Người dịch: Lê Anh Hùng
Tập Cận Bình | Ảnh: Lintao Zhang |
Giờ đây, các nhà hoạch định cuộc gặp thượng đỉnh lại đối mặt với một bài trắc nghiệm mới: sau cơn bão kinh tế tháng Tám, Tập Cận Bình đang chèo lái một con tàu chông chênh hơn – vẫn với vẻ bóng bẩy bên ngoài, song lại kèm theo một số chỗ rò rỉ và vài khoang tả tơi. Vấn đề đặt ra là Hoa Kỳ có thể hợp tác thế nào với một Trung Quốc suy yếu hơn và mới trở nên mong manh hầu phục hồi tăng trưởng và ổn định kinh tế, mà không củng cố phong cách chính trị độc đoán của họ Tập?
Điều nghịch lý ở đây là một Trung Quốc bị thương tổn có thể khiến người ta khó đối phó hơn so với một Trung Quốc lành mạnh. “Trung Quốc đang hướng tới một giai đoạn đầy bất trắc và lo lắng trong nước, song điều này không nhất thiết dẫn đến một Trung Quốc ôn hoà hơn trên trường quốc tế” – đó là lời cảnh báo của Kurt Campbell, người từng giúp Tổng thống Obama lèo lái chính sách Châu Á trong nhiệm kỳ đầu của ông. “Họ Tập có thể sẽ thể hiện một lập trường cứng rắn hơn nhằm tránh bất kỳ biểu hiện nào cho thấy tình trạng suy yếu và dễ đổ vỡ.”
Các nhà quan sát Trung Quốc đã cảnh báo rằng một sự “điều chỉnh” kinh tế sắp diễn ra sau nhiều năm tăng trưởng nhanh và cho vay thiếu kiểm soát. Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính, viết trong cuốn “Đối phó với Trung Quốc” mới xuất bản năm nay: “Tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại và mức nợ xấu tăng lên nhanh chóng hiếm khi là một sự kết hợp vui vẻ, và xem ra cơn cuồng say vay mượn của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra rắc rối.”
“Thành thật mà nói, vấn đề không phải là nếu, mà là khi nào thì hệ thống tài chính của Trung Quốc… sẽ đối mặt với một sự trả giá”, Paulson tiên đoán. Từ “khi nào” kia đã cho thấy là bây giờ.
Tập Cận Bình đã đặt ra mục tiêu kép cho mình là cải cách thị trường tự do và trấn áp tham nhũng nội bộ. Cả hai đều là những nỗ lực nhằm củng cố sự ổn định của Trung Quốc và bảo vệ chế độ cai trị của Đảng Cộng sản. Song họ Tập vẫn chưa đạt được những cải cách mà ông ta đã hứa hẹn, và chiến dịch chống tham nhũng tạo ra cho ông ta nhiều kẻ thù bên trong Đảng. Tập Cận Bình từng hy vọng tước bớt quyền lực của một phe nhóm do người tiền nhiệm của ông ta là Giang Trạch Dân cầm đầu; song nhóm này giờ lại được cho là mạnh bạo hơn trong việc chỉ trích họ Tập.
Tập Cận Bình sẽ đến Washington với một vị thế chính trị mong manh mới, cũng như với tình trạng hỗn loạn kinh tế. Ông ta muốn đạt được những biểu tượng quyền lực mà một cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington có thể đem tới. Và ông ta sẽ cự tuyệt những nhượng bộ công khai mà người dân đại lục hiểu là một sự “mất mặt”. “Tất cả là sự thể hiện bên ngoài, dễ thấy về thái độ tôn trọng của người Mỹ”, Campbell giải thích.
Phái diều hâu có thể lập luận rằng thời điểm suy yếu này chính là lúc để gây áp lực lên Trung Quốc. Một số quan chức kỳ cựu ở Lầu Năm Góc đã gợi ý gần đây, chẳng hạn, rằng Hoa Kỳ cần tỏ ra mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định quyền tự do đi lại ở Biển Đông, bằng cách phái máy bay và tàu bè đến nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.
Một cuộc bàn luận chính sách thầm lặng về chủ đề Biển Đông đang diễn ra ở Washington. Các quan chức Lầu Năm Góc lo ngại Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở phục vụ hải quân ở vùng biển tranh chấp, mà không gặp phải sự phản đối của Hoa Kỳ. Phía chủ trương lập trường cứng rắn hơn bao gồm các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, chẳng hạn như Philippines và Việt Nam, hai quốc gia muốn Hoa Kỳ khôi phục cam kết lịch sử của mình trong việc bảo vệ tự do hàng hải.
Chính quyền Obama cự tuyệt những lời kêu gọi như thế, với lập luận rằng điều đó có thể châm ngòi cho một loạt phản ứng và chống phản ứng vốn dĩ khó lường. Trước thềm chuyến thăm của Tập Cận Bình, Nhà Trắng hầu như chắc chắn là sẽ bác bỏ bất kỳ động thái mang tính khiêu khích nào như thế. “Hãy cho tôi biết điều gì sẽ xẩy ra tiếp theo” là phản ứng thận trọng khả dĩ của Obama trước đề xuất trương cơ bắp quân sự ở Biển Đông, như ở Syria và Ukraina.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới quá bất ổn, Obama có lẽ sẽ theo đuổi một nghị trình hạn chế trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tập Cận Bình. Chủ đề bao trùm có thể là Hoa Kỳ và Trung Quốc, với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang hợp tác vì sự ổn định và tăng trưởng toàn cầu. Những “kết quả” cụ thể có thể bao gồm sự tái khẳng định của Trung Quốc về thoả thuận hạt nhân Iran; một nhóm nghiên cứu chung nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á do Trung Quốc mới khởi xướng với các định chế hiện hành như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới; một nhóm công tác về các chủ đề không gian mạng; một tuyên bố chung thể hiện thái độ quan ngại về Bắc Triều Tiên; và việc hai bên lặp lại những cam kết nhằm hạn chế phát thải carbon trước thềm cuộc hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris vào tháng 12 tới.
Cơn biến động tài chính tuần này, với các thị trường lên xuống từ Thượng Hải cho đến Manhattan, là một lời nhắc nhở về sự phụ thuộc lẫn nhau của nền kinh tế thế giới. Đó là một thực tế không dễ chịu với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Quốc gia nào cũng muốn làm chủ định mệnh của mình – và muốn có khả năng định hình thế kỷ 21 theo cách của họ. Cuộc gặp thượng đỉnh tháng tới có thể sẽ cho thấy những giới hạn quyền lực ngay cả với hai đại cường của thế giới.
No comments:
Post a Comment