Thursday, November 21, 2013

The Diplomat: Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục đạt được những bước tiến chiến lược quan trọng

Chuyến thăm cấp cao đến New Delhi tuần này cho thấy một loạt lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.

Ankit Panda | The Diplomat | 21.11.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng



Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị kết thúc chuyến thăm quan trọng tới New Delhi. Chuyến thăm dường như lại tiếp thêm sức sống cho mối quan hệ vốn dĩ đã nồng ấm giữa hai quốc gia Á Châu này, đồng thời cũng đưa đến những thoả thuận ảnh hưởng tới tương lai của quan hệ Việt-Ấn trên Biển Đông. Bắt đầu với chuyến thăm này, New Delhi sẽ dành vài tháng tới cho nghị trình ngoại giao Hướng Đông của mình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng sẽ sớm công du New Delhi.
Trong diễn tiến của chuyến thăm tuần này – chuyến thăm quan trọng thứ ba mà các nhà lãnh đạo Việt Nam thực hiện kể từ năm 2011 – Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết nhiều thoả thuận và một Biên bản Ghi nhớ quan trọng. Nếu ai đó từng nghi ngờ về mức độ sâu rộng chiến lược của mối quan hệ này – vốn được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 – thì những thoả thuận này sẽ xua tan những nghi ngờ ấy.
Ấn Độ đã sải những bước dài trong công cuộc hiện thực hoá “Chính sách Hướng Đông” vốn bị trì hoãn khá lâu bằng cách cung cấp khoản tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam mua vũ khí. Phía Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển. Ngoài ra, hai bên còn ký một thoả thuận về dịch vụ hàng không nhằm tăng lượng hành khách hàng không trực tiếp giữa hai nước và thoả thuận thành lập một “phòng thí nghiệm tội phạm công nghệ cao ở Hà Nội” – sự kiện đã được bàn thảo đầu năm nay. Phòng Thí nghiệm Tội phạm Công nghệ cao Indira Gandhi (IGHCL), tên gọi chính thức của phòng thí nghiệm, được tài trợ thông qua một khoản viện trợ tài chính của Ấn Độ (cũng được nhất trí trong chuyến thăm này).
Về quan hệ thương mại, hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015. Theo Indo-Asian News Service, Việt Nam trao cho tập đoàn Tata Power của Ấn Độ một hợp đồng quan trọng, “xây dựng nhà máy nhiệt điện than Long Phú II ở Sóc Trăng”. Ấn Độ đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách ngoại giao của mình bằng cách lần đầu tiên tặng một siêu máy tính cho nước khác – Trung tâm Tính toán Hiệu năng cao PARAM tại Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng máy tính này.
Sự hào phóng tích cực về mọi mặt của Ấn Độ xem ra đã đem lại kết quả. Đáp lại sự can dự đầy khích lệ của Ấn Độ với Việt Nam, phía Việt Nam tuyên bố rằng họ đánh giá cao “vai trò mang tính xây dựng” của Ấn Độ trên Biển Đông. Rõ ràng, Ấn Độ quan tâm đến việc kéo Việt Nam vào vòng ảnh hưởng của mình để đối trọng với Trung Quốc trong khu vực (giống như Nga), và hai bên có mối quan hệ quốc phòng ngày càng sâu sắc. Ấn Độ đã hỗ trợ và đào tạo thuỷ thủ đoàn tàu ngầm cho Việt Nam.
Việt Nam giao cho Ấn Độ, nước đã hợp tác với Việt Nam trong hoạt động thăm dò dầu ngoài khơi Biển Đông, 7 lô dầu ngoài khơi để thăm dò. Hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực này trong quá khứ từng khiến Trung Quốc tức giận. Tờ Times of India đưa tin: “Năm ngoái, khi Ấn Độ muốn từ bỏ lô dầu số 128 ngoài khơi Biển Đông của Việt Nam vì ở đó thực sự không có dầu, Hà Nội đã yêu cầu New Delhi ở lại cho đến tận năm 2014. Chuyện này xẩy ra giữa lúc Trung Quốc đang phùng mang trợn má để bảo vệ yêu sách của mình trên Biển Đông.”
Cái cách Ấn Độ tiếp cận Việt Nam đã thay đổi từ hình thức dựa chủ yếu vào tình đoàn kết hậu thuộc địa sang hình thức ngày càng dựa trên tầm nhìn chiến lược. Phương diện kinh tế của mối quan hệ không thực sự được mở rộng cho đến những năm gần đây do sự trì hoãn của quá trình tự do hoá ở Ấn Độ và chính sách kinh tế phi tự do của Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Tính chất bổ trợ chiến lược quan trọng của mối quan hệ nằm ở chỗ, khi hai nước tăng cường quan hệ, họ đều nhận thấy vị thế của mình trước Trung Quốc ngày càng lớn hơn. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là một nút thắt trọng yếu trong nỗ lực nhằm xoá nhoà lằn ranh giữa Ấn Độ Dương và những lợi ích ở Biển Đông của họ.
Việt Nam vẫn luôn coi Ấn Độ là một đối tác Á Châu quan trọng, luôn nhớ tới sự ủng hộ mà Ấn Độ dành cho mình trong cuộc chiến tranh ở Campuchia hàng chục năm trước. Ấn Độ, trong tầm nhìn chiến lược của Việt Nam, là một đối trọng khả dĩ với Trung Quốc. Những năm gần đây, Việt Nam vẫn nhiệt tình mời Ấn Độ tới Biển Đông để thăm dò tài nguyên. Thậm chí, họ còn đi xa đến mức mời chào Ấn Độ tới thăm dò tại những khu vực mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền (Ấn Độ đã quyết định không theo đuổi vì sự bất khả thi của công nghệ khai thác). Chắc chắn, Việt Nam sẽ tiếp tục ve vãn Ấn Độ như một đối tác chủ chốt trước thái độ đón nhận của Ấn Độ. Trong bối cảnh hai nước tiếp tục hợp tác về quốc phòng và năng lượng, mối quan hệ Việt-Ấn chỉ có thể trở nên quan trọng hơn trong việc định đoạt kết cục địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái  Bình Dương.

No comments:

Post a Comment