Monday, February 27, 2017

Khó khăn của phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay

Lê Anh Hùng | VOA| 28.2.2017



Sau một thời gian phát triển tương đối mạnh, thời gian gần đây, phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam đang có chiều hướng chững lại. Các sự kiện ít được tổ chức, ít người tham gia; các hội nhóm chậm phát triển thành viên, sự kết nối giữa các thành viên lỏng lẻo; mối liên kết giữa các hội nhóm rời rạc…
Từ nhận thức khiêm tốn của mình, chúng tôi xin mạo muội chỉ ra một số nguyên nhân của thực trạng trên.

Thiếu thủ lĩnh
Nguyên nhân đầu tiên là việc cho đến nay phong trào dân chủ ở Việt Nam vẫn thiếu vắng một thủ lĩnh đủ tâm và tầm, có khả năng quy tụ cả lực lượng đấu tranh dân chủ lẫn quần chúng nhân dân. Đây là điều mà có lẽ ai cũng dễ nhận thấy. Những thành phần bất đồng chính kiến tiền bối có địa vị và uy tín trong bộ máy như Hoàng Minh Chính, Trần Độ… thì đã thành người thiên cổ từ lâu. Trong số những người còn sống, cả già lẫn trẻ, hầu như không ai sánh được với những tên tuổi vừa nêu, chưa nói đến những lãnh tụ tầm cỡ như Nelson Mandela của Nam Phi hay Aung San Suu Kyi của Myanmar.
Phần lớn thành phần tinh hoa chính trị của dân tộc vẫn nằm trong guồng máy chế độ. Đây là một thực tế, dù không dễ chấp nhận. Bất kỳ người Việt Nam trong nước nào cũng đều sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành trong hệ thống hiện hành. Và hầu như bất kỳ ai được trời phú cho chút tư chất chính trị cũng đều tham gia vào bộ máy, nơi tốt nhất giúp họ phát huy được năng lực chính trị của mình. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, như chúng tôi đã nêu trong bài “Vì sao Trần Xuân Bách mới chưa xuất hiện ở Việt Nam?”, mà đến nay những Hoàng Minh Chính, Trần Độ, hay Trần Xuân Bách, v.v. vẫn chưa xuất hiện trở lại. (Thành phần có tư chất chính trị nhưng vẫn giữ được phẩm giá thì khó leo cao trong bộ máy; những kẻ leo cao được thì hầu hết đều bị quyền lực tha hoá, hoặc tệ hơn nữa là bị Trung Quốc khống chế, thao túng.)
Số ít nằm ngoài hệ thống thì không có nhiều cơ hội để bộc lộ và thi triển tài năng hầu quy tụ lực lượng, trong khi họ phải chịu sự kiểm soát ngặt nghèo của chế độ “đảng trị” và “công an trị”, còn nhà tù thì luôn sẵn sàng mở cửa chào đón họ.
Thiếu sự hậu thuẫn của lực lượng cấp tiến trong bộ máy
Trong bài “Phe cấp tiến trong Đảng CSVN từng trỗi dậy ngoạn mục như thế nào?” và bài “Xu thế chính trị trong ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay”, chúng tôi đã chỉ ra một thực tế: sự phát triển của phong trào đấu tranh dân chủ từ đầu thập niên 2000 cho đến giữa năm 2013 nhận được sự hậu thuẫn hết sức ý nghĩa từ lực lượng cấp tiến trong đảng; và sự chững lại hay thậm chí thoái trào của phong trào từ cuối năm 2013 cho đến nay cũng có một nguyên nhân hết sức quan trọng: các thành phần cấp tiến trong đảng thiếu vắng một thủ lĩnh đủ tầm để thúc đẩy công cuộc dân chủ hoá xã hội, hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh dân chủ (dĩ nhiên là chỉ ở một mức độ nhất định). Thực tế này cho phép chúng ta rút ra một kết luận: phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam một vài thập niên qua không chỉ thiếu vắng những thủ lĩnh đủ tâm đủ tầm, mà quan trọng là còn thiếu chiều sâu và mang nhiều tính tự phát.
Sự đàn áp khốc liệt và chống phá tinh vi của lực lượng an ninh
Có lẽ chưa bao giờ phong trào đấu tranh dân chủ lại phải đối mặt với một lực lượng an ninh cộng sản vừa tinh vi, quỷ quyệt, vừa hung hãn, tàn ác như hiện nay. Những vụ bắt bớ nhằm vào giới đấu tranh liên tục xẩy ra trong mấy năm qua, mới đây nhất là cô Trần Thị Nga, một người đấu tranh cho nhân quyền và quyền lợi của dân oan, đồng thời là mẹ của 2 đứa con thơ, và cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, người mới mãn án tù giam 4 năm vào tháng 8/2015 và đang chịu án quản chế 4 năm. Sau các vụ bắt bớ là những bản án khắc nghiệt dành cho những người đã dũng cảm lên tiếng vì cộng đồng, xã hội và đất nước. Anh Ba Sàm/Nguyễn Hữu Vinh bị tuyên án 5 năm tù; cô Nguyễn Thị Minh Thuý 3 năm tù; bà Cấn Thị Thêu 20 tháng tù; cựu Trung tá Trần Anh Kim 13 năm tù, nhà tranh đấu Nguyễn Thanh Tùng 12 năm tù, v.v. Bên cạnh đó là nhiều nhà đấu tranh bị bắt nhưng chưa được đưa ra xét xử như luật sư Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự Lê Thị Thu Hà, bác sỹ Hồ Văn Hải, ông Lưu Văn Vịnh, ông Nguyễn Văn Đức Độ, v.v.
Chưa hết, lực lượng an ninh còn hành xử như những tên cướp bạo ngược khi thẳng tay hành hung dã man và cướp đoạt tài sản của hàng loạt nhà hoạt động như Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Chí Tuyến, Đinh Quang Tuyến, Nguyễn Công Huân, Trương Minh Hưởng, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Hồ Nhật Thành, v.v.
Ở Hà Nội, nơi phong trào đấu tranh phát triển mạnh nhất, lực lượng an ninh ngang ngược đến độ, các cầu thủ No-U FC có khi phải cởi trần để đá bóng, chứ không được khoác áo có biểu tượng phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc nữa. An ninh Hà Nội cấm các cầu thủ giăng tấm biểu ngữ khổ nhỏ "Xoá đường lưỡi bò - BẢO VỆ TỔ QUỐC" và thường xuyên xua đuổi họ từ sân bóng này sang sân bóng khác. (No-U FC là một câu lạc bộ bóng đã nghiệp dư với thành phần là những những người phản đối đường lưỡi bò mà nhà cầm quyền Trung Quốc vạch ra hòng chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông.)
Tuy thiếu bằng chứng xác thực, nhưng thực trạng một số hội nhóm xuất hiện hiện tượng mâu thuẫn nội bộ, thiếu đoàn kết, rò rỉ thông tin nhạy cảm, hay việc một số nhân vật đấu tranh nổi bật bị công kích, bôi nhọ, v.v… là những dấu hiệu cho thấy đằng sau đó có bàn tay “đạo diễn” của an ninh cộng sản”.
Thiếu áp lực quốc tế, đặc biệt là từ Hoa Kỳ
Trong thời đại của hội nhập và can dự toàn cầu, áp lực từ cộng đồng quốc tế là một thứ vũ khí hữu hiệu buộc các chế độ độc tài nói chung và cộng sản Việt Nam nói chung phải tôn trọng các công ước quốc tế về nhân quyền mà họ đã ký kết cũng như thứ “pháp luật” do chính họ bày ra.
Tuy nhiên, do có một lịch sử tế nhị với Mỹ và phương Tây, đặc biệt là trong bối cảnh gã khổng lồ láng giềng Trung Quốc không thèm che dấu cuồng vọng bá chủ khu vực, trước khi tiến tới thách thực ngôi vị bá chủ toàn cầu của Hoa Kỳ, nhà cầm quyền Việt Nam đã nhận được sự nhân nhượng, thậm chí là sự ưu ái đáng kể, từ những quốc gia vẫn thiết lập luật chơi dân chủ trên thế giới. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Với bản chất gian ngoan, xảo trá cố hữu, ban lãnh đạo CSVN đã triệt để lợi dụng điều này, ra sức đàn áp những người con dũng cảm và trách nhiệm dám cất lên tiếng nói của lương tri, của lý trí vì tương lai đất nước.
Phong trào dân chủ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lực lượng cấp tiến trong Đảng CSVN thiếu một thủ lĩnh xứng tầm; lực lượng bảo thủ, phò Trung Quốc và các phần tử cơ hội càng được thể tác oai tác quái… Đó là những thực tế khiến viễn cảnh về một cuộc chuyển tiếp êm thấm sang chính thể dân chủ ngày càng xa vời, sự sụp đổ mang tính định mệnh trong cơn cuồng loạn bạo lực của chế độ cộng sản – kèm theo hiểm hoạ xâm lược từ Trung Quốc, không chỉ trên Biển Đông mà cả trên đất liền – ngày càng đến gần.
*Bài liên quan: “Cách mạng dân chủ ở Việt Nam: từ dưới lên hay từ trên xuống” – Bauxite Việt Nam.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê AnhHùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA

Tuesday, February 21, 2017

Xu thế chính trị trong ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay

Lê Anh Hùng | VOA|  22.2.2017


Thoả hiệp cơ hội của ông Trương Tấn Sang
Trong bài “Phe cấp tiến trong Đảng CSVN từng trỗi dậy ngoạn mục như thế nào?”, tôi đã trình bày về việc phe cấp tiến trong đảng từng hai lần trỗi dậy rất mạnh mẽ, thậm chí lấn át phe bảo thủ. Lần thứ nhất là từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2009, và lần thứ hai là từ tháng 4/2011 đến tháng 6/2013.
Tình hình bắt đầu thay đổi ngay trước chuyến thăm Trung Quốc đường đột của Chủ tịch Việt Nam từ ngày 19 đến 21/6/2013. Ngày 13/6/2013, blogger/nhà văn Phạm Viết Đào, một tiếng nói chống Trung Quốc mạnh mẽ ở quốc nội, bị bắt khẩn cấp. Vụ bắt bớ này diễn ra hợp logic với tư thế của ông Trương Tấn Sang trong chuyến thăm cũng như những nội dung tai hại trong bản Tuyên bố chung Việt - Trung ngày 21/6/2013: Trương Tấn Sang đã quy phục Trung Quốc, ông ta đã lộ rõ là một nhân vật cơ hội, hầu mong được Bắc Kinh “chuẩn thuận” cho tiếp quản chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội XII.

Công văn phi pháp của Bộ Công an trả lời Quốc hội về vụ tố cáo liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh - Nguyễn Phú Trọng cho thấy liên minh này đã thoả hiệp với đối thủ Trương Tấn Sang.

Sau khi ông Trương Tấn Sang thoả hiệp với phe bảo thủ, phong trào đấu tranh, kể cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bắt đầu bị trấn áp khốc liệt. Những nhân vật nổi trội như nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, blogger Anh Ba Sàm… lần lượt bị bắt giam và kết án tù, với những cáo buộc mơ hồ, lố bịch.
Bối cảnh phức tạp sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang
Việc ông Trương Tấn Sang quy thuận Trung Quốc, trở thành ứng cử viên số 1 để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XII, đồng nghĩa với việc một ứng cử viên hàng đầu khác là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang bị gạt ra ngoài. Thông qua bộ máy an ninh dưới quyền, ông Trần Đại Quang nắm được bằng chứng phạm tội (phản quốc) của ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trương Tấn Sang để kiểm soát họ, nhưng ông ta lại không thể làm điều tương tự với ông Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật mà sau khi ông Trương Tấn Sang “sập bẫy” và bị “lật kèo”, với sự hậu thuẫn hết mình của Bắc Kinh, dần dần trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vị Tổng Bí thư. Trước tình thế đó, ông Trần Đại Quang đã ngấm ngầm ủng hộ tôi (cùng vợ là Lê Thị Phương Anh) tiếp tục tố cáo tội ác của liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh và cả hai thế lực che chắn cho họ là Nguyễn Phú Trọng - Trương Tấn Sang. Vụ tố cáo ấy là vũ khí duy nhất để ông Trần Đại Quang ngăn chặn ông Nguyễn Tấn Dũng cạnh tranh với mình vào chiếc ghế Tổng Bí thư. (Tôi đã gửi đơn thư tố cáo mới cho ĐBQH Dương Trung Quốc từ ngày 16/9/2013.)
Khi bị Công an Đồng Nai bắt giữ trái phép ngày 15/5/2014, cô Lê Thị Phương Anh, nhân chứng sống của vụ tố cáo, người từng nằm trong đường dây ma tuý của ông Hoàng Trung Hải, đã khai ra vai trò của ông Trần Đại Quang rồi bị ép buộc phủ nhận vụ tố cáo. Dù vậy, đến nay ĐBQH Dương Trung Quốc vẫn chưa hồi âm cho tôi về đơn thư ngày 16/9/2013, bởi nhà chức trách vẫn chưa trả lời ông. (Tất cả những lời khai của cô Lê Thị Phương Anh liên quan đến tôi, dưới sự đe doạ của công an, đều mới chỉ là lời khai một chiều, điều mà ngay sau khi ra tù cô đã công khai lên tiếng trên truyền thông quốc tế.) Nhờ vụ tố cáo đó cùng loạt bài vạch trần cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng của tôi trên trang mạng của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ(VOA) Bauxite Việt Nam, ông Trần Đại Quang đã thuyết phục được phần lớn các vị uỷ viên Bộ Chính trị ngăn chặn thành công hiểm hoạ bắc thuộc mang tên Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, do chưa đủ uy tín trong khi vẫn còn khoác trên người bộ sắc phục công an nên ông Trần Đại Quang buộc phải chấp nhận “giải pháp quá độ” Nguyễn Phú Trọng để loại bỏ ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ngăn chặn được hiểm hoạ Nguyễn Tấn Dũng nhưng ông Trần Đại Quang vẫn phải thoả hiệp với PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải, người nắm trong tay bằng chứng phạm tội của một loạt lãnh đạo chóp bu (những quả bom đủ sức khiến chế độ sụp đổ): cựu TBT Nông Đức Mạnh và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (như tôi đã tố cáo từ ngày 21/4/2008) cùng TBT Nguyễn Phú Trọng và cựu CTN Trương Tấn Sang (như tôi đã công bố trong “Tài liệu tố cáo Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang bán nước”ngày 1/7/2015). Trước thềm Đại hội XII, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã nhiều lần “công cán” cùng Hoàng Trung Hải trong bối cảnh vụ tố cáo nhằm vào ông ta vẫn chưa được giải quyết đúng pháp luật. Điều này đã góp phần quan trọng để Hoàng Trung Hải đường hoàng vào Bộ Chính trị tại Đại hội XII.
Do ông Trần Đại Quang thoả hiệp với Hoàng Trung Hải nên thứ “bảo bối” mà trước kia ông từng dùng để kiềm toả ông Nguyễn Phú Trọng (dẫn đến chuyến công du Mỹ lần đầu tiên của một Tổng Bí thư ĐCSVN) không còn “công hiệu” như thời ông còn là Bộ trưởng Công an, nhất là khi ông đã an toạ trên chiếc ghế “dưới một người trên muôn người”. Điều này giải thích tại sao ngày 17/8/2016, Ban Bí thư mới ra thông báo về việc không xem xét điều chỉnh tuổi đảng viên mà chỉ căn cứ hồ sơ gốc, thay vì thời điểm trước Đại hội XII. Đây được cho là “đòn hiểm” nhằm vào ông Trần Đại Quang. Cơ hội thay thế ông Nguyễn Phú Trọng của ông Trần Đại Quang, vốn hết sức sáng sủa ngay sau Đại hội XII, thực sự bị đặt dấu hỏi.
Lập trường chính trị của các lãnh đạo chóp bu hiện nay
Bây giờ chúng ta sẽ đánh giá lập trường chính trị của những nhà lãnh đạo đang đặt dấu ấn lớn nhất lên tiến trình đất nước.
1) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngoài “điểm sáng” duy nhất là bài phát biểu ngày 19/10/2011 (dưới sự thúc bách của phe nhóm Trương Tấn Sang), ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật luôn nhất quán với lập trường bảo thủ, thân Tàu, đồng thời là vật cản lớn nhất cho khát vọng “thoát Trung” và cải cách thể chế của đất nước. Qua chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 12 - 15/1/2017, quyết tâm biến Việt Nam thành “một bộ phận không thể tranh cãi của Trung Quốc” của ông ta xem ra lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thậm chí, sau chuyến công du này, trong dư luận còn có tin là Bắc Kinh đã chỉ đạo ông Nguyễn Phú Trọng đưa Hoàng Trung Hải lên ngôi vị Tổng Bí thư.
2) Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Bắt đầu từ cuối năm 2014, sân khấu chính trị Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện nổi bật của một nhân vật đặc biệt – Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Điều này càng thể hiện rõ sau chuyến thăm Mỹ của ông vào tháng 3/2015, mà dư luận coi là chuyến đi khai thông cho chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015. Sau chuyến công du dài ngày và tiếp xúc với nhiều giới chức Mỹ, ông Trần Đại Quang nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Tổng Bí thư khoá XII. Mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục tại vị, nhưng với “hành trang” kể trên, không ít người vẫn kỳ vọng ông Trần Đại Quang sẽ là thủ lĩnh của phe cấp tiến, thân Mỹ trong bộ máy, thúc đẩy công cuộc “thoát Trung” và cải cách, như những gì mà hai vị Chủ tịch nước tiền nhiệm đã từng làm. Song đáng tiếc là ông vẫn chưa thể hiện được gì nhiều. Và càng đặt hy vọng vào ông sau chuyến thăm Mỹ bao nhiêu thì người ta lại càng thất vọng bấy nhiêu khi chứng kiến Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải (một người Hán trá hình chui sâu leo cao trong bộ máy và gây ra không biết bao nhiêu thảm hoạ cho đất nước, mà Formosa Hà Tĩnh mới chỉ là phần nổi của tảng băng) đi cùng ngài Chủ tịch nước trong chuyến thăm Cuba rồi sang Peru dự hội nghị thượng đỉnh APEC từ ngày 15 - 20/11/2016. Ngoài ra, với tầm nhìn của một nhà lãnh đạo xuất thân từ ngành công an, người ta có lý do để nghi ngờ khả năng của ông khi dẫn dắt cuộc chơi “hai trong một” mang tên “thoát Trung” và “cải cách thể chế”. Dù vậy, việc sắm vai một “Thein Sein Việt Nam” khi đất nước chuyển tiếp sang chính thể dân chủ xem ra không vượt quá khả năng của ông. Quan trọng hơn, đây là điều mà dường như không ai khác làm được trong giai đoạn quyết định hiện nay.
3) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ông Nguyễn Xuân Phúc từng là đối tượng đả kích số 1 của Chân Dung Quyền Lực, một blog được cho là do ông Nguyễn Tấn Dũng lập ra để đánh bóng bản thân và tấn công đối thủ. Vì thế, có thể khẳng định ông chưa bị Bắc Kinh khống chế và thao túng như người tiền nhiệm. Điều này phần nào thể hiện qua kết quả 9 tháng điều hành nền kinh tế của tân Thủ tướng, trong bối cảnh chuyến thăm Trung Quốc của ông từ ngày 10 - 15/9/2016 vẫn gây nhiều quan ngại, cũng như hình ảnh ông lọ mọ đến Quảng Ninh để tiếp Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây sang “giao lưu” với 4 tỉnh biên giới của Việt Nam ngày 10/2 vừa qua.
Mặc dù là người đang kêu gọi tiến hành cải cách khá mạnh mẽ, nhưng với một nhân vật từng chỉ đạo xử lý blogger Nguyễn Xuân Diện hồi năm 2012, người ta có lý do chính đáng để hoài nghi mức độ triệt để của những cải cách đó, và càng khó có thể coi ông là thủ lĩnh mới của phe cấp tiến, trừ phi ông đủ bản lĩnh và thực sự có tâm với đất nước.
4) Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân
Trong số 4 vị “tứ trụ triều đình” thì bà Chủ tịch Quốc hội là người để lại ít ấn tượng nhất. Người ta bàn tán nhiều nhất về bà là hình ảnh bà dẫn Tổng thống Mỹ Obama đến thăm “Ao cá Bác Hồ” và câu phát ngôn “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng họ đã làm gì cho đất nước?”. Chiếc áo Chủ tịch Quốc hội xem ra đã quá rộng đối với bà thì dĩ nhiên bà sẽ tìm mọi cách để duy trì cái hệ thống đã đưa bà lên địa vị hiện tại.
5) Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh
Dường như tất cả những “phẩm chất” bảo thủ, giáo điều và thân Tàu của TBT Nguyễn Phú Trọng đều chảy trong huyết quản của ngài cựu Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, người từng lạnh lùng tuyên bố “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng” ngay trước thềm Đại hội XI. Ông Nguyễn Phú Trọng vì vậy đang tìm cách để đưa ông ta vào vị trí chèo lái con thuyền đất nước hòng kế tục “sự nghiệp Hán hoá Việt Nam” của mình.
Tóm lại, sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang tháng 6/2013, chính trường Việt Nam gần như không còn tồn tại phe cấp tiến, lực lượng thúc đẩy tiến trình “thoát Trung” và cải cách thể chế. Tuy vẫn tồn tại những nhân vật có xu hướng cải cách song họ lại thiếu một thủ lĩnh xứng tầm, để được coi là một phe nhóm đối trọng với phe bảo thủ, thân Tàu trong hệ thống, thúc đẩy công cuộc dân chủ hoá xã hội và hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh dân chủ.
Ngoài ra, cần lưu ý là cả ông Nguyễn Minh Triết và ông Trương Tấn Sang đều chủ trương “thoát Trung” và thúc đẩy cải cách khi họ là Chủ tịch nước, vị trí ít quyền hành thực tế nhất trong “tứ trụ”. Để đạt được vị thế quyền lực lớn hơn, họ sẵn sàng thoả hiệp với phe bảo thủ, thậm chí với Trung Quốc, hầu kéo dài sự tồn tại của chế độ buôn dân bán nước trên dải đất hình chữ S. Thời gian sẽ trả lời là liệu kịch bản này có lặp lại với vị Chủ tịch nước đương nhiệm hay không. Đặc biệt, việc ông Trần Đại Quang thoả hiệp với Hoàng Trung Hải cho thấy “con ngựa thành Troy” này vẫn tiếp tục chi phối hậu trường chính trị Việt Nam.
Để đưa nước nhà thoát khỏi cuộc khủng hoảng về chính trị - kinh tế - xã hội lớn nhất suốt 30 năm qua trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng bộc lộ cuồng vọng bá quyền, thách thức ngôi vị bá chủ của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương, cải tổ hệ thống là đòi hỏi tất yếu và vô cùng cấp thiết. Những gì trên đây, do vậy, đang thực sự phủ bóng đen lên tương lai đất nước.
*Đón xem bài sau: “Những khó khăn của phong trào dân chủ ở Việt Nam hiện nay”.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Monday, February 20, 2017

Donald Trump trong vòng vây ở Washington

Hệ thống của Mỹ sẽ hạ bệ Trump hay ông ta sẽ huỷ hoại nó trước?

Người dịch: Lê Anh Hùng



Nếu điều gì đó không thể tiếp diễn mãi, nó ắt sẽ dừng lại. Vấn đề ở đây là điều đó sẽ xẩy ra với Donald Trump trong bao lâu nữa. Không cần đến mức phải phỏng đoán về bốn năm tới. Người ta chỉ cần nhân bốn tuần đầu tiên của Trump lên rồi đưa ra câu hỏi là hệ thống của Mỹ có thể chịu đựng được bao lâu.
Tháng đầu tiên, Trump đã tuyên chiến với với các cơ quan tình báo và giới truyền thông. Nhánh tư pháp có vẻ như sẽ là cái tên tiếp theo trong danh sách kẻ thù của ông ta. Washington của Trump không có chỗ cho những kẻ có lập trường trung dung. Hoặc là các lực lượng chống lại tổng thống sẽ hạ bệ ông ta, hoặc là ông ta sẽ phá huỷ hệ thống. Tôi đặt cược vào khả năng đầu tiên. Nhưng tôi không tuyệt đối tin vào điều đó.

Đừng tự trấn an mình với nội các của Trump. Trong số họ có nhiều người dày dạn kinh nghiệm. James Mattis (Bộ trưởng Quốc phòng), Rex Tillerson (Ngoại trưởng) và Steven Mnuchin (nhân vật được đề cử cho vị trí Bộ trưởng Tài chính) là những nhà chuyên nghiệp. Chúng ta có thể nghi ngờ những ưu tiên của họ, song chúng ta không có cơ sở nào để bác bỏ kinh nghiệm thực tế của họ.
Ngay cả Kellyanne Conway và Sean Spicer – vị cố vấn tai tiếng và thư ký báo chí của Trump – có lẽ trông cũng ổn nếu như họ làm việc cho một tổng thống khác. Trump có thể đưa những công bộc mẫn cán nhất vào bộ máy của mình, song điều đó lại không thay đổi điều quan trọng nhất. Họ vẫn sẽ được yêu cầu thực thi mệnh lệnh của con người đã chia rẽ thế giới thành bạn và thù – và không có gì giữa hai thái cực đó.
Robert Harward – cựu thành viên của đội đặc nhiệm hải quân Hoa Kỳ (SEAL) đã từ chối làm cố vấn an ninh quốc gia cho Trump – là người báo trước về những gì sẽ đến. Trong bất kỳ hoàn cảnh bình thường nào, một người với lai lịch như Harward hẳn sẽ nhẩy cẫng lên trước vinh dự lớn như thế. Song Harward lại không thể chấp nhận khả năng ấy.  
Điều đó sẽ hàm ý phục vụ một tổng thống tự cho mình là người hiểu biết hơn các tướng lĩnh của mình về chiến tranh, hơn các điệp viên về tình báo, và hơn các nhà ngoại giao về thế giới. Trump chỉ nhất trí với những ai đồng ý với ông ta. Một câu hỏi còn để ngỏ ở đây là những ứng viên hiện tại của Trump sẽ mất bao lâu để đi đến kết luận như thế. Có một lằn ranh mong manh giữa việc thực thi nhiệm vụ và việc bị hạ nhục.
Các cơ quan tình báo Mỹ dường như đã vượt qua lằn ranh đó. Ít nhất 9 nguồn tin tình báo đã tiết lộ chi tiết của cuộc gọi điện thoại giữa Michael Flynn với đại sứ Nga cho tờ Washington Post.  Một số chắc chắn là để trả thù thái độ coi thường mà Flynn dành cho các điệp viên, những người đã chế ra thuật ngữ “dữ kiện Flynn” (Flynn facts) khi ông ta đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng. Nhưng một số lại được thôi thúc bởi sự lo ngại sâu sắc về một tổng thống tỏ ra cẩu thả đến vậy với an ninh quốc gia.
Trump đã so sánh CIA với Đức Quốc xã và cáo buộc họ làm việc cho Hillary Clinton. Trái lại, với James Comey, người đứng đầu FBI, ông ta lại chỉ khen và khen – sự can thiệp vào phút chót của Comey đã góp phần khiến cuộc bầu cử nghiêng về phía Trump.
Thông điệp rõ ràng ở đây là: hãy cư xử giống như Comey nếu không muốn bị đối xử như kẻ thù. Khó mà tưởng tượng là có nhiều công bộc coi Comey như một tấm gương. Một số người chấp nhận cả rủi ro tính mạng với một mức lương thấp để được phụng sự tổ quốc. Trump không phải là tổ quốc của họ.
Rồi lại còn thứ truyền thông dối trá – hay “Lügenpresse” như những người ủng hộ cực hữu của Trump vẫn nói khi lặp lại lối bôi nhọ kiểu Đức Quốc xã. Thứ Năm tuần trước, Trump đã buộc giới truyền thông phải chịu 80 phút phê phán, được nguỵ trang như một cuộc họp báo, trong đó ông ta cáo buộc họ là thiếu trung thực, phổ biến “tin tức giả” và âm mưu làm suy yếu vị thế tổng thống của ông ta.
Bước đi logic tiếp theo của Trump là cáo buộc giới truyền thông tội phản quốc. Trong một dòng tweet mà sau đó ông ta xoá đi, Trump đã gọi giới truyền thông là “kẻ thù của nhân dân Mỹ”. Điều này không thể chấm dứt đơn giản. Những lời doạ giết từ những kẻ ẩn danh đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” đối với nhiều nhà báo ở Washington. Tôi e rằng vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi điều này dẫn đến bạo lực. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong bộ máy tư pháp. Những thẩm phán từng bác bỏ “lệnh cấm Hồi giáo” của Trump hồi đầu tháng đang nhận được những lời doạ giết.
Mọi chuyện sẽ kết thúc như thế nào? Những kẻ lạc quan mù quáng vẫn bám víu vào hy vọng rằng Trump sẽ điều chỉnh cách ứng xử của mình. Trong kịch bản vui vẻ này, ông ta sẽ đưa những kẻ gây rắc rối ra khỏi Nhà Trắng, chẳng hạn như các cố vấn thân cận Stephen Bannon và Stephen Miller, đồng thời thay thế họ bằng những nhân vật nhiều kinh nghiệm.
Một cuộc thanh lọc như thế sẽ khả dĩ ở một thời điểm nào đó. Thậm chí nó rất dễ xẩy ra. Số cố vấn đủ sức chịu đựng lâu dài trong hoàn cảnh phải thường xuyên tiếp xúc với cơn cuồng nhiệt của một nhà lãnh đạo dân tuý là rất ít. Trừ phi Trump tự thay thế mình, vòng vây vẫn sẽ tiếp diễn.
Chúng ta cũng không thể trông cậy vào một sự cấy ghép tính cách. Trump có thể dùng đến 95% thời gian làm theo lời khuyên của các chuyên gia và 5% chống lại chúng. Song 5% đó sẽ vẫn dẫn dắt nghị trình. Trong khi đó, Trump lại không phải là một nhân vật khả dĩ đổi mới. Càng bị bủa vây, ông ta càng hùng hổ. Ông ta thề là sẽ tiến hành điều tra các vụ rò rỉ và ngụ ý thanh trừng các quan chức thiếu trung thành.
Thật khó mà tiên đoán cuộc chiến giữa Trump với cái gọi là “nhà nước chìm” (deep state) sẽ mất bao thời gian để giải quyết. Cũng thật khó mà nói là một Quốc hội do Đảng Cộng hoà kiểm soát có thể “chịu nhiệt” được bao lâu nữa. Như tôi đã nói, hãy nhân bốn tuần qua lên ba, sáu hoặc 9 lần. Lập trường trung dung sẽ biến mất. Một lúc nào đó, điều này sẽ dẫn đến sự lựa chọn giữa Trump và hiến pháp Mỹ.

Tuesday, February 14, 2017

Phe cấp tiến trong Đảng CSVN từng trỗi dậy ngoạn mục như thế nào?

Lê Anh Hùng | VOA| 13.2.2017


Sự tái xuất của những “phần tử xét lại”
Hàng chục năm qua, trong nội bộ Đảng CSVN luôn diễn ra cuộc đấu tranh lúc âm thầm, lúc gay gắt giữa hai xu thế chính là bảo thủ và cấp tiến, với phần thắng hầu như luôn nghiêng về phe bảo thủ. “Vụ án xét lại chống Đảng” giữa thập niên 1960 có thể được coi là sự thể hiện ra bên ngoài đầu tiên của mâu thuẫn giữa hai xu thế đó.
Dưới sự khuynh loát của phe bảo thủ, Việt Nam dần rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị - kinh tế - xã hội đầu thập niên 1980, buộc Đảng CSVN phải thực hiện cái gọi là “đổi mới”. Đại hội VI Đảng CSVN năm 1986 không chỉ đánh dấu sự lùi bước đầu tiên của phe phái bảo thủ, giáo điều trong Đảng, mà còn mở đường cho sự tái xuất gần như công khai của phe nhóm cấp tiến trong ban lãnh đạo CSVN, sau hai thập niên “im hơi lặng tiếng”, với “hiện tượng” Trần Xuân Bách.

Ông Trần Xuân Bách bị gạt ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương tháng 3/1990, song di sản của ông vẫn được ông Võ Văn Kiệt kế thừa từ Đại hội VII năm 1991. Tuy nhiên, ông Võ Văn Kiệt chỉ là nhân vật đứng thứ 3 trong một bộ máy mà các thế lực bảo thủ vẫn còn chiếm vị thế áp đảo, vì thế ông cũng chưa thực sự tạo ra được ảnh hưởng và sức lan toả lớn.
Dù vậy, với uy tín của mình, cộng với sự mờ nhạt của người kế nhiệm Phan Văn Khải, ông Võ Văn Kiệt tiếp tục đóng vai trò thủ lĩnh của phe phái cấp tiến ngay cả sau khi rời khỏi chiếc ghế Thủ tướng tháng 9/1997. Tuy nhiên, do không còn nằm trong bộ máy quyền lực nên ảnh hưởng của ông Võ Văn Kiệt không còn như trước.
Sự trỗi dậy của phe cấp tiến
Sau Đại hội IX năm 2001, trong bối cảnh những tiếng nói đòi đổi thay trong xã hội xuất hiện ngày càng nhiều và mạnh mẽ, cộng với vai trò mờ nhạt của TBT Nông Đức Mạnh, một số thế lực cấp tiến bắt đầu nổi lên, đặc biệt là Bí thư Thành uỷ Tp HCM Nguyễn Minh Triết, người dần dần tự thể hiện mình như là thủ lĩnh của phe cấp tiến trong đảng. Giai đoạn vận động sắp xếp nhân sự Đại hội X, diễn ra vào tháng 4 năm 2006, Bí thư Thành uỷ Tp HCM Nguyễn Minh Triết suýt chút nữa đã giành chiến thắng trước TBT Nông Đức Mạnh, người dính vào vụ bê bối PMU18.
Thậm chí, trong nhiệm kỳ khoá X (2006-2011), phe cấp tiến của bộ đôi Nguyễn Minh Triết - Trương Tấn Sang đã có một thời gian thực sự giành ưu thế trên chính trường. Đó là giai đoạn kể từ giữa năm 2008 cho đến cuối năm 2009. Sự kiện đánh dấu sự yếu thế của ông Nông Đức Mạnh nói riêng và phe bảo thủ nói chung là việc ông ta phải chấp nhận cho Ban Bí thư kỷ luật chiến hữu của mình là Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến vào ngày 12/8/2008, mặc dù, ngày 28/3/2008, Viện KSND Tối cao đã chính thức công bố Quyết định số 13/VKSNDTC-V1A đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Việt Tiến và việc ông này trở lại chiếc ghế Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ còn là vấn đề thủ tục. (Trong quyết định này, VKSND Tối cao đề nghị: Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyễn Việt Tiến theo quy định của pháp luật.) Điều này giải thích vì sao các tin tức về Hoàng Sa - Trường Sa lần đầu tiên được thể hiện mạnh mẽ trên báo chí nhà nước dù trước đó bị bưng bít và kiểm soát ngặt nghèo.
Bài “Thêm thông tin Wikileaks rò rỉ về Việt Nam” trên trang BBC Vietnamese ngày 13/1/2011 cho biết: 
Bức điện của ông Michalak nói bản thân ông Mạnh thời gian gần đây đã rút lui khỏi việc làm quyết sách mà chuyển sang công tác xây dựng nội bộ Đảng. 
Bức điện dẫn lời Đại sứ Nhật Bản lúc đó là Mitsuo Sakaba, người tháp tùng ông Mạnh sang Nhật hồi tháng Tư [từ 19-22/4/2009], nói rằng ông tỏ ra hờ hững trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Taro Aso, không nói chuyện nhiều mà chỉ đọc bằng một giọng đều đều từ đầu đến cuối diễn văn dài 30 phút đã được trợ lý chuẩn bị trước. 
Nhưng sau đó khi đi thăm một cơ sở nông nghiệp ở ngoại ô Tokyo thì trông ông sinh động hẳn lên. 
Lý do có lẽ là, theo nhận định mà sứ quán Mỹ có, ông Sang đã đảm nhận nhiều công việc của ông Mạnh. 
Ngày 1/4/2009, Đài Á Châu Tự Do (RFA) phát đi bản tin chấn động, loan báo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đệ đơn từ chức trong một cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị. Bản tin sau đó đã bị RFA gỡ xuống, dù đã kèm theo lời cải chính rằng đó là tin “Cá Tháng Tư” (!). Thực ra đó là tin thật. Nhà báo Huy Đức từng viết bài “Chị Hai Thủ tướng” về việc chị ruột Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị chính quyền Bình Dương cưỡng chế đất ngày 17/4/2009 chính là vào giai đoạn mà quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng đang rơi xuống tận đáy này.
Những sự kiện tưởng như rời rạc trên đây liên quan đến cùng một vụ việc: bắt đầu từ ngày 21/4/2008, tác giả bài viết này – Lê Anh Hùng – đã tố cáo liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh về một loạt tội ác vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là tội phản quốc, làm tay sai cho Trung Quốc.[i] 
Ưu thế của phe cấp tiến do bộ đôi Nguyễn Minh Triết - Trương Tấn Sang kéo dài không được bao lâu. Sau khi ông Nông Đức Mạnh bị gạt sang một bên thì đến cuối năm 2009, ông Nguyễn Minh Triết cũng bị thất thế do dính líu đến vụ tố cáo của tác giả, người bị công an Quảng Trị bắt giam trái phép vào ngày 25/12/2009. Vụ tố cáo bị ém nhẹm, mở đường cho sự trỗi dậy trở lại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như phe nhóm bảo thủ.
Trong chuyến thăm Lào và Campuchia từ ngày 24–28/8/2010, tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chỉ có 2 nhân vật mang hàm bộ trưởng là Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Chiền, thành viên đương nhiên, và tân Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận, người thậm chí chưa phải là Uỷ viên BCHTW Đảng. Đây là đoàn tháp tùng èo uột chưa từng thấy đối với một bậc “nguyên thủ quốc gia”. Ngoài ra, dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, trong khi Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trịnh trọng chủ trì lễ khai mạc ngày 1/10/2010 thì ngài Chủ tịch nước lại chỉ được dự lễ khánh thành tượng đài Thánh Gióng ngày 6/10/2010, một phần nhỏ của chương trình Đại lễ. 
Sau khi ông Nguyễn Minh Triết bị thất thế, phe bảo thủ lại nổi lên chiếm ưu thế với thủ lĩnh mới là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Hệ quả là Dự thảo Văn kiện Đại hội X thụt lùi so với Đại hội IX. Và Đại hội X đã cho ra đời một ban lãnh đạo mới mà phần lớn là những gương mặt bảo thủ. Thủ lĩnh phái cấp tiến lúc này là Trương Tấn Sang dường như bị chìm khuất giữa những khuôn mặt bảo thủ với số lượng áp đảo.
Ngày 7/5/2011, ông Trương Tấn Sang bất ngờ công kích phe nhóm bảo thủ khi phát biểu hùng hồn về “một bầy sâu” trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Quận 1, Tp HCM. Tiếp theo, ngày 10/5/2011 tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản tổ chức cuộc tọa đàm khoa học “Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị”, sự kiện xưa nay chưa từng có.[ii] Đây là những dấu hiệu cho thấy phe cấp tiến đang trỗi dậy còn phe bảo thủ thì lùi bước. Thế nhưng từ ngày 9/6/2011, tờ Năng Lượng Mới đăng loạt bài lật lại vụ án Năm Cam. Thủ lĩnh phái cấp tiến Trương Tấn Sang bị tấn công vì dính líu đến vụ án.
Sự liên đới của ông Nguyễn Phú Trọng đến vụ tố cáo liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh đã buộc ông ta phải lùi bước trước phe Trương Tấn Sang.
Tại Hội nghị Trung ương 3 khoá XI diễn ra từ ngày 6 đến 10/10/2011, lần đầu tiên hình ảnh Marx và Lenin biến mất khỏi phông nền phòng họp của một kỳ Hội nghị BCH Trung ương. Và đến ngày 19/10/2011, ông Nguyễn Phú Trọng phát đi những tín hiệu về khả năng của một cuộc cải cách chính trị tại lễ công bố quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015. Trong bài “Cố lên, Vịt què!”, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình viết:
Có một điều đáng chú ý nữa là cách đây mấy năm, bỗng xuất hiện một tin có vẻ lạ trên Blog Hoa Mai (chưa biết chủ blog này là ai) ngày 27/12/2012 rằng: “Vào thời gian Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2, ông Trương Tấn Sang đã thúc đẩy ông Nguyễn Phú Trọng đưa vào chương trình nghị sự Hội Nghị Trung ương 2 (tháng 7/2011) việc nghiên cứu để chuyển đổi theo hướng dân chủ xã hội. […] Hội nghị này cũng đã đồng ý tiến hành nghiên cứu mô hình chuyển đổi của Myanmar, đồng thời cũng không xác định “các thế lực thù địch” như là nguy cơ của chế độ. Vào tháng 10/2011, tại kì họp thứ nhất của Hội đồng Lý luận Trung ương (nhiệm kì 2011-2015), ông Trọng đã có một bài phát biểu về việc nghiên cứu những mô hình đổi mới. Đó là một bài diễn văn rất tiến bộ, hiếm có của ông Nguyễn Phú Trọng, trong đó đề cập mô hình dân chủ xã hội. Tuy nhiên, sau Hội nghị Trung ương 2, Trung Quốc đã ra tay phá hoại quyết liệt xu hướng này thông qua bàn tay Nguyễn Tấn Dũng…”
Ngày 26/3/2012, bài “Trung Quốc bất tín trong quan hệ với Việt Nam” bỗng xuất hiện cùng một ngày/giờ/phút trên tất cả các trang web mang tên các vị lãnh đạo Việt Nam (Trương Tấn SangNguyễn Tấn DũngTrần Đại Quang…). Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển. Đấy là những sự kiện cho thấy vai trò của thủ lĩnh phe cấp tiến Trương Tấn Sang cũng như sự thất thế (tạm thời) của phe bảo thủ, thân Tàu.
Sau sự kiện tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp vào ngày 26/5/2011, với sự hậu thuẫn của phe cấp tiến, bắt đầu từ ngày 5/6/2011 hàng loạt cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra rầm rộ ở Hà Nội và Sài Gòn mà gần như không bị nhà cầm quyền ngăn cản, hoặc chỉ bị trấn áp vừa phải. Ngày 2/8/2011, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh khẳng định là chính quyền không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước. Ngày 18/8/2011, UBND Tp Hà Nội ra một bản thông báo cấm biểu tình không số, không người ký, không có căn cứ pháp luật… trong sự phản đối gay gắt của dư luận. Theo nhà báo Huy Đức, thông báo cấm biểu tình đó là “tác phẩm” của cặp bài trùng Nguyễn Tấn Dũng - Nguyễn Văn Hưởng, chứ không phải là ý chí tập thể của Bộ Chính trị, vì thế UBND Tp Hà Nội không ai chịu ký.
Và phong trào biểu tình chống Trung Quốc, cùng sự ra đời của hàng loạt tổ chức xã hội dân sự, diễn ra khá mạnh mẽ cho đến giữa năm 2013.
                        *Đón xem bài sau: “Xu thế chính trị trong ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay”

________
Ghi chú:
[ii] Sau khi được trả tự do vào ngày 24/8/2010, từ ngày 21/3/2011, tác giả Lê Anh Hùng lại tiếp tục công khai tố cáo tội ác của liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh, cũng như vạch trần sự liên đới của TBT Nguyễn Phú Trọng, người đã thoả hiệp rồi trở thành một phần của liên minh tội ác này. Ông Trương Tấn Sang đã tận dụng vụ tố cáo để thúc ép phe bảo thủ, thân Tàu phải “thoát Trung” và cải cách.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Monday, February 13, 2017

Món quà đầu Xuân ý nghĩa của lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Lê Anh Hùng | Việt Nam Thời Báo



Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987, là một tiếng nói chống bá quyền Trung Quốc hàng đầu ở Việt Nam suốt nhiều năm qua. Mặc dù năm nay đã 102 tuổi, nhưng cụ vẫn luôn ưu tư dõi theo tình hình đất nước, vẫn thường nghe đài, đọc báo và đặc biệt là thể hiện quan điểm mạnh mẽ của mình về những vấn đề liên quan đến ngoại xâm và nội xâm qua các bài viết hay các cuộc trả lời phỏng vấn.

Nhân dịp đầu Xuân, hôm 11/2/2017, tức ngày Rằm tháng Giêng, một số nhân sỹ trí thức như GS Nguyễn Khắc Mai (Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt), dịch giả/nhà Trung Quốc học Trần Đình Hiến, TS Nguyễn Quang A, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang, nhà giáo Nguyễn Tiến Dân, nhà báo Nguyễn Gia Quốc, nhà báo Lê Anh Hùng… đã đến thăm và chúc sức khoẻ cụ.
Vui mừng khi đón tiếp những người đến thăm, nhưng cụ vẫn không quên nhắc nhở mọi người trước những gì đang diễn ra trên dải đất thân thương hình chữ S. Cụ đề nghị chuyển số tiền mừng tuổi, cùng với khoản tiền túi của cụ nữa, tổng cộng 3 triệu VNĐ, cho 2 đứa con của cô Trần Thị Nga, hầu chia sẻ với tình cảnh thương tâm của những trẻ thơ đang phải sống xa vòng tay mẹ, chỉ vì mẹ các cháu đã dũng cảm lên tiếng đấu tranh đòi nhân quyền và công lý cho đồng bào của mình.
Cô Trần Thị Nga, một nhà đấu tranh vì nhân quyền và dân oan, đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam trái phép vào ngày 21/1 vừa qua, với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hai đứa con thơ của cô là Phan Văn Phú và Phan Văn Tài năm nay chỉ mới 6 tuổi và 4 tuổi.




Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh là người mặc áo xanh, đội mũ nồi xám, ngồi giữa.

Wednesday, February 8, 2017

‘Quy hoạch băm nát Hà Nội’: Ai là thủ phạm?

Lê Anh Hùng | VOA| 7.2.2017



Trong cuộc Hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Sở Quy hoạch Kiến trúc diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 4/1, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu: “Chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch ‘băm nát’ Hà Nội.”
Câu phát ngôn đầy chua chát của người đứng đầu bộ máy hành chính Thủ đô gần như ngay lập tức được hầu hết các trang báo chính thống đưa tin. Blog Xuân Diện Hán Nôm thì đặt ngay câu hỏi: “Kẻ nào đã băm nát quy hoạch Hà Nội?” Và phía dưới bài viết, tác giả đã tự trả lời: “Xin thưa ngay, đó là Nguyễn ThếThảo – tiền nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung. Thảo xuất thân là Kiến trúc sư mà hắn ta để Hà Nội như vậy đó!” Nhiều bình luận của độc giả tỏ ra đồng tình với nhận định của tác giả khi cho rằng cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo là “chính danh thủ phạm” khiến quy hoạch Hà Nội bị băm nát. Vậy sự thật thế nào?

Ông Nguyễn Thế Thảo là Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh nhiệm kỳ 2005-2011 trước khi được điều về làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội từ tháng 7/2007 và chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch UBND Tp Hà Nội từ ngày 29/8/2007 đến ngày 4/12/2015. Như vậy, với tư cách Chủ tịch UBND thành phố, việc ông ta phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng quy hoạch Hà Nội bị băm nát là điều tưởng như không cần phải bàn cãi.
Tuy nhiên trên thực tế, Hà Nội là một đơn vị hành chính đặc biệt, nên nó cũng được đối xử đặc biệt. Hà Nội là đơn vị cấp tỉnh/thành duy nhất trên cả nước mà Quốc hội ban hành hẳn một đạo luật riêng – Luật Thủ đô do Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/11/2012. Về mặt quy hoạch, Hà Nội là trung tâm của không gian quy hoạch mang tên Vùng Thủ đô. Ngày 23/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 320/QĐ-TTg về nhân sự của ban chỉ đạo nhà nước về không gian quy hoạch này. Theo quyết định đó, Ban Chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm 19 thành viên, đứng đầu là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ là nhân vật thứ 12 trong danh sách này.
Theo Thông báo số 215/TB-VPCP ngày 30/10/2007 của Văn phòng Chính phủ thì từ ngày 17 đến 20 tháng 10 năm 2007, tức chỉ hơn 2 tháng sau khi ngồi lên chiếc ghế Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách kinh tế, ông Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp làm việc với đại diện lãnh đạo của UBND Tp Hà Nội, UBND Tp Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ về Quy hoạch Xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, Điều chỉnh Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch Phát triển Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, v.v.
Theo Thông báo số 250/TB-VPCP ngày 19/10/2011 thì ngày 11/10/2011, tại Văn phòng Chính phủ, PTT Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, UBND Tp Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư Xây dựng Vùng Thủ đô và Văn phòng Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến Quy hoạch Xây dựng Vùng Thủ đô, Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô. PTT Hoàng Trung Hải đã đưa ra một số kết luận chỉ đạo quan trọng như [2/a] “Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND Tp Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát để thống nhất giải quyết các tồn tại về mặt kỹ thuật của hồ sơ bản vẽ của đồ án Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 để bàn giao đầy đủ, đúng quy định, triển khai các bước quy hoạch tiếp theo; thống nhất nội dung Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”; hay [2/c] “Bộ Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và phối hợp với UBND Tp Hà Nội trong việc tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực quan trọng, bảo đảm mục tiêu của Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội.”
Vài thông tin trên đây đủ cho thấy rằng người có tiếng nói cuối cùng về quy hoạch thủ đô từ năm 2007 đến năm 2016 là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chứ không phải cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
Để độc giả có thể hình dung ra vai trò bao trùm của ngài (cựu) Phó Thủ tướng người Hán đối với công tác quy hoạch ở Hà Nội, xin nêu ra vài dự án gắn liền với “tên tuổi” ông ta:
1) Từ tháng 9/2015 đến nay, dự án toà nhà 8B Lê Trực, Hà Nội do Kinh đô TCI Group làm chủ đầu tư đã làm báo chí tốn rất nhiều giấy mực. Toà cao ốc chẳng khác gì một pháo đài có thể kiểm soát mọi động tĩnh của trung tâm đầu não Ba Đình này do chính PTT Hoàng Trung Hải ký quyết định phê duyệt dự án.
2) Tháng 8/2012, PTT Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và UBND Tp Hà Nội nghiên cứu dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 5) từ Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc - Ba Vì. Dự án này không chỉ đe doạ phá vỡ cảnh quan của Hồ Tây nói chung, Phủ Tây Hồ nói riêng mà cả linh huyệt Hồ Tây và Phủ Tây Hồ, nơi người ta vẫn gọi một cách thành kính huyệt huyệt đạo quốc gia. Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận, dự án đang phải ngưng lại.

Bản đồ Quy hoạch Hà Nội trong cuộc triển lãm ngày 20/4/2010 tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ – phần quy hoạch vạch tuyến đường sắt đô thị số 5 xuyên qua Hồ Tây và Phủ Tây Hồ. (Ảnh: Phạm Viết Đào)
3) Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một dự án đầy tai tiếng và mờ ám: dự án được thực hiện từ nguồn vốn vay của Trung Quốc; cả tổng thầu EPC của dự án lẫn tư vấn giám sát thi công và lắp đặt thiết bị đều của Trung Quốc; đội giá trên 60%... Được khởi công từ năm 2011 và dự kiến đến năm 2015 thì hoàn thành, nhưng đến nay, dù đã sang năm 2017 nhưng chưa biết bao giờ dự án mới đi vào hoạt động. Về mặt quy hoạch, con quái vật này chẳng khác gì vết sẹo nham nhở trên khuôn mặt thủ đô, đã tàn sát hàng trăm gốc cổ thụ quý giá dọc theo lộ trình đầy bí hiểm của nó. Trong bài “Vài suy nghĩ về tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông” ngày 27/4/2014, tác giả Hoàng Mai viết:
Không nghi ngờ gì nữa, việc tăng vốn cho tuyến đường Cát Linh-Hà Đông là chắc chắn, vì đã được ông PTT Hoàng Trung Hải, người được giao phụ trách hầu hết các Bộ, ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đã “bật đèn xanh” trong một câu chỉ đạo tế nhị, vẫn theo bài báo nói trên:
“Thông tin Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến giao Bộ GTVT thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm vụ đội vốn 339 triệu USD. Đồng thời cũng giao Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng các cơ quan liên quan làm việc với phía Trung Quốc để bổ sung nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho phần vốn tăng thêm của dự án.”
Trong bài “Những ai đã ‘quy hoạch băm nát thủ đô’?” trên báo Lao Động ngày 7/1/2017, tác giả Vương Hà cho biết là “để phê duyệt đồ án quy hoạch chung của thành phố phải mất nhiều năm nghiên cứu, sử dụng nhiều kinh phí cho công tác lập quy hoạch, tổ chức nhiều hội thảo, nhiều cuộc họp của các bộ, ngành, nhiều cơ quan, các hội chuyên ngành để làm cơ sở cho việc phê duyệt. Tuy nhiên, khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thì chỉ do vài người quyết định và hầu hết các quyết định đều phá vỡ các chỉ tiêu quy hoạch chung.” (Xem thêm Thông báo số 215/TB-VPCP ngày 30/10/2007 của Văn phòng Chính phủ đã nêu ở trên.)
Ai là người phải chịu trách nhiệm cao nhất về thực trạng quy hoạch thủ đô bị băm nát nếu không phải là cựu Phó Thủ tướng/Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, một người Hán trá hình và là người có tiếng nói cuối cùng về công tác quy hoạch xây dựng và quy hoạch phát triển giao thông vận tải ở Hà Nội, cũng như việc điều chỉnh các quy hoạch đó, từ năm 2007 đến 2016?

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 



Lê Anh Hùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA