Tuesday, June 28, 2016

Cha con Nguyễn Văn Chi - Nguyễn Xuân Anh và duyên nợ Trung Quốc

Lê Anh Hùng | VOA| 28.6.2016




Cụ Lê Hiền Đức là một người tích cực đấu tranh chống tham nhũng và luôn sát cánh cùng bà con dân oan. Cụ là một trong hai người được tổ chức Minh bạch Quốc tế trao Giải thưởng Liêm chính năm 2007. Những việc làm vì dân vì nước của cụ khiến cụ giành được sự kính trọng của rất nhiều người, kể cả giới chức cấp cao trong chính quyền Việt Nam.  
Vậy nhưng, trong cuộc trao đổi qua điện thoại với cụ hôm 18/6 vừa qua, sau câu hỏi bất nhã “Bác có liên quan gì về quyền lợi ở Đà Nẵng không?”, viên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tiếp tục tỏ ra rất hỗn với cụ khi phát ra những câu như “Già rồi biết gì mà ý kiến” hay “Bọn phản động lôi kéo cụ à?”.

Thái độ hỗn xược của viên Bí thư Đà Nẵng đối với một người vừa đáng tuổi bà anh ta vừa được xã hội kính trọng khiến dư luận rất bất bình. Điều này trái ngược với câu phát biểu đi vào lòng người của anh ta mới chỉ cách đấy một tháng là: “Phải làm sao để người dân cảm thấy được tôn trọng và phát biểu ý kiến của mình” (!!!).
Lối hành xử thiếu văn hoá của vị “quan phụ mẫu” trẻ tuổi đứng đầu Đà Nẵng khiến không ít người phải lo âu khi dõi theo những gì đã và đang diễn ra tại thành phố biển chiến lược này.
Vấn nạn Trung Quốc ở Đà Nẵng
Vài hôm trước đó, dư luận đã phẫn nộ trước việc một du khách Trung Quốc ngang nhiên đốt tiền Việt Nam trong một quán bar ở Đà Nẵng rồi thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Vụ việc xẩy ra trong bối cảnh đồng nhân tệ ngày càng được sử dụng làm phương tiện thanh toán công khai ở Đà Nẵng, khiến dư luận phải đặt câu hỏi là phải chăng chính quyền Đà Nẵng đã bị Trung Quốc điều khiển?
Đà Nẵng là địa bàn hết sức quan trọng trong chiến lược phòng thủ quốc gia của Việt Nam. Cả Pháp và Mỹ khi đưa quân sang Việt Nam đều chọn đây làm nơi đổ bộ đầu tiên. Đà Nẵng cũng đã lọt vào đôi mắt cú vọ của người Trung Quốc từ lâu, và họ đã và đang tìm đủ mọi cách để thiết lập căn cứ vững chắc tại đây. Việc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hạ cánh xuống Đà Nẵng ngày 15/11/2006 để mở đầu cho chuyến thăm chính thức Việt Nam hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.
Hiểm hoạ Trung Quốc lớn nhất ở Đà Nẵng hiện nay là Silver Shores Đà Nẵng, một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và sòng bài nằm bên bờ biển và trước mặt sân bay quân sự Nước Mặn, do một công ty ma ở Hồng Kông đội lốt công ty Mỹ đầu tư. Ngoài diện tích dự án rộng tới 30ha, người Trung Quốc thông qua trung gian người Việt còn thâu tóm được hàng trăm lô đất xung quanh khu vực đặc biệt nhạy cảm về an ninh quốc phòng này để kinh doanh đủ thứ dịch vụ. Khách du lịch Trung Quốc kéo sang đây ngày càng nhiều và nườm nượp đổ về khu “Chinatown” mới vốn chỉ chuyên phục vụ người Hoa và từ chối người Việt này.
Đà Nẵng cũng là một trong những tỉnh thành ven biển đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế (đặc biệt là du lịch và ngư nghiệp) và môi trường từ vụ đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Vũng Áng đầu tháng Tư vừa qua. Và giữa lúc cá vẫn tiếp chết la liệt dọc theo bờ biển Miền Trung thì hình ảnh Bí thư Nguyễn Xuân Anh cùng một loạt lãnh đạo thành phố tắm biển tại bãi biển Đà Nẵng sáng 1/5 khiến cộng đồng mạng được một phen bàn tán sôi nổi. Giống như hình ảnh tương phản giữa lời nói và việc làm qua vụ tai tiếng với cụ Lê Hiền Đức nêu trên, hầu hết mọi người đều coi hành động của anh ta là mị dân, thậm chí là vô trách nhiệm trước sức khoẻ và tính mạng của người dân, khi nhà chức trách vẫn chưa làm rõ nguyên nhân thảm hoạ.
Oái oăm thay, cả hai vấn nạn Trung Quốc mà ngài Bí thư trẻ tuổi đang phải đối mặt lại đều liên quan mật thiết đến một người mà thế gian này khó có ai cảm thấy thân thuộc như ông ta: cựu Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi.
Ông Nguyễn Văn Chi đã làm những gì mà để lại món nợ Trung Quốc nặng nề đến vậy cho quý tử của mình?
Che chắn cho trùm tham nhũng Nguyễn Bá Thanh
Sinh thời, cựu Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh là một trùm tham nhũng tại Đà Nẵng. Nhờ sự che chắn hết mình của cái ô khủng Nguyễn Văn Chi nên ông ta mặc sức tung hoành như một chúa tể ở đây. Thậm chí, ông ta còn bất chấp đạo lý đến mức chỉ đạo đưa Thiếu tướng Trần Văn Thanh (nguyên Giám đốc Công an Đà Nẵng) ra toà xét xử ngay cả khi viên tướng đang bị tai biến và có hai bệnh viện xác nhận là không đủ sức khoẻ để tham dự phiên toà vào ngày 20/7/2009. Mặc dù vậy, viên thiếu tướng công an vẫn bị đưa đến toà trên xe cứu thương trong tình trạng hôn mê, thở ô xy và phải truyền dịch, mà lý do là vì ông đã dám chỉ đạo điều tra một vụ tham nhũng liên quan trực tiếp đến ông Nguyễn Bá Thanh.
Cặp bài trùng Nguyễn Văn Chi - Nguyễn Bá Thanh phối hợp với nhau hết sức ăn ý, mà việc Nguyễn Xuân Anh được đưa từ báo Thanh Niên về Đà Nẵng và ngồi lên chiếc ghế Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Tp Đà Nẵng tháng 8/2006, mở đường cho hoạn lộ vô cùng hanh thông của Bí thư Đà Nẵng hiện nay, là một minh chứng điển hình. Chỉ 5 năm sau, Nguyễn Xuân Anh đã trở thành phó chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước dưới trướng ông vua con Nguyễn Bá Thanh.
Và Nguyễn Bá Thanh chính là một trong những thủ phạm đầu têu của hiểm hoạ Trung Quốc mang tên Silver Shores Đà Nẵng. Ông ta đã bất chấp tất cả để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư “made in Trung Nam Hải” này: cho thuê 30ha đất mặt biển ngay trước mặt một sân bay quân sự, với thời hạn lên tới 70 năm, vượt quá 20 năm so với luật định; cho đưa hàng nghìn người từ Trung Quốc sang thực hiện dự án; miễn giảm thuế đến mức tối đa; tác động để các ngân hàng địa phương rót tiền vào dự án...
Nhờ sự “bảo kê” của Nguyễn Bá Thanh mà Silver Shores mặc sức tung hoành ở Đà Nẵng: toàn bộ khâu thiết kế, thi công, giám sát dự án đều do người Trung Quốc đảm trách; người Việt Nam, kể cả báo chí, không được phép bén mảng tới khu vực dự án; các toà nhà toàn được đúc bằng bê tông cốt thép cực kỳ kiên cố, với nhiều tầng hầm dưới mặt đất.
Những vấn đề liên quan đến người Trung Quốc tại Đà Nẵng bắt đầu nở rộ kể từ khi “tiểu quốc” Silver Shores của Đại Hán ra đời ở đây vào năm 2006. Và thảm trạng đó có “dấu ấn” rất rõ nét của ông trùm Nguyễn Văn Chi.
Viết lại báo cáo thẩm tra lý lịch cho một người Hán trá hình
Năm 2001, do có nhiều đơn thư khiếu nại và tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thẩm tra việc khai man lý lịch của ông Hoàng Trung Hải. Ban Tổ chức Trung ương giao cho Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương (BVCTNB) tiến hành thẩm tra và lãnh đạo Ban BVCTNB quyết định thành lập đoàn thẩm tra do ông Nguyễn Bình Giang, Phó ban Thường trực, làm trưởng đoàn.
Sau khi làm việc với Thành uỷ và Công an Hải Phòng, Tỉnh uỷ và Công an Thái Bình, Tổng Cục Chính trị QĐNDVN và một số cơ quan chức năng, Đoàn Thẩm tra của Ban BVCTNB đi đến kết luận: Ông Hoàng Trung Hải là người Hoa vì bố ông ta tên là Sì Sói, sinh ra và lớn lên ở Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc.
Tuy nhiên sau đó, một số lãnh đạo chóp bu đã ép Ban BVCTNB viết lại báo cáo, với nội dung hoàn toàn không đúng bản chất vụ việc. Ông Nguyễn Bình Giang đã khảng khái từ chối yêu cầu đó. Và người đứng ra viết bản báo cáo mới về kết quả thẩm tra lý lịch ông Hoàng Trung Hải chính là ông Nguyễn Văn Chi, bấy giờ là Trưởng ban BVCTNB.
Nhờ thành tích “đổi trắng thay đen” đó, tại Hội nghị Trung ương 7 khoá IX tháng 1/2003, ông Nguyễn Văn Chi được bầu bổ sung vào Ban Bí thư và tiếp quản chiếc ghế Trưởng ban Kiểm tra Trung ương đầy quyền uy.
Và nhờ bản báo cáo do ông Nguyễn Văn Chi chấp bút, ông Hoàng Trung Hải từ chỗ bị nhiều người khiếu nại, tố cáo bỗng chốc trở thành “đảng viên trong sạch” và hoạn lộ của ông ta cứ thế thênh thang. Ông ta trở thành Bộ trưởng Công nghiệp từ tháng 8/2002 ÷ 7/2007, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế từ 8/2007 ÷ 4/2016, lọt vào ban lãnh đạo tối cao Đảng CSVN tại Đại hội XII trước khi trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội từ tháng 2/2016 đến nay.
“Di sản” của ông Hoàng Trung Hải sau 14 năm nắm giữ những chức vụ trọng yếu nhất trong chính phủ cũng sặc sụa mùi Tàu như bản lý lịch của ông ta, mà một trong số đó chính là hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường mang tên Formosa Hà Tĩnh, thủ phạm của đại thảm hoạ môi trường mà quý tử của ông Nguyễn Văn Chi cũng như nhân dân Đà Nẵng đang phải vật lộn đối phó.

Dĩ nhiên, Silver Shores Đà Nẵng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngài Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế. Báo Công an Đà Nẵng ngày 14/1/2010 đưa tin: “Nhân chuyến làm việc tại TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến thăm và kiểm tra tình hình triển khai Dự án Khu Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt 5 sao Silver Shores Hoàng Đạt với vốn đầu tư 86 triệu USD, đang được xây dựng tại bãi biển Bắc Mỹ An thuộc địa bàn P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn...”
Vài lời với ông Nguyễn Xuân Anh
Thưa ông Nguyễn Xuân Anh, các dân oan Cồn Dầu, một “di sản” khác mà ông Nguyễn Bá Thanh để lại cho ông, có thể không có mối “liên quan” rõ rệt nào với cụ Lê Hiền Đức, nhưng việc thân phụ ông xử lý vấn đề Hoàng Trung Hải cũng như việc ông giải quyết các vấn nạn Trung Quốc hiện nay ở Đà Nẵng lại liên quan vô cùng thiết thân đến mọi người dân Việt Nam.
Nếu ở Việt Nam có ai đó phản động theo nghĩa “phản dân, hại nước” như ông muốn nói với cụ Lê Hiền Đức thì ngài cựu Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi chính là một trong số đó. Hơn thế, cha ông không phải phản động một cách khó hình dung, mà đích thị là một trong những kẻ “rước voi về dày mả tổ”. Ông ta đã trở thành một tội đồ của nhân dân, của lịch sử, và không thể làm gì để thay đổi điều đó được nữa. Gánh nặng đó giờ đây được đặt lên vai ông. Ông hoặc là phải trả món nợ cho cha ông một cách sòng phẳng, hoặc là sẽ bị nó nhấn chìm.
Trong trường hợp ông có ý chối bỏ cả trách nhiệm chính trị lẫn nghĩa vụ đạo đức đó thì xin hãy nhớ lấy câu châm ngôn vận rất đúng vào mối duyên nợ giữa cha con ông với Trung Quốc rằng: “Ngày xưa quả báo thì chầy / Ngày nay quả báo thấy ngay nhãn tiền!”

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA

Monday, June 27, 2016

Cách mạng dân chủ ở Việt Nam: từ dưới lên hay từ trên xuống?

Lê Anh Hùng | Bauxite Việt Nam | 27.6.2016




So với cách đây chừng 10 năm, thậm chí 5 năm, lực lượng những người đấu tranh ở Việt Nam hiện nay đã đông hơn rất nhiều, dù cũng phải thừa nhận là chưa thực sự mạnh, chưa đủ sức thách thức chế độ.
Tuy nhiên, trong giới đấu tranh vẫn còn mỏng và khá rời rạc ấy lại đang tồn tại một cuộc tranh luận về cách thức xây dựng chế độ dân chủ ở Việt Nam, và liên quan đến nó là đường hướng phát triển phong trào dân chủ trong giai đoạn bước ngoặt hiện nay. Đó là câu hỏi: thể chế dân chủ ở Việt Nam sẽ ra đời như thế nào?
Từ những hiểu biết khiêm tốn của mình, sau đây chúng tôi xin mạo muội vạch ra các kịch bản về sự ra đời của chính thể dân chủ hậu cộng sản ở Việt Nam.

1. Dân chủ được xây dựng từ dưới lên: chính thể dân chủ lý tưởng
Khái niệm dân chủ – democracy – trong tiếng Anh bắt nguồn từ hai từ Hy Lạp là demos, nghĩa là “nhân dân”, và kratia, nghĩa là quyền lực. Do đó, trong tiếng Anh hay tiếng Hy Lạp, nguyên nghĩa của từ dân chủ là “quyền lực nhân dân”. Trong tiếng Việt, dân chủ được hiểu nôm na là “nhân dân làm chủ”.
Nếu coi chế độ dân chủ như một cấu trúc xã hội thì cấu trúc đó bao gồm các tầng nấc được sắp xếp theo hình kim tự tháp: công dân/cử tri – thôn/xóm – xã/phường – quận/huyện – tỉnh/thành phố – quốc gia. Và như bất cứ một cấu trúc nào, để đảm bảo chế độ dân chủ là một cấu trúc vững chắc, nó phải được xây dựng từ nền móng bên dưới, tức là từ những công dân/cử tri. Đó là quan điểm của những người cho rằng một chính thể dân chủ lý tưởng phải được xây dựng từ dưới lên (bottom-up democracy).
Nếu quan niệm thể chế dân chủ phải được xây dựng từ dưới lên thì đối tượng mà cuộc cách mạng dân chủ hướng đến phải là người dân. Như vậy, các nhà dân chủ cần phát động một phong trào khai mở dân trí: giúp cho người dân hiểu được các quyền con người, quyền dân sự và quyền chính trị cơ bản đã được quy định trong hiến pháp Việt Nam hay các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; khuyến khích người dân tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự; hướng dẫn họ đấu tranh bằng phương pháp hòa bình (bất bạo động) nhằm chống lại tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong xã hội cũng như những điều luật phi lý, bất công trong hệ thống pháp luật…
Khi dân chúng thức tỉnh và liên kết được với nhau thông qua các tổ chức xã hội dân sự, đồng thời biết cách đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, họ sẽ lựa chọn được người đại diện xứng đáng của mình trong bộ máy công quyền, bắt đầu từ cấp thấp nhất là thôn/xóm, cho đến cấp cao nhất là bộ máy chính quyền trung ương. Lúc này, chính những người dân đã giác ngộ chính trị kia sẽ quyết định từ chế độ chính trị của đất nước cho đến các chính sách, quyết sách hàng ngày của bộ máy công quyền thông qua lá phiếu và người đại diện chính trị của mình.
2. Dân chủ được áp đặt từ trên xuống
Dân chủ được áp đặt từ trên xuống là nền dân chủ vận hành theo ý chí chủ quan của thiểu số nắm quyền lực chính trị trong xã hội. Các chế độ cộng sản là những nền dân chủ được áp đặt từ trên xuống, theo ý chí chủ quan của các lãnh tụ cộng sản, cho dù chúng vẫn được gọi một cách mỹ miều là “dân chủ xã hội chủ nghĩa”.
Dân chủ được áp đặt từ trên xuống không phải không thể vận hành, mà thậm chí nhiều khi còn vận hành rất tốt, chẳng hạn như nền dân chủ ở Hồng Kông hay Macao thời thuộc địa.
Ở Việt Nam, chế độ dân chủ có thể được xây dựng từ trên xuống thông qua những kịch bản sau:
2.1. Đảng CSVN ban hành một bản hiến pháp dân chủ trước khi tự phân hoá thành những chính đảng độc lập và cạnh tranh nhau để cầm quyền.
2.2. Đảng CSVN thừa nhận các đảng phái chính trị đối lập, mời họ hiệp thương để đưa ra lộ trình dân chủ hoá đất nước, bắt đầu bằng việc xây dựng một bản hiến pháp dân chủ.
3. Dân chủ được xây dựng vừa từ dưới lên vừa từ trên xuống
Đây là sự kết hợp của hai quá trình song song.
Những người đấu tranh thức tỉnh dân chúng thông qua các hình thức “khai dân trí” và hướng dẫn họ tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự. Dưới sự dẫn dắt của các thủ lĩnh dân chủ, đây là lực lượng nòng cốt của cuộc đấu tranh chống lại những bất công vốn ngày càng lan tràn trong xã hội. Cuộc cách mạng xã hội sẽ bắt đầu khi những cuộc đấu tranh như thế gắn kết với nhau và ngày một lan rộng.
Cách mạng xã hội thường bùng phát từ một ngòi nổ nào đấy, trong bối cảnh tình trạng áp bức và bất công ngày càng chất chứa và dồn nén giống như thùng thuốc súng chỉ còn chờ mồi lửa. Vụ một thanh niên bán hàng rong ở Tunisia tự thiêu vì bị cảnh sát tịch thu xe bán hàng rong sau khi anh từ chối hối lộ đã châm ngòi cho cuộc cách mạng “Mùa Xuân Ả Rập” là một ví dụ điển hình.
Ở Việt Nam, thực trạng kinh tế nhà nước ngấp nghé bờ vực phá sản, với mức nợ công vượt ngưỡng an toàn cùng tình trạng ngân khố rỗng tuếch từ trung ương đến địa phương, việc Trung Quốc không ngừng lấn tới hòng hiện thực hoá cuồng vọng độc chiếm Biển Đông, hay vấn nạn ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng trầm trọng trên khắp cả nước (như đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung vừa qua)… là những ngòi nổ tiềm tàng có sức công phá rất lớn, đủ sức khiến chế độ lung lay.
Đứng trước các cuộc đấu tranh ngày càng rộng rãi và mạnh mẽ của chúng, cộng với sự ruỗng mục và rệu rã từ bên trong hệ thống, nhà cầm quyền cộng sản buộc phải đánh giá tương quan lực lượng để đưa ra quyết sách đối phó. Họ hoặc (3.1) chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với các lực lượng đối lập để hiệp thương và thoả thuận về một lộ trình dân chủ hoá đất nước; hoặc (3.2) tăng cường đàn áp phong trào đấu tranh, dẫn đến đổ máu và sớm muộn gì cũng đẩy đất nước vào cơn cuồng loạn bạo lực.
Nếu phương án (3.1) được lựa chọn, nền dân chủ hậu cộng sản ở Việt Nam sẽ được xây dựng vừa từ dưới lên vừa từ trên xuống. Việc một bộ phận dân chúng bắt đầu thức tỉnh, đòi thực hành quyền dân chủ kèm theo những quyền lợi chính đáng, cộng với việc bản hiến pháp mới sẽ được toàn dân phúc quyết một cách công bằng sẽ đảm bảo tính chất “từ dưới lên” của chính thể dân chủ mới. Trong khi đó, việc (một bộ phận) lãnh đạo Đảng Cộng sản cùng các chính đảng đối lập đồng thuận về một lộ trình dân chủ hoá đất nước, bắt đầu bằng việc xây dựng một bản hiến pháp mới, chính là nhân tố “từ trên xuống” của quá trình hình thành chế độ dân chủ.
Nếu phương án (3.2) diễn ra, đốm lửa ban đầu rất dễ bùng lên thành một cuộc đại hoả hoạn mà nhà cầm quyền khó lòng dập tắt, bởi sự công phẫn tựa như chiếc lò xo bị dồn nén trong dân chúng suốt hàng chục năm trời chỉ còn chờ cơ hội bung ra. Vì vậy, chẳng chóng thì chầy, đất nước cũng bị nhấn chìm trong vòng xoáy bạo lực.
Tuy nhiên, viễn cảnh trên vẫn chưa phải là mối nguy lớn nhất. Hiểm hoạ lớn nhất ở đây là: Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội Việt Nam rơi vào khoảng trống quyền lực khi chế độ cộng sản sụp đổ trong bạo lực để ra tay chiếm nốt phần còn lại ở Trường Sa, đồng thời xua quân vào Việt Nam để ít nhất là đảm bảo một Việt Nam hậu cộng sản không đi theo quỹ đạo của Mỹ và thậm chí biến Việt Nam thành một Tây Tạng hay Tân Cương mới. Đây là mưu đồ mà Bắc Kinh đã toan tính từ rất lâu, thể hiện qua việc họ đã và đang từng bước chiếm lĩnh các vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng thông qua các dự án kinh tế trá hình trên khắp Việt Nam.
Như vậy, chính thể dân chủ hậu cộng sản ở Việt Nam sẽ ra đời một cách tương đối êm thấm nếu thực tiễn chính trị diễn ra theo 4 kịch bản là (1), (2.1), (2.2) và (3.1), đồng thời mọi mầm mống khiến đất nước rơi vào cảnh cuồng loạn bạo lực như kịch bản (3.2) đều bị loại trừ.
4. Lựa chọn kịch bản nào?
Kịch bản (1) gần như sẽ đảm bảo nền chế độ hậu cộng sản ở Việt Nam là một nền dân chủ lý tưởng. Lý do đơn giản là một cấu trúc được xây dựng khoa học và chặt chẽ từ dưới lên sẽ đảm bảo cho nó vận hành thông suốt và bền vững.
Tuy nhiên, kịch bản này lại rất thiếu thực tế, ở chỗ quá trình khai mở dân trí cho hàng chục triệu người và tập cho họ thói quen thực hành dân chủ sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Quan trọng hơn, trước khi khả năng đó trở thành hiện thực, chế độ cộng sản Việt Nam đã sụp đổ từ lâu dưới sức nặng của những sai lầm chồng chất và mang tính hệ thống của nó.
Kịch bản (2.1) và (2.2) cũng khó xẩy ra, bởi hiếm khi giới cầm quyền tự nguyện từ bỏ quyền lực. Cho dù hiện tại và sắp tới Việt Nam sẽ có nhiều đảng phái đối lập, nhưng chỉ sự tồn tại của các đảng phái không thôi mà thiếu các hoạt động đấu tranh hiệu quả, đặc biệt là sự ủng hộ của quần chúng, thì vẫn chưa đủ khiến nhà cầm quyền phải sợ hãi.
Như vậy, kịch bản khả dĩ nhất cho một nền dân chủ hậu cộng sản ở Việt Nam là kịch bản (3.1), khi giới cầm quyền hiểu được điều phải đến sắp sửa xẩy ra và, trước khi các cuộc đấu tranh bắt đầu lan rộng và vượt ra ngoài tầm kiểm soát, họ chủ động ngồi vào bàn đàm phán với các lực lượng đối lập.
5. Kinh nghiệm Myanmar
Có nhiều bài học về các cuộc cách mạng dân chủ trên thế giới mà chúng ta cần học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, trong đó cuộc cách mạng ở Myanmar có lẽ là bài học gần gũi nhất với Việt Nam cả về thời gian, không gian lẫn hoàn cảnh.
Sự chuyển mình ngoạn mục của Myanmar đem đến cho chúng ta ít nhất hai bài học. Thứ nhất, để quá trình chuyển đổi diễn ra êm thấm, Myanmar đã kiên quyết thoát ra khỏi cái bóng của Trung Quốc.[i]Thứ hai, thành công của Myanmar là nhờ sự “đồng thanh tương ứng” từ hai phía: lực lượng đấu tranh dân chủ được lãnh đạo bởi bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, và chính quyền quân phiệt Myanmar được lãnh đạo bởi Tổng thống Thein Sein với sự hậu thuẫn của Thống tướng Thanswe, nhà lãnh đạo tối cao của Myanmar từ 1992 đến 2011.
Đứng trước tình hình nguy nan của đất nước và biết không thể tiếp tục chế độ cai trị độc tài để đẩy đất nước vào vực thẳm, giới lãnh đạo quân sự Myanmar đã quyết định thực hiện “lộ trình cải cách dân chủ 7 bước” từ năm 2003. Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi một mặt bắt đầu hợp tác với chính quyền quân sự từ năm 2011 khi tham gia cuộc bầu cử quốc hội bổ sung vào năm đó, một mặt đảm bảo không trả thù, không truy cứu, không tịch thu tài sản của giới tướng lĩnh.
Với việc Quốc hội Myanmar bầu ông  Htin Kyaw, trợ thủ thân tín của bà Aung San Suu Kyi, làm Tổng thống ngày 15/2/2016, “lộ trình cải cách dân chủ 7 bước” do chính quyền quân sự Myanmar đề ra từ năm 2003 đã kết thúc. Dân chủ là một quá trình. Và dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm để biến Myanmar thành một nền dân chủ hoàn chỉnh và vận hành tốt, nhưng những gì đang diễn ra ở xứ sở chùa vàng đã có thể được coi là hình mẫu của cuộc cách mạng dân chủ vừa từ dưới lên vừa từ trên xuống.
6. Vai trò của giới tinh hoa
Về mặt lý thuyết, một nền dân chủ lý tưởng cần được xây dựng từ dưới lên, với mỗi công dân đóng vai trò một viên gạch dân chủ trong toà nhà dân chủ. Tuy nhiên, đáng tiếc là chúng ta lại thiếu điều kiện lý tưởng để thực hiện điều đó.
Song thật may mắn, bất kỳ xã hội nào cũng tồn tại một nhân tố đủ sức bù đắp cho sự thiếu vắng điều kiện lý tưởng nói trên. Đó là giới tinh hoa trong xã hội. Họ có thể là các thủ lĩnh trong giới đấu tranh dân chủ, các nhân sỹ, trí thức độc lập... hay cũng có thể là những thành phần cấp tiến trong chính cái chế độ sắp bị xoá sổ kia.
Thomas Jefferson, tác giả chính của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 và là vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, từng nhận xét về những đại biểu tham dự hội nghị soạn thảo bản Hiến pháp Mỹ năm 1787: “Đó thực sự là cuộc quần tụ của những người con của thánh thần.” Trên thực tế, họ đã làm nhiều hơn những gì mà họ được uỷ thác và trông đợi. Nếu thiếu những đại diện tiêu biểu cho tầng lớp tinh hoa đó, bản hiến pháp lâu đời nhất của nhân loại, nền tảng cho sự ổn định và phát triển của cường quốc số 1 thế giới, chắc chắn đã không thể ra đời.
Nếu không tính các bản hiến pháp của chế độ Việt Nam Cộng Hoà thì Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp dân chủ nhất trong số 5 bản hiến pháp của Việt Nam kể từ năm 1945 đến nay, dù dĩ nhiên nó vẫn còn không ít khiếm khuyết. Và tương như Hiến pháp Mỹ, Hiến pháp 1946 cũng được thai nghén bởi những người con ưu tú nhất của một dân tộc mà hơn 95% dân số còn mù chữ. Đáng tiếc là nó đã chết yểu trước khi được phúc quyết để trở thành bệ phóng cho cả dân tộc.
Hy vọng sắp tới đây, những thành phần tinh hoa của dân tộc ở cả bên trong lẫn bên ngoài hệ thống sẽ bắt tay với nhau để vạch ra lộ trình dân chủ hoá cho đất nước.
7. Ngăn chặn cơn cuồng loạn bạo lực và hiểm hoạ Trung Quốc
Trong nhiều bài viết trước đây, chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc đang gấp rút hiện thực hoá mưu đồ thôn tính Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới đầu thế kỷ 21: đó là tạo ra nhiều gọng kìm hòng kiềm toả và bóp nghẹt Việt Nam từ mọi phía – biên giới phía bắc, biên giới Lào - Việt, biên giới Campuchia - Việt Nam, Biển Đông và vùng duyên hải Việt Nam.
Kế hoạch thôn tính Việt Nam về mặt quân sự được thực hiện song song với mưu đồ thôn tính Việt Nam về mặt chính trị, kinh tếvăn hoá. Trong trường hợp chế độ cộng sản sụp đổ mà Việt Nam chưa bị “Hán hoá” thông qua chiến lược thôn tính về chính trị, kinh tế và văn hoá, đồng thời để ngăn chặn một Việt Nam hậu cộng sản đi theo quỹ đạo của Mỹ, Bắc Kinh sẽ phát động chiến tranh với Hà Nội cả trên Biển Đông lẫn trên đất liền.
Bốn gọng kìm chính trị - kinh tế - văn hoá - quân sự nhằm vào Việt Nam đều được xây dựng dựa trên một trụ cột chính: các nhân tố Trung Quốc trong ban lãnh đạo Việt Nam. “Nhân tố Trung Quốc” mà chúng tôi muốn nói tới ở đây chính là tân Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải – một người Hán trá hình và là nhân vật gần đây đã được một tác giả độc lập uy tín nhận định là “con bài tủ trong chiến lược Hán hoá Việt Nam” – cùng những kẻ đã bị ông ta và Trung Nam Hải khống chế, thao túng.
Nếu ban lãnh đạo Việt Nam vẫn quyết tâm cố thủ trong cái lô cốt độc tài, buôn dân bán nước như những năm qua thì một trong hai khả năng sau sẽ xẩy ra: (i) trước khi được dân chủ hoá, Việt Nam đã trở thành một Tây Tạng hay Tân Cương mới của Trung Quốc; và (ii) chế độ cộng sản sụp đổ trong cảnh cuồng loạn bạo lực, biến Việt Nam thành miếng mồi ngon cho đội quân xâm lược đến từ phương Bắc.
Con bệnh ung thư CSVN đang bước vào giai đoạn cuối; những ung nhọt của nó như thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh sẽ phát tác ngày càng nhiều, thậm chí dồn dập, và đến lúc mọi nỗ lực cứu vãn của nhà cầm quyền đều vô vọng. Hình ảnh hàng trăm ngàn người dân Việt Nam đổ ra đường chào đón Tổng thống Obama ở Hà Nội ngày 23/5 và đặc biệt là ở Sài Gòn ngày 24/5 thực sự là một cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ của quần chúng để bày tỏ khát vọng tự do - dân chủ.
Như vậy, để kịch bản dân chủ hoá đất nước diễn ra như chúng tôi đã trình bày trên đây, chúng ta cần ngăn chặn cả hai khả năng (i) và (ii) nêu trên. Muốn vậy, chúng ta không còn lựa chọn nào khác là phải ngăn chặn và loại bỏ “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải. Ông ta cùng những kẻ đã bị ông ta và Bắc Kinh khống chế, thao túng không chỉ đã và đang ra sức “Hán hoá” nền chính trị - kinh tế - văn hoá - quốc phòng của Việt Nam, mà còn tìm cách vùi dập bất kỳ mầm mống nào cho một tương lai dân chủ ở Việt Nam.
Lực lượng đấu tranh dân chủ, giới nhân sỹ trí thức, cũng như những thành phần tiến bộ khác trong xã hội, không thể cứ tiếp tục né tránh vấn đề Hoàng Trung Hải, “cha đẻ” của đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường mang tên Formosa Hà Tĩnh và là tác giả của hàng loạt “chiến tích” khác cho Trung Quốc.[ii]Chừng nào ông ta còn ngồi trong Bộ Chính trị, chừng đó Bắc Kinh còn kiểm soát ban lãnh đạo tối cao của Việt Nam, và mọi giải pháp cho một Việt Nam dân chủ đều bị bóp chết từ trong trứng nước. Dưới sự chỉ đạo tinh vi và quyết liệt của ngài Bí thư Thành uỷ, phong trào dân chủ ở Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại.[iii]  
8. Vai trò của Hoa Kỳ
Cùng với sự trỗi dậy của Nga, Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc, việc Hoa Kỳ bị sa lầy trong các cuộc chiến ở Iraq và Afganistan đã khiến họ đánh mất vị thế độc tôn từng giúp họ duy trì trật tự thế giới đơn cực vốn kéo dài hơn một thập niên sau sự sụp đổ của Liên bang Soviet.  
Ý thức được hiểm hoạ Bắc Kinh không chỉ thách thức vị thế siêu cường số 1 thế giới của mình mà còn đe doạ hoà bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới, từ cuối năm 2011, Hoa Kỳ đã bắt đầu triển khai chính sách “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương hầu kiềm toả Trung Quốc ngay trên “sân nhà” của họ. Việt Nam vốn dĩ đã quan trọng trong cuộc đối đầu thế kỷ Mỹ–Trung, lại càng trở nên quan trọng trong bàn cờ thế mà Mỹ đang sắp đặt, càng trở thành đối tượng mà cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều muốn giành giật. Tuy nhiên, trong khi Mỹ chỉ muốn Việt Nam trở thành một đồng minh hùng mạnh và đáng tin cậy như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì Trung Quốc lại không chỉ muốn Việt Nam trở thành một chư hầu bạc nhược mà còn nuôi tham vọng cháy bỏng là biến dải đất hình chữ S này thành một Tây Tạng hay Tân Cương mới hòng dễ bề bành trướng xuống phía Nam, lộ trình khả dĩ nhất để thoả giấc mơ bá chủ thiên hạ của họ.
Chế độ cộng sản ở Việt Nam sớm muộn gì cũng bị thay thế. Đó là quy luật tất yếu. Song điều trớ trêu là không chỉ Trung Quốc mà ngay cả Mỹ cũng không muốn CSVN sụp đổ trước khi bị thay thế.
Trung Quốc không muốn CSVN sụp đổ bởi họ đang dần siết chặt Việt Nam bằng 4 gọng kìm chính trị - kinh tế - văn hoá - quân sự. Trong trường hợp CSVN sụp đổ trước khi Việt Nam trở thành phiên thuộc của Trung Quốc thì họ sẽ phát động chiến tranh với Việt Nam như phần trên chúng tôi đã trình bày. Trung Quốc sẽ gây chiến bởi áp lực của chủ nghĩa dân tộc trong dân chúng, bởi họ không còn cơ hội nào tốt hơn để thôn tính Trường Sa cũng như ngăn chặn Việt Nam đi theo quỹ đạo của Mỹ, và bởi nếu không thế thì họ không còn là chính họ nữa.
Tuy nhiên, các ông chủ Trung Nam Hải lại không muốn kịch bản này xẩy ra, bởi lúc đó họ sẽ gặp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân Việt Nam cũng như phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, với lợi ích sát sườn ở Biển Đông cũng như Việt Nam, Mỹ và đồng minh khó có thể thản nhiên đứng nhìn Trung Quốc “múa gậy vườn hoang”.
Mỹ cũng không muốn kịch bản trên xẩy ra, bởi nếu họ khoanh tay đứng ngoài thì sẽ khó bảo toàn được hình ảnh siêu cường số 1 thế giới, nhất là trong bối cảnh lợi ích thiết thân của mình đang bị đe doạ, nhưng để bị cuốn vào một cuộc chiến với một cường quốc như Trung Quốc dưới hình thức này hay hình thức khác thì họ lại không muốn, trước những hậu quả khó lường của nó.
Lịch sử hàng ngàn năm nay đã cho thấy, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính Việt Nam và tiêu diệt dòng giống Bách Việt cuối cùng chưa bị “Hán hoá”. Vì thế, càng thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam càng có cơ may tồn tại và phát triển trước cuồng vọng bá quyền của người láng giềng phương Bắc.
Không muốn chế độ cộng sản sụp đổ trước khi bị thay thế nên dĩ nhiên Hoa Kỳ sẽ tạo mọi điều kiện để giúp Việt Nam chuyển tiếp sang chế độ dân chủ một cách êm thấm.
Trong bài phát biểu tại Hà Nội hôm 24/5 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã chuyển tới nhân dân Việt Nam một thông điệp đầy ý nghĩa: “Vận mệnh của các bạn nằm trong tay các bạn. Đây là thời khắc của các bạn. Và khi các bạn theo đuổi tương lai mà mình mong muốn, Hoa Kỳ sẽ luôn ở bên các bạn như một đối tác, một người bạn.”
Rõ ràng, cho dù Hoa Kỳ có luôn ủng hộ Việt Nam đi nữa thì trước hết người Việt Nam cũng phải biết tự đứng lên trên đôi chân của mình, nếu không muốn một lần nữa rơi vào tình cảnh bị các nước lớn định đoạt số phận ngay trên lưng mình.
9. Kết luận
Nhiệm vụ cứu nước nhà khỏi âm mưu thôn tính của Trung Quốc và dân chủ hoá đất nước là trách nhiệm chung của mọi người dân Việt Nam, cả trong lẫn ngoài hệ thống hiện hành. Vì vậy, những bước đi cần thực hiện là:
(i) Lực lượng đấu tranh tiếp tục phát triển phong trào dân chủ cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tăng cường mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, đặc biệt là những nạn nhân của chế độ trong tầng lớp công nhân và nông dân.
(ii) Các lực lượng tiến bộ ở cả trong và ngoài bộ máy hợp sức để ngăn chặn, vô hiệu hoá và tiến tới loại trừ hiểm hoạ bắc thuộc mang tên Hoàng Trung Hải.
(iii) Nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng các cam kết nhân quyền mà họ đã ký kết với quốc tế, mở đường cho sự phát triển của xã hội dân sự cũng như các lực lượng chính trị đối lập, tạo ra những nền móng dân chủ thiết yếu cho xã hội hậu cộng sản, trên cơ sở đó thắt chặt và hướng tới mối quan hệ đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ.
(iv) Lãnh đạo CSVN thực tâm bắt tay với giới đấu tranh dân chủ để xây dựng một kịch bản chuyển hoá đất nước giống như những gì đã và đang diễn ra ở Myanmar.
Cỗ máy chiến tranh mang nhãn hiệu Đại Hán đã được tân Tổng tư lệnh Tập Cận Bình khởi động, sẵn sàng hiện thực hoá giấc mơ bá chủ khu vực trước khi tiến tới thách thức vị thế siêu cường số 1 thế giới của Hoa Kỳ. Hiểm hoạ sát sườn đó ngày càng phủ bóng đen lên tương lai Việt Nam trong bối cảnh tình hình chính trị - kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng của nước nhà ngày một xấu đi.
Chỉ với một nội lực giàu mạnh (điều kiện cần) cùng sự hậu thuẫn của Mỹ và đồng minh (điều kiện đủ), Việt Nam mới có thể tồn tại và phát triển bên cạnh con sư tử Trung Hoa đã thức giấc. Cả hai điều kiện cần và đủ đó đều đòi hỏi tiền đề quyết định là một Việt Nam tự do - dân chủ.
Hãy cùng chung tay hành động để cứu nước – trước khi quá muộn./.
__________
Ghi chú:
[i] Ông Shwe Mann, chủ tịch đảng USDP cầm quyền, bị phế truất hồi tháng 8/2015 vì bị coi là quá thân Trung Quốc và được Bắc Kinh hậu thuẫn.
[ii] Chúng ta đã có một nhà giáo Nguyễn Tiến Dân với lời khẳng định đanh thép “Hoàng Trung Hải – con bài tủ trong chiến lược Hán hóa Việt Nam”, một bậc lão thành cách mạng Phạm Hiện với đơn tố cáo PTT Hoàng Trung Hải khai man lý lịch và buôn lậu ma tuý, hay một cựu chiến binh Hoàng Đức Doanh với thư ngỏ gửi Thủ tướngvề vụ tố cáo đó. Tuy nhiên, chỉ chừng đó thôi là chưa đủ. CSVN sợ nhất là hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong hệ thống, và chẳng có gì khiến cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn bằng cách phơi bày về những sự thật trần trụi, khủng khiếp như thế, đặc biệt là bởi những tiếng nói có sức lan toả trong xã hội.
[iii] Ngày 11/6 vừa qua, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, một nhân vật khá bộc trực trong guồng máy chế độ, cho biết là lãnh đạo Tp Hà Nội đã không mời ông tham dự cuộc gặp của tân lãnh đạo thành phố với giới văn nghệ sỹ trí thức, mặc dù ngày 27/5, ông và nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội, đã có cuộc gặp “thân tình và thoải mái” với ngài Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải. Trong số 9 hội chuyên ngành của Hội LHVHNT Hà Nội thì chỉ có Hội Nhà văn Hà Nội là không được mời đích danh Chủ tịch Hội mà thay vào đó là một Phó Chủ tịch./.

Wednesday, June 22, 2016

Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam: một Formosa Hà Tĩnh mới ở đồng bằng sông Cửu Long?

Lê Anh Hùng | VOA| 22.6.2016



Trong bối cảnh vụ đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra từ đầu tháng Tư đến nay đang khiến hàng triệu ngư dân Miền Trung rơi vào tình cảnh sống dở chết dở, hàng chục triệu người Việt cả trong và ngoài nước cảm thấy bất an, lo lắng thì thông tin nhà máy giấy khổng lồ Lee & Man Việt Nam nằm ngay bên bờ sông Hậu sắp đi vào hoạt động vào tháng Tám tới đây lại khiến công chúng đứng ngồi không yên.
Nhà máy giấy này là của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hongkong – Trung Quốc), với tổng mức đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất trên thế giới. Tổng diện tích của nhà máy là 82,8ha, nằm trong Cụm Công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang. Tổng thầu xây dựng nhà máy là Công ty Cổ phần Kỹ thuật Hải Thành đến từ Thượng Hải, Trung Quốc. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm.

Mặc dù mới được khởi công tháng 3/2015, nhưng dự án đã được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 27/6/2007 và lễ động thổ nhà máy đã diễn ra vào ngày 6/8/2007.
Ngay từ thời điểm đó, dự án đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, đặc biệt là Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), khi mỗi năm nhà máy sẽ xả ra môi trường đến 28.500 tấn xút (NaOH), đe doạ hủy hoại nguồn lợi thủy sản của sông Hậu và vùng biển phía Nam, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nuôi trồng thủy sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất thuỷ sản trọng điểm của cả nước. Mới đây, VASEP lại gửi công văn tới Quốc hội và Chính phủ đề nghị “khẩn cấp chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của Dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam và chỉ đạo, yêu cầu đầy đủ và đồng bộ hoạt động giám sát xả thải của nhà máy Lee & Man bao gồm cả đầu tư thiết bị, cơ chế giám sát và thực thi.”
Điều đáng ngạc nhiên ở đây là trong “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” đã được Thủ tướng CP phê duyệt lại không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang. Thậm chí, Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020, cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại khu vực ĐBSCL. Còn trong văn bản số 1311/CV-SDR do Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Nguyễn Ngọc Bình ký ngày 6/9/2007 thì nêu rõ “nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong khu vực chắc chắn chỉ đáp ứng được dưới 20% công suất nhà máy.”
Trước thực tế đó, bản thân đại diện chủ đầu tư cũng cho biết là 80% nguyên liệu của nhà máy là giấy phế liệu nhập từ nước ngoài; 20% nguyên liệu là từ gỗ rừng trồng trong nước.
Hậu Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung không phải là thị trường tiêu thụ chính của một nhà máy giấy với quy mô nằm trong top 5 của thế giới. Địa điểm đặt dự án cũng không phải là vùng nguyên liệu lớn, khi chỉ có thể cung cấp chưa đầy 20% công suất cho nhà máy; hơn 80% nguyên liệu là phế liệu phải nhập từ nước ngoài, nghĩa là cũng rất bấp bênh. Chắc chắn, hiệu quả kinh tế mà dự án đem lại cho chủ đầu tư sẽ thấp hơn rất nhiều so với khi đặt nó trong một vùng nguyên liệu dồi dào hoặc trong thị trường tiêu thụ chính.
Chưa hết, nhà máy lại nằm trong một khu vực đặc biệt nhạy cảm về môi trường, khi mà hoạt động bình thường của nó có nguy cơ rất cao là huỷ diệt môi sinh, đe doạ sinh kế của hàng triệu người. Về phía chủ đầu tư, nếu muốn đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường, họ sẽ phải đầu tư rất lớn, điều mà người ta khó lòng chờ đợi ở các ông chủ đến từ Trung Quốc. Đối với người dân và chính quyền địa phương, nếu để xẩy ra thảm hoạ môi trường thì cái giá phải trả là không thể đong đếm.
Kinh tế và môi trường là hai tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá lợi ích của một dự án, vậy mà ở đây cả hai tiêu chí này đều bị người ta xem “nhẹ tựa lông hồng”. Lý do là vì sao? Câu trả lời nằm ở phần dưới đây.
Trong bài “Báo động: Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải sắp trở thành căn cứ của Trung Quốc” đăng trên VOA ngày 31/3/2016 và bài “Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu?” trên VOA ngày 11/4/2016, chúng tôi đã cảnh báo dư luận về việc người Trung Quốc đang núp bóng các công ty nước ngoài để âm mưu biến hai trung tâm nhiệt điện nằm ở những vị trí cực kỳ nhạy cảm về an ninh quốc phòng này thành những căn cứ quân sự lợi hại.
Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải nằm ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, ngay bên bờ Biển Đông, còn Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu thì lại nằm ở thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang, tức chỉ cách Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam một vài km. Lee & Man Việt Nam cũng xây dựng một cảng quốc tế chuyên dụng ngay bên bờ sông Hậu. 
Vị trí 3 căn cứ quân sự trá hình của Trung Quốc trên bản đồ.
Rõ ràng, Trung Quốc đang âm mưu biến Trung tâm NĐ Duyên Hải, Trung tâm NĐ Sông Hậu và Nhà máy Lee & Man Việt Nam thành 3 căn cứ quân sự liên hoàn, để từ đó vừa kiểm soát vùng biển phía nam Việt Nam vừa kiểm soát sông Hậu, tuyến giao thông đường thuỷ huyết mạch nối liền Biển Đông đến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Một khi chiến sự giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra, lực lượng tại chỗ trong 3 căn cứ này sẽ phối hợp với lực lượng đổ bộ từ biển vào và lực lượng từ bên kia biên giới – đội quân nằm vùng của Trung Quốc hoặc quân đội của một Campuchia đang mưu toan đòi lại Nam Bộ – đánh sang để hình thành nên một gọng kìm đe doạ chia cắt và khống chế hoàn toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Không còn nghi ngờ gì, giống như Formosa Hà Tĩnh ở Miền Trung, Nhà máy Lee & Man Việt Nam thực sự là một hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường “made in China” vô cùng tai hại khác ở Miền Tây Nam Bộ./.

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 



Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA

Friday, June 3, 2016

VTV ‘đấu tố’ MC Phan Anh: sức mạnh của nghệ thuật tương phản

Lê Anh Hùng | VOA| 4.6.2016 |




Từ trước đến nay, truyền thông chính thống ở Việt Nam chẳng thiếu những vụ việc tai tiếng, nhưng một scandal khiến dư luận lên cơn sốt như vụ VTV “đấu tố” MC Phan Anh vừa qua thì quả thực là “xưa nay hiếm”. Chưa bao giờ một cơ quan truyền thông nhà nước hàng đầu ở Việt Nam lại phải hứng chịu một làn sóng phẫn nộ, khinh bỉ, chế nhạo… mà công chúng nhằm vào mình mạnh mẽ đến như vậy.
Câu hỏi không thể không đặt ra ở đây: Điều gì đã khiến một clip chương trình truyền hình trong vô số chương trình tương tự của VTV tạo ra được hiệu ứng xã hội ngược chiều và mãnh liệt như thế?

Một số tác giả cùng các nhà chuyên môn đã mổ xẻ vụ việc này từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng dường như chưa ai chỉ ra “thủ pháp nghệ thuật” đằng sau chương trình, giúp nó gặt hái được “thành công” đến mức mà, như  tác giả Chu Mộng Long nhận định: “Ý đồ của VTV muốn hạ nhục Phan Anh trước dư luận lại không ngờ bị phản ứng ngược: VTV bị dư luận hạ nhục như chưa bao giờ bị hạ nhục. Nhục đến mức phải gỡ ngay lập tức cái clip phản chủ kia.” Bản thân nhà báo Tạ Bích Loan – người dẫn chương trình kiêm “chủ toạ phiên toà” – thì phải đóng trang Facebook cá nhân và lặn mất tăm.
Thủ pháp mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là thủ pháp tương phản trong nghệ thuật. Đó là một thủ pháp nghệ thuật mà người ta sử dụng hai hay nhiều phần tử khác nhau, đối lập nhau, đặt song song trong cùng một chỉnh thể, nhằm làm nổi bật và khắc hoạ rõ nét hơn phần tử được mô tả, đồng thời cho thấy sự khác biệt giữa những cặp đối lập nhau đó. Chẳng hạn, để nhấn mạnh chiều cao của một vật thể, người ta đặt nó cạnh những vật thể thấp lùn, và ngược lại.
Thủ pháp tương phản được sử dụng hầu như trong mọi loại hình nghệ thuật: văn chương, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh... Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không muốn trình bày cụ thể cách thức ứng dụng thủ pháp tương phản ở từng môn nghệ thuật, mà chỉ muốn mổ xẻ nó qua hiệu ứng mà nó tạo ra với clip “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì” của chương trình “60 phút mở” do VTV1 phát sóng tối 29/5/2016.
Sự tương phản đầu tiên dễ nhận ra ngay trong clip chương trình này là tương phản giữa Chính và Tà: đó là cuộc đấu tranh giữa bên Chính (đại diện là MC Phan Anh) và bên Tà (đại diện là nhà báo Tạ Bích Loan, đại tá an ninh Hồng Thanh Quang, chuyên gia tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà, nhà báo Hoàng Minh Trí cùng sự hỗ trợ của hai chuyên gia và đám thanh niên sinh viên trong vai “quần chúng” khác). Trong khi MC Phan Anh thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của một nghệ sỹ chân chính khi lên tiếng bày tỏ quan điểm cá nhân về vụ đại thảm hoạ môi trường đang đe doạ không chỉ kế sinh nhai mà cả tính mạng của hàng chục triệu người Việt Nam thì những kẻ đối lập với anh lại núp dưới những vỏ bọc như “tỉnh táo” hay “trách nhiệm” để vừa chối bỏ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp của mình vừa ra sức quy chụp, dèm pha, áp đảo anh bằng những lời lẽ đao to búa lớn nhưng lại rỗng tuếch hoặc nguỵ biện.
Sự tương phản trung tâm Chính - Tà ở trên còn được bổ trợ bằng những sự tương phản phụ khác, góp phần làm nổi bật thêm sự tương phản chính. Đó là sự tương phản giữa lực lượng Chính và Tà, và sự tương phản giữa cách ứng xử của bên Chính và thủ đoạn của bên Tà. Trong khi bên Chính chỉ có một mình MC Phan Anh thì bên Tà lại có đến 5 người (nếu không tính một nhiếp ảnh gia Na Son ra chiều mềm mỏng hơn), chưa kể 10 thanh niên khác trong vai “quần chúng”. Và đối diện với một Phan Anh thông minh, chính trực, điềm tĩnh là những kẻ vừa ngu xuẩn, xảo trá (cho rằng clip thí nghiệm hai con cá chết trong nước biển ô nhiễm mà Phan Anh chia sẻ là nguỵ tạo, đồng thời lại viện dẫn những kiến thức nhảm nhí và số liệu đáng ngờ), vừa hung hăng, hùng hổ, bầy đàn… như thể muốn ăn tươi nuốt sống anh.
Như bất kỳ một cơ quan truyền thông chính thống nào ở Việt Nam, phần lớn những chương trình của VTV mang tính chất tuyên truyền nhằm định hướng dư luận, ru ngủ dân chúng. Để hoàn thành “sứ mệnh cao cả” trên “mặt trận văn hoá - tư tưởng” đó, họ không từ bất kỳ thủ đoạn nào, kể cả vu khống người khác, xuyên tạc sự thật, hay dối trá, bịa đặt. (Vụ VTV cùng Truyền hình Công an Nhân dân vu cáo một số nhân sỹ, trí thức yêu nước ngày 15/5 vừa qua là một ví dụ điển hình.) Đáng tiếc là hiếm có ai đủ dũng cảm và tinh thần trách nhiệm để lên tiếng vạch mặt họ.
Trước vụ “đấu tố” MC Phan Anh chỉ vài tuần, VTV đã khiến dư luận phẫn nộ với phóng sự “Cây chổi quét rau”, khi phóng viên VTV phịa ra câu chuyện người nông dân trồng rau ở xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) dùng chổi quét lên những luống rau cải xanh non cho giống với rau bị sâu ăn để đánh vào tâm lý “rau sâu mới là rau sạch” của người tiêu dùng.  
Trong vụ “Cây chổi quét rau” nêu trên, chỉ đến khi chính quyền địa phương, dưới áp lực của người dân, buộc vào cuộc xác minh và phản ảnh lên báo chí, lãnh đạo VTV3 mới chịu “gửi lời xin lỗi đến UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh Thành và các cá nhân có trong phóng sự”.
Sự thật bị phơi bày đằng sau vụ tai tiếng mang tên “phóng sự Cây chổi quét rau” mới chỉ soi chiếu được hành vi gian dối và đạo đức nghề nghiệp thấp kém của một phóng viên tập sự. Vụ VTV “đấu tố” MC Phan Anh còn đi xa hơn thế rất nhiều.
Với “sứ mạng cao cả” mà Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho, Tạ Bích Loan và Hồng Thanh Quang là “nhân vật chính” của vô số chương trình truyền hình mang tính chất tuyên truyền cho Đảng CSVN. Trong những chương trình đó, công chúng khó nhận ra rõ ràng chân dung đích thực của họ, bởi họ hiếm khi xuất hiện trong một bối cảnh có sự hiện diện của một nhân vật vừa “phản diện” vừa thông minh, bản lĩnh như MC Phan Anh.
Sự tương phản cao độ giữa Phan Anh với phần còn lại của ekip tham gia chương trình “60 phút mở” đã giúp soi chiếu và vạch trần bộ mặt xảo trá, trơ trẽn, vô cảm, vô trách nhiệm không chỉ của những Tạ Bích Loan, Hồng Thanh Quang mà cả dàn lãnh đạo VTV, những kẻ vốn sống bằng đồng tiền thuế xương máu của nhân dân nhưng đã bán linh hồn cho quỷ rồi quay sang chống lại nhân dân, phản lại Tổ quốc. Bằng thông điệp “Đừng Im Lặng” đầy sức truyền cảm, anh không chỉ giúp cho quần chúng nhận ra được bộ mặt thật của VTV mà còn khiến một Tạ Bích Loan vốn thường ngày kiêu ngạo và nhâng nháo phải trốn chạy khi chợt nhận ra “phẩm chất” và “giá trị” đích thực của mình qua tấm gương phản chiếu của anh.
Những người làm chương trình của VTV chắc chắn chẳng lạ gì thủ pháp tương phản trong nghệ thuật, thứ kiến thức mà họ từng được hấp thụ qua đủ kiểu trường lớp. Khi dàn dựng kịch bản, VTV hẳn muốn ghép Phan Anh vào vai “phản diện”, nhân vật đối lập đơn độc sẽ bị áp đảo bởi số lượng nhân vật “chính diện” đông đảo do họ thủ vai. Trớ trêu thay, “thiên bất dung gian”, sự thông minh, dũng cảm và chính trực của Phan Anh đã giúp anh biến cuộc “đấu tố” mình thành phiên toà kết án không chỉ đám văn nô hèn hạ kia mà cả Đài Truyền hình Việt Nam.
Sau “phiên toà lịch sử” này, không biết có bao nhiêu những Tạ Bích Loan, Hồng Thanh Quang, Phạm Mạnh Hà, Hoàng Minh Trí ngộ ra chân lý mà trở về với chính nghĩa, trở về với nhân dân. Song có một điều chắc chắn là họ sẽ không bao giờ dám đưa một nhân vật đang được lòng công chúng lên để “trao đổi, tranh luận mở” như cái cách mà VTV đã làm với MC Phan Anh. Đơn giản, điều đó chỉ càng khiến công chúng nhận ra bản chất phản dân hại nước của VTV, hay bất kỳ cơ quan truyền thông nào trong bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản.

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA

Wednesday, June 1, 2016

Big C bị người Thái thâu tóm: ‘song kiếm’ Tàu - Thái và nền kinh tế Việt

Lê Anh Hùng | VOA| 1.6.2016 | 




Cuộc đổ bộ ồ ạt của người Thái
Cuối tháng Tư vừa qua, giới doanh nghiệp cũng như dân chúng Việt Nam bàn tán xôn xao trước thông tin chuỗi siêu thị Big C rơi vào tay tập đoàn Central Group của tỷ phú Tos Chirathivat đến từ Thái Lan với mức giá 1,14 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 800 triệu USD mà người ta dự báo trước đó.
Đây là sự kiện mới nhất trong làn sóng đổ bộ ồ ạt của người Thái vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của họ trong việc thâu tóm hệ thống siêu thị và thống lĩnh thị trường bán lẻ ở Việt Nam.

Tháng 1/2013, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã hoàn tất việc mua lại quyền kiểm soát Phú Thái Group, một tập đoàn tư nhân của Việt Nam chuyên về phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng.
Tháng 6/2013, BJC mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart.
Tháng 1/2015, Power Buy, một công ty thuộc tập đoàn Central Group hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Tháng 1/2016, hệ thống siêu thị METRO Cash & Carry Việt Nam lại rơi vào tay TCC Land International Pte. Ltd., công ty con thuộc TCC Holding Co. Ltd., một tập đoàn cũng của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, với giá 655 triệu Euro.
Bên cạnh hoạt động thâu tóm, các ông chủ đến từ Thái Lan còn thành lập hệ thống siêu thị mới ở Việt Nam. Đó là ROBINS, trung tâm mua sắm đầu tiên của tập đoàn Central Group được mở bên ngoài lãnh thổ Thái Lan. Hiện nay ROBINS đã có 2 chi nhánh tại Việt Nam: Trung tâm Mua sắm Robins đầu tiên chính thức khai trương ngày 19/04/2014 tại Trung tâm Thương mại Royal City, Hà Nội; và Robins Crescent Mall khai trương ngày 12/12/2014 tại Trung tâm Thương mại Crescent Mall, Tp HCM.

Những “thiên đường hàng Thái” như thế này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam.
Ảnh: Lê Anh Hùng
Bên cạnh việc thâu tóm và thành lập siêu thị mới ở các đô thị lớn, mưu đồ thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam của các đại gia Thái Lan còn thể hiện qua việc tập đoàn Central Group (chủ sở hữu mới của Big C) thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Công ty Lan Chi – một nhà bán lẻ với 20 năm kinh nghiệm ở khu vực nông thôn miền bắc Việt Nam cùng chuỗi 13 siêu thị tại các vùng ngoại thành.
Một tỷ phủ Thái khác là Dhani Chearavanont, người sở hữu thương hiệu siêu thị 7-Eleven (mô hình cửa hàng hoạt động 24/24h tại Thái Lan, cung cấp mọi nhu cầu cho người tiêu dùng từ thực phẩm, mỹ phẩm đến văn hóa giải trí), cũng đã bày tỏ ý định sẽ thiết lập chuỗi siêu thị này ở Việt Nam vào năm 2017.
Vấn đề đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam ở đây là, cùng với làn sóng thâu tóm và thành lập siêu thị mới của người Thái, hàng hoá “made in Thailand” đang xâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Các sản phẩm của Thái Lan chiếm vị trí áp đảo trong các siêu thị do người Thái làm chủ. Không khó để nhận ra, đưa hàng hoá Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam mới là mục đích chính, mục đích chiến lược của các ông chủ Thái Lan đằng sau cuộc đổ bộ ồ ạt của họ vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Ông Mongkol Banthrarungroj, Giám đốc điều hành TCI, đơn vị sở hữu B’mart, thậm chí không thèm giấu diếm khi cho biết, hơn 70% hàng hóa tại B’mart sẽ có xuất xứ từ Thái Lan, còn lại là hàng Việt Nam.
Và mối đe doạ truyền thống - Trung Quốc
Hiện tượng hàng hoá Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam là điều mà hầu như ai ai cũng nhận thấy, và dư luận đã lên tiếng báo động từ nhiều năm nay. Theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã tăng từ mức 9,2% năm 2000 lên đến mức gần 30% năm 2015.
Tuy nhiên, nếu tính cả con số phi chính thức thì tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm đến gần 50% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Và tỷ trọng này vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại mà vẫn tiếp tục tăng qua các năm.
Không chỉ ra sức hỗ trợ cho các sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam thông qua các chính sách như chính sách hoàn thuế, chính sách tiền tệ, hỗ trợ lãi suất, v.v., Trung Quốc gần đây đã bắt đầu tấn công vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam. Cách đây hơn 1 tháng, tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba bỏ ra 1 tỷ USD để mua cổ phần chi phối Lazada, sàn thương mại điện tử đang nắm giữ vị trí dẫn đầu tại Việt Nam cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác.
Mục tiêu của Jack Ma, ông chủ Alibaba, là cung cấp hàng hoá Trung Quốc cho 8 tỷ dân trên thế giới. Vì thế, các sản phẩm “made in China” lại càng như thể “hổ chắp thêm cánh” trên thị trường Việt Nam.
“Song kiếm hợp bích”
Hiểm hoạ Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam không chỉ đến từ bên kia biên giới, mà còn đến từ… Thái Lan: hai tỷ phú Thái Lan đang “làm mưa làm gió” trên thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua – Tos Chirathivat và Charoen Sirivadhanabhakdi – đều là người Hoa. Tỷ phú Dhani Chearavanont, người đánh tiếng chuẩn bị đưa thương hiệu siêu thị 7-Eleven sang Việt Nam, cũng là một người Hoa nốt. Các tỷ phú người Hoa ở Thái Lan thường có mối liên hệ mật thiết với Bắc Kinh và, như bao người Hoa khác trên khắp thế giới, không ai có thể nghi ngờ tình yêu dành cho quê hương của họ. Như một lẽ tự nhiên, hàng hoá Thái Lan và Trung Quốc đang chiếm tỷ lệ áp đảo trong các siêu thị của các ông chủ người Thái gốc Hoa.
Thậm chí, không loại trừ khả năng các tỷ phú người Thái gốc Hoa đầu tư ồ ạt vào thị trường bán lẻ Việt Nam là một âm mưu của các ông chủ Trung Nam Hải hòng bóp chết các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, trong bối cảnh một cuộc đổ bộ tương tự đến từ bên kia biên giới sẽ khiến người tiêu dùng và công chúng Việt Nam cảnh giác và phản ứng tiêu cực.
Sau vụ Central Group chính thức mua Big C, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội – cho rằng: "50% thị phần bán lẻ rơi cả vào tay người Thái, thị trường bán lẻ nội địa đã 'chết tới ngang vai'."
Ông Vũ Vinh Phú hoàn toàn không quá lời. Trước viễn cảnh các tỷ phú người Thái gốc Hoa thống lĩnh thị trường bán lẻ nội địa và đại gia Trung Quốc kiểm soát lĩnh vực thương mại điện tử, không chỉ thị trường bán lẻ mà thậm chí cả nền sản xuất trong nước cũng khó tránh khỏi kết cục bị bức tử ngay trên sân nhà trước cặp kiếm thủ lão luyện Tàu – Thái./.

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA