Thursday, August 30, 2012

ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG MUỐN BIẾN CÁC ĐỒNG CHÍ CỦA MÌNH THÀNH NHỮNG CÁI MÁY?

Lê Anh Hùng
Hà Nội, 31/8/2012



Ngày 20/8/2012 vừa qua, tại Hội nghị Toàn quốc về Đổi mới Công tác Cán bộ diễn ra ở Tp HCM, TBT Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo:
…Phải xây dựng quy hoạch cán bộ. Nhưng mà chỉ xin nhấn với các đồng chí là đường lối nào thì cán bộ ấy. Đường lối cán bộ phải phục vụ cho đường lối chính trị, phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đường lối chính trị. Trước hết dùng cán bộ phải dùng cán bộ nào? Có theo đường lối chính trị, có theo quan điểm đường lối hay không, hay là cứ nói trái, làm trái? Anh đã thông qua cương lĩnh, thông qua đường lối này rồi mà anh cứ nói khác, làm khác thế mà dùng anh vào đây thì nguy hiểm vô cùng, nhất là ở cấp cao. Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng, phải rất tỉnh táo. Nếu lựa chọn sai, bố trí sai thì thưa các đồng chí, “sai một ly đi một dặm đấy”![i]

Kể từ đầu nhiệm kỳ BCHTW Đảng khoá XI (2011 - 2016) đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đưa Cương lĩnh của Đảng, “lá bùa hộ mạng” cho sự nghiệp chính trị của mình, ra hù doạ thiên hạ theo kiểu như thế. Với học hàm học vị GS-TS như một trí thức chính hiệu, hẳn nhiên ông thừa hiểu rằng nhận thức là cả một quá trình, những gì hôm qua còn được coi là chân lý thì hôm nay lại có thể không còn đúng nữa; ngược lại, những gì mà hôm nay còn bị coi là sai trái, lố bịch thì ngày mai lại có thể trở thành chân lý, được tung hô. 

Triết gia chính trị và nhà kinh tế học người Anh John Stuart Mill (1806-1873), nhà tư tưởng hàng đầu về tự do ở thế kỷ 19, đã viết trong tác phẩm bất hủ Bàn về tự do (On Liberty): “Tư tưởng thời đại giờ đây không còn là một cái gì đó ‘bất khả sai lầm’ so với ý kiến cá nhân nữa – mỗi thời đại đều có nhiều quan điểm mà những thời đại sau lại nhìn nhận không chỉ là sai lầm mà còn ngớ ngẩn; chắc chắn là nhiều quan điểm hiện đang phổ biến sẽ bị những thời đại sau bác bỏ, tương tự như nhiều quan điểm từng phổ biến thì nay đang bị bác bỏ.”[ii]
Giữa lúc Việt Nam đang đứng trước bao thử thách cam go cả bên trong lẫn bên ngoài, cả chính trị - kinh tế - xã hội lẫn an ninh - quốc phòng, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới biến động nhanh chóng và khó lường, đất nước thực sự cần những con người dám nghĩ, dám làm chứ không phải những cái máy chỉ biết nhất nhất làm theo “cương lĩnh” hay “đường lối”. 

Thử hỏi, kể từ khi ra đời năm 1930 cho đến nay, Đảng CSVN đã bao lần phạm phải sai lầm do nhận thức ấu trĩ, duy ý chí và lệch lạc của nó, để rồi bắt cả dân tộc phải trả giá đắt (như cuộc “cải cách ruộng đất” ở miền Bắc từ năm 1953-1956 hay cuộc “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh” ở miền Bắc sau năm 1954 và ở miền Nam sau năm 1975)? 

Nếu mọi “cương lĩnh”, “đường lối” của Đảng đều sáng suốt và đúng đắn thì tại sao Đảng lại phải tiến hành “đổi mới” từ Đại hội VI năm 1986 trong bối cảnh đất nước lâm vào khủng khoảng kinh tế - xã hội trầm trọng; và nếu không có những người “cứ nói trái, làm trái” ở cả miễn Bắc lẫn miền Nam trong những năm đầu thập niên 1980 như lời hù doạ trên đây của ngài TBT thì liệu có cái gọi là “đổi mới” ấy hay không? 

Trước kia, Đảng từng hô hào “Trí-phú-địa-hào/Đào tận gốc, trốc tận rễ”, coi giới tư sản như “kẻ thù không đội trời chung”, nay lại sẵn sàng đưa các ông chủ vào đứng trong hàng ngũ của mình. Đấy chẳng phải là sự thay đổi hoàn toàn về nhận thức hay sao?
Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý. Liệu ai dám khẳng định “Cương lĩnh 2011” của Đảng là tuyệt đối đúng đắn, và nó sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hay thậm chí bị nhân dân vứt vào sọt rác, nhất là khi mà ngay cả bản thân ngài TBT, người một thời từng đứng đầu cái gọi là “Hội đồng Lý luận Trung ương”, vẫn còn chưa mường tượng ra nổi hình hài của “chủ nghĩa cộng sản”, hay thậm chí “chủ nghĩa xã hội”, ở Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào? 

Những ai dám “nói khác, làm khác” với “cương lĩnh” và “đường lối” của Đảng thì bị ngài TBT coi là “nguy hiểm vô cùng”, vậy họ gây “nguy hiểm” cho ai, cho Đảng CSVN, cho đất nước này, hay cho cái ghế của ông? Liệu họ có “nguy hiểm” như những người từng mạnh dạn “xé rào” vào đầu thập niên 1980 hay không? Hay họ “nguy hiểm” như vô số đảng viên vẫn âm thầm làm kinh tế tư nhân suốt một thời gian dài cho đến khi Đảng "ngộ" ra và chính thức “cho phép” đảng viên được làm kinh tế tư nhân tại Đại hội X của Đảng năm 2006?
Nhân đây, thiết tưởng cũng cần nhắc lại một câu chuyện đầy ý vị. Ấy là vào năm 1945, khi quân Tưởng đã kéo vào dày đặc ở miền Bắc và quân Pháp bắt đầu đánh phá ở miền Nam, ông Tố Hữu có dịp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nêu câu hỏi:
-          Thưa Cụ, một bên thì Tây, một bên thì Tàu, bên nào đáng lo hơn?
-          Tây cũng không đáng sợ, Tàu cũng không đáng sợ… Đáng sợ nhất là các chú!”[iii]
Và như lịch sử hiện đại của Việt Nam đã cho chúng ta thấy, một khi những người chịu trách nhiệm lớn lao trước Tổ quốc và nhân dân mà lại đặt quyền lợi của cá nhân, của phe nhóm, hay của một đảng phái, lên trên lợi ích dân tộc thì quả là còn "ĐÁNG SỢ" hơn cả Tây lẫn Tàu và “NGUY HIỂM VÔ CÙNG” cho đất nước./.




Ghi chú:
[i] Từ 4p15 đến 5p05 của bản tin thời sự VTV 19h ngày 20/8/2012.
[ii] Friedrich Hayek: Cuộc đời và tư tưởng, NXB Tri Thức, 6/2007, trang 14. Độc giả có thể tải tác phẩm này về từ đây.
[iii] Hoài Thanh Toàn Tập, tập 4, trang 857.

Monday, August 27, 2012

TRUNG QUỐC GÂY MẤT ĐIỆN DIỆN RỘNG Ở ẤN ĐỘ VÀ TAI HOẠ ĐANG LƠ LỬNG TRÊN ĐẦU CHÚNG TA

Lê Anh Hùng
Hà Nội, 27/8/2012



Báo Người Lao Động ngày 23/8 vừa qua đã đăng một bài viết nóng sốt – “Tình báo Trung Quốc ‘làm mất điện diện rộng ở Ấn Độ’”:
Giới truyền thông Ấn Độ hôm 22-8 rộ lên thông tin hai lần mất điện trên diện rộng – một nửa lãnh thổ Ấn Độ – hồi cuối tháng 7 vừa qua là do bàn tay của tình báo Trung Quốc.
Sau khi điều tra, cơ quan tình báo Ấn Độ phát hiện ra các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc lẫn trong hệ thống điện lưới quốc gia đang "có vấn đề" của Ấn Độ. Hiện tại, các cơ quan chức năng Ấn Độ đang điều tra 2 công ty Ấn Độ đã nhập những linh kiện này từ Trung Quốc.

…Cơ quan tình báo Ấn Độ cáo buộc tình báo Trung Quốc đang lợi dụng các thiết bị phần cứng máy tính và linh kiện bán cho nước này để thu thập các tin tức tình báo, đẩy mạnh các hoạt động tấn công Ấn Độ.
 …“Đến năm 2017, Trung Quốc sẽ trở thành chuyên gia phá hoại bí mật. Việc tình báo Trung Quốc phá hoại hệ thống điện lực của Ấn Độ sẽ làm chậm tốc độ phát triển kinh tế nước này, cản trở triển vọng tăng trưởng của New Delhi”, cơ quan tình báo Ấn Độ nhận định.
Trước đó, ngày 16/7/2012, tờ Vietnamnetđã đăng bài “Trung Quốc theo dõi tới 80% liên lạc của thế giới?”:
Chính phủ Trung Quốc có thể truy cập trên diện rộng đối với 80% liên lạc của thế giới, trao cho họ khả năng tiến hành hoạt động gián điệp công nghiệp từ xa và thậm chí phá hoại về mặt điện tử các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Mỹ và các nước công nghiệp khác.
Các chuyên gia viễn thông nói với trang WND.com rằng Chính phủ Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) sở dĩ có khả năng này là nhờ hai công ty Huawei Technologies và ZTE Corporation.
Các nguồn tin do ông Michael Maloof, từng là nhà phân tích chính sách bảo mật tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dẫn lời nói rằng với khả năng này, người Trung Quốc đang tìm xâm nhập tiếp đối với 20% hoạt động liên lạc còn lại, nhờ những chương trình “cửa sau” được cho là Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho Huawei và ZTE cài đặt trong các thiết bị của họ ở trên 140 quốc gia. Hai công ty này phục vụ 45 trong số 50 nhà điều hành viễn thông lớn nhất thế giới… Hệ quả là, bất cứ thông tin nào đi qua “bất cứ” mạng lưới nào do Huawei trang bị đều không an toàn trừ khi nó được mã hóa bởi quân đội.
Còn báo Thanh Niên ngày 22/7/2012 thì đăng bài “Mối lo ngại từ Huawei”: Một số nước và vùng lãnh thổ đang quan ngại sâu sắc về vấn đề an ninh đối với Huawei (Hoa Vi), nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc. Trong khi đó, hầu hết các nhà mạng đang hoạt động tại VN đều sử dụng thiết bị của Huawei. Bài báo còn cho biết là trong khi những đối thủ chủ yếu của Trung Quốc là Đài Loan, Mỹ và Ấn Độ đều hoặc là cấm hoặc là ngăn chặn các thiết bị mạng của Huawei và ZTE (Trung Quốc) thì các nhà mạng tại Việt Nam (cụ thể ở đây là Mobifone) lại điềm nhiên xem như không có vấn đề gì. Tuy nhiên, bài báo cũng dẫn ý kiến của một chuyên gia viễn thông tại Tp HCM là vấn đề an ninh thông tin mạng cần phải được xem xét nghiêm túc dưới sự chỉ đạo của Chính phủ (như ở Đài Loan, Mỹ hay Ấn Độ), bởi bản thân mỗi nhà mạng chỉ lo hoạt động kinh doanh và đôi khi giá cả lại quyết định việc chọn nhà cung cấp mà không nghĩ đến các vấn đề xa hơn.
Điều mỉa mai ở đây là vị chuyên gia viễn thông kia có lẽ không biết được rằng những người lãnh đạo Chính phủ hiện hành không chỉ đã và đang dâng ngành điện của Việt Nam cho Trung Quốc mà thậm chí còn đẩy nền kinh tế Việt Nam chui đầu ngày càng sâu vào cái vòng thòng lọng của người láng giềng phương Bắc “4 tốt 16 chữ vàng” này.
Những thông tin trên đây hẳn sẽ khiến cho tất cả những ai quan tâm đến vận mệnh nước nhà không khỏi giật mình thon thót. Xem ra cái vòng kim cô mà “bạn” đã “thân ái” đặt lên đầu chúng ta đang siết chặt dần. Liệu “Bắc thuộc” có phải là thực tế không thể tránh khỏi của dân tộc này không? 


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 27.8.2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/08/tu-chuyen-trung-quoc-gay-mat-ien-o-o.html

Saturday, August 25, 2012

VỤ “BẦU KIÊN” RỒI SẼ ĐI ĐẾN ĐÂU?

Lê Anh Hùng
Hà Nội, 26/8/2012



Mấy ngày vừa qua, vụ bắt giữ ông trùm Nguyễn Đức Kiên đang thực sự làm rúng động dư luận trong và ngoài nước. Và với việc blog Quan Làm Báo là nơi đầu tiên công bố thông tin sốt dẻo về vụ bắt giữ, người ta lại càng tin vào những gì mà blog này đã đăng tải kể từ khi nó ra đời vào cuối tháng 5/2012 cho đến nay.
Các bài viết trên Quan Làm Báo phần lớn nhằm mục đích phanh phui những hoạt động mờ ám nhằm thâu tóm ngân hàng và doanh nghiệp, cũng như hành vi lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam, do các nhóm mafia chính trị cấu kết với mafia kinh tế thực hiện dưới sự chỉ đạo và bảo kê của một “ông trùm của những ông trùm” mà blog này không ngần ngại chỉ đích danh.
Những ai tỉnh táo và hiểu biết đều nhận ra rằng vụ việc này thực chất là biểu hiện bên ngoài của tình trạng đấu đá, tranh giành quyền lực dai dẳng ở bên trong giới lãnh đạo chóp bu của Việt Nam; gì chứ riêng chuyện tham nhũng trong giới quan chức lớn bé ở Việt Nam hiện nay thì “lòng vả cũng như lòng sung” cả thôi.
Qua những gì mà blog Quan Làm Báo công bố từ cuối tháng 5/2012 đến nay, và với vụ bắt giữ ông trùm Nguyễn Đức Kiên vừa rồi, lực lượng công an Việt Nam, bằng nghiệp vụ của mình, chắc chắn thừa sức phanh phui ra vụ việc, vạch mặt chỉ tên “bố già” thực sự nào đứng đằng sau các nhóm mafia chính trị - kinh tế vẫn đang lũng đoạn và xâu xé nền kinh tế nước nhà suốt mấy năm qua, mà theo như blog này khẳng định thì đó chính là vị Thủ tướng “xuất sắc nhất Châu Á” kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng! Nếu đúng như vậy thì đây chính là một thời cơ lớn cho đất nước nói chung và cho Đảng CSVN nói riêng để lột xác và hoà mình vào dòng chảy tự do - dân chủ của nhân loại tiến bộ, ngõ hầu đưa đất nước vượt qua những thách thức cam go cả bên trong lẫn bên ngoài hiện nay, bởi không ai khác mà chính thể chế hiện hành mới sinh ra những “Bầu Kiên”, Trầm Bê hay những kẻ đứng đằng sau họ, đồng thời là căn nguyên của tình trạng tụt hậu, rối ren và bế tắc hiện nay của Việt Nam.

Chính phủ khoá XIII ra mắt Quốc hội ngày 3/8/2011.
Ấy vậy nhưng, qua những động thái của giới lãnh đạo xung quanh thời điểm xẩy ra vụ bắt giữ “Bầu Kiên” vừa rồi, xem ra những ai vừa mới kịp nhen lên đôi chút hy vọng thì gần như lại ngay lập tức cảm thấy thất vọng tràn trề. Đầu tiên là phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Toàn quốc về Đổi mới Công tác Cán bộ diễn ra ngày 20/8/2012 ở Tp HCM:
…Phải xây dựng quy hoạch cán bộ. Nhưng mà chỉ xin nhấn với các đồng chí là đường lối nào thì cán bộ ấy. Đường lối cán bộ phải phục vụ cho đường lối chính trị, phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đường lối chính trị. Trước hết dùng cán bộ phải dùng cán bộ nào? Có theo đường lối chính trị, có theo quan điểm đường lối hay không, hay là cứ nói trái, làm trái? Anh đã thông qua cương lĩnh, thông qua đường lối này rồi mà anh cứ nói khác, làm khác thế mà dùng anh vào đây thì nguy hiểm vô cùng, nhất là ở cấp cao. Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng, phải rất tỉnh táo. Nếu lựa chọn sai, bố trí sai thì thưa các đồng chí, “sai một ly đi một dặm đấy”!
Tiếp theo đó là bài viết sáo mòn của CTN Trương Tấn Sang ngày 22/8/2012. Và cuối cùng là “sô diễn” của “danh hài chính trị” Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng ngày 22/8/2012:
…Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo TW Phòng chống Tham nhũng, cũng đánh giá cao Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Thủ tướng CP, khởi tố, điều tra để đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng. Thủ tướng CP yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật tất cả những người, bất cứ ai, có hành vi vi phạm pháp luật, công khai minh bạch, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong cả nước.[1]

TT Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp BCĐ TW về Phòng chống TN ngày 22/8/2012
Xem ra chính tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn” hơn là ý thức về trọng trách trước Tổ quốc và nhân dân mới là động lực chính của những nhân vật chủ chốt đứng đằng sau vụ bắt giữ “Bầu Kiên”. Và rồi khi vở tuồng mang tên “chỉnh đốn Đảng” hạ màn, cả guồng máy chính trị rệu rã hậu “chỉnh đốn” sẽ lại tiếp tục lao vào một vòng xoáy mới, nguy hiểm hơn, để nền kinh tế lại nhanh chóng cho ra đời những Vinashin, Vinalines hay những “Bầu Kiên”, Trầm Bê mới; để “kép chính” trên sân khấu hài chính trị Nguyễn Tấn Dũng lại tiếp tục trình diễn những “sô diễn để đời”; để ngài Chủ tịch nước cứ mỗi dịp Quốc khánh 2/9 lại bâng khuâng tự vấn: "Những gương mặt mà ta đã gặp, những ngôi nhà, góc phố, hàng cây, mỗi ngôi làng, hay thậm chí một tiếng chuông chùa trong đêm, sẽ như thế nào, sẽ ra sao, nếu như không có Ngày Ðộc Lập ấy"; và để đội quân hùng hậu mang tên “đầy tớ của nhân dân” tiếp tục vung vãi những nguồn lực quốc gia vốn đã eo hẹp cho mục tiêu cao cả là biến “Cương lĩnh” hoang đường của ngài GS.TS chuyên ngành "xây dựng Đảng" thành hiện thực./.



[1] Ngay cả trang RFI Tiếng Việt ngày 24/8 cũng đăng bài “Chứng khoán Việt Nam mất hơn 5 tỉ đô la, hệ thống ngân hàng bị đe dọa”, trong đó có đoạn: Ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những người giàu nhất Việt Nam và thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể đã tham gia vào chiến dịch quy mô dọn dẹp các ngân hàng. “Bầu” Kiên, khuôn mặt nổi bật trong giới kinh doanh và bóng đá đã kéo theo nhiều người khi quỵ ngã. Sự thất thế của ông Nguyễn Đức Kiên, theo như một nhà phân tích Việt Nam ở Hà Nội, thì có thể là do đấu đá tranh giành quyền lực ở thượng tầng lãnh đạo.

Friday, August 24, 2012

Trả lời phỏng vấn Radio Chân Trời Mới ngày 22.8.2012


Lê Anh Hùng trả lời phỏng vấn Radio Chân Trời Mới ngày 22.8.2012 về vụ ông bầu Nguyễn Đức Kiên bị bắt:


Wednesday, August 22, 2012

KHỦNG HOẢNG LÃNH ĐẠO HAY CHUYỆN “THỜI THẾ TẠO ANH HÙNG”?

Lê Anh Hùng
Hà Nội, 22/8/2012



Tình hình nỏng bỏng ở Syria đang thu hút sự chú ý đặc biệt của cả thế giới. Đó là thực tế hiển nhiên mà hầu như ai cũng nhận thấy. Song ở đây lại có một sự thật hiển nhiên khác mà không phải ai cũng dễ nhận ra ngay, đó là số phận của đất nước Syria với gần 23 triệu dân kia thực ra lại xoay quanh số phận của một cá nhân: Tổng thống Syria Bashar al-Assad – ông ta là nguyên nhân gây ra cuộc nội chiến, và cũng chính là nút thắt cần phải gỡ để kết thúc cuộc chiến “nồi da xáo thịt” này.
Nhìn rộng ra, tự cổ chí kim, những người có thể tự mình định đoạt số phận của cả một dân tộc, thậm chí làm thay đổi bộ mặt của thế giới, theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, lại không hề thiếu và thời nào cũng có. Hoàng đế Augustus đã thiết lập nên một Đế chế La Mã hùng mạnh kéo dài ngót 15 thế kỷ, từ năm 27 TCN cho đến năm 1453. Cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13, vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn từng chinh phục gần như cả Châu Á lẫn Châu Âu. Học thuyết phi nhân của Karl Marx đã làm thay đổi diện mạo thế giới trong thế kỷ 20, biến nó trở thành thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Những phát minh của Thomas Edison, Albert Einstein, Bill Gates… đã làm thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người dân trên trái đất. Cho đến nay, 24 triệu người dân Bắc Triều Tiên vẫn đang rên xiết dưới chế độ cai trị hà khắc của Kim Jong-un. Ở thái cực ngược lại, hơn 60 triệu người dân Myanmar lại đang hân hoan trước sự chuyển mình nhanh chóng của đất nước theo con đường tự do - dân chủ dưới sự chèo lái của Tổng thống Thein Sein.
Với Việt Nam chúng ta, những chiến công hiển hách hay thời kỳ hoàng kim trong tiến trình lịch sử của dân tộc luôn gắn liền với những nhân vật lịch sử xuất chúng. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… là những tên tuổi đã làm rạng danh non sông đất nước. Ngược lại, những giai đoạn mà Tổ quốc rơi vào tay ngoại bang hay những thời kỳ rối ren, suy vi của nước nhà cũng gắn liền với những nhân vật mà sự ô danh muôn đời không thể gột rửa. Đó là những Lê Ngoạ Triều (nhà Tiền Lê), Dương Tam Kha (nhà Ngô), Trần Nghệ Tông (nhà Trần), Lê Uy Mục, Lê Tương Dực (nhà Lê sơ), Lê Chiêu Thống (nhà Lê trung hưng), v.v.
Sau sự sụp đổ của hệ thống XHCN trên thế giới cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, xu thế tự do - dân chủ bắt đầu thắng thế trên phạm vi toàn cầu. Cùng với sự tiêu vong của các chế độ độc tài toàn trị, các chế độ độc tài cá nhân cũng lần lượt biến mất ở Phillipines, Hàn Quốc, Chi Lê, Indonesia, v.v. Những năm đầu thập niên 2000 lại xuất hiện các cuộc cách mạng sắc màu ở một số quốc gia thuộc Liên bang Soviet cũ và khu vực Balkan. Phong trào dân chủ Mùa Xuân Ả-rập, khởi phát từ cuối năm 2010 đầu năm 2011, đang tạo ra một diện mạo mới cho thế giới Ả-rập và phả hơi nóng vào các chế độ độc tài áp bức còn sót lại trên thế giới.
Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã bộc lộ bản chất bành trướng và hiếu chiến, với tham vọng độc chiếm Biển Đông sau khi đã chiếm gọn Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam, đe doạ hoà bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới, trong đó Việt Nam là đối tượng đầu tiên mà họ cần khuất phục.
Những biến cố bên ngoài nêu trên, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông, những biến chuyến mau lẹ trong lòng xã hội và đà ruỗng mục nhanh chóng của bộ máy cầm quyền ở Việt Nam, đã tạo ra ảnh hưởng rõ rệt lên bầu không khí chính trị trong nước, giữa lúc đất nước dường như đang thiếu một nhà lãnh đạo tầm cỡ và quyết đoán.
Ngày 9/4/2010, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hùng hồn tuyên bố trong cuộc họp báo quốc tế: “Cùng là thành viên của ASEAN và là láng giềng trong khu vực, ASEAN nói chung và VN nói riêng luôn quan tâm theo dõi tình hình phát triển của Myanmar. Tại Hội nghị Cấp cao lần này, ngài Thủ tướng Thein Sein của Myanmar cũng chia sẻ với chúng tôi những diễn biến gần đây ở Myanmar... Chuyến thăm vừa qua của tôi tới Myanmar, ngoài việc trao đổi về hợp tác song phương, tôi với cương vị là chủ tịch ASEAN đã chuyển tới Chính phủ và nhân dân Myanmar thông điệp của ASEAN là mong muốn Myanmar triển khai hiệu quả lộ trình dân chủ vì hòa bình và hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó sớm tập trung ổn định để phát triển đất nước Myanmar.”
Trớ trêu thay, giữa lúc Việt Nam đang bị cộng đồng quốc tế lên án về “thành tích” nhân quyền, từ chuyện bỏ tù người bất đồng chính kiến cho đến chuyện đàn áp thô bạo người biểu tình ôn hoà chống ngoại xâm, thì cả thế giới lại đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trước những gì đang diễn ra ở Myanmar dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein, người chỉ mới hai năm trước còn nhẫn nhịn lắng nghe “thông điệp” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Người xưa có câu “thời thế tạo anh hùng”, phải chăng đất nước chúng ta đang hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” cho một “Thein Sein của Việt Nam”? Quả thực, hơn lúc nào hết, chúng ta đang rất cần một nhà lãnh đạo tầm cỡ, biết đặt Tổ quốc lên trên quyền lợi của cá nhân và phe nhóm, bởi e rằng nếu phải đợi đến lúc “cùng tắc biến, biến tắc thông” như quy luật muôn đời thì cái giá mà đất nước này phải trả sẽ vô cùng lớn, nhất là khi mà Trung Quốc đang chực chờ Việt Nam rơi vào khủng hoảng để nuốt gọn Trường Sa và khống chế hoàn toàn Biển Đông, lối ra chiến lược của dân tộc trong thế kỷ 21./.

Sunday, August 19, 2012

MỘT NỀN KINH TẾ ĐANG TRÊN ĐÀ “HÁN HOÁ”?

Lê Anh Hùng
Hà Nội, 19/8/2012



Trong bài viết trước, tác giả đã trình bày về âm mưu “Hán hoá” ngành điện lực Việt Nam của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trước sự bất lực, nếu không muốn nói là sự dung túng và tiếp tay, của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Qua bài viết này, tác giả muốn vạch trần mưu đồ thâm hiểm của ngài PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải trên bình diện quốc gia, tức là toàn bộ nền kinh tế nước nhà, kèm theo những hệ luỵ khôn lường về an ninh - quốc phòng đối với đất nước.
Một trong những “thành tựu” lớn nhất của Chính phủ Việt Namdưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là tình trạng lệ thuộc kinh tế ngày càng tăng vào Trung Quốc. Dấu hiệu rõ ràng nhất của thực trạng đó chính là mức độ nhập siêu không ngừng tăng lên với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây:
Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu của Việt Nam
giai đoạn 2000 - 2012 (đơn vị: tỷ USD)
(*) Tính đến hết tháng 7/2012.
Biểu đồ trên cho thấy năm 2007 – năm đầu tiên ông Hoàng Trung Hải được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng giao phó chiếc ghế quan trọng thứ 2 trong Chính phủ – là năm chứng kiến sự gia tăng đột biến về giá trị nhập siêu với Trung Quốc, từ 4,1 tỷ USD năm 2006 vọt lên 9 tỷ USD. Liên tiếp những năm sau đó, nhập siêu với Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng ở mức độ đáng báo động. Thậm chí, 7 tháng đầu năm 2012, trong khi nền kinh tế xuất siêu 100 triệu USD thì nhập siêu với Trung Quốc vẫn đạt tới con số 8,3 tỷ USD!
Mặc dù ngay từ năm 2005 đã xuất hiện những lời cảnh báo về tình trạng nhập siêu nói chung và nhập siêu với Trung Quốc nói riêng, cũng như những khuyến nghị hợp lý về giải pháp khắc phục (nhập khẩu máy móc thiết bị từ các nước phát triển thay vì từ những nước có trình độ công nghệ trung bình thấp như Trung Quốc, phát triển công nghiệp phụ trợ, v.v.),[i]song dường như những tiếng nói đó hoàn toàn không lọt vào tai những người có trách nhiệm khi mà tình hình lại diễn ra trái ngược và ngày càng tồi tệ hơn cho nền kinh tế. Dưới đây là những gì đã và đang diễn ra trong thực tế:
…Góp phần lớn nhất vào tình hình (nhập siêu) này là hàng loạt gói thầu mà các công ty Trung Quốc giành được với rất nhiều hợp đồng EPC (Engineering, procurement and construction - Thiết kế, mua sắm và xây dựng). Loại hợp đồng nói trên thường được thực hiện trong lĩnh vực xây dựng các nhà máy điện (của Tập đoàn Điện lực VN), mỏ (như bauxit Tân Rai, Nhân Cơ, đồng của Tập đoàn Than Khoáng sản VN-TKV), hóa chất (phân đạm Hà Bắc), giao thông (như xây dựng, cải tạo đường sá ở TP. Hồ Chí Minh, đường sắt trên cao ở Hà Nội)... qua đó các công ty Trung Quốc nhập từ máy móc, thiết bị, vật liệu, đến sắt thép và thậm chí cả nhân công vào VN. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2010 Việt Nam nhập từ Trung Quốc 20,02 tỉ USD hàng hóa, trong đó các mặt hàng chính gồm: máy móc thiết bị, phụ tùng (22,37%); bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu dệt may, da giày (15,64%); sắt thép, sản phẩm từ sắt thép, kim loại (11,39%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (8,41%); xăng dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm từ dầu mỏ (6,97%); hóa chất, sản phẩm hóa chất (4,56%); chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm (2,9%); phân bón, thuốc trừ sâu (2,25%).[ii]
…Trong khi các nhà thầu nước ngoài khác không đáp ứng được những tiêu chí do chủ đầu tư đề ra, thì các nhà thầu Trung Quốc lại coi đó là "thế mạnh” với hàng loạt các dự án trúng thầu, đặc biệt là các dự án về hạ tầng, về điện, xi măng... Hệ quả từ việc "chấp thuận hết” ấy là hàng loạt dự án trong các năm gần đây bị chậm tiến độ, thậm chí phá sản, gây thiệt hại không thể kiểm đếm. Sự chậm trễ của các dự án kéo theo những thiệt hại khôn lường về đất đai, nhân lực, gây ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế của nhiều ngành nghề, địa phương. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong vòng 10 năm trở lại đây các nhà thầu Trung Quốc luôn thắng thế ở các dự án điện, nhiệt điện, xây lắp, phân bón, hóa chất... Cụ thể, nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu 13 dự án nhiệt điện than (dưới dạng EPC - chìa khóa trao tay), chiếm gần 30% công suất toàn ngành điện. Lĩnh vực xi măng, nhà thầu Trung Quốc trúng tới 49 dự án trên tổng số 62 dự án dây chuyền. Ngành hóa chất, có 6 dự án phân đạm u rê, thì 5 dự án đã thuộc về tổng thầu Trung Quốc. Trong các gói thầu xây lắp, các nhà thầu Trung Quốc thắng thế tới 50% giá trị gói thầu. Ngoài ra là dự án chế biến khoáng sản tại Lâm Đồng, dự án Alumin tại Đắc Nông và hàng trăm dự án vừa và nhỏ ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc, đều do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm.[iii]
…“Chúng ta chọn nhà thầu Trung Quốc vì giá rẻ, nhưng thực ra không hề rẻ mà quá đắt” (ông Nguyễn Trọng Oánh, Chủ tịch HĐQT Công ty Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi).[iv]
…Phân tích của bà Phạm Chi Lan cũng như báo cáo của VEPR (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, lý do quan trọng khiến nhập siêu gia tăng trong những năm gần đây là sự thắng thế liên tục của các nhà thầu Trung Quốc trong các dự án tại Việt Nam. Riêng giai đoạn 2007 - 2010, các doanh nghiệp nước này đã thắng thầu trong ít nhất 5 dự án có tổng vốn đầu tư từ 450 triệu USD trở lên (trong đó có 2 trường hợp vốn trên 2 tỷ USD). Các dự án “ưa thích” của nhà thầu Trung Quốc chủ yếu nằm trong các lĩnh vực công nghiệp thượng nguồn như điện (90% các công trình điện ở Việt Nam hiện nay), khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất, công trình giao thông… Đây chính là lý do khiến máy móc - thiết bị kỹ thuật luôn là một trong những mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc vào Việt Nam. “Điều này bất lợi hơn nhiều so với nhập nguyên phụ liệu, bởi đa phần máy móc nhập từ Trung Quốc không phải công nghệ nguồn, hoặc đã lạc hậu. Các dự án xây dựng cũng hay chậm tiến độ, có hoàn thành thì chất lượng cũng không cao. Rồi chính người Việt lại phải sử dụng những sản phẩm, công nghệ đó”, bà Lan phân tích.[v]
…Hàng tỷ USD doanh thu từ việc cung cấp thiết bị, máy móc, linh kiện phụ trợ trong các dự án công nghiệp sẽ vẫn rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Còn DN Việt Namvừa thiếu sự liên kết, vừa gặp bất lợi từ cơ chế đấu thầu… Ông  Phan Đăng Phong, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, chua xót nói: "Chúng ta đầu tư làm nhà máy điện nhưng rốt cục, lại tạo công ăn việc làm cho người lao động Trung Quốc, tạo lợi nhuận cho ngành sản xuất cơ khí của Trung Quốc".[vi]
…Mặc dù vậy, công nghiệp hỗ trợ vẫn đang còn là khâu yếu của công nghiệp Việt Nam. “Trong lĩnh vực này [công nghiệp hỗ trợ], chúng ta nói khá nhiều nhưng làm được rất ít”. Để minh họa cho thách thức mà công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam gặp phải, ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI) dẫn ví dụ: Năm 2010, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc là 12,7 tỷ USD, nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất chiếm 55-60%, nhóm máy móc thiết bị chiếm 22-25%. Ngành dệt may là một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thì theo Hiệp hội dệt may, trong khi kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay đạt được con số khá ấn tượng là 6,16 tỷ USD nhưng đã phải nhập tới 5,76 tỷ USD nguyên phụ liệu, do đó, giá trị gia tăng tạo được chưa đầy 500 triệu USD.[vii]
Suốt những năm qua, báo chí đã lên tiếng phản ánh rất nhiều nhưng tình hình không những không thay đổi mà thậm chí còn diễn ra ngày một trắng trợn hơn. Đương nhiên, trên “cương vị” Bộ trưởng Công nghiệp (2002–2007) rồi "Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành” (từ năm 2007 đến nay), ông Hoàng Trung Hải là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trước Chính phủ về thực trạng nói trên, còn Thủ tướng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trước Quốc hội và nhân dân.
Trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục nhắm mắt chui đầu ngày càng sâu vào vòng thòng lọng của Trung Quốc thì ở chiều ngược lại, phía “bạn” lại rất “có ý thức” trong việc hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam, hạn chế đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, gia tăng xuất siêu sang Việt Nam, đồng thời đề phòng viễn cảnh tồi tệ nhất trong mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng “môi hở răng lạnh” này:
…Một thực tế khác là các doanh nghiệp Trung Quốc hầu như chỉ thực hiện chiến lược “nhà thầu” chứ rất ngại mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Năm 2011, vốn FDI từ Trung Quốc chỉ đạt hơn 800 triệu USD, đứng thứ 14 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư (số vốn trong 4 năm trước đó cũng chỉ dao động trong khoảng 360 - 570 triệu USD). Số vốn này khó có thể khỏa lấp thâm hụt thương mại nhiều tỷ USD của Việt Namtrên cán cân thanh toán tổng thể với Trung Quốc.[viii]
…Theo thông tin từ các nhà xuất nhập khẩu, gần đây có tình trạng Trung Quốc đóng cửa biên giới với một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam gây ra rất nhiều khó khăn trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp này. Tình trạng này không phải mới xuất hiện mà đã manh nha từ đầu năm 2011 đối với một số mặt hàng như cao su, nông sản, khoáng sản... mới đây nhất là thuỷ sản. Tuy nhiên, nếu như trước đây tình trạng này biểu hiện không rõ ràng thì gần đây, phía Trung Quốc đã bộc lộ rõ ý định hạn chế nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu có nguồn gốc Việt Nam, thay thế bằng nguồn nhập khẩu từ các quốc gia khác… Khoản thâm hụt (thương mại với TQ) này rất khó giảm được do các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc là máy móc thiết bị, linh kiện, phụ tùng và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Ngược lại, xuất khẩu của Việt Namsang Trung Quốc lại chủ yếu là hàng sơ chế như nông sản, thuỷ sản, ngũ cốc, cao su... Như vậy với tốc độ nhập khẩu tăng nhanh, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng bị hạn chế, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam, thâm hụt thương mại song phương với Trung Quốc sẽ ngày càng lớn. Trước mắt, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với Trung Quốc sẽ là những doanh nghiệp trực tiếp gặp khó khăn trong kinh doanh. Trong tương lai, gia tăng thâm hụt thương mại với Trung Quốc có thể gây ra bất ổn về tỷ giá, mất ổn định vĩ mô.[ix]
Như vậy, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là Việt Nam đang ngày càng đánh mất độc lập, tự chủ về kinh tế đối với Trung Quốc, hay chính xác hơn ngày càng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. “Bệnh tòng khẩu nhập”, với kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới gần ¼ tổng kim ngạch nhập khẩu mỗi năm (trong đó phần lớn lại có vấn đề về chất lượng), đây chính là một trong những tác nhân chủ yếu gây ra nhiều căn bệnh trầm kha cho nền kinh tế Việt Nam suốt bao năm qua. Trong khi đó, Trung Quốc đã phòng bị cho kịch bản xấu nhất của mối quan hệ giữa hai nước. Một khi chiến tranh nổ ra (do tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông), chưa xét tới thành bại về mặt quân sự mà chỉ riêng về mặt kinh tế Việt Nam đã phải “lãnh đủ”: xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc, cũng như do mất một thị trường xuất khẩu quan trọng cho các mặt hàng sơ chế; các nhà máy, công trình hạ tầng với máy móc, thiết bị của Trung Quốc và phụ thuộc vào phụ tùng thay thế của Trung Quốc có thể dừng hoạt động vô thời hạn vào bất cứ lúc nào; các công trình hạ tầng, đặc biệt là các nhà máy thuỷ điện, do Trung Quốc trúng thầu thi công ở Việt Nam thực sự là những quả bom nổ chậm, không chỉ đe doạ sự ổn định kinh tế - xã hội mà còn tiềm ẩn những hệ luỵ tai hại về an ninh - quốc phòng. Ở chiều ngược lại, tác hại về mặt kinh tế từ việc ngưng giao thương với Việt Nam sẽ không đáng kể đối với Trung Quốc: họ đã chuẩn bị nguồn cung thay thế nguồn từ Việt Nam như đã nêu trên; xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tuy vượt trội so với nhập khẩu từ Việt Nam song lại chẳng thấm vào đâu so với kim ngạch xuất khẩu khổng lồ của họ; đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc tại Việt Nam – một hình thức “con tin” đáng giá nhằm góp phần đảm bảo cho “tình hữu nghị” của hai quốc gia – lại hết sức khiêm tốn, như đã chỉ ra ở trên. Ngoài ra, hàng ngàn “công nhân” Trung Quốc tại những địa bàn nhạy cảm về an ninh - quốc phòng trên khắp đất nước có thể trở thành lực lượng nằm vùng vô cùng nguy hiểm.

PTT Hoàng Trung Hải tháp tùng TBT Nguyễn Phú Trọng
tới thăm và làm việc với VCCI ngày 17/12/2011.
Về phía người đứng đầu Chính phủ, như để cổ vũ cho cánh tay phải của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công khai phát biểu: "Không nhờ Trung Quốc có máy móc thiết bị rẻ thì Việt Nam chết ấy chứ! Thử xem có anh nào giá rẻ mà chất lượng cũng chấp nhận được bằng anh Trung Quốc không?" (!?).

÷

Mấy ngày gần đây, dư luận trong và ngoài nước lại sôi sục trước thông tin người ta sẽ cắm cọc xuống Hồ Tây để triển khai dự án đường sắt đô thị tuyến số 5, băng qua Hồ Tây và đè lên Phủ Tây Hồ, một địa danh nổi tiếng của Thăng Long:
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi vừa có văn bản giao cho các Sở Quy hoạch kiến trúc, Giao thông vận tải, Xây dựng và Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra, đề xuất và báo cáo với lãnh đạo thành phố phương án xây dựng công trình “Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc - Ba Vì” trước ngày 12/8… Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Giao thông và UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 5) từ Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc - Ba Vì. Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị trên xác định hình thức đầu tư hiệu quả và nguồn vốn thực hiện để trình Thủ tướng xem xét quyết định.[x]

Bản đồ Quy hoạch Hà Nội trưng bày trong cuộc triển lãm khai mạc ngày 20/4/2010 tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ - Hà Nội – phần quy hoạch vạch tuyến đường sắt đô thị số 5 xuyên qua không gian Hồ Tây và Phủ Tây Hồ. (Ảnh: Phạm Viết Đào)
Nếu dự án này được thực hiện thì nó không chỉ phá vỡ cảnh quan của Hồ Tây nói chung, Phủ Tây Hồ nói riêng mà, theo các nhà phong thuỷ, còn phá vỡ cả linh huyệt Hồ Tây và Phủ Tây Hồ, nơi mà mọi người vẫn gọi một cách thành kính huyệt đạo quốc gia. Thiết tưởng cũng cần phải lưu ý rằng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011, với tổng mức đầu tư 533 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD,  tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, nhà thầu tư vấn giám sát thi công và lắp đặt thiết bị là Công ty TNHH Giám sát Xây dựng Viện Nghiên cứu Thiết kế Công trình Đường sắt Bắc Kinh. Đúng là (nhà thầu) Trung Quốc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trên một sân chơi đầy nhạy cảm ngay giữa lòng Thủ đô Việt Nam, trước con mắt xoe tròn và bất lực của 14 vị Uỷ viên Bộ Chính trị, của 175 vị Uỷ viên BCHTW Đảng, của 500 vị Đại biểu Quốc hội… và của cả hàng chục triệu người Việt Nam!? Thậm chí, nhà thầu EPC này còn được người ta chỉ định thầu, chứ chẳng thèm phải tham gia "đấu thầu" làm gì cho phiền phức! Xem ra chỉ có hậu duệ của Tào Tháo thì mới tài đến vậy![xi]

Ai là “sếp” của ai?
Một “thành tích” quan trọng nữa PTT Hoàng Trung Hải là đã nhắm mắt trước tình trạng tài nguyên, khoáng sản (lĩnh vực do ông ta phụ trách) bị cấp phép và khai thác bừa bãi, gây ra tình trạng thất thoát, lãng phí tài nguyên (chủ yếu là xuất thô sang Trung Quốc) và nạn ô nhiễm môi trường đến mức báo động trên khắp đất nước suốt mấy năm qua.[xii] Rồi thực trạng èo uột của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, sự vận hành cà giựt của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hiện tượng bùng nổ gây lãng phí nguồn lực, ô nhiễm môi trường và thất thoát tràn lan của hàng loạt khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, hải cảng, sân bay trên khắp cả nước, v.v., thảy đều cho thấy “dấu ấn” rõ nét của “thợ vẽ kỳ khôi” Hoàng Trung Hải trên bức tranh kinh tế nham nhở của Việt Nam hiện nay. [xiii]

TT Nguyễn Tấn Dũng tiếp UV Quốc Vụ Viện TQ Đới Bình Quốc ngày 7/9/2011.
Với những gì mà tác giả trình bày trên đây, người ta hẳn sẽ không mấy ngạc nhiên nếu biết ông Hoàng Trung Hải thực chất là người Hán trá hình. Điều khiến người ta ngạc nhiên là tại sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đặt cược cả sự nghiệp chính trị của mình và hơn thế, cả sự tồn vong của dân tộc, vào một tay người Hán có lý lịch mờ ám như vậy, nhất là khi mà trước thời điểm Quốc hội khoá XII bầu Chính phủ mới, một số cán bộ, đảng viên thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ đã gửi một bức Tâm Huyết Thư tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng các vị Bí thư Tỉnh/Thành uỷ, Bí thư Ban Cán sự Đảng các Bộ để tố cáo lý lịch man trá của ông ta? Câu hỏi cần đặt ra ở đây là phải chăng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị khống chế và dắt mũi?



Ghi chú:
[i] Báo Tiền Phong ngày 8/9/2005: Cách nào để giảm nhập siêu;
[ii] Trang TuanVietnam.Vietnamnet.vn ngày 3/7/2011: Cần sớm thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế (bài này đã biến mất một cách khó hiểu khỏi trang Tuần Việt Nam của Vietnamnet ngày 18/8/2012, nhưng còn có thể truy cập ở đây: http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phan-tich-du-bao/viet-nam-can-som-thoat-khoi-su-le-thuoc-ve-kinh-te.nd5-dt.145007.113121.html).
[vi] Báo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 8/8/2012: Vuột mất hàng tỷ USD vì công nghiệp phụ trợ kém.
[vii] Tạp chí Phát triển Kinh tế - Đại học Kinh tế Tp HCM ngày 19/8/2011: Phát triển công nghiệp phụ trợ: “Nói khá nhiều, làm rất ít.
[xi] Lời của nhân vật Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao: "Tài thật, tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo!"
[xiii] Theo Quyết định 1476/QĐ-TTg ngày 25/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì PTT Hoàng Trung Hải được giao những nhiệm vụ:
a)   Giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác trong khối kinh tế ngành và phát triển sản xuất bao gồm: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại - xuất nhập khẩu, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường.
-    Chỉ đạo bảo đảm năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
-    Các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia và các dự án nhóm A có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
-    Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.
-    Phát triển các loại hình doanh nghiệp và kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
-    Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) và đầu tư ODA.
-    Công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
b)   Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c)   Làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các Dự án trọng điểm về dầu khí; Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Chủ tịch Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.
d)  Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng.
Ngày 25/3/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 320/QĐ-TTg bổ nhiệm PTT Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư Xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội; ngày 12/9/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 1250/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Trưởng ban là Phó TT Hoàng Trung Hải; ngày 4/5/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 580/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện Hạt nhân Ninh Thuận, Trưởng ban là PTT Hoàng Trung Hải; ngày 15/4/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 546/QĐ-TTg, bổ nhiệm PTT Hoàng Trung Hải làm Chủ tịch Uỷ ban An ninh Hàng không Dân dụng Quốc gia. Ngoài ra PTT Hoàng Trung Hải còn là Trưởng ban Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Thuỷ điện Sơn La; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Xây dựng Nhà Quốc hội; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VI, v.v.



Tuesday, August 14, 2012

ĐIỀU GÌ ĐANG XẨY RA VỚI NGÀNH ĐIỆN LỰC CỦA VIỆT NAM?

Lê Anh Hùng
Hà Nội, 14/8/2012



Giữa lúc tình hình Biển Đông đang ngày một nóng lên và không ai dám loại trừ khả năng một cuộc chiến sẽ xẩy ra trên vùng biển sôi động này[i], những ai quan tâm đến vận mệnh nước nhà hẳn không khỏi giật mình trước thông tin EVN vẫn thản nhiên bỏ ra 50 tỷ VNĐ để thuê chuyên gia, nhà thầu Trung Quốc xử lý sự cố rò rỉ nước qua thân đập chính tại thủy điện Sông Tranh 2, bởi lẽ một khi chiến tranh đã nổ ra thì nó sẽ không còn bó hẹp trong phạm vi Biển Đông nữa. Ngoài vấn đề an ninh năng lượng, những người có trách nhiệm ở EVN dường như lại còn tin tưởng phó thác tính mạng của hàng chục ngàn người dân sinh sống ở vùng hạ lưu nhà máy thuỷ điện này vào tay “bạn vàng”, những kẻ vốn nổi (tai) tiếng về chất lượng công trình ở Việt Nam cũng như những mưu ma chước quỷ ngay cả trong những ngày tháng mặn nồng nhất của cái gọi là “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Điểm lại những diễn biến mấy năm gần đây, người ta dễ có cảm giác là ngành điện lực Việt Nam giống như một cô gái cuồng si, mê muội cứ một hai nhào vô vòng tay đầy lông lá của gã người yêu tráo trở và bất nhân họ Sở:
Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 8/8/2012 đưa tin: “Trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước kêu ca về việc Tập đoàn điện lực (EVN) không mua hết điện trong nước sản xuất thì lượng điện mua từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng và giá mua cũng tăng.”
Báo Tiền Phong ngày 26/7/2012 đăng bài “EVN thích mua điện Trung Quốc giá cao?”: Trong khi ra sức ép các nhà máy thủy điện, thậm chí họ phải chào giá 0 đồng để được chạy máy thì Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lại vác tiền đi mua điện của Trung Quốc với giá cao gấp 2 đến 3 lần.
Báo Công An Nhân Dân ngày 5/5/2012 đăng bài “Mua điện Trung Quốc giá cao hơn trong nước 37%”: Tuy nhiên, vấn đề gây bức xúc trong toàn bộ câu chuyện này là ở chỗ trong khi các nhà máy chịu lỗ, chịu bị cắt giảm công suất vì thừa điện, thì ngược lại chúng ta vẫn phải bỏ ngoại tệ ra để mua điện Trung Quốc với giá cao. Theo các nhà máy phản ánh, trong năm 2011, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc mua điện của Trung Quốc với giá 6,08 cent, tương đương 1.268 đồng/KWh, cao hơn khoảng 37% với giá mua điện trong nước. Chưa kể trong đàm phán mua điện của họ, các điều kiện là hết sức ngặt nghèo, chúng ta bị ép đủ kiểu và luôn treo trên đầu khả năng bị phạt hợp đồng rất lớn.
Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 14/3/2011 đăng bài “Giá mua điện Trung Quốc ngày càng đắt đỏ”, cho thấy cái sự đắt đỏ này không chỉ thể hiện ở giá cả: Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, Việt Nam cũng hứng chịu không ít những khó khăn khi phải phụ thuộc ít nhiều vào đối tác bán điện này. Đơn cử như tháng 3.2010, đúng lúc thuỷ điện miền Bắc sụt giảm trầm trọng thì công ty lưới điện Vân Nam, Trung Quốc lại tạm ngưng cấp điện đường dây 220kV Tân Kiều – Lào Cai và 110kV Hà Khẩu – Lào Cai. Lý do là... để thi công công trình… Trong khi đó, việc mua điện của Trung Quốc phải thực hiện theo hợp đồng thương mại rất chặt chẽ. Chỉ cần sử dụng tăng hay giảm sản lượng điện so với mức đăng ký trong hợp đồng, phía Việt Nam ngay lập tức sẽ bị phía Trung Quốc phạt.
Và đây là nguyên nhân cho thực trạng đáng phải đặt dấu hỏi nói trên: Tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2007 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép mua điện Trung Quốc để cung cấp cho lưới điện trong nước. Không dừng lại ở đó, đầu tháng 9/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải còn giao cho EVN đàm phán để nhập khẩu điện dài hạn từ Trung Quốc; thậm chí, ngài PTT còn chỉ đạo EVN nghiên cứu tính khả thi của quy hoạch đấu nối lưới điện 500KV với Trung Quốc (!?).
Chuyện mua bán điện thành phẩm thì vậy, còn các dự án sản xuất điện thì cũng chẳng khác gì khi mà các nhà thầu Trung Quốc luôn được ưu ái quá mức một cách khó hiểu. Thời gian qua, có tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hoá chất của Việt Nam là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Ngoài việc cung cấp thiết bị và tham gia xử lý sự cố rò rỉ nước qua thân đập chính của nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 2, các nhà thầu Trung Quốc còn trúng thầu hàng loạt dự án thuỷ điện khác, vốn rất nhạy cảm về an ninh - quốc phòng. Các nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu tới 13 dự án nhiệt điện than dưới dạng EPC (chìa khóa trao tay), chiếm gần 30% công suất toàn ngành điện, trong khi họ lại luôn “nổi tiếng” về chất lượng công trình thấp kém và tình trạng chậm tiến độ triền miên: Nhà máy nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng; nhà máy nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng; nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn chậm 28 tháng; nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng; nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 chậm 18 tháng; nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 chậm 24 tháng... (Báo Đại Đoàn Kếtngày 2/3/2012). Trong văn bản kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng CP và Chủ tịch QH ngày 15/9/2011, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chỉ rõ: “Kịch bản chung là các nhà thầu Trung Quốc luôn hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ, chưa nói chất lượng thiết bị của nước này không bằng thiết bị của các nước phát triển. Vì lẽ đó mới dẫn đến việc triển khai các dự án vừa chậm trong xây dựng và cả chậm trong quá trình hoàn chỉnh để đưa dự án vào vận hành.” Với các dự án mà nhà thầu Trung Quốc trúng thầu, họ đều tìm cách đưa ồ ạt người Trung Quốc sang làm, không thuê kỹ sư, công nhân của Việt Nam, không tạo công ăn việc làm cho các địa phương có dự án. Ngoài ra, các dự án điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện sau khi hoàn thành lại phụ thuộc vào công nghệ, thiết bị, vật liệu của Trung Quốc, thường là “chẳng giống ai”.
Thực tế trên đây khiến cho nền kinh tế Việt Namthiệt hại đủ đường, cũng như tiềm ẩn những hệ luỵ khó lường về an ninh - quốc phòng cho đất nước.
Với tư cách là Bộ trưởng Công nghiệp (2002–2007) rồi Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành (từ năm 2007 đến nay), Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch Điện VI (theo Quyết định 1436/QĐ-TTg ngày 24/10/2007 của Thủ tướng CP) rồi Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia (theo Quyết định 2449/QĐ-TTg ngày 26/12/2011 của Thủ tướng CP) thì rõ ràng ngoài Thủ tướng, PTT Hoàng Trung Hải là người phải chịu trách nhiệm cao nhất về thực trạng nêu trên.[ii]



Gần đây, dư luận trong và ngoài nước đang xôn xao về việc ông Phạm Hiện, lão thành cách mạng, tố cáo PTT Hoàng Trung Hải khai man lý lịch, che dấu nguồn gốc Hán của mình. Phần lớn nội dung mà ông Phạm Hiện thể hiện trong đơn tố cáo của mình đều đã được nêu trong bức Tâm Huyết Thư đề ngày 7/5/2007 của một số cán bộ, đảng viên thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng các vị Bí thư Tỉnh/Thành uỷ, Bí thư Ban Cán sự Đảng các Bộ. Qua những gì đã trình bày ở trên, người ta có quyền đặt câu hỏi là phải chăng đấy chính là mấu chốt của vấn đề? Đây là câu hỏi mà ai cũng có thể dễ dàng tự trả lời qua phản ứng của nhà chức trách, nhất là khi đã có hai người công khai đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật là ông Nguyễn Bình Giang, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ, và ông Phạm Hiện, lão thành cách mạng.
Từ trước đến nay, những người gốc Hoa hầu như không có cơ hội mon men đến những vị trí cơ yếu trong bộ máy chính quyền, những vị trí lãnh đạo chủ chốt thì lại càng không bao giờ. Chính vì vậy, dư luận có quyền đặt vấn đề là nếu ông Hoàng Trung Hải đúng là người Hán và ông ta đã khai man lý lịch lý hòng dễ bề luồn sâu leo cao thì tại sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn bất chấp những hệ luỵ khôn lường cho sự an nguy của chế độ và trên hết là cho sự tồn vong của dân tộc (như những lời đề đạt ruột gan của các cán bộ, đảng viên thuộc Ban TCTW, Uỷ ban KTTW và Ban BVCTNB trong bức Tâm Huyết Thư kia) khi nhất quyết đặt ông Hoàng Trung Hải vào chiếc ghế quan trọng thứ hai trong Chính phủ (sau Thủ tướng)[iii] suốt hai khoá liền?




Ghi chú:

[i] Báo điện tử Phụ Nữ Today ngày 8/8/2012 đăng bài “Hơn  100 máy bay Trung Quốc nhằm Biển Đông thẳng tiến”; blog Phạm Viết Đào ngày 12/8/2012 đăng bài “Tin nóng: Máy bay, tên lửa Trung Quốc chuẩn bị ném bom, bắn phá Hà Nội”.
[ii] Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến hiện trạng đáng báo động của ngành điện lực của Việt Nam. Hy vọng là tác giả, với khả năng hạn hẹp của mình, sẽ còn có dịp bàn đến việc ngài Thủ tướng cùng cánh tay phải của ông là PTT Hoàng Trung Hải đã âm mưu đẩy nền kinh tế Việt Nam ngày càng rơi vào vòng thòng lọng của Trung Quốc, kéo theo rất nhiều hệ luỵ về chính trị - xã hội và an ninh - quốc phòng khác, như thế nào.
[iii] Theo Quyết định 1476/QĐ-TTg ngày 25/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì PTT Hoàng Trung Hải được giao những nhiệm vụ:
a)   Giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác trong khối kinh tế ngành và phát triển sản xuất bao gồm: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại - xuất nhập khẩu, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường.
-     Chỉ đạo bảo đảm năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
-    Các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia và các dự án nhóm A có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
-    Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.
-    Phát triển các loại hình doanh nghiệp và kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
-    Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) và đầu tư ODA.
-    Công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
b)   Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c)  Làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các Dự án trọng điểm về dầu khí; Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Chủ tịch Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.
d)   Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng.
Ngày 25/3/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 320/QĐ-TTg bổ nhiệm PTT Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư Xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội; ngày 12/9/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 1250/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Trưởng ban là Phó TT Hoàng Trung Hải; ngày 4/5/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 580/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện Hạt nhân Ninh Thuận, Trưởng ban là PTT Hoàng Trung Hải; ngày 15/4/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 546/QĐ-TTg, bổ nhiệm PTT Hoàng Trung Hải làm Chủ tịch Uỷ ban An ninh Hàng không Dân dụng Quốc gia. Ngoài ra PTT Hoàng Trung Hải còn là Trưởng ban Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Thuỷ điện Sơn La; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Xây dựng Nhà Quốc hội; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VI, v.v.