Wednesday, June 1, 2016

Big C bị người Thái thâu tóm: ‘song kiếm’ Tàu - Thái và nền kinh tế Việt

Lê Anh Hùng | VOA| 1.6.2016 | 




Cuộc đổ bộ ồ ạt của người Thái
Cuối tháng Tư vừa qua, giới doanh nghiệp cũng như dân chúng Việt Nam bàn tán xôn xao trước thông tin chuỗi siêu thị Big C rơi vào tay tập đoàn Central Group của tỷ phú Tos Chirathivat đến từ Thái Lan với mức giá 1,14 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 800 triệu USD mà người ta dự báo trước đó.
Đây là sự kiện mới nhất trong làn sóng đổ bộ ồ ạt của người Thái vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của họ trong việc thâu tóm hệ thống siêu thị và thống lĩnh thị trường bán lẻ ở Việt Nam.

Tháng 1/2013, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã hoàn tất việc mua lại quyền kiểm soát Phú Thái Group, một tập đoàn tư nhân của Việt Nam chuyên về phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng.
Tháng 6/2013, BJC mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart.
Tháng 1/2015, Power Buy, một công ty thuộc tập đoàn Central Group hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Tháng 1/2016, hệ thống siêu thị METRO Cash & Carry Việt Nam lại rơi vào tay TCC Land International Pte. Ltd., công ty con thuộc TCC Holding Co. Ltd., một tập đoàn cũng của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, với giá 655 triệu Euro.
Bên cạnh hoạt động thâu tóm, các ông chủ đến từ Thái Lan còn thành lập hệ thống siêu thị mới ở Việt Nam. Đó là ROBINS, trung tâm mua sắm đầu tiên của tập đoàn Central Group được mở bên ngoài lãnh thổ Thái Lan. Hiện nay ROBINS đã có 2 chi nhánh tại Việt Nam: Trung tâm Mua sắm Robins đầu tiên chính thức khai trương ngày 19/04/2014 tại Trung tâm Thương mại Royal City, Hà Nội; và Robins Crescent Mall khai trương ngày 12/12/2014 tại Trung tâm Thương mại Crescent Mall, Tp HCM.

Những “thiên đường hàng Thái” như thế này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam.
Ảnh: Lê Anh Hùng
Bên cạnh việc thâu tóm và thành lập siêu thị mới ở các đô thị lớn, mưu đồ thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam của các đại gia Thái Lan còn thể hiện qua việc tập đoàn Central Group (chủ sở hữu mới của Big C) thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Công ty Lan Chi – một nhà bán lẻ với 20 năm kinh nghiệm ở khu vực nông thôn miền bắc Việt Nam cùng chuỗi 13 siêu thị tại các vùng ngoại thành.
Một tỷ phủ Thái khác là Dhani Chearavanont, người sở hữu thương hiệu siêu thị 7-Eleven (mô hình cửa hàng hoạt động 24/24h tại Thái Lan, cung cấp mọi nhu cầu cho người tiêu dùng từ thực phẩm, mỹ phẩm đến văn hóa giải trí), cũng đã bày tỏ ý định sẽ thiết lập chuỗi siêu thị này ở Việt Nam vào năm 2017.
Vấn đề đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam ở đây là, cùng với làn sóng thâu tóm và thành lập siêu thị mới của người Thái, hàng hoá “made in Thailand” đang xâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Các sản phẩm của Thái Lan chiếm vị trí áp đảo trong các siêu thị do người Thái làm chủ. Không khó để nhận ra, đưa hàng hoá Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam mới là mục đích chính, mục đích chiến lược của các ông chủ Thái Lan đằng sau cuộc đổ bộ ồ ạt của họ vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Ông Mongkol Banthrarungroj, Giám đốc điều hành TCI, đơn vị sở hữu B’mart, thậm chí không thèm giấu diếm khi cho biết, hơn 70% hàng hóa tại B’mart sẽ có xuất xứ từ Thái Lan, còn lại là hàng Việt Nam.
Và mối đe doạ truyền thống - Trung Quốc
Hiện tượng hàng hoá Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam là điều mà hầu như ai ai cũng nhận thấy, và dư luận đã lên tiếng báo động từ nhiều năm nay. Theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã tăng từ mức 9,2% năm 2000 lên đến mức gần 30% năm 2015.
Tuy nhiên, nếu tính cả con số phi chính thức thì tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm đến gần 50% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Và tỷ trọng này vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại mà vẫn tiếp tục tăng qua các năm.
Không chỉ ra sức hỗ trợ cho các sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam thông qua các chính sách như chính sách hoàn thuế, chính sách tiền tệ, hỗ trợ lãi suất, v.v., Trung Quốc gần đây đã bắt đầu tấn công vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam. Cách đây hơn 1 tháng, tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba bỏ ra 1 tỷ USD để mua cổ phần chi phối Lazada, sàn thương mại điện tử đang nắm giữ vị trí dẫn đầu tại Việt Nam cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác.
Mục tiêu của Jack Ma, ông chủ Alibaba, là cung cấp hàng hoá Trung Quốc cho 8 tỷ dân trên thế giới. Vì thế, các sản phẩm “made in China” lại càng như thể “hổ chắp thêm cánh” trên thị trường Việt Nam.
“Song kiếm hợp bích”
Hiểm hoạ Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam không chỉ đến từ bên kia biên giới, mà còn đến từ… Thái Lan: hai tỷ phú Thái Lan đang “làm mưa làm gió” trên thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua – Tos Chirathivat và Charoen Sirivadhanabhakdi – đều là người Hoa. Tỷ phú Dhani Chearavanont, người đánh tiếng chuẩn bị đưa thương hiệu siêu thị 7-Eleven sang Việt Nam, cũng là một người Hoa nốt. Các tỷ phú người Hoa ở Thái Lan thường có mối liên hệ mật thiết với Bắc Kinh và, như bao người Hoa khác trên khắp thế giới, không ai có thể nghi ngờ tình yêu dành cho quê hương của họ. Như một lẽ tự nhiên, hàng hoá Thái Lan và Trung Quốc đang chiếm tỷ lệ áp đảo trong các siêu thị của các ông chủ người Thái gốc Hoa.
Thậm chí, không loại trừ khả năng các tỷ phú người Thái gốc Hoa đầu tư ồ ạt vào thị trường bán lẻ Việt Nam là một âm mưu của các ông chủ Trung Nam Hải hòng bóp chết các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, trong bối cảnh một cuộc đổ bộ tương tự đến từ bên kia biên giới sẽ khiến người tiêu dùng và công chúng Việt Nam cảnh giác và phản ứng tiêu cực.
Sau vụ Central Group chính thức mua Big C, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội – cho rằng: "50% thị phần bán lẻ rơi cả vào tay người Thái, thị trường bán lẻ nội địa đã 'chết tới ngang vai'."
Ông Vũ Vinh Phú hoàn toàn không quá lời. Trước viễn cảnh các tỷ phú người Thái gốc Hoa thống lĩnh thị trường bán lẻ nội địa và đại gia Trung Quốc kiểm soát lĩnh vực thương mại điện tử, không chỉ thị trường bán lẻ mà thậm chí cả nền sản xuất trong nước cũng khó tránh khỏi kết cục bị bức tử ngay trên sân nhà trước cặp kiếm thủ lão luyện Tàu – Thái./.

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

No comments:

Post a Comment