Monday, November 28, 2011

CƠN CUỒNG NỘ CỦA CÔNG LÝ

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 28/11/2011




Tôi từng xem một bộ phim Hồng Kông lâu lắm rồi mà dù không còn nhớ nội dung nhưng đoạn kết của nó thì tôi vẫn nhớ mãi. Một tên trùm vốn gây nhiều nợ máu, trong màn showdown với một nạn nhân của mình ở cuối bộ phim, đã thoát khỏi bị trừng phạt khi cảnh sát xuất hiện và khống chế kẻ mà hắn ta đã gieo rắc nhiều chết chóc cho người thân vào đúng lúc anh này sắp sửa bắt hắn phải đền tội. Bỗng dưng thoát chết trong gang tấc, cứ tưởng rồi sẽ như những lần trước, hắn ta hớn hở cười vang, chế nhạo và thách thức nạn nhân của mình, người lúc này đang bị cảnh sát khống chế, giơ hai tay lên trời nhưng trên tay phải vẫn còn cầm khẩu súng. Bất thần, anh quay phắt lại và nã liền mấy phát vào tên trùm nhiều nợ máu kia. Cuốn phim kết thúc vào đúng khoảnh khắc đó.
Chàng trai kia rõ ràng là sẽ bị đưa ra toà với hành vi của mình nhưng một khi đã xem từ đầu đến cuối bộ phim thì hẳn ai cũng đồng lòng với hành động bột phát của anh (nếu không như vậy thì còn gì là phim!). Pháp luật không thiếu kẻ hở để những kẻ có tiền và quyền thế có thể lợi dụng và hành động của anh chính là cơn cuồng nộ nhân danh công lý. Dù phải trả một cái giá nhưng chắc rằng anh sẽ chẳng hối tiếc với hành động của mình.

Sau cái chết nhục nhã và thê thảm của Gaddafi, nhiều người trên thế giới và cả ở Việt Nam đã lên án hành vi sát hại tù binh của lực lượng nổi dậy ở Libya. Tuy nhiên, những ai hiểu rõ tội ác man rợ chồng chất của nhà độc tài này thật khó mà không bày tỏ thái độ cảm thông trước hành động bột phát của chiến binh trẻ tuổi kia. Anh đã thay mặt các nạn nhân khác của Gaddafi thực thi công lý đối với ông ta, kẻ đã gieo rắc bao tội ác và khước từ công lý đối với hàng triệu đồng bào của mình. Điều phải đến đã đến và người chiến binh kia, mà anh ta và thân nhân của mình chắc chắn từng là nạn nhân của chế độ độc tài tàn bạo Gaddafi, đơn giản là đóng vai kẻ thực thi công lý. Và nếu không phải anh ta thì trong đám chiến binh cuồng nộ kia ắt sẽ có người khác làm điều đó.

Dư luận Việt Nam gần đây xôn xao về sự kiện “viết lại cổ tích” liên quan đến đoạn kết của câu chuyện Tấm Cám. Nhiều người phê phán rằng Tấm quá độc ác khi thực hiện hành vi trả thù man rợ đối với Cám và mụ gì ghẻ. Người ta quên mất rằng trước sự trâng tráo và lỳ lợm của cái ác, hành động của Tấm là một cách cực chẳng đã để chấm dứt cái ác. Cái kết của câu chuyện cho thấy nạn nhân của cái ác, sau khi bị vùi dập hết lần này đến lần khác, đã vùng lên để thực thi công lý và bảo vệ chính mình. Đó tuy là hành động của cô Tấm nhưng lại thể hiện cơn cuồng nộ nhân danh công lý của nhân dân trước cái ác.

Chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trước sau gì chế độ này cũng sụp đổ, đó là viễn cảnh mà ai cũng có thể nhìn thấy trước. Một mặt, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa muốn đi những bước tuần tự trên lộ trình hướng tới một nền dân chủ đích thực nhằm tránh một sự sụp đổ đột ngột gây nhiều tang thương và hỗn loạn kéo dài như đã từng xẩy ra ở Liên bang Soviet và vài quốc gia Đông Âu. Mặt khác, các nhà lãnh đạo Đảng lại cố tìm mọi cách hòng đẩy lùi quá trình dân chủ hoá đất nước, dập tắt mọi mầm mống dân chủ trong nước như kiểm duyệt báo chí gắt gao, đàn áp những tiếng nói dân chủ và những người bất đồng chính kiến, phớt lờ việc thông qua các đạo luật mà Hiến pháp đã quy định như Luật Lập hội, Luật biểu tình, v.v, khiến cho đất nước ngày càng lún sâu vào thảm trạng về chính trị - kinh tế - xã hội.

Sự mâu thuẫn này thể hiện qua việc Luật Biểu tình được đưa vào chương trình soạn thảo luật của Quốc Hội khoá XIII theo “sáng kiến” của Thủ tướng nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội lại chỉ đưa vào “danh sách dự bị”, rồi mới đây ông nghị Hoàng Hữu Phước lại còn diễn thuyết hùng hồn trước Quốc Hội là đề nghị loại luật này và Luật Lập hội ra khỏi chương trình làm luật của Quốc Hội khoá XIII. (Các đại biểu ngoài Đảng tự ứng cử và lọt qua được các vòng “hiệp thương” gắt gao của Mặt trận Tổ quốc phần lớn đều là những dân vật “dễ bảo”, nhiều khi còn ngu ngơ, như ông nghị Nguyễn Minh Hồng chẳng hạn, nên thiết tưởng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ông Phước lại phát biểu hàm hồ như thế. Một kẻ cơ hội như ông Hoàng Hữu Phước – thể hiện qua blog cá nhân của ông ta [http://hhphuoc.blog.com] – chắc chắn là chẳng dại gì mà phản bác “sáng kiến” của Thủ tướng nếu không do thế lực nào đó sai khiến.)

Không ai thay đổi được quá khứ nhưng lại có thể lựa chọn được tương lai. Hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Đảng không cố chọn cho mình một kết cục trong tương lai mà cả họ và dân tộc Việt Nam đều phải trả giá đắt. Gieo gió ắt gặt bão. Ông Gaddafi có thể hoang tưởng về bản thân và chế độ của ông ta chứ các nhà lãnh đạo ở Việt Nam chắc chắn không ngu muội đến mức đó. Họ hoàn toàn ý thức được những gì họ đã và đang gây ra cho đất nước này. Và một khi điều tất yếu phải đến thì e rằng chính họ sẽ phải hứng chịu cơn cuồng nộ của công lý mà những người dân vốn phải chịu nhiều áp bức và bất công sẽ tự ra tay thực thi trước khi chờ đến bất kỳ một “quy trình pháp lý” nào./.


Bài đã đăng trên Dân Luận ngày 28/11/2011 (http://danluan.org/node/10708).

No comments:

Post a Comment