Lê Anh Hùng | VOA| 28.9.2016
Ngày 21/9 vừa qua, truyền thông Việt Nam đã loan báo một sự kiện hy hữu: lần đầu tiên, ba nhà lãnh đạo chóp bu cộng sản Việt Nam cùng tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương.
Trong một buổi lễ hết sức long trọng, với sự hiện diện của TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực BBT Đinh Thế Huynh, cùng các quan chức lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư và Bộ Công an, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về nhân sự bộ máy ĐCSVN trong Bộ Công an. Đảng uỷ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 16 vị, với Ban Thường vụ Đảng uỷ gồm 7 vị, trong đó có 3 vị lãnh đạo chóp bu là TBT Nguyễn Phú Trọng, CTN Trần Đại Quang và TTg Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là một sự kiện chưa từng có tiền lệ. Và điều này khiến người ta phải đặt câu hỏi là đằng sau nó ẩn chứa những “thông điệp” gì?
Quá trình hình thành của “nhà nước công an trị”
Quá trình hình thành của “nhà nước công an trị”
Ngày 19/8/1945 được coi là ngày thành lập lực lượng công an Việt Nam. Tuy nhiên, khi mới ra đời, lực lượng công an chưa có tên chung, mà nó mang ba cái tên khác nhau ở ba miền: ở Bắc Bộ nó có tên Sở Liêm phóng, ở Trung Bộ mang tên Sở Trinh sát, còn ở Nam Bộ là Quốc gia tự vệ cuộc.
Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 23/SL, hợp nhất ba cơ quan này thành Việt Nam Công an vụ, thuộc quyền quản lý của Bộ Nội vụ. Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NV/NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ, bao gồm 3 cấp: cấp trung ương gọi là Nha Công an Trung ương, cấp kỳ gọi là Sở Công an kỳ, và cấp tỉnh là Ty Công an tỉnh, thành phố.
Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh 141/SL, đổi Nha Công an Trung ương thành Thứ Bộ Công an, trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Tại cuộc họp từ 27–29/8/1953, dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch, Hội đồng Chính phủ đã quyết định đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an.
Từ một cơ quan cấp vụ trực thuộc Bộ Nội vụ, ngày nay Bộ Công an đã trở thành một siêu bộ, với một bộ máy khổng lồ, gồm 6 tổng cục, 12 cục và cơ quan trực thuộc, 2 bộ tư lệnh (cảnh vệ và cảnh sát cơ động), cùng bộ máy công an xuống đến tận cấp thôn xã trên 63 tỉnh thành.
Từ một bộ do một Uỷ viên Trung ương Đảng làm Bộ trưởng, đến nay Bộ Công an do một Uỷ viên Bộ Chính trị làm Bộ trưởng và 3 Uỷ viên Trung ương Đảng làm Thứ trưởng, chưa kể vài ba thứ trưởng không phải là Uỷ viên TW nữa.
Từ một bộ máy không có cấp bậc và đến cuối thập niên 1980 cũng chỉ lèo tèo vài sỹ quan cấp tướng, đến nay lãnh đạo Bộ Công an đã có 5 thượng tướng (1 người sắp trở thành đại tướng) và 1 trung tướng; hầu hết lãnh đạo các tổng cục và cục vụ viện đều là tướng; phần lớn giám đốc công an các tỉnh thành đều đã leo lên cấp tướng; phó phòng, phó trưởng công an quận huyện đã được gắn lon đại tá; quân số toàn bộ lực lượng lên tới hàng trăm ngàn người.
Từ một nền cộng hoà với một bản hiến pháp dân chủ, Việt Nam đã dần “chuyển hoá” thành một nhà nước “đảng trị” kết hợp với “công an trị”, và càng ngày sắc thái “công an trị” càng nổi bật so với gam màu “đảng trị”.
Đại hội XII Đảng CSVN vừa qua ghi dấu một “mốc son chói lọi” trên chặng đường phát triển của lực lượng “công an nhân dân” Việt Nam: trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XII có tới 6 người “trưởng thành” từ ngành công an, nắm giữ những chức vụ then chốt trong bộ máy: Trần Đại Quang, Trương Hoà Bình, Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Hoà Bình. Chưa kể, đương kim Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiêm Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng từng là Đại tá, Giám đốc Công an Nghệ An.
Bộ Công an: chiến trường tranh chấp quyền lực nóng bỏng
Một trong những diễn biến nổi bật tại Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII đầu năm 2016 là sự ra đi của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật suốt một thời gian dài từng được coi là quyền lực nhất Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Dũng từng đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an từ tháng 1/1995 - 8/1996. Sau khi trở thành Thủ tướng vào tháng 6/2006, ông ta được Bộ Chính trị giao phụ trách Đảng uỷ Công an Trung ương trong suốt 2 nhiệm kỳ Thủ tướng, và chính điều đó đã góp phần đặc lực giúp xác lập vị thế quyền lực lấn át thiên hạ của ông ta.
Chỉ vài năm làm Bộ trưởng Công an cũng đủ giúp ông Trần Đại Quang trở thành một thế lực hùng mạnh bậc nhất trên chính trường Việt Nam trước khi ngồi lên chiếc ghế Chủ tịch nước do ông Trương Tấn Sang để lại và đang nắm nhiều cơ hội tiếp quản ngôi vị Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới.
Ý thức được vai trò quan trọng cũng như quyền lực khuynh loát của Bộ Công an trong hệ thống chính trị hiện hành nên trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, Bộ Chính trị đã quyết định không giao vai trò phụ trách Đảng uỷ Công an Trung ương cho riêng một cá nhân nào trong “tứ trụ triều đình”. Thay vì thế, như chúng ta đã thấy, lần đầu tiên 3 nhà lãnh đạo chóp bu, đại diện cho 3 phe nhóm chính trị mạnh nhất Việt Nam hiện nay, đã trở thành 3 uỷ viên đầy quyền lực trong Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương.
Sự kiện này chưa hẳn đã làm giảm vị thế quyền lực của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, bởi ông ta vẫn là Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, vẫn là nhân vật nắm quyền lực tối cao tại Bộ Công an. Điều chắc chắn ở đây là ông ta vẫn tiếp tục là một thế lực mà bất cứ phe phái nào cũng đều muốn tranh thủ, chèo kéo – một nhân tố mà trên thực tế có khả năng quyết định cả cuộc chơi.
Rõ ràng, diễn biến mới nhất trên chính trường Việt Nam là một bước "tiến hoá" tất yếu của một nhà nước "đảng trị" và "công an trị", vừa giúp cho “thanh kiếm của đảng” thêm phần “sắc bén”, vừa biến Bộ Công an thành chiến trường tranh chấp quyền lực nóng bỏng, gay cấn, thậm chí một mất một còn, của các thế lực chính trị đang nắm trong tay quyền quyết định tiến trình đất nước.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.
Rõ ràng, diễn biến mới nhất trên chính trường Việt Nam là một bước "tiến hoá" tất yếu của một nhà nước "đảng trị" và "công an trị", vừa giúp cho "CÁI BÚA THÊM NẶNG, CÁI LIỀM THÊM SẮC."
ReplyDelete