Friday, August 10, 2012

KHÔNG TỪ BỎ NGUYÊN LÍ DNNN GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO, ĐẤT NƯỚC KHÔNG THỂ TIẾN LÊN

Lời dẫn
Ông Nguyễn Huy Canh là một cựu chiến binh, với 5 năm phục vụ trong quân ngũ (1972-1977). Sau khi phục viên, ông vào học khoa triết tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi tham gia giảng dạy nhiều năm tại Trường Đảng tỉnh Quảng Ninh và Trường Đảng Tô Hiệu Tp Hải Phòng. Ông từng có nhiều bài viết đáng chú ý đăng trên các trang mạng trong và ngoài nước. Mặc dù đã có vô số bài viết phê phán, bác bỏ cái gọi là “vai trò chủ đạo” của các DNNN trong “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” ở Việt Nam trên cả báo chí “lề trái” lẫn “lề phải”, song cách lập luận của một cựu giảng viên trường Đảng về vấn đề này hẳn sẽ có tác dụng “thức tỉnh” nhất định đối với những ai trong hệ thống vẫn còn đang “u u mê mê” giữa một mớ khái niệm chính trị - kinh tế - xã hội được nhào nặn bởi những bộ óc siêu (hoang) tưởng.
Bài do tác giả gửi trực tiếp cho blog Lê Anh Hùng.


KHÔNG TỪ BỎ NGUYÊN LÍ DNNN
GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO, ĐẤT NƯỚC  KHÔNG THỂ TIẾN LÊN
                                                                             

Nguyễn Huy Canh

Bộ Chính trị vừa tổ chức hội nghị kiểm điểm các vị uỷ viên. Dù chưa biết gì về nội dung, cách thức và kết quả của hội nghị này, nhưng tôi cho rằng nếu trong nội dung kiểm điểm về chủ trương, đường lối và những quan điểm lớn mà lãnh đạo Đảng còn giữ nguyên cái tư tưởng định hướng theo đó kinh tế nhà nước (với trọng tâm, trọng lực là doanh nghiệp nhà nước) giữ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO, là công cụ hữu hiệu điều tiết kinh tế vĩ mô, điều tiết thị trường, cùng với những việc làm cụ thể hóa tư tưởng ấy như tái cấu trúc DNNN, đầu tư nguồn vốn, nhân lực và ban hành chính sách... thì đây còn là mảnh đất màu mỡ (là cơ sở hiện thực) cho sự TỒN TẠI của thể chế, cơ chế lãnh đạo chuyên chế, độc quyền (không có quyền lực để giám sát, kiểm soát, kiềm chế) từ chính trị đến kinh tế và sự lũng đoạncủa các nhóm lợi ích. Hệ quả là nền kinh tế còn tiếp tục chậm phát triển, và có nguy cơ rơi vào khủng hoảng; đời sống của hàng triệu người lao động còn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do mất việc làm, tiền lương thực tế thấp; hàng chục vạn doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ tiếp tục lao đao, khốn quẫn và buộc phải đóng cửa; tham nhũng vẫn phát triển mạnh trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; quyền tự do của nhân dân trên các lĩnh vực SX-KD, chính trị và tư tưởng vẫn ngày càng bị hạn chế và bị vi phạm theo những cách thức và mức độ khác nhau.
Người ta cứ đổ cho Thủ tướng bất tài trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, điều đó quả là đúng một phần. Nhưng với một đội ngũ tham mưu yếu kém trong việc đưa ra các chính sách về đầu tư và tài chính, nhất là khi họ lại có lòng tham không đáy, cùng tư tưởng ĐỊNH HƯỚNG nói trên, thì dù Thủ tướng có tài ba đến mấy cũng khó mà xoay chuyển được tình hình. (Nhân đây tôi cũng xin mở ngoặc nói thêm là trước sự đổ vỡ của những Vinashin, Vinalines cùng hàng trăm tỉ VNĐ bị đánh cắp, thất thoát, còn thủ phạm Dương Chí Dũng thì ôm tiền hàng triệu dollar bỏ chạy; trước tình trạng nợ xấu ngân hàng phải nhờ đến Chính phủ giải cứu... mà ông Bộ trưởng Vũ Đức Đam không những không một chút xấu hổ, bức xúc mà còn nói xơi xơi về cái “khách quan” và cái “thành tích” với bộ mặt hơn hớn khi trả lời báo chí thì chúng ta cũng hiểu được đội ngũ quan chức ở Việt Nam hiện nay là thế nào.)
Chúng ta chỉ có một lựa chọn đúng đắn ở đây, đó là những gì mà nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu như TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia Phạm Chi Lan, v.v. đã từng khuyến nghị: phải thu hẹp tối đa (tức là tới mức cần thiết) số lượng cũng như phạm vi hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước để nhường phần lớn sân chơi cho các doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó, các chính sách của Nhà nước cần quan tâm mạnh mẽ đến các doanh nghiệp tư nhân cũng như tạo điều kiện về về vốn, khoa học - công nghệ, mặt bằng, v.v. nhằm giúp cho thành phần kinh tế này vươn lên. Chừng nào đội ngũ doanh nhân tư nhân của đất nước được ưu tiên, và trở thành một lực lượng phổ biến trong xã hội, có đủ sức mạnh chi phối các quan hệ sản xuất và làm thay đổi các giá trị văn hóa cũ nát với sức ỳ hàng nghìn năm tích tụ của một xã hội còn nhiều chất thuần nông, manh mún, làng xã như hiện nay, chừng đó nền kinh tế đất nước mới phát triển, nền dân chủ chính trị mới được cải thiện, thể chế lãnh đạo đất nước và bộ máy công quyền quản trị xã hội đang ở trạng thái xa dân, quan liêu và, không ít trường hợp, vì lợi ích của một nhóm nắm quyền lãnh đạo, thậm chí còn khiến cho Nhà nước còn đứng ở thế đối lập với nhân dân như những lực lượng đầy thù hận (các vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Bình Khánh - Q2 Tp HCM, v.v.) mới thay đổi từng bước theo hướng tiếp cận ngày một gần hơn với những đòi hỏi của nhân dân, với các giá trị văn minh của xã hội hiện đại - đó là một chính quyền dân chủ, một xã hội dân sự không ngừng lớn mạnh. Cuối cùng, tôi cũng tin chắc rằng, với cơ chế và định hướng chiến lược như thế, chắc chắn Việt Nam sẽ lặp lại những kỳ tích mang tên Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore trong công cuộc phát triển kinh tế, cũng như đạt được những tiến bộ về nhân quyền theo các giá trị phổ quát của nhân loại. Và lúc đó, chỉ số tham nhũng hay sự giả dối không còn là nỗi ám ảnh trong lương tri của mỗi chúng ta./.
10.8.2012
NHC

                                                                                                                             

1 comment:

  1. DNNN và đất đai chính là con gà đẻ trứng vàng cho các quan chức cấp cao.

    ReplyDelete