Thursday, January 26, 2017

Hà Nội – những mảng màu giáp Tết

Lê Anh Hùng | VOA | 24.1.2017



Tết là dịp lễ cổ truyền quan trọng nhất của người Việt, nên mỗi dịp Tết đến Xuân về đều được người người trông chờ với một tâm trạng đặc biệt. Trên khắp mọi miền quê Việt Nam, mỗi nơi đều có một bầu không khí Tết mang những đặc trưng về văn hoá, phong tục, tập quán, khí hậu… sở tại.
Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị của Việt Nam, mà còn là trung tâm kinh tế và văn hoá của vùng đồng bằng Bắc bộ nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, không khí Tết ở Hà Nội rất nhộn nhịp và nhiều sắc màu.

Ngay từ đầu tháng Chạp, lượng xe ô tô khắp các tỉnh thành đã bắt đầu nườm nượp đổ về thủ đô, như thể các tín đồ “hành hương” về thánh địa, với lưu lượng ngày càng đông. Đây chủ yếu là xe của các quan chức địa phương về chúc Tết lãnh đạo và các cơ quan trung ương, từ bộ máy Đảng, Chính phủ cho đến hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Ở Việt Nam, người ta càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng diễn ra trắng trợn, tràn lan; càng cấm cấp dưới đi thăm, chúc Tết, biếu quà cấp trên thì nét “văn hoá” “đậm đà bản sắc xã hội chủ nghĩa” này lại càng nở rộ. Bên cạnh xe của các lãnh đạo và cơ quan địa phương là xe của các doanh nghiệp, cả nhà nước lẫn tư nhân, trên khắp các tỉnh thành đổ về Hà Nội chúc Tết các cơ quan bộ ngành, những người đã đem đến cho họ những dự án hay hợp đồng béo bở.
Hà Nội vốn dĩ đã hay bị ách tắc giao thông, nay lại phải đón nhận một lưu lượng lớn xe cộ từ ngoại tỉnh ùn ùn đổ về, khiến tình hình càng trở nên trầm trọng. Ngày 16/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải khẩn cấp triệu tập một cuộc họp với lãnh đạo thành phố Hà Nội và các bộ ngành để bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Là trung tâm kinh tế và văn hoá của đồng bằng Bắc bộ và cả nước, nên các hoạt động kinh tế và văn hoá thời điểm giáp Tết ở Hà Nội diễn ra rất nhộn nhịp. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật cũng diễn ra sôi động, nhất là các chương trình hài Tết và các chương trình nghệ thuật theo chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, Thủ đô đổi mới”.
Dưới đây là một vài hình ảnh của Hà Nội trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017.

Cảnh ùn tắc thường xuyên xẩy ra trên các đường phố ở Hà Nội dịp giáp Tết, kể cả trên các tuyến đường một chiều.
Ở Việt Nam thì ngay cả Tết cổ truyền cũng bị “chính trị hoá”, và Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ.
Quất và hoa lan là những loại cây trang trí Tết quen thuộc của người dân Hà Nội.
Hoa mai từ Miền Nam ra thủ đô đón Tết.
Chợ Hoa Tây Hồ, nơi tập trung đủ các loài hoa phục vụ nhu cầu của người dân Hà Nội. Đặc biệt, ở đây có rất nhiều loại hoa đào, kể cả các loại quý hiếm từ các tỉnh miền núi phía bắc đưa về.
Một quầy bán đủ các loại mứt trên phố cổ Hàng Đường.
Một quầy bán thiệp và phong bì lì xì trên phố Hàng Ngang.
Ở khu vực phố cổ, người ta quây cả phố Hàng Mã lại để biến thành chợ Tết, phục vụ cho nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Một đầu phố Hàng Mã được quây lại để biến thành chợ hoa Tết truyền thống, hoạt động từ ngày 20 tháng Chạp đến tận 30 Tết.

Bên trong chợ hoa Tết Hàng Mã là cả một thế giới đồ trang trí Tết.
Đồ trang trí hình con gà trở nên đắt khách trong dịp Tết Đinh Dậu.

Phóng sinh cá chép ở Hồ Tây ngày 23 tháng Chạp.
Những cây cảnh giá hàng triệu đồng đang chờ người giàu đến đem về chưng Tết…
…còn người nghèo thì vẫn miệt mài mưu sinh trong giá rét, chưa nghĩ gì đến Tết.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Wednesday, January 18, 2017

Ông Nguyễn Phú Trọng quyết tâm ‘Hán hoá’ đội ngũ lãnh đạo Việt Nam?

Lê Anh Hùng | VOA| 18.1.2017




Từ đào tạo cán bộ đến đào tạo cán bộ cấp cao
Lãnh đạo quốc gia thường là người ghi dấu ấn lớn nhất, thậm chí trong nhiều trường hợp là quyết định, đến tiến trình đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không phải là ngoại lệ. Chính vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo số 1 Việt Nam từ ngày 12 - 15/1/2017 đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bộc lộ cuồng vọng bá quyền, thách thức ngôi vị bá chủ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, còn cường quốc số 1 thế giới này thì sắp sửa chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Barack Obama và người kế nhiệm Donald Trump.
Mặc dù mới chỉ làm Tổng Bí thư 6 năm, nhưng chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Nguyễn Phú Trọng đã là chuyến thứ ba trên cương vị đó. Chừng ấy đủ cho thấy mức độ thần phục của ông ta đối với thiên triều trong mắt công chúng. Hai lần thăm Trung Quốc trước của ông Nguyễn Phú Trọng là vào tháng 10/2011 và tháng 4/2015, với kết quả là hai bản Tuyên bố chung Việt - Trung vô cùng tai hại, đẩy nước nhà ngày càng rơi vào vòng kiềm toả của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chừng ấy xem ra vẫn chưa đủ nên lần này quyết tâm của người đứng đầu Đảng CSVN trong việc biến Việt Nam thành “một bộ phận không thể tranh cãi của Trung Quốc” lại càng mãnh liệt hơn. Điều đó thể hiện qua các văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai bên trong chuyến thăm này. Trong số 15 văn kiện hợp tác thì văn kiện đầu tiên là “Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng CSVN và Đảng CSTQ”, cùng hàng loạt văn kiện nguy hại khác như “Công thư trao đổi về việc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng” hay “Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến năm 2025”, v.v.
Trong bản Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng từ ngày 11 - 15/10/2011, việc hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai bên chỉ được ghi chung chung là “mở rộng và đi sâu hợp tác đào tạo cán bộ Đảng, chính quyền” và “tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ [giữa hai Bộ Quốc phòng]”.
Bản Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng từ ngày 7 - 10/4/2015 cũng ghi chung chung là “đi sâu hợp tác về bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Đảng và chính quyền” và “tăng cường hợp tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ [giữa hai Bộ Quốc phòng]”.
Ngày 5/11/2015, tại Trụ sở Trung ương Đảng CSVN, TBT Nguyễn Phú Trọng và TBT/Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết nhiều văn bản, thoả thuận hợp tác giữa hai bên, trong đó có “Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2020”.
Trong bản Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 14/9/2016 nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Trung Quốc có nội dung “thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng (2016 - 2020)” mà hai bên đã ký kết ngày 5/11/2015.
Như vậy, dưới thời TBT Nguyễn Phú Trọng, việc hợp tác đào tạo cán bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đi từ những chỉ đạo chung chung tháng 10/2011 và tháng 4/2015, đến “Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng CSVN và Đảng CSTQ giai đoạn 2016-2020” tháng 11/2015, và cuối cùng là  “Thoả thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao” tháng 1/2017.
Thoả thuận hợp tác đào tạo năm 2017 khác với kế hoạch hợp tác đào tạo năm 2015. Tức là, những cán bộ Việt Nam được đưa sang Trung Quốc đào tạo theo thoả thuận hợp tác mới nhất này thuộc diện cán bộ cấp cao, hoặc là cán bộ nguồn cho những vị trí chủ chốt trong bộ máy.
Bàn tay lông lá của tình báo Hoa Nam
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội là người bị bắt ngày 11/9/2008 và bị Tòa án Nhân dân Tp Hà Nội kết tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự ngày 8/10/2009 với bản án bốn năm tù giam, bốn năm quản chế. Thời gian bị giam ở trại giam Nam Hà, anh được tiếp xúc với rất nhiều tù nhân phạm tội làm gián điệp cho Trung Quốc bị giam giữ ở đây. Thành phần làm gián điệp cho Trung Quốc rất đa dạng, có người là bộ đội biên phòng, có người làm trong ngành hải quan, có người là gián điệp của Việt Nam đánh sang Trung Quốc nhưng bị phát hiện rồi quay sang làm gián điệp cho địch, có người hoạt động kinh doanh, v.v. Đặc biệt nhất trong số tù nhân này là Phạm Minh Đức, sinh năm 1957, quê quán Hà Nội, từng là Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng. Với sự can thiệp từ phía Trung Quốc, ông ta chỉ phải nhận bản án 5 năm tù dù là “gián điệp loại 1”.
Tìm hiểu từ các đối tượng từng làm gián điệp cho Trung Quốc, anh Phạm Văn Trội cho biết: “Từ năm 1993 đến 2008 có 632 đoàn cán bộ Việt Nam sang Trung Quốc học tập mô hình ‘chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc’. Mỗi đoàn khoảng 20 đến 30 người, từ các ngành như quân đội, công an, hành chính, y tế, giáo dục, đặc biệt là hải quan, v.v. Tuần đầu sang Trung Quốc, họ được đưa đi thăm thú các danh lam thắng cảnh trên đất nước Trung Quốc. Sau đó, người của Cục Tình báo Hoa Nam dưới những vỏ bọc khác nhau sẽ tham gia đào tạo họ. Ngày thì học tập, tối thì mỗi cán bộ Việt Nam ở một phòng VIP và có mỹ nữ phục vụ. Dĩ nhiên, họ sẽ bị ghi hình lén để rồi rơi vào vòng khống chế của Trung Quốc lúc nào không hay. Chương trình đi học tập này do Ban Tổ chức TW tổ chức. Khi về nước, thông qua bàn tay chỉ đạo của Bắc Kinh, họ sẽ được đề bạt vào các chức vụ rồi dần dần vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đây là một hình thức cài cắm người của Tình báo Hoa Nam.”
Với bản chất “thâm như Tàu”, không cần phải nói thì ai cũng biết Trung Quốc là “bậc thầy” trong việc dụ dỗ, mua chuộc, gài bẫy… đối tượng, hoặc thậm chí là lung lạc, đe doạ đối tượng khiến họ đi đến chỗ bị thu phục.
Nguy cơ đội ngũ lãnh đạo cấp cao bị “Hán hoá”
Việc cử cán bộ sang Trung Quốc để được họ “đào tạo” rõ ràng là rất nguy hiểm, tiềm ẩn những hệ luỵ khôn lường không chỉ về chính trị mà đặc biệt là về an ninh quốc gia. Trong trường hợp những người được “đào tạo” là cán bộ cấp cao thì mức độ nguy hiểm lại càng lớn.
Việt Nam thì không thể “đào tạo cán bộ cấp cao” cho Trung Quốc được – đó là điều không cần phải bàn cãi. Vì vậy, thông qua văn kiện “hợp tác đào tạo” mới được ký kết ngày 12/1 vừa qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sẽ dần dần bị Trung Quốc kiểm soát, khống chế và thao túng, trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho mưu đồ thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh.
Với quyết tâm “Hán hoá” đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ thấp đến cao như vậy, lịch sử rồi đây sẽ “vinh danh” ông Nguyễn Phú Trọng như thế nào?

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 



Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Monday, January 16, 2017

Donald Trump sẽ chiến thắng trong cuộc chiến với giới tình báo

Ý tưởng cho rằng giới tình báo quyền lực hơn tổng thống là một sự nhầm lẫn.

Gideon Rachman | The Financial Times
Người dịch: Lê Anh Hùng




James Jesus Angleton, người phụ trách bộ phận phản gián của CIA từ năm 1954 đến 1975, từng mô tả thế giới của ông như một “rừng gương”. Lãnh đạo các cơ quan tình báo Hoa Kỳ hẳn cũng trải qua cái cảm giác mất phương hướng siêu thực tương tự, khi họ báo cáo Donald Trump tuần vừa qua.
Ba vị giám đốc của ba cơ quan là Tình báo Quốc gia, CIA và Cục Điều tra Liên bang (FBI) được giao nhiệm vụ mô tả một hoạt động tình báo của Nga. Khó khăn nằm ở chỗ, người hưởng lợi dự tính của hoạt động đó lại chính là ông Trump. Hơn thế, vị tổng thống đắc cử còn công khai giễu cợt chuyện giới tình báo theo dõi việc Nga xâm nhập máy tính trong cuộc bầu cử.

Sự xung khắc giữa vị tổng thống đắc cử và “cộng đồng tình báo” hùng mạnh của Mỹ đã khiến nhiều gã thông thái rởm cho rằng ông Trump đang phạm một sai lầm nguy hiểm. Người ta nói cộng đồng tình báo có thể dễ dàng gây bất ổn cho vị tân tổng thống. Ý tưởng theo đó giới tình báo hùng mạnh hơn bản thân tổng thống nghe có vẻ rất đời thực. Nhưng điều đó gần như chắc chắn là sai. Nếu có cuộc đấu đá giữa Nhà Trắng và các cơ quan tình báo thì rõ ràng ông Trump ở vào vị thế quyền lực hơn.
Những cấm cản về mặt pháp lý, chính trị và hành chính đối với việc các cơ quan tình báo theo dõi người Mỹ – chưa nói gì đến tổng thống – là rất đáng sợ. Quả thực giới tình báo thì đầy quyền lực và là những viên chức được chu cấp đầy đủ trong bộ máy ở Washington. Song kỹ năng chính của họ là thu hút sự chú ý của tổng thống trong cuộc đấu với các cơ quan chính phủ khác. Khi tổng thống chính là vấn đề thì những gì mà giới tình báo có thể làm lại trở nên kém rõ ràng hơn.
Trong bất kỳ cuộc chiến nào giữa giới tình báo với Nhà Trắng, giải pháp duy nhất mà cộng đồng tình báo viện đến là tiết lộ thông tin chống lại tổng thống. Song ở đây lại không có sự đảm bảo nào rằng điều đó sẽ đem lại hiệu quả.
Năm 2004, các quan chức CIA bị cáo buộc rộng rãi là đã tiết lộ thông tin chống lại chính quyền của George W Bush, phản ảnh sự không hài lòng của cơ quan tình báo này trước việc xử lý cuộc chiến tranh Iraq. Tờ Wall Street Journal thậm chí còn đăng bài xã luận nhan đề “Cuộc nổi loạn của CIA” và cáo buộc “một số quan chức cao cấp của CIA” “rõ ràng là tìm cách đánh bại Tổng thống Bush và bầu John Kerry”. Tuy nhiên, nếu việc thay đổi chính quyền thực sự là ý định thì CIA đã thất bại. Ông Bush đã được tái bầu.
Toàn bộ cuộc tranh cãi đã làm nổi lên sự khác biệt giữa hình ảnh quốc tế và hình ảnh quốc nội của các cơ quan tình báo Mỹ. Đối với giới cánh tả trên toàn cầu, CIA luôn bị coi là một tổ chức cánh hữu hiểm độc ủng hộ một trật tự thế giới phản động. Song ở Washington, CIA lại thường bị giới bảo thủ nghi ngờ khi tin rằng nó có thiên hướng tự do chủ nghĩa. Rốt cuộc, cơ quan này đầy rẫy những người với bằng cấp cao và kiến thức ngoại ngữ dồi dào, những kẻ luôn có xu hướng nêu lên những phản bác thực tế nhàm chán đối với thế giới quan của cánh hữu.
Mối quan hệ căng thẳng giữa một số cố vấn thân cận của ông Trump với các cơ quan tình báo có thể trở thành một chủ đề thường kỳ. Một trong những cốt truyện phụ hấp dẫn của cuộc gặp thứ Sáu tuần qua giữa ông Trump với các lãnh đạo tình báo là ở chỗ cuộc gặp đã đưa Michael Flynn và James Clapper vào cùng một phòng. Tướng Flynn sẽ lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia trong Nhà Trắng của ông Trump. Tuy nhiên, năm 2014 ông đã bị ông Clapper, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, cách chức khỏi vị trí giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng. Kể từ đó, tướng Flynn không ngớt kêu ca rầm rĩ rằng cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã không hiểu được mối đe doạ thực sự từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Với sự coi thường mà ông ta dành cho các cựu đồng nghiệp, sự căng thẳng giữa giới tình báo và Nhà Trắng có thể vượt xa ra ngoài vấn đề nước Nga.
Mặc dù ông Trump có ít lý do để lo sợ về những âm mưu gây bất ổn cho chính quyền của ông từ giới tình báo, việc gây sự với các cơ quan tình báo vẫn có thể là một ý tưởng tồi vì những lý do khác. Nhiều quyết định khó khăn nhất về chính sách đối ngoại mà ông phải đưa ra sẽ dựa trên những nhận định tình báo. Song ông Trump có thể cảm thấy khó khăn khi dẫn lời tình báo bí mật để ủng hộ hành động chống lại, chẳng hạn, Bắc Triều Tiên nếu xét tới chuyện ông đã công khai chế nhạo công việc của CIA.
Tuy nhiên, khả năng của ông Trump khi dũng cảm vượt qua với những mâu thuẫn và ngượng ngập lại có thể làm cho vấn đề không nghiêm trọng như vẻ bề ngoài. Vị tân tổng thống sẽ đơn giản là khẳng định rằng hoạt động của các cơ quan tình báo đã tiến bộ một cách cơ bản sau khi những người được bổ nhiệm bắt tay vào nhiệm vụ.
Ở chiều ngược lại, cộng đồng tình báo có đủ lý do để lo sợ Nhà Trắng của ông Trump. Ông Trump sẽ bổ nhiệm lãnh đạo của họ, ông sẽ kiểm soát hoạn lộ của họ và, nhận định qua nỗ lực của các nghị sỹ Đảng Cộng hoà nhằm nới lỏng các biện pháp bảo vệ bộ máy dân sự, ông có thể sớm có quyền sa thải họ nếu muốn.
Vấn đề “chính trị hoá” hoạt động tình báo thì chẳng lấy gì làm mới mẻ. Nó đã được nêu lên một cách cấp bách trong quá trình chính quyền tổng thống Bush hướng tới cuộc chiến ở Iraq. Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng công việc của giới tình báo là trình bày sự thật không tô vẽ cho tổng thống vẫn mang ý nghĩa cơ bản đối với cách thức mà người ta muốn hệ thống vận hành.
Ông Trump đã bày tỏ rất rõ ràng là có một số sự thật mà ông không háo hức nghe. Vụ lùm xùm về chuyện người Nga hack máy tính đã buộc vị tổng thống đắc cử phải dành cho lãnh đạo các cơ quan tình báo một buổi để lắng nghe họ trình bày. Song một khi ông đã an toạ trong Nhà Trắng, ông sẽ ở vào một vị thế tốt hơn nhiều để áp đặt ý chí và quan điểm của mình cho CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và FBI. Rốt cuộc, ông sẽ là ông chủ.

Tuesday, January 10, 2017

Kinh tế Việt Nam ‘hậu Nguyễn Tấn Dũng’: le lói hy vọng ‘thoát Trung’

Lê Anh Hùng | VOA| 10.1.2017



Thực trạng kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc là hiểm hoạ mà công luận đã lên tiếng từ nhiều năm nay. Mức độ lệ thuộc diễn ra ngày càng nặng nề dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là điều mà nhiều người cảm thấy khó lý giải, bởi họ tin ông Nguyễn Tấn Dũng không chỉ là nhân vật “chống Tàu” mạnh mẽ nhất trong ban lãnh đạo Việt Nam, qua những phát ngôn mạnh mẽ nhằm vào gã láng giềng khổng lồ “to xác, xấu bụng”, mà còn là nhân vật quyền lực nhất Việt Nam suốt một thời gian dài.
Vì thế, không ít người đã vội hình dung ra viễn cảnh kinh tế nước nhà sẽ còn tồi tệ hơn khi đứng đầu chính phủ  khoá XIV là một Nguyễn Xuân Phúc vốn bị coi là “phản bội” người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy nhiên, sau 9 tháng chèo lái nền kinh tế, xem ra chính phủ của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhen nhóm hy vọng “thoát Trung” về mặt kinh tế, ít nhất là trên phương diện số liệu thống kê.
Bảng 1: Số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2000 đến 2016 (Nguồn: Niên giám Thống kê 2000 - 2015 và báo chí nhà nước; các chỉ số do tác giả tập hợp và tính toán.)
Biểu đồ 1: Tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu qua các năm.
Nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2016 là 49,8 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 300 triệu USD so với năm 2015, tức 0,6%. Nếu không tính năm 2009 (năm kinh tế Việt Nam suy thoái và nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 3,5% trong bối cảnh tổng kim ngạch nhập khẩu giảm tới 13,34%) thì kể từ năm 2001, khi Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc, đây là năm mà giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc tăng thấp nhất. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 21,8 tỷ USD, tăng tới 4,7 tỷ USD so với năm 2015, tương đương 27,4%. Với tốc độ gia tăng ngoạn mục này, tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 12,4%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Nhờ nhập khẩu từ Trung Quốc hầu như không tăng, trong khi xuất khẩu sang thị trường này lại tăng mạnh, nên giá trị nhập siêu từ Trung Quốc năm 2016 chỉ còn 28 tỷ USD so với đỉnh cao 32 tỷ USD của năm 2015. Như vậy, giá trị nhập siêu từ Trung Quốc năm 2016 thấp hơn cả năm 2014. Và nếu không tính năm 2009 (năm cả tổng kim ngạch xuất khẩu lẫn tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đều giảm mạnh) thì kể từ khi Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc, đây là năm duy nhất nhập siêu từ Trung Quốc không những giảm mà còn giảm mạnh tới 13,6%.
Tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc do đó đã giảm từ đỉnh cao 29,9% năm 2015 xuống còn 28,7% năm 2016, thấp hơn cả con số của năm 2014 (29,5%).
Tuy thành tích trên đây của chính phủ Việt Nam “hậu Nguyễn Tấn Dũng” là khá ấn tượng, nhưng giá trị nhập siêu 28 tỷ USD từ Trung Quốc vẫn là quá lớn, gần như xoá nhoà thành tích xuất siêu 29,4 tỷ USD sang thị trường Mỹ. Đặc biệt, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 28,7% tổng kim ngạch nhập khẩu là con số vẫn còn quá cao, nếu xét phần lớn số này là hàng hoá chất lượng thấp, độc hại, hoặc tiềm ẩn những hiểm hoạ lâu dài về an ninh quốc phòng.
Ngoài ra, việc tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu gia tăng tuy là điều đáng mừng trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài đây cũng là điều đáng lo ngại, khi phần lớn hàng hoá xuất khẩu sang thị trường này là khoáng sản, nguyên liệu thô và nông sản. Đây là những loại hàng hoá hoặc gây ra hiện tượng “chảy máu khoáng sản”, hoặc không có giá trị gia tăng cao và dễ bị phía Trung Quốc dở những mánh khoé quen thuộc để bắt chẹt, lũng đoạn thị trường, khiến các nhà xuất khẩu, đặc biệt là người nông dân, bao phen điêu đứng.
Dù hy vọng “thoát Trung” về kinh tế xem ra đã được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhen nhóm, nhưng quãng thời gian 9 tháng vừa qua là chưa đủ để nói lên nhiều điều. Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp bị tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức khai tử, động lực tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ đã đuối sức, nợ công tăng cao, ngân sách cạn kiệt, năm 2017 thực sự là một năm đầy thách thức đối với chính phủ Việt Nam. Nếu không đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng thị trường hoá, tư nhân hoá, phi tập trung hoá, phi điều tiết hoá thì khủng hoảng kinh tế là một nguy cơ thực tế.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 



Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Monday, January 9, 2017

Chính sách “America First” của Trump và nguy cơ xung đột toàn cầu

Nouriel Roubini | The Guardian
Người dịch: Lê Anh Hùng



NEW YORK – Sự kiện Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ không chỉ cho thấy phản ứng dân tuý chủ nghĩa đang dâng cao trước quá trình toàn cầu hoá, mà có thể còn báo hiệu sự kết thúc của Pax Americana – trật tự quốc tế dựa trên tự do trao đổi và an ninh chung mà Hoa Kỳ và đồng minh thiết lập sau Thế chiến II.
Trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo đó đã tạo điều kiện cho 70 năm phát triển thịnh vượng. Nó dựa trên các chính phủ định hướng thị trường về tự do hoá thương mại, khả năng dịch chuyển vốn cao, cùng các chính sách phúc lợi xã hội phù hợp; nó được hậu thuẫn bởi cam kết an ninh của Mỹ ở Châu Âu, Trung Đông và Châu Á, thông qua NATO cùng nhiều liên minh khác.

Tuy nhiên, Trump có thể theo đuổi những chính sách dân tuý, chống toàn cầu hoá và bảo hộ, qua đó gây cản trở thương mại và hạn chế sự dịch chuyển của lao động và nguồn vốn. Và ông ta đã khiến các cam kết an ninh hiện hữu của Mỹ trở nên bất trắc khi gợi ý rằng ông ta sẽ buộc các nước đồng minh phải chi nhiều hơn để đảm bảo quốc phòng cho họ. Nếu Trump nghiêm túc khi đưa ra chính sách “nước Mỹ trước tiên”, chính quyền của ông ta sẽ chuyển chiến lược địa chính trị của Hoa Kỳ theo hướng chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa đơn phương, chỉ theo đuổi lợi ích quốc gia của mình.
Khi theo đuổi các chính sách tương tự trong thập niên 1920 và 1930, Hoa Kỳ đã góp phần gieo mầm mống cho Thế chiến II. Chủ nghĩa bảo hộ – bắt đầu với luật thuế nhập khẩu mang tên Smoot-Hawley, vốn ảnh hưởng đến hàng ngàn loại hàng hoá nhập khẩu – đã châm ngòi cho các cuộc chiến trả đũa về thương mại và tiền tệ, qua đó khiến cuộc đại suy thoái càng thêm trầm trọng. Quan trọng hơn, chủ nghĩa biệt lập Mỹ – vốn dựa trên niềm tin sai lầm rằng Hoa Kỳ được bảo vệ an toàn bởi hai đại dương – đã cho phép Đức Quốc xã và Nhật Bản tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược và đe doạ cả thế giới. Với trận Trân Châu Cảng tháng 12/1941, Hoa Kỳ cuối cùng buộc phải rút đầu ra khỏi cát.
Ngày nay cũng vậy, việc Hoa Kỳ quay sang chủ nghĩa biệt lập và theo đuổi lợi ích quốc gia thuần tuý có thể rốt cuộc sẽ dẫn đến xung đột toàn cầu. Ngay cả khi khả năng Hoa Kỳ rút khỏi Châu Âu không hiện hữu thì Liên minh Châu Âu và khu vực đồng Euro xem ra cũng đang rã đám, đặc biệt là sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rút khỏi EU hồi tháng 6 và chính phủ Italia thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp hồi tháng 12. Thêm vào đó, trong năm 2017, các đảng dân tuý cánh tả hoặc cánh hữu bài Châu Âu cực đoan có thể giành thắng lợi ở Pháp và Italia, và có thể tại các khu vực khác của Châu Âu.
Thiếu vắng sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ ở Châu Âu, một nước Nga hung hăng phục thù sẽ nhảy vào. Nga vẫn đang thách thức Mỹ và EU ở Ucraina, Syria, Baltic, Balkan, và họ có thể kiếm chác từ nguy cơ sụp đổ của EU bằng cách tái khẳng định ảnh hưởng của mình tại các quốc gia thuộc khối Soviet cũ, đồng thời ủng hộ các phong trào thân Nga trong phạm vi Châu Âu. Nếu Châu Âu dần dần đánh mất chiếc ô bảo trợ an ninh của Mỹ, không ai được hưởng lợi nhiều hơn Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các đề xuất của Trump cũng đe doạ làm xấu thêm tình hình ở Trung Đông. Ông ta từng nói là sẽ làm cho Hoa Kỳ độc lập về năng lượng. Điều này sẽ kéo theo việc từ bỏ lợi ích của Mỹ ở Trung Đông và dựa nhiều hơn vào các loại nhiên liệu hoá thạch gây phát thải khí nhà kính do trong nước sản xuất. Và ông ta cũng khẳng định rằng bản thân Hồi giáo là nguy hiểm, chứ không chỉ Hồi giáo cực đoan. Đây là quan điểm được chia sẻ bởi Cố vấn An ninh Quốc gia sắp tới của Trump là tướng Michael Flynn. Nó trực tiếp cổ vũ cho cách diễn giải về sự xung đột giữa các nền văn minh mà các chiến binh Hồi giáo vẫn tuyên truyền.   
Trong khi đó, lập trường “nước Mỹ trước tiên” dưới thời Trump có thể sẽ làm xấu thêm các cuộc chiến uỷ nhiệm Sunni-Shia kéo dài giữa Saudi Arabia và Iran. Và nếu Hoa Kỳ không tiếp tục bảo đảm an ninh cho các đồng minh Hồi giáo Sunni thì tất cả các cường quốc khu vực – bao gồm Iran, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập – có thể sẽ quyết định rằng họ khả dĩ tự bảo vệ mình bằng cách duy nhất là sở hữu vũ khí hạt nhân, và cuộc xung đột thậm chí còn đẫm máu hơn sẽ diễn ra sau đó.
Tại Châu Á, vị thế độc tôn về kinh tế và quân sự của Mỹ đã tạo ra nhiều thập kỷ ổn định, nhưng một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy lại đang thách thức cấu trúc hiện hành. Chính sách xoay trục chiến lược của Tổng thống Barack Obama phụ thuộc trước hết vào việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước, điều mà Trump đã hứa là sẽ dẹp bỏ ngay trong ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng. Trong khi đó, Trung Quốc đang nhanh chóng củng cố các mối quan hệ kinh tế của họ ở Châu Á, Thái Bình Dương và Châu Mỹ Latin thông qua chính sách “một vành đai, một con đường”, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á, Ngân hàng Phát triển mới (trước kia được gọi là Ngân hàng BRICS), cùng đề xuất thương mại tự do khu vực để cạnh tranh với TPP.
Nếu Hoa Kỳ không còn trông chờ gì từ các đồng minh Châu Á như Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan thì các quốc gia này có thể không còn lựa chọn nào khác mà phải phủ phục trước Trung Quốc; còn các đồng minh khác, như Nhật Bản và Ấn Độ chẳng  hạn, có thể buộc phải quân sự hoá và công khai thách thức Trung Quốc. Vì thế, việc Hoa Kỳ rút khỏi khu vực rất có thể cuối cùng sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự ở đây.
Như trong thập niên 1930, khi các chính sách bảo hộ và biệt lập chủ nghĩa của Mỹ gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, và tạo điều kiện cho các cường quốc xét lại chủ nghĩa khởi sự một cuộc thế chiến, những thiên hướng chính sách tương tự có thể mở đường cho các cường quốc mới thách thức và làm suy yếu trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo. Một chính quyền theo chủ nghĩa biệt lập của Trump có thể nhìn thấy hai đại dương tới bờ biển phía đông và phía tây của nó, và cho rằng các cường quốc ngày càng tham vọng như Nga, Trung Quốc và Iran không đe doạ trực tiếp đến an ninh nội địa.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là một cường quốc kinh tế và tài chính toàn cầu trong một thế giới gắn bó mật thiết với nhau. Nếu không ngăn chặn, các quốc gia này rốt cuộc sẽ đủ sức đe doạ những lợi ích kinh tế và an ninh cốt lõi của Mỹ – ở trong và ngoài nước – đặc biệt là nếu họ mở rộng năng lực hạt nhân và chiến tranh mạng. Lịch sử đã ghi rõ: chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa biệt lập và chính sách “nước Mỹ trước hết” là một công thức dẫn đến thảm hoạ kinh tế và quân sự.
*Tác giả Nouriel Roubini là giáo sư tại Học viện Kinh tế Stern của Đại học New York và từng là Chuyên gia Kinh tế Cao cấp về Quốc tế vụ trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng dưới thời Bill Clinton.

Nguồn:The Guardian | Việt Nam Thời Báo | 9.1.2017

Friday, January 6, 2017

Lũ chồng lũ ở Miền Trung: còn đến bao giờ?

Lê Anh Hùng | VOA| 6.1.2017




Lũ lụt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, mưa lũ trong Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ Miền Trung diễn ra tại Hà Nội ngày 17/12, từ giữa tháng 10/2016 đến nay, mưa lũ ở Miền Trung đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương... Ước tính, tổng thiệt hại tài sản lên đến gần 8.600 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do mưa lớn cộng với việc xả lũ của các hồ thuỷ điện.
Hiện tượng mưa lớn thì xưa nay hầu như năm nào cũng xẩy ra, song chỉ những năm gần đây, với sự nở rộ của hàng loạt công trình thuỷ điện đủ loại, mỗi năm các tỉnh Miền Trung mới phải gồng mình gánh chịu hết trận lũ này đến trận lũ khác như vậy. Lũ trước chưa kịp rút thì lũ sau đã tràn đến, thiệt hại về người và tài sản không sao đong đếm xuể. Rõ ràng, mưa lớn là nguyên nhân khách quan, không tránh được, nhưng việc xả lũ của các hồ thuỷ điện là nguyên nhân chủ quan, do yếu tố con người gây nên. Vì thế, câu hỏi bức thiết không thể không đặt ra ở đây là: Bao giờ người dân Miền Trung mới thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên “thuỷ điện xả lũ” này?

Để đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi trên, chúng ta cần trả lời hai câu hỏi quan trọng là (i) các nhà máy thuỷ điện ở Miền Trung được quy hoạch như thế nào? và (ii) quy hoạch đó được thực hiện như thế nào?
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay trên cả nước có 306 dự án thuỷ điện với tổng công suất lắp máy 15.474,3 MW đang vận hành phát điện; 193 dự án (5.662,66 MW) đang thi công xây dựng; 245 dự án (3.006 MW) đang nghiên cứu đầu tư; còn lại 59 dự án (421,88 MW) có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát. Về quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn: đã vận hành phát điện 61 dự án (13.101,10 MW); đang thi công xây dựng 31 dự án (3.580,50 MW); đang nghiên cứu đầu tư 15 dự án (730,50 MW); có 3 dự án (128 MW) chưa cho phép nghiên cứu đầu tư. Tức là vẫn còn hàng trăm dự án thuỷ điện đang trong giai đoạn thi công hay nghiên cứu đầu tư, và điều này đồng nghĩa với việc vấn nạn do thuỷ điện gây ra sẽ còn nghiêm trọng hơn những gì mà người ta đã được chứng kiến.
Đáng quan ngại hơn, các dự án thuỷ điện đó lại ra đời trong bối cảnh Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, chưa xây dựng được một quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nào, trong khi quy hoạch tổng hợp lưu vực sông lại là căn cứ để hoàn thiện, điều chỉnh quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các ngành, trong đó có thủy điện, thủy nông.
Theo VOVngày 12/9/2013 thì vì chưa có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nên ngưỡng giới hạn khai thác nước đối với các dòng sông chưa được xác định và công bố, dẫn đến hiện tượng ‘bùng nổ’, lạm phát công trình, đặc biệt là những công trình thủy điện trên các lưu vực sông. Trong một năm, có khi có cả chục công trình thủy điện với công suất 30 MW, dung tích hồ chứa trên 500 triệu m3 nước hoặc vài chục công trình thủy điện vừa và nhỏ cùng được khởi công xây dựng. Thậm chí, nhiều nơi có tới 3 đến 5 công trình thủy điện cùng mọc lên trên một lưu vực sông. Căn cứ theo số liệu tổng hợp về số công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, kể cả các công trình đang vận hành, đang xây dựng và trong quy hoạch thì mật độ trung bình các hồ chứa trên các lưu vực sông ở Việt Nam là 94 km2/hồ. Nếu chấp nhận chỉ tiêu hợp lý bố trí công trình hồ chứa là khoảng 250-300 km2/hồ của Hội Thủy năng Quốc tế về hướng dẫn thủy điện bền vững thì mật độ công trình hồ chứa như trên là thiếu tính bền vững về môi trường và tài nguyên.
Chưa hết, trong quá trình thi công, chủ đầu tư các dự án thuỷ điện, vì lợi nhuận cùng sự giám sát lỏng lẻo của cơ quan chức năng, đều tìm cách giảm dung tích hồ chứa so với thiết kế ban đầu (vốn dĩ đã không đủ lớn) nhằm giảm chi phí đầu tư. Hậu quả là hầu hết các hồ chứa thuỷ điện đều không thực hiện được chức năng cắt lũ, giảm lũ, làm chậm lũ vào mùa mưa và bổ sung dòng chảy trên sông vào mùa khô. Chẳng hạn, dung tích phòng lũ các hồ chứa thủy điện bậc thang trên sông Vu Gia - Thu Bồn giảm chỉ còn hơn 145 triệu m3 so với trên 1 tỷ m3 như quy hoạch ban đầu (tức vỏn vẹn hơn 14%). Do vậy, mỗi khi lũ về, thay vì góp phần ngăn lũ thì các nhà máy thuỷ điện lại (buộc phải) đồng loạt xả lũ ồ ạt, và hậu quả tất yếu là hạ du bị nhấn chìm trong biển lũ.
Như vậy, để khắc phục thảm trạng này người ta không còn cách nào khác là phải giảm mật độ công trình hồ chứa trên các lưu vực sông, nhằm đảm bảo tính bền vững về môi trường và tài nguyên, đồng thời tăng dung tích của các hồ chứa còn lại – một đòi hỏi xem ra là rất khó thực hiện. Ngoài ra, các dự án thuỷ điện đang trong quá trình thi công hoặc sắp được khởi công cần phải được giám sát chặt chẽ về cả quy hoạch, thiết kế lẫn thi công. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu đó, người dân Miền Trung không chỉ phải tiếp tục gánh chịu “kiếp nạn” mang tên thuỷ điện, mà mức độ thảm hoạ do nó gây ra sẽ ngày càng lớn, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã trở thành mối đe doạ ngày một cấp bách và mang tính toàn cầu.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Monday, January 2, 2017

Vì sao Trần Xuân Bách mới chưa xuất hiện ở Việt Nam?

Lê Anh Hùng | VOA| 3.1.2017




Sự sụp đổ của Liên bang Soviet năm 1991 đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản với tư cách là một ý thức hệ mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ áp dụng chính sách cai trị bàn tay sắt, hoặc thực hiện đường lối cải cách kinh tế, hoặc kết hợp cả hai sách lược đó nên thế giới hiện vẫn còn 5 quốc gia mà trên danh nghĩa là theo ý thức hệ cộng sản – đó là Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba và Lào.
Dù vậy, theo đúng quy luật, các chế độ độc tài này sớm muộn gì cũng đi đến chỗ tiêu vong. Và, giống như ở Liên bang Soviet, ở các quốc gia cộng sản Đông Âu, hay ở bất kỳ hệ thống nào khác, không phải các nhân tố bên ngoài mà chính những tác nhân bên trong mới là yếu tố quyết định dẫn đến sự sụp đổ tất yếu đó.
Trong số các nhân tố nội tại thì ngoài những sai lầm mang tính hệ thống, sự thúc đẩy của những thành phần cấp tiến trong bộ máy cũng góp phần đặc biệt quan trọng khiến các chế độ độc tài cộng sản đi đến chỗ sụp đổ nhanh hơn và ít tổn thất hơn, mà trường hợp Boris Yeltsin của Nga là một ví dụ điển hình.

Ở Việt Nam, cố Uỷ viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách (1924-2006), người từng cổ suý mạnh mẽ cho công cuộc cải tổ theo xu hướng đa nguyên, đa đảng khi còn đương chức, là một nhân vật như thế. Tuy nhiên, trong bối cảnh đường lối cải cách, cấp tiến chưa trở thành một xu thế rõ rệt trong Đảng CSVN, lực lượng bảo thủ vẫn còn áp đảo trên chính trường, Trần Xuân Bách đã quá đơn độc. Và chỉ ba tháng sau bài phát biểu công khai kêu gọi đa nguyên, đa đảng và cải tổ chính trị song song với cải cách kinh tế, ông đã bị phê phán kịch liệt trong Hội nghị Trung ương 8 khoá VI tháng 3 năm 1990 rồi bị trục xuất khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Bị cô lập và gần như là bị quản thúc tại gia giữa lúc phong trào dân chủ trong xã hội chưa kịp manh nha, Trần Xuân Bách im hơi lặng tiếng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 1/1/2006. Tuy sớm bị vùi dập, nhưng tiếng nói của ông vẫn là phát pháo hiệu, không chỉ báo hiệu tương lai dân chủ của đất nước, mà còn cho thấy tương lai đó có cả sự ươm mầm và đóng góp quan trọng của chính những người nằm trong guồng máy của chế độ độc tài cộng sản. Những gì ông nêu lên 27 năm trước cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Kể từ đấy, công chúng Việt Nam vẫn mỏi mắt trông chờ một Trần Xuân Bách mới. Và mặc dù phong trào dân chủ trong xã hội đã tương đối phát triển, bối cảnh trong và ngoài nước đã thuận lợi, nhu cầu thay đổi đã trở nên bức thiết, người ta vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng của một nhân vật như thế. Cho đến nay, Trần Xuân Bách vẫn là nhân vật cao cấp nhất trong bộ máy lên tiếng đòi thay đổi một cách công khai và mạnh mẽ khi còn đương chức.
Để lý giải cho thực trạng trên, từ hiểu biết khiêm tốn của mình, chúng tôi xin nêu ra vài nguyên nhân chủ yếu dưới đây.
Sự tha hoá của hệ thống
Trước đây, những đảng viên cộng sản như Hoàng Minh Chính, Trần Độ hay Trần Xuân Bách đều là những người sùng tín chủ nghĩa Marx - Lenin. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, nơi những tín điều của chủ nghĩa Marx - Lenin và “đạo đức cộng sản” vẫn chi phối cách ứng xử của các thành viên trong xã hội, nơi phần lớn mọi thứ của cải vốn dĩ đã khan hiếm của xã hội đều được phân phối theo kiểu bình quân chủ nghĩa, nơi không có nhiều thứ cám dỗ để người ta dễ đánh mất mình… những người “cộng sản chân chính” như họ vẫn có nhiều cơ hội để bước lên những nấc thang quyền lực. Và đến khi họ ngộ ra được chân lý, nhận ra được thực tế phũ phàng của cái gọi là “hiện thực xã hội chủ nghĩa” và cất lên tiếng nói của lương tri, của lý trí thì họ vẫn giữ được đạo đức, phẩm hạnh của mình. Lúc đó, nhà cầm quyền không còn cách nào khác ngoài việc cô lập, gạt họ ra khỏi guồng máy, hoặc thậm chí là tống vào tù, trong bối cảnh họ đã trở thành một biểu tượng cả về đạo đức lẫn chính trị, tức là hội đủ cả tâm lẫn tầm trong con mắt công chúng.
Tuy nhiên, sau khi Đảng CSVN buộc phải tiến hành cái gọi là “Đổi mới” từ năm 1986, thực chất là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang một nền kinh tế tư bản hoang dã mà ở đó các nhóm lợi ích thoả sức tác oai tác quái, guồng máy công quyền gần như ngay lập tức biến thành một cỗ máy tham nhũng khổng lồ và hoạt động ngày càng trơn tru. Để leo lên đến địa vị của những Hoàng Minh Chính, Trần Độ hay Trần Xuân Bách trong bộ máy hiện hành, hầu như ai ai cũng đều dính đến tham nhũng, tiêu cực. Đơn giản, nếu không như thế thì họ sẽ ngay lập tức bị loại ra khỏi “đội hình”, sẽ không có tiền để “bôi trơn” chỗ này chỗ nọ trong những dịp bầu bán, thăng bạt, v.v. Nghĩa là, khi công chúng còn chưa kịp nhận ra được cái “tầm” của họ thì cái “tâm” trong con người họ đã bị tha hoá từ lúc nào không hay.
Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An từng một thời khiến công chúng Việt Nam nức lòng nức dạ qua bài “Nguyên Chủ tịch Quốc hội bàn về phương thức cầm quyền của Đảng” trên VietNamNetngày 6/12/2010: lần đầu tiên một cựu lãnh đạo chóp bu của chế độ ví Đảng CSVN như một ông vua, không phải ông vua thời phong kiến mà là vua tập thể thời xã hội chủ nghĩa, và đòi hỏi phải thay đổi. Người ta kỳ vọng ông sẽ tiếp quản ngọn cờ mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại, hầu chí ít là trở thành thủ lĩnh tinh thần cho phong trào dân chủ hoá đất nước. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn lên tiếng khá mạnh mẽ, ngài cựu Chủ tịch Quốc hội đột nhiên im bặt, trong khi người con trai Nguyễn Sỹ Hiệp của ông thì trở thành thư ký Thủ tướng, trợ lý Thủ tướng rồi Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Sự khuynh loát của lực lượng công an
Chế độ cộng sản không chỉ là một hệ thống “đảng trị” mà còn mang đậm bản sắc “công an trị”. Bộ máy công an thao túng gần như mọi mặt của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước, khắp nơi đâu đâu cũng có “tai mắt” (“đặc tình”) của họ.
Vì thế, bất kỳ biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hoá” nào của đội ngũ quan chức cũng đều khó thoát khỏi con mắt cú vọ của lực lượng “còn đảng còn mình”, để rồi bị đội quân kiêu binh này nắm “thóp”, kiểm soát và sẵn sàng vô hiệu hoá bằng đủ mọi mưu ma chước quỷ.
Sự thao túng của Bắc Kinh
Bên cạnh an ninh cộng sản, ở Việt Nam còn có sự hiện hữu của một đội quân chuyên hoạt động trong bóng tối khác mà giới quan chức CSVN luôn phải dè chừng – đó là Cục Tình báo Hoa Nam của Trung Quốc. Đây là lực lượng thường xuyên theo dõi, mua chuộc, gài bẫy, thu thập bằng chứng phạm tội của giới quan chức Việt Nam… hòng khống chế, thao túng và biến họ thành tay sai phục vụ đắc lực cho các ông chủ Trung Nam Hải, đồng thời tìm cách vô hiệu hoá những nhân vật có xu hướng cải cách, thân phương Tây hay chống Trung Quốc.
Mặc dù dính đến rất nhiều tai tiếng về tham nhũng nhưng cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn từng được kỳ vọng sẽ là nhân vật khởi xướng công cuộc dân chủ hoá đất, với những câu phát ngôn rất dễ đi vào lòng người về chủ quyền biển đảo, về tự do dân chủ, về pháp quyền, v.v. (Điều này cho thấy một thực tế là dân tộc Việt Nam vốn bao dung, luôn sẵn sàng tha thứ cho những đứa con lầm lạc biết “đoái công chuộc tội”.)
Tuy nhiên, đáng tiếc là người ta đã đặt niềm tin không đúng chỗ: Nguyễn Tấn Dũng trên thực tế là một “con bài” vô cùng đắc dụng trong chiến lược thôn tính Việt Nam của Trung Quốc, là đối tượng bị cáo buộc phản bội Tổ quốc trong một vụ tố cáo đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến bàn tay lông lá của Bắc Kinh ở Việt Nam. (Mặc dù vụ việc đã kéo dài từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết đúng pháp luật.)
Những bước ngoặt trong lịch sử nhân loại luôn mang đậm dấu ấn của những cá nhân xuất chúng. Lịch sử Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Hơn bao giờ hết, nhu cầu thay đổi ở Việt Nam đang ngày càng trở nên cấp thiết, trong bối cảnh sự tồn tại của hệ thống hiện hành chỉ còn tính bằng năm. “Thời thế tạo anh hùng”, một Trần Xuân Bách mới, hay thậm chí một Boris Yeltsin của Việt Nam, sớm muộn gì cũng xuất hiện khi kết cục tất yếu diễn ra.  

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA