Monday, December 5, 2016

Sau 25 năm, chiến thắng của phương Tây đã trở thành dĩ vãng

Người dịch: Lê Anh Hùng




Donald Trump. (Carlo Allegri/Reuters)
Hai mươi lăm năm trước – tháng 12 năm 1991 – chủ nghĩa cộng sản tàn lụi, chiến tranh lạnh kết thúc và Liên bang Soviet biến mất. Đây là sự sụp đổ lớn nhất của một đế chế trong lịch sử hiện đại, và người ta không nghe thấy một tiếng súng nào. Đó là một sự kiện hết sức trọng đại mà thế hệ tôi từng nghĩ là sẽ không bao giờ được chứng kiến trong đời. Như Wordsworth từng hứng khởi viết (về cuộc cách mạng Pháp): “Hạnh phúc thay khi sống trong buổi bình minh / Song tuổi trẻ mới là thiên đường đích thực.”
Buổi bình minh đó đánh dấu chiến thắng tột đỉnh của ý tưởng dân chủ - tự do. Nó hứa hẹn một kỷ nguyên thống trị của phương Tây dưới sự lãnh đạo của một nước Mỹ ưu trội, cường quốc còn lại cuối cùng của thế giới.

Và điều đó đã diễn ra trong suốt một thập kỷ khi cộng đồng các quốc gia dân chủ lan rộng, đầu tiên là sang Đông Âu và các nước thuộc địa cũ của Liên Xô. Sự thống trị của Hoa Kỳ lớn đến mức, khi nó từ bỏ một trong những tài sản địa chiến lược giá trị nhất – kênh đào Panama – vào ngày 31/12/1999 mà không một ai để ý.
Kỷ nguyên đó đã lui vào dĩ vãng. Các chế độ độc tài cá nhân đã trở lại và đang trỗi dậy; chế độ dân chủ đang lui vào thế phòng thủ; nước Mỹ thoái lui. Chẳng cần nhìn đâu xa hơn Aleppo. Cuộc kháng chiến do phương Tây hậu thuẫn chống lại tên bạo chúa sở tại – kẻ được hậu thuẫn bởi một nước Nga đang trỗi dậy, một Iran đang bành trướng và một đội chiến binh uỷ nhiệm Shiite hùng hậu – đang chực chờ tan rã. Người Nga cứ việc thả bom, còn người Mỹ thì cứ ra tuyên bố.
Liệu còn biểu tượng nào tốt hơn cho sự kết thúc của giai đoạn lịch sử tự do - dân chủ hào hùng đó? Phương Tây đang hướng nội và quay về nhà, để mặc hiện trường cho giới độc tài đang trỗi dậy – Nga, Trung Quốc và Iran. Ở Pháp, ứng cử viên tổng thống mới được chỉ định của đảng bảo thủ thì mang quan điểm bảo thủ và dân tuý như một thứ mốt thời thượng, đồng thời thể hiện lập trường mềm mỏng với Vladimir Putin. Một số nền dân chủ trẻ tuổi hơn ở Đông Âu – Hungary, Bulgaria và thậm chí Ba Lan – cũng đang cho thấy xu hướng độc tài.
Và ngay giữa lúc Châu Âu đang mỏi mệt với lệnh trừng phạt nhằm vào Nga bởi hành vi cưỡng chiếm Ucraina thì chính sách “cô lập” Nga vốn được nhiều người ca tụng của Tổng thống Obama lại kết thúc một cách đáng hổ thẹn, bởi ngoại trưởng của chúng ta cứ liên tục cắp mũ sang Nga xin rủ lòng thương ở Syria.
Liên minh Châu Âu, câu lạc bộ dân chủ lớn nhất trên trái đất, có thể sẽ tự tan rã sớm khi những phong trào tương tự như Brexit lan khắp châu lục. Cùng lúc đó, các quốc gia thành viên EU lại vội vã một cách khó coi để nối lại quan hệ kinh tế với một Iran bạo ngược và hung hăng.
Về phần Trung Quốc, kẻ thách thức vĩ đại khác đối với trật tự thế giới hậu chiến tranh lạnh, chiến lược “xoay trục” của chính quyền Obama đã thất bại hoàn toàn. Philippines thì công khai đào tẩu sang Bắc Kinh. Malaysia nối gót Manila. Và số đồng minh Châu Á còn lại của chúng ta thì đang bắt đầu phân tán giỏ trứng của họ. Khi Chủ tịch Trung Quốc phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru tháng trước, ông ta đề xuất là Trung Quốc sẵn sàng tiếp nhận các hợp phần của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện đã bị cả hai chính đảng ở Hoa Kỳ từ bỏ.
Sự thoái lui của phương Tây bắt đầu với Obama, người đã phản ứng với sự thái quá (mà người ta cảm nhận được) của hậu thảm hoạ 9/11 bằng cách từ bỏ Iraq, đề xuất chính sách xoa dịu (“tái khởi động”) với Nga và điều chỉnh thích ứng với Iran. Năm 2009, ông ta còn từ chối cả sự ủng hộ bằng ngôn từ dành cho cuộc cách mạng đại chúng chống lại sự cai trị của giới lãnh đạo Hồi giáo Shiite.
Donald Trump muốn tiếp tục thoái lui, cho dù vì những lý do hoàn toàn khác. Obama ra lệnh rút lui bởi ông ta luôn cảm thấy Hoa Kỳ không đủ tốt cho thế giới, với quá nhiều khiếm khuyết để có thể giành được quyền đạo đức hầu thống trị thế giới. Trump rồi sẽ nối gót Obama, khinh rẻ đồng minh và tránh xung đột, bởi thế giới không đủ tốt với chúng ta – những kẻ ngoại quốc ăn bám, vô ơn, không xứng đáng đang sống an toàn dưới sự che chở của chúng ta và từ sự hy sinh của chúng ta. Đã đến lúc phải quan tâm đến những lợi ích riêng của người Mỹ chúng ta. 
Luận điểm của Trump không phải mới mẻ gì. Khi chiến tranh lạnh đi dần tới hồi kết năm 1990, Jeane Kirkpatrick, một nhà tân bảo thủ điển hình, từng lập luận rằng chúng ta giờ đây cần trở thành “một quốc gia bình thường trong một thời đại bình thường”. Đã đến lúc phải từ bỏ gánh nặng của thế kỷ 20 trong việc duy trì trật tự thế giới và thực thi những nỗ lực siêu nhân vì những giá trị phổ quát. Hai thế hệ chiến đấu chống chủ nghĩa fascist và chủ nghĩa cộng sản đã là quá đủ. Chẳng phải là chúng ta chưa từng được nghỉ ngơi thảnh thơi hay sao?
Vào thời điểm đó, tôi lập luận rằng chúng ta quả thực là đã giành được khoảng thời gian nghỉ ngơi thảnh thơi, song một lịch sử độc ác sẽ không cho phép chúng ta tận hưởng điều đó. Sự nghỉ ngơi đòi hỏi một thế giới tưởng tượng mà ở đó sự ổn định mang tính chất tự tại và không cần tới nước Mỹ. Không phải vậy. Chúng ta sẽ phải hứng chịu tình trạng hỗn loạn chứ phải một khoảng lặng thảnh thơi nào.
Một phần tư thế kỷ sau, chúng ta lại đối mặt với sự cám dỗ tương tự, song lần này lại trong bối cảnh nhiều thách thức hơn. Phong trào thánh chiến Hồi giáo (Jihadism) trên bình diện thế giới đã trở thành một phần của cuộc chiến, và những gì chúng ta tận hưởng chẳng có gì là giống với sự thống trị mà chúng ta từng áp đặt lên những kẻ thù quy ước trong suốt kỳ nghỉ thập niên 1990.
Chúng ta có thể chọn nghỉ ngơi, nhưng chúng ta sẽ không nhận được điều đó.

No comments:

Post a Comment