Tuesday, September 27, 2016

Thấy gì sau sự kiện 3 lãnh đạo CSVN tham gia Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương?

Lê Anh Hùng | VOA| 28.9.2016




Ngày 21/9 vừa qua, truyền thông Việt Nam đã loan báo một sự kiện hy hữu: lần đầu tiên, ba nhà lãnh đạo chóp bu cộng sản Việt Nam cùng tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương.
Trong một buổi lễ hết sức long trọng, với sự hiện diện của TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực BBT Đinh Thế Huynh, cùng các quan chức lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư và Bộ Công an, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về nhân sự bộ máy ĐCSVN trong Bộ Công an. Đảng uỷ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 16 vị, với Ban Thường vụ Đảng uỷ gồm 7 vị, trong đó có 3 vị lãnh đạo chóp bu là TBT Nguyễn Phú Trọng, CTN Trần Đại Quang và TTg Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là một sự kiện chưa từng có tiền lệ. Và điều này khiến người ta phải đặt câu hỏi là đằng sau nó ẩn chứa những “thông điệp” gì?

Quá trình hình thành của “nhà nước công an trị”
Ngày 19/8/1945 được coi là ngày thành lập lực lượng công an Việt Nam. Tuy nhiên, khi mới ra đời, lực lượng công an chưa có tên chung, mà nó mang ba cái tên khác nhau ở ba miền: ở Bắc Bộ nó có tên Sở Liêm phóng, ở Trung Bộ mang tên Sở Trinh sát, còn ở Nam Bộ là Quốc gia tự vệ cuộc.
Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 23/SL, hợp nhất ba cơ quan này thành Việt Nam Công an vụ, thuộc quyền quản lý của Bộ Nội vụ. Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NV/NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ, bao gồm 3 cấp: cấp trung ương gọi là Nha Công an Trung ương, cấp kỳ gọi là Sở Công an kỳ, và cấp tỉnh là Ty Công an tỉnh, thành phố.
Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh 141/SL, đổi Nha Công an Trung ương thành Thứ Bộ Công an, trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Tại cuộc họp từ 27–29/8/1953, dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch, Hội đồng Chính phủ đã quyết định đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an.
Từ một cơ quan cấp vụ trực thuộc Bộ Nội vụ, ngày nay Bộ Công an đã trở thành một siêu bộ, với một bộ máy khổng lồ, gồm 6 tổng cục, 12 cục và cơ quan trực thuộc, 2 bộ tư lệnh (cảnh vệ và cảnh sát cơ động), cùng bộ máy công an xuống đến tận cấp thôn xã trên 63 tỉnh thành.
Từ một bộ do một Uỷ viên Trung ương Đảng làm Bộ trưởng, đến nay Bộ Công an do một Uỷ viên Bộ Chính trị làm Bộ trưởng và 3 Uỷ viên Trung ương Đảng làm Thứ trưởng, chưa kể vài ba thứ trưởng không phải là Uỷ viên TW nữa.
Từ một bộ máy không có cấp bậc và đến cuối thập niên 1980 cũng chỉ lèo tèo vài sỹ quan cấp tướng, đến nay lãnh đạo Bộ Công an đã có 5 thượng tướng (1 người sắp trở thành đại tướng) và 1 trung tướng; hầu hết lãnh đạo các tổng cục và cục vụ viện đều là tướng; phần lớn giám đốc công an các tỉnh thành đều đã leo lên cấp tướng; phó phòng, phó trưởng công an quận huyện đã được gắn lon đại tá; quân số toàn bộ lực lượng lên tới hàng trăm ngàn người.
Từ một nền cộng hoà với một bản hiến pháp dân chủ, Việt Nam đã dần “chuyển hoá” thành một nhà nước “đảng trị” kết hợp với “công an trị”, và càng ngày sắc thái “công an trị” càng nổi bật so với gam màu “đảng trị”.
Đại hội XII Đảng CSVN vừa qua ghi dấu một “mốc son chói lọi” trên chặng đường phát triển của lực lượng “công an nhân dân” Việt Nam: trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XII có tới 6 người “trưởng thành” từ ngành công an, nắm giữ những chức vụ then chốt trong bộ máy: Trần Đại Quang, Trương Hoà Bình, Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Hoà Bình. Chưa kể, đương kim Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiêm Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng từng là Đại tá, Giám đốc Công an Nghệ An.
Bộ Công an: chiến trường tranh chấp quyền lực nóng bỏng
Một trong những diễn biến nổi bật tại Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII đầu năm 2016 là sự ra đi của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật suốt một thời gian dài từng được coi là quyền lực nhất Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Dũng từng đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an từ tháng 1/1995 - 8/1996. Sau khi trở thành Thủ tướng vào tháng 6/2006, ông ta được Bộ Chính trị giao phụ trách Đảng uỷ Công an Trung ương trong suốt 2 nhiệm kỳ Thủ tướng, và chính điều đó đã góp phần đặc lực giúp xác lập vị thế quyền lực lấn át thiên hạ của ông ta.
Chỉ vài năm làm Bộ trưởng Công an cũng đủ giúp ông Trần Đại Quang trở thành một thế lực hùng mạnh bậc nhất trên chính trường Việt Nam trước khi ngồi lên chiếc ghế Chủ tịch nước do ông Trương Tấn Sang để lại và đang nắm nhiều cơ hội tiếp quản ngôi vị Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới.
Ý thức được vai trò quan trọng cũng như quyền lực khuynh loát của Bộ Công an trong hệ thống chính trị hiện hành nên trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, Bộ Chính trị đã quyết định không giao vai trò phụ trách Đảng uỷ Công an Trung ương cho riêng một cá nhân nào trong “tứ trụ triều đình”. Thay vì thế, như chúng ta đã thấy, lần đầu tiên 3 nhà lãnh đạo chóp bu, đại diện cho 3 phe nhóm chính trị mạnh nhất Việt Nam hiện nay, đã trở thành 3 uỷ viên đầy quyền lực trong Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương.
Sự kiện này chưa hẳn đã làm giảm vị thế quyền lực của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, bởi ông ta vẫn là Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, vẫn là nhân vật nắm quyền lực tối cao tại Bộ Công an. Điều chắc chắn ở đây là ông ta vẫn tiếp tục là một thế lực mà bất cứ phe phái nào cũng đều muốn tranh thủ, chèo kéo – một nhân tố mà trên thực tế có khả năng quyết định cả cuộc chơi.
Rõ ràng, diễn biến mới nhất trên chính trường Việt Nam là một bước "tiến hoá" tất yếu của một nhà nước "đảng trị" và "công an trị", vừa giúp cho “thanh kiếm của đảng” thêm phần “sắc bén”, vừa biến Bộ Công an thành chiến trường tranh chấp quyền lực nóng bỏng, gay cấn, thậm chí một mất một còn, của các thế lực chính trị đang nắm trong tay quyền quyết định tiến trình đất nước.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê AnhHùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA

Thursday, September 22, 2016

Hiểm hoạ Trung Quốc trong dự án thép Cà Ná

Lê Anh Hùng | VOA| 21.9.2016




Gần một tháng nay, dự án khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đề xuất triển khai tại Ninh Thuận đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư lên tới 10,6 tỷ USD, dự án khổng lồ này đang bị dư luận lo ngại là sẽ trở thành một Formosa Hà Tĩnh mới ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nhất là sau khi người ta phát hiện ra bóng dáng Trung Quốc đằng sau dự án.
Về mặt môi trường, dự án đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cả giới chuyên môn lẫn dân chúng, trong bối cảnh thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Bắc Trung Bộ vẫn còn nóng hổi, nhức nhối, và tiếp tục là một hiểm hoạ lơ lửng trên đầu dân tộc Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những hệ luỵ về an ninh quốc phòng của dự án đối với đất nước chúng ta.

Vì sao Trung Quốc quan tâm đến dự án thép Hoa Sen Cà Ná
Cà Ná là một khu vực có địa thế hiểm trở, vừa nhỏ vừa hẹp, trước mặt là biển, sau lưng là đồi núi. Quốc lộ 1A chạy qua đây là tuyến độc đạo nối liền Nam - Bắc. Vì thế, chỉ cần một đội quân nhỏ là đã đủ sức chia cắt giao thông Bắc – Nam. Nếu bị tắc ở đây, xe cộ từ phía Bắc vào phải quay trở ra thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, cách Cà Ná khoảng 30km, rồi theo tỉnh lộ 27 để đi lên Tây Nguyên; còn xe cộ từ phía Nam ra thì phải quay lại thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cách Cà Ná khoảng 70km, rồi theo tỉnh lộ 28 để đi lên Tây Nguyên. Nếu Tây Nguyên cũng bị chia cắt nữa thì coi như Việt Nam bị chia cắt thành 2 phần ở đây.
Đặc biệt, Cà Ná còn có cảng nước sâu tự nhiên với độ sâu tới 20m, không bị bồi lắng và hàng trăm năm qua chưa có bão. Đây là địa điểm lý tưởng cho tàu chiến đổ bộ và neo đậu.
Như vậy, về mặt quân sự, Cà Ná là một khu vực cực kỳ xung yếu. Nó là vị trí đắc địa cho cả đội quân nằm vùng lẫn lực lượng đổ bộ từ ngoài biển vào. Nếu kiểm soát được Cà Ná thì khi hữu sự, Trung Quốc chỉ cần kích hoạt quả bom nguyên tử mang tên “bùn đỏ” ở Tây Nguyên, hoặc phối hợp với lực lượng từ bên kia biên giới Campuchia đánh sang, là có thể chia cắt Việt Nam thành hai phần tại khu vực này. Chưa hết, cùng với các căn cứ quân sự Trung Quốc ở Trường Sa, lúc đó Việt Nam còn bị chia cắt cả đường biển.
Trong bài “Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm hoạ mất nước” trên VOA ngày 20/4/2015, chúng tôi đã báo động việc Trung Quốc đã thiết lập được căn cứ ở Vĩnh Tân thông qua việc làm chủ đầu tư 2 dự án nhà máy nhiệt điện là Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 3 theo hình thức BOT.

Cờ Trung Quốc đã tung bay ở Vĩnh Tân, và sắp tới là Cà Ná? Ảnh: Lê Anh Hùng
Vĩnh Tân chỉ cách Cá Ná chừng 6km, và cũng là một địa điểm xung yếu về an ninh quốc phòng. Hai căn cứ quân sự trá hình cách nhau chỉ 6km – mức độ nguy hiểm đến thế nào thì có lẽ ai cũng hình dung ra được.
Đặc biệt, vịnh Cam Ranh – lá bài quan trọng nhất của Việt Nam trong chiến lược bảo vệ Trường Sa và Biển Đông – chỉ cách Cà Ná 75km. Nếu kiểm soát được Cà Ná và vùng biển xung quanh, Trung Quốc sẽ dễ dàng uy hiếp Cam Ranh, cũng như tàu bè ra vào vịnh. Ngoài ra, Cà Ná cũng chỉ cách địa điểm đặt Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) khoảng 20km và Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) khoảng 50km.
Trung Quốc có thể làm chủ dự án thép Hoa Sen Cà Ná như thế nào?
Một khi dự án được triển khai, Trung Quốc có rất nhiều cách thức hợp pháp để trở thành chủ nhân thực sự của nó. Chẳng hạn, họ có thể mua cổ phần của HSG; ký hợp đồng EPC với chủ đầu tư rồi sau khi thực hiện xong hợp đồng thì lấy giá trị hợp đồng làm vốn góp; cho tập đoàn Hoa Sen vay vốn rồi tiến tới thoả thuận chuyển nợ thành vốn góp; mua cổ phần của đối tác tham gia thực hiện dự án với Hoa Sen, v.v.
Dự án Hoa Sen Cà Ná và các căn cứ khác của TQ từ Hà Tĩnh trở vào. Xin lưu ý thêm, Campuchia giờ đã trở thành một căn cứ khổng lồ của TQ, còn Lào thì đang ngả dần về phía Bắc Kinh.
Với một vị trí vô cùng lợi hại như Cà Ná thì ngay cả khi không trực tiếp tham gia vào dự án thép, Trung Quốc cũng sẽ tìm mọi cách để thâu tóm nó thông qua những cách thức hợp pháp nêu trên. Chủ tịch HSG Lê Phước Vũ từng khẳng định việc sử dụng công nghệ thép của Trung Quốc “không thành vấn đề”, và trong bối cảnh nợ nần đầm đìa như hiện nay thì việc HSG bắt tay với các ông chủ Trung Quốc là một khả năng rất dễ xẩy ra. (Xin lưu ý là tháng 6/2015, tập đoàn CISDI của Trung Quốc đã đến Ninh Thuận để khảo sát địa điểm để thiết kế xây dựng tổ hợp thép Hoa Sen Cà Ná, và tháng 7/2015 HSG đã cử người sang Trung Quốc để làm việc với CISDI. Từ năm 2008 đến nay, CISDI đã thiết kế kỹ thuật, lập dự án khả thi, mua sắm thiết bị, và thi công những hạng mục quan trọng nhất của dự án Formosa Hà Tĩnh.)
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của công luận, ngay trong ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm Trung Quốc, Bộ Công Thương vẫn lên tiếng bảo vệ dự án thép Hoa Sen Cà Ná. Chưa hết, ngày 13/9 vừa qua, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh còn chỉ thị cho các cơ quan báo chí trong cả nước “dừng phản biện, đưa tin về dự án thép của Tôn Hoa Sen”. Xem ra một đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường nữa lại sắp lơ lửng trên đầu dân tộc.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.



Nguồn: VOA

Tuesday, September 13, 2016

Chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ của TBT Trọng sẽ đi đến đâu?

Lê Anh Hùng | VOA| 14.9.2016




Sau hơn một tháng “biến mất” đầy bí ẩn, ngày 6/9 vừa qua, cựu Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh bất ngờ xuất hiện trở lại trên truyền thông khi chủ động gọi điện cho phóng viên báo Thanh Niênbiết là giữa tháng 7/2016 ông ta đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đến ngày 29/8 thì ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy xin ra khỏi Đảng.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang lại cho biết là mãi đến ngày 8/9, họ mới nhận được văn bản giải trình của ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó ông ta có đề đạt “nguyện vọng” xin ra khỏi Đảng.

Những thông tin trái chiều trên khiến khiến dư luận bàn tán xôn xao, đặc biệt là trong bối cảnh thời gian qua đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt, để rồi bây giờ thiên hạ lại rộ lên nghi vấn là ông ta đang ở nước ngoài.
Vụ Trịnh Xuân Thanh từng được không ít người coi là phát pháo hiệu mở màn cho chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của TBT Nguyễn Phú Trọng, lấy “cảm hứng” từ những gì đang diễn ở Trung Quốc dưới “triều đại” Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, những diễn biến liên quan đến Trịnh Xuân Thanh thời gian qua và nhất là vụ làm đơn “xin ra khỏi Đảng” mới đây của ông ta lại khiến người ta không khỏi phải đặt ra câu hỏi: Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đi đến đâu?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần đánh giá “quyết tâm” của ngài Tổng Bí thư cũng như bối cảnh diễn ra “chiến dịch” nói trên.
“Quyết tâm” của ngài TBT
Ngày ngày 9/6/2016, lần đầu tiên, ông Nguyễn Phú Trọng lên tiếng chỉ đạo kiểm tra, kết luận vụ xe tư nhân gắn biển xanh ở Hậu Giang cũng như những “di sản” của Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.
Đến ngày 18/7/2016, Văn phòng Trung ương Đảng lại có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh.
Một vụ việc mà đích thân người đứng đầu Đảng CSVN phải hai lần công khai chỉ đạo thì theo lẽ thường quyết tâm của ông ta hẳn phải cao lắm. Ấy vậy nhưng, điều đó lại chỉ đánh lừa được những ai quá cả tin.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 6/8/2016, ngài TBT đã cho thiên hạ thấy “quyết tâm” của mình cao đến mức nào khi phát biểu: “Những vụ như Trịnh Xuân Thanh, phải làm chắc chắn, thận trọng, hiệu quả, đồng thời giữ cho được ổn định để phát triển đất nước.” Và bằng chứng cho yêu cầu “chắc chắn, thận trọng, hiệu quả” và “ổn định” đó của ngài TBT là việc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương bắt đầu làm việc tại Bộ Công Thương để “làm rõ về một số vấn đề trong quá trình bổ nhiệm nhân sự dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng” từ ngày 10/8/2016, với thời gian kiểm tra dự kiến là… 60 ngày. Chỉ mỗi một việc làm rõ một số vấn đề trong quá trình bổ nhiệm nhân sự, với trọng tâm là vụ luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, mà thời gian làm việc kéo dài tới 2 tháng thì xem ra phải gọi mục đích chính của cuộc kiểm tra là “câu giờ” mới đúng. Và vì thế việc xử lý Trịnh Xuân Thanh cùng các cá nhân liên quan khó có thể được coi là mục đích chính của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do ngài TBT phát động.
Dường như quá “sốt ruột” với cung cách làm việc của kẻ đang chủ trương “xử lý” mình nên, theo những gì mà báo chí cả “lề đảng” lẫn “lề dân” đăng tải, ngài cựu Phó Chủ tịch Hậu Giang đã gửi đơn “xin ra khỏi Đảng” rồi chuồn ra nước ngoài, trước khi lên tiếng trên truyền thông nhà nước, công khai thách thức ngài TBT cũng như cả hệ thống chính trị.
Mục đích của ông Nguyễn Phú Trọng
Từ đầu tháng 4/2016, đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung đã trở thành chủ đề thời sự đặc biệt, thu hút sự quan tâm của không chỉ hầu như mọi người dân Việt Nam trong và ngoài nước mà cả cộng đồng quốc tế.
Đằng sau sự cố chấn động nhân tâm này có trách nhiệm của nhiều cá nhân và tổ chức. Song, như chúng tôi đã chỉ ra trong bài “Thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh: tội ác mang tên Nguyễn Phú Trọng” trên VOA ngày 18/8/2016, với tư cách Chủ tịch Quốc hội khoá XII rồi Tổng Bí thư khoá XI và XII, ông Nguyễn Phú Trọng chính là người phải chịu trách nhiệm cao nhất. Đó là lý do khiến ông ta đã không hề hé răng lấy nửa lời về thảm hoạ môi trường thế kỷ này suốt mấy tháng liền, kể cả khi ông ta vào thăm và làm việc tại Hà Tĩnh rồi đến Kỳ Anh để “kiểm tra tiến độ” dự án Formosa Hà Tĩnh ngày 22/4/2016.
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” “theo cách Nguyễn Phú Trọng” ra đời trong bối cảnh đó, nên không có gì khó hiểu khi ông ta và bộ sậu thân tín luôn tìm cách thu hút sự chú ý của dư luận về vụ việc hầu mong vớt vát uy tín cá nhân sau thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh.
Rốt cuộc, Trịnh Xuân Thanh tuy chỉ là “võ sỹ hạng ruồi”, nhưng đằng sau ông ta lại là những “tên tuổi” như Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công Thương) hay Tô Huy Rứa (Trưởng ban Tổ chức Trung ương khoá XI) và đặc biệt là hai ông trùm khét tiếng Hoàng Trung Hải (cựu Phó Thủ tướng gốc Tàu, đương kim Bí thư Thành uỷ Hà Nội) và Nguyễn Tấn Dũng (cựu Thủ tướng Chính phủ khoá XII và XIII). Đụng đến bầy hổ đó thì làm sao có thể “giữ cho được ổn định để phát triển đất nước” như mong muốn của ngài TBT được.
Chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phê chuẩn cho “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải, “cha đẻ” của Formosa Hà Tĩnh, làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế vào ngày 2/8/2007, rồi đưa ông ta vào Bộ Chính trị trước khi trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội sau Đại hội XII vừa qua.
Chưa hết, trước thềm Đại hội XI của Đảng đầu năm 2011, để đánh bại ứng cử viên sáng giá nhất lúc bấy giờ là Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Phú Trọng đã bắt tay với liên minh ma quỷ Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh, những kẻ bị tố cáo những tội ác khủng khiếp suốt từ năm 2008 mà vẫn chưa được giải quyết. Nghĩa là giữa họ đã có những “bí mật” và “giao kèo” mà nếu lộ ra thì ông Nguyễn Phú Trọng không thể tiếp tục yên vị trên chiếc ghế Tổng Bí thư. Ông ta bất lực trước sự tác oái tác quái của các nhóm lợi ích – đến mức phải mếu máo khi đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khoá XI – là vì thế. Và nếu không có sự đạo diễn và hiệp sức mang tính quyết định của một vài thế lực hùng mạnh khác, đặc biệt là (cựu) Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, thì còn lâu ông ta mới đủ sức đánh bại được Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội XII vừa qua.
Tóm lại, mục đích của ông Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, theo cách gọi vừa kỳ vọng vừa châm biếm của công chúng Việt Nam, là hướng sự chú ý của dư luận khỏi đại thảm hoạ Formosa mà ông ta là người phải chịu trách nhiệm cao nhất, đồng thời cố đắp điếm thứ son phấn rẻ tiền lên khuôn mặt ngày càng già nua và hắc ám của cá nhân ông ta nói riêng và Đảng CSVN nói chung.
Thật không may cho ngài GS.TS chuyên ngành “xây dựng đảng”, ngay cả một “võ sỹ hạng ruồi” như Trịnh Xuân Thanh trước khi “cao chạy xa bay” cũng đã kịp giáng vào mặt ông ta những cú đòn choáng váng. Việc Ban Bí thư (buộc phải) họp và bỏ phiếu “khai trừ Đảng” đối với Trịnh Xuân Thanh hôm 9/9 vừa qua sau khi đối tượng đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng lại càng khiến hình ảnh người đứng đầu Đảng CSVN thêm phần thảm hại dưới mắt công chúng.
Chưa biết ông Nguyễn Phú Trọng có kịp trấn tỉnh và lấy lại sinh khí để kiểm soát tình hình sau vụ việc vừa qua hay không, nhưng chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do ông ta phát động thì coi như đã phá sản rồi, ngay cả khi ông ta có tóm được Trịnh Xuân Thanh đi chăng nữa. Đây là kết cục không khiến bất kỳ ai tỉnh táo phải ngạc nhiên. Nó chỉ diễn ra quá sớm so với mong muốn và trù liệu của ngài TBT đáng kính mà thôi.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Tuesday, September 6, 2016

Hải cảng chiến lược Chân Mây sắp rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc?

Lê Anh Hùng | VOA| 6.9.2016



Cảng Chân Mây là một cảng nước sâu nằm ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhờ được mũi Chân Mây Đông của dãy Hòn Dòn che chắn nên vùng nước xung quanh cảng biển với độ sâu tới 14m vốn kín gió và lặng sóng này đã trở thành nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền tránh trú gió bão.
Khu vực Chân Mây - Lăng Cô là một vị trí hiểm yếu về an ninh quốc phòng, bởi nó là một dải đất hẹp nằm dưới chân đèo Hải Vân, chưa kể trên tuyến quốc lộ 1A chạy qua địa bàn này còn có hai đèo núi hiểm trở khác là đèo Phú Gia và đèo Phước Tượng.

Là nơi tàu thuyền neo đậu an toàn nên vịnh Chân Mây rất thuận lợi cho tàu chiến đổ bộ. Ngoài ra, khu vực xung quanh đó còn là một địa bàn đặc biệt quan trọng về quốc phòng, khi chỉ một lực lượng quân đội vừa phải là đã có thể chia cắt đất nước thành hai phần. Vì thế, trong suốt hai cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) và lần thứ hai (1954-1975) tại đây đã diễn ra nhiều cuộc chiến đấu khốc liệt giữa lực lượng đổ bộ với lực lượng chống đổ bộ của các bên tham chiến.
Năm 1966, tàu chiến cùng lực lượng thuỷ quân lục chiến và xe tăng Mỹ đã đổ bộ vào vịnh Chân Mây.
Ngày 19/1/1947, tàu chiến Pháp đã đổ bộ ở bãi biển Cảnh Dương. Với sự yểm trợ của trọng pháo từ tàu chiến ngoài khơi, một lực lượng trên 5.000 quân Pháp đủ các quân binh chủng đã tiến vào càn quét toàn bộ khu vực.
Xa hơn, tháng Tư năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh đã đi thuyền ra đóng ở vũng Chu Mãi (tức Vịnh Chân Mây) để đại binh tiến đánh quân Tây Sơn qua cửa Tư Dung (Tư Hiền).
Cảng Chân Mây và những vị trí xung yếu chung quanh. Ảnh: Lê Anh Hùng
Do tầm quan trọng về mặt an ninh quốc phòng của Chân Mây - Lăng Cô đối với Việt Nam như thế nên thật dễ hiểu khi Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, luôn tìm mọi cách để đặt được chân vào vùng đất này.
Ngày 8/10/2015, VOA đã đăng bài “Người Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ởLăng Cô - Thừa Thiên Huế?”, trong đó chúng tôi đã vạch trần âm mưu của tập đoàn Trung Nam Hải khi lập một công ty ma ở Singapore rồi lấy pháp nhân của doanh nghiệp ma này để đầu tư xây dựng một khu du lịch nghỉ dưỡng rộng hàng trăm ha ở đây.
Đặc biệt, mới đây chúng tôi còn phát hiện ra một công ty có bóng dáng của Trung Quốc đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng bến số 3 cảng Chân Mây. Dự án có diện tích 12 ha, tổng mức đầu tư hơn 846 tỷ đồng, chiều dài cầu cảng trong giấy phép là 270m (nhưng chúng tôi tìm hiểu tại thực địa lại lên đến 400m), do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ ngày 26/9/2015, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 9/2018. Đây là hải cảng tổng hợp, cung cấp các dịch vụ hậu cần cảng đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải thủy trọng tải đến 50.000 DWT ra vào bốc dỡ hàng.
Dự án đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng và đóng cọc thử. Ảnh: Lê Anh Hùng
Hào Hưng Huế là công ty con của Công ty TNHH Hào Hưng, một doanh nghiệp có trụ sở ở  Quận 11, Tp Hồ Chí Minh. Điều đáng nói là mặc dù đã lọt vào TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, với hơn hai chục chi nhánh trên khắp cả nước, nhưng thông tin về Hào Hưng lại rất bí ẩn. Người ta chỉ biết đó là một công ty của người Hoa, do một người Hoa là Thang Văn Hoá làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc, với khách hàng chủ yếu là từ Trung Quốc. Tháng 7/2015, một công ty con khác của Hào Hưng là Hào Hưng Quảng Ngãi đã mua một lúc 141 xe đầu kéo và xe tải do Trung Quốc sản xuất. Còn báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 21/10/2015 thì viết rõ Hào Hưng là doanh nghiệp của Trung Quốc.
Không chỉ ở Chân Mây, từ năm 2012, thông qua Công ty TNHH Hào Hưng Quảng Ngãi, Hào Hưng còn đầu tư xây dựng một bến cảng chuyên dùng khác tại Dung Quất, Quảng Ngãi. Dự án với diện tích đất sử dụng khoảng 23ha và tổng vốn đầu tư trên 711,6 tỷ VNĐ này sắp sửa hoàn thành và đi vào hoạt động. Chưa hết, theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Hào Hưng Hải Phòng đã có hệ thống bến bãi riêng ở Hải Phòng, còn Công ty TNHH Hào Hưng Long An thì đang xúc tiến đầu tư xây dựng bến cảng ở Cần Thơ. 
Đầu tư vào hải cảng đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài, lên tới hàng chục năm, và nguy cơ thua lỗ là rất cao. Vì thế, hầu như không một doanh nghiệp tư nhân nào mặn mà với việc đầu tư xây dựng hải cảng, nhất là trong bối cảnh ngân hàng không muốn cho vay do thời gian hoàn vốn quá dài. Việc Hào Hưng đầu tư xây dựng một loạt bến cảng lên đến hàng ngàn tỷ VNĐ như thế quả là một dấu hiệu không bình thường.
Chỉ mới mấy năm trước, Hào Hưng còn quảng cáo trên nhiều trang mạng là nhà cung cấp cát sông và dăm gỗ với tổng số nhân lực vỏn vẹn 5-10 người. Vậy nên, người ta phải dùng từ “thần kỳ” để mô tả tốc độ phát triển nhanh như tên lửa của họ. Không còn nghi ngờ gì, đằng sau sự phát triển đó chắc chắn phải là một thế lực siêu khủng.
Một hoạt động không kém phần nguy hiểm nữa của Hào Hưng là họ đang thuê đất trồng rừng nguyên liệu ở nhiều địa bàn trên cả nước, đặc biệt là tại những vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Chẳng hạn, theo Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 12/10/2015, UBND tỉnh Cà Mau đã cho Hào Hưng thuê hơn 63ha đất tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tức ngay bên bờ biển cực nam của Tổ quốc, trong thời gian 49 năm. Kiểm soát được vị trí đó, Trung Quốc có thể giám sát được mọi động tĩnh của quân đội Việt Nam cả trên đất liền lẫn trên biển ở xung quanh khu vực, đồng thời phối hợp với các dự án kinh tế trá hình khác mà họ đã và đang tìm cách thực hiện tại những vị trí xung yếu như Vĩnh Tân (Bình Thuận), Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Duyên Hải (Trà Vinh), Nhiệt điện Sông HậuNhà máy Lee & Man VN(Hậu Giang), v.v. để tạo thành một chuỗi căn cứ quân sự liên hoàn hòng bao vây và chia cắt Nam Bộ khi hữu sự.
Sống bên cạnh một người hàng xóm to xác, bẩn tính và chưa giờ nguôi tham vọng thôn tính mình từ hàng ngàn năm nay, Việt Nam cần phải luôn đề cao cảnh giác với đủ mọi mưu ma chước quỷ của họ. Vì thế, việc để cho một công ty mang bóng dáng Trung Quốc và đầy bí ẩn như Hào Hưng đầu tư vào những vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng như Chân Mây, Dung Quất, Hải Phòng, Cần Thơ hay Cà Mau… tiềm ẩn những hiểm hoạ vô cùng nguy hại cho tương lai đất nước.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Thursday, September 1, 2016

“Chuyện kể năm 2000” bị thu hồi và tiêu huỷ: âm mưu kim tiền của an ninh Việt Nam?

Lê Anh Hùng | VOA| 31.8.2016




Bùi Ngọc Tấn (1934-2014) là một nhà văn bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Việt Nam. Ông từng bị bắt trong vụ án “Xét lại chống đảng” rồi bị giam giữ dưới hình thức “tập trung cải tạo” từ 1968-1973. Ông đã để lại cho đời một di sản khá lớn, trong đó nổi tiếng nhất là “Chuyện kể năm 2000”, tác phẩm văn chương đương đại hiếm hoi của Việt Nam được dư luận quốc tế chú ý và đã được dịch sang Tiếng Anh, Tiếng Đức và Tiếng Pháp.
Mặc dù đến nay đã có nhiều bài bình luận, đánh giá về tác giả và tác phẩm “Chuyện kể năm 2000”, bản thân tác giả cũng đã cho công bố “Hậu Chuyện kể năm 2000” kể về quá trình thai nghén và xuất bản cuốn sách, song dường như công chúng vẫn chưa biết hết sự thật đằng sau việc tác phẩm bị đình chỉ, thu hồi và tiêu huỷ, một thực tế không có gì là bất thường dưới “thời đại Hồ Chí Minh”. Mới đây, trong cuộc gặp và trò chuyện với ông Lê Hùng, cựu biên tập viên (BTV) NXB Thanh Niên, chúng tôi may mắn được biết thêm nhiều thông tin lý thú.

Trong tác phẩm “Hậu Chuyện kể năm 2000 – Thời biến đổi gien”, tác giả Bùi Ngọc Tấn đã viết về BTV Lê Hùng như sau:
“…Một BTV nữa không dính dáng đến tập bản thảo [Chuyện kể năm 2000] của tôi, nhưng đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Đã đem lại cho tôi biết bao sự động viên và lòng tin yêu cuộc đời. Gặp anh, những người bi quan nhất cũng dễ dàng nhận thấy cuộc đời dù khốn nạn đến đâu cũng vẫn còn những người tốt, những người trung thực, vẫn còn đáng để ta làm một cái gì cho nó. Lê Hùng!
Lê Hùng sôi nổi nhiệt tình! Lê Hùng sôi sục khao khát những tiến bộ, những điều tốt đẹp đến với đất nước với nhân dân, với nghệ thuật, một khát vọng dù đã cố kìm nén nhưng vẫn lộ ra qua từng ánh mắt, từng nét mặt…” [trang 173]
Ông Lê Hùng cho chúng tôi biết, ngày đó cũng như bây giờ, đám sỹ quan an ninh thuộc Cục An ninh Văn hoá Tư tưởng (A25) thỉnh thoảng lại mò đến NXB để dò la tin tức. Họ cứ sà vào uống nước, chuyện trò cà kê dê ngỗng, rồi lân la đến từng người, ra vẻ thân mật hỏi han, tỷ như “Bác khoẻ không? Dạo này bác đang biên tập cuốn gì vậy?” v.v.
“Chuyện kể năm 2000” in vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2000 thì đến ngày 16/3/2000, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định số 395/QÐ-BVHTT, đình chỉ phát hành và thu hồi, tiêu hủy.
Trong “Hậu Chuyện kể năm 2000”, tác giả Bùi Ngọc Tấn cho biết, chiều 2/2/2000 (tức 27 Tết), nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến đã đem 20 bộ sách đến phòng hành chính NXB Thanh Niên để nộp lưu chiểu. Vậy nhưng, không hiểu sao, đến mồng 6 Tết (10/2) nhà thơ hỏi lại thì số sách ấy vẫn còn nằm ở đấy và lúc bấy giờ người ta mới đem đi nộp. Theo quy định, sau thời gian nộp lưu chiểu 7 ngày, tức ngày 17/2, thì sách mới được chính thức phát hành. Tuy nhiên, đến ngày 14/2 thì một cuộc điện thoại từ Cục Xuất bản xuống NXB Thanh Niên đã truyền đạt chỉ thị tạm ngừng phát hành.
Từ cuộc điện thoại ngày 14/2 đó cho đến ngày Thứ trưởng Bộ VHTT Phan Khắc Hải ký quyết định số 395/QÐ-BVHTT kéo dài tới 31 ngày. Vậy trong khoảng thời gian một tháng đó đã diễn ra những gì liên quan đến số phận của một tuyệt tác văn chương Việt Nam hiện đại?
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn thuật lại trong “Hậu Chuyện kể năm 2000”:
“…Cú điện thoại tạm ngừng phát hành là từ Cục Xuất bản. Trung ương Đoàn chưa có ý kiến gì. Bí thư Thứ nhất, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đoàn còn đang đọc. Nhưng chiều hướng rất gay. A25 thì bực lắm. Rất cáu. Họ bảo bạn bè vẫn chơi với nhau mà phản thùng. Hằng Thanh còn nói rõ hơn: Có một ông trung tá – hay thượng tá gì đấy – ở A25 điên lên. Ông ấy vẫn chơi với bọn em. Thì cũng là lợi dụng lẫn nhau thôi. Ông ấy nắm tình hình bên này. Bên này nắm tình hình bên ấy. Ông ấy nói với em: ‘Anh theo dõi lão này hai mươi năm nay, tháng nào cũng về Hải Phòng nắm tình hình, nghe báo cáo. Thế mà để sểnh một cái lão ta in ra quyển này có điên không cơ chứ. Anh kỳ này mất lon vì lão ấy.’…” [trang 240]
Vậy nhưng, có thực là lực lượng an ninh Việt Nam đã không hề hay biết gì về sự ra đời của tác phẩm đặc biệt “nhạy cảm” đó không?
Theo nhà văn Bùi Ngọc Tấn, ông đưa đưa bản thảo “Chuyện kể năm 2000” cho nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến vào tháng 6/1999. Từ đó cho đến khi cuốn sách được in ra là hơn 7 tháng. Trong khoảng thời gian ấy, tác giả thường xuyên đi đi về về giữa Hải Phòng và Hà Nội, thường xuyên gặp gỡ, liên lạc với đủ các thành phần trong giới văn nghệ sỹ mà cơ quan an ninh Việt Nam coi là “có vấn đề về tư tưởng” và dĩ nhiên là luôn theo dõi họ sát sao, ít nhất là điện thoại của họ, chưa kể nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến còn photo bản thảo thành nhiều bản, đưa cho nhiều người và khoe với khá đông bạn bè.
Hãy xem tiếp đoạn sau trong “Hậu Chuyện kể năm 2000”:
“…Cao Giang vui vẻ làm theo ý kiến tôi: - Tôi vẫn làm như anh bảo đấy. Cẩn thận lắm. Thế mà khi bản thảo mới gửi đến tôi được mấy ngày, Trần Đăng Khoa bên quân đội đã sang nằn nì đòi mượn đọc. Chúng tôi nhất định không cho. Không hiểu sao bên ấy đã biết.
Tôi hoảng thật sự. Nghĩ rằng thế này thì việc tôi gửi bản thảo lên chỉ là trò chơi ‘nhằm giải quyết khâu oai’ thôi chứ làm sao mà in được. Khoa biết nghĩa là nhiều người biết. Sáu năm trước, gửi lên dự thi chỗ chị Hoàng Ngọc Hà toàn những người kín mồm kín miệng thế, dặn dò cẩn thận thế mà cũng đến tai công an cơ mà…” [trang 176]
Nghĩa là, việc an ninh Việt Nam không hay biết gì về sự ra đời của tác phẩm “động trời” kia đơn giản là điều không thể xẩy ra, nhất là khi họ đã biết về sự tồn tại của bản thảo tác phẩm từ 6 năm trước. Bản thân tác giả cũng không giấu nổi “băn khoăn” trong “Hậu Chuyện kể năm 2000”:
“…Bây giờ nghĩ lại chuyện vẽ bìa, nhờ hết người này đến người khác ‘cái bìa cho một tập tiểu thuyết hai tập viết về nhà tù của Bùi Ngọc Tấn’ rất cởi mở hồn nhiên như vậy mà không đến tai công an văn hoá thì cũng là rất lạ. Trong khi ấy Đá Vàng của Dũng Hà khá êm ả thì lại bị ngừng in…” [trang 196]
Vậy sự thực thì thế nào?
Theo một nguồn tin thân cận với lãnh đạo NXB Thanh Niên giai đoạn ấy, sau cuộc điện thoại truyền đạt ý chỉ từ Cục Xuất bản, một tay trùm an ninh đã đến gặp lãnh đạo NXB và đặt vấn đề thẳng tưng: “Nếu các ông chồng đủ 3 tỷ VNĐ, chúng tôi sẽ làm lơ vụ này cho các ông.” Lãnh đạo NXB đã từ chối lời đề nghị đó. Họ không chỉ cảm thấy bị xúc phạm bởi cách ứng xử của những kẻ vẫn được cho là chịu trách nhiệm “bảo vệ” nền văn hoá Việt Nam khỏi bị “ô nhiễm”, mà với họ 3 tỷ VNĐ còn là khoản tiền quá lớn vào thời điểm ấy, nhất là đối với một cơ quan đoàn thể như NXB Thanh Niên.  
Ông Lê Hùng là người có mặt trong buổi tiêu huỷ số sách bị thu hồi. Cả thảy hơn 826 bộ. Tất cả bị nghiền thành bột rồi đưa vào ngâm trong bể axít. Đại diện Cục Xuất bản, nhà xuất bản và nhà in lần lượt ký vào từng biên bản của từng công đoạn. Xong xuôi mọi khâu, tất cả những ai liên quan mới được ra về.
Song, thật ngạc nhiên, sau khi “Chuyện kể năm 2000” bị tiêu huỷ, những độc giả háo hức vẫn không khó khi săn tìm sách trên thị trường ngầm, dù với cái giá không rẻ chút nào. Hoá ra, “ai đó” đã tổ chức in lậu hàng loạt tập sách, rồi giao cho bọn trẻ bán sách hay đồ lưu niệm để chúng rao bán trên khắp phố phường Hà Nội. Đám này gần như công khai mời chào khách: “Ông/bà/cô/bác/anh/chị… có muốn mua ‘Chuyện kể…’ không?” Thời gian đầu, giá sách qua kênh “phát hành” này có khi bị hét tới 500.000VNĐ một bộ (2 tập), một mức giá cắt cổ nếu so với giá bìa là 77.000VNĐ/bộ.
Một tác phẩm văn chương với nội dung “động trời”, bị đình chỉ xuất bản, bị thu hồi gắt gao, bị tiêu huỷ theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt chặt chẽ như thế, vậy mà vẫn được một số đối tượng công khai rao bán giữa phố phường Hà Nội, với một số lượng ấn bản dường như không hạn chế. Ai có thể đứng sau vụ này nếu không phải là lực lượng an ninh, đặc biệt là các “chiến sỹ an ninh” trên “mặt trận văn hoá - tư tưởng” của Việt Nam?
Quả vậy, không khó để hình dung đây là một âm mưu sặc mùi kim tiền của lực lượng an ninh Việt Nam: Họ nắm rõ việc “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn đã được NXB Thanh Niên quyết định xuất bản và lên kế hoạch in ấn, phát hành. Tuy nhiên, họ cũng thừa hiểu rằng, nếu ngăn chặn kế hoạch xuất bản này từ trong trứng nước, giống như những gì họ đã làm với Đá Vàng của thiếu tướng/nhà văn Dũng Hà, họ sẽ chẳng thể kiếm được chút xơ múi gì, trong khi họ lại hoàn toàn ý thức được mức độ lôi cuốn cũng như giá trị thương mại của tác phẩm. Vì thế, họ quyết định vờ như không biết gì, im lặng để cho NXB biên tập, lên kế hoạch xuất bản, in ấn, nộp lưu chiểu, quảng bá nội bộ… rồi bất thình lình ách lại ngay trước khi tác phẩm chính thức được phát hành. Lúc này, dù tác phẩm có bị thu hồi hay vẫn tiếp tục được phát hành họ cũng đều được lợi. Nếu NXB đồng ý với điều kiện của họ, chồng đủ 3 tỷ VNĐ cho họ theo phương châm “đôi bên cùng có lợi”, họ sẽ tha hồ chia chác món tiền khủng ấy. Ngược lại, nếu NXB từ chối đề nghị của họ, tác phẩm sẽ bị thu hồi và tiêu huỷ trong bối cảnh nó đã trở thành một cái tên “hot” hơn bao giờ hết, bởi chính họ đã “phong thánh” cho tác giả qua cách hành xử đó. Và với việc cho in lậu hàng loạt rồi “phát hành” qua thị trường chợ đen với mức giá cắt cổ, họ sẽ thu được khoản lợi nhuận kếch xù, thậm chí còn lớn hơn cả con số 3 tỷ VNĐ kia.
Cựu BTV Lê Hùng không giấu nổi xúc động khi kể với chúng tôi: “Chứng kiến cảnh tượng hàng đống sách vô tội, hiện thân của sự thật, của trí tuệ, mồ hôi và nước mắt của tác giả, cũng như công sức, tâm huyết của cả tập thể nhà xuất bản… bị nghiền nát rồi đưa vào bể axít, tôi không sao cầm được nước mắt.”
Thời khắc mà cựu BTV Lê Hùng, một người “sôi sục khao khát những tiến bộ, những điều tốt đẹp đến với đất nước, với nhân dân, với nghệ thuật”, cảm thấy chua xót và đau đớn nhất ấy cũng chính là thời khắc mà một số ông trùm an ninh Việt Nam lại cảm thấy vui sướng và hả hê nhất, bởi cái âm mưu sặc mùi kim tiền kia của họ coi như đã thành công.
Xem ra, với lực lượng mà các nhà lãnh đạo CSVN vẫn ví von là “thanh gươm của đảng” và “phong tặng” cho đủ thứ “danh hiệu” dài ngoằng, thứ lý tưởng và đạo đức thiêng liêng nhất của họ hoá ra lại vô cùng đơn giản: TIỀN. Vì tiền hay bất cứ thứ gì đẻ ra tiền, họ sẵn sàng dẫm đạp lên tất cả.
Chẳng biết là khi ngân khố quốc gia ngày càng rỗng tuếch còn những “con mồi” mang tên “nhân dân” thì ngày một còm cõi và xương xẩu, cái viễn cảnh tất yếu đang tới rất gần, họ có quay sang “làm thịt” những ông chủ mập ú đã đẩy họ vào vòng tội ác hầu “đoái công chuộc tội” và trở về với nhân dân hay không.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA