Câu trả lời: Việt Nam. Ít nhất là nếu bạn đánh giá từ quan điểm của người dân.
Việt Nam ư? Chẳng phải đấy là nơi mà khoảng 2 triệu người Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc xung đột với người Mỹ hay sao? Chẳng phải đấy là nơi mà 58.000 lính Mỹ đã chết trận hay sao? Chẳng phải đấy là nơi mà viên tướng không quân Hoa Kỳ Curtis Lemay đã nói rằng chúng ta cần “ném bom để đưa họ trở về thời kỳ đồ đá” (bằng cách phá huỷ các nhà máy, bến cảng và cầu cống “cho đến khi chúng ta tiêu huỷ mọi công trình nhân tạo ở Bắc Việt Nam”) hay sao?
Tôi từng sống ở Việt Nam 5 năm, từ 1966 đến 1972, đầu tiên là một tình nguyện viên làm việc với người tỵ nạn, và sau đó là một nhà báo. Tôi học Tiếng Việt, cưới một cô vợ người Việt, và đã quay lại đây hàng chục lần trong những năm qua. Tôi theo dõi sát sao tình hình Việt Nam như một số ít người khác. Tôi đã thăm Việt Nam gần đây, dành 7 tuần đi từ bắc chí nam. Tôi tin rằng Việt Nam và người Việt Nam có nhiều thứ để dạy chúng ta.
Bây giờ tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ liên quan đến cái cách mà chúng ta, với tư cách một quốc gia, vẫn nhìn nhận các quốc gia và dân tộc khác.
Phần lớn người Mỹ không còn nghĩ nhiều về Việt Nam sau khi những người Mỹ cuối cùng rời khỏi đây năm 1975. Đó là khi cuộc chiến tranh chính thức chấm dứt và Miền Bắc cộng sản tiếp quản Miền Nam.
Thoáng chốc gần 40 năm sau
Một trong những điều thú vị nhất mà một du khách tới Việt Nam nhận ra là mức độ thân thiện mà người Việt Nam dành cho người Mỹ. Đây là một vài lý do – văn hoá, lịch sử, địa chính trị, và những lý do khó cắt nghĩa khác – giải thích cho điều đó. Hy vọng là các nhà hoạch định chính sách ở Washington có thể lắng nghe.
1. Người Việt Nam đã giành chiến thắng. Niềm tự hào của người Việt Nam vẫn y nguyên. Người dân, kể cả các quan chức chính quyền, có thể tỏ ra vị tha. Suốt chiều dài lịch sử, người Việt Nam luôn cho rằng họ đã đánh bại những kẻ xâm lược ngoại bang, trong đó có Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Họ mang theo mình hình ảnh cao đẹp về bản thân. Cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ càng khẳng định thêm hình ảnh đó.
2. Việt Nam là một đất nước tương đối nhỏ, tiếp giáp với Trung Quốc, một kẻ thù lịch sử. Quân đội Việt Nam chiến đấu với quân Trung Quốc trên biên giới Việt-Trung gần đây nhất là vào năm 1979. Với việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với các đảo của Việt Nam trên Biển Đông, mức độ căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam gia tăng hàng ngày. Nhiều người Việt Nam tẩy chay hàng hoá Trung Quốc. Người Việt Nam (nếu không muốn nói là toàn bộ chính quyền Việt Nam) coi Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất đủ sức kiềm chế Trung Quốc.
3. Các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam thừa biết quốc gia nào có nền giáo dục bậc cao tiên tiến, ở đâu trẻ em có thể được tiếp cận với lối tư duy, công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhất. Họ gửi con cái của mình sang Mỹ – chứ không phải là Trung Quốc hay Nga – để du học.
4. Hãy xem cuộc di cư ồ ạt của người Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Thật khó mà tìm ra được một gia đình Việt Nam nào, đặc biệt là ở Miền Nam, mà không có người thân sống ở Mỹ. Trong năm 1975 và những năm sau đó, hơn 1 triệu người Việt Nam đã vượt biên bằng đường biển, nhiều người đi bằng thuyền, và phần lớn trong số đó đã tìm đến Mỹ. Nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở Miền Nam, phụ thuộc vào cộng đồng người Việt Nam hải ngoại, với hàng tỷ dollar được gửi về hàng năm cho thân nhân ở Việt Nam. Mối liên hệ giữa con người với con người đã khiến cho chính sách quốc gia trở nên mờ nhạt.
5. Ngày nay, chỉ còn một bộ phận nhỏ người Việt Nam còn lưu giữ ký ức về cuộc chiến tranh. Thập niên 1960, hai miền Nam Bắc Việt Nam đều có số dân chỉ hơn 15 triệu người. Hiện nay, dân số Việt Nam lớn gấp 3 lần con số đó, với khoảng trên 90 triệu. Đây là một quốc gia với dân số trẻ. Nếu xét đến thực tế một người ít nhất phải trên 55 tuổi mới có ký ức đáng kể về cuộc chiến thì tỷ trọng dân số đó là tương đối nhỏ. Có lẽ chỉ khoảng 15% dân số có thể lưu giữ một ký ức sống động.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định là họ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhưng chính sách của họ lại tạo thuận lợi cho đầu tư tư bản từ nước ngoài. Chỉ tính riêng năm 2013, các công ty Việt Nam đã ký kết những hợp đồng lên đến 2,6 tỷ USD để mua động cơ máy bay và tua-bin gió do Hoa Kỳ sản xuất, góp phần tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động Mỹ trong lĩnh vực chế tạo.
7. Ảnh hưởng của phương Tây hiện diện khắp mọi nơi ở Việt Nam. Những cư dân đô thị trẻ tuổi, con trai và con gái của tầng lớp tinh hoa, ngồi chật các các tiệm cà phê và cửa hiệu bán kem, mang theo bên mình những iPhone và iPad, mặc quần bò và áo phông với những dòng chữ Tiếng Anh.
8. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, được dạy ngay từ bậc tiểu học. Người Việt Nam thích luyện Tiếng Anh với người Mỹ.
Và vì thế, sau bấy nhiêu năm, sau bao bom đạn và chết chóc, sau bao nỗi kinh hoàng, đôi khi tôi lại tự vấn: “Vậy thì cuộc chiến kia liên quan đến cái gì nhỉ?” Vâng, nó liên quan đến chủ nghĩa dân tộc và nền độc lập của người Việt Nam. Vâng, đất nước chúng ta đã từng lo sợ trước “hiểm hoạ cộng sản lan rộng”, trước “hiệu ứng domino”. Việt Nam ngày nay có những vấn đề của họ. Nhưng ít nhất thì người Việt Nam cũng tự đưa ra quyết định cho mình.
Tôi cứ nghĩ mãi là giá như chúng ta có thể thua sớm hơn trong cuộc chiến đó. Nếu vậy thì bao nhiêu con người đã có thể tránh khỏi chết chóc?
No comments:
Post a Comment