Thursday, July 31, 2014

The Diplomat: Trung Quốc không hề từ bỏ tham vọng khi rút giàn khoan

Giống như quyết định hạ đặt giàn khoan, hành động rút giàn khoan cũng nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc. HD981 sẽ quay lại.


Dingding Chen | The Diplomat | 30.7.2014
Người dịch: Lê Anh Hùng


Quyết định dường như đáng ngạc nhiên của Trung Quốc khi rút giàn khoản HD981 khỏi vùng biển tranh chấp đã khơi mào cho những cuộc bàn thảo thú vị (xem ở đâyở đâyở đâyở đây, và ở đây). Cho đến nay, phần lớn các cuộc bàn thảo đều tập trung vào lý do khiến Trung Quốc đưa ra quyết định gây ngạc nhiên ấy. Người ta đã đưa ra một số cách lý giải khả dĩ, như do thời tiết xấu, do áp lực của Hoa Kỳ, do sứ mạng đã hoàn thành, v.v. và v.v. Mặc dù những cách giải thích này đều thú vị song chúng lại cho thấy một số vấn đề, phản ảnh những vấn đề trong lối phân tích rất phổ biến hiện nay về những động thái của Trung Quốc.
Vấn đề thứ nhất là việc người ta chú ý quá nhiều đến lý do khiến Trung Quốc quyết định rút giàn khoan. Thật đáng tiếc là nhiều nhà phân tích lại đang mắc cùng một lỗi mà họ từng mắc phải khi phân tích quyết định hạ đặt giàn khoan trước đó của Trung Quốc bằng cách nhìn vào những khía cạnh cụ thể của quyết định ấy. Đầu tiên họ bất ngờ trước quyết định hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc hồi tháng Năm, và giờ thì họ lại ngạc nhiên trước quyết định rút giàn khoan của Trung Quốc.
Ở đây có thể có đôi chút bất ngờ khi xét đến việc lựa chọn thời điểm chính xác của hai quyết định, song các nhà quan sát chiến lược dài hạn của Trung Quốc thì không nên bất ngờ trước bất kỳ quyết định nào. Những động thái của Trung Quốc trong mấy năm gần đây đã cho thấy rõ ràng rằng họ sẽ tiến hành những bước đi với vẻ tự tin nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích cốt lõi của mình. Bất kể người ta cho nó là quyết đoán (ở đây và ở đây) hay thậm chí là hung hăng thì mô thức chung giờ cũng đã trở nên rõ ràng: một đại chiến lược mới đang nổi lên.
Ngoài ra, việc Trung Quốc rút giàn khoan chỉ 1 tháng trước kế hoạch thì tạo ra khác biệt gì? Liệu điều đó có khiến Việt Nam thay đổi cách thức nhìn nhận các kế hoạch dài hạn cũng như sự quyết đoán của Trung Quốc hay không? Không thể. Liệu Trung Quốc có chấm dứt việc dịch chuyển lòng vòng các giàn khoan dầu của nó hay không? Không thể. Liệu điều đó có làm thay đổi nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc xoay trục sang Châu Á trở lại hay không? Tôi nghi ngờ điều đó. Như vậy, việc chú ý quá mức vào lý do Trung Quốc rút giàn khoan sẽ chỉ khiến người ta lơ là vấn đề quan trọng hơn: đó là nhiều giàn khoan sẽ xuất hiện ở Biển Đông hơn trong những năm sắp tới.
Vấn đề thứ hai (một vấn đề liên quan) là sự chú tâm quá mức vào các quyết định cụ thể trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Như một câu thành ngữ của Trung Quốc, “chúng ta đã thấy cây mà không thấy rừng”. Mặc dù nhiều người tin rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc về cơ bản là thụ động và thiếu gắn kết khi Trung Quốc căng sức phản ứng với các cuộc khủng hoảng đây đó, song những nhận định như vậy lại đánh giá thấp mức độ nhất quán và cố kết khả dĩ trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Nhiều người ở Trung Quốc cũng hoài nghi việc Trung Quốc có một chiến lược được hoạch định tốt (ở đây và ở đây). Điều mà họ đã không nhìn thấy là một chiến lược được hoạch định tốt ở tầm vĩ mô lại không phải thiếu nhất quán với sự thụ động và một mức độ thiếu nhất quán ở tầm vi mô.
Một khả năng thực sự là Trung Quốc đã thiết kế xong một đại chiến lược nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia của nó trong 20-30 năm tới. Một số người có thể gọi đó là sự “trỗi dậy hoà bình”, còn số khác lại có thể gọi đó là sự “náu mình”. Bất kể theo cách nào thì điều quan trọng là Trung Quốc có mục tiêu rõ ràng về điều họ muốn đạt được và cách họ lập kế hoạch để đạt được điều đó.
Song điều có thể xẩy ra là phương thức Trung Quốc cần thực thi đại chiến lược đó lại không thực sự rõ ràng, vì nhiều “diễn viên” với những kỹ năng khác nhau và lợi ích hẹp hòi lại tham gia vào quá trình hoạch định chính sách ngoại giao. Điều này giải thích tại sao đôi khi chính sách ngoại giao của Trung Quốc lại khiến người ngoài có ấn tượng là thiếu cố kết và mâu thuẫn. Giống như quyết định hạ đặt giàn khoan HD981 ở vùng biển tranh chấp, chắc chắn một ngày nào đó Trung Quốc sẽ lại đưa giàn khoan HD981 ra Biển Đông, mặc dù thời điểm chính xác có thể ít nhiều ngẫu nhiên. Tuy vậy, cộng đồng quốc tế không nên bất ngờ trước quyết định này và họ chắc chắn là không nên ngạc nhiên khi các giàn khoan của Trung Quốc quay trở lại Biển Đông một ngày nào đó.
Tóm lại, lý do tại sao Trung Quốc lại quyết định rút giàn khoan HD981 là không quan trọng. Điều quan trọng là các kế hoạch chiến lược dài hạn của Trung Quốc cùng ý nghĩa của chúng đối với mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như các quốc gia Châu Á khác. Hai dự đoán có thể đưa ra bây giờ là: 1) Các giàn khoan dầu của Trung Quốc sẽ trở lại, và 2) Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy lùi nỗ lực và tham vọng của Trung Quốc.
Việc chú tâm quá nhiều đến các quyết định ngoại giao cụ thể của Trung Quốc thay vì các kế hoạch chiến lược ở tầm vĩ mô của họ sẽ chỉ đưa đến những gợi ý chính sách đáng ngờ về cách thức ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc./.

Nguồn: The Diplomat

No comments:

Post a Comment