Boston.com | 19.6.2013
Lê Thiên Hà dịch
Hà Nội, Việt Nam (AP) - Các cuốn sách tới tay Cù Huy Hà Vũ với những trang đã bị quản giáo xé mất. Chỉ một số bức thư của ông đến tay gia đình. Ông không được phép tiếp cận với những bằng chứng từ vụ xét xử mình hay gặp gỡ riêng tư với vợ.
Sự đối xử ấy, như mô tả của vợ ông, đã khiến luật gia người Việt phải tuyệt thực, và hiện ông đã tuyệt thực sang tuần thứ 4. Nguyễn Thị Dương Hà cho biết chồng bà nói hôm Chủ nhật với bà rằng ông đã không ăn uống gì kể từ ngày 27.5, mặc dù bà đem nước cam và cháo gà tới cho ông, và rằng ông sẽ tiếp tục không ăn cho đến khi giới chức trại giam chính thức trả lời các khiếu nại của ông.
Giờ đây, bà lo ngại vụ tuyệt thực sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề về bệnh tim mạch kinh niên của ông Vũ và dẫn đến đột quỵ.
“Tôi đang sống trong sợ hãi”, bà nói. “Tôi không thể ngủ được vì tôi sợ có thể có một cuộc điện thoại với tin xấu sẽ đến với mình.”
Ông Vũ, con trai của nhà thơ cách mạng Cù Huy Cận, nằm trong số rất nhiều người chỉ trích chính quyền đã bị tống giam khi nhà chính quyền cộng sản, vốn đang chìm trong những khó khăn về kinh tế cùng những lời phàn nàn về tình trạng tham nhũng và bất bình đẳng, ra tay đàn áp bất đồng chính kiến. Vụ tuyệt thực của ông đã khiến người ta chú ý đến điều kiện mà những người bất đồng chính kiến phải đối mặt trong nhà tù, cũng như việc ông bị kết án năm 2011 với những cáo buộc như tuyên truyền chống nhà nước, kêu gọi chính phủ đa đảng và đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của đảng.
Hôm thứ Ba vừa qua, cả Đại sứ quán Hoa Kỳ và tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International (London ) đều lên tiếng kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Vũ. Các blogger đã tập hợp để ủng hộ cuộc đấu tranh của ông trên internet, nơi những người Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện bất đồng chính kiến bất chấp việc ba blogger nổi bật bị bắt giữ trong tháng qua.
Rupert Abbott, chuyên gia nghiên cứu của Amnesty International về Campuchia, Lào và Việt Nam, bày tỏ: “Chúng tôi ngày càng nghe nhiều lời phản ánh về sự đối xử hà khắc dành cho các tù nhân lương tâm trong nhà tù, như việc họ bị biệt giam, bị chuyển từ trại giam này sang trại giam khác mà không thông báo cho gia đình, hay tình trạng thực phẩm và điều kiện chăm sóc y tế không đảm bảo.”
Ông Vũ, 55 tuổi, một luật sư tốt nghiệp Đại học Sorbonne (Pháp), nằm trong số những người chỉ trích nổi bật của Đảng CSVN cầm quyền. Bố ông không chỉ là một nhà thơ danh tiếng mà còn là Bộ trưởng Canh nông trong Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam hiện đại.
Ông Vũ bị bắt năm 2010 sau hai lần nỗ lực khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – đầu tiên là việc Thủ tướng phê duyệt dự án khai thác bauxite do Trung Quốc xây dựng ở Tây Nguyên, và sau đó là việc ông ngăn cấm khiếu kiện tập thể. Vụ kiện thứ nhất bị một toà án ở Hà Nội bác đơn, còn vụ thứ hai thì bị phớt lờ.
Trong phiên toà kịch tính diễn ra một ngày vào tháng Tư năm 2011, các luật sư của ông Vũ đã bỏ ra ngoài phòng xử án sau khi một thẩm phán từ chối đọc hay phân phát các cuộc phỏng vấn mà ông bị cáo buộc là đã dành cho các cơ quan truyền thông nước ngoài, trong đó có Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) do chính phủ Mỹ tài trợ và Đài Á Châu Tự Do (RFA). Ông bị kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Theo Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam ở Đại học New South Wales (Australia), trường hợp của ông Vũ “là một minh chứng về những chính sách phản tác dụng của chế độ cộng sản Việt Nam khi họ tìm cách đe đoạ và bịt miệng những người chỉ trích”. Ông bổ sung thêm là lý lịch gia đình cách mạng của ông Vũ “chỉ tổ làm xói mòn” sự chính danh của chế độ.
Bà Hà nói chồng bà tuyệt thực là vì các cán bộ trại giam không trả lời những đơn thư khiếu nại mà ông đã gửi từ mấy tháng trước. Luật pháp Việt Nam quy định trại giam phải trả lời đơn thư trong vòng 90 ngày.
“Ông ấy muốn được đối xử theo đúng pháp luật”, bà Hà nói hôm thứ Hai trong một nhà hàng ở Hà Nội. “Ông ấy là một luật sư và ông ấy hiểu là mình chưa làm điều gì sai trái.”
Ông Vũ và các luật sư của ông đã chính thức khiếu nại rằng các cán bộ trại giam ngăn không cho ông tiếp cận với những bằng chứng từ vụ xét xử ông, cũng như không cho ông gặp gỡ riêng tư với vợ khi bà đến thăm ông tại trại giam ở Thanh Hoá, một tỉnh nằm ở phía bắc Việt Nam. Ông cũng viết rằng một cán bộ trại giam đã tra tấn ông bằng cách liên tục mở cửa căn phòng của ông.
Bà Hà cho biết một số mặt trong đời sống nhà tù của chồng bà đã được cải thiện. Phòng giam rộng 20m2 (215f2), ban đầu không có cửa sổ và chỉ có một toilet thô sơ, đã được nâng cấp đáng kể trong những tháng gần đây.
Các phương tiện truyền thông nhà nước của Việt Nam tìm cách khiến người ta nghi ngờ việc ông Vũ thực sự tuyệt thực qua một số bản tin trên báo đài gần đây. Một bác sỹ của trại giam, chẳng hạn, được được báo Công an Nhân dân dẫn lời là ông ta thấy sức khoẻ của ông Vũ bình thường.
Phó giám thị trại giam Lê Duy Sáu nói với báo điện tử VnExpress rằng khiếu nại của ông Vũ về việc cán bộ trại giam mở cửa phòng là “hoàn toàn hoang tưởng”, và rằng ông Vũ sẽ được phép gặp gỡ riêng tư với vợ nếu ông hối hận về tội lỗi của mình.
Ông Sáu cho biết thêm là ông Vũ vẫn nhận thực phẩm từ gia đình, song lại không nói là ông có ăn hay không. Những nỗ lực liên lạc với các cán bộ trại giam hôm thứ Ba đã không thành công, còn Bộ Ngoại giao thì không trả lời một văn bản đề nghị bình luận.
Cô Nguyễn Thị Hường, người đã đính hôn với một nhà bất đồng chính kiến đang bị giam cầm khác, cho biết lực lượng an ninh Việt Nam đe doạ gia đình những người bất đồng chính kiến bằng nhiều thủ đoạn tinh vi – kể cả việc dựng lên những rào cản hành chính nhằm cản trở thân nhân của họ làm việc và đi học đại học, hay sách nhiễu khi họ tiếp xúc với truyền thông.
Hôn phu của Hường, Nguyễn Tiến Trung, bị tống giam từ năm 2010 với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền sau khi anh vận động ủng hộ đa nguyên chính trị.
“Họ sử dụng cả bộ máy nhà nước để gây áp lực lên gia đình các tù nhân chính trị và làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn”, Hường nói hôm thứ Ba từ Bloomington (bang Indiana ), nơi cô đang hoàn tất luận án tiến sỹ về luật và dân chủ tại Đại học Indiana . “Cách chính quyền bịt miệng bất đồng chính kiên thật là vô nhân đạo.”
Bà Hà cũng là một luật sư, giống như chồng mình; bà đang điều hành công ty luật gia đình từ ngôi biệt thự thời Pháp thuộc, cách không xa khu lăng nơi trưng bày xác ướp của Hồ Chí Minh. Lớp sơn trên tường ngôi biệt thự đang bong ra, và ngoài sân có một bức tượng bán thân của phụ thân ông Vũ.
Bà Hà nói rằng một số khách hàng lảng tránh công ty của bà vì sự nhạy cảm chính trị xung quanh án tù của chồng bà, và chính quyền đã ngăn cản gia đình bà mở một quán café Hà Nội bằng cách từ chối đơn xin cấp giấy phép kinh doanh.
Khi vào thăm chồng trong tù hôm Chủ nhật vừa rồi, bà thấy ông yếu và suy sụp. Bà hối thúc ông chấm dứt tuyệt thực, với lý lẽ rằng sự sống quan trọng hơn việc tuân thủ những nguyên tắc của ông.
Song ông Vũ trả lời là ông dự định tiếp tục lâu hơn chút nữa hòng buộc các cán bộ trại giam phải trả lời những khiếu nại của ông. Ông cũng nói là ông có kế hoạch sẽ tiếp tục ủng hộ dân chủ, nhân quyền và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam sau khi được phóng thích khỏi nhà tù.
“Ông ấy tự hào khi tiếp bước thân phụ của mình”, bà Hà nói.
Chúc ông Hà Vũ nhiều may mắn!
ReplyDelete5 nhận xét, nhưng có tới 4 nhận xét đọc biết ngay suy nghĩ của Dư Lợn Viên, những cái đầu của lợn và khỉ.
ReplyDeleteNhững người như Cù Huy Hà Vũ mới đúng là những nhà cách mạng của VN, cũng như những Blocger yêu nước khác đang đấu tranh cho một nước VN dân chủ & giàu mạnh
ReplyDeleteƯớc gì dân Việt làm được một cuộc CM như các nước Đông Âu thì VN mới ấm no, giàu mạnh được.