Lê Anh Hùng
Leonard Edward Read(1898-1983) là nhà sáng lập Quỹ Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education), một trong những tổ chức nghiên cứu tự do chủ nghĩa hiện đại đầu tiên và có nhiều ảnh hưởng trong giới học thuật ở Mỹ. Ông là tác giả của 29 cuốn sách cùng vô số bài tiểu luận khác.
“Tôi, cái Bút chì” (I, Pencil) là tiểu luận nổi tiếng nhất của ông, được công bố lần đầu tiên trên tạp chí The Freeman tháng 12.1958.
Bài tiểu luận được in lại rất nhiều lần sau đấy. Ngoài ra, nó còn được in kèm trong nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả khác, chẳng hạn như tác phẩm lừng danh “Tự do lựa chọn” (Free to Choose) của nhà kinh tế học hàng đầu thế giới Milton Friedman, hay cuốn giáo khoa kinh điển “Kinh tế học thể chế: Trật tự xã hội và chính sách công” (Institutional Economics: Social Order and Public Policy) của Wolfgang Kasper và Manfred E. Streit.
Tác phẩm đặc sắc này giúp độc giả hình dung ra một cách sinh động cái cách mà lối tư duy “đỉnh cao trí tuệ” (như những người cộng sản vẫn tự nhận) bóp nghẹt sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Thiết nghĩ đây là bài học mà nhân loại cần phải luôn tự nhắc nhở mình.
Tôi, cái Bút chì
Leonard E. Read
Người dịch: Lê Anh Hùng
Tôi là một cái bút chì – chiếc bút gỗ bình thường thân thuộc với hết thảy mọi cô cậu trai gái và người trưởng thành biết đọc biết viết. (Tên chính thức của tôi là ‘Mongol 482’. Những cấu kiện đủ kiểu của tôi được lắp ráp và hoàn thiện nhờ Công ty Eberhard Faber Pencil, Wilkes-Barre, bang Pennsylvania.)
Viết lách vừa là nghề nghiệp, vừa là sở thích của tôi; đó là tất cả những gì mà tôi làm.
Bạn có thể tự hỏi là tại sao tôi lại cứ phải trình cái phả hệ của mình ra làm gì nhỉ? Vâng, để bắt đầu, câu chuyện của tôi quả thực là thú vị. Và, tiếp theo, tôi là một sự kỳ bí – kỳ bí hơn một cái cây hay một buổi hoàng hôn hay thậm chí một tia chớp. Song, đáng buồn thay, những người sử dụng tôi lại đánh giá thấp tôi, như thể tôi là một sự cố thuần tuý và chẳng có lai lịch gì cả. Thái độ coi thường cao ngạo đó đẩy tôi xuống đến cấp độ của những thứ tầm thường. Đấy là một kiểu sai lầm tai hại mà với nó nhân loại không thể tiếp tục tồn tại quá lâu mà không gặp phải nguy hiểm. Bởi, với tư cách một nhà thông thái, G.K. Chesterton[i]từng chiêm nghiệm, ‘Chúng ta đang tha hoá vì thiếu sự thán phục [wonder] chứ không phải thiếu những điều đáng thán phục [wonders].’
Tôi, cái Bút chì, dẫu có vẻ đơn giản như tôi vẫn vậy, nhưng lại xứng đáng với sự thán phục và kính nể của bạn, một sự khẳng định mà tôi sẽ cố chứng minh. Trên thực tế, nếu bạn có thể hiểu tôi – ồ không, đó là yêu cầu quá mức đối với bất kỳ ai – nếu bạn khả dĩ ý thức được sự nhiệm màu mà tôi là biểu tượng thì bạn có thể giúp cứu được nền tự do mà nhân loại đang mất đi trong nỗi bất hạnh sâu sắc. Tôi có một bài học sâu sắc để truyền đạt. Và tôi có thể truyền đạt bài học này tốt hơn một chiếc ô tô hay chiếc máy bay hay chiếc máy rửa bát là vì – vâng, là vì tôi trông có vẻ rất đơn giản.
Đơn giản ư? Vậy nhưng, không một cá nhân nào trên bề mặt quả đất này lại biết cách làm ra tôi. Điều này nghe có vẻ khác thường, phải vậy không nào? Đặc biệt là khi bạn nhận ra rằng có khoảng 1,5 tỷ sản phẩm như tôi ra đời ở Mỹ mỗi năm.
Hãy cầm tôi lên và nhìn kỹ tôi đi. Bạn thấy những gì nào? Không nhiều thứ đập vào mắt – một ít gỗ, sơn (lacquer), nhãn in, chì graphite, một ít kim loại, và một cái tẩy.
Vô số tổ tiên
Vì bạn không thể lần theo phả hệ gia đình của mình thật xa nên tôi cũng không thể nêu tên và giải thích toàn bộ số tổ tiên của mình được. Nhưng tôi lại muốn gợi lên đủ về họ hòng gây ấn tượng với bạn về sự phong phú và phức tạp trong lai lịch của tôi.
Cây gia đình của tôi bắt đầu với những gì mà trên thực tế là một cái cây, một cây tuyết tùng (cedar) thớ thẳng sinh trưởng ở phía bắc bang California và bang Oregon. Bây giờ, hãy suy ngẫm về tất cả những máy cưa, những xe tải, những dây chão cùng vô số thiết bị khác dùng vào việc khai thác và vận chuyển những súc gỗ tuyết tùng đến đặt cạnh đường ray nhánh (railroad siding). Hãy hình dung ra biết bao con người và vô số kỹ năng đã đi vào hình hài lắp ráp của chúng: việc khai thác quặng sắt, việc làm ra thép rồi luyện nó thành cưa, thành rìu, thành mô-tơ; việc trồng cây gai dầu (hemp) rồi đưa nó trải qua bao công đoạn để trở thành thứ dây chão nặng nề mà chắc chắn; những xưởng cưa gỗ với những giường, những phòng ăn, rồi chuyện nấu nướng và nuôi trồng đủ loại lương thực thực phẩm nữa. Tại sao, biết bao ngàn người đã góp tay vào mỗi một tách cà phê mà những người thợ xẻ vẫn uống!
Những súc gỗ được vận chuyển đến một nhà máy ở San Leandro[ii], California. Bạn có thể hình dung ra nổi toàn bộ những người đã làm nên những toa tàu phẳng (flat car), những đường ray và động cơ đường sắt cùng những người xây dựng và lắp đặt các hệ thống thông tin liên lạc phụ trợ cho chúng hay không? Những binh đoàn ấy đều nằm trong số tổ tiên của tôi cả đấy.
Hãy xét đến nhà máy ở San Leandro. Những súc gỗ tuyết tùng được cắt thành những thanh gỗ nhỏ có độ dài bằng cái bút chì và độ dày chưa tới 1/4 inch[iii]. Chúng được sấy khô qua lò rồi phủ một lớp màu với lý do tương tự như khi người phụ nữ đánh phấn đỏ lên mặt mình vậy. Người ta muốn tôi trông xinh xắn chứ không phải mang một màu trắng nhợt nhạt. Các thanh gỗ được đánh sáp rồi sấy khô qua lò lần nữa. Bao nhiêu kỹ năng đã đi vào quá trình làm màu và lò sấy, vào quá trình cung cấp nhiệt, ánh sáng, điện năng, băng tải, mô-tơ, cùng tất cả những thứ khác mà một nhà máy vẫn đòi hỏi? Những người quét dọn tại nhà máy có nằm trong số tổ tiên của tôi không? Có đấy, và còn cả những người đổ bê tông cho đập nước của nhà máy thuỷ điện thuộc Công ty Pacific Gas & Electric, đơn vị cung cấp điện cho nhà máy ở trên, nữa cơ. Và chớ có bỏ qua những tổ tiên cả hiện tại lẫn xa xôi đã góp tay vào việc vận chuyển 60 toa thanh gỗ băng qua đất nước từ California đến Wilkes-Barre[iv]nữa đấy nhé.
Những máy móc phức tạp
Một khi đã ở trong nhà máy bút chì – trị giá 4.000.000USD về máy móc và xây dựng, toàn bộ số vốn được tích luỹ bởi những ông bố bà mẹ tằn tiện và tiết kiệm của tôi – mỗi thanh được tạo thành 8 rãnh nhờ một cỗ máy phức tạp, sau đó một chiếc máy khác đặt chì vào mỗi một trong hai thanh, phết keo dán, rồi đặt thanh kia lên trên – một chiếc bánh sandwich chì, có thể nói như vậy. Bảy anh em và tôi được cắt ra từ chiếc bánh sandwich ‘gỗ kẹp chì’ đó.
Bản thân phần ‘chì’ của tôi – nó không hề chứa chút chì nào cả – lại cũng phức tạp nốt. Graphite được khai thác ở tận xứ Ceylon[v]. Hãy nghĩ tới những người thợ mỏ và những người đã làm ra đủ thứ dụng cụ cho họ, những người làm ra những chiếc túi giấy đựng graphite trên tàu, những người làm ra dây buộc túi, những người vận chuyển túi lên tàu, và những người làm ra những con tàu. Ngay cả những người giữ đèn biển dọc đường cũng hỗ trợ cho việc ra đời của tôi – rồi còn cả những người hướng dẫn tàu vào cảng nữa chứ.
Graphite được trộn lẫn với đất sét từ bang Mississippi, ở đó chất ammunium hydroxide[vi]được sử dụng trong quá trình tuyển quặng. Tiếp theo, những tác nhân làm ướt như mỡ động vật sulfonate hoá – mỡ động vật phản ứng hoá học với acid sulfuric[vii]– sẽ được thêm vào. Sau khi trải qua vô số máy móc, cuối cùng hỗn hợp xuất hiện dưới dạng những chuỗi chất liệu dài vô tận được ép ra từ miệng máy – như thể từ một cái máy xay xúc xích vậy. Chúng được cắt theo kích cỡ, sấy khô, và nung trong một số giờ ở nhiệt độ 1.8500F[viii]. Để tăng cường độ chắc và độ mịn, số chì này sau đó còn được xử lý với một hỗn hợp nóng gồm sáp candililla[ix]từ Mexico, sáp paraffin và các loại mỡ tự nhiên hydro hoá.
Thứ gỗ tuyết tùng của tôi được phết lên sáu lớp sơn (lacquer). Bạn có biết toàn bộ thành phần của sơn hay không nhỉ? Ai sẽ nghĩ rằng những người trồng cây thầu dầu (castor bean) và những người chiết dầu (castor oil) là một phần của nó? Đúng vậy. Tại sao ư, ngay cả những quy trình mà qua đó sơn được tạo một màu vàng óng ả cũng liên quan đến kỹ năng của một số lượng người nhiều hơn con số mà người ta có thể đếm!
Hãy quan sát cái nhãn xem. Đó là một lớp mỏng được hình thành bằng cách áp nhiệt vào chất carbon đen (carbon black[x]) trộn với nhựa cây (resin). Bạn làm ra nhựa cây bằng cách nào và, lạy Chúa, carbon đen là gì vậy?
Mẩu kim loại của tôi – cái vòng giữ viên tẩy – là đồng thau. Hãy nghĩ tới tất cả những người khai thác kẽm và đồng, cùng những người có kỹ năng làm ra đồng thau dưới dạng tấm bóng bẩy từ các sản phẩm của thiên nhiên này. Những vòng đen trên cái vòng giữ tẩy của tôi là nickel đen. Nickel đen là gì và nó được áp vào bằng cách nào? Câu chuyện đầy đủ về việc tại sao ở trung tâm cái vòng giữ tẩy của tôi lại không có nickel đen trên đó hẳn sẽ phải mất hàng trang để giải thích.
Và đây là hạt ngọc cuối cùng trên chiếc vương miện của tôi, thứ mà giới trong nghề vẫn nhắc tới một cách thiếu lịch thiệp là ‘cơ chế tẩy uế’, bộ phận mà người ta dùng để xoá đi những lỗi mà họ tạo ra với tôi. Một thành phần gọi là ‘factice’[xi]là thứ thực hiện công việc tẩy xoá. Đó là một sản phẩm giống như cao su, được làm bằng cách cho dầu hạt cải dầu (rape) từ East Indies thuộc Hà Lan (Dutch East Indies[xii]) phản ứng với chất chloride sulfur. Cao su, trái với quan niệm thông thường, lại chỉ dùng cho mục đích gắn kết. Ngoài ra, còn vô số tác nhân giúp cho cao su chắc hơn, co giãn hơn và tăng tốc độ khi cọ xát nữa. Đá bọt (pumice[xiii]) có nguồn gốc từ Italia; và chất liệu màu giúp tạo màu cho ‘cơ chế tẩy uế’ chính là chất cadmium sulphide.
Mạng lưới bí quyết mênh mông
Nào, giờ thì có ai còn muốn thách thức lời khẳng định trên đây của tôi rằng không một cá nhân nào trên bề mặt trái đất này lại biết cách làm ra tôi nữa hay không?
Trên thực tế, hàng triệu con người đã góp tay vào việc tạo ra tôi, không ai trong số họ thậm chí biết nhiều hơn rất ít người thuộc số còn lại. Bây giờ, bạn có thể nói rằng tôi đã đi quá xa khi liên hệ một người nhặt trái cà phê ở tít tận Brazil và những người trồng lương thực ở nơi khác với việc tạo ra tôi; rằng đấy là một quan điểm cực đoan. Tôi sẽ bảo vệ lời khẳng định của mình. Không một cá nhân nào trong số toàn bộ hàng triệu người này, kể cả vị chủ tịch của công ty bút chì, lại đóng góp nhiều hơn một chút bí quyết vô cùng nhỏ bé. Từ quan điểm bí quyết, sự khác biệt duy nhất giữa người thợ khai thác graphite ở Ceylon và người thợ gỗ ở Oregon là nằm ở loại bí quyết. Cả người thợ mỏ lẫn người thợ gỗ đều không thể không cần tới ở đây, và sự cần thiết đối với họ cũng không nhiều hơn chút nào so với vị chuyên gia hoá học ở nhà máy hay người công nhân ở mỏ dầu – paraffin là một phụ phẩm của dầu mỏ.
Đây là một thực tế gây kinh ngạc: Không ai trong số những người đã góp tay vào việc tạo ra tôi lại thực hiện nhiệm vụ riêng lẻ của mình là vì anh ta muốn có tôi. Không phải người công nhân ở mỏ dầu, không phải vị chuyên gia hoá học, không phải người thợ đào graphite hay đất sét, hay bất cứ người nào tạo ra hoặc làm việc trên những tàu biển, tàu hoả hay xe tải; cũng không phải người thợ vận hành chiếc máy giúp tạo ra đường gờ nổi trên mẩu kim loại của tôi hay vị chủ tịch của công ty bút chì. Mức độ mà mỗi người muốn có tôi có lẽ còn ít hơn so với một đứa trẻ lớp một. Quả thực, có một số trong đám người mênh mông đó lại chưa bao giờ nhìn thấy một cái bút chì hay biết cách sử dụng nó. Động cơ của họ không phải là tôi. Có lẽ nó là một cái gì đấy giống như thế này: Mỗi người trong số hàng triệu người ấy nhận thấy rằng anh ta có thể qua đó trao đổi bí quyết nhỏ bé của mình để lấy những thứ hàng hoá và dịch vụ mà anh ta cần hoặc muốn. Tôi có thể hoặc có thể không nằm trong số những thứ này.
Không một trí tuệ bậc thầy nào của con người
Đây là một thực tế thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn: Sự thiếu vắng của một trí tuệ bậc thầy, của bất kỳ ai đứng ra ban hành mệnh lệnh hay điều khiển mạnh mẽ vô số hành động dẫn tới sự ra đời của tôi ở trên. Không một dấu vết nào của một con người như thế có thể tìm thấy. Thay vào đó, chúng ta nhận thấy ‘Bàn tay Vô hình’ (Invisible Hand) nổi tiếng của nhà kinh tế học kiêm triết gia luân lý người Scotland Adam Smith đang chi phối trên thị trường. Đây chính là điều kỳ bí mà tôi đã đề cập ở trên.
Có câu rằng ‘chỉ có Chúa Trời mới có thể làm ra cái cây’. Tại sao chúng ta lại đồng ý với điều đó? Há chẳng phải là chúng ta nhận ra rằng bản thân mình không thể làm ra nổi một cái cây hay sao? Quả vậy, liệu chúng ta có thể thậm chí là chỉ mô tả một cái cây thôi hay không? Chúng ta không thể, ngoại trừ những lối diễn đạt ra vẻ vậy thôi. Chúng ta có thể nói, chẳng hạn, rằng một cấu trúc phân tử nhất định tự thể hiện mình dưới dạng một cái cây. Nhưng liệu ở đây có bộ óc nào của nhân loại có thể thậm chí là chỉ ghi lại, chưa nói gì tới chuyện điều khiển, quá trình thay đổi liên tục của các phân tử thể hiện qua quãng đời của một cái cây hay không? Kỳ tích đó hoàn toàn không thể nghĩ tới!
Tôi, cái Bút chì, là sự kết hợp phức tạp của những phép màu; nào cây, nào kẽm, nào đồng, nào graphite, v.v. Nhưng một phép màu thậm chí còn phi thường hơn đã bổ sung vào những phép màu vốn tự hiển lộ qua Thiên nhiên ở trên: quá trình sắp xếp những năng lượng sáng tạo của con người – hàng triệu mẩu bí quyết nhỏ xíu sắp xếp một cách tự nhiên và tự phát nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết và khao khát của con người mà không có bất kỳ một khối óc bậc thầy nào của con người lập kế hoạch và điều khiển! Vì chỉ có Chúa Trời mới có thể làm ra cái cây nên tôi cũng quả quyết rằng chỉ có Chúa Trời mới có thể tạo ra tôi được. Con người không thể điều khiển hàng triệu mẩu bí quyết để tạo ra một cái bút chì cũng như không thể đặt các phân tử lại với nhau để tạo ra một cái cây vậy.
Đấy chính là điều mà tôi muốn nói khi tôi viết ở trên, ‘Nếu bạn khả dĩ ý thức được sự nhiệm màu mà tôi là biểu tượng thì bạn có thể giúp cứu được nền tự do mà nhân loại đang mất đi trong nỗi bất hạnh sâu sắc.’ Bởi lẽ, nếu một người ý thức được rằng những mẩu bí quyết này sẽ tự sắp xếp một cách tự nhiên, đúng vậy, một cách tự động, thành những mô thức sáng tạo và năng suất nhằm đáp lại sự thúc bách và nhu cầu của con người – tức là không có quá trình lập kế hoạch và điều khiển của chính phủ hay bất kỳ một thế lực cưỡng bách nào khác – thì người đó sẽ sở hữu một thành tố vô cùng quan trọng của tự do: niềm tin vào những con người tự do. Tự do sẽ bất khả thi nếu thiếu niềm tin đó.
Một khi chính phủ đã có sự kiểm soát độc quyền đối với một hoạt động sáng tạo – việc chuyển phát bưu phẩm chẳng hạn – phần lớn các cá nhân sẽ tin rằng những con người hành động tự do không thể chuyển phát bưu phẩm một cách hiệu quả. Và đây là lý do tại sao: Mỗi người đều thừa nhận rằng bản thân anh ta không biết cách thực hiện toàn bộ những công việc có dính dáng đến hoạt động chuyển phát bưu phẩm. Anh ta cũng thừa nhận rằng không một cá nhân nào là có thể. Những giả thuyết này là chính xác. Việc không một cá nhân nào sở hữu đủ bí quyết để thực hiện công việc chuyển phát bưu phẩm của một quốc gia cũng giống như việc không có bất kỳ cá nhân nào sở hữu đủ bí quyết để làm ra một cái bút chì. Vì thiếu niềm tin vào những con người tự do – không ý thức được rằng hàng triệu loại bí quyết nhỏ xíu sẽ hình thành và phối hợp một cách tự nhiên và kỳ diệu nhằm thoả mãn nhu cầu cần thiết đó – nên cá nhân ấy không thể đừng được mà đi đến cái kết luận sai lầm rằng bưu phẩm chỉ có thể được phân phát nhờ hành động lập kế hoạch và điều khiển của chính phủ.
Vô số bằng chứng
Nếu tôi, cái Bút chì, là thứ duy nhất khả dĩ đưa ra bằng chứng về những gì mà con người có thể đạt tới khi được tự do thử sức thì những kẻ với niềm tin ít ỏi hẳn sẽ có cơ hớn hở. Tuy nhiên, bằng chứng lại quá ư dồi dào; tất thảy đều liên quan đến chúng ta trên mọi phương diện. Hoạt động chuyển phát bưu phẩm đơn giản hơn rất nhiều khi so sánh, chẳng hạn, với việc làm ra một chiếc ô tô, hay cỗ máy tính, hay chiếc máy gặt đập liên hợp, hay chiếc máy xay, hay với hàng chục ngàn thứ khác.
Chuyển phát ư? Tại sao vậy, trong cái kỷ nguyên mà con người đã được tự do thử sức này, người ta chuyển phát giọng nói con người vòng quanh trái đất trong chưa đầy một giây; người ta chuyển phát một sự kiện bằng hình ảnh đang chuyển động đến bất kỳ nhà một người nào khi nó đang diễn ra; người ta ‘chuyển phát’ 150 hành khách từ Seattle[xiv]tới Baltimore[xv]trong chưa đầy bốn tiếng đồng hồ; người ta chuyển phát gas từ Texas[xvi]đến bếp lò của một người ở New York với mức giá thấp không thể tin nổi mà không hề có trợ cấp; người ta chuyển phát cứ mỗi 4 pound[xvii]dầu từ Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) về đến bờ biển phía Đông (Eastern Seaboard) của chúng ta – đúng nửa vòng trái đất – để được thanh toán một số tiền còn ít hơn mức mà chính phủ vẫn tính cước cho việc chuyển phát một bức thư nặng một ounce[xviii]qua bên kia đường.
Hãy để cho con người được tự do
Bài học mà tôi phải truyền đạt là thế này: Hãy để cho mọi năng lượng sáng tạo không bị cản trở. Hãy thuần tuý tổ chức xã hội để nó vận hành phù hợp với bài học này. Hãy để bộ máy pháp lý của xã hội, trong khả năng của nó, dỡ bỏ càng nhiều trở ngại càng tốt. Hãy cho phép bí quyết sáng tạo được tự do lưu thông. Hãy tin rằng những con người tự do sẽ đáp lại ‘Bàn tay Vô hình’. Niềm tin này sẽ được khẳng định. Tôi, cái Bút chì, dẫu có vẻ đơn giản như tôi vẫn vậy, xin dẫn ra đây phép màu về sự ra đời của mình như là bằng chứng rằng đó là niềm tin thực tế, thực tế như mặt trời, như cơn mưa, như cây tuyết tùng, và như trái đất tươi đẹp này vậy.
[i]G.K. Chesterton (1874-1936): tác gia ảnh hưởng người Anh đầu thế kỷ 20 trong các lĩnh vực báo chí, triết học, thơ ca, tiểu sử. (ND)
[ii]Một thành phố nằm ở quận Alameda, bang California, Mỹ. (ND)
[iii]1 inch = 2,54cm. (ND)
[iv]Một thành phố nằm ở đông bắc bang Pennsylvania. (ND)
[v]Nay là Sri Lanka. (ND)
[vi]NH4OH (ND)
[vii]H2SO4 (ND)
[viii]1.0100C (ND).
[ix]Một loại cây bụi nhiều nhánh, thẳng đứng, hầu như không có lá ở Mexico, cho ra loại sáp candililla. (ND)
[x]Loại carbon vô định hình thu được từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn của khí tự nhiên hoặc dầu mỏ. (ND)
[xi]Vật liệu dạng cao su mềm thu được từ phản ứng giữa sulfur hoặc chloride sulfur với dầu thực vật. (ND)
[xii]Tức Indonesia ngày nay. (ND)
[xiii]Loại nham thạch nhẹ và xốp. (ND)
[xiv]Một thành phố thuộc bang Washington, Mỹ. (ND)
[xv]Một thành phố thuộc bang Maryland, Mỹ. (ND)
[xvi]Một bang nằm ở phía Nam nước Mỹ. (ND)
[xvii]1 pound = 0,4536kg
[xviii]1 ounce = 28,35g
Các bác khinh thường ý chí sắt đá của người Cộng Sản
ReplyDeleteĐã có câu thơ
"Với sức người do đảng Cộng Sản lãnh đạo, sỏi đá biến đầu lâu"