Sunday, June 30, 2013

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG KHOẢN VAY TỪ TRUNG QUỐC

Lê Anh Hùng
1/7/2013



“Món quà” của người “bạn tốt”
Chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 19 ÷ 21.6 vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong bối cảnh tình hình khu vực đang nóng lên trước một Trung Quốc không ngừng trỗi dậy mạnh mẽ và ngày càng bộc lộ cuồng vọng bá quyền khiến cả thế giới phải dè chừng.
Một trong những “món quà” của Trung Quốc mà phái đoàn Việt Nam mang về nước là khoản vay ưu đãi 320 triệu nhân dân tệ cho dự án hệ thống thông tin đường sắt và một hiệp định cho vay khác dành cho dự án nhà máy đạm than Ninh Bình trị giá 45 triệu dollar.
Việc các quốc gia phát triển cao hơn dành những khoản viện trợ phát triển hay tín dụng ưu đãi cho những quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn là một điều bình thường xưa nay. Kể từ khi bắt đầu “đổi mới”, mở cửa đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn thường dành cho Việt Nam sự hỗ trợ như thế, đặc biệt là các khoản vay ưu đãi.
Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, kèm theo những khoản vay đó là những điều kiện mà bên cho vay đặt ra. Có những điều kiện có lợi cho Việt Nam, chẳng hạn như yêu cầu về sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dự án liên quan; có những điều kiện có lợi cho quốc gia cho vay: ưu tiên nhập máy móc thiết bị từ nước họ hoặc trao các gói thầu cho nhà thầu của họ. Những khoản vay đến từ các quốc gia phát triển thường đem lại hiệu quả thiết thực cho Việt Nam, bởi ngay cả điều kiện có lợi cho bên cho vay thì nhìn chung cũng chấp nhận được nếu xét đến trình độ khoa học – công nghệ và quản lý hàng đầu thế giới của họ.
Và những hệ luỵ khó lường
Đáng tiếc là thực tế trên đây lại không đúng với với người láng giềng “4 tốt, 16 chữ vàng” của Việt Nam. Người ta thường nói: “Chẳng ai cho không ai cái gì”. Câu châm ngôn này xem ra rất đúng với Trung Quốc, và càng đặc biệt đúng trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950.
Ngược dòng thời gian, ngay từ những năm 1950, khi mà mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” của hai quốc gia cộng sản đang ở thời kỳ “trăng mật”, Trung Quốc đã lợi dụng danh nghĩa “giúp” Việt Nam để lấn chiếm lãnh thổ với đủ mọi thủ đoạn khác nhau.
Với những toan tính chiến lược thể hiện đúng “bản sắc” của mình, Trung Quốc luôn quan tâm đến các dự án hạ tầng quan trọng ở Việt Nam. Và họ hiện là nhà thầu thống trị các dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam; đồng thời, họ cũng rất “nổi tiếng” về chất lượng và tiến độ thực hiện các dự án đó. Thủ thuật thông thường của họ là đưa ra giá đấu thầu thật thấp để trúng thầu rồi sau đó sẽ tìm đủ mọi cách hòng kiếm chác, để lại những thiệt hại không thể đong đếm cho phía Việt Nam, cả về kinh tế lẫn an ninh – quốc phòng. Ngoài ra, một lá bài rất hữu hiệu khác mà họ hay sử dụng là “cho vay ưu đãi” hoặc “thu xếp vốn” để được giao thực hiện dự án, đặc biệt là những dự án nhạy cảm về an ninh – quốc phòng.
Ví dụ điển hình ở đây là dự án đường sắt đô thị của Tp Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Tuyến đường sắt trên cao này được khởi công ngày 10/10/2011, với tổng mức đầu tư 533 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD. Không chỉ tổng thầu EPC của dự án là công ty Trung Quốc (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) được chỉ định thầu mà nhà thầu tư vấn giám sát thi công và lắp đặt thiết bị cũng là một công ty Trung Quốc nốt (Công ty TNHH Giám sát Xây dựng Viện Nghiên cứu Thiết kế Công trình Đường sắt Bắc Kinh). Với một dự án rất nhạy cảm về an ninh – quốc phòng như vậy thì đây quả là điều hết sức khó chấp nhận, nhất là khi chúng ta biết rằng công nghệ đường sắt của Trung Quốc còn kém xa thế giới, mà vụ tai nạn tàu cao tốc thảm khốc ngày 23/7/2011 tại Ôn Châu (Triết Giang, TQ) là một minh chứng rõ ràng.
Dự án hệ thống thông tin đường sắt nói trên hầu như chắc chắn sẽ lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc. Họ sẽ kéo theo một lô một lốc những công nghệ, thiết bị và cả con người sang Việt Nam để thực công trình biểu tượng cho “tình hữu nghị thắm thiết” này.
Và rồi chúng ta không chỉ phải đối mặt với một khả năng rất lớn là chất lượng hệ thống thông tin đường sắt không đảm bảo như ý muốn mà cả những mối đe doạ tiềm ẩn liên quan đến an ninh quốc gia. Bởi một khi xung đột giữa hai nước nổ ra – điều xem ra không dễ tránh khỏi trước cuồng vọng bành trướng không hề che dấu của Trung Quốc trên Biển Đông – thì với “biệt tài” của mình, người “bạn tốt” của chúng ta hoàn toàn đủ khả năng làm tê liệt toàn bộ hệ thống đường sắt của Việt Nam. Thiết tưởng vụ mất điện toàn miền Nam chiều ngày 22.5 vừa qua là một lời cảnh tỉnh cho những ai còn mơ hồ về một mối đe doạ khủng khiếp khi mà Việt Nam gần như đã dâng cả ngành điện lực cho Trung Quốc suốt nhiều năm qua./.

            Vị đắng khi lệ thuộc vốn vay Trung Quốc

Tác giả: PHẠM HUYỀN | 10/01/2011 |
(VEF) - Nhiều dự án của Việt Namphải thuê nhà thầu Trung Quốc bởi một lý do “bất khả kháng”: nguồn vốn vay từ chính Trung Quốc. Và khi dự án có vấn đề về chất lượng thì các chủ đầu tư Việt Namchỉ còn nước “ngậm bồ hòn làm ngọt”
Cái khó xử khi nhận vốn của Trung Quốc
Trung Quốc không phải là nước thuộc nhóm cung cấp vốn hỗ trợ phát triển ODA lớn cho Việt Nam, cũng không phải là nước bỏ vốn đầu tư trực tiếp (FDI) thuộc TOP 10 ở Việt Nam.
Nếu tính theo số các dự án FDI còn hiệu lực, hơn 20 năm qua, FDI từ Trung Quốc chỉ có 3,184 tỷ USD,  đứng thứ 14 và chiếm 4% tổng vốn FDI của 92 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đến Việt Nam. Riêng năm 2010, Trung Quốc  đứng thứ 11 với tổng vốn 364,6 triệu USD, chỉ chiếm hơn 1% tổng vốn FDI cả năm của Việt Nam.
Thế nhưng, thực chất, dòng vốn Trung Quốc chảy vào Việt Nam lại không hề nhỏ.
Cho tới nay, chưa có bộ ngành nào thống kê cụ thể, Việt Nam đã vay bao nhiêu tiền của Trung Quốc. Chỉ thấy rằng, ở hầu khắp các ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam, vốn vay ưu đãi lãi suất thấp từ Trung Quốc đang đóng vai trò rất quan trọng, chủ yếu là từ đầu mối Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Đơn cử như  ở ngành điện, trong tổng số 9 dự án nhiệt điện do Tập đoàn Than - Khoáng sản làm chủ đầu tư, hiện có 4 dự án vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc.
Đó là các dự án nhiệt điện Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê đều chủ yếu vay tín dụng xuất khẩu của ngân hàng China Eximbank. Dự án có tổng vốn đầu tư ít nhất cũng hơn 3.500 tỷ đồng. Các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng vay từ ngân hàng này không hề ít, ví dụ như dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2, dự án Hải Phòng 1 và 2, dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng…
Mới đây nhất, 18/12/2010,  Bộ Tài chính cũng đã ký hiệp định vay 300 triệu USD với China Eximbank cho dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (2 x600MW).
Trung bình mỗi dự án điện công suất 300MW trở lên của Việt Nam có tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Nếu dự án vay từ China Eximbank thì nguồn vốn này thường chiếm khoảng 85% tổng vốn đầu tư.
Như vậy, ước tính, tổng vốn vay của Trung Quốc chỉ riêng cho ngành điện Việt Nam đã là con số hàng tỷ USD.
Không chỉ là ngành điện, nguồn tín dụng ưu đãi của Eximbank còn có mặt ở nhiều dự án trọng điểm của các ngành công nghiệp khác. Ví dụ như ngành hóa chất với dự án đạm từ than cám Ninh Bình do Tổng công ty Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư, cũng sử dụng nguồn vốn 500 triệu USD theo hiệp định tín dụng xuất khẩu ký với Trung Quốc. Dự án sản xuất khuôn mẫu và trục in nhựa của Tổng công ty Nhựa Việt Nam cũng vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc trị giá 50 triệu Nhân dân tệ.
Trao đổi với PV. VEF, một lãnh đạo ở Bộ Công Thương từng chia sẻ, khi các nhà thầu Trung Quốc vào Việt Nam, nhận thấy điểm yếu là thiếu vốn, họ nhanh chóng đặt vấn đề: nếu phía Trung Quốc lo thu xếp vốn được cho dự án thì bù lại, hãy giao dự án đó để họ làm.
Với một lời đề nghị hấp dẫn như vậy thì quả thực, các chủ đầu tư Việt Namkhó lòng từ chối. Theo thông lệ quốc tế, khi đã nhận vốn vay của một nước, chủ đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu hạn chế, chỉ mở thầu cho các nhà thầu nước cho vay tham gia. Đó là lý do bất khả kháng để các dự án lớn trên của Việt Nam phải chọn nhà thầu Trung Quốc và nhập khẩu lớn thiết bị, máy móc của nước này.
Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông
Nhưng lẽ thường, sự hấp dẫn của một chính sách về vốn như vậy bao giờ cũng có tính hai mặt. Chính sách vay vốn của Trung Quốc có thể rất  thông thoáng, nhưng đôi khi, cũng có vị đắng mà các chủ đầu tư Việt Nam chỉ còn nước “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Một chuyên gia trong ngành cắt nghĩa với VEF rằng, ngân hàng của Trung Quốc - với tư cách là người thẩm định hồ sơ vay vốn, có quyền kiểm duyệt các điều kiện kỹ thuật trong dự án. Điều kiện đó liệu thích hợp với các nhà thầu của nước họ không? Từ đó, họ có quyền đòi hỏi phải hạ thấp một số tiêu chí để các nhà thầu Trung Quốc có cơ hội tham gia thì mới cho vay vốn.
Với kinh nghiệm 30 năm trong ngành điện, vị chuyên gia này phân tích, giả dụ hiệu suất lò hơi nhiệt điện trong hồ sơ mời thầu một dự án nhiệt điện than, nếu chỉ nâng lên 1% để đảm bảo chất lượng, thì ngay lập tức, hàng loạt các nhà thầu Trung Quốc sẽ bị rớt vì không đạt yêu cầu. Nhưng, chỉ cần hạ 1% hiệu suất lò hơi theo đề nghị của Ngân hàng Trung Quốc, giá thành máy móc, thiết bị đã giảm tới 20-30% . Vì yếu tố kinh tế đó, thông thường, cả bên đi vay và bên cho vay đều chấp nhận.
Một đặc điểm khác, theo vị chuyên gia này quan sát, trong hồ sơ mời thầu các dự án nhiệt điện, nếu chú trọng chất lượng, bao giờ cũng có câu,“yêu cầu thiết bị G7 hoặc chất lượng tương đương”. Nhưng với nhiều dự án nhiệt điện mà vay vốn Trung Quốc thì thường, những dòng chữ ghi điều kiện như vậy sẽ bị gạch bỏ. Đến khi dự án đi vào triển khai, chủ đầu tư Việt Nam sẽ vô cùng khó xử khi rơi vào tình huống phải chấp nhận các thiết bị kém chất lượng một cách miễn cưỡng.
Vị chuyên gia giám sát kỹ thuật tại một dự án nhiệt điện chia sẻ, căn cứ để giám sát chất lượng thiết bị nhập cho dự án chỉ có duy nhất 1 tờ giấy do nhà thầu cung cấp với tiêu đề  “QUALITY CERTIFICATE”, gọi là phiếu chất lượng. Nhưng, hình thức trình bày và  nội dung thông tin lại rất sơ sài.
Ở tờ phiếu chất lượng này, chỉ có tên thiết bị, nhà máy sản xuất, mã số đóng gói, mã số đặt hàng và dòng chữ đề thiết bị đã đạt chuẩn của nhà máy…, không có thông tin căn cứ theo một tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia nào. Phần ký xác nhận phiếu, lúc là giám đốc nhà máy ở Trung Quốc, lúc là một cán bộ thay mặt giám đốc ký.
Vị kỹ sư tại dự án này nhận định, các phiếu này giống như phiếu xuất xưởng. Nó đơn giản tới mức chẳng cần in phiếu ở Trung Quốc mà có thể in ra ngay tại công trường Việt Namnhư một loại văn bản thông thường.
Trong khi đó, hợp đồng ký với nhà thầu Trung Quốc thường chỉ ghi, thiết bị đến công trường phải có “phiếu chất lượng”, nhưng không mô tả rõ, phiếu chất lượng ấy như thế nào. Rốt cục, khi các tài liệu chứng nhận chất lượng chỉ vỏn vẹn có thế, chính những người gác cửa về chất lượng dự án trở nên tù mù, bó tay để thẩm định thiết bị, và chỉ khi nhà máy vận hành, phát sinh trục trặc mới biết thiết bị ... kém cỡ nào.
Ban đầu, các giám sát viên có thể từ chối không nghiệm thu thiết bị kém chất lượng, nhưng rồi xảy ra tranh luận với nhà thầu và những áp lực từ nhiều phía... cộng với việc nhà máy lại vay vốn của chính Trung Quốc, các giám sát kỹ thuật của Việt Nam sẽ buộc “phải” nghiệm thu công trình dù chưa đạt yêu cầu. Bởi theo vị chuyên gia này, nếu không nghiệm thu thiết bị, vấn đề giải ngân vốn của dự án cũng gặp khó khăn.
Thực tế này cũng đã xảy ra với nhiệt điện Cao Ngạn cách đây 3 năm. Mặc dù nghiệm thu bàn giao cho chủ đầu tư rồi, nhưng nhà máy này đã phải hoạt động trong tình trạng vừa chạy, vừa sửa chữa, cải tiến tiếp.
Từng trả lời trên VEF, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng, phải tăng cường khâu giám sát thiết bị của Trung Quốc đến công trường, nhưng những câu chuyện trên đã cho thấy, khi chủ đầu tư lại là người đi vay của phía nước nhà thầu thì mọi sự thật khó. Việc nhận bàn giao nhà máy điện hay không đã biến thành câu chuyện trở đi mắc núi, trở lại mắc sông.
Nguồn: VEF

Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 1.7.2013 - http://boxitvn.blogspot.com/2013/07/canh-giac-voi-nhung-khoan-vay-tu-trung.html.

Friday, June 21, 2013

Chính trị Việt Nam: Xảo thuật tín nhiệm

Đàn áp thì khốc liệt; tự phê bình thì nhẹ nhàng

The Economist | 21.6.2013
Lê Thiên Hà dịch



Mọi chuyện đã trở nên tệ hơn với Vũ
Công an Việt Nam đương vào mùa bận rộn. Đối tượng của họ, như thường xuyên vẫn vậy, là những blogger gây nhiều phiền toái ở xứ sở này. Ngày 13.6, họ bắt giữ Phạm Viết Đào ở Hà Nội; hai ngày sau lại đến lượt Đinh Nhật Uy tại tỉnh Long An ở miền Nam. Cả hai đều chỉ trích chính quyền trên mạng internet; cả hai đều bị giam giữ theo một điều khoản “giết nhầm hơn bỏ sót” của bộ luật hình sự, cho phép bắt giữ với lý do “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”. Ông Đào, một cựu quan chức, là người có ảnh hưởng đặc biệt trong cộng đồng blog Việt Nam, tương tự như Trương Duy Nhất, một blogger khác, người bị bắt tại Đà Nẵng ngày 26.5. Theo pháp luật hiện hành, họ đều phải đối mặt với bản án lên đến 7 năm tù giam.
Các vụ bắt giữ này là một phần trong cuộc trấn áp nhằm vào giới bất đồng chính kiến, đặc biệt là trên mạng, vốn bắt đầu tăng tốc kể từ tháng Chạp năm ngoái, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lặp lại một chỉ thị cho lực lượng công an, đấu tranh với “các thế lực thù địch” sử dụng internet để “phổ biến hoạt động tuyên truyền đe doạ an ninh quốc gia và chống lại Đảng và Nhà nước”. Cho đến thời điểm này của năm 2013, hơn 40 nhà hoạt động dân chủ và blogger đã bị bắt giữ, nhiều hơn con số của cả năm 2012.
“Danh tiếng” của Việt Nam như một xã hội ngày càng nhuốm màu ám bức đang tiếp tục xấu đi. Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists), một tổ chức giám sát, cho biết đất nước này hiện đã trở thành nơi giam giữ số lượng nhà báo lớn thứ 6 trên thế giới. Như trong các chế độ chuyên quyền khác, chính phủ đang khuyến khích phát triển internet vì lý do kinh tế (khoảng 1/3 dân số sử dụng internet) song vẫn tìm cách ngăn chặn việc sử dụng internet để bày tỏ quan điểm hay tiếp cận những nguồn thông tin thay thế cho báo đài chính thống, vốn chịu sự kiểm soát ngặt nghèo của chính quyền.
Tuy nhiên, sự phổ biến của các blog phê phán lại không cho thấy dấu hiệu suy giảm, có lẽ là bởi hiện nay người ta có quá nhiều lý do chính đáng để phê phán. Đã qua rồi cái thuở Việt Nam là “cục cưng” của các tổ chức phát triển phương Tây, với tốc độ tăng trưởng trên 8% mỗi năm. Trong vài năm qua, nền con thuyền kinh tế đã vấp phải đá ngầm, với một đồng tiền lao dốc, hàng ngàn vụ phá sản và một hệ thống ngân hàng ngập trong nợ xấu. Đặc biệt, các bộ trưởng trong chính phủ bị tố cáo tham nhũng và kém năng lực khi các DNNN gần như đổ vỡ về tài chính.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành đối tượng để người ta trút phần lớn cơn giận dữ. Người Việt Nam lại được nhắc nhở về điều này qua vụ tuyệt thực trong tù từ hôm 27.5 của Cù Huy Hà Vũ. Ông Vũ, một luật gia, ngồi tù từ năm 2011 sau khi khởi kiện ông Dũng về tội lạm dụng quyền lực. Ông phản đối các điều kiện tệ hại của nhà tù, vốn ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông.
Phản ứng của chính quyền trước làn sóng chỉ trích đang dâng cao là chấp nhận việc bỏ phiếu tín nhiệm trong Quốc hội. Ngày 10.6, 498 vị Đại biểu Quốc hội được mời bỏ lá phiếu “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” hoặc “tín nhiệm thấp” cho ông Dũng cùng 46 bộ trưởng và quan chức khác. Gần 1/3 số nhà lập pháp dành cho ông Dũng lá phiếu thấp nhất. Chủ tịch Trương Tấn Sang, đối thủ lớn của ông Dũng trong cuộc đấu đá nội bộ mà nay đã trở thành sắc thái của đảng cầm quyền, giành được sự tín nhiệm cao nhất.
Tuy vậy, cuộc bỏ phiếu cũng chủ yếu mang tính biểu tượng. Hai phần ba đại biểu sẽ phải bỏ lá phiếu “tín nhiệm thấp” cho một người nếu muốn người đó phải rời khỏi vị trí. Ngoài ra, các nhà lập pháp lại không được trao cho lựa chọn “bất tín nhiệm” chính phủ, điều lẽ ra đã phản ảnh chính xác hơn cảm nghĩ của nhiều người Việt Nam.

Thursday, June 20, 2013

Tuyệt thực ở Việt Nam thử thách sự đe doạ của chính quyền

Boston.com | 19.6.2013
Lê Thiên Hà dịch


Hà Nội, Việt Nam (AP) - Các cuốn sách tới tay Cù Huy Hà Vũ với những trang đã bị quản giáo xé mất. Chỉ một số bức thư của ông đến tay gia đình. Ông không được phép tiếp cận với những bằng chứng từ vụ xét xử mình hay gặp gỡ riêng tư với vợ.
Sự đối xử ấy, như mô tả của vợ ông, đã khiến luật gia người Việt phải tuyệt thực, và hiện ông đã tuyệt thực sang tuần thứ 4. Nguyễn Thị Dương Hà cho biết chồng bà nói hôm Chủ nhật với bà rằng ông đã không ăn uống gì kể từ ngày 27.5, mặc dù bà đem nước cam và cháo gà tới cho ông, và rằng ông sẽ tiếp tục không ăn cho đến khi giới chức trại giam chính thức trả lời các khiếu nại của ông.
Giờ đây, bà lo ngại vụ tuyệt thực sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề về bệnh tim mạch kinh niên của ông Vũ và dẫn đến đột quỵ.
“Tôi đang sống trong sợ hãi”, bà nói. “Tôi không thể ngủ được vì tôi sợ có thể có một cuộc điện thoại với tin xấu sẽ đến với mình.”
Trong bức ảnh chụp hôm thứ Hai ngày 17.6.2013 này, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đang đứng trước sân nhà bà ở trung tâm Hà Nội. Chồng bà, Cù Huy Hà Vũ, đang bước vào tuần tuyệt thực thứ tư trong tù nhằm phản đối sự đối xử mà ông cho là tồi tệ của trại giam. Ông Vũ bị tống giam sau khi khởi kiện thủ tướng và kêu gọi ủng hộ một nền dân chủ đa đảng. Vụ tuyệt thực của ông diễn ra trong bối cảnh nhà cầm quyền đang tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến; nó cho thấy những người chỉ trích chính quyền mạnh mẽ nhất lên tiếng như thế nào bất chấp những đe doạ đến sức khoẻ và an toàn của họ.
MIKE IVES / Associated Press / 19.6. 2013

Ông Vũ, con trai của nhà thơ cách mạng Cù Huy Cận, nằm trong số rất nhiều người chỉ trích chính quyền đã bị tống giam khi nhà chính quyền cộng sản, vốn đang chìm trong những khó khăn về kinh tế cùng những lời phàn nàn về tình trạng tham nhũng và bất bình đẳng, ra tay đàn áp bất đồng chính kiến. Vụ tuyệt thực của ông đã khiến người ta chú ý đến điều kiện mà những người bất đồng chính kiến phải đối mặt trong nhà tù, cũng như việc ông bị kết án năm 2011 với những cáo buộc như tuyên truyền chống nhà nước, kêu gọi chính phủ đa đảng và đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của đảng.
Hôm thứ Ba vừa qua, cả Đại sứ quán Hoa Kỳ và tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International (London) đều lên tiếng kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Vũ. Các blogger đã tập hợp để ủng hộ cuộc đấu tranh của ông trên internet, nơi những người Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện bất đồng chính kiến bất chấp việc ba blogger nổi bật bị bắt giữ trong tháng qua.
Rupert Abbott, chuyên gia nghiên cứu của Amnesty International về Campuchia, Lào và Việt Nam, bày tỏ: “Chúng tôi ngày càng nghe nhiều lời phản ánh về sự đối xử hà khắc dành cho các tù nhân lương tâm trong nhà tù, như việc họ bị biệt giam, bị chuyển từ trại giam này sang trại giam khác mà không thông báo cho gia đình, hay tình trạng thực phẩm và điều kiện chăm sóc y tế không đảm bảo.”
Ông Vũ, 55 tuổi, một luật sư tốt nghiệp Đại học Sorbonne (Pháp), nằm trong số những người chỉ trích nổi bật của Đảng CSVN cầm quyền. Bố ông không chỉ là một nhà thơ danh tiếng mà còn là Bộ trưởng Canh nông trong Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Nhà nước Việt Namhiện đại.
Ông Vũ bị bắt năm 2010 sau hai lần nỗ lực khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – đầu tiên là việc Thủ tướng phê duyệt dự án khai thác bauxite do Trung Quốc xây dựng ở Tây Nguyên, và sau đó là việc ông ngăn cấm khiếu kiện tập thể. Vụ kiện thứ nhất bị một toà án ở Hà Nội bác đơn, còn vụ thứ hai thì bị phớt lờ.
Trong phiên toà kịch tính diễn ra một ngày vào tháng Tư năm 2011, các luật sư của ông Vũ đã bỏ ra ngoài phòng xử án sau khi một thẩm phán từ chối đọc hay phân phát các cuộc phỏng vấn mà ông bị cáo buộc là đã dành cho các cơ quan truyền thông nước ngoài, trong đó có Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) do chính phủ Mỹ tài trợ và Đài Á Châu Tự Do (RFA). Ông bị kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Theo Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam ở Đại học New South Wales (Australia), trường hợp của ông Vũ “là một minh chứng về những chính sách phản tác dụng của chế độ cộng sản Việt Nam khi họ tìm cách đe đoạ và bịt miệng những người chỉ trích”. Ông bổ sung thêm là lý lịch gia đình cách mạng của ông Vũ “chỉ tổ làm xói mòn” sự chính danh của chế độ.
Bà Hà nói chồng bà tuyệt thực là vì các cán bộ trại giam không trả lời những đơn thư khiếu nại mà ông đã gửi từ mấy tháng trước. Luật pháp Việt Nam quy định trại giam phải trả lời đơn thư trong vòng 90 ngày.
“Ông ấy muốn được đối xử theo đúng pháp luật”, bà Hà nói hôm thứ Hai trong một nhà hàng ở Hà Nội. “Ông ấy là một luật sư và ông ấy hiểu là mình chưa làm điều gì sai trái.”
Ông Vũ và các luật sư của ông đã chính thức khiếu nại rằng các cán bộ trại giam ngăn không cho ông tiếp cận với những bằng chứng từ vụ xét xử ông, cũng như không cho ông gặp gỡ riêng tư với vợ khi bà đến thăm ông tại trại giam ở Thanh Hoá, một tỉnh nằm ở phía bắc Việt Nam. Ông cũng viết rằng một cán bộ trại giam đã tra tấn ông bằng cách liên tục mở cửa căn phòng của ông.
Bà Hà cho biết một số mặt trong đời sống nhà tù của chồng bà đã được cải thiện. Phòng giam rộng 20m2 (215f2), ban đầu không có cửa sổ và chỉ có một toilet thô sơ, đã được nâng cấp đáng kể trong những tháng gần đây.
Các phương tiện truyền thông nhà nước của Việt Namtìm cách khiến người ta nghi ngờ việc ông Vũ thực sự tuyệt thực qua một số bản tin trên báo đài gần đây. Một bác sỹ của trại giam, chẳng hạn, được được báo Công an Nhân dân dẫn lời là ông ta thấy sức khoẻ của ông Vũ bình thường.
Phó giám thị trại giam Lê Duy Sáu nói với báo điện tử VnExpress rằng khiếu nại của ông Vũ về việc cán bộ trại giam mở cửa phòng là “hoàn toàn hoang tưởng”, và rằng ông Vũ sẽ được phép gặp gỡ riêng tư với vợ nếu ông hối hận về tội lỗi của mình.
Ông Sáu cho biết thêm là ông Vũ vẫn nhận thực phẩm từ gia đình, song lại không nói là ông có ăn hay không. Những nỗ lực liên lạc với các cán bộ trại giam hôm thứ Ba đã không thành công, còn Bộ Ngoại giao thì không trả lời một văn bản đề nghị bình luận.
Cô Nguyễn Thị Hường, người đã đính hôn với một nhà bất đồng chính kiến đang bị giam cầm khác, cho biết lực lượng an ninh Việt Nam đe doạ gia đình những người bất đồng chính kiến bằng nhiều thủ đoạn tinh vi –  kể cả việc dựng lên những rào cản hành chính nhằm cản trở thân nhân của họ làm việc và đi học đại học, hay sách nhiễu khi họ tiếp xúc với truyền thông.
Hôn phu của Hường, Nguyễn Tiến Trung, bị tống giam từ năm 2010 với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền sau khi anh vận động ủng hộ đa nguyên chính trị.
“Họ sử dụng cả bộ máy nhà nước để gây áp lực lên gia đình các tù nhân chính trị và làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn”, Hường nói hôm thứ Ba từ Bloomington(bang Indiana), nơi cô đang hoàn tất luận án tiến sỹ về luật và dân chủ tại Đại học Indiana. “Cách chính quyền bịt miệng bất đồng chính kiên thật là vô nhân đạo.”
Bà Hà cũng là một luật sư, giống như chồng mình; bà đang điều hành công ty luật gia đình từ ngôi biệt thự thời Pháp thuộc, cách không xa khu lăng nơi trưng bày xác ướp của Hồ Chí Minh. Lớp sơn trên tường ngôi biệt thự đang bong ra, và ngoài sân có một bức tượng bán thân của phụ thân ông Vũ.
Bà Hà nói rằng một số khách hàng lảng tránh công ty của bà vì sự nhạy cảm chính trị xung quanh án tù của chồng bà, và chính quyền đã ngăn cản gia đình bà mở một quán café Hà Nội bằng cách từ chối đơn xin cấp giấy phép kinh doanh.
Khi vào thăm chồng trong tù hôm Chủ nhật vừa rồi, bà thấy ông yếu và suy sụp. Bà hối thúc ông chấm dứt tuyệt thực, với lý lẽ rằng sự sống quan trọng hơn việc tuân thủ những nguyên tắc của ông.
Song ông Vũ trả lời là ông dự định tiếp tục lâu hơn chút nữa hòng buộc các cán bộ trại giam phải trả lời những khiếu nại của ông. Ông cũng nói là ông có kế hoạch sẽ tiếp tục ủng hộ dân chủ, nhân quyền và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam sau khi được phóng thích khỏi nhà tù.
“Ông ấy tự hào khi tiếp bước thân phụ của mình”, bà Hà nói.

Human Rights Watch: Việt Nam tăng cường truy bức các blogger

Các vụ bắt giữ và tấn công bạo lực gần đây đòi hỏi phải có phản ứng ngoại giao mạnh mẽ

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Hoàng Vi phân phát các bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cho mọi người ngày 5.5.2013 tại Công viên 30.4 © Dan Lam Bao 2013
Human Rights Watch
Lê Anh Hùng dịch



(New York, 20.6.2013) Chính phủ Việt Nam cần phóng thích vô điều kiện những blogger bị bắt gần đây đồng thời chấm dứt các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào những người chỉ trích, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) lên tiếng ngày hôm nay. Các nhà tài trợ cũng như các đối tác thương mại cần công khai kêu gọi nhà cầm quyền Việt Namchấm dứt việc áp dụng luật hình sự cho các nhà hoạt động ôn hoà.
HRW kêu gọi phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện các blogger mới bị bắt gần đây là Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, cũng như nhà hoạt động internet Đinh Nhật Uy, đồng thời tiến hành điều tra những cáo buộc rằng công an đã tấn công các nhà hoạt động internet Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Hoàng Vi và Phạm Lê Vương Các, những người mà nhà chức trách cần phải bảo vệ.
“Chiến lược trấn áp những người chỉ trích lớn bé của Việt Namsẽ chỉ đẩy đất nước này lún sâu hơn vào khủng hoảng”, giám đốc phụ trách Châu Á của HRW Brad Adams nhận định. “Các vụ bắt giữ và tấn công mới nhất nhằm vào các blogger cho thấy chính quyền e sợ cuộc thảo luận công khai về dân chủ và nhân quyền đến thế nào.”
Nhiều trong số các vụ bắt giữ dựa theo Điều 258 của Bộ Luật Hình sự, một trong những quy định pháp lý mơ hồ và dễ vận dụng vẫn thường được dùng để truy tố những người thực hành quyền tự do ngôn luận của mình. Các vụ băt giữ và tấn công gần đây bao gồm:
Ngày 26.5.2013, các sỹ quan Bộ Công an bắt giữ blogger Trương Duy Nhất vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”, theo báo Thanh Niên. Vụ bắt giữ tại nhà người đàn ông 49 tuổi ở Đà Nẵng này diễn ra sau khi ông đăng trên blog nổi tiếng “Một Góc Nhìn Khác” của mình lời kêu gọi từ chức đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quy cho họ trách nhiệm đã đẩy Việt Nam vào tình trạng khó khăn về chính trị và kinh tế ngày càng xấu đi.
Ngày 7.6.2013, năm người đàn ông được cho là sỹ quan công an đã tấn công blogger 26 tuổi Nguyễn Hoàng Vi (còn gọi là An Đổ Nguyễn) cùng nhà hoạt động pháp lý Phạm Lê Vương Các trên một đường phố ở Tp Hồ Chí Minh. Theo các blogger Việt Nam, những kẻ tấn công đã theo dõi Nguyễn Hoàng Vi và gia đình cô một số ngày và đánh cô đến bất tỉnh nhân sự, để lại những vết thương mà cô phải vào viện điều trị. Nguyễn Hoàng Vi là một nhà hoạt động internet nổi bật, cô cũng bị tấn công vào các ngày 5 & 6.5.2013, sau khi đóng vai trò hàng đầu trong nỗ lực tổ chức cuộc “dã ngoại nhân quyền” tại Tp Hồ Chí Minh.
Ngày 13.6, theo một thông báo của Bộ Công an, công an đã bắt giữ blogger 61 tuổi Phạm Viết Đào tại nhà riêng của ông ở Hà Nội, cũng với lý do “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, qua đó cho thấy rất có thể ông sẽ bị truy tố theo Điều 258. Trang mạng của ông, cũng như của Trương Duy Nhất, đã phê phán một số nhà lãnh đạo Việt Nam.
Ngày 15.6, Đinh Nhật Uy bị bắt theo Điều 258. Em trai của anh, Đinh Nguyên Kha, đã bị tuyên phạt 8 năm tù giam ngày 16.5.2013 do phân phát các tờ rơi phê phán chính sách đối ngoại và đối nội của nhà nước. Đinh Nhật Uy (30 tuổi) bị bắt ở tỉnh Long An sau khi phát động một chiến dịch trên internet kêu gọi thả tự do cho em trai mình và đăng các bức ảnh và bài viết trên trang Facebook cá nhân. Hãng thông tấn chính thống VNA đưa tin, anh bị cáo buộc “xuyên tạc sự thật và bôi nhọ uy tín của các tổ chức nhà nước”.
Điều 258 được sử dụng để truy tố những người mà chính quyền cho là “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, và quy định mức hình phạt lên đến 7 năm tù giam cho những ai phạm tội “trong trường hợp nghiêm trọng”. Các toà án chịu sự kiểm soát chính trị ở Việt Namthường vận dụng những điều khoản như thế để bỏ tù những người bày tỏ chính kiến ôn hoà.
Theo HRW, nhà cầm quyền đang tăng cường trấn áp những người phê phán tham nhũng và độc tài. Những đối tượng gần đây đại diện cho nhiều thành phần công luận, vì Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Nguyễn Chí Đức trước đây từng làm việc cho nhà cầm quyền: Trương Duy Nhất làm việc cho báo chí chính thống, Phạm Viết Đào là một quan chức chính phủ, còn Nguyễn Chí Đức là một đảng viên. Đinh Nhật Uy, Nguyễn Hoàng Vi và Phạm Lê Vương Các phản ảnh tình trạng bất đồng chính kiến trong số giới trẻ không có những mối liên hệ như thế.
“Các nhà tài trợ và các đối tác thương mại cần sát cánh với những người Việt Nam đang đấu tranh cho quyền con người và nêu rõ rằng không một ai cần phải bị bắt giữ hay tấn công chỉ vì bày tỏ ý kiến cá nhân”, Adams nói. “Họ cần nhấn mạnh rằng tương lai duy nhất dành cho những quốc gia đang tìm cách phát triển và hiện đại hoá là một xã hội tự do và cởi mở mà ở đó nhà cầm quyền chấp nhận rằng phê phán là một phần bình thường trong tiến trình chính trị.”

Monday, June 17, 2013

Tổ chức Phóng viên Không biên giới lên tiếng mạnh mẽ về các vụ bắt giữ blogger gần đây

RSF | 17.6.2013
Lê Anh Hùng dịch



Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) lên án vụ bắt giữ blogger Đinh Nhật Uy tại tỉnh Long An ngày 15.6 với cáo buộc đăng các bức ảnh và bài viết trên blog cá nhân “xuyên tạc sự thật và bôi nhọ các tổ chức nhà nước”.
Anh bị tạm giam ba tháng trong khi nhà chức trách tiến hành điều tra cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”.
Uy là anh trai của Đinh Nguyên Kha, một blogger bị giam giữ từ tháng 10.2012. Một toà án tại tỉnh Long An đã tuyên án Kha 8 năm tù giam và 3 năm quản chế hôm 16.5.
Blogger và là cựu quan chức của Đảng bị bắt, blog bị khoá
Tổ chức Phóng viên Không biên giới lên án vụ bắt giữ ông Phạm Viết Đào, một nhà văn kiêm blogger ngày càng phê phán chính quyền và các quan chức cấp cao trên blog với bút danh Phúc Lộc Thọ.
Ông Phạm Viết Đào hiện là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng phòng Thanh tra hành chính và chống tham nhũng (Bộ VH-TT-DL).
Ông bị bắt giữ ngày 13.6 tại Hà Nội theo Điều 258 Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, điều luật trừng phạt hành vi lợi dụng “các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân” với mức án tối đa lên đến 7 năm tù.
“Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tháng một blogger bị bắt theo theo Điều 258, một điều luật – giống như Điều 88 – đủ mơ hồ để cho nhà cầm quyền có thể sử dụng nhằm bịt miệng những blogger bị coi là rắc rối và phê phán quá mức”, tổ chức Phóng viên Không biên giới nói.
“Chúng tôi cảnh báo nhà cầm quyền Việt Namvề bất kỳ sự tăng cường truy bức nào nhằm vào những người cung cấp tin tức. Sau các nghị quyết gần đây của Nghị viện Châu Âu lên án việc Việt Nam bắt giữ các blogger và lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về việc mở rộng tự do thông tin và tự do ngôn luận ở Việt Nam, chính phủ Việt Nam cần hiểu rõ rằng duy trì chính sách khủng bố nhằm vào các blogger và những người bất đồng chính kiến trên mạng sẽ chỉ dẫn đến việc tự cô lập mình trên trường quốc tế, kể cả trong phạm vi các cơ chế liên chính phủ.”
Chưa rõ động cơ chính xác trong vụ bắt giữ ông Phạm Viết Đào là gì song một blogger Việt Nam yêu cầu ẩn danh nhận định rằng nguồn cơn có thể là từ sự phê phán của ông sau kết quả bỏ phiếu tín nhiệm gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Nhà cầm quyền coi Phạm Viết Đào như một nguồn tuyên truyền chống nhà nước, thể hiện lệch lạc đường lối và chính sách của Đảng”, blogger nói trên nhận xét.
Sinh ra tại Nghệ An, một tỉnh nằm ở phía bắc miền Trung, năm 1952 Phạm Viết Đào sang du học ở Rumania, nơi ông nhận tấm bằng văn chương năm 1974. Sau khi trở về Việt Nam, ông làm việc cho Vụ Điện ảnh của Bộ Văn hoá. Ông là Trưởng phòng Thanh tra hành chính và chống tham nhũng của Bộ Văn hoá từ năm 1992 đến 2007.
Sau khi về hưu tháng Sáu năm 2012, ông dành nhiều thời gian duy trì một vài blog, thường đăng những bài mang màu sắc chính trị. Ông đã bị công an triệu tập thẩm vấn một số lần và các blog của ông từng là mục tiêu của ba cuộc tấn công mạng.
Năm ngoái, sau khi Thủ tướng ban hành Công văn 7169, ra lệnh trấn áp các blog “phản động”, ông Phạm Viết Đào cho điều đó là “lố bịch” và nói không thể gây áp lực lên những nền tảng blog với máy chủ nằm ngoài Việt Nam. Thay vì thế, ông đề xuất là các phương tiện truyền thông nhà nước nên tìm cách tạo ra  sự “cạnh tranh lành mạnh” cho các blog đối tượng.
Blog phamvietdao3.blogspot.com của ông bị hack ngày 9.3, khiến ông phải mở blog phamvietdao4.blogspot.com, đã bị khoá sau khi ông bị bắt.
Trước vụ ông Phạm Viết Đào bị bắt giữ là vụ bắt giữ blogger Trương Duy Nhất, người bị tạm giam tại Hà Nội theo Điều 258 từ ngày 26.5.
Các vụ bắt giữ mới nhất đưa tổng số blogger và công dân mạng hiện bị giam giữ tại Việt Namlên đến 35 người. Ngày 23.5, một toà án phúc thẩm đã giữ nguyên mức án tù từ 4 đến 13 năm tù giam dành cho 5 blogger – Hồ Đức Hoà, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Thái Văn DungTrần Minh Nhật.
Việt Nam được xếp hạng 172 trên tổng số 179 nước trong chỉ số tự do báo chí năm 2013 của Tổ chức Phóng viên Không biên giới.

Nguồn: RSF

Wednesday, June 12, 2013

Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội: Ý nghĩa vượt lên trên kết quả

Lê Anh Hùng

Sau rất nhiều thắc thỏm và trông đợi, cuối cùng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên của Quốc hội Việt Namcũng đã diễn ra.
Và kết quả tuy chưa đủ khiến người ta hài lòng song cũng đủ để lại những dư vị nhất định, dù không nằm ngoài dự đoán song cũng đã xuất hiện những mầm mống cho một hy vọng nào đó vào tương lai.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, dư luận nói chung và bản thân các đại biểu nói riêng đều băn khoăn về thực trạng thiếu thông tin về những người được bỏ phiếu tín nhiệm. Dĩ nhiên, trước tình cảnh đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị - xã hội tồi tệ nhất kể từ giữa thập niên 1980 đến nay thì mọi con mắt đều đổ dồn vào bộ máy hành pháp, đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Với thực tế diễn ra trước mắt, với những con số đáng báo động về tốc độ tăng trưởng, về tình hình nợ xấu, về số doanh nghiệp phá sản, về thực trạng các DNNN… được báo chí cập nhật gần như hàng ngày, các vị ĐBQH có thể thiếu thông tin về bất kỳ ai ngoại trừ… Thủ tướng.
Ấy vậy nhưng, kết quả bỏ phiếu lại khiến người ta không khỏi phải băn khoăn: Tỷ lệ số phiếu tín nhiệm cao/tín nhiệm/tín nhiệm thấp của Thủ tướng Chính phủ là 210/122/160.
210 (42,68%) vị đại biểu dứt khoát dành cho người đứng đầu chính phủ một sự tín nhiệm tuyệt đối, bất chấp tất cả những gì đã và đang diễn ra trước mắt họ: hoặc là họ không nhìn thấy gì cả, hoặc là họ cố tình làm ngơ trước sự thật và phớt lờ trách nhiệm của một vị “đại biểu nhân dân”;
122 (24,8%) vị ngập ngừng dành cho Thủ tướng lá phiếu “tín nhiệm”, tuy không phải phản ảnh một niềm tin chắc chắn nhưng cũng là một tín hiệu cho phép Thủ tướng tiếp tục ngồi rung đùi và kéo dài tình trạng mà bản thân Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gần đây đã phải thốt lên là “Tôi thấy nguy cơ lắm rồi các đồng chí ạ”;
160 (32,52%) vị dứt khoát dành cho Thủ tướng lá phiếu “tín nhiệm thấp”, mà thực chất ở đây là bất tín nhiệm. Một tỷ lệ tuy còn khiêm tốn nhưng cũng thể hiện một bước “đột phá” chưa từng thấy trong sinh hoạt nghị trường ở Việt Nam.
Con số 210 (tín nhiệm cao) + 122 (tín nhiệm) = 332/492 (67,48%) báo hiệu rằng nhiều khả năng tình trạng u ám hiện nay của đất nước vẫn còn kéo dài, bởi những gì đáng gọi là “tinh tuý” của mình thì Thủ tướng đã “phát tiết” hết qua 8 năm làm Phó Thủ tướng Thường trực và 7 năm làm Thủ tướng rồi, thiết tưởng chẳng ai còn lý trí lại vẫn tiếp tục ngây thơ “kỳ vọng” ở đây cả;
Con số 160/492 (32,52%) chính là mầm mống của dân chủ và trách nhiệm trong Quốc hội. Nếu như mọi sự thay đổi bao giờ cũng bắt đầu từ một nhóm cá thể thiểu số trong cộng đồng thì rõ ràng con số này thừa đủ để đem lại hy vọng cho chúng ta về một Quốc hội thực chất và thực quyền hơn trong tương lai.
Cuối cùng, con số 160 (tín nhiệm thấp) + 122 (tín nhiệm) = 282/492 (57,32%) đủ cho Thủ tướng hiểu mỗi khi đứng trước diễn đàn Quốc hội rằng, hơn một nửa số đại biểu đang ngồi dưới kia hoặc là không tin tưởng ông hoặc chỉ dành cho ông một niềm tin đã bị sứt mẻ.
Bất luận thế nào, ý nghĩa của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nói chung và Thủ tướng nói riêng cũng vượt lên trên kết quả còn đáng thất vọng của nó./.

Thủ tướng Việt Nam vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, song với vị thế đã suy yếu

Associated Press | 11.6.2013
Lê Anh Hùng dịch



Hà Nội, Việt Nam – Các nhà lập pháp Việt Nam đã dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một sự ủng hộ miễn cưỡng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên diễn ra ở đây, cuộc bỏ phiếu được xem như một bước tiến nhỏ hướng tới một phong cách quản trị quốc gia đa nguyên hơn tại đất nước cộng sản độc đảng này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang phải chịu áp lực do thành tích điều hành kinh tế kém cỏi, một nền kinh tế trước kia nằm trong số vận hành tốt nhất ở Châu Á nhưng hiện đang ngập chìm trong nợ xấu và có môi trường đầu tư ảm đạm. Năm ngoái, ông đã thoát hiểm khi bị thách thức vị trí lãnh đạo trong một cuộc hội nghị của giới lãnh đạo đảng.
Nguyễn Tấn Dũng cùng 46 bộ trưởng và quan chức nhà nước cấp cao khác phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu của các vị Đại biểu Quốc hội, cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong một quy trình thường niên kể từ nay về sau hầu cho một công chúng đang ngày càng tỏ ra tự tin thấy rằng các nhà lãnh đạo phản ứng nhanh nhạy hơn trước đòi hỏi của họ. Cuộc bỏ phiếu kín diễn ra trong ngày thứ Hai và kết quả được loan báo trong ngày thứ Ba.

Vi việc trên 90% trong tổng số 498 Đại biểu Quốc hội là những người giữ thẻ đảng, không ai kỳ vọng một quan chức nào đó nhận được kết quả nghèo nàn đến mức có thể dẫn đến chuyện từ chức.
Dù vậy, trên 30% đại biểu vẫn dành cho Nguyễn Tấn Dũng lá phiếu “tín nhiệm thấp”, dấu hiệu chia rẽ rõ ràng trong nội bộ đảng về nhiệm kỳ thứ hai (kết thúc vào năm 2016) của ông. Theo các nhà phân tích, kết quả đó tự nó không ảnh hưởng đến vị trí của Thủ tướng, song lại có thể được các đối thủ sử dụng trong các cuộc điều đình nội bộ về tương lai của ông.
Các thành viên Quốc hội phải bỏ phiếu để thể hiện xem là họ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” hay “tín nhiệm thấp” các quan chức. Nguyên tắc bỏ phiếu kín quy định rằng những quan chức với trên 60% “phiếu tín nhiệm thấp” có thể sẽ phải từ chức.
Nguyễn Tấn Dũng nhận được 160 phiếu “tín nhiệm thấp” trên tổng số 492 phiếu, đứng vị trí thứ ba trong số những người có số phiếu tiêu cực cao nhất. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người được nhìn nhận rộng rãi như là đối thủ chính trị chính của ông phía sau cánh cửa khép kín của các cuộc hội họp trong đảng, chỉ phải nhận 28 phiếu “tín nhiệm thấp”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận được 209 phiếu “tín nhiệm thấp”, được cho là phản ảnh kết quả điều hành nền kinh tế của ông. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhận được 177 phiếu “tín nhiệm thấp”. Ngoài nền kinh tế, chuẩn mực nghèo nàn của các trường học từ tiểu học đến đại học cũng là một mối quan ngại chính của công chúng.
Edmund Malesky, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Duke (Hoa Kỳ), bình luận: “Điều này thực sự cho thấy các vị Đại biểu Quốc hội đang làm công việc của mình. Ở đây chắc chắn đã xuất hiện một phản ứng nhanh nhạy nào đó trước đòi hỏi của các cộng đồng cử tri. Hai nhân vật gắn liền với kết quả vận hành nền kinh tế đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp dưới mức trung bình.”
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận xét rằng cuộc bỏ phiếu đã phản ảnh “thực tế cuộc sống cùng những chủ đề thúc bách và… phần nào phản ảnh những nỗi bất bình của nhân dân”.
Nhng vấn đề về cấu trúc đang hoành hành trong nền kinh tế và sự chỉ trích cũng như giám sát ngày càng tăng của đảng đối với mạng Internet đã châm ngòi cho những lời kêu gọi cải cách từ một số người trong đảng. Trong khi vẫn tiếp tục bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến, đảng lại sửa đổi hiến pháp, và có thể sẽ giảm nhẹ ngôn từ về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế.
Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam từ Đại học Hồng Kông, nhận xét rằng cuộc bỏ phiếu cho thấy “Việt Nam đang vạch ra lộ trình cho riêng mình”, cho dù chậm chạp. Ông khẳng định rằng sự kiện tương tự sẽ không thể xẩy ra ở Trung Quốc, quốc gia cộng sản láng giếng lớn hơn nhiều so với Việt Nam.

“Có lẽ do sự cần thiết mà Việt Nam đang tỏ ra ưa thích một thứ nhãn hiệu chính trị mang nhiều đặc điểm của một hệ thống chịu trách nhiệm bán phần (semi-accoutable system)”, ông nói. “Đối với một đảng vốn có truyền thống coi các nhà lãnh đạo của nó là trong sạch và có phẩm chất xuất chúng thì đây quả là một sự thay đổi về quan điểm.”

Friday, June 7, 2013

Quan hệ của Mỹ với Việt Nam

Điều trần
Joseph Yun
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng, Vụ Đông Á - Thái Bình Dương
Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương

Washington, DC
5.6. 2013

Lê Anh Hùng dịch



Thưa ngài Chủ tịch Faleomaveaga và các thành viên Tiểu ban, rất cám ơn quý vị hôm nay đã mời tôi đến đây để điều trần về mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam. Đây còn là niềm vinh hạnh của tôi khi được điều trần với người đồng nghiệp, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Dan Baer đến từ Vụ Dân chủ, Lao động và Nhân quyền. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Dan Baer sẽ thảo luận chi tiết về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Trong phần điều trần của mình, tôi sẽphác hoạ một bức tranh tổng quan về mối quan hệ kinh tế, an ninh, quân sự - quân sự và nhân dân - nhân dân với Việt Nam. Mối quan hệ song phương với Việt Nam đang phát triển thành một mối quan hệ đối tác quan trọng và ngày càng rõ nét. Hiện nay, chúng ta đang phát triển trên nền tảng lợi ích chung của mình trong một Châu Á – Thái Bình Dương ổn định, an ninh và thịnh vượng. Nỗ lực của chúng ta ở Việt Nam tập trung vào việc thúc đẩy một nền kinh tế theo định hướng thị trường, một nền kinh tế mở cửa với hàng hoá và đầu tư từ Mỹ; thúc đẩy hoà bình và an ninh khu vực; nâng cao thái độ tôn trọng dành cho nhân quyền, tự do tôn giáo, quản trị nhà nước hiệu quả (good governance) và pháp trị (rule of law); và thúc đẩy phúc lợi và sức khoẻ cho con người.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng mối quan ngại của chúng tôi về nhân quyền là một nhân tố xuyên suốt mọi khía cạnh liên quan đến cách tiếp cận chính sách và sự can dự của chúng ta với Việt Nam. Chúng tôi tin rằng việc Chính phủ Việt Nam thể hiện thái độ tôn trọng nhân quyền tốt hơn sẽ giúp đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước này trong tương lai và cho phép tăng cường mối quan hệ song phương với chúng ta. Chúng tôi đã nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng nhân dân Mỹ sẽ không ủng hộ việc tăng cường mạnh mẽ quan hệ song phương nếu không có tiến bộ rõ rệt về nhân quyền.
Thật hữu ích khi đánh giá xem chúng ta đã đi tới đâu trong mối quan hệ song phương của mình kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao năm 1995. Mười tám năm trước, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ là 450 triệu USD, gần như chỉ bằng sai số làm tròn trong giá trị giao dịch thương mại toàn cầu của chúng ta. Với việc hoàn tất hiệp định thương mại song phương năm 2001, quan hệ kinh tế đã cất cánh. Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều của chúng ta với Việt Nam đạt tới gần 25 tỷ USD mỗi năm, và Việt Nam đã thu hút trên 10 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ - một lợi ích đáng kể cho cả hai quốc gia. Quyết định của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thập niên 1980 khi vứt bỏ chế độ kế hoạch hoá nhà nước theo kiểu Soviet và đưa Việt Nam hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành quả trong tăng trưởng kinh tế và phát triển. Đúng là Việt Nam vẫn tiếp tục phải vật lộn với những vấn đề về tham nhũng, về các DNNN thiếu hiệu quả, và về sự phân phối của cải bất bình đẳng, song điều quan trọng là phải thừa nhận những thành tựu của Việt Nam về xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là trong hai thập niên vừa qua. Tôi tin rằng sự can dự về mặt kinh tế của Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển tiếp đang diễn ra ở đây.
Việc nêu bật vai trò thiết yếu mà những người Mỹ gốc Việt vẫn đang đóng góp cho sự phát triển của Việt Namlà điều rất quan trọng. Chúng tôi coi cộng đồng người Mỹ gốc Việt là một đối tác chủ chốt trong việc tăng cường mối quan hệ song phương, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá cao cuộc đối thoại thường xuyên của chúng tôi với nhóm người ủng hộ then chốt này. Như là một phần trong nỗ lực liên tục này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đang thực hiện chuyến viếng thăm California tuần này và sẽ tổ chức một số sự kiện tại toà thị chính ở cả Quận Cam (Orange County) lẫn thành phố San Jose để lắng nghe những quan ngại của người Mỹ gốc Việt và thảo luận chính sách của chúng ta đối với Việt Nam.
Các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Mỹ gốc Việt đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam, và ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt sang làm việc tại Việt Nam, nhiều trong số đó là giám đốc điều hành trong các công ty đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam. Lượng kiều hối khoảng 7 tỷ USD từ Mỹ gửi về Việt Nam hàng năm cung cấp nguồn vốn cho những hoạt động kinh doanh mới và thúc đẩy tiêu dùng. Tầm ảnh hưởng của người Mỹ gốc Việt vượt ra ngoài kinh doanh và bao gồm các mối liên kết quan trọng về văn hoá, giáo dục và gia đình. Sự liên hệ đó là vô cùng hữu ích, và chúng tôi muốn khuyến khích nhiều hơn thế, đặc biệt là trong số các thế hệ trẻ hơn. Chắc chắn là ở đây vẫn tồn tại những bất đồng và những mối nghi ngại đeo đẳng, vốn là di sản của cuộc chiến tranh Việt Nam. Những Việt kiều muốn quê hương mình trở nên cởi mở, dân chủ và thịnh vượng hơn thường xuyên bị soi xét với con mắt nghi ngại từ phía lực lượng an ninh Việt Nam. Chúng tôi đã hối thúc Chính phủ Việt Nam mở rộng vòng tay hơn nữa với những người Mỹ gốc Việt và giải quyết những quan ngại về nhân quyền của cộng đồng này, một mối bận tâm mà Chính phủ Mỹ chia sẻ.
Trọng tâm trong nghị trình kinh tế của chúng ta với Việt Nam là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tự do khu vực trong thế kỷ 21 giúp hội nhập nền kinh tế Việt Nam với các quốc gia ở cả hai phía của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Để thu được lợi ích kinh tế từ việc tham gia hiệp ước thương mại và đầu tư thượng thặng trong khu vực này, Việt Nam cần phải mở cửa các thị trường hàng hoá, dịch vụ và đáp ứng những tiêu chuẩn cao trong một loạt lĩnh vực, bao gồm việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sự minh bạch và công khai trong thông lệ mua sắm của chính phủ, việc thắt chặt ưu đãi dành cho các DNNN, sự tự do hoá thông tin nhằm thúc đẩy nền kinh tế số (digital economy), các biện pháp bảo hộ lao động hữu hiệu dành cho công nhân, v.v và v.v.  Hoàn tất bản hiệp định sẽ là một thách thức, song phần thưởng từ đó lại đáng kể - phân tích sơ bộ cho thấy Việt Namsẽ là một trong những đối tượng thụ hưởng nhiều nhất từ TPP. Sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Mỹ vẫn tiếp tục nhằm trợ giúp Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết một loạt vấn đề thương mại và đầu tư mới nằm trong nghị trình đàm phán của TPP và nhằm giữ đà cho những cải cách thị trường, hiện đại hoá và hội nhập của Việt Nam. Ngoài việc tham gia TPP, Việt Nam còn có nhiều tham vọng phát triển một nền kinh tế kỹ thuật cao và dựa vào tri thức, song những dự thảo quy định nhằm kiểm soát internet và quản lý nội dung phát sóng của các đài truyền hình nước ngoài lại đi ngược lại mục tiêu đó. Chúng tôi thường kéo các quan chức Việt Nam vào cuộc để nhấn mạnh rằng, xây dựng một nền kinh tế năng động, sáng tạo đòi hỏi phải cho phép mọi người tự do suy nghĩ, sáng tạo và tận dụng hết lợi thế của môi trường thương mại và đầu tư mà TPP sẽ tạo ra.
Công cuộc hợp tác của chúng ta về những chủ đề khu vực đã tiến khá xa. Kể từ khi đảm nhiệm rất thành công vai trò chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã củng cố vị thế của mình như một nhà lãnh đạo khu vực. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong ASEAN và các diễn đàn đa phương khác nhằm khuyến khích việc thảo luận về an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, và các chủ đề cứu trợ thảm hoạ mà khu vực phải đối mặt. Hoa Kỳ cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam và các thành viên ASEAN khác trong việc đàm phán với Trung Quốc về một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông cũng như trong việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao hay các biện pháp ôn hoà khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước LHQ về Luật Biển. Chúng tôi nhận ra rằng sự thịnh vượng của khu vực dựa trên sự ổn định liên tục, đặc biệt là trên Biển Đông, và chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của khu vực trong việc xử lý những tranh chấp này mà không phải viện đến vũ lực hay đe doạ. Ngoài ra, chúng tôi còn làm việc với nhau nhằm thúc đẩy sự phát triển trong tiểu vùng sông Mê Kông thông qua Sáng kiến Hạ vùng Mê Kông (LMI).
Trên phương diện ngoại giao của mối quan hệ, Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ hơn về các chủ đề an ninh khu vực và toàn cầu. Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì hoà bình và an ninh ở Đông Nam Á và, rộng hơn, ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, kể cả việc họ phê chuẩn Nghị định thư Bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency’s Additional Protocol) năm ngoái và hoàn thành việc dỡ bỏ uranium với độ giàu cao ra khỏi lò nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Việt Nam nằm dọc theo các tuyến hàng hải huyết mạch, và Hoa Kỳ đang làm việc với Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của Việt Nam về lĩnh vực hàng hải và tăng cường lực lượng cảnh sát biển để Hà Nội có thể trở thành một đối tác còn mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong công cuộc chống buôn lậu ma tuý, cướp biển, cũng như hoạt động vận chuyển ngầm liên quan đến vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Chúng tôi đang nâng cao các hoạt động trao đổi quân sự và tiến hành các cuộc huấn luyện chung trong hoạt động tìm kiếm, cứu hộ và cứu trợ thảm hoạ. Hoa Kỳ hoan nghênh các kế hoạch triển khai quân đội ở nước ngoài lần đầu tiên của Việt Namnhằm ủng hộ sứ mạng gìn giữ hoà bình của LHQ trước năm 2015. Để hỗ trợ cho nỗ lực này, Hoa Kỳ đang cung cấp các chương trình giáo dục quân sự chuyên nghiệp với nội dung đa dạng cho quân đội Việt Nam nhằm giúp họ chuẩn bị cho các sứ mạng này.
Mặc dù chúng ta dự định theo đuổi mối quan hệ an ninh gần gũi hơn với Việt Nam, ở đây vẫn tồn tại những giới hạn về mối quan hệ quân sự - quân sự liên quan đến nhân quyền. Năm 2007, chính phủ Mỹ đã điều chỉnh lệnh cấm bán hàng hoá quốc phòng cho Việt Nam nhằm cho phép việc bán thiết bị quân sự phi sát thương trên cơ sở từng thương vụ. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong việc hiện đại hoá quân đội trong phạm vi phi sát thương nhằm hỗ trợ những ưu tiên về an ninh mà tôi đã phác hoạ ở trên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nêu rõ với các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự của Việt Nam rằng để Hoa Kỳ cân nhắc việc dỡ bỏ những hạn chế còn lại đối với các thiết bị quốc phòng xuất khẩu, kể cả các vũ khí sát thương, Việt Nam cần phải có sự cải thiện liên tục, rõ rệt và bền vững về tình hình nhân quyền.
Chúng ta có một lịch sử khó khăn, song cả hai bên đều đi đến giải quyết những vấn đề di sản chiến tranh theo một cách thức mà qua đó đã giúp xây dựng lòng tin và thiện chí đáng kể. Hơn hai chục năm nay, Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Cuộc hợp tác này bắt đầu từ thập niên 1980 và theo nhiều cách khác nhau đã sưởi ấm mối quan hệ băng giá và xây dựng lòng tin, dẫn đến việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao năm 1995. Tháng Tư năm nay, 693 bộ hài cốt đã được phát hiện tại các khu vực bên trong lãnh thổ Việt Nam và chuyển về cho các gia đình để an táng ở Mỹ. Việt Nam cũng từng bước dỡ bỏ những hạn chế đối với những khu vực nhậy cảm từng bị cấm chỉ đối với các đội tìm kiếm của chúng ta.
Chúng tôi cam kết giúp Việt Namgiải quyết vấn đề bom đạn chưa phát nổ (UXO). Từ năm 1998, Bộ Ngoại giao, với sự hỗ trợ của Quốc hội, đã cung cấp trên 35 triệu USD nhằm hỗ trợ hoạt động rà phá bom mìn cùng các chương trình giáo dục cộng đồng nhằm mục đích giảm bớt thương vong. Mục tiêu chung của chúng tôi là giảm con số thương vong liên quan đến UXO ở Việt Nam. Chúng tôi cũng tài trợ cho các chương trình giúp đỡ nạn nhân của vật liệu nổ trong chiến tranh với hoạt động đào tạo nghề, cung cấp các bộ phận cơ thể nhân tạo được sản xuất chuyên nghiệp, và các hoạt động hỗ trợ khác.
Trong số những vấn đề gắn với cuộc chiến, giải quyết tình trạng ô nhiễm dioxin là thách thức lớn nhất. Tháng Tám vừa qua, USAID đã bắt đầu thực hiện dự án xử lý điểm nóng dioxin tại căn cứ không quân cũ của Mỹ ở Đà Nẵng. Dự án này là một trong những nỗ lực xử lý phức tạp và tốn kém nhất mà chính phủ Mỹ từng thực hiện ở nước ngoài. Việc hoàn thành dự án ở Đà Nẵng đòi hỏi sự hỗ trợ liên tục của Quốc hội và sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam của chúng tôi. Hoa Kỳ hy vọng rằng trong tương lai gần, chúng ta có thể làm việc với Việt Nam để giải quyết xong các vấn đề liên quan đến chất độc màu da cam.  
Mối quan hệ hướng tới tương lai của chúng ta với Việt Nam thể hiện rõ nét nhất qua hiện tượng bùng nổ các mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Chúng tôi tin tưởng rằng, việc xây dựng các mối quan hệ này thông qua các cơ hội trao đổi, qua sự trau dồi văn hoá, và qua các mối quan hệ giáo dục là chìa khoá để thiết lập một mối quan hệ đối tác rộng lớn hơn với nhân dân Việt Nam, một đất nước có 60% dân số ra đời sau năm 1975. Năm nay Việt Nam có hơn 15.000 sinh viên đang nghiên cứu tại Mỹ, và là quốc gia gửi sinh viên sang Mỹ học tập nhiều thứ 8. Đây là một sự thay đổi ngoạn mục kể từ năm 1995, khi chỉ có 800 sinh viên Việt Nam nghiên cứu tại Mỹ. Chúng tôi cũng làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác về cải cách giáo dục trong nước nhằm tăng cường độ thuần thục tiếng Anh cũng như những kỹ năng khác, những thứ giúp tạo ra nguồn vốn con người cần thiết để Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Cuối cùng, chương trình Fullbright đã tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 20 vào năm 2012 và ghi nhận Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó TT Nguyễn Thiện Nhân và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường như là những cựu sinh viên của mình. Fulbright và các chương trình trao đổi khác giúp xây dựng sự tin cậy và sự hiểu biết lẫn nhau, đóng góp vào hàng loạt mục tiêu chiến lược của chúng ta bằng cách thúc đẩy mối quan hệ của chúng ta với các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai của Việt Nam trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chúng tôi có một nghị trình đầy tham vọng với Việt Nam, một nghị trình bao gồm việc thúc đẩy tự do thương mại và cải cách kinh tế, tăng cường hợp tác nhằm duy trì hoà bình và an ninh ở Đông Nam Á, tiếp tục giải quyết những vấn đề di sản chiến tranh, và tăng cường các mối quan hệ giáo dục và văn hoá. Trong bản điều trần này, tôi đã cố gắng nêu rõ rằng nhân quyền không phải là một vấn đề tách biệt duy nhất; đúng hơn, đây là một chủ đề liên quan đến toàn bộ phương pháp chính sách và sự can dự của chúng ta với Việt Nam. Nói một cách đơn giản, mối quan hệ của chúng ta sẽ không đạt đến tiềm năng đầy đủ cho đến khi Việt Nam làm nhiều hơn để bảo vệ các quyền con người cho công dân của mình và tuân thủ các cam kết của họ theo Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế. 
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Dan Baer sẽ cung cấp thêm chi tiết về chính sách ngoại giao nhân quyền của chúng ta với Việt Nam, song tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi đang làm việc hết mình với các quan chức Việt Nam hòng đảo ngược một xu hướng trong vài năm qua, đó là tình trạng gia tăng các vụ bắt bớ cùng với những bản án khắc nghiệt chưa từng thấy, đặc biệt là dành cho các blogger. Cho đến thời điểm này của năm 2013, Việt Namđã thực hiện một số bước đi tích cực về nhân quyền, trong đó có việc phóng thích luật sư Lê Công Định (dù kèm theo một số hạn chế) và tiếp đón cuộc viếng thăm của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) vào tháng Hai. Chúng tôi hy vọng sẽ được chứng kiến thêm nhiều vụ phóng thích và nhiều cuộc đối thoại với các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền trong năm nay. Về tự do tôn giáo, chúng tôi cảm thấy được khích lệ khi thấy TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Giáo hoàng Benedict trong chuyến thăm Vatican vào tháng Giêng của ông. Chúng tôi cũng hy vọng rằng Việt Nam có thể đẩy nhanh việc đăng ký các nhóm tôn giáo, đặc biệt là ở Tây Nguyên và vùng cao Tây Bắc.
Năm nay, chúng ta đã được chứng kiến một cuộc tranh luận rất sôi nổi giữa các cá nhân thuộc mọi thành phần xã hội của Việt Namkhi Việt Namtiến hành sửa đổi hiến pháp. Hoa Kỳ tôn trọng độc lập và chủ quyền của Việt Nam, và chúng tôi tin tưởng rằng tất cả mọi người dân Việt Nam cần có tiếng nói trong việc quyết định tương lai của Việt Nam. Chúng tôi hối thúc các nhà lãnh đạo Việt Nam tạo ra một môi trường mà ở đó người Việt Namthuộc mọi thành phần khác nhau có thể bày tỏ quan điểm chính trị của mình một cách ôn hoà và tự do, đồng thời được lắng nghe. Cuộc tranh luận mở và sự bày tỏ quan điểm công khai như vậy là điều kiện thiết yếu để Việt Nam hướng tới tương lai ổn định và thịnh vượng mà nó rất xứng đáng được hưởng.
Xin cám ơn ngài Chủ tịch. Tôi hoan nghênh bất kỳ câu hỏi nào của quý vị.