Wednesday, November 27, 2013

Báo Mỹ quan tâm đến chế định vai trò DNNN trong Hiến pháp Việt Nam sửa đổi

Bloomberg News | 27.11.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng


Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã sẵn sàng cho việc tăng cường kiểm soát nền kinh tế khi họ khẳng định vai trò trung tâm của Đảng Cộng sản cầm quyền và sự chi phối của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong bản hiến pháp sửa đổi mà Quốc hội sẽ thông qua tuần này.
Sau khi tỏ ý hồi tháng Giêng rằng họ có thể tận dụng dịp sửa đổi hiến pháp để từng bước tiến tới một hệ thống theo định hướng thị trường nhiều hơn và nâng tốc độ tăng trưởng từ mức thấp nhất trong 13 năm gần đây, các nhà lãnh đạo lại quyết định duy trì vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế. Các DNNN của Việt Nam đã góp phần tạo ra tỷ lệ nợ xấu cao nhất Đông Nam Á.
Việc tiếp tục củng cố chế độ khiến những cải cách cần thiết như tăng cường độ minh bạch càng đứng trước rủi ro bị trì hoãn trong bối cảnh bất ổn xã hội gia tăng bởi những vấn đề như chủ quyền đất đai – đấy là nhận định của các nhà đầu tư, trong đó có Mark Mobius. Thái độ không hài lòng với tình hình kinh tế đã khiến Quốc hội lần đầu tiên tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm dành cho các vị lãnh đạo và một số đảng viên thậm chí còn đề xuất một bản hiến pháp mới cho phép “cạnh tranh chính trị”.
“Đó là sự sửa soạn để chuẩn bị ứng phó với thảm hoạ”, Carlyle Thayer – giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australia (Canberra) – nhận xét. “Nền kinh tế sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng 7% mà họ muốn. Bất cứ khi nào xẩy ra tình trạng bất ổn thì giải pháp mặc định cũng đều là duy trì sự kiểm soát.”
Các quan chức chính phủ dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 5,4% năm nay và 5,8% năm tới, nghĩa là 7 năm liền dưới mức 7%. Nợ xấu của Việt Nam, mà theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và các hãng xếp hạng tín nhiệm thì cao hơn mức 4,52% tổng dư nợ được báo cáo vào cuối tháng Chín, đã kìm hãm tăng trưởng tín dụng và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.
Nỗi bất an của các nhà đầu tư
Việc trì hoãn cải cách có thể gây bất an cho các nhà đầu tư nước ngoài vốn dĩ đã ngán ngẩm với hệ thống rối rắm của Việt Nam, Mobius (người chịu trách nhiệm quản lý 53 tỷ USD tài sản trên cương vị chủ tịch điều hành của Templeton Emerging Markets Group) nhận xét.
“Nếu bạn đang kinh doanh ở Việt Nam thì vai trò của chính phủ là rất, rất lớn”, ông nói qua điện thoại. “Chúng tôi gần như phải đoán mò về những gì sắp xẩy ra. Bạn phải đối mặt với một nhà nước độc đảng và các quyết định thì được đưa ra sau những cánh cửa khép kín. Chúng tôi cần được thấy nhiều minh bạch hơn nữa.”
Xuất khẩu của Việt Nam trong tháng Mười tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hơn hai lần tốc độ của Trung Quốc, và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết tăng 54% lên 20,8 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Chính phủ sẽ muốn duy trì nhịp độ đó, Mobius nói.
“Tôi chắc chắn là có một nhóm trong đảng muốn chứng kiến thêm cải cách”, ông nhận xét.
Mobius và các nhà đầu tư chứng khoán khác đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng ngoạn mục 24% của VN Index năm nay, với kỳ vọng chính phủ sẽ nâng trần sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết. Chỉ số thị trường chứng khoán của Việt Nam đã tăng 0,4% lên 510,96 điểm lúc mở cửa ngày hôm nay.
Bản dự thảo hiến pháp mới nhất khẳng định một “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”, trong đó “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”. Nó vẫn duy trì quy định là tất cả các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật.
Cơ hội nhỡ nhàng
Các công ty và nhà đầu tư nước ngoài “sẽ nhận thấy rằng hiến pháp không có những thay đổi quan trọng và họ có thể cho rằng chúng ta không thực sự muốn thay đổi và đó sẽ là một tín hiệu sai lầm”, ông Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế độc lập từng cố vấn cho hai thủ tướng Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng) nhận xét. “Một số nhà đầu tư có thể coi đây là sự ổn định nhưng số khác lại có thể xem là đình trệ.”
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tiến hành cải cách kinh tế nhằm ứng phó với hiện tượng tăng trưởng đang chậm lại, đồng thời thể hiện thái độ sẵn sàng hơn trong việc cải cách DNNN, ông nói thêm.
“Chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội lớn để thực sự tạo ra một số thay đổi”, ông Lê Đăng Doanh (người nằm trong số 72 vị nhân sỹ, trí thức ký tên vào bản hiến pháp thay thế mà họ đề xuất cho Quốc hội) bình luận. “Chúng ta có thể sẽ phải trả giá cho bản hiến pháp mới này. Nó sẽ không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi thành phần kinh tế nhà nước kém hiệu quả lại dẫn dắt nền kinh tế.”
Tình trạng dễ bị tổn thương của nền kinh tế
Bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 cũng tăng cường mức độ ảnh hưởng của đảng bằng cách đặt lực lượng công an và quân đội dưới quyền kiểm soát của nó và trao cho chính phủ những quyền hạn lớn hơn để hạn chế tự do ngôn luận.
Từng một thời là điểm đến phát triển nhanh nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn, sự tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại sau khi sớm bùng nổ nhờ những cải cách kinh tế năm 1986 mà người ta gọi là “Đổi mới” (lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến với Mỹ kết thúc doanh nghiệp tư nhân được phép chính thức hoạt động).
DNNN là một nguyên nhân chính khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận xét hồi tháng Tám.
Khu vực kinh tế nhà nước là một trụ đỡ của nền kinh tế, giúp đảm bảo sự ổn định trong bối cảnh suy thoái toàn cầu gần đây – đó là phát biểu của Đại biểu Quốc hội Trần Minh Diệu mà báo điện tử VietNamNet đưa tin ngày 6.11.
“Vẫn cần thiết”
“Mặc dù còn có những khiếm khuyết trong hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh nhưng vẫn cần tăng cường vai trò của loại hình này”, ông Trần Minh Diệu nói.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam chịu áp lực phải thay đổi. Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tháng Sáu vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị gần 1/3 số Đại biểu Quốc hội đánh giá thấp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận được số phiếu “tín nhiệm thấp” từ 42% số đại biểu, những người bỏ phiếu kín.
Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam, DNNN được biết đến với cái tên Vinashin, gần như sụp đổ hồi năm 2010 vì không xoay xở được nợ nần. Doanh nghiệp này hiện đã đổi tên thành Tổng Công ty Công nghiệp Đóng tàu.
Các nhà lãnh đạo đã tỏ ra do dự trước việc liệu bản hiến pháp sửa đổi có nên chứa đựng những ngôn từ điều chỉnh lại vai trò của nhà nước hay không, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) Dominic Mellor bình luận.
“Ở đây có các nhóm lợi ích cùng một số nhóm khác không muốn thay đổi”, ông nói qua điện thoại. “Tuy nhiên, mức độ bất ổn trong vài năm qua và thành tích nghèo nàn của những DNNN quản lý yếu kém đã tạo ra cuộc tranh luận.”
Theo Tim Condon, chuyên gia trưởng về kinh tế Châu Á của công ty ING Financial Markets (Singapore), người trước kia từng làm cho Ngân hàng Thế giới (WB), ngôn từ của bản hiến pháp mới có lẽ sẽ không gây ra hiện tượng giảm sút đầu tư trong ngắn hạn. Tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy cộng với chi phí nhân công thấp là những nhân tố đang thu hút các doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc sang Việt Nam, ông nói.
“Nếu việc công bố bản hiến pháp mới tạo ra bất kỳ hiệu ứng gì thì nó cũng chỉ được cảm nhận trong dài hạn: một tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với kỳ vọng”, Condon nhận xét. “Hai mươi năm tới chúng ta có thể sẽ nhìn lại quyết định này và xem đó như một quyết định vô cùng tai hại.”
Liên hệ với người của Bloomberg News về bài viết: John Boudreau (Hà Nội), jboudreau3@bloomberg.net
Liên hệ với biên tập viên chịu trách nhiệm về bài viết: Rosalind Mathieson, rmathieson3@bloomberg.net

Tuesday, November 26, 2013

Carl Thayer: Gấu Nga đã trở lại Việt Nam

Chuyến thăm Việt Nam vừa rồi của Tổng thống Putin chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ đang phát triển của hai đồng minh trước đây.

Carl Thayer | The Diplomat | 26.11.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng



Tổng thống Nha Vladimir Putin vừa thực hiện chuyến thăm chớp nhoáng tới Hà Nội ngày 12.11 để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai bên đạt được vào năm ngoái. Đây là chuyến công du thứ ba của Putin đến Việt Nam và là chuyến thứ hai trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga.
Putin đã gặp 3 nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Trương Tấn Sang và TBT Nguyễn Phú Trọng. Kết thúc chuyến thăm, người ta loan báo là hai bên đã đạt được 17 thoả thuận song phương, trong đó có 5 thoả thuận trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Những thoả thuận này phản ánh tính chất sâu rộng của mối quan hệ song phương mà hai nước bắt đầu phát triển sau khi Liên bang Soviet sụp đổ 10 năm.
Các lực lượng vũ trang của Việt Nam – phòng không, không quân, hải quân, tăng-thiết giáp và pháo binh – phụ thuộc vào phụ tùng và trang thiết bị từ thời Liên Xô và rất cần được hiện đại hoá. Từ năm 1993 đến 2000, Nga đã bán cho Việt Nam 12 máy bay Su-27SK và Su-27UB Flanker, 2 hộ vệ hạm (corvette) gắn tên lửa, 4 hệ thống radar và các thiết bị quân sự khác.
Tháng 3.2001, Nga trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam. Lúc đó, hai bên đã vạch ra 8 lĩnh vực hợp tác chính: chính trị - ngoại giao; dầu khí, thuỷ điện và năng lượng hạt nhân; thương mại và đầu tư; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo; văn hoá - du lịch; thiết bị và công nghệ quân sự.
Điều 8 của thoả thuận đối tác chiến lược nêu rõ: “Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong việc cung ứng trang thiết bị quân sự nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh của Việt Nam và Nga mà không chống lại bất kỳ bên thứ ba nào.”
Từ năm 2001 đến 2008, mối quan hệ song phương giữa hai nước bị hạn chế do tình hình kinh tế tồi tệ ở Nga; điều này khiến cho mối quan hệ đối tác chiến lược trở nên yếu ớt. Kể từ năm 2008, tình hình chính trị của Nga ổn định trở lại và nền kinh tế được thúc đẩy nhờ sự phát triển của hoạt động khai thác dầu khí. Nga tìm cách khai thác cơ hội thị trường tại một Việt Nam đang tăng trưởng nhanh cũng như các tuyến vận tải giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông của Nga.
Việc Nga bán vũ khí cho Việt Nam nhanh chóng trở thành một bộ phận quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược.
Từ năm 2008 đến 2012, Hải quân Việt Nam nhận 2 khinh hạm (frigate) lớp Gepard gắn tên lửa điều khiển và 4 tàu tuần tiễu cao tốc lớp Svetlyak. Ngoài ra, Hải quân Việt Nam còn mua 40 tên lửa chống hạm Yakhont/SS-N-26 và 400 tên lửa chống hạm Kh-35Uran/SS-N-25.
Năm 2009, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Kilo cải tiến.
Quân chủng Phòng không - Không quân của Việt Nam nhận 20 máy bay chiến đấu Su-30MK2V với các tên lửa hành trình chống hạm Kh-59MK, 100 tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 (AA-11 Archer), 200 tên lửa đất đối không 9M311/SA-19 Grisons, 2 khẩu đội pháo đất đối không S-300PMU-1, 4 radar phòng không Kolchnya và thiết bị định vị radio thụ động VERA. Ngoài ra, Việt Nam còn tiếp nhận 2 khẩu đội pháo bảo vệ bờ biển K-300P Bastion.
Ngày 27.7.2012, Tổng thống Putin gặp Chủ tịch Sang tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi và thông qua Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện. Các hợp đồng bán vũ khí và cung cấp dịch vụ quân sự mà Nga dành cho Việt Nam giờ đây đã trở thành hợp phần quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa hai nước.
Từ năm 2012, Việt Nam đã đặt mua thêm 12 máy bay Su-30MK2s và 2 khinh hạm lớp Gepard 3.9 (được thiết kế để chiến đấu chống tàu ngầm). Nga cũng được trao hợp đồng xây dựng một cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa tàu quân sự ở vịnh Cam Ranh.
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam mới đây của Putin, Nga đã cho chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên của Việt Nam lên tàu vận chuyển để giao cho Việt Nam đồng thời loan báo rằng họ sẽ bàn giao trung tâm đào tạo thuỷ thủ tàu ngầm mà họ đang xây dựng ở cảng Cam Ranh vào tháng 1.2014.
Kết thúc chuyến thăm của Putin, bản Tuyên bố chung đã đề cập đến một thoả thuận về hợp tác quốc phòng giữa hai bên mà không cung cấp chi tiết cụ thể. Báo chí cũng như những tuyên bố chính thức khác cho thấy Nga sẽ tham gia tích cực vào việc sửa chữa, bảo dưỡng các vũ khí và trang thiết bị quân sự mà họ đã bán cho Việt Nam, đồng thời chuyển giao công nghệ quân sự cho nhà máy liên doanh của hai nước. Chẳng hạn, Việt Nam và Nga có thể sẽ đồng sản xuất tên lửa hành trình chống hạm Uran (SS-N-25 Switchblade).
Trong cuộc phỏng vấn ngày 9.11, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Putin, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã kêu gọi hai nước “đưa hợp tác quân sự lên tầm mức mới”. Để “tạo bước đột phá mới” trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Chủ tịch Sang còn đề xuất “hình thành liên doanh sản xuất, trong hoạt động nghiên cứu, trong việc thành lập các trung tâm dịch vụ và triển khai dịch vụ hậu mãi, cũng như trong việc xuất khẩu sang nước thứ ba”.
Tuyên bố trước khi đến Hà Nội, Tổng thống Putin lưu ý: “Hợp tác quân sự và kỹ thuật đã diễn ra theo một chiều hướng hoàn toàn mới. Công cuộc hợp tác đó không còn bó hẹp trong phạm vi cung ứng hàng xuất khẩu, mà hai bên đang thực hiện các bước để khởi động dự án sản xuất thiết bị quân sự tiên tiến với sự trợ giúp của các công ty Nga ở Việt Nam.”
Nga đang thúc ép Việt Nam cho phép họ độc quyền tiếp cận các cơ sở hậu cần và sửa chữa, bảo dưỡng tàu quân sự hiện đang được xây dựng ở vịnh Cam Ranh.
Những vũ khí và trang thiết bị quân sự mà Việt Nam tiếp nhận hiện nay, cũng như dự đoán sẽ tiếp nhận trong tương lai, dẫn đến nhu cầu thúc bách đối với các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và đào tạo thích hợp mà chỉ các doanh nghiệp quốc phòng của Nga mới có thể cung cấp. Ngoài ra, Nga còn đề xuất mở rộng khu lưu trú tại các học viện quân sự của mình để đào tạo nhân sự cho quân đội Việt Nam.
Mới đây, James Goldrich, đô đốc hồi hưu người Australia, đã lưu ý về việc Việt Nam mua 6 tàu ngầm lớp Kilo rằng: “Người Việt Nam đang nỗ lực để nhanh chóng đạt được điều mà trong thời gian gần đây, không một lực lượng hải quân nào xoay xở thành công với một quy mô lớn như thế và từ một nền tảng hạn hẹp đến thế”. Ông kết luận: “Những tàu thuyền mới có thể có số lượng người Nga đáng kể trên boong trong những năm sắp tới… Các chuyên gia Nga chắc chắn là sẽ được cần đến ở trên bờ.”
Tóm lại, “gấu Nga” đang trở lại Việt Nam. Những năm tới đây, các công ty Nga sẽ trợ giúp Việt Nam trong việc sửa chữa và bảo dưỡng những vũ khí và trang thiết bị quân sự mà họ mua từ Nga. Các công ty quốc phòng của Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động đồng sản xuất nhiều loại tên lửa và vũ khí, trang thiết bị quân sự, những thứ sẽ được lắp vào các bệ tác chiến trên không và trên biển mới của Việt Nam. Bên cạnh đó, các sỹ quan và chuyên gia khác của Nga cũng sẽ giúp Việt Nam phát triển hạm đội tàu ngầm của mình.
Các tiện ích quân sự của Nga ở Cam Ranh cũng được cho là sẽ cung cấp hậu cần và dịch vụ cho các tàu hải quân của Nga trên đường từ Viễn Đông đến vịnh Aden và ngược lại. Như bản Tuyên bố chung của hai nước ngày 12.11 tiết lộ, các liên doanh dầu khí Việt-Nga sẽ tiếp tục thăm dò và sản xuất các loại hydro-carbon trên thềm lục địa của Việt Nam. Vì thế, Việt Nam và Nga có lợi ích tương đồng trong việc duy trì hoà bình và ổn định trên Biển Đông.


Thursday, November 21, 2013

The Diplomat: Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục đạt được những bước tiến chiến lược quan trọng

Chuyến thăm cấp cao đến New Delhi tuần này cho thấy một loạt lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.

Ankit Panda | The Diplomat | 21.11.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng



Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị kết thúc chuyến thăm quan trọng tới New Delhi. Chuyến thăm dường như lại tiếp thêm sức sống cho mối quan hệ vốn dĩ đã nồng ấm giữa hai quốc gia Á Châu này, đồng thời cũng đưa đến những thoả thuận ảnh hưởng tới tương lai của quan hệ Việt-Ấn trên Biển Đông. Bắt đầu với chuyến thăm này, New Delhi sẽ dành vài tháng tới cho nghị trình ngoại giao Hướng Đông của mình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng sẽ sớm công du New Delhi.
Trong diễn tiến của chuyến thăm tuần này – chuyến thăm quan trọng thứ ba mà các nhà lãnh đạo Việt Nam thực hiện kể từ năm 2011 – Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết nhiều thoả thuận và một Biên bản Ghi nhớ quan trọng. Nếu ai đó từng nghi ngờ về mức độ sâu rộng chiến lược của mối quan hệ này – vốn được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 – thì những thoả thuận này sẽ xua tan những nghi ngờ ấy.
Ấn Độ đã sải những bước dài trong công cuộc hiện thực hoá “Chính sách Hướng Đông” vốn bị trì hoãn khá lâu bằng cách cung cấp khoản tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam mua vũ khí. Phía Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển. Ngoài ra, hai bên còn ký một thoả thuận về dịch vụ hàng không nhằm tăng lượng hành khách hàng không trực tiếp giữa hai nước và thoả thuận thành lập một “phòng thí nghiệm tội phạm công nghệ cao ở Hà Nội” – sự kiện đã được bàn thảo đầu năm nay. Phòng Thí nghiệm Tội phạm Công nghệ cao Indira Gandhi (IGHCL), tên gọi chính thức của phòng thí nghiệm, được tài trợ thông qua một khoản viện trợ tài chính của Ấn Độ (cũng được nhất trí trong chuyến thăm này).
Về quan hệ thương mại, hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015. Theo Indo-Asian News Service, Việt Nam trao cho tập đoàn Tata Power của Ấn Độ một hợp đồng quan trọng, “xây dựng nhà máy nhiệt điện than Long Phú II ở Sóc Trăng”. Ấn Độ đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách ngoại giao của mình bằng cách lần đầu tiên tặng một siêu máy tính cho nước khác – Trung tâm Tính toán Hiệu năng cao PARAM tại Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng máy tính này.
Sự hào phóng tích cực về mọi mặt của Ấn Độ xem ra đã đem lại kết quả. Đáp lại sự can dự đầy khích lệ của Ấn Độ với Việt Nam, phía Việt Nam tuyên bố rằng họ đánh giá cao “vai trò mang tính xây dựng” của Ấn Độ trên Biển Đông. Rõ ràng, Ấn Độ quan tâm đến việc kéo Việt Nam vào vòng ảnh hưởng của mình để đối trọng với Trung Quốc trong khu vực (giống như Nga), và hai bên có mối quan hệ quốc phòng ngày càng sâu sắc. Ấn Độ đã hỗ trợ và đào tạo thuỷ thủ đoàn tàu ngầm cho Việt Nam.
Việt Nam giao cho Ấn Độ, nước đã hợp tác với Việt Nam trong hoạt động thăm dò dầu ngoài khơi Biển Đông, 7 lô dầu ngoài khơi để thăm dò. Hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực này trong quá khứ từng khiến Trung Quốc tức giận. Tờ Times of India đưa tin: “Năm ngoái, khi Ấn Độ muốn từ bỏ lô dầu số 128 ngoài khơi Biển Đông của Việt Nam vì ở đó thực sự không có dầu, Hà Nội đã yêu cầu New Delhi ở lại cho đến tận năm 2014. Chuyện này xẩy ra giữa lúc Trung Quốc đang phùng mang trợn má để bảo vệ yêu sách của mình trên Biển Đông.”
Cái cách Ấn Độ tiếp cận Việt Nam đã thay đổi từ hình thức dựa chủ yếu vào tình đoàn kết hậu thuộc địa sang hình thức ngày càng dựa trên tầm nhìn chiến lược. Phương diện kinh tế của mối quan hệ không thực sự được mở rộng cho đến những năm gần đây do sự trì hoãn của quá trình tự do hoá ở Ấn Độ và chính sách kinh tế phi tự do của Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Tính chất bổ trợ chiến lược quan trọng của mối quan hệ nằm ở chỗ, khi hai nước tăng cường quan hệ, họ đều nhận thấy vị thế của mình trước Trung Quốc ngày càng lớn hơn. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là một nút thắt trọng yếu trong nỗ lực nhằm xoá nhoà lằn ranh giữa Ấn Độ Dương và những lợi ích ở Biển Đông của họ.
Việt Nam vẫn luôn coi Ấn Độ là một đối tác Á Châu quan trọng, luôn nhớ tới sự ủng hộ mà Ấn Độ dành cho mình trong cuộc chiến tranh ở Campuchia hàng chục năm trước. Ấn Độ, trong tầm nhìn chiến lược của Việt Nam, là một đối trọng khả dĩ với Trung Quốc. Những năm gần đây, Việt Nam vẫn nhiệt tình mời Ấn Độ tới Biển Đông để thăm dò tài nguyên. Thậm chí, họ còn đi xa đến mức mời chào Ấn Độ tới thăm dò tại những khu vực mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền (Ấn Độ đã quyết định không theo đuổi vì sự bất khả thi của công nghệ khai thác). Chắc chắn, Việt Nam sẽ tiếp tục ve vãn Ấn Độ như một đối tác chủ chốt trước thái độ đón nhận của Ấn Độ. Trong bối cảnh hai nước tiếp tục hợp tác về quốc phòng và năng lượng, mối quan hệ Việt-Ấn chỉ có thể trở nên quan trọng hơn trong việc định đoạt kết cục địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái  Bình Dương.

Tuesday, November 19, 2013

Siêu bão Hải Yến đã dạy chúng ta điều gì về Trung Quốc?

Người dịch: Lê Anh Hùng



Nếu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần một lời nhắc nhở về sự khác biệt giữa trật tự do Mỹ lãnh đạo với một trật tự do Trung Quốc định hình thì phản ứng của hai siêu cường này trước siêu bão Hải Yến là một ví dụ trần trụi. Một nước điều lực lượng hải quân cùng thuỷ quân lục chiến đến giúp đỡ và cam kết viện trợ 20 triệu USD. Nước kia thì trao khoản hỗ trợ 100.000USD của chính phủ, cho đến khi không chịu nổi áp lực của cộng đồng quốc tế mới chịu tăng mức đóng góp lên 1,6 triệu USD, một con số vẫn thể hiện sự bần tiện.
Những bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực cần xem xét nghiêm túc ý nghĩa của sự so sánh này. Đây không phải là một hiện tượng bất thường.
Hoa Kỳ đã phạm sai lầm trong nhiều năm. Việc liên minh với các chế độ phi dân chủ — bất kể là Marcos ở Philippines hay Suharto ở Indonesia — thường là cần thiết để giành chiến thắng trong chiến tranh lạnh. Trong một số trường hợp, như ở Đài Loan hay Hàn Quốc, sự ủng hộ của chúng ta là một nhân tố quyết định để những nước này rốt cuộc cũng đi đến chỗ dân chủ hoá. Song chắc chắn là có những trường hợp mà ở đó chúng ta đã ủng hộ các nhà độc tài lâu hơn và đầy đủ hơn mức cần thiết.
Giờ đây, tất cả dường như đã quá rõ ràng. Nhưng trước đây thì không phải vậy. Và trong thực tiễn, đôi khi chúng ta cũng phạm sai lầm trong những sự việc cụ thể. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn luôn tìm cách đảm bảo một mức độ phép tắc cơ bản khi thực thi chính sách ngoại giao của mình. Cộng đồng cử tri đòi hỏi điều đó. Và khi thiếu vắng một bối cảnh chiến lược chi phối, bao trùm như thời chiến tranh lạnh, người ta lại càng dễ đưa ra phán xét cá nhân.
Xin dẫn ra đây một dẫn chứng trước khi siêu bão Hải Yến đổ bộ vào Philippines. Năm 2008, sau khi một cơn lốc xoáy tàn phá Myanmar, Hoa Kỳ đã hỗ trợ và 15 lần yêu cầu cho phép sử dụng lực lượng hải quân để hoạt động cứu trợ nạn nhân đạt hiệu quả cao nhất. Chính quyền Myanmar đã từ chối những yêu cầu đó, xuất phát từ thói đa nghi cũng như sự khiếm nhã “thâm căn cố đế” của họ. Vấn đề nằm ở chỗ, năm 2008 là thời điểm mà ít nước trên thế giới có mối quan hệ với Hoa Kỳ tồi tệ hơn quan hệ Myanmar - Hoa Kỳ. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn vượt qua điều đó để nỗ lực cứu trợ.
Hãy so sánh hành động trên đây của Mỹ với sự đối xử mà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa dành cho Philippines khi thảm hoạ Hải Yến xẩy ra. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines không diễn ra tốt đẹp trong ba bốn năm qua, song vẫn không tồi tệ như mối quan hệ Hoa Kỳ - Myanmar năm 2008. Không có lệnh cấm vận nào giữa hai quốc gia; hai bên vẫn giao thương với nhau, vẫn duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ, vẫn tương tác ở cấp cao, vẫn tham gia các diễn đàn ngoại giao với nhau, v.v. Nhưng theo chuẩn mực khu vực về quan hệ láng giềng tốt — đặc biệt là chuẩn mực của Trung Quốc, quốc gia vẫn đánh đồng sự phản bác yêu sách lãnh thổ của họ với sự thù địch — thì mối quan hệ đó là sóng gió. Philippines vẫn tiếp tục khẳng định yêu sách lãnh thổ của họ trên Biển Đông mà không cần biện minh, đồng thời thuyết phục bạn bè và láng giềng về quyền của mình. Trước sự phản đối của Trung Quốc, Philippines đã viện đến một hiệp ước quốc tế — Công ước LHQ về Luật Biển (mà Trung Quốc cũng là một thành viên) — để củng cố yêu sách của mình. Với những tội đó, trong con mắt của ban lãnh đạo Trung Quốc, Philippines rõ ràng là đã từ bỏ cơ hội nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho những người dân bị thảm hoạ.
Thật khó mà quy điều này cho sự tính toán sai lầm. Theo ý nghĩa rộng nhất, nó nằm trong một xu hướng. Tại sao Trung Quốc lại vứt bỏ chiến dịch “tấn công thiện cảm” nhằm vào Đông Nam Á mà họ từng thực hiện rất thành công vào đầu những năm 2000? Tại sao họ lại huỷ hoại các mối quan hệ ở đây vì những yêu sách lãnh thổ lạ lùng, nằm ngoài khuôn khổ pháp luật? Tại sao họ lại chấp nhận rủi ro chiến tranh với Nhật Bản (và rộng ra là với các đồng minh của Mỹ) trên Biển Hoa Đông bằng việc tìm cách làm đảo lộn một hiện trạng hoà bình vốn phụng sự cả khu vực tốt đến vậy? Tại sao họ vẫn tiếp tục ủng hộ và bảo vệ chế độ đáng chê trách nhất trên thế giới ở Bắc Triều Tiên? Trên thực tế, Trung Quốc là đồng minh hiệp ước của Bắc Triều Tiên, họ vẫn tiếp tục hà hơi tiếp sức và trước sau như một ủng hộ Bắc Triều Tiên về ngoại giao.
Câu hỏi nổi lên từ sự kiện siêu bão Hải Yến là tại sao việc giúp đỡ một nước láng giềng đang bị tàn phá lại không phải là chuyện “không phải nghĩ” đối với ban lãnh đạo Trung Quốc. Có thể là người Trung Quốc không phải đang phạm sai lầm nghiêm trọng. Có thể là họ đang giải một bài toán khác với Hoa Kỳ. Lợi ích của họ không phải là trở thành một “cổ đông” hữu ích, cùng với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, trong công cuộc duy trì một trật tự khu vực tự do, công bằng và hoà bình. Trái lại, bài toán của họ hướng tiêu điểm rất hẹp vào nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp trực tiếp cho lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Một trật tự quốc tế với tâm điểm là tất cả các quốc gia thành viên theo đuổi những lợi ích quốc gia hẹp hòi (đến mức không có chỗ cho phép tắc con người cơ bản) không phải là một trật tự tương xứng với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đó chính là bài học cho chúng ta từ siêu bão Hải Yến.
  • Walter Lohman giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á Châu (Asian Studies Center) của Quỹ Di sản (The Heritage Foundation).


Sunday, November 17, 2013

Reuters: Dự án đường bộ của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới bị nghi ngờ

Nguyen Phuong LinhReuters | 15.11.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng


HÀ NỘI (Reuters) – Với một doanh nghiệp đoản vốn, hoạt động trong lĩnh vực dệt may, bất động sản và nước đóng chai, Bitexco không phải là sự lựa chọn hiển nhiên để thi công tuyến xa lộ trị giá 757 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ trong dự án hợp tác công-tư đầu tiên ở Việt Nam.
Không một cuộc đấu thầu nào cho dự án này được thực hiện, mặc dù chính phủ cộng sản Việt Nam cam kết tạo ra một sân chơi bình đẳng trong các dự án công-tư. Các nhà đầu tư nói hợp đồng phi đấu thầu này – và sự ủng hộ mà WB dành cho nó – đã tạo ra một tiền lệ xấu đối với một đất nước vẫn đang tìm cách rũ bỏ tai tiếng về nạn tham nhũng, tình trạng quan liêu và các nhóm lợi ích, những vấn nạn vốn đã bén rễ từ lâu.
Tuy nhiên, sự ủng hộ đó lại được các quan chức WB mô tả như là một phần trong nỗ lực của Jim Yong Kim, Chủ tịch WB, nhằm khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào công cuộc phát triển, đặc biệt là tại những nước thu nhập trung bình như Việt Nam, trong khi đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ vẫn hiện hữu.
Tháng trước, khi loan báo chiến lược này, ông Kim nói rằng nếu chỉ sử dụng ngân sách công thì không thể xoá đói giảm nghèo và đáp ứng nhu cầu cầu hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Các quan chức WB cho biết là chính phủ đã chọn Bitexco xây dựng một đoạn 100km trong tuyến xa lộ Tp HCM – Phan Thiết sau khi công ty này thực hiện một nghiên cứu khả thi. Họ nói, các quy định về xã hội và môi trường của WB sẽ được đáp ứng, và việc chào giá cạnh tranh sẽ được đảm bảo, khi tiến hành đấu thầu để lựa chọn đối tác thứ hai.
“Cách tiếp cận sáng tạo này sẽ cho phép chúng ta giúp Việt Nam xây dựng tuyến cao tốc nhanh hơn, đem lại lợi ích từ phát triển kinh tế cho người dân sớm hơn”, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa phát biểu.
WB dành cho chính phủ Việt Nam một khoản viện trợ không hoàn lại và một số khoản vay với lãi suất ưu đãi cho dự án đường bộ này, giá trị của chúng vẫn chưa được quyết định.
Một số tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức khác đã cảnh báo rằng chiến lược mới của ông Kim (hợp tác với khu vực tư nhân) ẩn chứa những rủi ro về quản trị nếu không được thực thi đúng đắn.
“Trong chiến lược này, trọng tâm thực sự là hợp tác với khu vực tư nhân và chấp nhận rủi ro lớn hơn, với hy vọng là điều đó sẽ đem lại thành công”, Jessica Evans – nhà vận động kỳ cựu của tổ chức Human Rights Watch ở Washington – nhận xét.
“Mong muốn của WB đã đặt đúng chỗ. Tuy nhiên, thật không may, chúng ta lại thiếu những cơ chế nghiêm ngặt để đảm bảo mức độ chuyên tâm thích đáng như đòi hỏi, đặc biệt là liên quan đến vấn đề nhân quyền.”
Ở Việt Nam, việc thiếu đấu thầu cạnh tranh cho dự án đường bộ này đã bị chỉ trích.
“Tôi rất thất vọng”, một nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến dự án và đề nghị không nêu tên nhận xét. “Tôi từng kỳ vọng là chính phủ sẽ công khai dự án này với cơ hội bình đẳng cho tất cả các công ty tư nhân.”
Các quan chức WB nói rằng ngân hàng cho vay đã yêu cầu Bitexco đấu thầu ra bên ngoài để tìm kiếm một đối tác giúp thực hiện dự án.
“Bitexco chỉ có một số kinh nghiệm thi công, vì thế chúng tôi sẽ tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thứ hai, nhà đầu tư sẽ không chỉ đem đến nguồn tài chính bổ sung mà còn phải có kinh nghiệm đáng kể, với chuẩn mực cao”, Mark Moseley – đại diện WB giám sát dự án – cho biết.
Bitexco, vốn nổi tiếng nhờ xây dựng một toà nhà chọc trời mang tính biểu tượng ở Tp Hồ Chí Minh, đã tổ chức các cuộc triển lãm lưu động ở một số nước để tìm kiếm đối tác cho dự án đường bộ này.
Hồ sơ vòng sơ loại phải được nộp muộn nhất là ngày 29.11, việc đấu thầu có thể sẽ diễn ra trong năm tới.
“MÀU SẮC CHÍNH TRỊ”
Đây không phải là dự án đầu tư đầu tiên mà Bitexco nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ. Công ty này đã tham gia xây dựng 10 nhà máy thuỷ điện với tổng mức đầu tư 820 triệu USD, phần lớn là từ các khoản vay ngân hàng do chính phủ bảo lãnh, điều hiếm có đối với một doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam.
“Bitexco là một trong nhiều công ty ở Việt Nam mang màu sắc chính trị nhưng do nhiều nhân tố, trong đó có sự tham gia của các tổ chức đa phương, mà việc quản trị dự án sẽ chịu sự giám sát của nhiều người và điều đó sẽ giúp chúng ta,” Rodrigo France – chủ tịch Manila North Tollways, một công ty ở Philippines từng bày tỏ mối quan tâm đến dự án – nhận xét.
“Chúng tôi đã nghe một số báo cáo về các mối quan hệ chính trị của Bitexco nhưng chúng tôi nghĩ chúng tôi đang làm ăn với chính phủ Việt Nam cùng khu vực tư nhân của họ và đó là điều quan trọng với chúng tôi.”
Manila North là một đơn vị của tập đoàn đa ngành Metro Pacific Investments Corp ở Philippines, công ty này đến lượt lại là một công ty con của First Pacific Co. ở Hồng Kông.
Các nhà đầu tư khác lại có cảm xúc lẫn lộn về dự án hợp tác công-tư (PPP) đầu tiên này. Một mặt, đây là một bước nhảy khoáng đạt từ chỗ các DNNN vốn bóp nghẹt cạnh tranh vẫn được đối xử ưu đãi. Mặt khác, các dự án PPP, thay vì thế, có thể lại dung dưỡng một thứ văn hoá của chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) mà các doanh nghiệp nước ngoài không thể cạnh tranh nổi.
Tuy nhiên, chính phủ lại nói rằng dự án PPP đầu tiên này là công bằng và trung thực, mặc dù Bitexco được lựa chọn mà không phải cạnh tranh.
“Đây là một dự án thí điểm”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu với Reuters. “Điều này giải thích tại sao nó có những yếu tố đặc biệt. Chúng tôi không vi phạm bất kỳ quy định nào.”
Kế hoạch PPP bắt đầu được triển khai từ tháng 1.2011 và là một phần trong “kế hoạch kinh tế tổng thể” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát động nhằm phục hồi nền kinh tế từng một thời là con Hổ đầy triển vọng song nay đã đánh mất sức sống vì gánh nặng nợ nần và lạm phát (tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ và tín dụng thấp đã đẩy ít nhất 120.000 doanh nghiệp vào chỗ phá sản kể từ năm 2012).
Kế hoạch nêu rõ rằng các dự án PPP sẽ được dành cho các nhà thầu quốc tế và quốc nội, đồng thời thủ tục đấu thầu phải “phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”. Nó không đề cập gì đến bất kỳ hình thức sơ tuyển doanh nghiệp nào.
Mục đích của các dự án PPP là giảm bớt gánh nặng tài chính của nhà nước dành cho hạ tầng tại một đất nước mà ở đó nợ công, kể cả nợ của các DNNN luôn thất thoát vốn, tương đương 95% GDP (theo một báo cáo của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội).
Chủ tịch Bitexco Vũ Quang Hội nói, công ty của ông sẽ đóng góp 60%, hay 90 triệu USD, trong khoản đầu tư tư nhân 150 triệu USD vào dự án xa lộ.
Khoản 607 triệu USD còn lại sẽ đến từ chính phủ, ông Vũ Quang Hội nói. Ngân hàng Thế giới cho biết, họ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho dự án cả trực tiếp lẫn gián tiếp, thông qua một khoản viện trợ không hoàn lại để chính phủ góp vào dự án và một khoản vay với lãi suất ưu đãi, mà chính phủ sẽ dùng để cấp tín dụng cho Bitexco.
Ông Hội nói Bitexco ký kết thương vụ này vì phần nền móng họ làm trước và họ đã từ chối những dự án nhiều lợi nhuận hơn để ký kết hợp đồng thi công xa lộ này, bởi Việt Nam “cần một công ty tiên phong” có năng lực thi công.
“Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm xây dựng hạ tầng cho các dự án thuỷ điện”, ông Hội phát biểu với Reuters trong một cuộc phỏng vấn. “Điều đó còn khó hơn nhiều so với thi công đường cao tốc.”
Tuy nhiên, dự án này lại không thuyết phục được một số nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm hệ trọng với Việt Nam, quốc gia đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ các thị trường trong khu vực, khi một số nước đưa ra những ưu đãi hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp nước ngoài.
“Chính phủ Việt Nam đang huỷ hoại cơ hội cuối cùng để giành được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài”, giám đốc một phòng kinh doanh nước ngoài ở Tp HCM (người yêu cầu không nêu tên) nhận xét. “Đối với tôi, dự án này trông giống hình thức hợp tác ‘nhà tài trợ - chiến hữu’ nhiều hơn là hợp tác ‘công - tư'.”
  • (Phóng sự bổ sung: Anna Yukhananov ở Washington và Umesh Desai ở Hồng Kông; biên tập: Martin Petty và Raju Gopalakrishnan)


Thursday, November 14, 2013

BÁO CHÍNH THỐNG CỦA VIỆT NAM KHÔNG THỪA NHẬN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH LÀ “DANH NHÂN VĂN HOÁ THẾ GIỚI”

Lê Anh Hùng| 14.11.2013

Báo điện tử Chính phủ ngày 14.11 đăng bài “Đại thi hào Nguyễn Du là ‘Danh nhân Văn hoá Thế giới’”:
(Chinhphu.vn) - Đại thi hào Nguyễn Du vừa chính thức được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới".
Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 37 tại Paris (Pháp), Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đặc biệt đánh giá cao Hồ sơ về đại thi hào Nguyễn Du vì tầm ảnh hưởng của ông trong lịch sử văn hóa Việt Nam và cả khu vực.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Du, tác phẩm "Truyện Kiều", đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, đặc biệt phổ biến tại Pháp và Mỹ.
Như vậy cho đến nay, Việt Nam đã có 2 "Danh nhân Văn hóa thế giới" là Nguyễn TrãiNguyễn Du.
Hướng tới dịp kỷ niệm 220 năm ngày sinh Nguyễn Du (tổ chức vào năm 2015) đã được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ VHTTDL thực hiện. Hiện Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã xây dựng xong Đề án kỷ niệm và chuẩn bị lấy ý kiến của Bộ VHTTDL trước khi trình Chính phủ.
Theo đó, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức trong dịp này, bao gồm các hội thảo, các hoạt động văn hóa, kết nối thêm các tour du lịch đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du ở xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân), quy hoạch tổng thể khu di tích…
Nhật Nam


Đây là lần đầu tiên, một cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam thừa nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là “Danh nhân Văn hoá Thế giới”. 
Sự thừa nhận công khai này chẳng khác nào cú đòn chí mạng nhằm vào các “thế lực thù địch” trong và ngoài nước, những kẻ trước nay vẫn tuyên truyền bậy bạ rằng Nhà nước Việt Nam “nhận vơ” là UNESCO đã “vinh danh” Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Danh nhân Văn hoá Thế giới”. Chứ chẳng lẽ Báo điện tử Chính phủ và nhà báo Nhật Nam lại “tự diễn biến” hay sao?!

-----------------------------------------------


Cập nhật vào hồi 13h33 ngày 15.11:

Không chỉ Báo điện tử Chính phủ mà báo Thanh Niên ngày 14.11 cũng thừa nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là "Danh nhân Văn hoá Thế giới" ("Cho đến nay Việt Nam đã có 2 nhân vật được vinh danh danh nhân văn hóa thế giới là Nguyễn Trãi và Nguyễn Du."):


Một loạt báo chính thống khác cũng đưa tin như vậy:






-----------------------------
Cập nhật hồi 19h ngày 16.11:
Bài trên bản in của báo Thanh Niên: