Wednesday, October 2, 2013

Wall Street Journal: Quan hệ Mỹ-Việt thu hút sự chú ý sau vụ LS Lê Quốc Quân bị kết án

Đại sứ quán Mỹ nhanh chóng ra tuyên bố chỉ trích phán quyết của toà án 

 James Hookway | Associated Press | 2.10.2013 |
Người dịch: Lê Anh Hùng




Lê Quốc Quân, phải, trong phiên toà xử ông ở HN (AP)
Mối quan hệ đang ấm lên của Việt Nam với Hoa Kỳ dường như lại chuẩn bị trải qua một giai đoạn lạnh lẽo sau khi một phiên toà ở Hà Nội kết án một luật sư nhân quyền nổi tiếng từng du học ở Mỹ, một trong những blogger nổi tiếng nhất Việt Nam, 30 tháng tù giam trong một vụ trốn thuế mà đông đảo dư luận cho là mang động cơ chính trị.
Mấy năm gần đây, hai quốc gia cựu thù ngày càng tăng cường quan hệ thương mại và quân sự, mà đỉnh cao là chuyến thăm Nhà Trắng của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang để gặp Tổng thống Barack Obama hồi tháng Bảy.
Tuy nhiên, nhân quyền vẫn tiếp tục làm xói mòn triển vọng về một mối quan hệ rộng hơn, với việc Hoa Kỳ đặc biệt chú ý đến trường hợp Lê Quốc Quân, nhà hoạt động 42 tuổi bị kết án hôm thứ Tư.
Agence France-Presse/Getty Images
Công an mặc thường phục chặn những người phản đối tiếp cận toà án.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nhanh chóng ra tuyên bố sau khi ông Quân bị kết tội, tố cáo Việt Nam sử dụng luật thuế vì mục đích chính trị và hối thúc nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị khác.
“Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại”, toà đại sứ tuyên bố. “Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy thả các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của mình một cách ôn hòa.”
Trong suốt phiên toà, ông Quân luôn khẳng định mình vô tội; ông mô tả mình là nạn nhân của những “âm mưu chính trị” trước khi đường truyền âm thanh dành cho một nhóm phóng viên và nhà ngoại giao bị cắt. “Nếu toà án đại diện cho công lý thì họ sẽ nhận thấy là tôi vô tội,” ông nói.
Chủ toạ phiên toà Lê Thị Hợp nói ông Quân phạm tội trốn 30.000USD thuế doanh nghiệp liên quan đến công ty tư vấn mà ông điều hành ở Hà Nội. Ông bị bắt tháng 12 năm ngoái trong lúc đang đưa con gái đến trường, không lâu sau khi ông đăng một bài viết trên blog cá nhân, chỉ trích sự độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Hà Huy Sơn, luật sư của ông Quân, cho biết thân chủ của ông sẽ kháng án. “Bản thân tôi nhận thấy bằng chứng mà các công tố viên trình bày trước toà không thật sự thuyết phục”, ông Sơn nói.
Phóng viên không thể liên lạc ngay được với các quan chức chính phủ Việt Nam để phỏng vấn.
Đối với Hoa Kỳ cũng như các chính phủ nước ngoài khác, ông Quân đã trở thành một biểu tượng cho số phận của nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam khác, và nhà cầm quyền Việt Nam dường như đã tỏ ra thận trọng trước khả năng phiên toà hôm thứ Tư sẽ thu hút thêm nhiều vụ phản đối. An ninh xung quanh khu vực toà án được thắt chặt, với hàng trăm cảnh sát được triển khai trong khi rất nhiều người ủng hộ ông Quân tập trung gần một nhà thờ Công giáo La Mã, hô vang các khẩu hiệu đòi công lý.
Năm 2013, ít nhất 46 nhà hoạt động, trong đó có nhiều blogger, đã bị tống giam vì phê phán sự lãnh đạo của Đảng CSVN, nhiều hơn con số của cả năm 2012. Tháng Bảy vừa qua, tổ chức Phóng viên Không biên giới nói rằng Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về số blogger đang bị giam giữ. Những người khác cũng từng bị nhắm tới trong các vụ trốn thuế, chẳng hạn như trường hợp Nguyễn Văn Hải, người nổi tiếng hơn với bút danh Điếu Cày, bị kết án năm 2008.
Chính sách đàn áp nêu bật sự quan ngại của các nhà lãnh đạo chuyên quyền ở Việt Nam về Internet. Mức độ thâm nhập Internet đang gia tăng nhanh chóng, với hơn 1/3 dân số Việt Nam sử dụng tiện ích này, một tỷ lệ cao hơn cả Indonesia hay Thái Lan. Những người bất đồng chính kiến đang ngày càng sử dụng Internet để phê phán tình trạng thiếu tôn trọng các quyền dân sự cũng như năng lực quản lý kinh tế yếu kém của chính phủ, một nền kinh tế chỉ mới bắt đầu hồi phục sau hiện tượng nợ xấu tích tụ chồng chất.
Ông Quân quan tâm đến rất nhiều vấn đề; ông thảo luận về những chủ đề mà thường là nằm ngoài phạm vi đưa tin của các phương tiện truyền thông nhà nước, vốn chịu sự kiểm soát ngặt nghèo ở Việt Nam, như nhân quyền hay chính trị.
Năm 2007, ông bị bắt sau khi trở về từ một khoá học bổng tại Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) ở Mỹ, khiến Thượng nghị sỹ John McCain và cựu Ngoại trưởng Madeline Albright lên tiếng yêu cầu phóng thích ông. Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) sau đó tuyên bố ông Quân, người còn là một tín đồ Công giáo, là tù nhân lương tâm, và ông được phóng thích 3 tháng sau đó.
Năm 2011, ông Quân lại bị bắt giữ khi tìm cách quan sát vụ xét xử một nhà bất đồng chính kiến khác, và kể từ đó cáo buộc nhà cầm quyền về việc dàn dựng một chiến dịch đe doạ, mà thường là bạo lực, nhằm vào ông và những người ủng hộ.
Nguồn: Wall Street Journal / Defend the Defenders

No comments:

Post a Comment