Carlyle Thayer | The Diplomat | 6.11.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng
Tháng trước, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tổ chức hai cuộc họp an ninh cấp cao thường niên quan trọng ở Washington: Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng lần thứ 6 và Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 4.
Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng Mỹ-Việt lần thứ 6diễn ra ngày 1.10 ở cấp thứ trưởng. Đại diện Hoa Kỳ là Quyền Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách chính trị - quân sự Tom Kelly và đại diện của Việt Nam là Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc.
Cuộc đối thoại này có một nghị trình đa dạng, liên quan đến toàn bộ những chủ đề được quan tâm về chính trị, an ninh và quốc phòng. Điều này được phản ảnh qua thành phần tham dự.
Phái đoàn Mỹ bao gồm các đại diện đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cơ quan Phát triển Quốc tế và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Phái đoàn Việt Nam bao gồm các đại diện đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Nghị trình của cuộc Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng lần thứ 6 bao gồm chống khủng bố, chống buôn bán ma tuý, nạn buôn người, thực thi luật lệ về Internet, quốc phòng và an ninh, ứng phó thảm hoạ, tìm kiếm cứu nạn, các vấn đề di sản chiến tranh và hợp tác trong các tổ chức khu vực như ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Đối thoại Chính sách Quốc phòng Mỹ-Việt lần thứ 4cũng được tổ chức ở cấp thứ trưởng, với sự tham dự của các quan chức quốc phòng hai bên. Cuộc đối thoại lần thứ tư diễn ra ở Washington trong hai ngày 28-29/10. Đại diện phía Hoa Kỳ là Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách Nam Á và Đông Nam Á Vikram Singh, còn đại diện của Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Cả hai cuộc đối thoại đều diễn ra trong khuôn khổ của Biên bản Ghi nhớ (MOU) về Thúc đẩy Hợp tác Quốc phòng Song phương ngày 19.9.2011 và Tuyên bố chung Mỹ-Việt ngày 25.7.2013.
Biên bản Ghi nhớ năm 2011 đặt ra 5 lĩnh vực ưu tiên cho hợp tác quốc phòng song phương: đối thoại cấp cao định kỳ giữa Bộ Quốc phòng hai nước, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ, và gìn giữ hoà bình. Trên thực tế, Biên bản Ghi nhớ này là một sự thể chế hoá các hoạt động đã và đang diễn ra. Biên bản Ghi nhớ cũng là một biện pháp minh bạch nhằm giảm bớt – tới mức độ khả dĩ – lo ngại của Bắc Kinh về sự câu kết quân sự Mỹ-Việt hòng chống Trung Quốc.
Các cuộc đối thoại quốc phòng Mỹ-Việt diễn ra dưới cái bóng của di sản chiến tranh Việt Nam. Việt Nam sử dụng những dịp như thế để loan báo tiến bộ trong hoạt động tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Chẳng hạn, trong chuyến thăm Hà Nội tháng 6.2012 của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Việt Nam đã thông báo là họ đang khai trương 3 trang mạng mới để phục vụ cho mục đích tìm kiếm lính Mỹ mất tích. Điều này diễn ra ngay trước thềm của cuộc Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng lần thứ 5. Tại cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng Mỹ-Việt lần thứ 2, Việt Nam đã trao 6 bộ hồ sơ liên quan đến hoạt động tìm kiếm lính Mỹ mất tích.
Washington sử dụng các dịp đối thoại quốc phòng để tái khẳng định cam kết liên tục trong việc rà phá bom mìn từ thời chiến tranh Việt Nam và xử lý hậu quả độc hại của chất độc da cam. Tại cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 2, chẳng hạn, Hoa Kỳ tuyên bố là họ sẽ tiếp tục giúp Việt Nam trong việc khắc phục “hậu quả của chiến tranh”, một lối nói uyển ngữ về bom mìn chưa nổ và tình trạng nhiễm độc dioxin.
Hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt theo Biên bản Ghi nhớ 2011 đã diễn ra với một nhịp độ thận trọng và từ từ. Ngay trước khi ký kết Biên bản Ghi nhớ này, chiếc tàu đầu tiên của Bộ Tư lệnh Hải vận Quân sự đã được sửa chữa nhỏ tại vịnh Cam Ranh. Bốn tàu khác của Bộ Tư lệnh Hải vận Quân sự đã được sửa chữa ở đây sau khi MOU được ký kết. Chi phí mỗi lần sửa chữa là dưới nửa triệu USD.
Tháng 10.2011, Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam đã có bài phát biểu trước tập thể giảng viên và sinh viên của Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ. Lần đầu tiên, Việt Nam đã gửi một sinh viên tới Đại học Chiến tranh Hoa Kỳ (U.S. War College) và một tới Trường Tham mưu Hải quân Hoa Kỳ (U.S. Naval Staff College).
Từ tháng Sáu đến tháng Tám 2012, Việt Nam đã gửi nhà quan sát đầu tiên của mình đến cuộc Tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Tháng Bảy 2012, Hoa Kỳ đón tiếp Ban Chỉ đạo 501, cơ quan phụ trách xử lý vật liệu nổ tại Việt Nam. Tháng 10 cùng năm, tàu sân bay USS George Washington đón tiếp phái đoàn quan chức Việt Nam ra thăm trên vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển phía Đông Việt Nam.
Năm 2012, Việt Nam đón tiếp nhiều quan chức cấp cao Mỹ, trong đó có Tư lệnh Hạm đội 7 (tháng Giêng), Bộ trưởng Quốc phòng Panetta (tháng Sáu), Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương và một phái đoàn của Đại học Quốc phòng Mỹ (tháng Mười). Tháng 4/2012, Việt Nam tổ chức giao lưu hải quân Việt-Mỹ lần thứ 3 tại cảng Đà Nẵng với các hoạt động liên quan đến hoạt động đào tạo cứu hộ hàng hải, cứu trợ thảm hoạ, nhưng không có tập trận bắn đạn thật hay trao đổi kỹ năng chiến đấu.
Năm 2013, Việt Nam tổ chức Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 3 vào tháng Giêng và giao lưu hải quân phi tác chiến lần thứ 4 tại Đà Nẵng vào tháng Tư.
Một sự kiện quan trọng khác là cuối tháng 6/2013, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã lần đầu tiên tiếp đón Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (và là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Thượng tướng Tướng Đỗ Bá Tỵ. Đoàn Việt Nam còn có Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Phó Tư lệnh Hải quân và Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo.
Quan hệ song phương Việt-Mỹ vươn lên tầm cao mới khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Chủ tịch Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng vào tháng 7/2013. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí “mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương” bằng việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt.
Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo bao gồm 9 điểm. Điểm thứ sáu là về các vấn đề di sản chiến tranh và điểm thứ bảy liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh. Không sáng kiến quan trọng nào phù hợp với bản chất đang tiến triển của mối quan hệ quân sự song phương được hai bên loan báo.
Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ sự hài lòng với việc thực hiện MOU 2011và tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Biên bản Ghi nhớ này. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tổ chức các cuộc Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng và Đối thoại Chính sách Quốc phòng giữa hai nước.
Về hợp tác trong quan hệ tương lai, hai bên quyết định mở rộng hợp tác để nâng cao năng lực ứng phó thảm hoạ và tìm kiếm cứu nạn cho Việt Nam và tăng cường hợp tác về an ninh phi truyền thống. Tuyên bố chung giữa hai nước lưu ý đến hoạt động chống khủng bố, thực thi pháp luật hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia (cướp biển, tội phạm công nghệ cao, và buôn bán người, ma tuý và động thực vật hoang dã) và an ninh mạng. Tổng thống Obama đề nghị hỗ trợ công tác đào tạo và hỗ trợ khác cho việc Việt Nam lần đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Nghị trình của cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng Mỹ-Việt lần thứ 4 bao gồm các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, an ninh hàng hải, di sản chiến tranh (kể cả thông tin về các trường hợp lính Mỹ mất tích trong chiến tranh – MIA), hợp tác trong các diễn đàn đa phương như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho cam kết tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ của Việt Nam, và kế hoạch hợp tác năm 2014.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao 4 bộ hồ sơ chứa đựng thông tin về các khu vực tìm kiếm MIA mới. Singh cam kết tăng cường hỗ trợ hoạt động tẩy rửa chất độc da cam và rà phá bom mìn.
Kết quả mới? Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai lực lượng hải quân và các học viện quốc phòng. Một Biên bản Ghi nhớ về hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước đã được ký kết.
Sự tiến triển từ từ của các cuộc đối thoại Mỹ-Việt về chính trị, an ninh và quốc phòng phản ảnh cách tiếp cận thận trọng của Việt Nam trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa họ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việt Nam, chẳng hạn, cho đến nay vẫn từ chối tham gia tập trận chung với Mỹ.
Việt Nam giới hạn tàu Hải quân Mỹ ghé thăm cảng của mình mỗi năm một lần và tiếp tục cấm tàu chiến Mỹ tiến vào vịnh Cam Ranh. Đồng thời, Việt Nam vẫn chưa chuẩn thuận yêu cầu của Bộ trưởng Panetta đưa ra tháng 6.2012 về việc thiết lập Văn phòng Hợp tác Quân sự trong Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội.
Việt Nam cũng không hài lòng với điều mà họ coi là cam kết thiếu mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc giải quyết những di sản của chiến tranh. Trong một cuộc phỏng vấn ngay sau khi kết thúc Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 4, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu: “Một mối quan hệ quốc phòng tốt hơn cần được xây dựng trên cơ sở hiệu quả của sự hợp tác thiết thực, kể cả việc khắc phục hậu quả chiến tranh… Nhìn chung, Hoa Kỳ đã hợp tác tích cực với Việt Nam trong vấn đề này, nhưng chừng đó là chưa đủ vì những hậu quả của chiến tranh là rất khủng khiếp.” Tướng Vịnh cũng lưu ý rằng theo ý kiến của ông thì “chúng ta phải xây dựng lòng tin chiến lược giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai nước…”.
Nhận xét này có thể là sự đề cập đến những hạn chế của Mỹ đối với việc bán vũ khí cho Việt Nam bất chấp yêu cầu trực tiếp từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đối với Bộ trưởng Panetta tháng 6.2012.
Theo Quy định Buôn bán Vũ khí Quốc tế (International Trafficking in Arms Regulations), Hoa Kỳ chỉ có thể bán cho Việt Nam một số khí tài và dịch vụ phi sát thương trên cơ sở từng thương vụ một. Việc bán vũ khí sát thương và một số khí tài phi sát thương như kính nhìn ban đêm vẫn bị cấm.
Gần đây, Việt Nam đưa ra sáng kiến giải quyết vấn đề lòng tin chiến lược. Cuối tháng Tám, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng ở Brunei, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel thăm Việt Nam năm 2014. Chuck Hagel đã đồng ý.
Theo một thoả thuận năm 2003, Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí trao đổi các cuộc thăm viếng luân phiên của Bộ trưởng Quốc phòng mỗi nước 3 năm một lần. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Washington năm 2003 và 2009. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ công du Hà Nội năm 2006 và 2012. Chuyến thăm của Hagel có thể là dấu hiệu chấm dứt chu kỳ 3 năm và thiết lập sự liên hệ thường xuyên giữa các Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước.
Nguồn: The Diplomat
Nồng ấm chỉ là ảo giác mà những tên điếm chính trị hạng tồi, bộ chính trị cộng sản muốn tạo ra cho nhân dân Việt Nam để nhân dân đừng lật đổ chúng, cơ hội cho những tên bán nước tiếp tục ngồi trên đầu của 86 triệu dân Việt dài lâu!
ReplyDeleteKhông phải mọi điều Carl Thayer nói đều đúng.