Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 7/2/2012
Vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đang thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận ở trong cũng như ngoài nước. Những thông tin trên các trang báo cả “lề phải” lẫn “lề trái” cho đến nay về sự thiếu minh bạch trong mục đích thu hồi đất, về sự xuất hiện của các đối tượng giang hồ quản lý khu đầm vừa bị cưỡng chế của anh Vươn và đe doạ các nhà báoi, v.v., khiến ngay cả những người lạc quan nhất hẳn cũng phải đặt câu hỏi: Phải chăng các thế lực xã hội đen đã chi phối một số quan chức chính quyền của xã Vinh Quang, của huyện Tiên Lãng, và thậm chí của cả Tp Hải Phòng?
Tình trạng các thế lực tội phạm có tổ chức thao túng, chi phối và biến các quan chức chính quyền thành công cụ của chúng không phải là hiện tượng hiếm gặp trên thế giới.
Tại Italia, Mafia đã sớm nhúng tay vào chính trị, bằng cách ép buộc cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà chúng ủng hộ. Ngoài ra, các băng nhóm Mafia còn tìm cách mua chuộc, cài cắm và sử dụng các đồng minh của mình trong chính quyền hòng tránh bị truy tố cũng như để trấn áp các đối thủ yếu thế khác.ii
Tại Trung Quốc, khi Chính phủ Trung Quốc quyết định vào năm 1997 về việc đưa Trùng Khánh trở thành đô thị bậc nhất ở Trung Quốc, ngang tầm với Bắc Kinh và Thượng Hải, ngay lập tức Trùng Khánh nhận được hàng loạt ưu đãi của chính phủ thông qua các dự án đầu tư, và chỉ vài năm sau vùng đất với 31 triệu dân này nghiễm nhiên trở thành một đô thị bùng nổ về kinh tế. Sau hơn 10 năm phát triển như vũ bão, Trùng Khánh có nguy cơ rơi vào bế tắc khi lòng dân bất an còn trong bộ máy, tham nhũng cấu kết với các băng nhóm tội phạm hoành hành. Năm 2009, chính quyền thành phố, dưới sự chỉ đạo của tân Bí thư Thành uỷ Bạc Hy Lai, đã mở chiến dịch kép “đả hắc bang” nhằm vào thế giới ngầm và “đả tham nhũng” nhằm vào các quan chức đứng đằng sau thế giới băng đảng ở đây. Kết quả là hơn 3.000 nghi can liên quan đến các băng nhóm xã hội đen bị bắt, trong đó có hơn 200 cán bộ công chức nhà nước, chủ yếu là trong ngành an ninh và tư pháp địa phương, bị điều tra do nhận hối lộ và bảo kê cho các băng nhóm xã hội đen ở thành phố này. Trong đó, đáng chú ý nhất là Văn Cường, nguyên Giám đốc Sở Công an, Giám đốc Sở Tư pháp. Với 17 năm đảm nhiệm các chức vụ trọng yếu trong hệ thống cơ quan công quyền, song Văn Cường đã bất lực trong công tác chống tội phạm, để xã hội đen lộng hành, rồi chính ông ta lại trở thành một mắt xích quan trọng trong các băng nhóm này. Văn Cường đã xưng “huynh đệ” với nhiều băng nhóm ở Trùng Khánh, tạo nên hệ thống “xã hội đen lớn nhất” ở thành phố tự trị này và làm giàu bất chính từ đây.iii
Ở Việt Nam, vụ án Năm Cam từng rúng động dư luận trong và ngoài nước đầu những năm 2000 dường như vẫn còn nguyên tính thời sự. Hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương, trong đó có hai vị Uỷ viên BCH TW Đảng và một vị Phó Viện trưởng Viện KSNDTC, đã dính líu vào hoạt động tội ác của tay trùm xã hội đen khét tiếng này. Với những gì vẫn đang diễn ra trong những năm qua, khó một ai có đủ tự tin để khẳng định rằng hiện nay, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng ở Việt Nam đã giảm bớt so với giai đoạn đầu những năm 2000, nếu không muốn nói là thực tế đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng khoá XI ngày 26/12/2011, TBT Nguyễn Phú Trọng nhận định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng. Rõ ràng, “một bộ phận không nhỏ” quan chức lớn bé ấy, ở mức độ này hay mức độ khác, hoặc là những tội phạm “chưa bị lộ”, hoặc là những kẻ luôn trong tư thế sẵn sàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn (vốn hầu như không phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ nào ngoài chuyện thỉnh thoảng phải “tự phê bình” đằng sau cánh cửa phòng họp đóng kín và giữa các “chiến hữu”) của mình để trục lợi cho cá nhân và phe nhóm. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, họ có xu hướng kết giao với những đối tượng liên quan đến thế giới tội phạm, để rồi bị khống chế và cuối cùng là làm tay sai vô điều kiện cho bọn tội phạm có tổ chức lúc nào không hay. Ngày nay, khi mà những kỹ thuật như ghi âm, quay phim và chụp lén đã phát triển đến mức hết sức tinh vi và tiện dụng, và khi mà trong cuộc sống ngay cả người bình thường cũng “không ai nắm tay được cả ngày” huống hồ là những đối tượng đã suy thoái về đạo đức, đây là chuyện rất dễ xẩy ra. Những dẫn chứng nêu trên chính là bài học nhãn tiền cho những ai vẫn còn tỏ ra quá đỗi ngây thơ và lạc quan.
Hy vọng rằng âm vang từ tiếng mìn tự tạo và đạn hoa cải của anh Vươn sẽ là hồi chuông thức tỉnh cho một hệ thống pháp luật đang ngày càng bị vô hiệu và một đội ngũ quan chức đang ngày càng tha hoá, biến chất.
i Báo Giáo Dục Việt Nam ngày 31/1/2012: “Xã hội đen” được giao quản lý đầm ông Đoàn Văn Vươn? (http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Xa-hoi-den-duoc-giao-quan-ly-dam-ong-Doan-Van-Vuon/103026.gd); Nhà văn Nguyễn Quang Vinh ngày 20/1/2012: Chuyện động trời ở Tiên Lãng – Thông tin lần đầu công bố (http://nguyencuvinh.wordpress.com/2012/01/20/chuy%e1%bb%87n-d%e1%bb%99ng-tr%e1%bb%9di-%e1%bb%9f-tien-lang-thong-tin-l%e1%ba%a7n-d%e1%ba%a7u-cong-b%e1%bb%91/).
iii Theo loạt bài trên báo Tuổi Trẻ tháng 7/2010: Chống tham nhũng trong lòng Trùng Khánh (http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/390785/danh-up-van-cuong.html).
Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 8/2/2012 (http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/vu-oan-van-vuon-nguy-co-toi-pham-thao.html).
No comments:
Post a Comment