Wednesday, December 6, 2017

Cải cách kinh tế và xung đột lợi ích ở Việt Nam

Lê Anh Hùng | VOA| 7.12.2017



Tại hội nghị tổng kết ngành tài chính ngày 6/1/2017, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra những cảnh báo về thực trạng nền tài khoá quốc gia: “Chi thường xuyên tăng rất nhanh khiến ngân sách căng thẳng”,  “Nợ công theo báo cáo sát trần nhưng nếu tính đầy đủ thì vượt trần cho phép”, và đặc biệt là “[…] nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”.
Thực trạng trên khiến người ta không khỏi liên tưởng tới bối cảnh đất nước trước thềm Đại hội VI năm 1986: hệ thống hiện hành đang ở vào thế tựa chân tường, không còn cách nào khác hơn là phải cải cách, và không có lý do gì để trì hoãn cải cách. Bản thân người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động và phục vụ. Điều này đồng nghĩa với việc phải hạn chế tối đa và tiến tới cơ bản chấm dứt hoạt động kinh doanh của chính phủ, bởi đó không phải là chức năng của một chính phủ như thế. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại không hề đơn giản.

Từ chuyện quân đội làm kinh tế…
Một trong những tín hiệu cải cách đáng chú ý là tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TP HCM sáng 23/6, Thượng tướng/Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm đã phát biểu: “Hiện nay đã có một chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, mà tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển ra bên ngoài.”
Những hệ luỵ của việc quân đội làm kinh tế đã được dư luận nói đến quá nhiều: bên trong thì nó làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội, còn bên ngoài thì nó khiến cho nền kinh tế mất đi tính cạnh tranh, động lực quan trọng nhất giúp cho kinh tế nước nhà phát triển lành mạnh, bền vững.
Phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm vì thế được dư luận rất hoan nghênh, đặc biệt là trong bối cảnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đối tượng tác chiến gần như duy nhất của quân đội Việt Nam, đã bị cấm tham gia hoạt động kinh tế từ năm 1998, và đến tháng 11/2015 thì ngay cả các hoạt động cung cấp dịch vụ dân sinh cũng bị cấm nốt.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chưa đầy nửa tháng sau, ngày 12/7, tại buổi làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã phán một câu xanh rờn: “Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắn!”
Và trước một bầu đoàn hùng hậu gồm một Đại tướng/Bộ trưởng Quốc phòng, hai Thượng tướng/Thứ trưởng Quốc phòng, một Chuẩn đô đốc/Tư lệnh Hải quân, một Trung tướng/Tư lệnh Quân khu cùng Chủ tịch UBND TP HCM, Chuẩn Đô đốc/TGĐ Tân Cảng Sài Gòn Nguyễn Đăng Nghiêm đã trịnh trọng phát biểu:
“Đến nay có thể khẳng định một điều, chúng tôi từ khu vực quân sự chuyển sang kinh doanh đã trở thành những người lính trên mặt trận kinh tế.”
Đó là thực tế mà viên Chuẩn Đô đốc cùng đội ngũ tướng lĩnh hùng hậu bậc nhất thế giới của Việt Nam dường như rất lấy làm tự hào, còn công chúng thì hẳn khó tránh khỏi cảm giác chua chát, khi thấy Hải quân Nhân dân Việt Nam xem ra không còn tha thiết gì với nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ biển đảo quốc gia nữa.
Đến ngày 14/11, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, chính Thượng tướng Lê Chiêm lại quả quyết: “Không những cần duy trì quân đội làm kinh tế mà còn phải đẩy mạnh!”
Và tại phiên thảo luận về dự án Luật Quốc phòng sửa đổi diễn ra sáng 24/11, đội ngũ tướng lĩnh hùng hậu hiện diện trong Quốc hội lại đòi “thể chế hoá” vấn đề quân đội làm kinh tế. Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, cho rằng việc quân đội làm kinh tế sẽ làm “gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thì khẳng định: “Quy định Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013.”
…đến việc cổ phần hoá DNNN và thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp
Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp là đòi hỏi bức thiết nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
Ngoài lý do nêu trên, cổ phần hoá DNNN trong năm 2017 còn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng bởi đến năm 2018, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ đánh giá xem Việt Nam đã hội đủ những điều kiện của một nền kinh tế thị trường hay chưa, đặc biệt là việc cải cách các thể chế kinh tế, nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Theo kế hoạch mà Chính phủ phê duyệt, năm 2017 số DNNN phải cổ phần hoá là 44. Tuy nhiên, chương trình thời sự VTV 19h ngày 3/12 lại cho biết là mặc dù đã qua 11 tháng nhưng số DN được cổ phần hoá mới chỉ là 21. Trong vòng một tháng nữa phải hoàn thành cổ phần hoá hơn một nửa số DN còn lại – một nhiệm vụ hầu như bất khả thi.
Còn việc thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp thì sao?
Xin thưa, đích thân Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trả lời câu hỏi đó tại phiên thảo luận tổ của các ĐBQH ngày 24/10 vừa qua: “Bán hết vốn Nhà nước, nhiệm kỳ sau lấy gì mà tiêu?”
Đâu là nguyên do?
“Gang không mật mỡ, kiến bò chi.” Điều đó giải thích cho lý do tại sao việc cải cách trong khu vực DNNN lại khó khăn đến vậy.
Vì “mật mỡ” trong các doanh nghiệp quân đội nên các quan chức quốc phòng đã chơi trò “lập lờ đánh lận con đen” giữa khái niệm “làm kinh tế” theo nghĩa “tăng gia sản xuất” (điều nên khuyến khích) với “làm kinh tế” theo nghĩa kinh doanh (điều cần phải nghiêm cấm).
Thật mỉa mai, tuy viện lý do là “thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng” nhưng họ lại không chỉ vứt cả một nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào sọt rác, mà thậm chí là làm trái hoàn toàn với nghị quyết còn hiệu lực đó.  
Hội nghị Trung ương 4 khóa X hạ tuần tháng 1 năm 2007 đã quyết nghị việc chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần thuộc các cơ quan đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội sang các cơ quan nhà nước quản lý từ năm 2007.
Vậy nhưng kể từ đó đến nay, các doanh nghiệp quân đội không những không được chuyển sang cho các cơ quan dân sự quản lý, mà còn không ngừng phình ra về cả về quy mô lẫn số lượng, trở thành một nền kinh tế có quy mô suýt soát bằng GDP của Campuchia, hay 1,5 lần GDP của Lào.
Quân đội vốn là một nhóm lợi ích lâu đời và luôn nhận được chế độ đãi ngộ đặc biệt, đằng sau họ lại có sự hậu thuẫn của Tổng Bí thư kiêm Bí thư Quân uỷ Trung ương, nên không có gì lạ khi họ quyết liệt bảo vệ lợi ích của mình bất chấp lợi ích của đất nước.
Lý do bên ngoài của việc chậm trễ cổ phần hoá DNNN thì nhiều, nhưng bên trong thì hầu như chỉ có một: đó là sự sự níu kéo của những tổ chức, cá nhân có lợi ích gắn liền với doanh nghiệp được CPH.
Vậy còn động cơ đằng sau câu phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước là gì? Câu trả lời cũng là lợi ích nốt.
Theo Luật Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước được quyền kiểm toán các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước. Và kiểm toán doanh nghiệp thì lại là nhiệm vụ nhiều “mật mỡ” nhất trong các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Thế cho nên, câu phát ngôn của người đứng đầu cơ quan kiểm toán nhà nước cần được hiểu là: “Bán hết vốn nhà nước thì lấy gì mà ‘kiểm toán’ đây?”
Ai đó có thể “thắc mắc” rằng Kiểm toán Nhà nước chỉ là một cơ quan ngang bộ, còn Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ là một Uỷ viên Trung ương Đảng, sao ông ta dám “cả gan” công khai chống lại một chủ trương đúng đắn và đặc biệt là rất cần thiết của Chính phủ?  
Câu trả lời ở đây là, theo Luật Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước là một cơ quan trực thuộc Quốc hội, còn Tổng Kiểm toán Nhà nước thì do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng nói: “Mọi cuộc cải cách đều khó khăn, càng gặp kháng cự, càng cho thấy cuộc cải cách đó là cải cách thực sự.”
Vậy nên, trong giai đoạn quyết định hiện nay, những người thực tâm chủ trương cải cách vì nước, vì dân cần phải quyết đoán hơn nữa. Sau lưng họ là 90 triệu đồng bào đang từng ngày từng giờ mong chờ sự thay đổi đến với một đất nước không chỉ đã nếm trải quá nhiều đau thương với hệ thống hiện hành, mà còn đang đứng trước hiểm hoạ Đại Hán ngày một hiện lên lồ lộ.

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA

1 comment: