Monday, January 16, 2017

Donald Trump sẽ chiến thắng trong cuộc chiến với giới tình báo

Ý tưởng cho rằng giới tình báo quyền lực hơn tổng thống là một sự nhầm lẫn.

Gideon Rachman | The Financial Times
Người dịch: Lê Anh Hùng




James Jesus Angleton, người phụ trách bộ phận phản gián của CIA từ năm 1954 đến 1975, từng mô tả thế giới của ông như một “rừng gương”. Lãnh đạo các cơ quan tình báo Hoa Kỳ hẳn cũng trải qua cái cảm giác mất phương hướng siêu thực tương tự, khi họ báo cáo Donald Trump tuần vừa qua.
Ba vị giám đốc của ba cơ quan là Tình báo Quốc gia, CIA và Cục Điều tra Liên bang (FBI) được giao nhiệm vụ mô tả một hoạt động tình báo của Nga. Khó khăn nằm ở chỗ, người hưởng lợi dự tính của hoạt động đó lại chính là ông Trump. Hơn thế, vị tổng thống đắc cử còn công khai giễu cợt chuyện giới tình báo theo dõi việc Nga xâm nhập máy tính trong cuộc bầu cử.

Sự xung khắc giữa vị tổng thống đắc cử và “cộng đồng tình báo” hùng mạnh của Mỹ đã khiến nhiều gã thông thái rởm cho rằng ông Trump đang phạm một sai lầm nguy hiểm. Người ta nói cộng đồng tình báo có thể dễ dàng gây bất ổn cho vị tân tổng thống. Ý tưởng theo đó giới tình báo hùng mạnh hơn bản thân tổng thống nghe có vẻ rất đời thực. Nhưng điều đó gần như chắc chắn là sai. Nếu có cuộc đấu đá giữa Nhà Trắng và các cơ quan tình báo thì rõ ràng ông Trump ở vào vị thế quyền lực hơn.
Những cấm cản về mặt pháp lý, chính trị và hành chính đối với việc các cơ quan tình báo theo dõi người Mỹ – chưa nói gì đến tổng thống – là rất đáng sợ. Quả thực giới tình báo thì đầy quyền lực và là những viên chức được chu cấp đầy đủ trong bộ máy ở Washington. Song kỹ năng chính của họ là thu hút sự chú ý của tổng thống trong cuộc đấu với các cơ quan chính phủ khác. Khi tổng thống chính là vấn đề thì những gì mà giới tình báo có thể làm lại trở nên kém rõ ràng hơn.
Trong bất kỳ cuộc chiến nào giữa giới tình báo với Nhà Trắng, giải pháp duy nhất mà cộng đồng tình báo viện đến là tiết lộ thông tin chống lại tổng thống. Song ở đây lại không có sự đảm bảo nào rằng điều đó sẽ đem lại hiệu quả.
Năm 2004, các quan chức CIA bị cáo buộc rộng rãi là đã tiết lộ thông tin chống lại chính quyền của George W Bush, phản ảnh sự không hài lòng của cơ quan tình báo này trước việc xử lý cuộc chiến tranh Iraq. Tờ Wall Street Journal thậm chí còn đăng bài xã luận nhan đề “Cuộc nổi loạn của CIA” và cáo buộc “một số quan chức cao cấp của CIA” “rõ ràng là tìm cách đánh bại Tổng thống Bush và bầu John Kerry”. Tuy nhiên, nếu việc thay đổi chính quyền thực sự là ý định thì CIA đã thất bại. Ông Bush đã được tái bầu.
Toàn bộ cuộc tranh cãi đã làm nổi lên sự khác biệt giữa hình ảnh quốc tế và hình ảnh quốc nội của các cơ quan tình báo Mỹ. Đối với giới cánh tả trên toàn cầu, CIA luôn bị coi là một tổ chức cánh hữu hiểm độc ủng hộ một trật tự thế giới phản động. Song ở Washington, CIA lại thường bị giới bảo thủ nghi ngờ khi tin rằng nó có thiên hướng tự do chủ nghĩa. Rốt cuộc, cơ quan này đầy rẫy những người với bằng cấp cao và kiến thức ngoại ngữ dồi dào, những kẻ luôn có xu hướng nêu lên những phản bác thực tế nhàm chán đối với thế giới quan của cánh hữu.
Mối quan hệ căng thẳng giữa một số cố vấn thân cận của ông Trump với các cơ quan tình báo có thể trở thành một chủ đề thường kỳ. Một trong những cốt truyện phụ hấp dẫn của cuộc gặp thứ Sáu tuần qua giữa ông Trump với các lãnh đạo tình báo là ở chỗ cuộc gặp đã đưa Michael Flynn và James Clapper vào cùng một phòng. Tướng Flynn sẽ lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia trong Nhà Trắng của ông Trump. Tuy nhiên, năm 2014 ông đã bị ông Clapper, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, cách chức khỏi vị trí giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng. Kể từ đó, tướng Flynn không ngớt kêu ca rầm rĩ rằng cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã không hiểu được mối đe doạ thực sự từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Với sự coi thường mà ông ta dành cho các cựu đồng nghiệp, sự căng thẳng giữa giới tình báo và Nhà Trắng có thể vượt xa ra ngoài vấn đề nước Nga.
Mặc dù ông Trump có ít lý do để lo sợ về những âm mưu gây bất ổn cho chính quyền của ông từ giới tình báo, việc gây sự với các cơ quan tình báo vẫn có thể là một ý tưởng tồi vì những lý do khác. Nhiều quyết định khó khăn nhất về chính sách đối ngoại mà ông phải đưa ra sẽ dựa trên những nhận định tình báo. Song ông Trump có thể cảm thấy khó khăn khi dẫn lời tình báo bí mật để ủng hộ hành động chống lại, chẳng hạn, Bắc Triều Tiên nếu xét tới chuyện ông đã công khai chế nhạo công việc của CIA.
Tuy nhiên, khả năng của ông Trump khi dũng cảm vượt qua với những mâu thuẫn và ngượng ngập lại có thể làm cho vấn đề không nghiêm trọng như vẻ bề ngoài. Vị tân tổng thống sẽ đơn giản là khẳng định rằng hoạt động của các cơ quan tình báo đã tiến bộ một cách cơ bản sau khi những người được bổ nhiệm bắt tay vào nhiệm vụ.
Ở chiều ngược lại, cộng đồng tình báo có đủ lý do để lo sợ Nhà Trắng của ông Trump. Ông Trump sẽ bổ nhiệm lãnh đạo của họ, ông sẽ kiểm soát hoạn lộ của họ và, nhận định qua nỗ lực của các nghị sỹ Đảng Cộng hoà nhằm nới lỏng các biện pháp bảo vệ bộ máy dân sự, ông có thể sớm có quyền sa thải họ nếu muốn.
Vấn đề “chính trị hoá” hoạt động tình báo thì chẳng lấy gì làm mới mẻ. Nó đã được nêu lên một cách cấp bách trong quá trình chính quyền tổng thống Bush hướng tới cuộc chiến ở Iraq. Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng công việc của giới tình báo là trình bày sự thật không tô vẽ cho tổng thống vẫn mang ý nghĩa cơ bản đối với cách thức mà người ta muốn hệ thống vận hành.
Ông Trump đã bày tỏ rất rõ ràng là có một số sự thật mà ông không háo hức nghe. Vụ lùm xùm về chuyện người Nga hack máy tính đã buộc vị tổng thống đắc cử phải dành cho lãnh đạo các cơ quan tình báo một buổi để lắng nghe họ trình bày. Song một khi ông đã an toạ trong Nhà Trắng, ông sẽ ở vào một vị thế tốt hơn nhiều để áp đặt ý chí và quan điểm của mình cho CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và FBI. Rốt cuộc, ông sẽ là ông chủ.

No comments:

Post a Comment