Wednesday, July 26, 2017

Ai đứng sau ‘kẻ huỷ diệt thiên nhiên’ Sun Group?

Lê Anh Hùng | Việt Nam Thời Báo



Vài năm trở lại đây, Sun Group đã trở thành một hiện tượng đình đám trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và bất động sản cao cấp. Các dự án của tập đoàn này đều rất hoành tráng, với quy mô từ hàng nghìn tỷ VNĐ trở lên, trong đó có những dự án được trao giải thưởng quốc tế và lập nên những kỷ lục thế giới. Sun Group đã trở thành một thương hiệu được tầng lớp thượng lưu, giới nhà giàu mới nổi ở Việt Nam ưa chuộng.
Tuy nhiên, bên cạnh danh tiếng nổi bật đó lại là những tai tiếng thậm chí còn nổi bật hơn, đặc biệt là những thảm hoạ môi trường tại hầu hết những nơi mà Sun Group đặt chân đến, biến tập đoạn này thành kẻ thù trong mắt quảng đại quần chúng. Một diễn đàn mạng xã hội đã nhận xét về các dự án của Sun Group trong thời gian qua như sau: “Sun Group đi tới đâu sơn thần thổ địa ở đó hiện ra quỳ lạy rối rít”, bởi họ “phá hết lấy đâu ra chỗ cho thần ở, huống chi con người.”

Chưa hết, ông chủ Sun Group, tỷ phú Lê Viết Lam, mới đây còn bị Uỷ ban Cứu trợ Thuyền nhân (BPSOS) đưa vào danh sách đề nghị chế tài theo Luật Magnitsky toàn cầu của Hoa Kỳ, vì bị cáo buộc là “động lực chính đằng sau vụ cướp đất của Giáo Xứ Cồn Dầu để rồi chia lô và bán cho các nhà đầu tư với giá 200 - 300 lần cao hơn mức bồi thường cho khổ chủ”.
Thế nhưng, bất chấp tất cả, Sun Group vẫn ngày càng lớn mạnh. Danh sách dự án khủng do tập đoàn này đầu tư vẫn không ngừng dài ra và trải rộng trên cả nước (chỉ riêng tại Quảng Ninh là 13 dự án đang và sẽ triển khai, còn tại Đà Nẵng là 8 dự án đã thực hiện cùng nhiều dự án sắp sửa triển khai khác). Và nó luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt của lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. Trong nền kinh tế “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, không khó để nhận ra đằng sau những dự án siêu khủng của Sun Group là một (số) thế lực chính trị siêu khủng.
Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó thì có lẽ cũng chưa có gì đáng bàn lắm, bởi Sun Group không phải là tập đoàn tư bản thân hữu duy nhất ở Việt Nam. Điều đáng quan ngại ở đây là, Sun Group luôn dễ dàng nhận được giấy phép thực hiện dự án tại những địa điểm không chỉ nhạy cảm về môi trường, mà cả về an ninh quốc phòng: Bà Nà - Núi Chúa (quần thể du lịch Bà Nà Hills ở Đà Nẵng); bán đảo Sơn Trà (1 dự án đã đi vào hoạt động: InterContinental Danang Sun Peninsula Resort; 4 dự án đang triển khai: Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp Ghềnh Đa - Mũi Nghê;  Khu dịch vụ du lịch ven biển và biệt thự sinh thái cao cấp Hồ Xanh; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Nam Suối Đá; Khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc – Cty CP Địa Cầu, một công ty con của Sun Group); Vân Đồn (dự án sân bay quốc tế Vân Đồn), v.v.
Trong bài “Người dân Đà Nẵng mất Bà Nà” trên RFA ngày 11/3/2015, các tác giả đã nhận định Bà Nà - Núi Chúa là điểm trọng yếu về chiến lược quân sự, có vị thế chiến lược quan trọng không kém Hải Vân Quan. Cuối bài viết, các tác giả đã đặt câu hỏi: “Nếu một ngày nào đó, Sun Group bắt tay làm ăn với một doanh nhân Trung Quốc và doanh nhân này mua trên 50% cổ phần của Sun Group, nghiễm nhiên trở thành ông chủ mới của Sun Group thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nhà cầm quyền Đà Nẵng có nghĩ đến chuyện này hay chưa? Vì hiện tại, người Trung Quốc đã có mặt khắp bờ biển Đà Nẵng, họ đã xây nhà, xây biệt thự và xây sòng bạc ở đây nhiều vô kể. Liệu nhân dân còn nói được gì khi Sun Group vào tay Trung Quốc?!”
Một khi câu hỏi này được đặt ra thì vấn đề đã trở nên hệ trọng, bởi nó liên quan đến an nguy của đất nước. Việc Sun Group bắt tay với Trung Quốc là một khả năng hoàn toàn thực tế, bởi chỉ cách đây vài tháng, dư luận đã phải lên tiếng phản đối gay gắt trước thông tin Viện Thiết kế và Quy hoạch Hàng Châu (Trung Quốc) được mời tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch 1/5.000 cho đô thị hai bên Sông Hồng. Dự án này do Sun Group, Vingroup và Geleximco góp tiền thực hiện. Ngoài ra, một số công trình của Sun Group còn thể hiện đậm nét “bản sắc Tàu”, điển hình như các ngôi chùa ở Fansipan (một diễn đàn mạng đã gọi ngôi chùa trên đỉnh Fansipan là “ngôi chùa Tàu quái thai”), hay dự án Công viên Đại Dương ở Hạ Long.

Các toà nhà dưới “Vòng xoay Mặt Trời” (Hạ Long) trông giống như trên Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc). Ảnh: Lê Anh Hùng

Các toà nhà mang đậm kiến trúc Tàu ở Công viên Đại Dương, Hạ Long. Ảnh: Lê Anh Hùng
Trung Quốc có rất nhiều cách thức hợp pháp để trở thành chủ nhân các dự án của Sun Group: mua cổ phần của Sun Group hoặc các dự án của nó; mua cổ phiếu Sun Group và các dự án của nó khi chúng được niêm yết trên thị trường chứng khoán; tài trợ cho các dự án của Sun Group rồi chuyển vốn vay thành cổ phần; lập ra các công ty ma ở nước ngoài (như họ đã từng làm ở Mỹ, ở Canada, hay ở Singapore, v.v.) rồi hợp tác với Sun Group để thực hiện dự án, v.v.
Viễn cảnh u ám đó không còn quá xa với chúng ta. Từ đầu năm 2017, cổ phiếu của Công ty CP Cáp treo Bà Nà, chủ đầu tư của quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ trên diện tích 817ha tại Đà Nẵng, đã được giao dịch trên thị trường. Nếu không được kiểm soát và ngăn chặn, việc các ông chủ Tàu ngồi chễm chệ trên “nóc nhà Đà Nẵng” xem ra chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tương tự, bằng cách thâu tóm cổ phiếu hoặc những phương thức khó kiểm soát như đã trình bày ở trên, trong tương lai không xa, các nhà đầu tư “made in China” sẽ là chủ nhân thực sự của các dự án do Sun Group đầu tư ở Sơn Trà, cho phép Bắc Kinh kiểm soát hoàn toàn bán đảo đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng này.
Rõ ràng, bất kể thế lực chính trị nào đang chống lưng cho Sun Group, công luận cũng có lý do chính đáng để yêu cầu nhà chức trách Việt Nam rà soát và đặt các dự án của ông chủ bí hiểm Lê Viết Lam vào vòng kiểm soát đặc biệt. Với một nền chính trị vốn luôn bị bàn tay lông lá của Bắc Kinh thao túng và lũng đoạn như Việt Nam, yêu cầu trên lại càng chính đáng và cấp thiết.[i]
_______
Ghi chú:
[i] Một số dự án của Sun Group còn nằm ở những khu vực mang ý nghĩa đặc biệt về phong thuỷ, tâm linh. Dãy Fansipan nằm trên đại địa mạch chạy từ đỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Himalaya, qua cao nguyên Tây Tạng và Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Myanmar… qua cao nguyên Vân Nam, rồi đến đỉnh Fansipan, qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, qua đỉnh Ba Vì… rồi trải xuống đồng bằng Bắc Bộ để đi xuống vịnh Hạ Long và cuối cùng kết thúc ở vịnh Mindanao sâu nhất thế giới. Việc Sun Group cho xây dựng một quần thể chùa Tàu trên dãy núi được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” này không khỏi khiến dư luận lo ngại. Tương tự như thế là dự án Công viên Văn hóa Kim Quy tại vùng linh địa Cổ Loa.

Wednesday, July 19, 2017

Cờ vàng, cờ đỏ và ứng xử của chúng ta

Lê Anh Hùng| VOA| 18.7.2017 



Vừa rồi, trên không gian Facebook đã xẩy ra chuyện tranh cãi giữa một số người Việt quốc nội và hải ngoại cùng chung chí hướng vì một Việt Nam tự do - dân chủ. Mấu chốt của cuộc tranh cãi là sự khác biệt về quan điểm của mỗi bên đối với cờ vàng và cờ đỏ, để rồi từ đó dẫn đến những chuyện đôi co khác.
Cờ đỏ, hay cờ đỏ sao vàng, là lá cờ màu đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh được nhà cầm quyền cộng sản chọn là quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ năm 1945 đến 1976 và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976 đến nay. Còn cờ vàng, hay cờ vàng ba sọc đỏ, là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam (một chính thể nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp) từ năm 1948 đến 1955 và Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 đến 1975.

Cuộc tranh cãi diễn ra khá gay gắt và gây chia rẽ khá nghiêm trọng giữa những người đấu tranh trong và ngoài nước, một tập hợp vốn dĩ còn ít ỏi và thiếu gắn kết. Hậu quả đáng tiếc này lẽ ra đã không xẩy ra nếu mỗi bên đều hiểu và tôn trọng quan điểm, tình cảm của phía bên kia trước một chủ đề đầy nhạy cảm như lá cờ.
Với những người Việt hải ngoại vốn rời khỏi Miền Nam Việt Nam sau biến cố 30/4/1975, cờ vàng không chỉ là biểu tượng của quê hương đất nước, một quốc gia từng được tất cả các nước thuộc thế giới tự do công nhận, mà còn biểu trưng cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
Trong khi đó, với phần lớn người Việt sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 và trên toàn Việt Nam sau 1975, cờ đỏ sao vàng không chỉ là biểu tượng của chính thể CHXHCN Việt Nam mà còn là biểu tượng của Tổ quốc, của dân tộc.
Khi những khuyết tật mang tính bản chất của hệ thống dần dần tự bộc lộ, những tội ác của chính quyền cộng sản dần dần bị phơi bày, ngày càng nhiều người Việt nhận ra rằng chế độ XHCN ở Việt Nam là một chính thể độc tài, phi nhân, bị một nhóm thiểu số áp đặt cho đa số, hoàn toàn không thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân. Những người đã thức tỉnh đó vì thế cũng ý thức được rằng lá cờ đỏ sao vàng không thể là biểu tượng của Tổ quốc, của dân tộc Việt Nam, cho dù nó được cộng đồng quốc tế công nhận.
Với đa số người Việt buộc phải từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn để thoát khỏi ách cai trị cộng sản, lá cờ màu đỏ là hiện thân của tội ác và khơi gợi lại trong họ những nỗi đau khôn cùng. Trong suy nghĩ của họ, chính vì lá cờ đó mà họ buộc phải rời bỏ quê hương trên những con thuyền mong manh giữa đại dương sóng dữ, buộc phải chứng kiến hình ảnh người thân của mình chìm nghỉm giữa biển khơi và làm mồi cho cá, hay cảnh tượng vợ con, thân quyến bị hải tặc cưỡng hiếp… Không ít người trong số họ hễ có cơ hội là sẵn sàng dẫm đạp lên lá cờ đỏ, một phản ứng hoàn toàn dễ hiểu nếu chúng ta biết được những gì họ đã từng trải qua. Và như một lẽ tự nhiên, họ cảm thấy dị ứng với bất kỳ ai yêu mến hoặc trân trọng lá cờ đó.
Như đã nói ở trên, với phần lớn người Việt sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc trước 1975 và trên toàn Việt Nam sau 1975, lá cờ đỏ sao vàng vẫn được coi là biểu tượng của quốc gia. Vì thế, việc họ nâng niu lá cờ đó là điều bình thường, như chúng ta vẫn thấy trên các sân bóng đá có người Việt tham dự.
Điều đáng nói là kể cả những người đã thức tỉnh và ngày càng đông lên kia, họ không những không thể hành xử với cờ đỏ như những người Việt hải ngoại vốn là nạn nhân của cộng sản, mà một bộ phận trong số đó còn có những tình cảm khó diễn tả với lá cờ này. Đó là những người đã từng chiếu đấu dưới lá cờ ấy, hoặc có người thân yêu đã đổ máu, thậm chí bỏ mạng vì nó. Họ không còn đặt niềm tin vào lá cờ đó nữa, dĩ nhiên, nhưng với họ bất kỳ sự đối xử thô bạo nào dành cho lá cờ đó cũng là bất nhẫn. Và điều này cũng không có gì là khó hiểu cả.
Những người Việt trong nước đã thức tỉnh và đang đấu tranh cho một Việt Nam tự do - dân chủ có thể dành cho cờ vàng một thiện cảm đặc biệt, với ý nghĩa nó là biểu tượng của một chính thể dân chủ từng tồn tại trên một nửa đất nước, hay biểu trưng của tự do, dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, nếu nói rằng tất thảy họ đều yêu mến hay thậm chí tôn thờ lá cờ đó thì e là hơi khiên cưỡng, bởi một lẽ đơn giản là họ chưa từng một ngày được sống dưới màu cờ vàng.
Với không ít người Việt trong nước đã thức tỉnh, dù không chấp nhận cờ đỏ sao vàng, dù thậm chí còn coi nó là hiện thân của một tà thuyết, một tội ác khủng khiếp mà một nhóm thiểu số đã gây ra cho cả dân tộc, nhưng họ vẫn không thể nào dẫm đạp lên lá cờ ấy. Đơn giản, họ coi đó là hành động bất nhẫn đối với hàng triệu người Việt đã từng không chỉ tôn thờ mà còn chiến đấu và hy sinh vì lá cờ ấy, những người đã ngã xuống vì nó trước khi kịp nhận ra mình đã bị lừa mị bởi những kẻ bất lương.
Cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là người Việt quốc gia vốn luôn tôn thờ cờ vàng ở Mỹ, Canada và Australia, đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho công cuộc giải thể cộng sản và dân chủ hoá đất nước. Họ đã tạo được áp lực đáng kể lên các nhà lập pháp sở tại để các quốc gia này đưa ra những chính sách buộc Hà Nội phải tôn trọng những quyền con người cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp hay các công ước quốc tế mà CSVN đã ký kết. Ngoài ra, họ còn khích lệ và yểm trợ cả tinh thần lẫn vật chất cho những người đấu tranh trong nước vốn luôn phải đối mặt với đủ trò độc ác, hèn hạ của nhà cầm quyền.
Cộng sản Việt Nam rồi sẽ sụp đổ. Một chính thể dân chủ hậu cộng sản rồi sẽ ra đời, với một lá quốc kỳ mới được toàn thể nhân dân lựa chọn. Để viễn cảnh đó sớm diễn ra, việc tập hợp và đoàn kết những người từng sống dưới những màu cờ khác nhau là một tiền đề hết sức quan trọng. Và để tiền đề đó trở thành hiện thực, việc thấu hiểu và chia sẻ tình cảm của mỗi người đối với cờ vàng hay cờ đỏ là một đòi hỏi tiên quyết.

Nguồn: VOA

Monday, July 10, 2017

Hà Tĩnh mất mùa lịch sử: Bộ NN-PTNT tiếp tay lừa đảo?

Lê Anh Hùng | VOA 


Vụ lúa xuân vừa qua, Hà Tĩnh là địa phương bị mất mùa hết sức nặng nề. Theo giới chức sở tại, diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lên tới trên 20.000ha, trong đó hơn 12.000ha giống lúa Thiên Ưu 8 bị mất trắng.
Ông Đào Nghĩa Nhuận, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp Hà Tĩnh cho biết: “Lịch sử gần 40 năm mới lặp lại đợt dịch đạo ôn như vụ xuân 2017. Mất hơn 11 vạn tấn lương thực, 1/3 tổng sản lượng lương thực cả năm cũng đồng nghĩa hơn 40 vạn người (1/3 dân số toàn tỉnh) có khả năng 'treo niêu'.”
Với giá lúa 6.000VNĐ/kg như hiện nay, ước tính, bà con nông dân ở tỉnh nghèo Miền Trung này bị thiệt hại đến hơn 660 tỷ VNĐ. Đối với một tỉnh có đến 80% dân số làm nông nghiệp và vẫn chưa hết choáng váng sau cú sốc mang tên Formosa, đây thực sự là một thảm hoạ.

Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhận định: “Vụ mất mùa vừa qua có nhiều nguyên nhân, bệnh đạo ôn có biến chủng. Có ảnh hưởng của thời tiết nhưng chỉ là một phần, không thể đổ lỗi hoàn toàn do thời tiết.”
Đến thời điểm này, mặc dù các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng “thủ phạm” của vụ mất mùa lịch sử này chính là giống lúa Thiên Ưu 8 nói trên. Vậy giống lúa này từ đâu ra?
Bài “Thiên Ưu 8 trên đồng Quảng Điền” ngày 20/6/2016 trên website của Hội Nông dân Việt Nam viết “Trạm Khuyến nông huyện Quảng Điền (tỉnh TT-Huế) cho biết, qua ba vụ theo dõi tại Quảng Điền nhận thấy giống lúa Thiên ưu 8 được Cty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương nghiên cứu chọn tạo…”. Bài “Giống lúa thuần Thiên Ưu 8 đạt năng suất cao” trên báo Thanh Hoá Điện Tử ngày 16/5/2017 lại viết “Giống lúa thuần Thiên Ưu 8 là bộ giống chất lượng, do Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (VINASEED) chọn tạo, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là bộ giống chuẩn quốc gia và đã được đưa vào sản xuất chính thức tại tỉnh Thanh Hóa từ nhiều năm nay.”
Trên website của VINASEED, bài “Lúa thuần Thiên Ưu 8” cho biết: “‘Chưa bao giờ thấy giống lúa nào tốt như thế’ – đó là nhận định chung của mọi người khi nhắc đến giống lúa thuần Thiên Ưu 8 do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương nghiên cứu, chọn tạo” và “Những ngày đầu tháng 6, niềm vui đến với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương khi giống lúa thuần năng suất, chất lượng Thiên Ưu 8 trở thành sản phẩm giống cây trồng duy nhất của Thủ đô được vinh danh trong danh sách 145 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2014 (do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp trao tặng)”. (Giống lúa lai F1 CNR 6206 của Trung Quốc thì được ghi rõ là “giống lúa lai ba dòng [C762A/RF106] do Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao, Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên, Trung Quốc chọn tạo.”)
Bài “145 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu nào được tôn vinh?” trên báo điện tử Dân Việt ngày 7/6/2015 cho biết: “Giống lúa thuần năng suất, chất lượng Thiên Ưu 8” của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương nằm trong nhóm 63 sản phẩm nông nghiệp được 3 cơ quan nói trên tôn vinh.
Tuy nhiên, trong bài “Lúa bạc trắng bông bất thường: ‘Sẽ hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân’” trên Dân Việt ngày 25/5/2016, Phó Tổng Giám đốc VINASEED Đỗ Bá Vọng lại nói “giống lúa Thiên Ưu 8 có xuất xứ từ Trung Quốc được công ty đưa vào Việt Nam và chính thức được công nhận là giống quốc gia năm 2015.” Còn trong bài “Hà Tĩnh mất mùa lịch sử: Tại người hay tại trời?” trên báo Lao Động ngày 16/6/2017 thì PGS.TS Vũ Văn Liết – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) – cho biết: “Hai loại giống Thiên Ưu và Nhị Ưu là giống lúa lai nhập từ Trung Quốc về và chuyển cho dân trồng.”
Như vậy, Thiên Ưu 8 là giống lúa Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam. Điều này đã được chính Phó TGĐ VINASEED (buột miệng?) và một chuyên gia về lúa hàng đầu Việt Nam khẳng định với báo chí. Không những vậy, Thiên Ưu 8 còn là giống lúa lai chứ không phải giống lúa thuần.
Thế nhưng, trên website của mình, trên bao bì sản phẩm, cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng, VINASEED lại khẳng định Thiên Ưu 8 là giống lúa thuần do chính họ “nghiên cứu” và “chọn tạo”.

Thiên Ưu 8 được VINASEED quảng cáo là giống lúa thuần, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là kháng bệnh đạo ôn. Ảnh: Lê Anh Hùng
Chưa hết, các trang mạng chính thức đưa thông tin về giống lúa này còn khẳng định: giống lúa thuần Thiên Ưu 8 do Công ty CP Giống cây trồng Trung ương chọn tạo đã được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, công nhận là giống quốc gia theo Quyết định số 58/QĐ-TT-CLT ngày 5/3/2015.
Chính vì được Bộ NN&PTNT công nhận là giống quốc gia nên Thiên Ưu 8 đã được một loạt tỉnh từ Nam Trung Bộ trở ra, trong đó có Hà Tĩnh, đưa vào cơ cấu giống lúa chủ lực. Năm 2016, do bị lũ lụt, Hà Tĩnh được hỗ trợ 500 tấn lúa giống, trong đó có 350 tấn Thiên Ưu 8 từ nguồn dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, không chỉ riêng giống do Trung ương hỗ trợ mà cả giống do người dân mua trên thị trường cũng bị nhiễm bệnh.
Không còn nghi ngờ gì, việc VINASEED quảng cáo Thiên Ưu 8 là giống lúa thuần do họ nghiên cứu và chọn tạo là hành vi lừa gạt khách hàng. Nguy hiểm hơn, hành vi lừa đảo này lại được tiếp tay, hay chính xác hơn là được hợp pháp hoá, bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Mặc dù đã hai tháng trôi qua kể từ khi hiện tượng hàng chục ngàn ha lúa Thiên Ưu 8 ở Hà Tĩnh bị mất trắng được hàng loạt cơ quan truyền thông đưa tin nhưng Bộ NN&PTNT vẫn chưa đưa ra được kết luận về nguyên nhân của vụ mất mùa lịch sử đó. Phải chăng là vì họ “há miệng mắc quai”?
Ai phải chịu trách nhiệm về vụ lừa gạt này? Ai phải bồi thường cho gần nửa triệu nông dân đang rơi vào tình cảnh bị “treo niêu” ở Hà Tĩnh? 

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA

Tuesday, July 4, 2017

Biển Bình Thuận đang bị đầu độc như thế nào?

Lê Anh Hùng | VOA| 4.7.2017  



Ngày 28/6 vừa qua, truyền thông nhà nước đưa tin, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chấp thuận cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là khối lượng bùn, cát sau nạo vét vũng quay tàu và khu bến chuyên dùng, phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Sự kiện một khối lượng bùn thải khổng lồ sắp được xả ra tại một địa điểm cách không xa khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển trên cả nước) đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt là trong bối cảnh khu bảo tồn này đã phải lên tiếng kêu cứu vì tình trạng ô nhiễm do các nhà máy điện thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân gây ra suốt mấy năm nay.

Lý do Cty Điện lực Vĩnh Tân 1 đưa ra để được cấp phép xả đổ chất thải trên biển rất dễ được “thông cảm”. Tờ Pháp luật TP HCM ngày 3/11/2016 cho biết: “Theo hồ sơ xin phép Bộ TN&MT của công ty này thì khối lượng nạo vét đổ thải lớn. Nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền thì phải có diện tích lớn nhưng địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện.”
Quả vậy, Vĩnh Tân và khu vực xung quanh là một vùng đất chật hẹp: một bên là núi, một bên là biển, ở giữa là một dải đất hẹp, với địa hình phức tạp. Đây là khu vực vừa cách xa nguồn cung cấp than, vừa cách xa các trung tâm tiêu thụ điện năng, lại rất nhạy cảm về môi trường, với một khu bảo tồn biển chỉ cách đất liền vài km.
Vì thế, thật khó hiểu khi người ta lại cho xây dựng ở đây một trung tâm nhiệt điện khổng lồ, quy mô lớn nhất cả nước, với 5 nhà máy nhiệt điện than: Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. (Để hình thành mặt bằng trung tâm nhiệt điện người ta phải tiến hành san lấp hàng trăm ha mặt biển. Bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 rộng hơn 60ha, với chiều cao thiết kế 27m. Tuy nhiên, mới sau hơn 2 năm hoạt động, nó đạt đạt độ cao 12m.)
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ ngày 9/9/2014. Cả hai tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đều đã thực hiện đốt than lần đầu thành công, dự kiến sẽ lần lượt đi vào hoạt động từ quý IV năm 2017 và quý II năm 2018. Ba nhà máy còn lại đều đang trong quá trình thi công.
Mới một trong tổng số năm nhà máy chính thức đi vào hoạt động mà hàng loạt vấn đề về môi trường đã xẩy ra xunh quanh trung tâm nhiệt điện này.
Mặc dù ra đời sau Khu Bảo tồn biển Hòn Cau nhưng các dự án của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn được phép chồng lấn lên khu bảo tồn thiên nhiên này đến hơn 1.000ha. Điều này cho thấy là ngay từ đầu, vấn đề môi trường ở đây đã bị đặt xuống hàng thứ yếu. Ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Bình Thuận, nhận định: “Chịu tác động ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân, các khu dự án khác, Khu bảo tồn biển Hòn Cau bị xóa sổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Chất lượng nước biển tại đây cũng sẽ thay đổi không còn giữ được độ mặn đặc biệt như trước đây... Các đồng muối Cà Ná, Vĩnh Hảo còn bị khói bụi từ các nhà máy này tác động. Không sớm thì muộn diêm dân và các công ty muối ở những vùng này sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất...”
Theo người dân địa phương, nước thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả ra biển, nóng hơn nhiệt độ bình thường của nước biển, khiến hải sản biến mất. Vào tháng 2, 3 hàng năm, tôm hùm con ở rạn san hô rất nhiều, nhưng nay cũng không còn. Nước dưới biển nằm ở độ sâu 10m lúc nào cũng nóng hâm hẩm, các rạn san hô gần bờ đều bị chết, ốc sò thì chết hả họng, cua tấp vô bờ chết thúi. Nước thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả ra biển gây ô nhiễm tới 5 lý, mỗi lần kéo lưới lên là thấy nước đỏ và nóng hâm hẩm.
Từ ngày 14-16/4/2015, hàng ngàn người dân địa phương đã đổ ra quốc lộ 1A đoạn chạy qua đây, khiến giao thông Bắc - Nam bị ách tắc hàng chục km, để phản đối việc Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải bụi than và xỉ vào môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ trên đất liền mà cả một vùng biển rộng lớn.
Ngày 28/4/2017, trước việc nhiều hộ dân sống gần bãi chứa tro xỉ than trên phản ánh, hàng chục hecta cây trồng ở xã Vĩnh Tân bỗng lụi tàn rồi chết dần, gây thiệt hại cho sản xuất, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản giao Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Tuy Phong thông báo kết quả phân tích mẫu nước giếng, mẫu đất tại khu vực gần bãi chứa tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho các hộ dân biết, đồng thời khuyến cáo người dân tạm thời không nên sử dụng nguồn nước ngầm (nước giếng) vào mục đích tưới tiêu cũng như ăn uống. Theo đó, kết quả phân tích hàm lượng Clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân nơi đây vượt ngưỡng từ 1,2 đến 1,8 lần; hàm lượng Clorua trong 4/5 hồ nước phục vụ nhu cầu tưới tro xỉ vượt từ 1,05 đến 1,8 lần; hàm lượng tổng số muối tan ở một số nơi mặn và rất mặn.
Vùng đất từ Phan Rang đến Tuy Phong - Bắc Bình có khí hậu bán hoang mạc, khô nóng, nắng nhiều, lượng mưa ít nhất trong cả nước. Nguồn nước chính mà người dân Tuy Phong thường sử dụng là nước ngầm và nước giếng. Vì thế, việc tro và xỉ than của các nhà máy chỉ được xử lý đơn giản bằng cách quy tập vào bãi rồi tưới nước lên sẽ làm nẩy sinh hai vấn đề nan giải: (i) lượng nước tưới làm hao hụt nguồn nước ngọt vốn đã ít ỏi dành cho sinh hoạt của người dân cũng như phục vụ canh tác; và (ii) các chất độc trong tro và xỉ than vốn có hàm lượng rất cao, khi được tưới nước hoặc gặp trời mưa chúng sẽ ngấm vào mạch nước ngầm và sau một thời gian sẽ khiến toàn bộ vùng đất và vùng biển xung quanh bị nhiễm độc, bởi theo vòng tuần hoàn, cuối cùng nước sẽ chảy ra biển. 
Đáng quan ngại hơn, trong 4 nhà máy nhiệt điện tại Vĩnh Tân (tổng công suất của hai nhà máy Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng chỉ bằng Vĩnh Tân 3) thì Trung Quốc làm tổng thầu EPC đến 3 nhà máy là Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 3, đồng thời là chủ đầu tư của Vĩnh Tân 1, nhà máy vừa được Bộ TN-MT cho phép xả gần 1 triệu m3 bùn thải ra biển. (Theo một điều tra mới đây của Trung Quốc, hơn 70% doanh nghiệp nước này vi phạm về môi trường.)

Quốc kỳ Trung Quốc đang tung bay tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, và sẽ còn bay phấp phới ở khu vực xung yếu này trong hàng chục năm tới. Ảnh: Lê Anh Hùng
Mới một nhà máy chính thức hoạt động mà tình trạng ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Tân đã nghiêm trọng như vậy thì khi tất cả các nhà máy của trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước này đi vào vận hành tình hình còn trầm trọng đến đâu? Đó là câu hỏi mà có lẽ không một người dân Việt Nam nào muốn nghe câu trả lời.
Xem ra, giống như ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), số phận một vùng biển quan trọng và nhạy cảm cả về môi trường lẫn an ninh quốc phòng của Việt Nam lại được người ta đặt vào tay Trung Quốc một cách rất chi là vô tư.
Câu hỏi mà công chúng Việt Nam muốn được giải đáp ở đây là: Trách nhiệm này thuộc về ai?

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA