu cực trong công chúng; các dự án giao thông trở thành những cỗ máy ngốn ngân sách, gây lãng phí thời gian sửa chữa khắc phục.
Chi phí cao nhất thế giới. Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhận xét: “Một con đường đẹp như mơ của Dubai với 12 làn xe có chi phí xây đường là 4 triệu USD/km, dùng trong 50 năm. Còn ở Việt Nam, chi phí xây đường trung bình là hơn 20 triệu USD/km, dùng trong 2 năm, thử hỏi làm sao phát triển được.”
Quy hoạch tệ hại. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xẩy ra ở hai trung tâm đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và Sài Gòn đủ cho thấy chất lượng của công tác quy hoạch giao thông dưới thời PTT Hoàng Trung Hải.
Đặc biệt, trong khi nhà cầm quyền Bắc Kinh cấm làm đường gần biên giới thì Việt Nam lại mở toang cửa ngõ biên giới với Trung Quốc: các hướng tiến quân chính của Trung Quốc trong cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 (Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu) đều đã hoặc sắp có đường cao tốc nối từ biên giới Việt -Trung về Hà Nội. Những năm qua, điều này đã góp phần quan trọng giúp Trung Quốc giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc xâm lăng kinh tế Việt Nam.
Và trong khi hạ tầng giao thông các tỉnh thành từ Hà Nội lên biên giới phía bắc nhận được sự ưu ái đặc biệt, phát triển nhanh chóng thì hạ tầng giao thông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại rất tệ hại và chậm phát triển, một nguyên nhân quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, kìm hãm sự phát triển kinh tế của khu vực Tây Nam Bộ.
Chưa hết, trong 9 năm nắm giữ vị trí quan trọng thứ hai trong chính phủ (chỉ sau Thủ tướng), ông Hoàng Trung Hải cũng đã góp phần quyết định vào “thành tích” băm nát quy hoạch Hà Nội, hay “dâng” 90% dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia cho Trung Quốc, v.v.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Nhờ những “thành tích” nêu trên hay vì lý do gì khác mà ngài cựu Phó Thủ tướng đã đường hoàng bước vào Bộ Chính rồi thống lĩnh bộ máy đảng - chính quyền - quân đội của một Hà Nội “ngàn năm văn hiến” từ Đại hội XII?
Và sau sự kiện “Cai Lậy thất thủ” khiến hàng loạt ung nhọt của ngành giao thông bị phơi bày, liệu ông ta có bị hề hấn gì không hay vẫn tiếp tục “bình chân như vại” như trong vụ đại thảm hoạ môi trường mang tên “Formosa Hà Tĩnh” mà ông ta là chính danh thủ phạm?
Trong bối cảnh TBT Nguyễn Phú Trọng đang hớn hở “nhóm lò” hiện nay, nếu ông ta lại một lần nữa “thoát hiểm” thì có lẽ ai cũng phải thốt lên: “Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo!”[i]
____________
Ghi chú:
[i] Vừa rồi đã xuất hiện một số bài báo “chạy tội” cho ngài cựu PTT. Họ cho rằng, lỗi ở đây là do lãnh đạo Bộ GTVT làm sai ý kiến chỉ đạo, bởi trong Công văn số 1908/TTg-KTN ngày 11/11/2013, PTT Hoàng Trung Hải chỉ đồng ý chủ trương xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, chứ không đề cập đến hợp phần tăng cường mặt đường QL1.
Tuy nhiên trên thực tế, ngày 4/12/2013 Tổng cục Đường bộ đã có tờ trình số 95 về việc trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường trên QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT (việc bổ sung hợp phần cho dự án dựa trên ý kiến đồng thuận của các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang ngày 4/11/2013). Trong khi đó, công văn số 97/TTg-KTN (v/v chỉ định nhà thầu thực hiện dự án) lại được PTT Hoàng Trung Hải ký ngày 15/1/2014, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT tại công văn số 13450/BGTVT-ĐTCT ngày 10/12/2013).
Quan trọng hơn, trong quản lý có một nguyên tắc: “Quản lý mà không kiểm tra thì coi như không quản lý.” Vì thế, nếu cho rằng cấp dưới làm sai chỉ đạo thì hoặc là ông Hoàng Trung Hải đã vô trách nhiệm (ký xong rồi là “sống chết mặc bay”) hoặc ông ta đã đồng loã với họ (biết mà không xử lý).

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Nguồn: VOA

Wednesday, August 16, 2017

Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của một cựu phiên dịch thân cận – Phần II

Lê Anh Hùng | VOA| 16.8.2017 



Đại tá Đoàn Sự. Ảnh Lê Anh Hùng
Ngày 15/8/2017, VOA đã đăng bài “Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của một cựu phiên dịch thân cận”, ghi lại cuộc trò chuyện giữa tác giả với Đại tá Đoàn Sự, người từng làm phiên dịch cho ông Hồ Chí Minh. Đây là phần tiếp theo của câu chuyện, đặc biệt là nhằm trả lời câu hỏi mà nhiều người quan tâm: “Hồ Chí Minh có phải là Hồ Tập Chương không?”[i]
“[…] Thứ hai, Cụ sống rất là keo kiệt. Nói thật là thế. Cho nên gần Cụ thì vinh dự nhưng mà sợ lắm. Ăn uống, sinh hoạt rất là khổ. Không có được cái gì tự do cả. Bác bảo, ‘Cái hoàn cảnh tôi ngày xưa… thực ra con quan thật đấy, nhưng mà nghèo lắm, đói lắm… Các chú biết không, Nghệ Tĩnh có câu “dân cá gỗ mà”...”
“Bác hỏi thì mình trao đổi, mình nói nhưng mình không dám nói hết. Thực ra, tôi thấy Bác có mấy chỗ này. Thứ nhất, Bác rất máy móc trong việc thiểu số phục tùng đa số. Cho nên trong Cải cách Ruộng đất, trong Nghị quyết 9, trong tất cả các thứ, Bác không đồng ý, nhưng mà khi mình là thiểu số thì Bác vẫn thuận theo. Nhưng mà sau này thấy sai rồi, đáng lẽ Bác phải can đảm, dùng cái uy lực của mình để chặn cái chuyện đó lại thì lúc ấy Bác lại không làm. Bác coi như một cuộc thí điểm, mà thí điểm tai hại không biết chừng nào. Thứ hai, thực ra mà nói, cả cuộc đời mình, ông cụ đi từ lòng yêu nước thôi, sang đến bên kia Cụ mới giác ngộ giai cấp, Cụ vào Đảng Xã hội, sau đó Cụ mới vào cái đảng của Lenin, trong đó có vấn đề đấu tranh cho thuộc địa mà… Trong vụ khủng bố Bukharin - Zinoviev [tức Vụ án Moskva], Cụ đã thấy rằng ở Nga có vấn đề. Cụ đã có suy nghĩ rồi. Cho nên tư tưởng của Cụ, tuy rằng theo Marx-Lenin nhưng ngả dần về phía Tôn Dật Tiên, về chủ nghĩa tam dân…”
“Vừa rồi tôi sang địa chỉ của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tôi giở những tài liệu giảng dạy ra. Trong đó có 3 người dạy. Người thứ nhất là ông Lưu Thiếu Kỳ, lúc bấy giờ là Chủ tịch Công hội Trung Quốc. Ông đến giảng về phong trào công đoàn. Người thứ hai là ông Bành Bái, lãnh tụ phong trào nông dân. Ông giảng về phong trào nông dân của Trung Quốc. Còn ông cụ, tất cả bài giảng của ông cụ là con đường cách mạng, trong đó phảng phất chủ nghĩa tam dân. Tuy rằng cũng có lồng chủ nghĩa Marx-Lenin đấy, nhưng mà nó có hơi hướng của chủ nghĩa tam dân. Bây giờ còn lại bút tích như thế. Thế cho nên mình mới thấy là ông cụ cũng có cái khác, củng cố nhận thức của tôi, là Cụ theo chủ nghĩa Marx-Lenin, Cụ dùng Marx-Lenin làm phương tiện, nhưng còn mục đích thì Cụ không nói.”
“Cho nên vừa rồi ông Trương Minh Tuấn có viết cái bài về việc Bác Hồ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa [bài “Kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo ra phát triển ngoạn mục cho đất nước” của Bộ trưởng TT-TT] thì tôi bảo là không phải đâu. Câu ấy là người ta ghép cho Cụ Hồ thôi, chứ trong Di chúc, Cụ có nói gì về chuyện ấy đâu. Cụ có nói gì đến chuyện xây dựng CNXH đâu. Chính Cụ lại do dự chuyện ấy. Cho nên vừa rồi ông [GS] Chu Hảo và cả ông [GS Nguyễn Khắc] Mai nữa đã nói rằng, đến giai đoạn giải phóng dân tộc là Cụ bắt đầu bế tắc…”
“Có những trường hợp Cụ biết, như vụ Xét lại này này. Cụ biết chứ sao không biết, là vì xử trí ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký của Cụ; xử trí ông Võ Nguyên Giáp là tay chân của Cụ, v.v. Cụ biết cả. Nhưng lúc bấy giờ Cụ bị sức ép. Sức ép thứ nhất là do đã phải dựa vào Trung Quốc, cho nên nó chỉ đạo, nó ép Cụ. Sức ép thứ hai là bộ phận tả khuynh của ta đã tranh thủ điều đó để nắm lấy quyền lực. Cụ thấy như thế cho nên trong những trường hợp đó, với vị trí của Cụ, Cụ cũng gần như là để thí điểm xem nó thế nào. Trong vụ Nhân văn Giai phẩm cũng thế. Cụ để cho ông Tố Hữu và ông Nguyễn Chí Thanh làm, chứ Cụ có dính gì đâu. Nhưng mà cái dở nhất của Cụ là thế này, sau khi biết làm có kết quả sai rồi thì phải mạnh dạn nhận ra mà trấn chỉnh cái đó lại thì Cụ lại không dám làm. Và Cụ bị ảnh hưởng [bởi] cái đó rất mạnh…”
“Khi ra Nghị quyết 9, chuyển sang đấu tranh vũ trang chính thức ở Miền Nam thì Cụ không tán thành. Và lúc bấy giờ Trung Quốc khuyên thế này: Đánh nhau thì đánh, có lực lượng thì chuẩn bị, cứ dần dần mà làm, nhưng mà không nên làm quy mô lớn. Vì nếu làm quy mô lớn lên thì Mỹ sẽ nhảy vào đấy. Kinh nghiệm Triều Tiên mà. Cho nên Cụ cho rằng vẫn tổ chức đấu tranh ở Miền Nam, vẫn thế này thế khác, nhưng mà gây dựng dần dần về ý thức, như vết dầu loang thôi, chứ chưa phải đánh nhau lớn được. Nhưng mà các cụ nhà ta lại hăng hái quá, cứ kiên quyết phải đánh, rồi thì là lập Đường 559... Cụ không tán thành.”
“Hôm bỏ phiếu Cụ bỏ ra ngoài, không tham gia bỏ phiếu. Ông Võ Nguyên Giáp, Ung Văn Khiêm, v.v. không tán thành, cho nên bị kỷ luật cả nút đấy. Nhưng mà đa số, ông Duẩn, ông Thọ, ông Trường Chinh… thì lại theo quan điểm này rồi. Thế thì khi xẩy ra, Cụ rất đau lòng. Lúc bấy giờ ông [Võ Nguyên] Giáp giao cho ông [Lê Trọng] Nghĩa và ông Đỗ Đức Kiên [Cục trưởng Cục Tác chiến] chuẩn bị một cuộc chiến đấu có quy mô lớn, chứ chưa phải cuộc tổng phản công – một cuộc chiến đấu về vấn đề chiến lược, đánh mạnh để tạo áp lực, chứ chưa phải tổng phản công, vì điều kiện chưa đầy đủ. Thế nhưng các cụ nhà ta lại nghe các báo cáo ở Miền Nam ra – bây giờ khắp nơi tốt lắm rồi, bây giờ nổi lên một cái là nó lật nhào ngay… Nhân thể đó đả luôn ông Giáp, bắt một loạt tay chân của ông Giáp, từ Cục trưởng Tác chiến, Chánh Văn phòng, Cục trưởng Tình báo… kể cả ông Nguyễn Văn Vịnh, Trung tướng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất. Và cô lập Cụ, không cho Cụ tham gia gì cả, cứ lấy lý do là Cụ ốm đau mà, rồi tống Cụ đi.”
“Chính sai lầm đó mà sau này một bà nhà văn Pháp đã viết một cuốn sách mà ta có dịch ra nhưng cắt phần đó đi. Bà nói, chính sai lầm Mậu Thân đã dẫn đến cái chết của ông Hồ Chí Minh. Chứ với điều kiện ấy, ông Hồ Chí Minh [lẽ ra] chưa chết đâu. Nhưng vì ông bị thất bại quá nhiều, trong việc thí điểm, nào là vụ Nhân văn, v.v. rồi dồn đến cái cuối cùng là không thực hiện được ý đồ, mà bị các ông kia lấn át, cho nên ông suy nghĩ, suy sụp và dẫn đến cái chết của ông.”
“Ngay từ hôm chuẩn bị Tết Mậu Thân, ông cụ đi máy bay từ Bắc Kinh về Hà Nội, xuống đến sân bay thì sân bay xẩy ra sự cố [ông Vũ Kỳ từng kể về sự cố bí hiểm có thể dẫn đến tai nạn này – đèn chỉ huy trên sân bay bị chệch 15 độ – trong bài “Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy” trên Văn Nghệ số Tết Mậu Dần 1998]. Lúc đó ra đón chỉ có ông Duẩn, ông Đồng, ông Thọ thôi…”
“Đến Tết, theo quyết định của Bộ Chính trị, Cụ lại đi [Trung Quốc] nghỉ. Cụ đi nghỉ mà có mang gì đâu, mỗi một ông Vũ Kỳ thôi. Hệ thống điện đài, hệ thống thông báo cho Cụ đều bị cắt hết. Cho nên Cụ có biết gì đâu. Vì vậy Cụ rất khổ tâm trong chuyện này. Cho nên ở trong Cụ Hồ nếu nhìn cho kỹ thì nó có cái bi kịch, bi kịch cuộc đời, không đơn giản đâu. Nhưng bây giờ tôi rất phản đối có những người với ý đồ xấu [với Cụ], hết chuyện này chuyện nọ…”
“Cậu đã có cuốn ‘Hồ Chí Minh sinh bình khảo’ chưa? Tôi sẽ cho cậu một cuốn… Là vì thế này, khi tôi sang  Quảng Châu [thăm trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội], tôi vào cái buồng mật thì [ở đó] có cả cuốn này. Người ta [những người phụ trách di tích] hỏi tôi, ‘Cụ thấy cuốn này thế nào?’ Tôi hỏi lại, ‘Các vị thấy thế nào?’ Họ bảo, ‘Làm gì có cái chuyện này. Đây là họ phịa ra thôi, nhưng mà chúng tôi lưu lại đây để tham khảo.’”
“Trên gác hai di tích trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội có một buồng rất to, ảnh rất nhiều. Lúc mình đến, đầu tiên họ không cho vào. Mình mới trình bày thì họ hẹn: ‘10h ngày mai mời Cụ đến’. 10h hôm sau mình đi ô tô đến thì mình thấy họ đã sắp xếp lại. Những ảnh nào có những người thân thiết với Cụ Hồ nhà mình thì họ để, nào là Mao, Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ… còn những người nào mà mình không khoái (như Đặng Tiểu Bình) thì họ cất đi. Nhưng họ lại để nhiều hình ảnh của ông Hoàng Văn Hoan, khi sang Trung Quốc thế nào. Khi xem thì tôi chỉ xem qua, vì tôi biết rồi. Bà phụ trách (ở đó chỉ 2-3 người thôi) nói: ‘Ở đây còn một buồng mật, chúng tôi chỉ mở cho một số cán bộ nghiên cứu, cần biết thì xem thôi. Ông có muốn xem không?’ ‘Ồ, thế thì hay quá!’ ‘Nhưng chỉ ông xem thôi nhé. Những người đi với ông không vào được đâu nhé.’ Thế là họ mở, buồng nhỏ thôi. Trong đó có cả ‘Hồ Chí Minh sinh bình khảo’, có cả những tài liệu của Hoàng Văn Hoan và những tài liệu khác… Mình xem qua một lượt xong thì họ hỏi mình, mình bảo: ‘Tôi thì tôi nói thật tôi tuy không lâu nhưng cũng đã tiếp xúc với Cụ Hồ. Và ngay từ thời kỳ đó tôi thấy là không thể đóng giả Cụ Hồ được. Đóng giả Cụ Hồ thế nào được. Sau này [gặp] bà Tống Khánh Linh, bà… v.v. rồi về phụ trách lớp học cán bộ cao cấp của ta ở trường đảng thì những Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong… đều biết Cụ Hồ chứ sao không biết. Chuyện đó không giả được, mà chỉ là phịa thôi…”
“Hiện nay tôi có 2-3 bản [Hồ Chí Minh sinh bình khảo] gì đấy. Nếu cậu thích thì lấy về tham khảo thôi. Chứ còn tất cả tài liệu đó, nó viết nó phịa lắm, mà nó có những cái vô lý lắm. Vừa rồi ông Hà Tuấn Trung [nguyên Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, TBT Tạp chí Kiểm tra] đã vạch ra cái sai trái của chuyện này rồi. Nhưng ông mới chỉ vạch sơ sơ thôi...”
“Đứng về chữ nghĩa mà nói, Cụ Hồ chỉ có 4 thứ tiếng giỏi thôi… Còn những thứ tiếng khác nói thế thôi chứ không giỏi đâu… Cụ giỏi Tiếng Pháp nhất. Sau rồi đến Tiếng Trung… là vì ở nhà Cụ đã học tam thư ngũ kinh Tiếng Hán rồi. Sau này sang Nga, Cụ lại học ba khoá Tiếng Nga… nên Tiếng Nga của Cụ rất khá… Từ Tiếng Pháp cụ lần ra Tiếng Anh, nhưng Tiếng Anh của Cụ thì vừa phải thôi…”
“Khi nó viết cái cuốn ấy [‘Hồ Chí Minh sinh bình khảo’] là nó có ý đồ xấu rồi. Cho nên nó lợi dụng tất cả các khía cạnh. Ngay trong cuốn ấy cũng có những chi tiết mâu thuẫn nhau cơ mà…”
Tác giả [Lê Anh Hùng] nói với Đại tá Đoàn Sự (về cuốn “Hồ Chí Minh sinh bình khảo”): “Đây là âm mưu của cả Trung Quốc lẫn ban lãnh đạo Việt Nam. Trung Quốc thì rõ ràng rồi. Lãnh đạo Việt Nam thì muốn trên không gian mạng, công chúng cứ cãi nhau về một chuyện vớ vẩn, vô bổ, một chuyện không có thật, làm mất thời gian và gây chia rẽ. Riêng chuyện này đã gây chia rẽ rồi. Đó là thứ nhất. Thứ hai, họ có ý đồ là muốn dân chúng hiểu rằng ‘Ừ, bây giờ Việt Nam đang lệ thuộc Trung Quốc đấy, nhưng chúng tôi đang phải giải quyết hậu quả của cái ông Hồ Tập Chương kia để lại.’ Lý do thứ ba là họ muốn tạo điều kiện, dọn đường về dư luận cho Hoàng Trung Hải lên nữa.”
*Xem toàn bộ cuộc trò chuyện giữa Đại tá Đoàn Sự và nhà báo Lê Anh Hùng trên Youtube tại địa chỉ: https://youtu.be/2B4j2xGoAss.
_____________
Ghi chú:
[i] Lưu ý, đây là góc nhìn của một người từng làm phiên dịch cho Hồ Chí Minh, từng có thời gian sống bên cạnh ông. Về phần mình, tôi đã có hai bài viết về nhân vật này: (i) “Cái giá của tự do là sự cảnh giác thường trực”, và (ii) “Các ông trùm gây tội ác với đồng loại như thế nào?

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA

Tuesday, August 15, 2017

Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của một cựu phiên dịch thân cận

Lê Anh Hùng | VOA| 15.8.2017 



Đại tá Đoàn Sự
Hồ Chí Minh là một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giã từ trần thế, song hình ảnh của ông vẫn phủ bóng lên gần như mọi sinh hoạt chính trị quan trọng trên dải đất hình chữ S, đồng thời in đậm trong tâm trí hàng triệu người dân Việt. Chừng đó đủ cho thấy việc mô tả chân dung nhân vật lịch sử này nhạy cảm và dễ đụng chạm đến thế nào.
Tuy nhiên, khi thời gian càng lùi xa thì người ta càng có cơ hội để hình dung ra bức tranh nhân cách đầy đủ của ông từ những góc nhìn đa chiều. Dưới đây là hình ảnh cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh dưới con mắt một người từng là phiên dịch thân cận, qua cuộc trao đổi của tác giả với ông vào ngày 31/7 vừa qua.[i]

Đại tá Đoàn Sự nguyên là phiên dịch Tiếng Trung trong đại bản doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ. Năm 1955, khi đang dạy Tiếng Trung cho Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó Tổng tham mưu trưởng, ông được điều sang Trung Quốc để làm phiên dịch cho một nhóm cán bộ quân đội cao cấp đang học tại một trường quân sự ở Nam Kinh, do Thượng tướng Tống Nhiệm Cùng (cựu Phó Tổng Tư lệnh Chí nguyện quân tại Triều Tiên, về sau là Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương) làm hiệu trưởng. Khoá học gồm chừng 20 người, với những tên tuổi như Vương Thừa Vũ, Phùng Thế Tài, Hoàng Minh Thảo…
Vài tháng sau, Đại sứ Hoàng Văn Hoan đến thăm Hiệu trưởng Tống Nhiệm Cùng thì gặp người em trai của Đại tá Lê Trọng Nghĩa (tên thật là Đoàn Xuân Tín, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Quân báo, trợ tá thân cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Viên Đại sứ liền điều ông về Bắc Kinh tăng cường cho phòng quân sự của ĐSQ (lúc đó mới chỉ có 2 người và còn thiếu kinh nghiệm). Ông được giao nhiệm vụ làm bí thư thứ ba và trợ lý cho tuỳ viên quân sự ĐSQ, và ở đấy cho đến đầu năm 1960 mới về nước.
Lúc bấy giờ cả ĐSQ Việt Nam tại Bắc Kinh chỉ có 4 người thành thạo Tiếng Việt và Tiếng Trung (ông về ĐSQ một thời gian thì Đại sứ Hoàng Văn Hoan về nước, ông Nguyễn Khang sang thay): Phó Đại sứ Phạm Bình; một người Trung Quốc; ông Đặng Nghiêm Hoành, người về sau trở thành Đại sứ tại Trung Quốc từ 1989-1997; và ông Đoàn Sự. Ông Phạm Bình là Phó Đại sứ nên làm phiên dịch không tiện; ông người Trung Quốc cũng vậy; ông Đặng Nghiêm Hoành thì chưa phải đảng viên. Vì thế, ĐSQ quy định là những việc gì liên quan đến đảng (nhất là những chuyện cơ mật) thì ông Đoàn Sự được giao nhiệm vụ làm phiên dịch. Vậy nên mỗi khi ông HCM sang Trung Quốc thì ông Đoàn Sự lại đi theo.
“Đi theo nhưng thực ra mình có làm cái gì đâu. Ông Cụ nói thẳng chứ có cần gì… Ông Cụ cứ thoăn thoắt sang luôn…”
Nhiệm vụ chủ yếu của ông Đoàn Sự vì thế là để theo dõi xem các vị lãnh đạo trao đổi với nhau những gì, có gì quên không ghi lại hay không; và để nhắc nhở lãnh tụ trong trường hợp ông đang nói chuyện với nhiều người mà với vị thế nguyên thủ quốc gia, ông không nên nói Tiếng Trung.

Ông Đoàn Sự (hàng đầu bên phải) và Hồ Chí Minh tại Bắc Kinh năm 1957.
Ảnh do Đại tá Đoàn Sự cung cấp.
Bấy giờ Liên Xô tặng cho Việt Nam 1 chiếc máy bay IL-18 (họ còn tặng cho Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai mỗi người 1 chiếc). Do Việt Nam chưa có người lái cũng như chỗ chứa máy bay nên chiếc IL-18 này được gửi lại Bắc Kinh. Khi nào ông Hồ cần sang Trung Quốc thì viên phi công người Trung Quốc sẽ bay từ Bắc Kinh sang Hà Nội để đón ông. Ông Đoàn Sự vì thế cũng thường xuyên đi đi về về giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
“[…] Lần này… khoảng tháng Sáu, tháng Bảy gì đấy, Bác đi Liên Xô dự hội nghị 61 đảng về [Bắc Kinh]. Bác vào thăm ông Mao Trạch Đông. Ông ấy bảo: ‘Này, tôi trông anh sắc thái không được khoẻ. Ở lại đây nghỉ một thời gian. Anh về bây giờ công việc bận rồi ốm đấy.’ Cụ Hồ thì rất nể. Người khác mà nói [thế] là không được với Cụ đâu. Cụ nói thế này: ‘Vâng. Tôi xin chấp hành chỉ thị của Chủ tịch.’ Thế là ông ở lại…”
“Sống với ông Cụ thì thấy vinh dự, nhưng mà rất khó sống… vì ông Cụ khó tính lắm, chứ không phải dễ đâu. Cụ chỉ dễ tính với mấy bà phụ nữ thôi… muốn cái gì cho cái đó, rất là thân thiết…   Còn mấy ông con trai, nhất là mấy ông có tuổi đến, là Cụ mắng cho sa sả đấy…”
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Tư tưởng HCM là đa nguyên đa đảng. Lúc đầu, năm 1945, Cụ cho thành lập Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội. Ngoài ra còn có Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Năm đảng cơ mà…”
“Cụ bảo, lúc nào trong con người ta cũng có cái nhân và cái nghĩa, có cái thiện và cái ác. Có người cái thiện nhiều, cái ác ít. Nhưng người nào cũng có cả. Cho nên phải làm thế nào để giảm bớt cái ác, phát huy cái thiện của người ta. Đừng quan niệm rằng đã là kẻ thù là xấu…”
“Thực ra ban đầu Cụ về, Cụ rất muốn đi theo con đường quan hệ với Mỹ đấy… Tôi còn có tài liệu về việc Cụ gửi cành đào cho ông Ngô Đình Diệm. Chính Cụ rất muốn lợi dụng chuyện đó… Xẩy ra cuộc chiến tranh Việt - Pháp là Cụ đã hết sức nhân nhượng rồi, nhưng vì rằng tình thế lúc đó, cộng với các nước cộng sản đã muốn rằng đây là một chiến trường để thử thách. Do đó buộc ta phải nhảy vào chiến tranh. Trong chiến tranh, về sau này, khi trận Điện Biên Phủ xong rồi… chuyển sang thời kỳ đánh Mỹ. Quan điểm của Cụ về chuyện đó là khác. Cụ rất muốn để cuộc chiến tranh ấy cố gắng giữ ở mức độ nào đó để Mỹ không vào được. Nhưng mà các ông nhà ta cứ làm…”
“Khi thành lập nước, Cụ Hồ cho giải tán trường luật. Điều đó là không được, vì lúc đó Cụ quan niệm trường luật là theo luật pháp của đế quốc, cho nên Cụ giải tán. Chính ra là phải bảo vệ trường luật để sau này xây dựng hệ thống pháp luật.”
Ông Đoàn Sự vừa sang Quảng Châu từ ngày 30/5 - 9/6, thăm di tích trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Ông tìm ông Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, người từng viết một cuốn sách về bà Tăng Tuyết Minh, nhưng không gặp. Năm 1955, ông từng đến thăm bà Tăng Tuyết Minh. Lần này ông đến thì bà đã mất (từ năm 1991). Người ta nói là phần mộ của bà không có, vì khi mất, bà yêu cầu thiêu xác và thả tro xuống dòng sông Hồng.
“Cụ Hồ có bao nhiêu vợ thì tôi không lạ gì, nhưng trong số những người quan hệ với Cụ thì chỉ có bà Tăng Tuyết Minh là có làm lễ thành hôn rõ ràng…”
Khoảng năm 1955-1956, Hồ Chí Minh gặp Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Đông Đào Chú. Trong cuộc gặp đó, Đào Chú muốn đưa bà Tăng Tuyết Minh về với Hồ Chí Minh, nhưng ông Hồ từ chối, nói rằng với vị trí của mình lúc này mà có vợ là người nước ngoài thì sẽ mang tiếng. Ý kiến của Bộ Chính trị là không nên, mà chỉ yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ cho bà tồn tại thôi. Bà Tăng Tuyết Minh không lấy ai cả. Khi về hưu bà được hưởng trợ cấp đặc biệt. Năm 1955, ông Đoàn Sự đã cùng Đại sứ Hoàng Văn Hoan bí mật đến thăm bà. Lúc bấy giờ ông Hồ Chí Minh giao cho ĐSQ hàng năm đến thăm và tặng quà cho bà. Ông Hoàng Văn Hoan dặn ông là phải giữ bí mật về chuyến đi, không được nói cho ai biết. (Ông Hồ Chí Minh không gặp lại bà Tăng Tuyết Minh lần nào nữa.)
“… Tôi còn tìm hiểu và biết là Cụ Hồ còn nhiều đám lắm… Nguyễn Thị Minh Khai, kể cả với bà Tống Khánh Linh… Năm 1924 [?] cụ từng sang Vienna, cụ yêu cả bà Tống Khánh Linh đấy. Khi tôi đưa Cụ về Thượng Hải để thăm bà Tống Khánh Linh thì đi chiếc xe mui trần. Lúc bấy giờ bà Tống Khánh Linh là Phó Chủ tịch nước… Hôm đó tháng Sáu, tháng Bảy gì đó… Cụ Hồ ngồi bên cạnh bà Tống Khánh Linh… Giời nắng, ông cụ lấy cái mũ chụp lên đầu bà ấy… Khi về đến chỗ ở của bà Tống Khánh Linh, Cụ Hồ gọi Tống Khánh Linh là “Tống muội”… Bọn tôi mới thầm thì: “Gớm, sao mà đẹp đôi thế!”… Bác Hồ không kể [chuyện tình với bà Khánh Linh], nhưng qua những chuyện đó, rồi qua [việc] ông Vũ Kỳ kể lại những mối tình của Bác… Ông ấy [Vũ Kỳ] kể cả bà Tống Khánh Linh, ông ấy kể cả vợ của ông Hồ Tùng Mậu nữa cơ… vân vân… nhiều lắm… Tại vì thế này này, thời kỳ hoạt động cách mạng, các ông ấy cứ ghép nhau… Cũng như là bà Nguyễn Thị Minh Khai, có dạo sống với Cụ Hồ đấy chứ, mà đăng ký đi học là vợ chồng đấy chứ…”
“Thế nhưng những chuyện đó là bình thường thôi… ta bây giờ cứ xoay vào đó, rồi thì là khoét sâu nó… thực ra chẳng ra gì cả. Khi tôi ở Hàng Châu với Cụ, có hôm thứ Bảy rỗi rãi, tôi mới bảo bà Tống Minh Phương là hỏi xem người yêu của Cụ Hồ có những ai và ở đâu, vì anh Vũ Kỳ cứ bảo rằng ông ấy [HCM] có quyển sổ tay ghi tháng nào thì phải gửi thư cho bà Madam này, Madam kia… Mình mới gạ hỏi… Đang vui vẻ cười thế này. Bà Tống Minh Phương với Cụ Hồ bình thường rất là thân, cho nên bà mới bạo dạn bảo: ‘Bác ơi, Bác kể những mối tình của Bác cho chúng tôi nghe với nào.’ Thế là Cụ nghiêm mặt lại Cụ bảo: ‘Bây giờ có lẽ không còn chuyện gì để moi chuyện tôi nữa nên các cô các chú lại… Kể ra bây giờ thì chưa phải lúc. Nhưng mà thôi, hôm nay tôi cũng nói sơ cho cô chú… Tôi là người, chứ tôi không phải là ông thánh. Tôi có nhu cầu tất cả mọi thứ. Khi ra ngoài tôi ở đâu tôi cũng có người yêu cả. Mà người yêu không phải chỉ là [quan hệ] vớ vẩn, người yêu là phải sống với nhau như vợ chồng đấy. Nhưng mà tôi phải có nghị lực…’ Sau rồi Cụ mới chỉ vào mình…: ‘Khi tôi ở nước ngoài, tôi diện hơn các cô các chú nhiều lắm. Tôi không ăn mặc thế này đâu. Sau này về Trung Quốc rồi, tôi thấy mặc thế này nó tiện hơn. Nó phù hợp với Á Đông hơn…’.”
“Ông Cụ cũng có những cái hóm hỉnh lắm. Thí dụ như hôm tôi đưa Cụ đi đảo Hải Nam về, [chỉ tay lên tường] khi chụp cái ảnh này này. Khi lên bên Châu Giang ở Quảng Châu… [người ta] huy động dân Quảng Châu đông lắm, đứng ở bên sông hoan nghênh. Ô tô từ trên tàu chạy thẳng lên. Cụ ngồi trên xe vẫy tay. Về chỗ nghỉ rồi chúng tôi mới hỏi, ‘Tại sao dân hoan nghênh đông thế nhỉ?’ Cụ bảo, ‘Chú Sự xem tại sao?’ ‘Thưa Bác, vì Bác là bạn thân của ông Mao, bạn thân của ông Lưu Thiếu Kỳ, bạn thân của ông này ông khác... Chứ cháu ở Trung Quốc 8 năm nay rồi, cháu đi rất nhiều nơi rồi, nhưng mà cháu chưa thấy các nguyên thủ quốc gia các nước khác đến các tỉnh người ta hoan nghênh lắm, người ta bình thường thôi, chỉ mấy ông lãnh đạo gặp nhau thôi.’ Thế là Cụ cười, Cụ bảo, ‘Ờ, thế cũng có lý. Nhưng mà này, người ta hoan nghênh chúng ta là người giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, người ta không hoan nghênh chúng ta bởi chúng ta là cộng sản đâu.’ Lúc bấy giờ cách đây 60 năm nhé. Tôi mới thấy lạ quá. Tôi không dám hỏi gì. Tôi im. Sau tôi quay lại tôi hỏi ông Vũ Kỳ, ‘Quái nhỉ. Cụ Hồ 100% là cộng sản mà sao Cụ nói câu gở thế nhỉ?’ Ông Vũ Kỳ vuốt râu bảo, ‘Cái này phải suy nghĩ lâu dài. Ông cụ nói là có hàm ý sâu sắc lắm đấy.’
“60 năm sau, tôi nhớ lại chuyện này. Vừa rồi tôi sang [Trung Quốc] tôi đã đến bến Châu Giang, cái nơi mà tôi đón Cụ Hồ để tôi nhớ lại cái đó, là ngay từ đó Cụ Hồ đã có cái suy nghĩ như vậy. Do đó nên vừa rồi rất nhiều người viết rất nhiều chuyện về Cụ Hồ... thì có cái tôi công nhận [đúng].”
_____________
Ghi chú:
[i] Lưu ý, đây là góc nhìn của một người từng làm phiên dịch cho Hồ Chí Minh, từng có thời gian sống bên cạnh ông. Về phần mình, tôi đã có hai bài viết về nhân vật này: (i) “Cái giá của tự do là sự cảnh giác thường trực”, và (ii) “Các ông trùm gây tội ác với đồng loại như thế nào?

  • Đón xem phần II: “Hồ Chí Minh có phải là Hồ Tập Chương không?”

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Nguồn:VOA

Tuesday, August 8, 2017

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Tương lai nào cho Trần Đại Quang?




Vụ Trịnh Xuân Thanh, người từng đào thoát khỏi Việt Nam một cách bí ẩn hồi tháng Chín năm ngoái, đột nhiên biến khỏi Berlin (nơi anh ta tá túc lâu nay) vào ngày 23/7 trước khi ra “đầu thú” tại cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ngày 31/7 đang khiến dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
“Chiến công” của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN?
Mặc dù giới chức Việt Nam cho rằng Trịnh Xuân Thanh đã “tự nguyện” về Việt Nam “đầu thú”, song hầu hết mọi người vẫn tin vào những gì mà Bộ Ngoại giao Đức đưa ra, theo đó tình báo Việt Nam đã thực hiện một vụ bắt cóc theo kiểu luật rừng ngay tại Berlin. Và một khi Ngoại trưởng Đức đã lên tiếng về vụ việc, cho biết Berlin đang xem xét những biện pháp đối với Hà Nội về vụ bắt cóc này thì người ta hiểu rằng đây là một vụ khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng.

Đức là quốc gia đầu tàu của Liên minh Châu Âu (EU) và là một cường quốc trên thế giới. Vì vậy, vụ khủng hoảng ngoại giao này không đơn giản là chỉ ảnh hưởng đến quan hệ song phương Việt - Đức, mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Việt Nam với EU cũng như giữa Việt Nam với phương Tây. Quả thực, đây là một dịp hiếm có khi hầu như tất cả các cơ quan truyền thông quốc tế lớn, từ BBC, CNN cho đến Washington Post… đều đồng loạt đưa tin về một vụ việc liên quan đến Việt Nam.
Theo dõi những phát biểu hùng hồn trong tâm trạng rất chi là phấn chấn của TBT Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 31/7, giữa lúc những thông tin về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và đưa về Hà Nội bắt đầu loang ra, người ta hiểu rằng người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chính là nhân vật đứng đằng sau vụ bắt cóc. (Trước đó, trong cuộc trao đổi với cử tri huyện Đông Anh sáng 6/12, ông Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định chắc nịch rằng “Trịnh Xuân Thanh không trốn được đâu”. )
Ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhằm vào ai?
Trong hệ thống phẩm trật ở Việt Nam, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh là một quan chức bình thường, hay phỏng theo lối nói thịnh hành trong chiến dịch chống tham nhũng do Tập Cận Bình phát động ở Trung Quốc thì anh ta chỉ là một quan chức “hạng ruồi”. Dĩ nhiên, việc xử lý một quan chức “hạng ruồi” không phải là đích đến cuối cùng mà ông Nguyễn Phú Trọng sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt cho bằng được.
Không ít người cho rằng, TBT Nguyễn Phú Trọng quyết tâm bắt Trịnh Xuân Thanh là để “xử” cựu Bí thư Sài Gòn Đinh La Thăng hoặc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, liên quan đến Đinh La Thăng, đệ tử ruột của ông ta là Vũ Đức Thuận (người từng được điều về làm Chánh Văn phòng Bộ GT-VT dưới thời Bộ trưởng Đinh La Thăng và khi ông Đinh La Thăng chuyển vào làm Bí thư Thành uỷ TP HCM thì được Thành uỷ đề nghị điều từ Bộ GT-VT vào) đã bị bắt. Từ đầu mối đó, Đinh La Thăng đã bị loại ra khỏi Bộ Chính trị và mất chức Bí thư TP HCM. Vì thế, nếu muốn xử lý hình sự Đinh La Thăng thì không nhất thiết phải cố sống cố chết để bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh. Còn trong bài “Phe cấp tiến từng trỗi dậy ngoạn mục ra sao?” ngày  13/2/2017, chúng tôi đã chỉ ra rằng: Việc ông Nguyễn Phú Trọng thoả hiệp và bắt tay với liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh (và sau lưng bộ ba này là Bắc Kinh) là nhân tố quyết định giúp ông ta giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh với đối thủ Trương Tấn Sang nhằm tiếp quản chiếc ghế Tổng Bí thư từ người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh.
Vụ scandal ngoại giao mang tên Trịnh Xuân Thanh xẩy ra giữa lúc Hội nghị Trung ương 6, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2017, đang đến gần. Đây là kỳ hội nghị mà người ta chờ đợi là sẽ có những quyết sách nhân sự quan trọng, chuẩn bị cho việc ông Nguyễn Phú Trọng rời khỏi chiếc ghế Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018. Từ sau Đại hội XII cho đến nay, hai ứng cử viên sáng giá nhất để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh. Ông Đinh Thế Huynh thì vừa mới được thông báo là đang trong thời gian “điều trị bệnh” và vị trí Thường trực Ban Bí thư của ông đã được Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng thay thế từ ngày 1/8. Sau suốt 3 tháng im hơi lặng tiếng trên truyền thông, nay lại được thông báo là đang chữa bệnh và chiếc ghế của mình thì đã được (tạm) giao cho người khác, cơ hội của ông Đinh Thế Huynh xem ra chỉ còn trên lý thuyết.
Sự biến mất bí ẩn của ông Đinh Thế Huynh khiến ông Trần Đại Quang càng trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí Tổng Bí thư thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, trong khi dư luận còn chưa hết bàn tán về căn bệnh bí hiểm của ông Đinh Thế Huynh thì người ta càng lúc càng “băn khoăn” trước sự im hơi lặng tiếng của ông Trần Đại Quang, nhân vật vốn thường xuyên xuất hiện trên truyền thông chính thống, nhất là giữa lúc đất nước đang trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng như thế này.
Hình ảnh gần đây nhất của ông Trần Đại Quang trên truyền thông là trong chuyến ông đến thăm 3 trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh tại tỉnh Hà Nam vào ngày 26/7. Từ đấy, ông hoàn toàn biến mất trên báo đài nhà nước, kể cả dịp Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ vào sáng 27/7, một buổi lễ mà một nhân vật mang tính chất “lễ nghi” như Chủ tịch nước xưa nay chưa bao giờ vắng mặt.
Đến tối 7/8, trong chương trình thời sự 19h hàng ngày, khi đưa tin về việc Chủ tịch nước và Thủ tướng quyên góp ủng hộ nhân dân Tây Bắc, người ta chỉ thấy VTV công bố hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các PTT Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và tập thể cán bộ Văn phòng Chính phủ bỏ phong bì vào thùng quyên góp, chứ tuyệt nhiên không thấy bất kỳ hình ảnh nào tương tự ở Văn phòng Chủ tịch nước. Điều này chẳng khác nào gián tiếp xác nhận về sự biến mất bí ẩn của ông Trần Đại Quang.
Như chúng tôi đã chỉ ra trong nhiều bài viết trước đây, trước thềm chuyến công du Bắc Kinh của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang từ ngày 19-21/6/2013, ông Trương Tấn Sang đã từ bỏ vị trí thủ lĩnh phe cấp tiến và trở thành một nhân vật cơ hội, quy thuận Bắc Kinh hầu mong được tiếp quản chiếc ghế TBT của ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XII; Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nổi lên đóng vai trò thủ lĩnh của nhóm chống Trung Quốc trong bộ máy, nhưng lại chưa đủ sức lãnh đạo phe cấp tiến do viễn kiến và uy tín của một nhân vật xuất thân từ ngành công an.
Mặc dù ngăn chặn được “hiểm hoạ bắc thuộc” mang tên Nguyễn Tấn Dũng, nhưng từ trước và sau Đại hội XII cho đến nay, ông Trần Đại Quang vẫn thoả hiệp với cựu PTT Hoàng Trung Hải (nay là Bí thư Thành uỷ Hà Nội), người được một cây bút độc lập nhận định là “con bài tủ trong chiến lược Hán hoá Việt Nam” của Bắc Kinh: ông ta đã nhiều lần công cán cùng nhân vật đầy tai tiếng này, đặc biệt là trong chuyến công du Cuba rồi sang Peru dự hội nghị thượng đỉnh APEC từ ngày 15 - 20/11/2016 hay chuyến thăm Belarus và Nga cuối tháng Sáu vừa qua, cũng như chưa bao giờ lên tiếng về Formosa Hà Tĩnh, một đại hiểm hoạ về quân sự - kinh tế - môi trường mà “tác giả” của nó chính là Hoàng Trung Hải. Ngoài ra, ông ta cũng có một số nhượng bộ trước Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc và dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế “Vành đai và Con đường” tổ chức tại Bắc Kinh từ 11-15/5/2017. Tuy nhiên, các ông chủ Trung Nam Hải vẫn coi chừng đó là chưa đủ đối với một nhân vật đang nóng lòng được tiếp quản chiếc ghế Tổng Bí thư, bởi họ lo ngại một khi đã an toạ trên ngôi vị tối cao, ông ta hoàn toàn có thể thay đổi lập trường khi chưa bị đối phương “nắm gáy”, điều mà họ đã làm được đối với Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng.
Vì vậy, vụ bắt cóc nhân vật được cho là đầu mối trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mang “bản sắc Nguyễn Phú Trọng” ngay tại thủ đô của quốc gia đầu tàu Liên minh Châu Âu mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm không hề hay biết là một diễn diến logic tiếp theo. (Thiết tưởng không cần phải nhắc lại là ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh đào thoát khỏi Việt Nam ngay trước mũi ông Nguyễn Phú Trọng, dư luận đã râm ran rằng cuộc đào thoát đó được tổ chức với sự “gật đầu” của ông Trần Đại Quang, người tuy đã rời khỏi Bộ Công an nhưng hệ thống chân rết tại cơ quan đầy quyền lực này thì gần như vẫn còn nguyên.)
Kịch bản nào sẽ xẩy ra?
Xem ra công chúng bây giờ quan tâm đến số phận của ông Trần Đại Quang còn hơn cả “diễn viên chính” Trịnh Xuân Thanh. Đơn giản, những gì liên quan đến số phận chính trị của nhân vật “dưới một người và trên muôn người” này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình đất nước. Và sau đây là những kịch bản khả dĩ về số phận của ngài Chủ tịch nước trong một vụ việc mà dư luận cả trong nước lẫn quốc tế đang chăm chú dõi theo: 
  1. Trước áp lực của Đức cũng như dư luận quốc tế, đặc biệt là trước viễn cảnh Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam vĩnh viễn không được thông qua, cộng với sự chống đối, phản kích của phe nhóm Trần Đại Quang, TBT Nguyễn Phú Trọng chấp nhận lùi bước, và những lời khai của Trịnh Xuân Thanh liên quan đến ông Trần Đại Quang kể từ sau vụ bắt cóc ngày 23/7 đến nay sẽ bị xoá bỏ. Ông Trần Đại Quang qua đó sẽ “thoát hiểm”, không chỉ ung dung trở lại mà còn tỏ ra “lợi hại hơn xưa”, bởi giờ đây ông ta không còn phải e dè với kẻ thù công khai của mình nữa. Việc ông ta tiếp quản chiếc ghế TBT coi như chỉ còn là vấn đề thủ tục.
  2. Ông Trần Đại Quang đầu hàng Bắc Kinh và phe phái thân Tàu trong bộ máy để được tiếp tục an vị trên chiếc ghế Chủ tịch nước và thậm chí vẫn còn cơ hội trở thành Tổng Bí thư nếu chấp nhận làm tay sai cho Bắc Kinh.  
  3. Ông Trần Đại Quang bị xử lý trong nội bộ Bộ Chính trị, chấp nhận vai trò một “ông phỗng” và “ngồi chơi xơi nước” trên chiếc ghế Chủ tịch nước để “giữ bình” (tránh đổ vỡ trong hệ thống).
  4. Ông Trần Đại Quang bị xử lý công khai và phải rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch nước.
Chúng ta hãy chờ xem kịch bản nào sẽ xẩy ra trong thực tế, bởi lúc này xem ra hãy còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì.

  • Lê Anh Hùng
  • Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA

Chuyện một ‘sư oan’ ở Tiền Giang

Lê Anh Hùng | Việt Nam Thời Báo 



Việc nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo là thực tế mà giờ đây không còn khiến mấy ai phải ngạc nhiên. Dù vậy, mức độ thâm hiểm của họ trong từng vụ việc cụ thể thì vẫn khiến không ít người phải bất ngờ. Câu chuyện về thầy Thích Đức Minh, trụ trì chùa Thiền Lâm ở Tiền Giang, mà chúng tôi trình bày dưới đây là một ví dụ như thế.
Chùa Thiền Lâm toạ lạc tại số 292 tỉnh lộ 868, Phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Trước khi viên tịch ngày 6/8/2007, thầy/cha của tu sỹ Thích Đức Minh là tu sỹ Lê Văn Giang đã làm di chúc giao cho người con trai kế nhiệm cai quản chùa. Đây là lối tu hành theo kiểu cổ truyền Phật giáo vốn phổ biến ở Miền Tây Nam Bộ.
Trước năm 1975, chùa Thiền Lâm là thành viên của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền, một trong nhiều tổ chức giáo hội Phật giáo ở Miền Nam thời bấy giờ. Từ năm 1981, chùa trở thành thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức chịu sự can thiệp sâu sắc của chính quyền.

Không như các ngôi chùa ở địa phương vốn chịu sự quản lý chặt chẽ của Ban Tôn giáo và Mặt trận Tổ quốc, mặc dù trước đây chính quyền và Giáo hội đã nhiều lần vận động, song tu sỹ Lê Văn Giang vẫn kiên quyết không hiến ngôi chùa của mình cho Giáo hội Phật giáo địa phương. Mục đích của nhà cầm quyền và Giáo hội Phật giáo Việt Nam là muốn kiểm soát hoàn toàn các ngôi chùa và tư tưởng của các nhà sư. Khi giáo hội toàn quyền sở hữu các ngôi chùa, họ có thể cách chức bất kỳ sư trụ trì nào mà họ thấy “chướng tai gai mắt” hoặc đơn giản là không vừa ý họ, hòng ép buộc tất cả các nhà sư phải tòng phục và chịu sự tấn phong, bổ nhiệm theo ý muốn của nhà cầm quyền.
Được kế thừa một di sản tinh thần và vật chất vốn là tâm huyết và mồ hôi xương máu của cha ông, của bổn đạo, bổn hội và bá tánh xa gần, đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình trước cộng đồng phật tử cũng như hiểu được ý đồ của chính quyền và giáo hội, tu sỹ Lê Văn Giang đã không chấp nhận yêu sách của họ. Vì thế, mặc dù đã thoả mãn đầy đủ các tiêu chí để trở thành hoà thượng và hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức tấn phong giáo phẩm Hoà thượng, nhưng tu sỹ Lê Văn Giang vẫn không nhận được vinh dự ấy khi còn sống (họ chỉ gọi ông là Hoà thượng sau khi ông đã tạ thế).
Năm 1998, tu sỹ Lê Văn Giang làm thủ tục kê khai toàn bộ khu đất chùa Thiền Lâm và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 4.895m2. Trước khi qua đời, ông đã chia đất cho 3 người con của mình, trong đó có tu sỹ Lê Văn Liêm Em (pháp danh Thích Đức Minh). Tuy nhiên, khi ông làm đơn xin tách và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho phạm vi ngôi chùa là 2.162m2 (sau khi trừ đi 3 phần cấp cho 3 người con) thì bị chính quyền địa phương phớt lờ, không xem xét giải quyết.
Mọi chuyện không dừng lại ở đó. Sau khi tu sỹ Lê Văn Giang viên tịch, chùa Thiền Lâm và sư trụ trì lại càng bị chính quyền và giáo hội Phật giáo địa phương o ép. Tu sỹ Thích Đức Minh cũng đã làm đơn đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Thiền Lâm nhưng chính quyền vẫn tiếp tục phớt lờ theo di chúc thừa kế, mà muốn cả 5 người con (2 người được thừa kế đất nông nghiệp và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) phải ra Toà án Nhân dân Cai Lậy để phân xử quyền thừa kế theo kiểu tranh chấp thừa kế.

Sư thầy Thích Đức Minh và tác giả
Thậm chí, ngày 15/11/2007, Ban Đại diện Phật giáo huyện Cai Lậy (nay là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thị xã Cai Lậy) còn làm tờ trình và kiến nghị gửi UBND, Ban Tôn giáo và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy, đề nghị Giáo hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang ra quyết định đưa thầy Thích Đức Minh ra khỏi tăng đoàn Ban Đại diện Phật giáo Cai Lậy. Thầy Đức Minh không hề hay biết gì về vụ việc và Giáo hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang cũng không ra quyết định hay thông báo nào. (Ban Trị sự Phật giáo Cai Lậy gửi văn bản này cho Công an Cai Lậy, và sau khi luật sư của ông vào Toà án Nhân dân Cai Lậy xin được một bản photo, ông mới biết là mình bị đưa ra khỏi tăng đoàn.)
Thất bại trong âm mưu kiểm soát chùa Thiền Lâm, chính quyền địa phương và Giáo hội Phật giáo Cai Lậy bèn kích động các thành viên trong gia đình thầy tranh chấp quyền thừa kế ngôi chùa, bất chấp thực tế chính thầy/cha của ông đã chỉ định ông, người xuất gia duy nhất trong gia đình, là “người kế thế nối ngôi để lo cho ngôi tam bảo Thiền Lâm”. Ngoài ra, họ còn gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thành viên gia đình ông, cụ thể là các hộ dân Lê Thu Thuỷ và Lê Bích Vân, đồng thời không cho xây dựng cơ sở kinh doanh.
Gần đây, có những hộ dân xâm phạm phần đất của chùa, quấy rối nhà chùa, khủng bố tinh thần sư trụ trì, đổ xương súc vật, nuôi chó thả rông, xâm phạm nơi tôn nghiêm, đậu xe cộ đủ loại trên vỉa hè, xả rác ngay phía trước cổng vào chùa, gây rất nhiều khó khăn, phiền não cho nhà sư trụ trì cùng phật tử và các đoàn khách muốn vào tham quan, cúng dường. Việc quấy rối này có rất nhiều người xung quanh chùa chứng kiến và có clip làm bằng chứng.

Gian ngoài ngôi chùa trống huơ, trống hoác vì không được phép xây dựng, sửa chữa.
Ảnh: Lê Anh Hùng
Đặc biệt, mặc dù hiện nay ngôi chùa đã bị dột nát, hư đổ nhiều chỗ, nhiều nơi nhưng thầy Thích Đức Minh vẫn không được phép xây mới hay sửa chữa, bởi họ không cấp phép cho ông, với lý do ngôi chùa chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (theo kiểu phải hiến đất, hiến chùa và tài sản nhà chùa cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam để Giáo hội Phật giáo Cai Lậy tấn phong sư trụ trì theo ý họ). Trong khi đó, với một ngôi chùa có tuổi đời trên 100 năm, lẽ ra Giáo hội Phật giáo cùng giới chức hữu trách địa phương phải xuống tận nơi tìm hiểu, cấp phép sửa chữa, thậm chí phải đối thoại với sư trụ trì, bởi ông mới là người duy nhất quản lý ngôi chùa.
Cựu Phó Thủ tướng cộng sản Đoàn Duy Thành từng thốt lên đầy chua chát: “Làm người là khó”. Dưới chế độ XHCN “dân chủ gấp triệu lần tư bản”, làm kẻ xuất gia truyền bá đạo lý cho đời như sư thầy Thích Đức Minh xem ra còn khó hơn bội phần.

Friday, August 4, 2017

Nhà cầm quyền Việt Nam vừa siết vừa nới với các nhà hoạt động?

Lê Anh Hùng | VOA| 3.8.2017 



Vài tháng nay, ba nhà bất đồng chính kiến nổi trội ở Sài Gòn là mục sư Nguyễn Hồng Quang, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cùng một người không tiện nêu tên khác bỗng nhiên không còn bị an ninh canh gác và theo dõi như trước.
Nguyên do?
Ba nhân vật trên đây là những người trước kia luôn được nhà cầm quyền “ưu ái” dành cho sự “chăm sóc đặc biệt”, gần như 24/24h. Vì thế, việc họ không còn bị canh gác thường xuyên khiến bản thân họ cũng như những người khác không khỏi ngạc nhiên và đưa ra những nhận định khác nhau.
Người thì nhận xét đây là dấu hiệu cho thấy thực trạng ngân sách cạn kiệt đã ảnh hưởng đến ngân khoản rót cho bộ máy công an, lực lượng vốn luôn được nhà cầm quyền dành cho một chế độ đãi ngộ đặc biệt, với thói quen chi tiêu vô tội vạ mà hầu như không bị kiểm soát. Và xem ra tình trạng ngân sách thu không đủ bù chi đã buộc người ta phải xem lại việc nuôi cả một đội quân chỉ để phục vụ cho việc canh gác các nhà đấu tranh ôn hoà này.

Người thì cho rằng đây là một biểu hiện của chính sách “vừa siết, vừa nới” của nhà cầm quyền đối với giới bất đồng chính kiến, nhằm dung hoà giữa những gì họ đã đạt được với Mỹ với quyết tâm bảo vệ chế độ của ban lãnh đạo Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, sau các vụ bắt bớ và khủng bố gần đây, đặc biệt là các bản án nặng nề dành cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (ngày 29/6) cùng nhà hoạt động Trần Thuý Nga (ngày 25/7), vụ khởi tố nhà hoạt động Lê Đình Lượng theo Điều 79 BLHS (ngày 26/7), và đặc biệt là vụ bắt giam và khởi tố đồng loạt 4 nhà hoạt động là MS Nguyễn Trung Tôn, kỹ sư Phạm Văn Trội, nhà báo Trương Minh Đức và LS Nguyễn Bắc Truyển vào ngày 30/7, tình hình vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, vốn bắt đầu từ khi LS Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16/12/2015.
Các vụ trấn áp này lại càng đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh nhà cầm quyền Việt Nam vừa “tung cờ trắng” trước lời đe doạ của Bắc Kinh, yêu cầu Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại bãi Tư Chính, khu vực mà Hà Nội luôn khẳng định là nằm trong thềm lục địa của mình, không thuộc khu vực tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào, còn Bắc Kinh thì vẫn khăng khăng là nằm trong đường lưỡi bò do họ tưởng tượng ra trên Biển Đông.
Phương châm hành động của ban lãnh đạo…
Như chúng tôi đã chỉ ra trong bài “Xu thế chính trị của ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay”, trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang từ ngày 19-21/6/2013, sân khấu chính trị Việt Nam vốn dĩ đã phức tạp lại càng phức tạp hơn: ông Trương Tấn Sang từ bỏ vị trí thủ lĩnh phe cấp tiến để sắm vai một nhân vật cơ hội, quy thuận Bắc Kinh hầu mong được tiếp quản chiếc ghế TBT; Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nổi lên đóng vai trò thủ lĩnh của nhóm chống Trung Quốc trong bộ máy, nhưng lại chưa đủ sức lãnh đạo phe cấp tiến do viễn kiến và uy tín của một nhân vật xuất thân từ ngành công an. Trước Đại hội XII Đảng CSVN, ban lãnh đạo Việt Nam dần đi đến thoả hiệp và thống nhất về hai phương châm hành động: (i) duy trì chế độ bằng mọi giá, và (ii) ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh (việc thắt chặt quan hệ hơn với Mỹ, được đánh dấu bằng chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng, cũng nhằm mục đích này).
Để duy trì chế độ bằng mọi giá, LS Nguyễn Văn Đài – nhân vật tưởng như khó đụng tới nhờ mối liên hệ chặt chẽ với giới chức ngoại giao Hoa Kỳ và phương Tây – đã bị bắt tại nhà riêng ngày 16/12/2015, khởi đầu cho một làn sóng đàn áp mới, với những bản án nặng nề và những vụ khủng bố thẳng tay nhằm vào giới đấu tranh. (Việc LS Đài bị bắt tại nhà riêng, chứ không phải “bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi phạm tội”, cho thấy vụ bắt bớ này diễn ra với sự đồng thuận của Bộ Chính trị, chứ không phải do các phe phái đấu đá nhau.)
Để ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật mà LS Cù Huy Hà Vũ nhận định là “điệp viên hoàn hảo của Trung Quốc” – đã bị tập thể Bộ Chính trị loại khỏi cuộc chơi. 
…và thực tế diễn ra
Do cùng chia sẻ những lợi ích thiết thân trên con thuyền XHCN nên phương châm duy trì chế độ bằng mọi giá đã được các phe phái quán triệt và lực lượng “còn đảng còn mình” thì thực hiện trên cả xuất sắc: bị đánh phá từ cả từ ngoài vào lẫn từ trong ra trong bối cảnh không còn sự ủng hộ ngấm ngầm của phe cấp tiến như trước, vài năm gần đây phong trào dân chủ Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại.
Tuy nhiên, phương châm ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh lại không được quán triệt đầy đủ, và nhanh chóng rơi vào tình cảnh “được chăng hay chớ”. Nguyên do là mặc dù Nguyễn Tấn Dũng đã ra đi nhưng các “nhân tố Trung Quốc” vẫn còn nắm nhiều quyền lực (nếu không muốn nói là vẫn chiếm ưu thế) trong Bộ Chính trị, mà tiêu biểu là TBT Nguyễn Phú Trọng (nhân vật thậm chí không thèm che dấu lập trường thân Trung Quốc) và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải (nhân vật được coi là liên quan trực tiếp đến hầu như mọi vấn nạn Trung Quốc ở Việt Nam suốt 10 năm qua: trong vai trò Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ông ta đã để cho nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, với 90% dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, đặc biệt là những dự án nằm ở những vị trí xung yếu về quốc phòng, rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, hay trực tiếp “khai sinh” và bảo trợ cho Formosa Hà Tĩnh, v.v.).
Đáng quan ngại hơn, ngay cả Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người vốn được coi là thủ lĩnh của nhóm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng chấp nhận để Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải tháp tùng mình trong chuyến thăm Belarus và Nga cuối tháng Sáu vừa qua. Động thái này khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi: nhân vật đang nóng lòng được tiếp quản chiếc ghế Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng này sẽ chấp nhận đánh đổi những gì để nhận được sự chuẩn thuận của Trung Nam Hải và phe nhóm thân Tàu?
Việc Hà Nội đầu hàng trước Bắc Kinh trong vụ khoan thăm dò khí đốt tại Bãi Tư Chính là một diễn biến phù hợp với logic lập luận trên đây.
Tình hình sắp tới
Trở lại với việc một số nhân vật bất đồng chính kiến tên tuổi không còn bị canh giữ như trước. Thoạt tiên, đây có vẻ như là dấu hiệu cho thấy hoặc gánh nặng nợ công và tình trạng thâm thủng ngân khố đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của bộ máy công an, hoặc nhà cầm quyền đang thực hiện chính sách “vừa siết, vừa nới”.
Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, công an là đội quân “kiêu binh” của chế độ. Vì vậy, ngay cả khi tình hình ngân sách ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị thì lực lượng này cũng nằm cuối danh sách phải chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, Sài Gòn là địa phương đóng góp tới hơn 31% cho ngân sách cả nước nên lại càng khó tin là ngân sách dành cho lực lượng công an ở đây bị thắt chặt.
Ngoài ra, tuy ba nhà hoạt động nói trên không còn bị canh giữ thường xuyên, nhưng một nhà đấu tranh kỳ cựu khác là linh mục Phan Văn Lợi thì vẫn đang trong tình trạng bị “quản thúc tại gia” ở Huế, khi nhà cầm quyền bố trí một đội quân thay phiên nhau túc trực bên ngoài nhà ông, không cho ông ra khỏi nhà. Còn bác sỹ Nguyễn Đan Quế (người từng nhiều lần được đề cử giải Nobel Hoà Bình và luôn bị giám sát chặt chẽ hàng chục năm nay, với 3 camera gắn trên cả 3 ngõ vô nhà) thì nhận định là chưa có dấu hiệu gì cho thấy ông được “nới lỏng” cả.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mặc dù không còn bị canh giữ nhưng an ninh vẫn bí mật theo dõi ông. Điều này có nghĩa là việc một số nhà hoạt động nổi trội không còn bị canh giữ đơn giản chỉ là sự thay đổi chiến thuật của an ninh đối với vài đối tượng cụ thể. Việc sử dụng một đội quân thường xuyên canh giữ và đeo bám đối tượng rõ ràng là vừa phản cảm, vừa tốn kém mà hiệu quả lại không cao. Thay vào đó họ chỉ cần bí mật theo dõi và tổ chức ngăn chặn đối tượng mỗi khi diễn các sự kiện chính trị - xã hội là đủ. (Bác sỹ Nguyễn Đan Quế cho biết, hôm diễn ra phiên toà xét xử nhà hoạt động Trần Thuý Nga, ông bị hai nhân viên an ninh canh gác trong hai ngày liền.)
Với các vụ bắt bớ, khủng bố cùng những bản án nặng nề dành cho các nhà hoạt động gần đây, có  thể nói phong trào dân chủ đang đứng trước sự đàn áp khốc liệt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ngoài ra, mức độ khốc liệt khác thường này còn khiến người ta liên hệ đến những vấn đề nội bộ của nhà cầm quyền, thể hiện qua hai vụ việc đang khiến dư luận xôn xao là Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam “đầu thú” và ông trùm ngân hàng Trầm Bê bị bắt.
Tóm lại, bất chấp thực tế một số nhà hoạt động không còn bị canh gác, tình hình dân chủ - nhân quyền ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo chiều hướng xấu. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục ít nhất là cho đến Hội nghị Trung ương 7, diễn ra vào tháng 5/2018, một hội nghị mà người ta dự kiến là ông Nguyễn Phú Trọng, nhân vật bảo thủ và thân Tàu số 1 Việt Nam, sẽ rời khỏi chiếc ghế TBT. Và xu thế chính trị tại Việt Nam sau Hội nghị Trung ương 7 sẽ phụ thuộc rất lớn vào “thoả ước” giữa vị tân Tổng Bí thư với Bắc Kinh và phe nhóm thân Tàu trong bộ máy.


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.



Nguồn: VOA