Thursday, December 18, 2014

Vài cảm nhận sau vụ bắt giam và truy tố hai blogger Hồng Lê Thọ và Quê Choa



Lê Anh Hùng




Việc nhà cầm quyền Việt Nam “bắt quả tang”, tạm giữ rồi truy tố blogger Hồng Lê Thọ và đặc biệt là nhà văn/blogger Nguyễn Quang Lập (Quê Choa) đang khiến dư luận trong và ngoài nước xôn xao.
Khách quan mà nói, việc một nhà nước độc tài thỉnh thoảng vẫn thực hiện các vụ bắt bớ để đe doạ giới bất đồng chính kiến, trấn áp đối lập là chuyện bình thường, không có gì đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên, vụ bắt giam và truy tố hai blogger Hồng Lê Thọ và nhà văn/blogger Nguyễn Quang Lập lại có ít nhất ba điểm bất thường: (i) đây là hai blogger rất ôn hoà, việc bắt giữ họ khiến mọi người đi từ ngạc nhiên đến phẫn nộ; (ii) hai blogger này đều đã lớn tuổi và blogger Quê Choa thậm chí còn bị tàn tật sau vụ tai nạn xe máy hơn 13 năm trước, chưa kể rất nhiều chứng bệnh kinh niên trong người; và (iii) Điều 88 BLHS với mức án tối đa tới 20 năm tù đã lâu không được nhà cầm quyền sử dụng thì nay lại được áp cho blogger Quê Choa.
Điều này chứng tỏ nhà cầm quyền Việt Nam hiểu rằng dân chúng đang ngày càng bạo dạn, không còn sợ hãi như trước, và họ muốn dùng vụ bắt giam và truy tố hai blogger này để gửi thông điệp cứng rắn đến công chúng nói chung và giới bất đồng chính kiến nói riêng.
Song điều này lại có thể phản tác dụng, lợi bất cập hại, nếu tính chất vô đạo lý của vụ việc lại châm ngòi cho làn sóng phản kháng trong dân chúng, dưới sự phát động và dẫn dắt của giới nhân sỹ, trí thức hay những nhân vật uy tín trong xã hội. Chẳng hạn như nhà văn/blogger Huy Đức, sau khi biết tin blogger Quê Choa bị truy tố theo Điều 88 BLHS, ông đã ký tên ủng hộ bản Yêu cầu trả tự do cho nhà văn Nguyễn Quang Lập, điều mà trước đó ông còn chần chừ, đồng thời kêu gọi mọi người hưởng ứng.
Ông cha ta thường nói, trong “nguy” có “cơ”. Hai vụ bắt giam và truy tố đầy tai tiếng này chính là cơ hội để giới trí thức phản tỉnh trong nước tỏ ra mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn, nhất là khi không chỉ các tổ chức nhân quyền quốc tế mà cả chính phủ Mỹ và chính phủ một số nước phương Tây cũng đang dõi theo vụ việc với thái độ quan ngại đặc biệt.
Những ai chưa từng tham gia ký tên ủng hộ các bản yêu cầu/kiến nghị đối với nhà cầm quyền Việt Nam thì đừng nên chần chừ, do dự và càng không nên sợ sệt nữa.
Còn những ai đã từng nhiều lần ký tên ủng hộ các bản yêu cầu/kiến nghị kia thì cần hiểu rằng, sau tất cả những gì đã xẩy ra, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở những bản kiến nghị/yêu cầu theo kiểu kêu gọi lòng từ bi của kẻ cướp như thế.
Bất luận thế nào, trí thức cũng là tinh hoa của giống nòi, và công chúng hoàn toàn có lý do chính đáng để đòi hỏi nhiều hơn ở họ./.

1 comment:

  1. Hồng Lê Thọ bị/được "tạm" -lời của Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, hổng phải tớ- là đúng gòi . Ngày xưa ở Nhật, làm khủng bố ủng hộ đảng Taliban Mac-xít thì bi giờ Giời phạt là đúng . Đúng, Thượng Đế có tính khôi hài cực kỳ kỳ cục, mượn tay Đảng Cộng Sản để "Thế Thiên Hành Đạo"!? Nhưng Hồng Lê Thọ bị/được "tạm" giam là xứng đáng, không có gì đáng phàn nàn .

    ReplyDelete