Thursday, October 2, 2014

Từ Hồng Kông nghĩ về cách mạng dân chủ ở Việt Nam

Lê Anh Hùng


Mấy hôm nay, cuộc xuống đường do giới sinh viên phát động ở Hồng Kông đang diễn ra quyết liệt và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới.
Người Việt Nam với đủ mọi thành phần cũng đang chăm chú dõi theo biến cố chính trị quan trọng ở Hồng Kông. Điều này một phần là vì Trung Quốc là quốc gia láng giềng cùng ý thức hệ cộng sản với Việt Nam, nhưng lý do quan trọng hơn là có lẽ hàng triệu người Việt Nam cũng đang mong ngóng một cuộc cách mạng dân chủ như thế.
Trăn trở từ biến cố ở Hồng Kông
Dù vậy, không phải người Việt Nam nào đang trông ngóng dân chủ cũng đón nhận sự kiện này với tâm thế hồ hởi như nhau.
Người lạc quan thì cho rằng làn sóng dân chủ sẽ lan toả sang Trung Hoa đại lục rồi tràn tới Việt Nam chỉ trong nay mai.
Người bi quan thì lại nghĩ rằng phải mất hàng chục năm nữa người Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Việt Nam nói riêng mới trưởng thành về chính trị như tuổi trẻ Hồng Kông, và như thế phải mất hàng chục năm nữa một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam mới diễn ra:
Một điều cần phải bàn là mặc dù người dân Việt bức xúc về rất nhiều chuyện, nhưng ý thức rõ ràng về chính trị: nhân quyền, dân chủ... là chưa có. Nên dù đám đông có "nổi loạn" thì cũng không có một mục tiêu rõ ràng để đấu tranh. Xã hội dân sự, điều căn bản cần phải có trong thể chế dân chủ, thì còn quá rời rạc và bị chính quyền CS khuynh loát. 
Đường còn dài, cần phải có nhiều nỗ lực dấn thân của những người làm xã hội dân sự. Cách mạng đến từ đám đông quần chúng thiếu ý thức chính trị rõ ràng, nếu lại bị những kẻ cầm đầu bất lương điều khiển thì kết quả chính là cái tương tự như những gì mà chúng ta đang phải gánh đấy.
Tôi nghĩ tình trạng bất công ở xã hội Việt Nam rất trầm trọng là thật, nhưng nếu ví xã hội này đã là một cánh đồng cỏ khô thì không thực tế, bởi còn quá nhiều ẩm ướt mục nát... khó mà có một đám cháy từ một tàn lửa nhỏ!

Vì sao Hồng Kông?
Thực ra, cuộc biểu tình của giới trẻ ở Hồng Kông hầu như không xuất phát từ nguyên nhân kinh tế hay bất công trong xã hội, vốn là những nguyên phổ biến dẫn đến các cuộc cách mạng.
Lý do trực tiếp dẫn đến cuộc xuống đường ở Hồng Kông là quyền tự do chính trị: quyền của người dân được lựa chọn người đại diện chính trị của mình.
Hồng Kông vẫn là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đúng nghĩa nên phát triển phồn thịnh và tình trạng bất công là không đáng kể bởi hầu như ai cũng phải chịu sự điều chỉnh công bằng và khách quan của các quy luật thị trường.
Các thiết chế dân chủ đã bén rễ ở đây hơn 100 năm qua đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo công bằng xã hội và tạo điều kiện cho một nền kinh tế phát triển lành mạnh.
Cách mạng dân chủ ở Việt Nam: đã đến lúc hay chưa?
Trong khi đó ở Việt Nam, những "ngòi nổ" cho một cuộc cách mạng lại rất nhiều và đặc biệt là ngày càng gần điểm "phát hoả": kinh tế trì trệ, tham nhũng tràn lan, tình trạng chênh lệch giàu nghèo và bất công ngày càng lớn, pháp luật ngày một vô hiệu, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, tình trạng lệ thuộc Trung Quốc về cả chính trị - kinh tế ngày càng đáng báo động, nguy cơ bị Trung Quốc thôn tính ngày càng lớn...
Tình hình xã hội Việt Nam hiện nay khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh một đống cỏ khô dưới ánh nắng ngày càng gay gắt; bất kỳ một tia lửa nào từ những nguyên nhân đang âm ỉ ở trên cũng có thể biến thành một biển lửa thiêu rụi cả hệ thống.
Nếu chúng ta cứ chờ đợi một quần chúng nhân dân với đầy đủ ý thức chính trị về tự do, dân chủ và nhân quyền thì e đến Tết Công Gô mới có cách mạng dân chủ ở Việt Nam.
Đám đông phần lớn là a dua, chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân; nhìn chung, họ thiếu chính kiến rõ ràng và khả năng phân tích, nhận định một cách chính xác; họ thường đi theo những người mà ta gọi là lãnh tụ. Các lãnh tụ thường xuất hiện trong một nhóm (rất) nhỏ vốn ý thức được nhu cầu và nguyên nhân cần phải thay đổi cũng như dũng cảm dấn thân mưu cầu sự thay đổi. Chính nhóm thiểu số này trên thực tế mới là những kẻ định đoạt tiến trình của lịch sử nhân loại.
Rốt cuộc, những ai may mắn được dòng giống tổ tiên phú cho trí tuệ hơn người không chỉ có trách nhiệm khai mở dân trí cho đồng bào của mình mà còn phải gánh vác sứ mệnh lớn lao là dẫn dắt họ đi đến một nền tự do - dân chủ đích thực, điều mà những anh nông dân, chị công nhân thiếu may mắn kia không thể làm thay họ được.
Bài học mà một lần nữa chúng ta có thể rút ra từ cuộc xuống đường của giới trẻ ở Hồng Kông là, cho dù tuân theo quy luật khách quan, song cuộc cách mạng nào cũng diễn ra bất ngờ và khó lường, không chỉ với nhà cầm quyền mà với chính những người phát động và lãnh đạo cuộc cách mạng.
Tóm lại, trong tình hình hiện nay, những người đấu tranh ở Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón đầu, phát động và dẫn dắt các cuộc chính biến trong xã hội, hầu mong đưa cuộc cách mạng dân chủ - xã hội mà triệu triệu người Việt Nam đã mong ngóng hàng thập niên qua đi đến thành công nhanh nhất và gây ra tổn thất ít nhất về cả chính trị - kinh tế - xã hội lẫn an ninh - quốc phòng cho đất nước.[i]




Ghi chú:
[i] Một khi Việt Nam xẩy ra chính biến và đất nước (tạm thời) rơi vào khoảng trống quyền lực, Trung Quốc chắc chắn sẽ ngay lập tức đánh chiếm quần đảo Trường Sa và khống chế Biển Đông, lối ra của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 21. Đấy là còn chưa tính đến một khả năng khác là họ có thể đưa quân vào Việt Nam với lý do “đảm bảo an toàn cho Hoa Kiều” hay “bảo vệ” các “đặc khu Trung Quốc” như ở Vũng Áng chẳng hạn. Lúc đó, cái giá cho nền độc lập – tự do của Việt Nam sẽ không nhỏ chút nào.

No comments:

Post a Comment