Monday, January 9, 2017

Chính sách “America First” của Trump và nguy cơ xung đột toàn cầu

Nouriel Roubini | The Guardian
Người dịch: Lê Anh Hùng



NEW YORK – Sự kiện Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ không chỉ cho thấy phản ứng dân tuý chủ nghĩa đang dâng cao trước quá trình toàn cầu hoá, mà có thể còn báo hiệu sự kết thúc của Pax Americana – trật tự quốc tế dựa trên tự do trao đổi và an ninh chung mà Hoa Kỳ và đồng minh thiết lập sau Thế chiến II.
Trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo đó đã tạo điều kiện cho 70 năm phát triển thịnh vượng. Nó dựa trên các chính phủ định hướng thị trường về tự do hoá thương mại, khả năng dịch chuyển vốn cao, cùng các chính sách phúc lợi xã hội phù hợp; nó được hậu thuẫn bởi cam kết an ninh của Mỹ ở Châu Âu, Trung Đông và Châu Á, thông qua NATO cùng nhiều liên minh khác.

Tuy nhiên, Trump có thể theo đuổi những chính sách dân tuý, chống toàn cầu hoá và bảo hộ, qua đó gây cản trở thương mại và hạn chế sự dịch chuyển của lao động và nguồn vốn. Và ông ta đã khiến các cam kết an ninh hiện hữu của Mỹ trở nên bất trắc khi gợi ý rằng ông ta sẽ buộc các nước đồng minh phải chi nhiều hơn để đảm bảo quốc phòng cho họ. Nếu Trump nghiêm túc khi đưa ra chính sách “nước Mỹ trước tiên”, chính quyền của ông ta sẽ chuyển chiến lược địa chính trị của Hoa Kỳ theo hướng chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa đơn phương, chỉ theo đuổi lợi ích quốc gia của mình.
Khi theo đuổi các chính sách tương tự trong thập niên 1920 và 1930, Hoa Kỳ đã góp phần gieo mầm mống cho Thế chiến II. Chủ nghĩa bảo hộ – bắt đầu với luật thuế nhập khẩu mang tên Smoot-Hawley, vốn ảnh hưởng đến hàng ngàn loại hàng hoá nhập khẩu – đã châm ngòi cho các cuộc chiến trả đũa về thương mại và tiền tệ, qua đó khiến cuộc đại suy thoái càng thêm trầm trọng. Quan trọng hơn, chủ nghĩa biệt lập Mỹ – vốn dựa trên niềm tin sai lầm rằng Hoa Kỳ được bảo vệ an toàn bởi hai đại dương – đã cho phép Đức Quốc xã và Nhật Bản tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược và đe doạ cả thế giới. Với trận Trân Châu Cảng tháng 12/1941, Hoa Kỳ cuối cùng buộc phải rút đầu ra khỏi cát.
Ngày nay cũng vậy, việc Hoa Kỳ quay sang chủ nghĩa biệt lập và theo đuổi lợi ích quốc gia thuần tuý có thể rốt cuộc sẽ dẫn đến xung đột toàn cầu. Ngay cả khi khả năng Hoa Kỳ rút khỏi Châu Âu không hiện hữu thì Liên minh Châu Âu và khu vực đồng Euro xem ra cũng đang rã đám, đặc biệt là sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rút khỏi EU hồi tháng 6 và chính phủ Italia thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp hồi tháng 12. Thêm vào đó, trong năm 2017, các đảng dân tuý cánh tả hoặc cánh hữu bài Châu Âu cực đoan có thể giành thắng lợi ở Pháp và Italia, và có thể tại các khu vực khác của Châu Âu.
Thiếu vắng sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ ở Châu Âu, một nước Nga hung hăng phục thù sẽ nhảy vào. Nga vẫn đang thách thức Mỹ và EU ở Ucraina, Syria, Baltic, Balkan, và họ có thể kiếm chác từ nguy cơ sụp đổ của EU bằng cách tái khẳng định ảnh hưởng của mình tại các quốc gia thuộc khối Soviet cũ, đồng thời ủng hộ các phong trào thân Nga trong phạm vi Châu Âu. Nếu Châu Âu dần dần đánh mất chiếc ô bảo trợ an ninh của Mỹ, không ai được hưởng lợi nhiều hơn Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các đề xuất của Trump cũng đe doạ làm xấu thêm tình hình ở Trung Đông. Ông ta từng nói là sẽ làm cho Hoa Kỳ độc lập về năng lượng. Điều này sẽ kéo theo việc từ bỏ lợi ích của Mỹ ở Trung Đông và dựa nhiều hơn vào các loại nhiên liệu hoá thạch gây phát thải khí nhà kính do trong nước sản xuất. Và ông ta cũng khẳng định rằng bản thân Hồi giáo là nguy hiểm, chứ không chỉ Hồi giáo cực đoan. Đây là quan điểm được chia sẻ bởi Cố vấn An ninh Quốc gia sắp tới của Trump là tướng Michael Flynn. Nó trực tiếp cổ vũ cho cách diễn giải về sự xung đột giữa các nền văn minh mà các chiến binh Hồi giáo vẫn tuyên truyền.   
Trong khi đó, lập trường “nước Mỹ trước tiên” dưới thời Trump có thể sẽ làm xấu thêm các cuộc chiến uỷ nhiệm Sunni-Shia kéo dài giữa Saudi Arabia và Iran. Và nếu Hoa Kỳ không tiếp tục bảo đảm an ninh cho các đồng minh Hồi giáo Sunni thì tất cả các cường quốc khu vực – bao gồm Iran, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập – có thể sẽ quyết định rằng họ khả dĩ tự bảo vệ mình bằng cách duy nhất là sở hữu vũ khí hạt nhân, và cuộc xung đột thậm chí còn đẫm máu hơn sẽ diễn ra sau đó.
Tại Châu Á, vị thế độc tôn về kinh tế và quân sự của Mỹ đã tạo ra nhiều thập kỷ ổn định, nhưng một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy lại đang thách thức cấu trúc hiện hành. Chính sách xoay trục chiến lược của Tổng thống Barack Obama phụ thuộc trước hết vào việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước, điều mà Trump đã hứa là sẽ dẹp bỏ ngay trong ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng. Trong khi đó, Trung Quốc đang nhanh chóng củng cố các mối quan hệ kinh tế của họ ở Châu Á, Thái Bình Dương và Châu Mỹ Latin thông qua chính sách “một vành đai, một con đường”, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á, Ngân hàng Phát triển mới (trước kia được gọi là Ngân hàng BRICS), cùng đề xuất thương mại tự do khu vực để cạnh tranh với TPP.
Nếu Hoa Kỳ không còn trông chờ gì từ các đồng minh Châu Á như Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan thì các quốc gia này có thể không còn lựa chọn nào khác mà phải phủ phục trước Trung Quốc; còn các đồng minh khác, như Nhật Bản và Ấn Độ chẳng  hạn, có thể buộc phải quân sự hoá và công khai thách thức Trung Quốc. Vì thế, việc Hoa Kỳ rút khỏi khu vực rất có thể cuối cùng sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự ở đây.
Như trong thập niên 1930, khi các chính sách bảo hộ và biệt lập chủ nghĩa của Mỹ gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, và tạo điều kiện cho các cường quốc xét lại chủ nghĩa khởi sự một cuộc thế chiến, những thiên hướng chính sách tương tự có thể mở đường cho các cường quốc mới thách thức và làm suy yếu trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo. Một chính quyền theo chủ nghĩa biệt lập của Trump có thể nhìn thấy hai đại dương tới bờ biển phía đông và phía tây của nó, và cho rằng các cường quốc ngày càng tham vọng như Nga, Trung Quốc và Iran không đe doạ trực tiếp đến an ninh nội địa.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là một cường quốc kinh tế và tài chính toàn cầu trong một thế giới gắn bó mật thiết với nhau. Nếu không ngăn chặn, các quốc gia này rốt cuộc sẽ đủ sức đe doạ những lợi ích kinh tế và an ninh cốt lõi của Mỹ – ở trong và ngoài nước – đặc biệt là nếu họ mở rộng năng lực hạt nhân và chiến tranh mạng. Lịch sử đã ghi rõ: chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa biệt lập và chính sách “nước Mỹ trước hết” là một công thức dẫn đến thảm hoạ kinh tế và quân sự.
*Tác giả Nouriel Roubini là giáo sư tại Học viện Kinh tế Stern của Đại học New York và từng là Chuyên gia Kinh tế Cao cấp về Quốc tế vụ trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng dưới thời Bill Clinton.

Nguồn:The Guardian | Việt Nam Thời Báo | 9.1.2017

No comments:

Post a Comment