Monday, December 5, 2011

TÌNH TRẠNG VÔ PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM HIỆN NAY: CĂN NGUYÊN VÀ THÁCH THỨC CHO BẢN HIẾN PHÁP MỚI

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, ngày 5/12/2011



Trong nhiều niềm hạnh phúc và quyền tự do khác mà
các thần dân của Bệ hạ … được hưởng … không gì mà họ coi
là quý giá và đáng trân trọng hơn điều này – được dẫn dắt và chi
phối bởi một hình thái pháp trị chắc chắn … chứ không phải
bởi bất kỳ một chính thể bất trắc và độc đoán nào.
(Trích Thỉnh Nguyện Thư của Hạ Viện Anh
gửi Vua James I, ngày 7/7/1610.)[1]


Quan sát tình hình đất nước trong nhiều năm qua, người ta hẳn sẽ dễ dàng đi đến nhận định rằng xã hội Việt Nam đang ngày càng rơi vào tình trạng vô pháp luật. Từ Kết luận của Bộ Chính trị là không xử lý kỷ luật một ai trong vụ Vinashin[2]cho đến hình ảnh các chiến sỹ cảnh sát giao thông qua loạt bài Nhức nhối nạn mãi lộ: Ghê hơn cướp cạn[3]của báo Tuổi Trẻ; từ vấn nạn chạy chức, chạy quyền, chạy dự án… cho đến tình trạng chen lấn xô đẩy, chạy ngang chạy tắt trên các đường phố ở các đô thị đông đúc; từ các vụ bắt bớ người biểu tình ôn hoà một cách tuỳ tiện ngay giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến cho đến các vụ quan tỉnh, quan huyện gây ra bao cái chết oan uổng cho những người dân vô tội;[4]từ chuyện ông Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin “dám” phớt lờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong vụ mua tàu Hoa Sen[5]cho đến các vụ khiếu kiện vượt cấp diễn ra trên khắp mọi tỉnh thành, v.v., thảy đều minh chứng cho nhận định đó. Điều đáng nói là với cơ chế kiểm duyệt báo chí ngặt nghèo ở Việt Nam, những hiện tượng mà báo chí đưa tin công khai như thế mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và tình hình xem ra đã đến hồi vô phương cứu chữa.
Pháp luật là một cơ chế cưỡng bách của xã hội, bao gồm các quy tắc điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể khác nhau trong xã hội. Pháp luật do những người đại diện chính trị, vốn được lựa chọn thông qua một quy trình chính trị, soạn ra và áp đặt từ trên xuống. (Chẳng hạn như ở Việt Nam, Quốc Hội soạn thảo Hiến pháp và các đạo luật; Chính phủ, các bộ ngành và các tỉnh thành ban hành các văn bản dưới luật; các đạo luật và văn bản dưới luật này được áp đặt và giám sát việc thực hiện bởi một bộ máy cưỡng bách từ trên xuống gồm lực lượng Công an cùng hệ thống Viện Kiểm sát Nhân dân và Toà án Nhân dân.) Chính vì thế, một khi hệ thống pháp luật của một quốc gia có vấn đề thì điều đó có nghĩa là vấn đề ấy bắt nguồn từ trên xuống, chứ không phải là từ dưới lên. Ông cha ta thường nói “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” hay “Nhà dột từ nóc” là vì vậy.

Xã hội Việt Nam suốt mấy chục năm qua vẫn tồn tại một loại chủ thể điều khiển các cơ quan công quyền nhưng lại nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Căn cứ duy nhất cho “sự lãnh đạo của Đảng” chỉ là vỏn vẹn mấy dòng trong Điều 4 của Hiến pháp 1992: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Trong bối cảnh mà Đại hội Đảng các cấp cứ 5 năm mới diễn ra một lần để bầu ra các ban chấp hành (Ban Chấp hành TW Đảng hoặc ban chấp hành đảng bộ địa phương, tức là các cấp uỷ) và các cấp uỷ này mỗi năm lại chỉ nhóm họp hai lần với dăm ba ngày mỗi lần chủ yếu chỉ để “thông qua” những nghị quyết mà các ban thường vụ cấp uỷ soạn sẵn thì cụm từ “Đảng Cộng sản Việt Nam” chung chung và trừu tượng kia thực chất là Bộ Chính trị ở Trung ương và các ban thường vụ tỉnh uỷ, huyện uỷ… ở địa phương. Bộ Chính trị và ban thường vụ cấp uỷ các cấp thường xuyên vin vào câu khẩu hiệu “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng” để biện minh cho việc can thiệp độc đoán và vô pháp luật vào các cơ quan công quyền hay vào cánh tay nối dài của Đảng như các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, v.v., mà Kết luận của Bộ Chính trị trên đây là một ví dụ điển hình. Nó không tuân theo bất kỳ một quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật nào nhưng “hiệu lực” của nó thì khỏi phải bàn cãi, ngay cả Quốc Hội, “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, cũng chỉ biết im lặng mà phục tùng.

Theo khoản 1, Điều 5 của Luật Công an Nhân dân hiện hành thì “Công an Nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Như vậy, lực lượng nòng cốt để bảo vệ pháp luật trên thực tế hoàn toàn nằm trong tay Bộ Chính trị và ban thường vụ tỉnh uỷ, huyện uỷ. Lực lượng Công an rõ ràng là cũng tuân theo pháp luật nhưng “pháp luật” ở Việt Nam “khác hẳn về bản chất với các nước tư bản xấu xa” là ở chỗ đó và “sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình” của Đảng cũng nằm ở chỗ đó. Tham nhũng bắt nguồn từ quyền lực, trong khi quyền lực Nhà nước ở Việt Nam lại không phải thuộc về “nhân dân” mà bị Đảng Cộng sản Việt Nam cưỡng đoạt như đã nói ở trên cũng như qua cơ chế “Đảng cử, dân bầu” từ trước đến nay. “Dao sắc không gọt được chuôi”, Bộ Chính trị và các ban thường vụ tỉnh uỷ, huyện uỷ kia dứt khoát là không bao giờ muốn dùng pháp luật để tự “xử” mình cả.

Người ta đánh giá rằng nếu thiếu thái độ tuân thủ tự phát thì vào bất cứ thời điểm nào chính phủ cũng chỉ có thể áp đặt nhiều lắm là từ 3 đến 7% toàn bộ quy chuẩn pháp lý thông qua hình thức cưỡng bách (Institutional Economics: Social Order and Public Policy, Wolfgang Kasper & Manfred E. Streit, NXB Edward Elgar, Anh, 1999, trang 139).[6]Ở một nước có nền dân chủ “khác hẳn về bản chất và thua ta đến một vạn lần”[7]như Mỹ, hình ảnh một người dân nhẫn nại chờ đèn đỏ một mình trong đêm hôm khuya khoắt là điều bình thường, chứ ở Việt Nam ai mà làm thế thì sẽ bị coi là “có vấn đề” hay thậm chí bị chửi là “đồ ngu” ngay.[8]Rõ ràng là không một quốc gia nào trên thế giới có thể nuôi nổi một lực lượng cảnh sát giao thông đủ để rải khắp mọi nẻo đường và đóng chốt ở mọi giao lộ. Song điều mà mọi quốc gia đều có thể làm được là tạo ra thái độ tự giác tuân thủ pháp luật hay ý thức chấp hành pháp luật trong mỗi người dân. Và, tương tự như sự ra đời và sự áp đặt của pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật đó cũng phải được tạo ra trong xã hội theo hướng từ trên xuống, tức là từ thượng tầng chính trị của xã hội trở xuống.

Như vậy, nhà chức trách và các cơ quan báo chí ở Việt Nam không thể cứ một hai đổ vấy cho cái mà họ gọi là “ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông” hay “ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng” khi đứng trước những bài toán nan giải như tình trạng ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hay thảm cảnh bao cánh rừng đang ngày đêm bị triệt hạ trên khắp đất nước. Câu hỏi đặt ra ở đây là ai dám khẳng định là cần bao nhiêu kiểm lâm viên để có thể chấm dứt tình trạng mạch nguồn của đất nước đang hàng ngày hàng giờ bị tàn phá kia? Tương tự, liệu bao nhiêu thanh tra viên vệ sinh - an toàn thực phẩm thì sẽ giải quyết được tình trạng mất vệ sinh - an toàn thực phẩm vốn đang ở mức báo động và vẫn ngày ngày gieo rắc mầm độc làm suy thoái giống nòi trên khắp mọi miền đất nước? Rồi các cây xăng gian lận, hàng giả hàng nhái, thuốc tân dược giả, bằng cấp giả, cùng bao nhiêu vấn nạn xã hội khác nữa, vân vân và vân vân, liệu bộ máy công quyền phải phình thêm bao nhiêu “biên chế” nữa thì mới đủ sức ngăn chặn những hiện tượng nhan nhản như thế trong xã hội Việt Nam hiện nay?

Thực trạng vô pháp luật ở Việt Nam hiện đã trở thành căn bệnh trầm kha; thể chế chính trị hiện hành không những không ngăn chặn được mà ngược lại, đang khiến cho nó ngày một trầm trọng hơn. Nó khiến cho nền kinh tế suy đốn, tham nhũng tràn lan, tội phạm nhan nhản, môi trường bị tàn phá từng ngày, đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, đời sống của đại bộ phận dân chúng ngày càng khó khăn trong khi một nhóm nhỏ lại giàu lên nhanh chóng một cách bất công. Nó bắt nguồn từ thượng tầng chính trị và chỉ có thể được giải quyết ở thượng tầng chính trị. Điều này đòi hỏi một cuộc cải cách thể chế sâu rộng từ trên xuống chứ không phải là những màn bịp bợm trơ trẽn như một cuộc vận động “học tập và làm theo” một “tấm gương đạo đức” nào đó. Đây là thách thức lớn lao mà lịch sử đặt ra cho những người chịu trách nhiệm soạn thảo bản hiến pháp sắp tới của đất nước. Hiến pháp mới cần phải xuất phát từ thực tế của nước nhà, với một tầm nhìn dài hạn, thể hiện bản lĩnh, tầm vóc và liêm sỷ của một dân tộc bốn ngàn năm văn hiến, chứ không phải bám sát bất kỳ một “Cương lĩnh” viễn vông nào hay một thứ chủ thuyết phi nhân và phi thực tế nào cả.

Trở lại với vai trò của Quốc Hội, thiển nghĩ nếu “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam” mà không biết làm gì hơn trước tình hình nóng bỏng hiện nay của đất nước thì có lẽ là hãy nên bắt chước Hạ Viện Anh cách đây hơn bốn thế kỷ để thảo một bức thỉnh nguyện thư gửi Bộ Chính trị, “vị vua tập thể”[9]của “thời đại Hồ Chí Minh”, và đề đạt lời thỉnh cầu khẩn thiết của cả một dân tộc về mộthình thái pháp trị chắc chắn chứ không phải bất kỳ một chính thể bất trắc và độc đoán nào cho đất nước này vậy. Ôi, mong lắm thay!./.


Ghi chú:

1 Institutional Economics: Social Order and Public Policy, Wolfgang Kasper & Manfred E. Streit, NXB Edward Elgar, Anh, 1999, trang 134.
2 Báo Dân Trí ngày 21/3/2011: Vụ Vinashin: Bộ Chính trị quyết định không xử lý kỷ luật (http://dantri.com.vn/c20/s20-466074/Vu-Vinashin-Bo-Chinh-tri-quyet-dinh-khong-xu-ly-ky-luat.htm).
4 Báo Người Lao Động ngày 18/11/2011: Vợ anh Nguyễn Công Nhựt: Mong tìm ra sự thật (http://nld.com.vn/2011111711475549p0c1019/vo-anh-nguyen-cong-nhut-mong-tim-ra-su-that.htm); báo Dân Việt ngày 25/10/2011: Vụ “nhậu trên sông”: Gia đình cô gái chết thảm kiến nghị điều tra lại (http://danviet.vn/63037p1c24/vu-nhau-tren-song-gia-dinh-co-gai-chet-tham-kien-nghi-dieu-tra-lai.htm).
5 Báo Dân Trí ngày 18/11/2011: Truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin và 8 thuộc cấp
6 Tôi đã dịch hoàn chỉnh tác phẩm này sang Tiếng Việt vào tháng 10/2011, với tựa đề Kinh tế học thể chế: Trật tự xã hội và chính sách công. Quý vị độc giả nào quan tâm xin vui lòng liên hệ với tôi qua địa chỉ lehunglpa@yahoo.com, tôi rất hân hạnh được gửi tặng quý vị.
7 Theo lời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trên báo Nhân Dân ngày 5/11/2011: Vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới
8 Báo VTC ngày 24/10/2011: Bộ trưởng, VFF và cái điếu cày (http://vtc.vn/thethao/603-306670/the-thao/ban-tra-quan-nuoc/bo-truong-vff-va-cai-dieu-cay.htm).
9 Báo Vietnamnet ngày 6/12/2010: Nguyên Chủ tịch Quốc hội bàn về phương thức cầm quyền của Đảng (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-05-nguyen-chu-tich-quoc-hoi-ban-ve-phuong-thuc-cam-quyen-cua-dang).   


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 5/12/2011: http://boxitvn.blogspot.com/2011/12/tinh-trang-vo-phap-luat-o-viet-nam-hien.html.

1 comment:

  1. luat con c gi o vn.... viet nam chi co luat rung... luat viet cong muon lam gi thi dat ra luat

    ReplyDelete