Wednesday, July 27, 2016

Hồ Tràm Strip: hiểm hoạ Trung Quốc trong một đại dự án mờ ám

Lê Anh Hùng | VOA| 27.7.2016


Một siêu dự án mờ ám
Công ty Asian Coast Development Ltd.(ACDL) được thành lập ngày 18/7/2006 tại thành phố Toronto, bang Ontario, Canada và hiện đặt trụ sở tại Vancouver, bang British Columbia.
Ngay sau đấy, ACDL bắt tay vào chuẩn bị các thủ tục cho việc đầu tư xây dựng một dự án nghỉ dưỡng kiêm sòng bài ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Và thật kỳ lạ, một doanh nghiệp mới toe với vài thành viên, vốn liếng chưa sẵn sàng,[i] chưa có bất kỳ hoạt động gì mà chỉ hơn một năm sau, ngày 12/3/2008, ACDL đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một siêu dự án với tổng mức đầu tư cam kết lên tới 4,2 tỷ USD tại Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó. Tổng diện tích dành cho dự án lên tới hơn 162ha, kéo dài hơn 2,2km dọc theo bãi biển Hồ Tràm.

Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án gồm các khu A, B, C, D, E với năm khách sạn năm sao có tổng cộng 9.000 phòng, một trung tâm hội nghị quốc tế, một khách sạn căn hộ, một khu biệt thự cao cấp cho thuê, một sân golf và hai khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài tại khu A và khu B.
Ngày 7/7/2010, tạp chí BCBusiness của Canada cho biết: Theo Tổng GĐ ACDL Lloyd Nathan, ACDL không dính dáng gì với Stanley Ho, vua sòng bài Macao, mặc dù ông ta từ chối bình luận về việc liệu có ai đó trong gia đình Stanley Ho tham gia vào MGM Grand Hồ Tràm hay không. Tạp chí này viết tiếp: “Câu hỏi có lẽ là quan trọng nhất và hầu như bị lãng quên trong âm mưu phức tạp này là: tiền ở đâu ra? Nathan vẫn im lặng về số vốn mà ACDL đã huy động được, chỉ nói rằng giai đoạn thứ nhất – MGM Grand Hồ Tràm 550 phòng 400 triệu USD – đang diễn ra đúng kế hoạch để khai trương vào đầu năm 2013.
Tờ Asian Pacific Post tại Vancouver ngày 28/4/2010 đăng bài “An alliance of the rich, the powerful and the suspicious” (“Liên minh của kẻ giàu, kẻ mạnh và kẻ khả nghi”), trong đó có đoạn: “Một gia đình Á Châu [Stanley Ho] hùng mạnh dính líu đến mafia Trung Quốc, một cựu thủ tướng Canada và một công ty phát triển khu nghỉ dưỡng đến từ Vancouver [ACDL] thì có điểm gì chung? Câu trả lời nằm trên một bãi biển hoang sơ ở Biển Đông vốn một thời là nơi đồn trú của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống cộng sản rồi trở thành bãi tập kết cho các ‘thuyền nhân’ Việt Nam đào thoát khỏi Tổ quốc.”
Tờ The Wall Street Journal ngày 23/5/2008 đưa tin: “Hồ Tràm sẽ là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam từ trước tới nay – đó là khẳng định của Michael Aymong, Chủ tịch ACDL, nhà đầu tư chính của dự án, với 30% cổ phần. Đối tác chính trong dự án là quỹ đầu tư mạo hiểm Harbinger Capital LLC ở New York, với 25% cổ phần.”
Câu hỏi không thể không đặt ra ở đây: 45% cổ phần còn lại trong ACDL là của ai nếu không phải là ai đó trong gia tộc Stanley Ho, nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự tham gia của Philip Falcone, ông chủ của quỹ đầu tư mạo hiểm Harbinger Capital Partners? (Pansy Ho, con gái ông trùm Stanley Ho, có quốc tịch Canada nên có thể thành lập công ty ở đây.)
Tờ Vancouver Sun ngày 10.12.2012 cho biết: Michael Aymong là một doanh nhân Vancouver dính líu đến một loạt công ty đại chúng tai tiếng; ông ta từ chức Chủ tịch ACDL vào tháng 4/2010.
Kể từ khi thành lập đến nay, Hồ Tràm Strip là dự án duy nhất của ACDL; họ không hề có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì ở Canada hay ở nơi khác.
Thiết tưởng không cần phải nhắc lại là chúng tôi cũng đã từng vạch mặt việc Trung Quốc lập công ty ma Silver Shores Ltd. ở California rồi lấy pháp nhân công ty ma ở Mỹ này đầu tư vào dự án khu nghỉ dưỡng và sòng bài rộng 30ha nằm bên bờ biển Đà Nẵng và ngay trước mặt sân bay quân sự Nước Mặn. Chưa hết, các ông chủ Trung Nam Hải còn cho nặn ra công ty ma Cattigara One ở Singapore rồi dùng pháp nhân công ty ma này để đầu tư vào 2 dự án đặc biệt nhạy cảm về an ninh quốc phòng khác là dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối trên đèo Hải Vân và dự án khu nghỉ dưỡng Lập An ở thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế.

Dự án Hồ Tràm Strip cùng các vị trí xung yếu khác ở Nam Bộ mà Trung Quốc đã hoặc đang tìm cách kiểm soát. Ảnh: Lê Anh Hùng
Khu vực dự án Hồ Tràm Strip nhạy cảm như thế nào?
Hồ Tràm chỉ cách trung tâm Sài Gòn – trung tâm kinh tế, chính trị và văn hoá của Miền Nam – theo đường bộ chừng 120km, nhưng khoảng cách theo đường chim bay thì còn ngắn hơn thế rất nhiều. Đây là địa điểm đổ bộ lý tưởng của đội quân Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam hơn 40 năm trước. Vì thế, xung quanh khu vực này quân Mỹ từng cho gài rất nhiều mìn, và theo cựu Chủ tịch ACDL Michael Aymong thì công việc đầu tiên của họ ở đây chính là rà phá mìn

Người TQ sẽ còn xây dựng nhiều toà pháo đài như thế này dọc theo hơn 2,2km bờ biển án ngữ mặt phía Đông của Sài Gòn. Ảnh: Lê Anh Hùng
Với các căn cứ quân sự trá hình ven biển như dự án Hồ Tràm Strip, Trung Quốc có thể kiểm soát được hoạt động của quân đội Việt Nam cả trên biển lẫn trên đất liền. Các toà nhà với chiều cao hàng chục tầng của dự án Hồ Tràm Strip trở thành những đài quan sát khổng lồ, giúp đối phương theo dõi mọi di biến động quân sự của Việt Nam đến tận Trường Sa cũng như khu vực Sài Gòn. Họ có thể lắp đặt các thiết bị nhằm gây nhiễu loạn hoạt động thông tin liên lạc của hệ thống phòng thủ bờ biển và lực lượng phòng không - không quân.
Khi chiến sự nổ ra, các khu vực xung quanh và thậm chí cả Sài Gòn đứng trước nguy cơ phải phơi mình hứng chịu các đợt ném bom và tấn công bằng hoả tiễn từ lực lượng không quân và tên lửa Trung Quốc trên các căn cứ và chiến hạm ngoài khơi, đặc biệt là nhằm vào các cơ sở quân sự và cơ quan đầu não, trước khi bị tiếp quản bởi lực lượng đổ bộ từ Hồ Tràm ồ ạt đánh lên và lực lượng TQ nằm vùng, hoặc quân đội Campuchia, từ bên kia biên giới Việt - Miên đánh sang.
Nguy cơ này lại càng lớn bởi Trung Quốc đã và đang chiếm lĩnh được rất nhiều vị trí xung yếu dọc theo bờ biển VN để sẵn sàng cho phương án chia cắt VN thành nhiều phần khi hữu sự, trong bối cảnh Campuchia đã trở thành đồng minh công khai của Trung Quốc, còn Viêng Chăn thì đang dần ngả về phía Bắc Kinh. Hiện người Tàu cùng các “dự án” của họ đã hiện diện nhan nhản ở cả Lào lẫn Campuchia, đặc biệt là dọc theo tuyến biên giới với Việt Nam.
Sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ
Giống như những dự án Trung Quốc trá hình khác, trong dự án Hồ Tràm Strip, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ sự ủng hộ đặc biệt khi xuất hiện trong ít nhất là hai diễn biến quan trọng.
Đầu tháng 3/2008, trước khi dự án được trao chứng nhận đầu tư, ông ta đã dành cho các nhà đầu tư ACDL một cuộc tiếp đón trọng thị.
Tháng 4/2012, đích thân ngài Thủ tướng đã chỉ đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh giấy phép đầu tư để ACDL đưa sòng bài tại khu A1 đi vào hoạt động, mặc dù nhà đầu tư không thực hiện đúng như cam kết ban đầu, liên tục điều chỉnh nhiều lần và các công trình thì chưa hoàn thiện.
Ngài Thủ tướng mà rất nhiều người ca ngợi là “chống Trung Quốc” này cũng dành cho Formosa Hà Tĩnh một tình cảm đặc biệt: đồng ý với mọi quyết định của Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải liên quan đến việc cho ra đời một “tiểu quốc” của Đại Hán trên đất Việt Nam; bảo lưu thời hạn cho Formosa Hà Tĩnh thuê đất 70 năm, thay vì 50 năm theo luật định; xuất 300 tỷ VNĐ từ ngân sách quốc gia để xây nhà cho công nhân Trung Quốc; hay thậm chí thân chinh đến dự lễ khánh thành của một tổ máy trong nhà máy nhiệt điệt Formosa, v.v.
Với dự án Silver Shores ở Đà Nẵng thì ông Nguyễn Tấn Dũng đích thân chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét để nhà đầu tư “made in Trung Nam Hải” này mở rộng thêm bàn chia bài. Dự án Bauxite Tây Nguyên cũng là một minh chứng thuyết phục nữa cho tinh thần “quyết liệt chống TQ” của ông  ta.[ii]
Người Trung Quốc đã công khai xuất hiện hay chưa?
Harbinger Capital Partners của tỷ phú Mỹ Philip Falcone là một quỹ đầu tư mạo hiểm, với một nhúm người, chứ không phải là một công ty chuyên hoạt động trong ngành du lịch giải trí - nghỉ dưỡng. Ông ta có thể rút khỏi dự án Hồ Tràm Strip bất cứ lúc nào để chuyển giao cho gia tộc Stanley Ho, người từng hợp tác với nhà cầm quyền Bắc Kinh và là Ủy viên Thường trực Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc khoá IX.

“Treo cờ America & Canada, bán thịt China.” Ảnh: Lê Anh Hùng
Khi dự án đi vào hoạt động bình thường, tỷ suất lợi nhuận không còn tăng giảm đột biến nữa, Falcone sẽ bị thôi thúc để rút vốn và tìm đến những dự án mạo hiểm nhưng đầy hứa hẹn khác. Ông ta cũng có thể tiếp tục ở lại làm “bình phong” cho nhà Stanley Ho, như thoả thuận tiền đầu tư của họ, miễn sao có lợi là được. (Bản thân Falcone hiện đang bị Uỷ ban Chứng khoán và Hối đoái [SEC] Mỹ cấm tham giahoạt động chứng khoán 5 năm, từ 2013 đến 2018, kèm theo khoản phạt 18 triệu USD vì những khuất tất trong việc điều hành Harbinger Capital Partners.)
Thậm chí, người Trung Quốc đã công khai xuất hiện ngay khi Harbinger Capital Partners vẫn còn hiện diện trong dự án Hồ Tràm Strip. Trong một thông cáo báo chí vào tháng 7/2014, ACDL đã loan báo việc NewCity Capital LLC trở thành đối tác tài chính mới của dự án. Ông chủ của hãng đầu tư cổ phiểu tư nhân NewCity Capital LLC là Chien Lee, một người Mỹ gốc Hoa có hàng loạt cơ sở kinh doanh ở Macao (Trung Quốc).
Trung Quốc mà không nham hiểm, quỷ quyệt thì họ không còn là chính họ. Điều đó không có gì là đáng ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là cả một bộ máy an ninh khổng lồ ở Việt Nam lại không nhìn thấy những âm mưu thâm độc của Bắc Kinh trên khắp dải đất hình chữ S, mà chỉ nhăm nhăm thẳng tay đàn áp bà con dân oan, những nạn nhân bị đẩy vào đường cùng buộc phải vùng lên đòi quyền sống, cũng như giới đấu tranh dân chủ, những người sẵn sàng hy sinh tất cả vì tương lai đất nước.
_____________
Ghi chú:
[i] Ngày 6/10/2008, tức hơn 7 tháng sau khi được trao chứng nhận đầu tư, Reuters đưa tin là ACDL hy vọng sẽ thu được 1 tỷ USD khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở thị trường Hồng Kông trong 2 năm tới. Ngày 22/11/2008, Michael Aymong cho Bloomberg News biết là họ sắp đạt được khoản vay 780 triệu USD cho dự án. Hai kế hoạch này cuối cùng đều không diễn ra.
[ii] Từ năm 2008 đến nay, ông Nguyễn Tấn Dũng bị tố cáo là tay sai ngoan ngoãn dưới sự điều khiển của Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải cũng như Bắc Kinh. Dù 8 năm đã trôi qua nhưng vụ tố cáo đặc biệt nghiêm trọng đó vẫn chưa được nhà chức trách Việt Nam giải quyết đúng pháp luật. Ông Hoàng Trung Hải nay đã trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô.

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA

Sunday, July 24, 2016

Vì sao Trung Quốc lại sốt sắng với Dự án Nhiệt điện Kiên Lương?

Lê Anh Hùng | VOA | 22.7.2016



Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương là một dự án trọng điểm quốc gia về điện trong Quy hoạch điện VI, với tổng công suất 4.400 - 5.200 MW và tổng vốn đầu tư khoảng 6,7 tỷ USD. Dự án được PTT Hoàng Trung Hải giao cho Tập đoàn Tân Tạo (ITACO) qua công văn số 1385/TTg-KTN ngày 25/8/2008 và được xây dựng trên diện tích 265ha thuộc ấp Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Theo kế hoạch ban đầu, Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương gồm 3 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ truyền thống, phát triển theo 3 giai đoạn: Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 công suất 1.200 MW, Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 2 công suất 1.200 - 2.000 MW, Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 3 công suất 2000 MW, trong đó NMNĐ Kiên Lương 1 dự kiến khởi công vào Quý IV năm 2009 và đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào Quý IV năm 2013, tổ máy số 2 vào Quý II năm 2014.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn triển khai, dự án đã bị đình trệ trong bối cảnh các ngân hàng nước ngoài không chấp nhận rót vốn cho dự án do thiếu cả bảo lãnh và cam kết của Chính phủ lẫn hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đến tháng 12/2015, Tổng Cục Năng lượng (Bộ Công thương) và Công ty CP Năng lượng Tân Tạo (TEC), thuộc Tập đoàn Tân Tạo (ITA) mới ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1, chính thức khởi động lại dự án này sau một thời gian trì trệ.
Không lâu sau đó, SinoHydro Corporation, một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc (PowerChina), đã tiếp cận Tập đoàn Tân Tạo (ITA). Và đến ngày 8/3/2016, họ đã có buổi làm việc, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư thực hiện dự án Nhiệt điện Kiên Lương với ban lãnh đạo ITA.
Phía ShinoHydro bày tỏ thiện chí được hợp tác với ITA và sẵn sàng mời thêm các Nhà đầu tư khác từ Trung Quốc để thực hiện dự án đến cùng. Nếu hai bên đạt được các thỏa thuận, Sinohydro sẽ trực tiếp thực hiện các đàm phán và thỏa thuận giữa hai bên để đi đến hợp tác, đầu tư triển khai thực hiện dự án Nhiện điện Kiên Lương sớm nhất. Ông Howay Hoang – P. Tổng Giám đốc đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của SinoHydro chia sẻ: “Sinohydro rất mong muốn được là nhà thầu chính, cùng đứng tên với ITA trong hợp đồng đàm phán mua bán điện vì PowerChina có nhiều kinh nghiệm đàm phán PPA và triển khai các dự án nhiệt điện, thủy điện tại nhiều quốc gia cũng như ở Việt Nam. SinoHydro có đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm vận hành, SinoHydro sẽ sẵn sàng cùng ITA triển khai cũng như vận hành nhà máy”.
Ông Dương Vũ – Trưởng Đại diện của SinoHydro tại Việt Nam mong rằng “Nếu có thể hợp tác, ShinoHydro mong muốn hai bên sẽ nghiên cứu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện sớm hơn so với kế hoạch vì càng kéo dài sẽ càng bất lợi cho quá trình đầu tư”.
Rõ ràng, SinoHydro không chỉ rất muốn tham gia vào dự án mà quan trọng hơn là trở thành một chủ đầu tư của dự án. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao một dự án bị đình trệ từ nhiều năm qua mà khi vừa mới khởi động trở lại, SinoHydro lại tỏ ra sốt sắng làm vậy?
“Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán.” Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã tuyên bố với bàn dân thiên hạ như thế, và trường hợp này cũng không phải ngoại lệ.
Như chúng tôi đã phân tích trong các bài viết trước, hiện nay Trung Quốc đã thiết lập được căn cứ lâu dài tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) và Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam (thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang), sắp sửa thiết lập được căn cứ tại Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) và Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu (thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang).


Giống như 4 căn cứ kia, Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương cũng nằm ở một vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Nếu Trung Quốc đặt chân được lâu dài ở đây thì một khi chiến sự Việt - Trung nổ ra, khu vực Miền Tây Nam Bộ sẽ rơi vào tình cảnh hết sức nguy ngập do bị địch từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, từ biên giới Campuchia đánh sang (lực lượng Trung Quốc nằm vùng hoặc quân đội của một Campuchia mưu toan đòi lại Nam Bộ).  Cùng lúc, Việt Nam sẽ bị chia cắt thành nhiều phần tại những căn cứ trá hình dọc theo bờ biển Việt Nam như ở Vĩnh Tân(Bình Thuận), Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Cửa Việt (Quảng Trị), Vũng Áng (Hà Tĩnh)… trong khi phải lo chống đỡ hàng loạt cuộc tấn công từ cửa ngõ biên giới phía bắc vốn đã được mở toang bằng các tuyến xa lộ cao tốc hiện đại.
Ngoài ra, sự tập trung nhiều dự án nhiệt điện tại một địa điểm nhạy cảm về môi trường cùng với công nghệ “trứ danh” của Trung Quốc cũng cho phép họ dễ bề gây ô nhiễm trên diện rộng nhằm mục đích vừa phá hoại về kinh tế, vừa làm thui chột nòi giống Việt như họ đã và đang làm ở Vũng Áng với dự án Formosa Hà Tĩnh.
Xem ra, người Trung Quốc không quan tâm đến Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương thì mới là lạ.

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 

Lê Anh Hùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA

Thursday, July 21, 2016

Thư ngỏ gửi Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng Nguyễn Phú Trọng

Lê Anh Hùng | VNTB| 22.7.2016



Kính thưa ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ĐCSVN kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng!
Tôi là Lê Anh Hùng, một công dân Việt Nam đang sinh sống ở Hà Nội và là một người thường xuyên quan tâm đến hiện tình và tương lai đất nước.
Trước hết, tôi xin được gửi tới ông lời chào kính trọng.

Thưa ông! Thời gian gần đây, dư luận tỏ ra rất phấn chấn và đồng tình với những động thái thể hiện tinh thần trách nhiệm và thái độ cương quyết của ông trong công cuộc phòng chống tham nhũng nói riêng và tái lập trật tự, kỷ cương trong xã hội nói chung. Cụ thể, ngày 9/6/2016 vừa qua, ông đã chỉ đạo kiểm tra, kết luận vụ xe tư nhân gắn biển xanh ở Hậu Giang cũng như những “di sản” của vị Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh; và đến ngày 30/6, ông lại chỉ đạo khẩn trương điều tra và đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.
Sau hơn 4 năm tiếp nhận trọng trách từ người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, nếu không tính những phiên họp ề à của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng do ông chủ trì thì dường như chỉ rất gần đây công chúng mới chợt nhận ra là có một Nguyễn Phú Trọng trong vai trò đứng đầu cái cơ quan trọng yếu ấy.
Điều này cũng có nghĩa là ông chừng như đã ngủ quên trên chiếc ghế quan trọng đó suốt ngần ấy thời gian, và nếu cần quy trách nhiệm cho ai đấy về tình trạng tham nhũng tiêu cực ngày càng diễn ra tràn lan và trắng trợn trong xã hội nhiều năm qua thì rõ ràng ông chính là người phải bị hạch tội đầu tiên. Bất kể điều đó có xẩy ra hay không, việc ông khẩn trương lên tiếng và hành động hòng vớt vát uy tín cho cả cá nhân ông lẫn Đảng CSVN trong bối cảnh hiện nay cũng là điều hết sức cần thiết.
Thưa ông! Theo cách nói của các chuyên gia trong bộ máy tuyên truyền của Đảng CSVN, những vụ việc mà ông đích thân chỉ đạo vừa qua xem ra là vừa “đúng” vừa “trúng”. Tuy nhiên, nếu xét về mức độ trắng trợn thì vụ việc mà tôi dẫn ra dưới đây và rất muốn ông chỉ đạo giải quyết xem ra còn ghê gớm hơn cả 2 vụ việc nêu trên. Đó là vụ một công ty chuyên kinh doanh mực in ở Malaysia được giao thực hiện một dự án khổng lồ thuộc lĩnh vực… nhiệt điện.
Ngày 15/4/2016, trang mạng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đăng bài “Chuyện chỉ có ở VN: Dự án nhiệt điện hàng tỷ USD được giao cho một công ty chuyêndoanh…mực in!!!”. Bài báo cho biết là tập đoàn Toyo Ink của Malaysia sắp sửa triển khai dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 theo hình thức BOT, sau khi đã thoả thuận xong các điều khoản và ký tắt hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh Hậu Giang.


Ảnh: Lê Anh Hùng
Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong số các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nhiệt điện, với công suất 2.000MW cùng tổng mức đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điểm khác thường của nó lại không phải nằm ở quy mô, mà là ở chỗ: Toyo Ink là một doanh nghiệp xưa nay chỉ chuyên sản xuất và kinh doanh... mực in, vật liệu in và phẩm màu. Suốt 37 năm kể từ khi ra đời, tập đoàn có giá trị thị trường chưa đầy 17 triệu USD và doanh thu hàng năm vỏn vẹn chừng 20 triệu USD này chưa hề có bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào liên quan đến ngành điện và đặc biệt là nhiệt điện.
Chưa hết, theo báo cáo thường niên năm 2015 của Toyo Ink, đến ngày 31/3/2015, các khoản chi luỹ kế của họ cho Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 đã lên tới 150.776.159RM, tương đương 37.694.040USD. Trong khi đó, khoản chi công khai đáng kể nhất của họ ở Việt Nam đến thời điểm ấy là tạm ứng cho Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 để lập báo cáo nghiên cứu khả thi, mà khoản này cũng chỉ chiếm một phần trong tổng giá trị 1.836.750USD của hợp đồng tư vấn. (Xin lưu ý thêm là năm 2008, khi vừa mới đặt chân đến Việt Nam, Toyo Ink đã bỏ ra tới 7.044.304USD để tìm kiếm dự án, trong khi những khoản chi hợp lệ giai đoạn này lẽ ra chỉ là công tác phí và tiếp khách, tức là chưa thể hết phần lẻ của con số hơn 7 triệu USD đó.)
Như vậy, có thể khẳng định, phần lớn số tiền gần 38 triệu USD nói trên là những khoản mà Toyo Ink đã hối lộ cho các quan chức từ trung ương đến địa phương để được trao cho dự án béo bở và mờ ám đó.
Là một công ty đại chúng nên toàn bộ số liệu tài chính của Toyo Ink từ năm 2004 đến nay được công bố công khai trên trang trang I3investor, ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận và kiểm tra.
Thưa ông! Điều 28 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định: (1) Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; và (2) Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Vì vậy, qua bức thư ngỏ này, tôi trân trọng kiến nghị ông, với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, yêu cầu tạm dừng dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2, đồng thời chỉ đạo điều tra, đưa ra ánh sáng những khuất tất, tiêu cực của nhóm lợi ích đứng đằng sau một dự án không chỉ đầy tai tiếng mà còn tiềm ẩn những hệ luỵ vô cùng tai hại về an ninh quốc phòng. Chắc chắn, dự án này mới chỉ là phần nổi nhỏ xíu của tảng băng sai phạm khổng lồ mà nhóm lợi ích kia là chính danh thủ phạm.
Kính chúc ông luôn dồi dào sức khoẻ và hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Trân trọng!
Hà Nội, ngày 20/7/2016
Lê Anh Hùng


Sunday, July 17, 2016

Thử xét đoán tính cách con người qua nét chữ của ngài Tổng Bí thư

Lê Anh Hùng | Việt Nam Thời Báo | 18.7.2016


Người xưa vẫn có câu “nét chữ, nét người”. Tôi thì không biết gì về thư pháp, và cũng chẳng có chút kinh nghiệm nào về chuyện xét đoán tính cách con người qua nét chữ. Thế nhưng, không hiểu sao lần này, tình cờ bắt gặp bút tích của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi lại cứ muốn thử làm “thầy bói” một lần xem sao.
Đây là bức ảnh chụp lưu bút của ngài Tổng Bí thư tại lễ viếng và truy điệu 9 quân nhân phi hành đoàn Casa 212 hy sinh khi đang bay tìm kiếm máy bay Su30MK2 ở Hà Nội hôm 30/6 vừa qua:


Ảnh: VietNamNet
Và dưới đây là một vài nhận định chủ quan về tính cách con người qua nét chữ của tác giả bản lưu bút.
Thứ nhất, nét chữ trong lưu bút vừa đẹp, vừa đều, vừa ngay ngắn, cho thấy tác giả là một con người chỉn chu, tròn trịa, ưa hình thức, và… không nhiều cá tính.
Thứ hai, trong hai tên địa danh là “Hà Nội” và “Việt Nam”, tác giả chỉ viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất là ‘Hà’ và ‘Việt’, hai chữ đầu âm tiết cuối lại viết thường. Đây là quy tắc chính tả quen thuộc thời ông Nguyễn Phú Trọng còn ngồi trên ghế nhà trường, vốn bắt đầu từ khi chữ quốc ngữ được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Lý do là vì chữ quốc ngữ ra đời từ các ký tự Latin, nên ban đầu các âm tiết trong tên địa danh thường được viết liền nhau và nối với nhau bằng một gạch ngang ở giữa, chẳng hạn như “Việt-nam” hay “Hà-nội”. Theo cách viết đó, chỉ chữ cái đầu của tên địa danh là được viết hoa. Dần dà, theo đà Việt hoá ngày càng sâu sắc, người ta bỏ gạch nối ở giữa để tách các âm tiết trong tên địa danh ra, nhưng vẫn chỉ viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất, chẳng hạn như “Việt nam” hay “Hà nội”.
Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1990 về sau, người ta lại quy ước là các âm tiết trong tên địa danh đều được viết hoa chữ cái đầu, tức là “Việt Nam” thay vì “Việt nam” như trước. Ông Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, trở thành nhà báo chuyên nghiệp, không ngừng thăng tiến trong sự nghiệp cầm bút, trước khi trở thành nhà lý luận số 1 của Đảng CSVN, Chủ tịch Quốc hội rồi Tổng Bí thư. Nghĩa là, hàng chục năm qua ông hoặc là suốt ngày ngồi viết lách, hoặc là luôn tiếp xúc với đủ mọi thứ ấn phẩm: báo chí, báo cáo, văn kiện, cương lĩnh, quyết định, nghị quyết, v.v.
Hơn 1/4 thế kỷ qua, những tên địa danh như “Hà Nội” hay “Việt Nam” khi xuất hiện trước mắt ông đều được viết hoa các chữ đầu âm tiết. Tuy nhiên, ngần ấy thời gian vẫn chưa đủ khiến ông phải thay đổi thói quen chỉ viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong tên địa danh. Lối viết này còn thể hiện rõ khi ông viết “Đảng cộng sản” và “Ban chấp hành” thay vì lẽ ra phải là “Đảng Cộng sản” và “Ban Chấp hành” như quy tắc thông dụng hiện nay.
Điều đó cho thấy, ngài Tổng Bí thư của chúng ta là một người rất bảo thủ, cứng nhắc, cũ kỹ, theo lối mòn. Tính cách này rõ ràng là không phù hợp với vai trò lãnh đạo quốc gia trong một thời kỳ mà đất nước phải đối mặt với vô vàn biến động phức tạp và khó lường, cả bên trong lẫn bên ngoài, đòi hỏi tinh thần đổi mới cũng như phong cách quyết đoán của nhà lãnh đạo như hiện nay.
Thứ ba, trong khi những danh từ như “Việt Nam” hay “Hà Nội” ông viết thành “Việt nam” và “Hà Nội” thì danh từ “Tổ quốc” ông lại viết thành “Tổ Quốc”, tức là viết hoa cả 2 ký tự đầu tiên của 2 âm tiết, chứ không như theo quy tắc phải là “Tổ quốc”. Điều này rõ ràng là thể hiện tính cách tuỳ tiện, bất nhất của tác giả. Với một nhà lãnh đạo quốc gia, dẫn dắt cả một dân tộc đến 90 triệu dân, tính cách này quả là tiềm ẩn nhiều hệ luỵ tai hại.
Thứ tư, trước kia người ta chỉ viết hoa chữ đầu tiên trong tên chức vụ, chẳng hạn như “Tổng bí thư” hay “Bí thư”, tương tự như cách ông Trọng viết “Đảng cộng sản” hay “Ban chấp hành” ở trên. Về sau người ta mới chuyển sang viết “Tổng Bí thư”, thay vì “Tổng bí thư” như trước. Thậm chí năm 1998, Văn phòng Chính phủ còn ban hành một quyết định về quy tắc viết hoa. Và chưa bao giờ tên chức danh lại được viết hoa tất cả các chữ đầu âm tiết, chẳng hạn như “Tổng Bí Thư”.
Vậy nhưng, trong lưu bút của mình, ngài TBT lại nắn nót viết hoa tất cả các chữ đầu âm tiết của hai tên chức danh là “Tổng Bí Thư” và “Bí Thư” [Quân uỷ Trung ương] ở cuối bản lưu bút. Điều này cho thấy tác giả là người có ý thức rất cao về vai trò của bản thân. Thậm chí có thể nói, những chức vị tối cao đó đối với ông dường như là một nỗi đam mê, một sự tôn sùng, và được ông dành cho một tình yêu đặc biệt. Phải chăng là để đạt được tham vọng quyền lực cháy bỏng đó, khi còn là Chủ tịch Quốc hội, ông đã không ngần ngại phát ra những câu như “Tình hình Biển Đông không có gì mới (!)” hòng “ghi điểm” với Bắc Kinh, mặc cho công chúng bêu riếu và sục sôi tức giận?
Hiểu được tâm lý chuộng hình thức, tự tôn, ưa thích cảm giác thấy mình là quan trọng của vị quốc khách phương Nam, nên trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 7 - 10/4/2015, các ông chủ Trung Nam Hải đã dành người đứng đầu Đảng CSVN những nghi lễ đón tiếp đặc biệt long trọng, hoành tráng, mà tiêu biểu là loạt 21 phát đại bác chào mừng. Và kết quả của chuyến thăm này là một bản Tuyên bố chung Trung - Việt với vô số lợi thế cho Trung Quốc và đẩy hết những nguy cơ tiềm tàng về phía Việt Nam. Ngoài ra, tâm lý đó cũng bộc lộ khi ông hoan hỉ nói về chuyến thăm Anh đầu năm 2013: “Mình phải như thế nào thì người ta mới mời chứ” (!).
Với tính cách như phân tích trên đây, dĩ nhiên ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tìm mọi cách để kéo dài thời gian lãnh đạo quốc gia của mình càng lâu càng tốt, bất chấp thực tế ông là một gánh nặng lớn cho chính dân tộc đã sinh thành ra ông hay việc ông từng cao giọng lên án những kẻ có “tham vọng quyền lực”.
Vậy những ngày tháng cuối cùng của ông trên cương vị Tổng Bí thư liệu có đem lại chút hy vọng nào cho đất nước hay không? Xin thưa là có, dù nhiều ít thì còn phải chờ thời gian trả lời. Với tính cách chỉn chu, ý thức cao độ về bản thân, cộng với những tai tiếng về những hậu quả nặng nề mà ông đã gây ra cho đất nước và (dường như) càng ngày ông càng nhận thức được đầy đủ, ngài TBT hẳn rất muốn làm điều gì đó hầu để lại một hình ảnh tích cực trong lịch sử.
Bất luận thế nào, không ai khác mà chính ông mới là người tự đóng khung hình ảnh của mình trong lịch sử. Ông vẫn còn cơ hội, nhưng thời gian thì không còn nhiều nữa.

Tuesday, July 12, 2016

Thêm một âm mưu hiểm độc của tình báo Hoa Nam ở Hà Nội?

Lê Anh Hùng | VOA| 13.7.2016



Vụ sai phạm ở toà nhà số 8B Lê Trực của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển Kinh Đô (Kinh Do TCI Group) đã khiến báo chí tốn rất nhiều giấy mực. Với chiều cao 69m, vượt quá 16m (tương đương 5 tầng) so với giấy phép xây dựng, toà nhà mang tên Discovery Complex II cao gần gấp đôi lăng Hồ Chí Minh và sừng sững như một toà tháp canh khổng lồ nhòm xuống khu trung tâm đầu não Ba Đình, có thể giám sát mọi động tĩnh xung quanh khu vực đặc biệt nhạy cảm về an ninh chính trị này.

Mặc dù vụ việc bắt đầu được báo chí nêu lên 10 tháng trước, Bộ Xây dựng thì đã chính thức kiến nghị Thủ tướng xử lý nghiêm vụ việc được 9 tháng, và gần 8 tháng đã trôi qua kể từ thời điểm việc xử lý sai phạm bắt đầu diễn ra, nhưng toà tháp canh đó vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 30/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ lại một lần nữa phải lên tiếng: “Hà Nội có nghiêm túc ‘đập’ nhà 8B Lê Trực không, hay vẫn cứ để trơ trơ như thế?”

Toà nhà 8B Lê Trực vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” sau 8 tháng bị “xử lý”.
Không phải ngẫu nhiên mà chủ đầu tư dự án tại địa chỉ 8B Lê Trực lại dám ngang nhiên thách thức cả công chúng lẫn hệ thống công quyền như thế: Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải, người phê duyệt dự án trong vai trò Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô, nay đã trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Đây không phải là dự án duy nhất nhạy cảm về an ninh của Kinh Do TCI Group, mà tập đoàn đầy mờ ám này còn ít nhất 2 dự án đặc biệt nhạy cảm về an ninh khác trên địa bàn thủ đô.
Dự án thứ nhất là Capital Garden tại ngõ 102 Trường Chinh, bao gồm 2 tòa tháp với khu trung tâm thương mại là khối đế 2 tầng, khu căn hộ chung cư cao cấp từ tầng 3 đến tầng 25; diện tích lô đất của dự án là 5.065m2. Dự án thứ hai là Hoàng Quốc Việt Towers, gồm 2 tòa tháp, trong đó tòa tháp văn phòng cao 46 tầng và tòa tháp chung cư cao 50 tầng với 5 tầng hầm, 5 tầng trung tâm thương mại, 4 tầng cây xanh và tiện ích và 40 tầng căn hộ (theo giới thiệu trên trang web của Kinh Do TCI).
Dự án Hoàng Quốc Việt Towers nằm ở góc đường Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, tức chỉ cách trụ sở mới đồ sộ của Bộ Công an vài trăm mét.
Trong khi đó, dự án Capital Garden sắp sửa hoàn thành và vị trí của nó cũng chỉ cách khu vực Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân vài trăm mét theo đường chim bay.

Vị trí 2 toà tháp Capital Garden và Bộ Tư lệnh PKKQ trên bản đồ.
Nguy hiểm hơn, dự án này lại do một nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Xây dựng Quảng Châu (GMC) làm nhà thầu chính (đơn vị thi công là Cty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình).

Tập đoàn Xây dựng Quảng Châu (Trung Quốc) là nhà thầu chính của Capital Garden. Ảnh chụp từ website của Kinh Do TCI Group.

Dự án Capital Garden sắp hoàn thành.

Hai toà tháp Capital Garden (bên phải) nhìn từ bên trong cổng chính Bộ Tư lệnh PKKQ.
Với chiều cao hơn 115m (25 tầng), 2 toà tháp Capital Garden có chiều cao vượt trội so với các toà nhà khác trong khu vực và có thể giám sát được mọi động tĩnh bên trong Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân. Từ vị trí bao quát với khoảng cách gần như thế, đối phương có thể sử dụng kỹ thuật nghe lén bằng tia laser hoặc các kỹ thuật tinh vi khác để theo dõi các cuộc trao đổi, điện đàm diễn ra bên trong Bộ Tư lệnh PKKQ.
Khi chiến sự xẩy ra, Bộ Tư lệnh PKKQ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà đối phương muốn tiêu diệt, và thật nguy hiểm nếu họ kiểm soát được một toà cao ốc mà từ đó họ có thể hoặc là gây nhiễu hệ thống phòng thủ, thông tin liên lạc, hoặc thậm chí là sử dụng súng phóng tên lửa để tấn công.
Xem ra dự án Capital Garden tại 102 Trường Chinh lại là một chiến tích ngoạn mục khác của đội quân Hoa Nam tình báo ở Hà Nội.
*Ảnh trong bài: Lê Anh Hùng

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.



Nguồn: VOA

Saturday, July 2, 2016

GIẤY TRIỆU TẬP PHI PHÁP LẦN THỨ 4 CỦA CÔNG AN HÀ NỘI

Lê Anh Hùng


Chiều tối hôm qua, ngày 2/7/2016, thiếu tá Nguyễn Thế Thanh, Phòng PA92-CAHN, cùng 1 nhân viên an ninh thành phố và 1 viên thượng uý cảnh sát P. Đại Kim, Q. Hoàng Mai đã đến nhà trao cho tôi giấy triệu tập lần thứ 4, yêu cầu tôi đúng 13h30 ngày 4/7/2016 phải có mặt tại Cơ quan An ninh Điều tra - Công an Hà Nội để “làm việc về các bài viết đăng tải trên mạng Internet”.


Giống như những lần trước, quan điểm của tôi về việc này như sau:
1) Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, công an chỉ được “mời” chứ không được phép “triệu tập” tôi, và ngay cả “giấy mời” cũng không tạo ra nghĩa vụ tôi phải đến để thoã mãn ý chí tuỳ tiện, vô pháp luật của họ.
2) Các bài viết đăng tải trên mạng Internet mà Cơ quan An ninh Điều tra – CAHN đề cập liên quan đến vụ tố cáo của tôi nhằm vào các ông Hoàng Trung Hải, Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh kể từ tháng 4/2008 đến nay.
3) Liên quan đến vụ tố cáo này, tôi đã làm việc với Cơ quan An ninh Điều tra – CAHN 2 lần vào ngày 2/7/2012ngày 6/7/2012. Tôi đã mấy lần đốc thúc họ trả lời về vụ việc nhưng đã gần 4 năm trôi qua mà Công an Hà Nội vẫn im lặng về vụ việc đặc biệt nghiêm trọng đó.
Ngoài ra, ngày 16/9/2013, tôi cũng đã trực tiếp gửi đơn thư tố cáo cho Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, và ông cho tôi biết là đã chuyển đơn thư cho Bộ Công an. Mặc dù tôi đã nhiều lần đốc thúc nhưng ĐBQH Dương Trung Quốc vẫn chưa trả lời tôi về vụ việc, lý do là vì nhà chức trách chưa trả lời ông. (Xem bài “Thư ngỏ gửi ĐBQH Dương Trung Quốc về vụ tố cáo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải” do VOA đăng tải ngày 28/3/2016.)
Như vậy, trách nhiệm của Công an Hà Nội là phải trả lời tôi về vụ tố cáo kia, chứ không có quyền triệu tập tôi một cách phách lối như trên. Vì những lý do nêu trên, tôi từ chối chấp hành "giấy triệu tập" của Cơ quan ANĐT - Công an Hà Nội.
Đây đã là giấy triệu tập lần thứ 4, sau lần thứ nhất vào ngày 16/5, lần thứ 2 ngày 18/5 và lần thứ 3 ngày 24/5/2016. Việc Công an Hà Nội gần đây liên tục khủng bố, sách nhiễu tôi sau 4 năm phớt lờ vụ tố cáo đặc biệt nghiêm trọng kia rõ ràng là liên quan đến việc sau Đại hội XII vừa qua ngài Phó Thủ tướng Hán tặc Hoàng Trung Hải đã ngồi chễm chệ trong ban lãnh đạo tối cao của Đảng CSVN và trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
ĐẢ ĐẢO TÊN GIÁN ĐIỆP HOA NAM KIÊM THÁI THÚ HOÀNG TRUNG HẢI!!!

*Bài liên quan:
  1. Tâm Huyết Thư của các cán bộ đảng viên tố cáo lý lịch người Hán của PTTHoàng Trung Hải (blog Lê Anh Hùng);
  2. Một phó thủ tướng gốc Hoa khai man lý lịch, buôn bán ma tuý (Dân Làm Báo)
  3. Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải mở đường cho giặc tràn vào Việt Nam (Dân Làm Báo)
  4. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và ngành khai khoáng của Việt Nam (VOA)
  5. Báo động: Người Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Quảng Trị (VOA)
  6. Hiểm họa Trung Quốc và bài học từ Tiệp Khắc, Ukraina (VOA)
  7. Lào Cai: ‘Tử huyệt’ của phòng tuyến biên giới phía bắc? (VOA)
  8. Trục đường cửa ngõ chiến lược Móng Cái - Hạ Long sẽ rơi vào vòng kiểmsoát của Trung Quốc? (VOA)
  9. PTT Hoàng Trung Hải - hiểm họa đằng sau những trò mị dân (VOA)
  10. Formosa Hà Tĩnh đã trở thành đặc khu của Trung Quốc? (VOA)
  11. Bauxite Việt Nam đã công khai lên tiếng về vụ PTT Tàu Hoàng Trung Hải (Bauxite Việt Nam)
  12. Thực trạng Việt Nam: Vấn đề và Giải pháp (VOA)
  13. Chính phủ Việt Nam đang ‘dâng’ nền kinh tế nước nhà cho Trung Quốc? (VOA)
  14. Trung Nam Hải đang toan tính gì với con bài Nguyễn Tấn Dũng?
  15. Vì sao TQ cấm làm đường gần biên giới, còn VN lại mở toang cửa ngõ biên giới với TQ? (VOA)
  16. Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm họa mất nước (VOA)
  17. Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối: Mưu đồ thâm độc của Trung Quốc? (VOA)
  18. Ai đã ‘rước’ một Cty Trung Quốc trá hình vào cắm chốt những vị trí hiểm yếu ở Đà Nẵng? (VOA)
  19. Vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn ‘quyết liệt’ ủng hộ Formosa Hà Tĩnh? (VOA)
  20. Hà Tĩnh trước làn sóng ‘Hán hoá’ mới (VOA)
  21. Lực lượng an ninh đã cố bắt Lê Anh Hùng như thế nào? (VOA)
  22. Hiểm hoạ Trung Quốc ở Bình Định (VOA)
  23. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chống Trung Quốc quyết liệt như thế nào? (VOA)
  24. Thư ngỏ gửi ĐBQH Dương Trung Quốc về vụ tố cáo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải(VOA)
  25. Báo động: Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải sắp trở thành căn cứ của Trung Quốc (VOA)
  26. Chuyện chỉ có ở VN: Dự án nhiệt điện hàng tỷ USD được giao cho một công ty chuyên doanh…mực in!!! (VOA)
  27. Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu?(VOA)
  28. Thêm một vụ bắt cóc và cưỡng chế làm việc với công an: luật pháp thời đại HCM (VOA)
  29. Báo động: Người Trung Quốc đã lập căn cứ sát nách Cửa Việt-Quảng Trị (VOA)
  30. Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam: một Formosa Hà Tĩnh mới ở đồng bằng sông CửuLong? (VOA)
  31. Cách mạng dân chủ ở Việt Nam: từ dưới lên hay từ trên xuống? (Bauxite Việt Nam)
  32. Cha con Nguyễn Văn Chi-Nguyễn Xuân Anh và duyên nợ Trung Quốc (VOA)
*Các tài liệu bổ sung khác:
  1. Tập hợp các tư liệu liên quan đến băng đảng Hán tặc Hoàng Trung Hải (Blog Lê Anh Hùng)
  2. Tài liệu tố cáo Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang bán nước (Blog Lê Anh Hùng)
  3. Thư tố cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước lần thứ 75 (Blog Lê Anh Hùng)

Friday, July 1, 2016

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: bắt đầu giảm lệ thuộc vào Trung Quốc?

Lê Anh Hùng | VOA| 2.7.2016



Kể từ năm 2002 đến nay, Việt Nam không chỉ liên tục nhập siêu từ Trung Quốc mà con số nhập siêu còn không ngừng gia tăng về cả giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ tương đối, và hầu như là năm sau cao hơn năm trước. Ngoại lệ duy nhất nằm ngoài xu hướng này là giá trị nhập siêu năm 2009 giảm so với năm 2008, với con số nhập siêu tương ứng là 11,04 tỷ USD và 11,12 tỷ USD – tức là mức giảm cũng chỉ vỏn vẹn 80 triệu USD, tương đương 0,8%.
Ngoài năm 2009 đó ra thì tốc độ gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc hầu như luôn ở mức 2 chữ số (riêng năm 2011 là 6%), thậm chí có hai năm còn ở mức 3 chữ số (năm 2002 là 239,2% và năm 2007 là 118,5%).

Cùng với đà gia tăng của nhập siêu từ Trung Quốc, tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu cũng không ngừng gia tăng, từ mức 9,2% năm 2000 lên đến mức 29,9% năm 2015, chỉ với 2 ngoại lệ là năm 2008 và năm 2011. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2008 giảm xuống còn 19,8% so với mức 20,3% năm 2007; con số tương ứng của năm 2011 là 23% so với 23,6% năm trước đó.
Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa mới công bố thì trong 6 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 9,2 tỷ (tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái), còn giá trị nhập khẩu là 23,3 tỷ USD (giảm 2,9%). Như vậy, giá trị nhập siêu từ Trung Quốc 6 tháng đầu năm nay là 14,1 tỷ USD, giảm tới 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự suy giảm của con số tuyệt đối cũng giúp cho tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu giảm từ mức 29,5% năm 2015 xuống còn 28,9%, tức là thấp hơn cả mức 29,5% của năm 2014, dù đó vẫn là một tỷ lệ quá cao, nếu xét chất lượng và mức độ nguy hại cũng như những rủi ro tiềm tàng về mặt an ninh quốc phòng của các sản phẩm “made in China”.

Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2000 đến 6 tháng đầu năm 2016.
Nguồn: Niên giám Thống kê Việt Nam 2000 - 2015.
Sự biến chuyển đáng ghi nhận này phải chăng bắt nguồn từ việc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi Bộ Chính trị sau Đại hội XII Đảng CSVN tháng 1/2016 cũng như việc ông Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu tiếp quản các lĩnh vực của Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hoàng Trung Hải (người chuyển sang đảm nhiệm trọng trách Bí thư Thành uỷ Hà Nội) từ ngày 5/2/2016 trước khi chính thức thay ông Nguyễn Tấn Dũng trên cương vị Thủ tướng từ ngày 7/4/2016?
Câu trả lời chính xác có lẽ còn phải chờ một thời gian nữa, và hy vọng dấu ấn tích cực mà bộ máy chính phủ hậu Nguyễn Tấn Dũng - Hoàng Trung Hải mới tạo ra sẽ không sớm biến mất.
Bất luận thế nào, kết quả này cũng đem đến cho công chúng niềm tin có cơ sở rằng việc tránh khỏi nguy cơ lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc là hoàn toàn khả dĩ, dù để giải quyết hàng núi “di sản” mà bộ đôi Nguyễn Tấn Dũng - Hoàng Trung Hải để lại là không hề đơn giản, thậm chí còn kéo dài hàng chục năm, khi mà đến 90% dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia được họ “dâng” cho các nhà thầu từ bên kia biên giới một cách vô tư và hào phóng tới mức không thể hiểu nổi.

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA