Nguyen Phuong Linh | Reuters | 15.11.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng
HÀ NỘI (Reuters) – Với một doanh nghiệp đoản vốn, hoạt động trong lĩnh vực dệt may, bất động sản và nước đóng chai, Bitexco không phải là sự lựa chọn hiển nhiên để thi công tuyến xa lộ trị giá 757 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ trong dự án hợp tác công-tư đầu tiên ở Việt Nam.
Không một cuộc đấu thầu nào cho dự án này được thực hiện, mặc dù chính phủ cộng sản Việt Nam cam kết tạo ra một sân chơi bình đẳng trong các dự án công-tư. Các nhà đầu tư nói hợp đồng phi đấu thầu này – và sự ủng hộ mà WB dành cho nó – đã tạo ra một tiền lệ xấu đối với một đất nước vẫn đang tìm cách rũ bỏ tai tiếng về nạn tham nhũng, tình trạng quan liêu và các nhóm lợi ích, những vấn nạn vốn đã bén rễ từ lâu.
Tuy nhiên, sự ủng hộ đó lại được các quan chức WB mô tả như là một phần trong nỗ lực của Jim Yong Kim, Chủ tịch WB, nhằm khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào công cuộc phát triển, đặc biệt là tại những nước thu nhập trung bình như Việt Nam, trong khi đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ vẫn hiện hữu.
Tháng trước, khi loan báo chiến lược này, ông Kim nói rằng nếu chỉ sử dụng ngân sách công thì không thể xoá đói giảm nghèo và đáp ứng nhu cầu cầu hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Các quan chức WB cho biết là chính phủ đã chọn Bitexco xây dựng một đoạn 100km trong tuyến xa lộ Tp HCM – Phan Thiết sau khi công ty này thực hiện một nghiên cứu khả thi. Họ nói, các quy định về xã hội và môi trường của WB sẽ được đáp ứng, và việc chào giá cạnh tranh sẽ được đảm bảo, khi tiến hành đấu thầu để lựa chọn đối tác thứ hai.
“Cách tiếp cận sáng tạo này sẽ cho phép chúng ta giúp Việt Nam xây dựng tuyến cao tốc nhanh hơn, đem lại lợi ích từ phát triển kinh tế cho người dân sớm hơn”, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa phát biểu.
WB dành cho chính phủ Việt Nam một khoản viện trợ không hoàn lại và một số khoản vay với lãi suất ưu đãi cho dự án đường bộ này, giá trị của chúng vẫn chưa được quyết định.
Một số tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức khác đã cảnh báo rằng chiến lược mới của ông Kim (hợp tác với khu vực tư nhân) ẩn chứa những rủi ro về quản trị nếu không được thực thi đúng đắn.
“Trong chiến lược này, trọng tâm thực sự là hợp tác với khu vực tư nhân và chấp nhận rủi ro lớn hơn, với hy vọng là điều đó sẽ đem lại thành công”, Jessica Evans – nhà vận động kỳ cựu của tổ chức Human Rights Watch ở Washington – nhận xét.
“Mong muốn của WB đã đặt đúng chỗ. Tuy nhiên, thật không may, chúng ta lại thiếu những cơ chế nghiêm ngặt để đảm bảo mức độ chuyên tâm thích đáng như đòi hỏi, đặc biệt là liên quan đến vấn đề nhân quyền.”
Ở Việt Nam, việc thiếu đấu thầu cạnh tranh cho dự án đường bộ này đã bị chỉ trích.
“Tôi rất thất vọng”, một nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến dự án và đề nghị không nêu tên nhận xét. “Tôi từng kỳ vọng là chính phủ sẽ công khai dự án này với cơ hội bình đẳng cho tất cả các công ty tư nhân.”
Các quan chức WB nói rằng ngân hàng cho vay đã yêu cầu Bitexco đấu thầu ra bên ngoài để tìm kiếm một đối tác giúp thực hiện dự án.
“Bitexco chỉ có một số kinh nghiệm thi công, vì thế chúng tôi sẽ tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thứ hai, nhà đầu tư sẽ không chỉ đem đến nguồn tài chính bổ sung mà còn phải có kinh nghiệm đáng kể, với chuẩn mực cao”, Mark Moseley – đại diện WB giám sát dự án – cho biết.
Bitexco, vốn nổi tiếng nhờ xây dựng một toà nhà chọc trời mang tính biểu tượng ở Tp Hồ Chí Minh, đã tổ chức các cuộc triển lãm lưu động ở một số nước để tìm kiếm đối tác cho dự án đường bộ này.
Hồ sơ vòng sơ loại phải được nộp muộn nhất là ngày 29.11, việc đấu thầu có thể sẽ diễn ra trong năm tới.
“MÀU SẮC CHÍNH TRỊ”
Đây không phải là dự án đầu tư đầu tiên mà Bitexco nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ. Công ty này đã tham gia xây dựng 10 nhà máy thuỷ điện với tổng mức đầu tư 820 triệu USD, phần lớn là từ các khoản vay ngân hàng do chính phủ bảo lãnh, điều hiếm có đối với một doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam.
“Bitexco là một trong nhiều công ty ở Việt Nam mang màu sắc chính trị nhưng do nhiều nhân tố, trong đó có sự tham gia của các tổ chức đa phương, mà việc quản trị dự án sẽ chịu sự giám sát của nhiều người và điều đó sẽ giúp chúng ta,” Rodrigo France – chủ tịch Manila North Tollways, một công ty ở Philippines từng bày tỏ mối quan tâm đến dự án – nhận xét.
“Chúng tôi đã nghe một số báo cáo về các mối quan hệ chính trị của Bitexco nhưng chúng tôi nghĩ chúng tôi đang làm ăn với chính phủ Việt Nam cùng khu vực tư nhân của họ và đó là điều quan trọng với chúng tôi.”
Manila North là một đơn vị của tập đoàn đa ngành Metro Pacific Investments Corp ở Philippines, công ty này đến lượt lại là một công ty con của First Pacific Co. ở Hồng Kông.
Các nhà đầu tư khác lại có cảm xúc lẫn lộn về dự án hợp tác công-tư (PPP) đầu tiên này. Một mặt, đây là một bước nhảy khoáng đạt từ chỗ các DNNN vốn bóp nghẹt cạnh tranh vẫn được đối xử ưu đãi. Mặt khác, các dự án PPP, thay vì thế, có thể lại dung dưỡng một thứ văn hoá của chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) mà các doanh nghiệp nước ngoài không thể cạnh tranh nổi.
Tuy nhiên, chính phủ lại nói rằng dự án PPP đầu tiên này là công bằng và trung thực, mặc dù Bitexco được lựa chọn mà không phải cạnh tranh.
“Đây là một dự án thí điểm”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu với Reuters. “Điều này giải thích tại sao nó có những yếu tố đặc biệt. Chúng tôi không vi phạm bất kỳ quy định nào.”
Kế hoạch PPP bắt đầu được triển khai từ tháng 1.2011 và là một phần trong “kế hoạch kinh tế tổng thể” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát động nhằm phục hồi nền kinh tế từng một thời là con Hổ đầy triển vọng song nay đã đánh mất sức sống vì gánh nặng nợ nần và lạm phát (tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ và tín dụng thấp đã đẩy ít nhất 120.000 doanh nghiệp vào chỗ phá sản kể từ năm 2012).
Kế hoạch nêu rõ rằng các dự án PPP sẽ được dành cho các nhà thầu quốc tế và quốc nội, đồng thời thủ tục đấu thầu phải “phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”. Nó không đề cập gì đến bất kỳ hình thức sơ tuyển doanh nghiệp nào.
Mục đích của các dự án PPP là giảm bớt gánh nặng tài chính của nhà nước dành cho hạ tầng tại một đất nước mà ở đó nợ công, kể cả nợ của các DNNN luôn thất thoát vốn, tương đương 95% GDP (theo một báo cáo của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội).
Chủ tịch Bitexco Vũ Quang Hội nói, công ty của ông sẽ đóng góp 60%, hay 90 triệu USD, trong khoản đầu tư tư nhân 150 triệu USD vào dự án xa lộ.
Khoản 607 triệu USD còn lại sẽ đến từ chính phủ, ông Vũ Quang Hội nói. Ngân hàng Thế giới cho biết, họ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho dự án cả trực tiếp lẫn gián tiếp, thông qua một khoản viện trợ không hoàn lại để chính phủ góp vào dự án và một khoản vay với lãi suất ưu đãi, mà chính phủ sẽ dùng để cấp tín dụng cho Bitexco.
Ông Hội nói Bitexco ký kết thương vụ này vì phần nền móng họ làm trước và họ đã từ chối những dự án nhiều lợi nhuận hơn để ký kết hợp đồng thi công xa lộ này, bởi Việt Nam “cần một công ty tiên phong” có năng lực thi công.
“Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm xây dựng hạ tầng cho các dự án thuỷ điện”, ông Hội phát biểu với Reuters trong một cuộc phỏng vấn. “Điều đó còn khó hơn nhiều so với thi công đường cao tốc.”
Tuy nhiên, dự án này lại không thuyết phục được một số nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm hệ trọng với Việt Nam, quốc gia đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ các thị trường trong khu vực, khi một số nước đưa ra những ưu đãi hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp nước ngoài.
“Chính phủ Việt Nam đang huỷ hoại cơ hội cuối cùng để giành được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài”, giám đốc một phòng kinh doanh nước ngoài ở Tp HCM (người yêu cầu không nêu tên) nhận xét. “Đối với tôi, dự án này trông giống hình thức hợp tác ‘nhà tài trợ - chiến hữu’ nhiều hơn là hợp tác ‘công - tư'.”
- (Phóng sự bổ sung: Anna Yukhananov ở Washington và Umesh Desai ở Hồng Kông; biên tập: Martin Petty và Raju Gopalakrishnan)
Nguồn: Reuters/ Defend the Defenders
No comments:
Post a Comment