Lê Anh Hùng
Hà Nội, 27/8/2012
Báo Người Lao Động ngày 23/8 vừa qua đã đăng một bài viết nóng sốt – “Tình báo Trung Quốc ‘làm mất điện diện rộng ở Ấn Độ’”:
Giới truyền thông Ấn Độ hôm 22-8 rộ lên thông tin hai lần mất điện trên diện rộng – một nửa lãnh thổ Ấn Độ – hồi cuối tháng 7 vừa qua là do bàn tay của tình báo Trung Quốc.
Sau khi điều tra, cơ quan tình báo Ấn Độ phát hiện ra các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc lẫn trong hệ thống điện lưới quốc gia đang "có vấn đề" của Ấn Độ. Hiện tại, các cơ quan chức năng Ấn Độ đang điều tra 2 công ty Ấn Độ đã nhập những linh kiện này từ Trung Quốc.
…Cơ quan tình báo Ấn Độ cáo buộc tình báo Trung Quốc đang lợi dụng các thiết bị phần cứng máy tính và linh kiện bán cho nước này để thu thập các tin tức tình báo, đẩy mạnh các hoạt động tấn công Ấn Độ.
…“Đến năm 2017, Trung Quốc sẽ trở thành chuyên gia phá hoại bí mật. Việc tình báo Trung Quốc phá hoại hệ thống điện lực của Ấn Độ sẽ làm chậm tốc độ phát triển kinh tế nước này, cản trở triển vọng tăng trưởng của New Delhi ”, cơ quan tình báo Ấn Độ nhận định.
Trước đó, ngày 16/7/2012, tờ Vietnamnetđã đăng bài “Trung Quốc theo dõi tới 80% liên lạc của thế giới?”:
Chính phủ Trung Quốc có thể truy cập trên diện rộng đối với 80% liên lạc của thế giới, trao cho họ khả năng tiến hành hoạt động gián điệp công nghiệp từ xa và thậm chí phá hoại về mặt điện tử các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Mỹ và các nước công nghiệp khác.
Các chuyên gia viễn thông nói với trang WND.com rằng Chính phủ Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) sở dĩ có khả năng này là nhờ hai công ty Huawei Technologies và ZTE Corporation.
Các nguồn tin do ông Michael Maloof, từng là nhà phân tích chính sách bảo mật tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dẫn lời nói rằng với khả năng này, người Trung Quốc đang tìm xâm nhập tiếp đối với 20% hoạt động liên lạc còn lại, nhờ những chương trình “cửa sau” được cho là Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho Huawei và ZTE cài đặt trong các thiết bị của họ ở trên 140 quốc gia. Hai công ty này phục vụ 45 trong số 50 nhà điều hành viễn thông lớn nhất thế giới… Hệ quả là, bất cứ thông tin nào đi qua “bất cứ” mạng lưới nào do Huawei trang bị đều không an toàn trừ khi nó được mã hóa bởi quân đội.
Còn báo Thanh Niên ngày 22/7/2012 thì đăng bài “Mối lo ngại từ Huawei”: Một số nước và vùng lãnh thổ đang quan ngại sâu sắc về vấn đề an ninh đối với Huawei (Hoa Vi), nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc. Trong khi đó, hầu hết các nhà mạng đang hoạt động tại VN đều sử dụng thiết bị của Huawei. Bài báo còn cho biết là trong khi những đối thủ chủ yếu của Trung Quốc là Đài Loan, Mỹ và Ấn Độ đều hoặc là cấm hoặc là ngăn chặn các thiết bị mạng của Huawei và ZTE (Trung Quốc) thì các nhà mạng tại Việt Nam (cụ thể ở đây là Mobifone) lại điềm nhiên xem như không có vấn đề gì. Tuy nhiên, bài báo cũng dẫn ý kiến của một chuyên gia viễn thông tại Tp HCM là vấn đề an ninh thông tin mạng cần phải được xem xét nghiêm túc dưới sự chỉ đạo của Chính phủ (như ở Đài Loan, Mỹ hay Ấn Độ), bởi bản thân mỗi nhà mạng chỉ lo hoạt động kinh doanh và đôi khi giá cả lại quyết định việc chọn nhà cung cấp mà không nghĩ đến các vấn đề xa hơn.
Điều mỉa mai ở đây là vị chuyên gia viễn thông kia có lẽ không biết được rằng những người lãnh đạo Chính phủ hiện hành không chỉ đã và đang dâng ngành điện của Việt Nam cho Trung Quốc mà thậm chí còn đẩy nền kinh tế Việt Nam chui đầu ngày càng sâu vào cái vòng thòng lọng của người láng giềng phương Bắc “4 tốt 16 chữ vàng” này.
Những thông tin trên đây hẳn sẽ khiến cho tất cả những ai quan tâm đến vận mệnh nước nhà không khỏi giật mình thon thót. Xem ra cái vòng kim cô mà “bạn” đã “thân ái” đặt lên đầu chúng ta đang siết chặt dần. Liệu “Bắc thuộc” có phải là thực tế không thể tránh khỏi của dân tộc này không?
Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 27.8.2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/08/tu-chuyen-trung-quoc-gay-mat-ien-o-o.html
Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 27.8.2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/08/tu-chuyen-trung-quoc-gay-mat-ien-o-o.html
No comments:
Post a Comment