Friday, July 1, 2016

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: bắt đầu giảm lệ thuộc vào Trung Quốc?

Lê Anh Hùng | VOA| 2.7.2016



Kể từ năm 2002 đến nay, Việt Nam không chỉ liên tục nhập siêu từ Trung Quốc mà con số nhập siêu còn không ngừng gia tăng về cả giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ tương đối, và hầu như là năm sau cao hơn năm trước. Ngoại lệ duy nhất nằm ngoài xu hướng này là giá trị nhập siêu năm 2009 giảm so với năm 2008, với con số nhập siêu tương ứng là 11,04 tỷ USD và 11,12 tỷ USD – tức là mức giảm cũng chỉ vỏn vẹn 80 triệu USD, tương đương 0,8%.
Ngoài năm 2009 đó ra thì tốc độ gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc hầu như luôn ở mức 2 chữ số (riêng năm 2011 là 6%), thậm chí có hai năm còn ở mức 3 chữ số (năm 2002 là 239,2% và năm 2007 là 118,5%).

Cùng với đà gia tăng của nhập siêu từ Trung Quốc, tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu cũng không ngừng gia tăng, từ mức 9,2% năm 2000 lên đến mức 29,9% năm 2015, chỉ với 2 ngoại lệ là năm 2008 và năm 2011. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2008 giảm xuống còn 19,8% so với mức 20,3% năm 2007; con số tương ứng của năm 2011 là 23% so với 23,6% năm trước đó.
Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa mới công bố thì trong 6 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 9,2 tỷ (tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái), còn giá trị nhập khẩu là 23,3 tỷ USD (giảm 2,9%). Như vậy, giá trị nhập siêu từ Trung Quốc 6 tháng đầu năm nay là 14,1 tỷ USD, giảm tới 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự suy giảm của con số tuyệt đối cũng giúp cho tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu giảm từ mức 29,5% năm 2015 xuống còn 28,9%, tức là thấp hơn cả mức 29,5% của năm 2014, dù đó vẫn là một tỷ lệ quá cao, nếu xét chất lượng và mức độ nguy hại cũng như những rủi ro tiềm tàng về mặt an ninh quốc phòng của các sản phẩm “made in China”.

Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2000 đến 6 tháng đầu năm 2016.
Nguồn: Niên giám Thống kê Việt Nam 2000 - 2015.
Sự biến chuyển đáng ghi nhận này phải chăng bắt nguồn từ việc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi Bộ Chính trị sau Đại hội XII Đảng CSVN tháng 1/2016 cũng như việc ông Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu tiếp quản các lĩnh vực của Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hoàng Trung Hải (người chuyển sang đảm nhiệm trọng trách Bí thư Thành uỷ Hà Nội) từ ngày 5/2/2016 trước khi chính thức thay ông Nguyễn Tấn Dũng trên cương vị Thủ tướng từ ngày 7/4/2016?
Câu trả lời chính xác có lẽ còn phải chờ một thời gian nữa, và hy vọng dấu ấn tích cực mà bộ máy chính phủ hậu Nguyễn Tấn Dũng - Hoàng Trung Hải mới tạo ra sẽ không sớm biến mất.
Bất luận thế nào, kết quả này cũng đem đến cho công chúng niềm tin có cơ sở rằng việc tránh khỏi nguy cơ lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc là hoàn toàn khả dĩ, dù để giải quyết hàng núi “di sản” mà bộ đôi Nguyễn Tấn Dũng - Hoàng Trung Hải để lại là không hề đơn giản, thậm chí còn kéo dài hàng chục năm, khi mà đến 90% dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia được họ “dâng” cho các nhà thầu từ bên kia biên giới một cách vô tư và hào phóng tới mức không thể hiểu nổi.

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

No comments:

Post a Comment