Lê Anh Hùng
Hà Nội, 5/10/2012
Lời dẫn:
Lê Đức Thọ là một hung thần của Đảng CSVN suốt từ thập niên 1960 cho đến những năm 1980. Điều đó thì có lẽ rất nhiều người đã biết. Tuy nhiên, để khắc hoạ được bức chân dung sát thực về nhân vật này là điều không hề dễ dàng.
Câu chuyện dưới đây được trích từ tập bản thảo hồi ký của Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến. Tập bản thảo này được tác giả in và lưu hành nội bộ năm 2000 với tên gọi “Cuộc đời binh nghiệp” (177 trang A4) và năm 2008 được chính thức xuất bản với nhan đề “Đường lên cơ quan Tổng hành dinh” (so với bản thảo ban đầu thì nội dung trong cuốn sách đã xuất bản được “gọt dũa” đi khá nhiều).
Phần trích đăng ở đây nằm từ trang 119-123 của tập bản thảo. Nó cho độc giả thấy phần nào “phẩm chất” đích thực của một nhân vật từng là nỗi khiếp đảm của bao thế hệ người Việt; đồng thời, nó cũng giúp độc giả nhận chân cái mẽ “độc lập” của một quốc gia với truyền thống bốn ngàn năm văn hiến, nhờ “sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt” của những “Bá Kiến mới” trong “đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam” như đồng chí “Sáu Búa” mà trở thành một quốc gia nhược tiểu, đói ăn thiếu mặc, để rồi phải ngửa tay cầu xin sự thương hại của thiên hạ, kể cả Thái Lan, một nước lúc ấy vẫn bị Đảng CSVN coi là thuộc "phe địch".
Câu chuyện dưới đây được trích từ tập bản thảo hồi ký của Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến. Tập bản thảo này được tác giả in và lưu hành nội bộ năm 2000 với tên gọi “Cuộc đời binh nghiệp” (177 trang A4) và năm 2008 được chính thức xuất bản với nhan đề “Đường lên cơ quan Tổng hành dinh” (so với bản thảo ban đầu thì nội dung trong cuốn sách đã xuất bản được “gọt dũa” đi khá nhiều).
Phần trích đăng ở đây nằm từ trang 119-123 của tập bản thảo. Nó cho độc giả thấy phần nào “phẩm chất” đích thực của một nhân vật từng là nỗi khiếp đảm của bao thế hệ người Việt; đồng thời, nó cũng giúp độc giả nhận chân cái mẽ “độc lập” của một quốc gia với truyền thống bốn ngàn năm văn hiến, nhờ “sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt” của những “Bá Kiến mới” trong “đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam” như đồng chí “Sáu Búa” mà trở thành một quốc gia nhược tiểu, đói ăn thiếu mặc, để rồi phải ngửa tay cầu xin sự thương hại của thiên hạ, kể cả Thái Lan, một nước lúc ấy vẫn bị Đảng CSVN coi là thuộc "phe địch".
Ngoài ra, câu chuyện cũng giúp giải thích tại sao biện pháp “phê bình và tự phê bình” trong Đảng CSVN, như đang diễn ra theo tinh thần của Nghị quyết 4 khoá XI, lại khó khăn đến vậy: Với những cái Tôi còn lớn hơn cả quả núi như của đồng chí “Sáu Búa” thì cái trò “phê và tự phê” kia xem ra chẳng xi nhê gì hết.
Lê Anh Hùng
MỘT LẦN VẤP VÁP TRONG TRẬN ĐÁNH CỦA MỘT ĐƠN VỊ 479 SANG ĐẤT THÁI LAN:
Có lần, vào mùa Hè năm 1983, tôi đưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn đi sang Campuchia nghiên cứu kế hoạch tác chiến mùa khô 1983-1984. Khi trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất bay sang hạ cánh ở sân bay quân sự Pochengtông, đồng chí Lê Đức Anh ra đón đồng chí Lê Trọng Tấn về làm việc. Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh 719[1], tôi bố trí trực thăng đưa đồng chí Lê Trọng Tấn đi làm việc với các mặt trận và xuống các đơn vị. Cùng đi với Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh 719 cử đồng chí Lê Duy Mật, Cục phó Cục Tác chiến, và đồng chí Trần Ôn, cán bộ Phòng Tác chiến. Tới Bộ Tư lệnh 479, sau khi nghe đồng chí Hồ Quang Hoá, Tư lệnh Mặt trận, báo cáo kế hoạch tác chiến đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua, đoàn tới thăm và nghe kế hoạch cụ thể của các đơn vị đóng quân ở Xixôphôn, Battambang. Trở về Phnompenh, đoàn tới Bộ Tư lệnh 979 nghe đồng chí Ba Trung, Tư lệnh Mặt trận 979, báo cáo, rồi bay đi Xihanucville. Kết thúc chuyến đi công tác ở Campuchia, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn về thành phố Hồ Chí Minh, rồi lên Học viện Lục quân ở Đà Lạt làm việc. Tôi được phép trở về thăm gia đình và nghỉ ở gia đình.
Sáng hôm sau, tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất để cùng đi chung máy bay AK40 ra Hà Nội thì đồng chí Tấn hỏi tôi có nghe tin bộ đội 479 đánh sang đất Thái Lan không mà đài địch nó kêu? Tôi báo cáo là tôi có vào cơ quan tác chiến ở Tân Sơn Nhất nghe anh em nói bộ đội ta có đánh một căn cứ Khmer đỏ ở Nong Chang trên biên giới đất Thái, nhưng chưa rõ kết quả, mà khi ở Bộ Tư lệnh 479 anh đã nghe anh Hồ Quang Hoá báo cáo kế hoạch này đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua. Tình hình tưởng không có việc gì rắc rối xẩy ra.
Về Hà Nội được vài ngày, một buổi chiều đồng chí Văn Tiến Dũng gọi tôi sang nhà riêng nói: “Vừa qua anh đi với anh Tấn sang Campuchia, thông qua kế hoạch đánh địch trên đất Thái thế nào mà bây giờ nó kêu om sòm là quân Việt Nam lại xâm lược Thái Lan? Ở Mascơva, anh Ba (đồng chí Lê Duẩn), anh Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng) đang hội đàm về viện trợ với đồng chí Brênhep, đồng chí ấy nói: “Trong tình hình hiện nay, các đồng chí không nên đưa chiến tranh sang một nước thứ ba nữa…”. Anh Thận (đồng chí Trường Chinh) cũng điện thoại hỏi tôi, sao lại cho quân ta đánh sang đất Thái? Kế hoạch đánh thế nào mà không báo cáo Quân uỷ, tôi cũng không biết…”. Tôi báo cáo lại tình hình chuyến đi công tác với anh Tấn vừa qua và sự kiện đánh Nong Chang là kế hoạch của Bộ Tư lệnh 479 đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua, không phải anh Tấn thông qua kế hoạch này mà chỉ nói với Bộ Tư lệnh 479 [là] kế hoạch đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua rồi thì các đồng chí cứ thi hành, anh Tấn chỉ nhắc nhở: “Phải chuẩn bị chu đáo, thận trọng, đánh chắc thắng, tiêu diệt nhanh gọn, rút về, không được để lại dấu vết gì.” Anh Dũng bảo tôi: “Thì thì ngày mai câu đi trực thăng xuống Đồ Sơn báo cáo với anh Thận, anh không bằng lòng về chuyện này đấy! Để anh Thận điện sang anh Ba, anh Tô biết…”.
Sáng hôm sau tôi đi trực thăng UH1 hạnh cánh xuống sân bay nhỏ ở Đồ Sơn, Văn phòng Trung ương đã cho xe đón tôi ở đây. Tôi vào khu nhà nghỉ của Trung ương ở khu trung tâm Đồ Sơn, báo cáo mọi sự việc với anh Thận. Anh Thận nói: “Các đồng chí quân sự chỉ đạo tác chiến bây giờ phải thận trọng, vì tình hình chính trị phức tạp và kinh tế ta đang gặp khó khăn. Bộ đội ta đánh sang đất Thái thế nào mà nó kêu rùm beng, động đến các đồng chí lãnh đạo ta đang bàn xin viện trợ ở Liên Xô. Nguyễn Cơ Thạch (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) đang ngồi bàn trên đất Thái. Kinh tế ta đang gặp khó khăn, dân đang đói vì thiếu gạo nghiêm trọng. Vừa qua bàn với Thái Lan, nó chịu bán gạo gửi gấp sang ta, chỉ có 5 vạn tấn gạo tấm thôi, thế mà nay nó đình lại, bộ đội ở Campuchia đánh sang đất Thái sao Quân uỷ không biết. Tổng Tham mưu trưởng sang nghe tình hình thế nào mà về không báo cáo với Quân uỷ? Thôi, sang ngày mai đồng chí vào gặp anh Sáu Thọ (đồng chí Lê Đức Thọ) và anh Sáu Nam (đồng chí Lê Đức Anh), truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị là từ nay trở đi không được hành động như thế! Rồi khi anh Ba, anh Tô về sẽ họp kiểm điểm vấn đề này…”. Ngay chiều hôm đó, tôi đi trực thăng về Hà Nội và sang báo cáo ngay với anh Dũng. Anh Dũng chỉ thị ngày mai tôi phải đi máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh báo cáo sự việc với anh Sáu Thọ và anh Sáu Nam . 10 giờ trưa ngày hôm sau, tôi vào cơ quan tác chiến ở sân bay Tân Sơn Nhất, gọi điện thoại Văn phòng Trung ương 2 ở T78 tại thành phố Hồ Chí Minh xin gặp hai anh để báo cáo ý kiến [của] anh Trường Chinh và Văn Tiến Dũng. Gặp đồng chí Lê Phương, một cán bộ tác chiến đi theo đồng chí Lê Đức Anh đã biết chuyện này, nói với tôi: “Anh vào báo cáo với ‘hai cụ’ về chuyện đánh Nong Chang phải không? Tôi nghe chuyện này rồi, tình hình này ở ngoài Trung ương cũng có điện vào, các cụ có vẻ đang cáu đấy! Không khéo anh lại ‘Sờ mông ngựa’ đấy!” (Lê Phương thường hay nói chọc khôi hài như thế, có nghĩa là sờ vào mông ngựa sẽ bị đá hậu, chọc vào chuyện này sẽ bị vạ lây). Tôi cũng nói đùa lại: “Sợ gì, tôi chỉ báo cáo nguyên văn ý kiến ‘các cụ’ ngoài đó thôi, ý kiến hai cụ trong này đồng ý hay không thì các cụ sẽ bàn với nhau, mình tép riu thì có liên quan gì!” Buổi chiều, khi vào cơ quan T78, đầu tiên gặp trước báo cáo với anh Sáu Nam . Anh Sáu Nam nghe, im lặng không nói gì. Anh Sáu Nam nghe xong nói: “Chủ trương đánh địch ở đây có anh Sáu Thọ đại diện Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo, anh sang báo cáo với anh Sáu Thọ, anh ấy cũng đang chờ nghe anh báo cáo đấy!”.
Tôi sang nhà bên cạnh, gặp anh Thọ đang mặc bộ quần áo bà ba lụa vàng, phe phẩy cái quạt cầm tay. Thấy tôi, [anh] gọi vào ngồi ở ghế sa lông nghe báo cáo. Tôi giở [cuốn] sổ đỏ đã ghi toàn bộ ý kiến anh Ba, anh Tô điện ở Mascơva về, ý kiến anh Trường Chinh nói ở Đồ Sơn và ý kiến anh Dũng trước khi tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Nghe chưa hết bản báo cáo của tôi, anh Thọ tỏ vẻ không bằng lòng, đứng dậy xếp quạt, tay phải cầm quạt, gõ đầu quạt vào bàn tay trái, vừa đi lại trong phòng vừa nói: “Các anh không nắm được tình hình, các anh tham mưu tác chiến biết tình hình mà cũng không báo cáo rõ cho các anh trên biết. Anh Tấn Tổng Tham mưu trưởng và anh, Cục trưởng Cục Tác chiến, vào thông qua kế hoạch tác chiến, tại sao không báo cáo với Quân uỷ [mà] lại đổ lỗi cho bọn này? Các anh cũng biết đấy, địch nó cứ ở biên giới bên đất Thái Lan, mà Thái Lan cho phép nó ẩn náu ở đấy, bắn pháo sang đất Campuchia làm thương vong bộ đội ta và dân Campuchia. Ta cứ ngồi thế mà chịu đòn à? Cứ nói đánh trên đất Campuchia thôi thì đánh vỗ mặt làm sao bao vây tiêu diệt được nó, lại ăn pháo nó. Nó từ đất Thái bắn pháo sang đất Campuchia thì ta bắn pháo sang tiêu diệt quân Khmer đỏ, [chứ] có bắn vào quân đội và dân Thái đâu. Nếu nắm được mục tiêu cụ thể, tôi còn định cho máy bay thả bom vào các vị trí Khmer đỏ nữa, không phải chỉ bắn pháo! Đánh vòng sang đất Thái một tý, chỉ để diệt Khmer đỏ mà Thái cho nó đóng quân ở đấy! Vì Thái cho Khmer đỏ đóng quân, để cảnh báo nó, mày còn che dấu quân Khmer đỏ trên đất Thái đánh tao thì tao có quyền đánh trả và ông còn đánh nữa đấy! Còn chuyện không để lại dấu vết thì anh em đã cố gắng thu dọn chiến trường sạch trước khi lui quân. Nhưng có phải sân nhà mình đâu, mà bảo anh em phải quét cho sạch dấu vết được. Anh ra báo cáo lại cho các anh ngoài đó biết…”. Sự việc tôi cứ tưởng như thế là qua! Không ngờ, sau khoảng 10 ngày, đồng chí Tô đã về Hà Nội. Đồng chí Lê Đức Thọ cũng đã ra Hà Nội, các đồng chí Bộ Chính trị họp bàn gì mà một hôm trực ban tác chiến báo với tôi là điện thoại Văn phòng Trung ương báo chiều nay tôi sang gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại nhà riêng (số 7 đường Nguyễn Cảnh Chân).
2 giờ chiều hôm đó, tôi đến nhà riêng đồng chí Lê Đức Thọ. Qua phòng làm việc của đồng chí Ngọc (bí thư của đồng chí Thọ) [thì nghe đồng chí ấy] bảo anh Sáu đang chờ anh trong đó. Tôi vào phòng của đồng chí Thọ, thấy đồng chí cũng trong bộ quần áo bà ba lụa vàng, đang ngồi trên một ghế sa lông. Đồng chí chỉ tôi ngồi trước mặt, rồi đồng chí nói ngay một loạt: “Anh về báo cáo thế nào mà để các đồng chí trong Bộ Chính trị hiểu lầm nhau. Thằng già này có sợ khuyết điểm đâu, nhưng làm tham mưu, làm Cục trưởng Tác chiến phải báo cáo cho đúng sự thật, đừng che dấu khuyết điểm của mình, đừng bao che cho thủ trưởng của mình, lại đổ lỗi cho tôi tự do cho quân sang đánh trên đất Thái Lan. Chính Tổng Tham mưu trưởng, Cục trưởng Cục Tác chiến các anh sang thông qua kế hoạch, rồi về lại nói không biết…”. Tôi vừa mở cặp, vừa giở sổ ghi chép lời nói của đồng chí nói với tôi ở T78 và những lời tôi báo cáo lại với đồng chí Văn Tiến Dũng nguyên văn lời đồng chí Thọ nói, chứ không báo cáo với anh Trường Chinh (vì không được gọi để báo cáo). Nhưng đồng chí Lê Đức Thọ không cho tôi báo cáo hết, mà cứ nói tiếp, tay trái vừa rút trong túi áo bà ba một tập điện đánh máy: “Đây này, điện tôi gửi ra Bộ Chính trị, anh em cơ yếu có đồng chí gửi Quân uỷ Trung ương nói tình hình cụ thể, chủ trương, chủ trương đánh địch thế này! Đây này! Đây này! Sao lại nói không báo cáo, tự do chủ trương đánh sang đất Thái… Các anh Quân uỷ không ai đọc, Cục trưởng Cục Tác chiến cũng không đọc à? Sao lại bảo không có báo cáo?..” Đồng chí cứ nói đi nói lại liên tục, tôi vừa cải chính thì đồng chí lại ngắt lời tôi và nói tiếp. Tôi ức quá nghẹn cả cổ, không nói lên lời được nữa, bỏ sổ vào cặp, ngồi thẫn người, nghe đồng chí phân tích tình hình, nói cả những việc trước đây trong Hội nghị Paris, đồng chí đấu tranh với Kissinger - Harriman thế nào, ý kiến của đồng chí thế nào, ý kiến chỉ đạo thế nào. Tôi đang căng đầu, nên cũng không hiểu được gì cả và cũng không còn nhớ gì nữa! Nói một hồi xong, đồng chí nói: “Thôi nhé! Về báo cáo lại với anh Tấn…”. Tôi đứng dậy chào ra về, qua phòng đồng chí Ngọc (bí thư), tôi nói không hiểu sao hôm nay anh Thọ gọi tôi sang “quạt” một trận nên thân, tôi chìa quyển sổ ghi chép của tôi và nói: “Tôi định báo cáo nội dung tôi đã báo cáo với anh Dũng thế này, nhưng anh ấy không cho nói…”. Đồng chí Ngọc cầm quyển sổ ghi chép của tôi và nói: “Anh Sáu nóng một tý thế thôi, để sổ đây, tôi xem và báo cáo lại với anh ấy…”.
Hai ngày sau, anh Lê Duy Mật (Cục phó Cục Tác chiến) ra Hà Nội gặp tôi. Tôi nói lại chuyện hôm tôi gặp anh Thọ. Anh Duy Mật nói: “Được rồi, tôi cùng đi với anh Tấn và anh lên mặt trần 479, nghe anh Hoá báo cáo kế hoạch. Việc đánh Nong Chang là do Bộ Tư lệnh 719 thông qua, có phải anh Tấn thông qua đâu. Tôi sẽ sang thăm anh Thọ và báo cáo lại.” Chiều hôm sau, anh Mật và tôi lại sang nhà riêng anh Thọ ở đường Nguyễn Cảnh Chân. Sau khi chào hỏi, anh Mật nói vắn tắt tình hình Campuchia gần đây. Tôi nói tiếp: “Hôm trước anh không cho tôi báo cáo tình hình về chuyện đánh Nong Chang, hôm nay có anh Mật đây, báo cáo thêm với anh.” Anh Mật báo cáo rõ thêm sự việc hôm cùng đi với anh Tấn và tôi lên mặt trận 479. Anh Thọ vẻ mặt bình thường, không cáu giận như hôm trước, cầm quyển sổ đỏ ghi chép của tôi (mà tôi đã đưa cho đồng chí Ngọc khi ra về) trả lại tôi và nói: “Thôi được, mấy ngày tới, tôi sẽ đi nghỉ ở Đà Lạt, ghé qua gặp hỏi thêm các đồng chí trong đó…”. Khoảng 10 ngày sau, một buổi trưa đồng chí Trung tá Nguyễn Bính, Trưởng phòng Hành chính Bộ Quốc phòng, cầm một bức điện của Phòng 6 (Ban Cơ yếu Trung ương) chuyển sang, nói có điện ông Sáu Thọ gửi anh. Tôi cầm điện lên xem, nguyên văn như sau:
“Gửi đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh – Bộ Quốc phòng:
Tôi vào trong này, nghe anh em báo cáo lại, thấy lời anh nói là đúng. Báo để anh yên tâm.”
Lê Đức Thọ
Tôi cầm bức điện đưa đồng chí Võ Quang Hồ (Cục phó) xem. Đồng chí Hồ nói: “Chuyện gì mà ông Thọ phải gọi điện cho anh thế?” Tôi cầm bức điện lên đưa anh Tấn xem. Anh Tấn (đã biết chuyện anh Thọ “xạc” tôi) xem điện xong, cười và bảo: “Anh đưa lên cho anh Dũng xem”. Tôi lên nhà trên, vào phòng làm việc đưa điện của anh Thọ và báo cáo lại với anh Dũng sự việc đầu đuôi tôi đã đi với anh Tấn vào Campuchia … việc anh (anh Dũng) chỉ thị tôi vào báo cáo anh Thọ, anh Sáu Nam ở T78 … nội dung khi ra Hà Nội báo cáo lại với anh Dũng … và tình hình khi anh Thọ ra Hà Nội gọi tôi sang nhà riêng của anh ấy, phê bình kịch liệt tôi… Anh Dũng vừa nghe vừa đọc điện. Nghe xong, anh Dũng nói: “Ừ! Là một việc cần rút kinh nghiệm!”
Trung tướng HOÀNG NGHĨA KHÁNH
Trung tướng HOÀNG NGHĨA KHÁNH
Nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN
Tôi thấy ông Lê Đức Thọ hiểu lầm sau đó đã gửi điện báo lại nội dung xác thực sự hiểu lầm rồi còn gì nữa. Không thấy ông Thọ đổ lỗi cho ai cả.
ReplyDeleteXem "bên thắng cuộc"; "phỏng vấn thiếu tướng Lê Duy Mật".... thấy toàn cóc nhái nhảy lên bàn thờ tổ Văn Lang mà thấy chán. Hoạ bắc thuộc không tránh được vì giống cóc nhái ấy vẫn cứ đang ngồi trên bàn thờ.
ReplyDeleteKhổ cho dân tôi, khổ cho con cháu tôi, Hu hu hu...
MUỐN danh thành công toại thì bắt buộc phái chấp nhận đạp lên đầu người khác....đây là quy luật mà CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐANG DÙNG....do vậy không có gì lạ cả bạn ơi...kể cả đạp lên xác chết của bạn bè.....
ReplyDelete