Saturday, August 25, 2012

VỤ “BẦU KIÊN” RỒI SẼ ĐI ĐẾN ĐÂU?

Lê Anh Hùng
Hà Nội, 26/8/2012



Mấy ngày vừa qua, vụ bắt giữ ông trùm Nguyễn Đức Kiên đang thực sự làm rúng động dư luận trong và ngoài nước. Và với việc blog Quan Làm Báo là nơi đầu tiên công bố thông tin sốt dẻo về vụ bắt giữ, người ta lại càng tin vào những gì mà blog này đã đăng tải kể từ khi nó ra đời vào cuối tháng 5/2012 cho đến nay.
Các bài viết trên Quan Làm Báo phần lớn nhằm mục đích phanh phui những hoạt động mờ ám nhằm thâu tóm ngân hàng và doanh nghiệp, cũng như hành vi lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam, do các nhóm mafia chính trị cấu kết với mafia kinh tế thực hiện dưới sự chỉ đạo và bảo kê của một “ông trùm của những ông trùm” mà blog này không ngần ngại chỉ đích danh.
Những ai tỉnh táo và hiểu biết đều nhận ra rằng vụ việc này thực chất là biểu hiện bên ngoài của tình trạng đấu đá, tranh giành quyền lực dai dẳng ở bên trong giới lãnh đạo chóp bu của Việt Nam; gì chứ riêng chuyện tham nhũng trong giới quan chức lớn bé ở Việt Nam hiện nay thì “lòng vả cũng như lòng sung” cả thôi.
Qua những gì mà blog Quan Làm Báo công bố từ cuối tháng 5/2012 đến nay, và với vụ bắt giữ ông trùm Nguyễn Đức Kiên vừa rồi, lực lượng công an Việt Nam, bằng nghiệp vụ của mình, chắc chắn thừa sức phanh phui ra vụ việc, vạch mặt chỉ tên “bố già” thực sự nào đứng đằng sau các nhóm mafia chính trị - kinh tế vẫn đang lũng đoạn và xâu xé nền kinh tế nước nhà suốt mấy năm qua, mà theo như blog này khẳng định thì đó chính là vị Thủ tướng “xuất sắc nhất Châu Á” kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng! Nếu đúng như vậy thì đây chính là một thời cơ lớn cho đất nước nói chung và cho Đảng CSVN nói riêng để lột xác và hoà mình vào dòng chảy tự do - dân chủ của nhân loại tiến bộ, ngõ hầu đưa đất nước vượt qua những thách thức cam go cả bên trong lẫn bên ngoài hiện nay, bởi không ai khác mà chính thể chế hiện hành mới sinh ra những “Bầu Kiên”, Trầm Bê hay những kẻ đứng đằng sau họ, đồng thời là căn nguyên của tình trạng tụt hậu, rối ren và bế tắc hiện nay của Việt Nam.

Chính phủ khoá XIII ra mắt Quốc hội ngày 3/8/2011.
Ấy vậy nhưng, qua những động thái của giới lãnh đạo xung quanh thời điểm xẩy ra vụ bắt giữ “Bầu Kiên” vừa rồi, xem ra những ai vừa mới kịp nhen lên đôi chút hy vọng thì gần như lại ngay lập tức cảm thấy thất vọng tràn trề. Đầu tiên là phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Toàn quốc về Đổi mới Công tác Cán bộ diễn ra ngày 20/8/2012 ở Tp HCM:
…Phải xây dựng quy hoạch cán bộ. Nhưng mà chỉ xin nhấn với các đồng chí là đường lối nào thì cán bộ ấy. Đường lối cán bộ phải phục vụ cho đường lối chính trị, phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đường lối chính trị. Trước hết dùng cán bộ phải dùng cán bộ nào? Có theo đường lối chính trị, có theo quan điểm đường lối hay không, hay là cứ nói trái, làm trái? Anh đã thông qua cương lĩnh, thông qua đường lối này rồi mà anh cứ nói khác, làm khác thế mà dùng anh vào đây thì nguy hiểm vô cùng, nhất là ở cấp cao. Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng, phải rất tỉnh táo. Nếu lựa chọn sai, bố trí sai thì thưa các đồng chí, “sai một ly đi một dặm đấy”!
Tiếp theo đó là bài viết sáo mòn của CTN Trương Tấn Sang ngày 22/8/2012. Và cuối cùng là “sô diễn” của “danh hài chính trị” Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng ngày 22/8/2012:
…Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo TW Phòng chống Tham nhũng, cũng đánh giá cao Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Thủ tướng CP, khởi tố, điều tra để đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng. Thủ tướng CP yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật tất cả những người, bất cứ ai, có hành vi vi phạm pháp luật, công khai minh bạch, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong cả nước.[1]

TT Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp BCĐ TW về Phòng chống TN ngày 22/8/2012
Xem ra chính tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn” hơn là ý thức về trọng trách trước Tổ quốc và nhân dân mới là động lực chính của những nhân vật chủ chốt đứng đằng sau vụ bắt giữ “Bầu Kiên”. Và rồi khi vở tuồng mang tên “chỉnh đốn Đảng” hạ màn, cả guồng máy chính trị rệu rã hậu “chỉnh đốn” sẽ lại tiếp tục lao vào một vòng xoáy mới, nguy hiểm hơn, để nền kinh tế lại nhanh chóng cho ra đời những Vinashin, Vinalines hay những “Bầu Kiên”, Trầm Bê mới; để “kép chính” trên sân khấu hài chính trị Nguyễn Tấn Dũng lại tiếp tục trình diễn những “sô diễn để đời”; để ngài Chủ tịch nước cứ mỗi dịp Quốc khánh 2/9 lại bâng khuâng tự vấn: "Những gương mặt mà ta đã gặp, những ngôi nhà, góc phố, hàng cây, mỗi ngôi làng, hay thậm chí một tiếng chuông chùa trong đêm, sẽ như thế nào, sẽ ra sao, nếu như không có Ngày Ðộc Lập ấy"; và để đội quân hùng hậu mang tên “đầy tớ của nhân dân” tiếp tục vung vãi những nguồn lực quốc gia vốn đã eo hẹp cho mục tiêu cao cả là biến “Cương lĩnh” hoang đường của ngài GS.TS chuyên ngành "xây dựng Đảng" thành hiện thực./.



[1] Ngay cả trang RFI Tiếng Việt ngày 24/8 cũng đăng bài “Chứng khoán Việt Nam mất hơn 5 tỉ đô la, hệ thống ngân hàng bị đe dọa”, trong đó có đoạn: Ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những người giàu nhất Việt Nam và thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể đã tham gia vào chiến dịch quy mô dọn dẹp các ngân hàng. “Bầu” Kiên, khuôn mặt nổi bật trong giới kinh doanh và bóng đá đã kéo theo nhiều người khi quỵ ngã. Sự thất thế của ông Nguyễn Đức Kiên, theo như một nhà phân tích Việt Nam ở Hà Nội, thì có thể là do đấu đá tranh giành quyền lực ở thượng tầng lãnh đạo.

No comments:

Post a Comment